Chương 1
Trong căn phòng một giọng nói ngọt ngào đang đọc một bảng kê liên quan đến việc sản xuất gang. Tiếng nói xuất phát từ một tấm kim khí thuôn dài giống như một tấm gương xỉn gắn trên mặt tường phải. Winston vặn một nút và tiếng nói giảm xuống tuy vẫn còn nghe được từng chữ. Máy đó (gọi là máy truyền hình) có thể bị giảm âm nhưng không có cách nào tắt hẳn nó. Winston bước tới cửa sổ. Anh là một người nhỏ bé mảnh khảnh, dáng gầy được tăng bởi bộ áo liền quần xanh, đồng phục của Đảng. Tóc anh rất vàng, mặt anh đỏ tự nhiên, da anh bị chai cứng bởi sà phòng xoàng, dao cạo cùn và tiết lạnh mùa đông mới hết.
Ngoài trời, ngay qua kính cửa sổ đóng, thế giới có vẻ lạnh lẽo. Dưới phố, những xoáy gió nhỏ làm quay xoắn bụi và giấy rách; mặc dầu mặt trời đang chiếu và trời xanh rát, hình như không vật gì có mầu ngoài những tấm bích chương dán khắp nơi. Bộ mặt râu đen nhìn xuống từ mỗi nơi trọng yếu. Có một bộ ngay bên kia nhà. BÁC ĐANG NHÌN BẠN, lời thuyết minh ghi vậy, trong khi cặp mắt đen nhìn xòng xọc vào mắt Winston. Dưới đường, một bích chương khác bị rách một góc đập đều theo gió làm ẩn hiện mỗi chữ ANH XÃ. Ngoài xa, một chiếc trực thăng len giữa mái nhà, lượn một hồi như nhặng, rồi thoáng bay vòng trở lại. Đó là đội cảnh sát tuần tr.a chõ mũi vào cửa sổ nhà dân chúng. Tuy nhiên đội tuần tr.a không ăn nhập gì. Chỉ có Cảnh Sát Tư Tưởng mới đáng kể.
Sau lưng Winston tiếng máy truyền hình vẫn xì xồ về gang và dư quả của kế hoạch ba năm thứ chín. Máy đồng thời vừa thâu vừa truyền. Tiếng động nào lớn hơn tiếng thì thầm do Winston gây ra cũng có thể bị thâu; lại nữa, anh còn ở trong phạm vi thị giác của tấm kim khí, anh còn có thể bị nhìn cũng như bị nghe. Dĩ nhiên, không có cách nào biết được khi nào mình đang bị nhìn. Bao lần và theo hệ thống nào Cảnh sát Tư Tưởng mắc điện rình đường dây mỗi cá nhân, không ai đoán được. Chửa biết chừng họ không ngưng dòm xét tất cả mọi người. Dầu sao mặc lòng, họ có thể bắt rình đường dây của bạn mỗi khi họ muốn. Bạn phải sống — và sống với thói quen đã trở thành linh tính — với ý nghĩ rằng mỗi tiếng động bạn làm đều bị nghe thấy và, trừ phi ở trong bóng tối, mỗi cử động của bạn đều bị dò xét.
Winston giữ cho lưng quay về phía máy truyền hình. Như vậy thận trọng hơn dù anh thừa biết rằng ngay lưng cũng có thể lộ tẩy anh. Cách đây một cây số, Bộ Sự Thật, nơi anh làm việc, dựng đứng khối rộng trắng trên phong cảnh thê lương. Đây là Luân Đôn, anh nghĩ với một niềm chán ghét mơ hồ, đây là Luân Đôn, thủ đô của Vùng Một Không Quân, tỉnh đông dân cư thứ ba của Đại Dương. Anh cố nặn khỏi óc một vài kỷ niệm ấu thời xem Luân Đôn có vẫn từng như thế này hay không. Vẫn có chăng các phối cảnh nhà nát của thế kỷ mười chín với xà dựng chống đỡ bên hông, với bìa vá cửa sổ, với tôn sóng trát mái, và với bờ rào vườn hoang nghiêng ngả ? Vẫn có chăng các vị trí bị oanh tạc với bụi thạch cao xoắn trong không trung và cỏ liễn diệp dăng tràn trên các đống vôi gạch đổ nát ? Còn các nơi do bom khai quang thành một khoảng rộng trên đó mọc lên cả tập đoàn gian nhà gỗ nhơ nhớp y như chuồng gà ? Nhưng vô ích, anh không nhớ ra; tuổi thơ ấu của anh không để lại gì ngoài một loạt hình ảnh sáng chói không bối cảnh và phần đông khó hiểu.
Bộ Sự Thật — Bộ Thật theo Ngôn Mới — nổi hẳn trên mọi vật xung quanh. Đó là một kiến trúc hình tháp to lớn làm bằng cốt thép trắng xóa, vươn cao hết gác thượng này lên gác thượng kia tới ba trăm thước trên không. Từ chỗ Winston đứng có thể đọc được ba khẩu hiệu của Đảng được khắc một cách thanh nhã trên nền mặt trắng của tháp:
CHIẾN TRANH LÀ HÒA BÌNH
TỰ DO LÀ NÔ LỆ
DỐT NÁT LÀ SỨC MẠNH
Nghe đâu Bộ Sự Thật gồm ba nghìn phòng trên lầu và từng đó chi nhánh dưới nhà. Rải rác khắp Luân Đôn chỉ có ba tòa nhà khác có hình dáng và kích thước tương tự. Mấy tháp ấy đè bẹp kiến trúc xung quanh đến nỗi từ nóc Nhà Chiến Thắng người ta có thể nhìn thấy cả bốn một lúc. Đó là trụ sở của bốn bộ chia nhau guồng máy nhà nước. Bộ Sự Thật lo việc thông tin, giải trí, giáo dục và mỹ thuật. Bộ Hòa Bình liên quan đến chiến tranh. Bộ Tình Yêu duy trì luật lệ và trật tự. Còn Bộ Sung Túc chịu trách nhiệm về kinh tế. Tên các bộ theo Ngôn mới là: Bộ Thật, Bộ Bình, Bộ Yêu, Bộ Túc.
Bộ Tình Yêu là bộ đáng sợ nhất. Bộ không có cửa sổ gì cả. Winston chưa vào trong đó và cũng chưa từng bước chân vào vòng nửa cây số quanh khu vực bộ. Đó là một nơi không thể vào được trừ phi có nhiệm vụ chính thức, và khi vào phải qua một đồ trận rắc rối có dây gai nhằng nhịt, cổng thép, với ổ súng máy giấu quanh. Ngay những phố đưa đến hàng rào của bộ cũng có đầy lính gác mặt đười ươi mặc y phục đen và mang dùi nối khớp tuần hành.
Winston đột nhiên quay mình lại. Anh đã đặt trên nét mặt anh một vẻ lạc quan thanh thản là sắc diện nên đeo khi đứng trước máy truyền hình. Anh qua phòng vào căn bếp nhỏ xíu. Rời Bộ vào giờ này là anh đã hy sinh bữa cơm trưa tại sở, và anh cũng biết không có thức ăn trong bếp trừ một khẩu bánh mì đen mà anh dành cho bữa sáng mai. Anh với trên kệ một chai chất lỏng không mầu có rõ nhãn hiệu: "Rượu Gin Chiến Thắng". Từ rượu thoảng ra một mùi dầu buồn nôn giống như rượu nếp Trung Hoa. Winston rót ra gần một chén đầy, thâu can đảm để chịu sức choáng váng rồi nốc cạn rượu như một liều thuốc đắng.
Tức thì mặt anh đỏ tía và nước mắt anh trào ra. Chất rượu giống như tiêu toan, nuốt chửng nó vào tưởng chừng như bị gậy cao xu đập sau đầu. Nhưng một lát sau cảm giác nóng rực tan dần và thế giới trở nên tươi đẹp hơn. Winston rút một điếu thuốc lá từ một hộp nhàu nát có tên là "Thuốc Lá Chiến Thắng", nhưng anh không đề phòng cầm ngược điếu khiến thuốc lá rơi xuống sàn nhà. Anh có hên hơn với điếu sau. Anh trở vào phòng khách và ngồi xuống một cái bàn nhỏ ở bên trái máy truyền hình. Từ ngăn kéo bàn anh lấy ra một quản bút, một lọ mực, một quyển vở dày khổ bốn là còn y nguyên có lưng đỏ và bìa vân đá.
Vì lý do gì đó, máy truyền hình trong phòng khách có một vị trí bất thường. Thay vì được gắn như thông thường ở tường cuối, nơi bao quát được cả gian phòng, nó lại ở tường dài đối diện với cửa sổ. Bên máy có một hốc nông trong đó Winston đang ngồi, chắc xưa người xây nhà dành nó cho kệ sách. Ngồi trong hốc và xoay lưng đúng cách, Winston có thể giữ mình ngoài vòng thị giác của máy truyền hình. Dĩ nhiên anh có thể bị nghe, nhưng anh còn ở trong vị trí hiện tại anh không thể bị nhìn. Cách bố trí kỳ dị của căn phòng đã có phần gợi cho anh cái việc anh sắp làm đây.
Nhưng ý nghĩ này cũng được gợi bởi quyển vở anh mới lấy ra khỏi ngăn kéo. Đó là một quyển vở đẹp đặc biệt. Giấy mịn như kem hơi bị thời gian làm vàng của nó thuộc loại không được chế tạo nữa từ ít nhất bốn mươi năm nay. Thế nhưng anh có thể đoán cuốn vở còn xưa hơn nữa. Anh đã thấy nó nằm trong tủ kính của một tiệm đồ cũ mục nát tại một khu bần tiện của thành phố (đúng khu nào thì anh không nhớ nữa) và anh đã lập tức bị lôi cuốn bởi lòng thèm khát làm chủ nó cho được. Đảng viên coi như không được vào các tiệm thường (nghĩa là "mua bán trên thị trường tự do") nhưng kỷ luật này không được chấp hành nghiêm chỉnh vì có nhiều thức như dây giầy và dao cạo không kiếm được nơi nào khác. Anh đã liếc nhanh từ trên xuống dưới đường rồi lẻn vào trong tiệm mua cuốn vở với giá hai đôn rưỡi. Lúc đó anh không ý thức sẽ dùng cuốn vở vào việc nhất định nào, nhưng anh cảm thấy có tội khi mang nó về, vì dù không viết gì trong vở, giữ nó cũng đã là một điều nguy hiểm.
Việc anh sắp làm đây là bắt tay viết nhật ký. Đó không phải là một hành động phi pháp (không có gì phi pháp cả vì không còn luật pháp nữa), nhưng nếu bị khám phá thủ phạm sẽ có thể bị tử hình hay ít ra cũng bị phạt hai mươi nhăm năm tù khổ sai. Winston gắn một ngòi bút vào quản bút và ʍút̼ nó để hút nhớt ra. Bút là một vật dụng cổ ít ai dùng tới ngay cả để ký, và anh đã khó khăn lén lút kiếm một cái chỉ vì nghĩ rằng tờ giấy kem đẹp đáng được viết lên bằng đường tô của một ngòi bút thực sự thay vì nét sướt của một chiếc bút máy. Thật ra thì anh không quen viết tay. Trừ vài câu chú ngắn, thói thường anh đọc tất vào máy phát ghi, một điều cố nhiên không thể thi hành được với dự định của anh. Anh nhúng bút vào mực rồi do dự một giây. Anh thấy run tận đáy lòng. Gạch vào giấy là hành động quyết định. Bằng nét nhỏ vụng về anh viết:
Tháng 4 năm 1984
Anh ngồi thẳng lại. Cảm tưởng mình hoàn toàn bất lực xâm chiếm anh. Thoạt tiên anh không chắc năm nay là năm 1984. Phải là khoảng đó vì anh đinh ninh anh ba mươi chín tuổi và tin mình sinh năm 1944 hay 1945; nhưng ngày nay chẳng bao giờ có thể định được thời gian sát hơn một hai năm.
Bỗng anh tự hỏi mình viết nhật ký cho ai đây ? Cho tương lai, cho những kẻ chưa sinh. Tâm hồn anh thơ thẩn một lúc quanh năm tháng khả nghi ghi trên trang, rồi vọt vấp phải từ Ngôn mới ý đôi. Lần đầu tiên anh thực hiện tầm quan trọng của việc anh làm. Làm sao thông báo được tương lai ? Hiển nhiên là không thể được. Hoặc tương lai sẽ hệt như hiện tại và trong trường hợp đó sẽ không ai nghe anh; hoặc nó sẽ khác hẳn và điều răn của anh sẽ vô nghĩa lý.
Anh ngồi thừ mình nhìn giấy một lúc. Máy truyền hình mới đổi sang một chương trình quân nhạc inh ỏi. Lạ là không những anh mất khả năng diễn đạt tư tưởng, anh còn quên cả điều anh nguyên định viết. Hàng tuần qua, anh đã sửa soạn cho lúc này và không bao giờ nghĩ ngoài can đảm sẽ phải cần đến điều gì khác. Anh tưởng viết sẽ dễ dàng. Anh sẽ chỉ cần chuyển sang giấy những độc thoại liên miên vô tận trải bày trong óc anh cả mấy năm nay. Thế nhưng lúc này ngay độc thoại cũng cạn. Hơn nữa, chứng loét giãn tĩnh mạch của anh bắt đầu làm anh ngứa ngáy chịu không nổi. Anh không dám gãi vì hễ làm vậy thế nào đầu gối cũng sẽ sưng lên. Giây phút trôi qua. Anh không ý thức gì ngoài sự rỗng tuếch của trang giấy trước mặt, nỗi ngứa ngáy của da anh nơi đầu gối, tiếng rống của nhạc và cơn say nhẹ do rượu gin gây ra.
Bất thình lình anh bắt đầu viết như cuồng, không tri giác gì về những giòng ghi. Tuồng chữ nhỏ non của anh leo lên leo xuống trang; mới đầu anh bỏ chữ cái rồi sau bỏ luôn cả dấu chấm.
Tháng 4, 1984. Đêm qua đi coi hát. Toàn là phim chiến tranh. Có một phim thật hay về một con tàu đầy dân tị nạn bị bỏ bom đâu đó trên Địa Trung Hải. Khán giả rất thích chí khi hình chiếu một người đàn ông mập mạp cố bơi xa một chiếc trực thăng đang đuổi theo ông ta, thoạt đầu thấy ông ta đầm mình trong nước như một con cá heo, sau thấy ông hiện qua ống súng của trực thăng, rồi mình ông đầy lỗ hổng, biển quanh ông nhuộm hồng, và ông lặn mất làm như lỗ hổng khiến ông bị nước ngập, khán giả cười vang khi ông chìm. lại thấy một chiếc xuồng cứu đắm đầy trẻ con với một máy trực thăng lượn ở trên. có một bà đứng tuổi có lẽ là người do thái ngồi trên đầu xuồng ẵm một đứa bé trai khoảng ba tuổi, đứa bé hét lên vì sợ rúi đầu vào ngực bà ta như cố vùi người trong lòng bà và người đàn bà quàng tay quanh nó cùng an ủi nó mặc dầu bà ta cũng xanh người vì sợ hãi, luôn luôn ra sức bao bọc đứa bé làm như bà ta nghĩ tay bà có thể gạt được đạn xa người nó. rồi trực thăng ném một trái bom 20 ký xuống đám họ chớp loé khủng khiếp và chiếc xuồng thiêu tan như diêm. sau đó là hình ảnh tuyệt vời của một cánh tay đứa nhỏ vươn cao lên cao mãi cao mãi trên không có lẽ có trực thăng gắn máy quay phim nơi đầu theo rõi cánh tay ấy một tràng vỗ tay nổi lên từ ghế khán giả nhưng một người đàn bà ngồi ở khu bình dân bỗng dậm chân làm ầm thét không nên đưa trò đó cho con nít coi không có quyền không được thế trước mặt con nít không được cho đến khi cảnh sát tống cổ bà ta ra tôi nghĩ bà ta không hề gì không ai để ý đến dân đen phản ứng tiêu biểu của dân đen không bao giờ đươc chúng —
Winston ngưng viết, phần vì anh bị chuột rút. Anh không biết vì sao anh nhả ra tràng giòng phi lý kia. Nhưng lạ là khi anh viết một kỷ niệm khác hẳn hiện trong óc anh, rõ đến nỗi anh cảm thấy có thể ghi ngay được nó. Bây giờ anh hiểu chính tại chuyện đó mà anh bỗng quyết định về nhà ngày hôm nay khai trương nhật ký.
Chuyện đó xảy ra sáng nay tại Bộ, nếu một điều lờ mờ như vậy có thể được gọi là xảy ra.
Lúc đó gần mười một trăm, và trong Cục Văn Khố, nơi Winston làm việc, mọi người lôi ghế từ các ô phận đem tập trung giữa đại sảnh đối diện với máy truyền hình lớn để chuẩn bị Hai Phút Hận Thù. Winston đang tiến lại chỗ ngồi ở một hàng giữa thì có hai người mà anh biết mặt nhưng không nói chuyện với bao giờ bất ngờ bước vào. Một người là cô gái anh thường gặp trong hành lang. Anh không biết tên cô nhưng anh biết cô làm tại Cục Truyện. Anh đoán — vì anh thỉnh thoảng thấy tay cô ta dính dầu và cầm một cái chìa vặn — cô ta hành sự máy móc gì đó trên máy viết truyện. Đó là một cô gái có vẻ dạn dĩ khoảng chừng hai mươi bẩy tuổi, tóc rậm, mặt có tàn nhang, với cử chỉ nhanh nhẹn đầy lực sĩ tính. Một sợi giây lưng đỏ biểu hiệu của Liên Đoàn Thanh Niên Chống Sinh Dục được thắt nhiều vòng quanh bộ áo liền quần của cô, đủ chật để thể hiện đường cong của hông cô. Winston ghét cô ta ngay lần gặp đầu tiên. Anh biết tại sao. Đó tại cái không khí bãi khúc côn cầu, phiên tắm nước lạnh, cuộc dạo chơi chung và tinh thần trong sạch toàn diện mà cô ta có cách tỏa quanh mình cô. Anh ghét gần hết đàn bà, nhất là đàn bà trẻ đẹp. Bao giờ đàn bà và nhất là đàn bà trẻ cũng là kẻ si mê theo Đảng nhất, cả tin khẩu hiệu, sẵn làm điệp viên tài tử và chăm phát hiện tà thuyết. Nhưng riêng cô gái này có vẻ nguy hiểm hơn ai. Một lần khi hai người gặp nhau trong hành lang, cô ta liếc nhìn anh thật nhanh làm như muốn xuyên thủng anh khiến anh đầy khiếp đảm một hồi. Thoáng trong óc anh còn có ý nghĩ cô ta là nhân viên của Cảnh Sát Tư Tưởng. Một điều, thật ra, vị tất đúng. Song le anh tiếp tục nghiệm thấy một cảm giác đặc biệt bất ổn, sợ hãi lẫn lộn với khắc nghịch mỗi lần cô ta gần anh.
Người kia là một đàn ông tên là O"Brien, một thành viên Đảng Trong giữ một chức vụ cao xa đến nỗi Winston chỉ có một ý niệm rất lờ mờ về tính chất của nó. Một sự im lặng nhất thời trùm trên đám người quanh ghế khi thấy bộ áo liền quần đen của một thành viên Đảng Trong tới gần. O"Brien là một người cao lớn mập mạp, có cổ dày và gương mặt thô bạo hóm hỉnh. Mặc dầu bề ngoài hộ pháp, phong cách của ông ta có phần quyến rũ. Ông có điệu chỉnh lại kính trên mũi lạ thay hiền lành và văn minh khó tả. Đấy là một cử chỉ khiến người ta, nếu còn người nghĩ theo lối cũ, liên tưởng đến một nhà quý tộc thời thế kỷ mười tám mời khách hít thuốc. Trong gần mười hai năm có lẽ Winston chỉ được nhìn mặt O"Brien có một tá lần. Anh cảm thấy bị lôi cuốn sâu xa bởi ông ta, không riêng vì anh bị kích thích bởi sự tương phản giữa phong cách lịch sự và hình dáng đô vật của ông ta. Lý do mạnh hơn là anh thầm kín tin rằng — có lẽ đó không hẳn là một niềm tin mà là một mối hy vọng — tính chính thống chính trị của O"Brien không được hoàn hảo. Có cái gì trong gương mặt ông ta nhất thiết gợi lên ý đó. Vả lại có lẽ chẳng phải tính bất chính thống mà chỉ trí thông minh thể hiện trên mặt ông ta. Dù sao chăng nữa ông có cái bề ngoài của một người nói chuyện với được nếu lừa được máy truyền hình và được giáp mặt ông ta một mình. Winston chưa hề thử kiểm chứng ước đoán này: mà cũng chẳng có cách nào làm nổi. Vừa lúc ấy O"Brien liếc nhìn đồng hồ tay, thấy rằng đã gần mười một trăm, và hiển nhiên quyết định ở lại Cục Văn Khố cho tới khi Hai Phút Hận Thù chấm dứt. Ông ta ngồi xuống một chiếc ghế cùng hàng với Winston, cách anh hai chỗ. Một bà nhỏ bé tóc hung làm việc tại ô phận cạnh Winston ngồi giữa họ. Cô gái tóc đen ngồi ngay đằng sau. Lát sau, một giọng kèn kẹt gớm ghê như tiếng cọt của một bộ máy quái đản khô dầu nổi bùng lên từ máy truyền hình ở cuối sảnh. Đó là một tiếng động khiến người nghiến răng gợn tóc gáy. Hận Thù đã bắt đầu.
Như thường lệ, gương mặt của Emmanuel Goldstein, Kẻ Thù Dân Tộc, lộ ra trên màn ảnh. Có tiếng huýt đây đó trong đám khán giả. Người đàn bà nhỏ bé tóc hung hét lên vì sợ hãi và kinh tởm. Goldstein là kẻ lừa lọc phản bội đã một lần, từ lâu lắm (từ bao lâu, không ai nhớ được), là một nhân vật lãnh đạo của Đảng sánh hàng với Bác, sau đâm hành động phản cách mạng, bị xử tử rồi trốn thoát và mất tích một cách bí mật. Chương trình Hai Phút Hận Thù thay đổi từng ngày nhưng không ngày nào là không có Goldstein đóng vai chính. Ông ta là kẻ phản bội đầu sỏ, kẻ sớm nhất làm uế tạp sự trong sạch của Đảng. Mọi trọng tội chống Đảng sau này, mọi sự phản trắc, mọi hành động phá hoại, mọi tà thuyết, mọi sai lệch, xuất phát từ sự dạy bảo của ông ta. Nơi nào đó, ông ta vẫn sống và đang mưu đồ phản loạn: có lẽ tại hải ngoại, dưới sự che chở của quan thầy ngoại quốc, hay cũng có thể — như thỉnh thoảng có tin đồn — ngay tại một chốn giấu kín ở chính Đại Dương.
Cơ hoành của Winston co lại. Anh không bao giờ thấy mặt Goldstein mà không bị ngập bởi nhiều cảm xúc lẫn lộn đau buồn. Ấy là một khuôn mặt Do Thái mỏng bao quầng bởi một mớ tóc bạc mờ ảo với một bộ râu dê ngắn — một khuôn mặt thông minh nhưng có vẻ cố hữu đáng khinh thế nào ấy, cùng có vẻ ngốc nghếch già nua ẩn nơi cái mũi dài hẹp đội kính gần đầu sóng. Nó giống như mặt cừu, và giọng nói cũng vậy, be be như tiếng cừu. Goldstein đang công kích độc địa chủ nghĩa của Đảng — công kích một cách quá lố và đồi bại đến nỗi một đứa trẻ con cũng có thể nhìn thấu, nhưng đủ sát thật để reo mối lo người khác ít óc thăng bằng hơn mình có thể bị mắc lừa. Ông ta rủa Bác, tố cáo sự độc tài của Đảng, đòi hỏi phải lập tức giảng hòa với Âu Á, bênh vực tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tư tưởng, kêu gào loạn lên rằng cách mạng đã bị phản bội — cứ vậy với những lời lẽ dài dòng nhanh nhảu nhại lại văn phong của các diễn giả thuộc Đảng chêm vào nhiều từ Ngôn mới: còn nhiều từ Ngôn mới hơn cả số được các đảng viên thông dụng ngoài đời. Đồng thời, để không còn ngờ vực về thực tế che đậy dưới lời phỉnh gạt của Goldstein, sau đầu ông ta trên máy truyền hình tiến bước đội binh vô tận của quân đội Âu Á — liên tiếp hàng hàng người vạm vỡ với bộ mặt lầm lì của dân Á Châu đổ ra trên màn ảnh rồi biến đi để được thay thế bởi hàng hàng người khác y hệt. Tiếng giầy ống cồm cộp nặng nề nhịp nhàng của đoàn lính đệm cho tiếng be be của Goldstein.
Ba mươi giây trước khi Hận Thù bắt đầu, phân nửa cử tọa không dằn nổi lời than tức tối. Khuôn mặt cừu tự mãn trên màn ảnh và uy lực khủng khiếp của quân đội Âu Á đằng sau khích động quá sức chịu đựng: vả lại hình ảnh Goldstein hay ý nghĩ không thôi về ông ta tự động gây ra sự sợ hãi và tức giận. Ông ta là đối tượng của sự thù ghét thường hơn Âu Á hay Đông Á, vì khi Đại Dương giao chiến với cường quốc này, Đại Dương giảng hòa với cường quốc kia. Có điều lạ là mặc dù Goldstein bị ghét và khinh khi bởi mọi người, mặc dù ngày nào cả ngàn lần trên bục kệ, trên màn ảnh, trên sách báo, lý thuyết của ông ta cũng bị bác bỏ, đập nát, nhạo báng, vạch trần tính cách ngu xuẩn tồi tệ — mặc dù vậy, ảnh hưởng của ông ta không bao giờ giảm sút. Lúc nào cũng có kẻ dễ bị lừa sẵn sàng bị quyến rũ bởi ông ta. Không ngày nào là ngày Cảnh Sát Tư Tưởng không lột mặt nạ của gián điệp hay quân phá hoại hành động dưới sự điều khiển của ông ta. Ông là người chỉ huy một đại quân trong bóng tối, một mạng lưới mưu phản bí mật chuyên rình lật đổ chính quyền. Được biết tên tổ chức này là Hội Tình Thân. Người ta còn thì thầm về một cuốn sách ghê gớm tóm tắt mọi tà thuyết, do Goldstein là tác giả, được lưu truyền lén lút đây đó. Cuốn sách không có tên. Dân chúng nhắc tới sách, nếu có nhắc, thì gọi nó là quyển sách. Nhưng người ta chỉ biết những chuyện ấy qua lời đồn thôi. Hội Tình Thân cũng như quyển sách là một đề tài mà Đảng viên thường nào cũng tránh nhắc tới nếu tránh được.
Sang phút thứ hai Hận Thù biến thành mê sảng. Dân chúng nhảy lên nhảy xuống tại chỗ và ra sức hét để cố đè tiếng be be làm họ điên cuồng thốt ra từ màn ảnh. Mặt bà nhỏ bé tóc hung sáng hồng, môi bà mấp máy như cá mắc cạn. Ngay gương mặt O"Brien cũng đỏ bừng. Ông ta ngồi thật ngay trên ghế, bộ ngực lực lưỡng phồng lên dẹp xuống như thể phải đương đầu với sức tấn công của sóng. Cô gái tóc đen đằng sau Winston bắt đầu kêu lên: "Đồ lợn ! Đồ lợn ! Đồ lợn !" và đột nhiên cầm một quyển tự vị Ngôn Mới ném vào màn ảnh. Cuốn sách đập vào mũi Goldstein và nảy ra. Tiếng nói tiếp tục vang khắc nghiệt. Trong một chốc sáng suốt Winston thấy mình đang hét cùng người khác và đá mạnh gót giầy vào thành ghế. Cái ghê rợn của Hai Phút Hận Thù không phải ở chỗ ai cũng phải đóng trò mà ở chỗ không sao tránh được sự tham gia. Nội ba mươi giây sau không ai cần phải đóng kịch nữa. Một cảm giác ngây ngất gớm ghiếc, sợ hãi lẫn thù oán, ham muốn giết người, hành hạ người, đập búa nát mặt người, hình như lan truyền như điện khắp khán giả, biến mỗi người bất kể ý chí họ thành một kẻ điên rồ nhăn nhó thét gào. Tuy nhiên sự cuồng nhiệt đó chỉ là một cảm xúc trừu tượng, gián tiếp, có thể xoay hướng từ đối tượng này sang đối tượng kia như ngọn lửa đèn rọi. Vậy nên có lúc nỗi căm hờn của Winston không hướng về Goldstein chút nào mà ngược lại chống Bác, Đảng và Cảnh Sát Tư Tưởng; và những lúc ấy tim anh đập cho người dị giáo cô độc bị nhạo báng trên màn ảnh, người canh giữ sự thật và lương tri trong một thế giới dối trá. Nhưng chỉ lát sau anh lại hòa đồng với người xung quanh anh, và những điều nói về Goldstein đối với anh lại đúng. Những lúc này sự thù ghét của anh đối với Bác biến thành thờ phụng, và Bác dường như vươn cao như một đấng bảo quốc vô địch không biết sợ hãi, vững như đá trước bầy rợ Á Châu, và Goldstein mặc dù cô độc không có kẻ giúp và bị nghi là không có thật, tựa như một phù thủy hung dữ có năng hiệu phá vỡ cơ cấu văn minh bằng riêng quyền lực của giọng nói ông ta.
Còn có lúc có thể nhờ hành vi tự nguyện xoay chuyển tùy ý nỗi hận thù. Đột nhiên, như người cố sức giứt mạnh đầu khỏi gối để thoát cơn ác mộng, Winston thành công trong sự chuyển oán hận sang cô gái tóc đen sau anh. Nhiều ảo giác sắc sảo tuyệt vời thoáng qua mắt anh. Anh quật cô ta đến ch.ết với một chiếc gậy cao xu. Anh buộc cô ta trần truồng vào cột và bắn tên vào cô ta như thánh Sébastien. Anh hϊế͙p͙ cô ta và cắt cổ cô ta đúng lúc mê ly. Hơn bao giờ trước, anh hiểu tại sao anh ghét cô ta. Anh ghét cô vì cô trẻ đẹp và vô tính, vì anh muốn ngủ với cô nhưng không bao giờ làm được, vì quanh cái eo mềm dịu hình như đòi hỏi sự ôm ấp của cô, có sợi giây lưng đỏ tệ hại tượng trưng khiêu khích cho sự trinh tiết.
Cơn Hận Thù lên tới cực điểm. Tiếng nói của Goldstein thực sự trở thành tiếng be của con cừu và trong chốc lát mặt ông biến thành mặt cừu. Rồi cái mặt cừu tan thành hình một binh sĩ Âu Á to lớn dữ tợn, có vẻ như đang lao mình dội súng liên thanh, như muốn nhảy sổng khỏi màn ảnh khiến cho một số người ở hàng ghế đầu ưỡn ngực ra phía sau. Nhưng đồng thời với tiếng thở nhẹ nhõm của mọi người, hình ảnh thù địch tan thành gương mặt tóc đen râu đen đầy bình thản uy nghi bí mật và to lớn đến nỗi chiếm gần hết màn ảnh của Bác. Không ai nghe được Bác nói gì. Đó chỉ là vài lời khích lệ, loại lời thốt ra giữa tiếng ầm của chiến trận, không phân biệt được chữ nào, nhưng hễ thốt ra là khôi phục được niềm tin. Rồi gương mặt Bác biến mất thay vào đó là ba khẩu hiệu của Đảng viết bằng chữ cái đậm:
CHIẾN TRANH LÀ HÒA BÌNH
TỰ DO LÀ NÔ LỆ
DỐT NÁT LÀ SỨC MẠNH
Nhưng gương mặt Bác hình như lưu lại vài giây trên màn ảnh như thể tác động của nó trên mắt mọi người quá dai dẳng để bị tẩy đi tức thì. Người đàn bà tóc hung tung người vào lưng ghế trước. Vừa lên tiếng thì thầm nghe như "Đấng Cứu Thế của tôi", bà ta vừa giương cánh tay về phía màn ảnh. Rồi bà ta úp mặt vào bàn tay. Rõ ràng bà ta đang cầu nguyện.
Lúc ấy toàn nhóm người cất lên một tiếng hát trầm chậm chạp nhịp nhàng: Bác !... Bác !..., hát đi hát lại thật chậm chạp, lặng một hồi sau mỗi tiếng Bác — tiếng hát nặng nề, thì thầm, man dại kỳ lạ tuồng như nổi trên tiếng nện của chân không và tiếng đập của chiêng trống. Họ hát như vậy cũng được ba mươi giây. Đó là loại điệp khúc được nghe thấy trong những cơn xúc động tràn trề. Có phần nó là một bài ca tụng trí khôn ngoan và vẻ oai vệ của Bác, nhưng hơn nữa nó là một sự tự thôi miên, một sự cố ý dập tắt lương tâm bằng nhịp. Winston thấy lạnh xương sống. Trong Hai Phút Hận Thù anh không khỏi dự vào cơn mê sảng tập thể nhưng tiếng hát hạ nhân Bác !... Bác !... bao giờ cũng làm anh ghê tởm đầy mình. Cố nhiên anh hát với mọi người: không thể làm khác được. Ngụy trang tình cảm, kiểm soát sắc mặt để làm những điều mọi người khác làm là một phản ứng do bản năng. Nhưng trong khoảng vài giây ánh mắt của anh tưởng như có thể phản anh. Và chính trong khoảng ấy điều đáng kể xảy ra — nếu quả thật có xảy ra.
Trong giây lát anh bắt gặp mắt của O"Brien. O"Brien đã đứng dậy. Ông đã tháo kính và đang đặt nó lại bằng cử chỉ đặc biệt của ông ta. Nhưng có khoảnh khắc mắt hai người gặp nhau và trong khắc đó Winston biết — phải, anh biết — O"Brien nghĩ hệt như anh. Một thông điệp rõ ràng đã được đưa qua. Y như hai tâm hồn họ đã mở ra để cho tư tưởng lưu thông từ người này sang người kia qua ánh mắt. "Tôi về phe anh". O"Brien hình như nói vậy với anh. "Tôi biết rõ anh đang cảm thấy gì. Tôi biết hết về nỗi khinh khi, hận thù và ghê tởm của anh. Nhưng đừng lo, tôi ở bên anh !" Rồi mối liên cảm chớp nhoáng tan biến và gương mặt của O"Brien lại khó đoán như gương mặt ai khác.
Chỉ có thế thôi, và chửa chi Winston không còn chắc chuyện đã xảy ra. Loại tình tiết ấy không bao giờ có hậu quả. Nó chỉ có uy lực duy trì trong anh niềm tin hay hy vọng rằng ngoài anh còn có người khác thù ghét Đảng. Ấy vậy mà có thể tin đồn về những cuộc đồng mưu rộng lớn là tin đúng — có thể Hội Tình Thân có thật ! Không thể chắc chắn Hội Tình Thân không phải là một huyền thoại mặc dù luôn luôn có những vụ bắt bớ, thú tội và hành quyết. Có ngày anh tin, có ngày anh không. Không có gì làm bằng, chỉ có những tia sáng chập chờn có thể có nhiều nghĩa hay không có nghĩa gì: mẩu câu nghe lỏm, chữ viết nguệch ngọac mờ ảo trên tường nhà xí — có lần có cả cử động nhẹ nơi bàn tay hai người lạ mặt lúc chạm trán nhau như thể họ ra ký hiệu để nhận ra nhau. Tất cả chỉ là ước đoán: chắc hẳn anh tưởng tượng mọi chuyện. Anh đã đi về ô phận của anh mà không nhìn lại O"Brien. Ý nghĩ đeo đuổi sự tiếp xúc nhất thời với ông ta không mấy qua óc anh. Điều đó nguy hiểm không thể tưởng tượng được dù anh có biết phải hành động ra sao. Trong một hai giây hai người đã trao đổi một cái nhìn lập lờ, và thế là hết chuyện. Nhưng thế cũng là một sự kiện đáng nhớ trong cái đời sống cô đơn khép kín bó buộc của anh.
Winston ngồi thẳng dậy. Anh ợ một cái. Rượu gin dâng lên trong dạ dầy anh.
Mắt anh lại tập trung vào trang giấy. Anh khám phá ra anh vẫn viết trong khi anh quên mình mơ màng, tuy viết một cách máy móc. Chữ anh lại không còn khít và vụng về như trước. Bút anh đã thích thú lướt trên tờ giấy mịn, viết lên bằng chữ hoa lớn đẹp:
ĐẢ ĐẢO BÁC
ĐẢ ĐẢO BÁC
ĐẢ ĐẢO BÁC
cứ thế liên tiếp đầy một nửa trang.
Anh không khỏi cảm thấy lên cơn hoảng. Vậy là vô lý vì viết mấy dòng đặc biệt ấy không nguy hiểm hơn hành động khởi đầu khai trương nhật ký, nhưng trong một lúc anh toan xé mấy trang nhem nhuốc và bỏ cuộc luôn.
Song le anh không làm vậy vì anh biết làm thế vô ích. Anh có viết ĐẢ ĐẢO BÁC hay nén không viết cũng chẳng khác gì. Anh có tiếp tục nhật ký hay không tiếp tục cũng thế thôi. Cảnh Sát Tư Tưởng sẽ bắt anh hệt như vậy. Anh đã phạm — sẽ tiếp tục phạm, ngay nếu anh không bao giờ gạch bút trên giấy — tội trọng chính yếu chứa đựng mọi tội khác. Nó có tên là Tội Tư Tưởng. Tội tư tưởng không là một thứ có thể giấu mãi được. Anh có thể tránh thoát một thời gian, có khi hàng năm, nhưng trước sau thế nào chúng cũng bắt anh.
Bao giờ cũng vào đêm — các cuộc bắt bớ chuyên môn xảy ra ban đêm. Đang ngủ bỗng chồm dậy, bàn tay thô bạo lay vai, đèn rọi chói mắt, vòng mặt tàn nhẫn quanh giường. Phần đông trường hợp không được tòa xử và không có báo cáo về sự bắt bớ. Dân chúng biến mất, thế thôi, luôn luôn giữa đêm. Tên họ bị loại khỏi các sổ, các chứng vật về mọi hành động của họ bị hủy hết, đời sống của họ bị chối bỏ rồi quên lãng. Họ bị thanh trừng, trả về hư vô: theo danh từ thông dụng, họ bị hóa hơi.
Trong một lúc Winston gần như điên loạn. Anh bắt đầu vội vàng ngoáy viết:
Chúng sẽ bắn tôi tôi không sờn chúng sẽ bắn tôi vào gáy tôi không sờn đả đảo bác chúng luôn luôn bắn vào gáy người tôi không sờn đả đảo bác —
Anh ngồi thẳng lại trên ghế, hơi ngượng ngùng, và đặt bút xuống. Được một lát anh vụt nhỏm dậy. Có ai gõ ngoài cửa.
Đã rồi ! Anh ngồi thừ như chuột với hy vọng mỏng manh rằng kẻ nào đó đang gõ cửa sẽ bỏ đi sau một lần thử. Nhưng không, tiếng gõ tiếp tục. Nguy nhất là chần chừ. Tim anh đánh trống mạnh nhưng mặt anh nhờ thói quen chắc hẳn không lộ sắc. Anh đứng dậy nặng nề đi ra phía cửa.