Chương 13: Chư quân khởi thị vô tâm huyết
Chư quân khởi thị vô tâm huyết
(Phan Chu Trinh, Chí thành thông thánh thi)
Nghĩa là:
Các người nào phải không có tấc lòng son với đất nước
Chỉ còn năm ngày nữa là phái Long-biên khai hội. Đây là cuộc đại hội thường lệ, cứ ba năm một lần, để người chưởng môn kiểm soát đệ tử. Để huynh đệ trong môn phái có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Cuộc khai hội năm nay còn có tính chất quan trọng hơn: đó là cử người vào phái đoàn dự đại hội võ thuật Lĩnh-nam ở hồ Tây.
Từ ngày thành lập môn phái đến giờ, đây là lần đầu tiên phái Long-biên có cuộc khai hội quan trọng thế này. Bởi ngoài ý nghĩa chỉ định người đại diện tham dự đại hội về phương diện danh dự, cuộc hội còn có tầm mức bảo vệ lẽ sống của môn hộ. Theo như mọi người suy nghĩ, cuộc đại hội do Lê Đạo Sinh mời các gia, các phái tham dự hầu đưa ra quyết định: Nên giữ nguyên môn hộ hay thống nhất làm một. Sau đó cử người chưởng môn đi Trung-nguyên yết kiến Hán đế để tỏ lòng quy phục, xin được tiếp tục luyện tập võ nghệ. Cái rắc rối là môn phái Long-biên vốn có nguồn gốc từ Vạn-tín hầu Lý Thân. Mà Lý Thân, nguyên là một người đất Âu-lạc sang yết kiến Tần Thủy Hoàng, nhận chỉ dụ của vua Tần đánh Hung-nô, tức là thần phục Trung-nguyên. Song đã hơn 200 năm nay, người Hán cai trị Lĩnh-Nam, người Việt lâm cảnh mất nước, đệ tử phái Long-biên lại chủ trương phản Hán phục Việt, được dân chúng kính phục là võ học chính phái. Bên trong phái Long-biên còn ba cao thủ vai sư thúc, sư bá của Nguyễn Trát. Họ tuy ly khai môn hộ, nhưng còn muốn trở lại tranh dành chức chưởng môn. Nguyễn Trát đã mời sư đệ Phan Đông Bảng đến trợ giúp. Nhưng ông nghĩ lại mình không phải đối thủ của ba vị sư bá, sư thúc. Nếu các vị bề trên đó muốn ra tay, thực là nguy khốn. Ông được tin các vị này hiện nay đã được tân Thái thú Tô Định giúp đỡ. Họ có ý định dùng võ công tranh dành chức chưởng môn. Sau khi dành được chức chưởng môn, họ sẽ nhân danh môn phái tham dự đại hội hồ Tây. Họ cũng sẽ đi theo phái đoàn sang Trung-nguyên, yết kiến Hán đế, như vậy, sẽ trái với ý chí của đệ tử phái Long-biên từ hơn 200 năm nay.
Theo ý Nguyễn Trát, ông sẽ cùng sư đệ Phan Đông Bảng đến dự đại hội. Hai người sẽ phản đối chủ trương của Lê Đạo Sinh, với lý do khi sang Trung-nguyên cầu xin Hán đế thì coi như đã đầu hàng, còn đâu là ý chí phục quốc nữa?
Sáng nay, ông họp các đệ tử bản môn để thăm dò ý kiến trước. Các đệ tử đã tụ tập đông đủ. Ông chờ sư đệ Phan Đông Bảng để cùng tới chủ toạ. Ông đã quyết định: Nếu các các vị sư bá, sư thúc thuận giữ nguyên chủ trương phản Hán, phục Việt thì ông đồng ý thoái vị chức chưởng môn. Còn nếu chủ trương phục tùng người Hán, ông sẽ quyết chiến một trận, lấy cái ch.ết để báo ơn cho liệt tổ Âu-lạc. Thấy vợ, các con cùng đứng chung quanh, ông hỏi:
– Có gì lạ không?
Phương Dung nói:
– Con thấy dường như bố đang lo lắng chuyện gì?
Ông gật đầu nói:
– Các con đến hội trường trước, cha sẽ cùng Phan sư thúc tới sau, chúng ta cùng giải quyết chung.
Phương Dung nói:
– Thưa bố, các sư thúc Trương Thủy Hải và Trương Đằng Giang có tới không?
Trong các sư thúc của phái Long-biên, Phương Dung gần gũi với hai vị sư thúc sinh đôi này nhất. Tính nàng hay đùa nghịch, lí lắc, nên không hợp với cha. Ngược lại, hai vị sư thúc này tính tình thâm trầm, nghiêm trang, nhưng hai ông thấy Phương Dung lanh lợi, phá phách, hai ông lại thấy mến nàng.
Nguyễn Trát cười gượng:
– Hai sư thúc đã đến từ sáng sớm hôm nay, lúc con còn ngủ.
Ông đứng dậy. Các sư đệ Phan Đông Bảng, Trương Thuỷ Hải, Trương Đằng Giang cũng đã tới. Ông đứng lên cùng họ tiến vào hội trường.
Một đệ tử hô:
– Chưởng môn đến!
Nguyễn Trát cùng các sư đệ tiến vào hội trường, giữa các hàng đệ tử đang cúi đầu hành lễ. Ông vẫy tay:
– Miễn lễ!
Đợi cho các đệ tử ngồi xong, ông khoan thai đứng lên nói:
– Thưa các vị sư đệ, các vị Lạc-hầu, các đệ tử của phái Long-biên. Hôm nay chúng ta tụ họp nhau đây để bàn về một vấn đề quan trọng, đó là việc suy cử người dự đại hội Tây-hồ vào ngày rằm tháng tám năm tới. Như chúng ta đều biết, tân Thái thú Tô Định ra Ngũ-lệnh, cấm chúng ta tập võ. Đứng trước sự suy tàn của võ học Lĩnh-Nam, Lục-trúc tiên sinh gửi thư mời hào kiệt thuộc các gia, các phái tới đại hội Tây-hồ hầu cử người đại diện sang Trung-nguyên tỏ lòng quy phục Hán đế, xin Hán đế cho phép được tiếp tục luyện võ. Vì vậy, tôi mời các sư huynh, sư đệ đến đây để tham khảo ý kiến.
Phan Đông Bảng nói:
– Tôi nghĩ, đó là dã tâm của Tô Định. Hán đế ở nơi xa xôi, làm sao biết được tình hình tập võ của người Việt? Chẳng qua, một mặt Tô Định viết biểu tâu về triều rằng dân Giao-chỉ mượn cớ luyện tập võ nghệ để tụ tập nhau làm loạn nên y mới ra lệnh cấm, một mặt y muốn các võ phái thống nhất dưới sự kiểm soát của y, hầu để dễ sai phái. Phái Long-biên chúng ta thành lập đã gần 200 năm nay, hiệp nghĩa khắp thiên hạ, chủ trương phản Hán, phục Việt. Chúng ta không thể nào bỏ môn hộ, dù có bỏ môn hộ, chúng ta cũng không thể bỏ Âu-lạc. Các đệ tử nghĩ sao?
Cả hội trường reo lên:
– Phản Hán, phục Việt!
– Lĩnh-nam muôn năm!
Trương Thuỷ Hải và Trương Đằng Giang là hai anh em sinh đôi, sư đệ của Đông Bảng. Xưa nay hai ông nổi tiếng cương trực, coi những người theo Hán hãm hại người Việt như cừu thù. Nhưng các ông lại chủ trương rằng người Hán cũng có kẻ tốt, người xấu. Không nên coi tất cả người Hán là cừu thù. Người Hán trên đất Lĩnh-nam chưa quá 50 vạn người mà họ cai trị được mấy triệu người Việt vì có người Việt theo họ, chỉ đường cho họ.
Trương Thủy Hải nói:
– Chúng ta có thể hoà hoãn với người Hán, miễn là họ không tàn bạo. Tôi có nhiều người bạn là người Hán. Họ rất tốt. Mới đây họ cũng tỏ ý chống lại Ngũ-lệnh của Tô Định. Nếu chúng ta quang phục, họ có thể giúp chúng ta một tay. Quan trọng là phải giết bọn Việt theo chân bọn Hán tham ô. Sau là giết những tên Hán ác độc. Chúng ta không thể bỏ qua những người bạn Hán tốt, giúp chúng ta phục quốc.
Nguyễn Trát tường thuật việc Tô Định tới Cổ-đại. Vụ Huyện-úy Long-biên cho người bắt cóc Thánh Thiên, rồi ông kết luận:
– Không hiểu giờ này thân phụ Thánh Thiên ra sao?
Đông Bảng nói:
– Tô Định bắt ông chỉ với mục đích áp lực đòi ông nộp Thánh Thiên cho hắn mà thôi. Còn nếu Huyện-uý Long-biên bắt thì lại có vấn đề khác, vì Huyện-uý Long-biên muốn tìm cho ra người chủ trương đứng sau chú bé Âu-lạc, khiến Tô Định phải bỏ Ngũ-lệnh ở Cổ-đại. Chúng ta cần tìm cho ra nguyên uỷ. Thủy Hải sư đệ, ngươi có thể điều tr.a vụ này giúp cháu Thánh Thiên được không?
Trương Thủy Hải gật đầu.
Nguyễn Trát nói:
– Chúng ta chuẩn bị sáp huyết thề.
Tục lệ sáp huyết thề đặt ra từ khi Vạn-tín hầu Lý Thân dẫn đệ tử sang Tần. Trước khi đi, An-Dương vương cùng các quần thần như Cao-cảnh hầu Cao Nỗ, Phương-chính hầu Trần Tự Minh, Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung tiễn ngài lên đường. An-Dương vương sai dắt một con trâu ra, lấy dao cắt tai trâu, hứng huyết vào một cái chậu sành nhỏ. Ngài cùng quần thần lấy máu bôi vào kiếm của thầy trò Lý Thân, rồi khấn trước liệt tổ Lĩnh-nam: Mọi người cương quyết bảo vệ đất tổ, ai phản bội sẽ bị gươm đao giết ch.ết.
Sau khi Vạn-tín hầu Lý Thân tự tận, tục lệ đó vẫn được giữ trong phái Long-biên. Hôm nay là ngày đại hội, tục lệ sáp huyết được làm lại.
Một con trâu mộng do đệ tử dẫn vào hội trường. Nguyễn Trát dùng kiếm đưa nhẹ một nhát, tai trâu đứt lìa. Người đệ tử phụ trách bưng châu sành hứng lấy huyết, rồi để lên bàn thờ Tổ-sư.
Nguyễn Trát, Phan Đông Bảng, Trương Thủy Hải và Trương Đằng Giang là những người vai vế cao nhất, đứng lên sáp huyết trước. Bốn người rút kiếm ra, đưa tay vào chậu máu, đang định bôi vào lưỡi kiếm, bỗng có tiếng quát lớn:
– Khoan!
Bốn mũi tiễn bay đến cùng một lúc. Bốn tiếng choang vang lên. Bốn thanh kiếm rớt xuống đất.
Một đoàn người tiến vào đại sảnh. Dẫn đầu, một lão già gầy khẳng kheo, một lão béo mập và một phụ nữ tuổi khoảng năm mươi. Phía sau, lố nhố hơn mười người đều đeo kiếm.
Phan Đông Bảng nhận ra lão già thứ nhất là Lê Nghĩa Nam, sư bá của ông. Lão thứ nhì là Hoàng Đức Tiết và phụ nữ là Mai Huyền Sương; họ đều là sư thúc của ông. Ông chưa biết phản ứng thế nào, Nguyễn Trát đã bước ra, chắp tay xá và nói:
– Chúng tôi đã đạt thư mời các vị đến dự đại hội sau đây năm ngày. Nay các vị tiền bối giáng lâm sớm quá, chúng tôi không kịp nghinh tiếp, thực vô lễ. Bây đâu! Đưa quý vị tiền bối về nhà khách nghỉ!
Tuy ngoài miệng nói thế, nhưng trong lòng ông không khỏi lo ngại: Trang Cối-giang của ông canh phòng rất nghiêm mật. Từ ngoài trang đã có người giả làm nông dân canh chừng, rồi cổng trang có đệ tử gác và chung quanh hội trường đều có người tuần phòng, sao đám người này vào đây dễ dàng như thế này? Ông mời những người này vào nhà khách là có ý không cho họ dự buổi họp nội bộ của ông.
Lê Nghĩa Nam cười ha hả nói:
– Nguyễn Trát, Phan Đông Bảng, Trương Thủy Hải, Trương Đằng Giang các người thấy sư bá, sư thúc mà không hành lễ, thực vô phép. Hành vi như thế cũng đòi lên mặt đại tôn sư của phái Long-biên được ư?
Nguyễn Trát nói:
– Các vị tiền bối đã ly khai, từ bỏ môn phái rồi, chúng tôi kính là kính các vị cao niên, chứ không còn tình sư thúc, sư bá gì nữa. Hôm nay quý vị tới đây, việc đầu tiên là dùng ám khí đánh văng kiếm của bọn tôi đi, không cho thề theo tục lệ môn quy, như thế là đoạn tuyệt với tổ tông rồi đó.
Một người đứng sau Hoàng Đức Tiết chỉ mặt Nguyễn Trát nói:
– Mày là tên phản bội sư môn, nguÿ tiếm ngôi chưởng môn, mày còn vô lễ với sư bá, sư thúc, ta phải chém đầu mày để thanh lý môn hộ.
Nói rồi y rút kiếm tiến đến trước mặt Nguyễn Trát.
Cả hội trường nhất loạt đứng dậy, kiếm rút ra khỏi vỏ, tiếng binh khí và những giọng hằn học vang lên:
– Giết ch.ết tụi phản nghịch!
– Giết bọn phản quốc!
Mọi người như muốn ăn sống nướt tươi bọn Nghĩa Nam, Đức Tiết và Huyền Sương.
Nghĩa Nam cười gằn một tiếng:
– Bọn đồ tử đồ tôn, mới học được vài cái múa mà đã dám lên mặt với người trưởng thượng ư? Ta sợ các người sẽ ch.ết không có đất mà chôn. Hãy coi đây!
Y phất tay làm hiệu.
Lập tức các cửa hội trường đều bị đánh văng trở vào, mỗi cửa có mấy chục người tuốt kiếm chờ đợi.
Mai Huyền Sương nói:
– Nguyễn Trát, ngươi muốn cậy đông chăng? Ngươi hãy mở mắt ra mà coi.
Nguyễn Trát suy nghĩ thật kỹ:
– Đối phương đã tập kích, loại hết ba vòng đai canh gác của ta rồi, bây giờ lại bao vây hội trường nữa. Chúng đã chuẩn bị mà ta thì chưa. Nhất thiết ra tay, giỏi lắm là hoà. Nhưng dù hoà thì môn phái cũng hao tổn lực lượng ít nhất hơn nửa, còn đâu để mong phục quốc nữa?
Nghĩ rồi, ông vội xua tay ra lệnh cho đệ tử:
– Không được vọng động!
Ông quay lại hỏi Lê Nghĩa Nam:
– Xin tiền bối cho biết chủ ý?
Mai Huyền Sương nói:
– Cách đây hơn mười năm, sư phụ tự nhiên mất tích, không biết vì lẽ gì. Cho nên sư huynh đệ chúng ta họp nhau bầu người chưởng môn thừa kế. Nhưng Nguyễn Thuật dùng xảo kế đoạt chức chưởng môn. Đó là điều bạo nghịch bất đạo. Hôm nay chúng ta tới đây để chỉnh đốn lại môn phái. Nếu các người thuận theo chúng ta thì chúng ta để cho được sống rời khỏi đây. Còn các người chống đối, đừng trách chúng ta tàn nhẫn.
Hoàng Đức Tiết tiếp lời:
– Sư phụ mất tích có lẽ do Nguyễn Thuật ám hại. Hôm nay chúng ta phải trả thù cho sư phụ.
Trương Thuỷ Hải nói:
– Các người ngậm máu phun người, sư phụ ta hãm hại Thái sư phụ có gì làm chứng?
Lê Nghĩa Nam nói:
– Thôi, việc sư phụ mất tích hiện chưa biết ra sao, nhưng vấn đề trước mắt là: Chưởng môn phái Long-biên phải biết bài quyết biến hoá kiếm thuật và 72 thức trấn môn. Vậy người có biết không?
Nguyễn Trát nói:
– Thái sư phụ mất tích, không truyền lại cho ai, thành ra đến nay những bí quyết đó của bản môn bị thất lạc. Ngươi cũng đã biết, còn hỏi làm gì?
Hoàng Đức Tiết nói:
– Khi võ công trấn môn không còn, đương nhiên người có vai vế cao nhất hoặc võ công cao nhất sẽ làm chưởng môn. Nếu nói về võ công, về vai vế thì ngươi không đủ tư cách. Người tự cho mình xứng đáng chăng?
Nguyễn Trát chưa biết nói sao thì con thứ ba là Nguyễn Hào đứng dậy nói:
– Tuy thân phụ ta không phải là người có vai vế cao nhất, cũng chẳng phải là người có võ công cao nhất, nhưng người đã tiếp nhận chức chưởng môn từ Thái sư phụ. Khi các người cùng Thái sư phụ luận kiếm tranh chức chưởng môn, các người đã bị bại rồi, nay còn dám vác mặt về đây sao?
Mai Huyền Sương vung tay một cái, chỉ thấy thấp thoáng bóng trắng, hai tiếng bốp, bốp nổi lên. Nguyễn Hào bị tát hai cái, kiếm bị đoạt mất:
– Chúng ta là bậc cao nhân tiền bối của cha ngươi, chúng ta đang thảo luận, ngươi có tư cách gì mà xen mồm vào?
Lê Nghĩa Nam nói:
– Lê Đạo Sinh tiên sinh có thơ mời, ngày rằm tháng tám sang năm, các môn phái phải cử cao nhân dự đại hội Tây-hồ, cử người làm chưởng môn chung cho đất Lĩnh-Nam. Sau đó đến Trung-nguyên yết kiến Kiến Vũ hoàng đế để tỏ lòng quy phục, xin được tiếp tục luyện tập võ nghệ. Bởi vậy chúng ta tới đây, trước để chỉnh đốn lại môn phái, sau sẽ cử người đi dự đại hội Tây-hồ.
Trương Thủy Hải hỏi:
– Bây giờ hãy bỏ vấn đề ai là chưởng môn ra, các ngươi tự nhận là cao nhân của môn phái, vậy xin cho biết chủ trương?
Nghĩa Nam cười khan:
– Còn chủ trương gì nữa? Chúng ta sẽ dẫn đệ tử phái Long-biên đến Tây-hồ, đoạt chức Lĩnh Nam võ công đệ nhất rồi đi Trung-nguyên.
Nguyễn Trát nói:
– Thưa ba vị tiền bối, bốn anh em huynh đệ chúng tôi cai quản bốn trang ấp lớn, nhân đinh mỗi trang bốn ngàn người, đệ tử trên hai trăm, nhất quyết noi theo tiền nhân phản Hán phục Việt, Vì vậy, nếu các vị đưa ra lời thề, hứa tiếp tục chí hướng đó, tôi sẵn sàng quy phục. Bằng không, chúng tôi thà ch.ết chứ không khuất phục.
Mai Huyền Sươnghỏi:
– Ta hỏi ngươi, môn phái ta, ai là sáng tổ?
Nguyễn Trát nói:
– Là Vạn-tín hầu họ Lý, huý Thân.
Mai Huyền Sươngcười nhạt:
– Ngày xưa sáng tổ rời đất Âu-lạc sang Tần, đấu võ với các võ sĩ của Tần đoạt chức vô địch, được Thuỷ-hoàng cử làm đại tướng đánh Hung-nô, sau được phong Vạn-tín hầu. Ngày nay chúng ta muốn noi gương ngài. Noi gương tổ tiên là điều nên làm. Ai cãi lại thì chém. Kẻ nào không phục, hãy rút kiếm ra nói chuyện.
Phan Đông Bảng nói:
– Đã vậy, hôm nay không tránh khỏi một cuộc giao đấu. Các vị là cao nhân tiền bối, chúng tôi không dám. Vậy chúng tôi cử ra ba người, các vị sư đồ của quý vị cũng cử ra ba người. Nếu chúng tôi bại sẽ xin rút lui để quyền điều khiển môn phái cho quý vị.
Khi Đông Bảng nói câu này, ông đã biết trong các đệ tử của ba vị sư thúc, bá không ai địch nổi Nguyễn Trát và ông. Hai sư đệ Thủy Hải, Đằng Giang tuy có sút kém hai ông đôi chút, nhưng cũng không đến nỗi nào. Chỉ cần thắng hai cuộc đã coi như thành công.
Mai Huyền Sương cười:
– Không được, trong ba cuộc đấu thì hai vị sư huynh và ta phải chủ trì.
Đông Bảng nói:
– Các vị là tiền bối cao nhân không lẽ lại ra tay với bọn hậu bối chúng tôi, như vậy e nhẹ thể diện chăng?
Một đệ tử của Hoàng Đức Tiết là Lê Nguyên Phong nói:
– Bọn phản đồ! Nếu các người sợ hãi, mau quỳ gối xuống van xin, sư phụ chúng ta sẽ tha cho khỏi ch.ết, rời khỏi nơi đây. Còn muốn ra mặt anh hùng hảo hán thì sẽ mất mạng.
Nguyễn Anh nói:
– Các ngươi là phản đồ mà dám xưng mình là chính phái để chửi người ư?
Nói rồi chàng rút kiếm, phóng liền ba chiêu vào người Nguyên Phong ba chiêu vừa mau vừa mạnh gọi là Hồng-hà tam điệp, đó là ba chiêu đắc ý nhất của Nguyễn Trát mới chế ra.
Nguyên Phong hoảng hốt lùi lại ba bước, nhưng đã chậm, một lưỡi kiếm đã xẹt ngang vai y. Y ối lên một tiếng, ôm vai lùi lại.
Mai Huyền Sương vọt lên, người bà chỉ thấp thoáng một cái, thanh kiếm của Nguyễn Anh đã bay vọt lên không, còn người chàng bị bắn ra khỏi hậu trường té huÿch xuống đất. Miệng phun ra một búng máu.
Phương Dung la lớn:
– Anh cả!
Rồi chạy ra đỡ chàng. Nguyễn Anh nhăn mặt, gượng đứng dậy. Phương Dung hầm hầm chỉ vào mặt Mai Huyền Sương:
– Mi tự hào là cao nhân sao lại ra tay đánh hạng tiểu bối thua mình đến hai bậc? Thực không biết nhục.
Mai Huyền Sương nói:
– Ta sắp kết liễu cuộc đời con nha đầu này đây.
Nói rồi, mụ vung tay phóng chưởng đánh vào đầu Phương Dung. Nguyễn Trát hoảng hốt vung chưởng đỡ. Bộp một tiếng, ông lui lại ba bước, miệng ri rỉ ra máu.
Mai Huyền Sươngnói:
– Ta mới vận có năm thành công lực.
Nguyễn Trát biết thị nói thật, chứ không phải đùa. Ông đứng im suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Các vị tiền bối, ta thuận nhường chức chưởng môn cho quý vị, nhưng quý vị phải thề nhất tâm không được thù hận những việc từ trước đến giờ.
Khi nói câu này, ông đã suy nghĩ kỹ:
– Tạm thời lùi bước để cho chúng chiếm chức chưởng môn, hầu bảo tồn nguyên khí của môn phái. Sau đó ta sẽ lên Mê-linh ở với Thi Sách, mưu đồ quang phục, còn hơn giữ chức chưởng môn để làm ch.ết hết tinh hoa của môn hộ, đến ngày khởi nghĩa lực lượng không còn.
Các đệ tử tại hội trường đồng cúi mặt xuống, nước mắt dàn dụa. Hai anh em Thủy Hải, Đằng Giang đứng lên hướng về bàn thờ tổ lạy bốn lạy rồi khấn:
– Liệt tổ chứng giám cho. Đệ tử không thể chịu nhục quỳ gối trước những kẻ làm tôi mọi cho người Hán.
Hai ông là anh em sinh đôi nên ý chí hợp nhất. Cả hai rút kiếm đưa lên cổ tự tận.
Đông Bảng kêu lớn:
– Sư đệ! Không nên.
Từ đầu đến giờ Phương Dung thấy cha và các sư thúc đấu lý với bọn phản đồ. Về lý tuy thắng, nhưng đối phương luôn tỏ ra là kẻ mạnh, muốn uy hϊế͙p͙ đối thủ. Nàng không dám xen vào.
Bây giờ thấy hai vị sư thúc vung kiếm tự tử. Không nhịn được nữa, nàng rút kiếm phóng ra hai chiêu thần tốc. Hai tiếng choảng vang lên, kiếm của anh em họ Trương đều rơi xuống đất. Nàng nói lớn:
– Sư thúc, không nên tự tử.
Động tác rút kiếm, phát chiêu của nàng thần tốc và quái dị vô cùng. Đến Nguyễn Trát cũng không kịp nhìn rõ.
Phan Đông Bảng thì ngẩn người ra vì ông thấy kiếm chiêu của Phương Dung rất quen thuộc, nhưng ông không biết chiêu đó tên là gì và sử dụng như thế nào.
Lê Nghĩa Nam kêu lên:
– Nguyệt hạ ma kiếm! Con nhỏ kia, mi học chiêu này ở đâu?
Phương Dung được Đào Kỳ truyền nội công âm nhu vì bí quyết 72 chiêu biến hoá của phái Long-biên, nhưng chàng không cho biết đó là kiếm pháp nội công gì. Phương Dung là người rất thông minh, nàng thấy những chiêu kiếm Đào Kỳ dạy cho nàng dường như hơi giống những chiêu kiếm mà cha nàng đã dạy anh em nàng. Có điều những chiêu đó thần tốc và quái dị lạ lùng. Đào Kỳ bảo rằng: Kiếm pháp Long-biên mà nàng đã học được tuy tinh diệu, nhưng những chiêu đó rời rạc, khi sử dụng xong một chiêu lại phải chuyển sang chiêu khác. Giữa khoảng trống là chỗ sơ hở, khiến đối thủ có thể trả đòn được. Bây giờ chàng dạy Phương Dung một số chiêu thức để nối liền các chiêu kiếm kia lại, khi sử dụng sẽ thành một giây liên miên bất tuyệt, khiến đối thủ không có thì giờ trở tay.
Phương Dung tưởng thực, nàng thấy vui vui thì luyện, chứ nàng không thể ngờ rằng đó là những yếu quyết võ công của nhà mình, khiến cho anh hùng thiên hạ nghe đến đều nhiễu nước miếng. Thái-sơn bắc đẩu võ học Lĩnh Nam là Lê Đạo Sinh phải dùng trăm mưu nghìn kế, bắt giam thái sư tổ nàng là Nguyễn Phan để tr.a hỏi, mong học được những bí quyết đó. Các thái sư bá, sư thúc của nàng là bọn Lê Nghĩa Nam cũng chỉ vì thèm những yếu quyết đó, đã đánh độc, bắt sư phụ giao cho Lê Đạo Sinh cùng tr.a hỏi.
Song song với việc dạy 72 chiêu kiếm, Đào Kỳ còn dạy nàng nội công âm nhu. Vì nếu không luyện tập nội công đó, không thể sử dụng 72 chiêu kiếm trấn môn được. Từ ngày luyện tập đến giờ, nàng chưa có dịp sử dụng. Bây giờ thấy sư thúc sắp tự tử, nàng đem ra sử dụng, đánh rơi được kiếm của hai ông xuống. Chíng nàng cũng ngạc nhiên đến ngẩn người ra.
Khi Lê Nghĩa Nam quát hỏi, nàng cũng không biết phải trả lời sao, chỉ đưa mắt nhìn Đào Kỳ. Đào Kỳ nhìn nàng lắc đầu. Phương Dung hội ý đáp:
– Chiêu đó là kiếm pháp của bổn môn.
Nguyên từ bọn Lê Nghĩa Nam cho đến Nguyễn Trát, Phan Đông Bảng đều đã thấy Nguyễn Phan sử dụng chiêu này một vài lần. Ông còn giảng rằng đó là chiêu Mài gươm dưới ánh trăng khi ra chiêu cần phải tính toán để kiếm của mình đụng vào kiếm đối thủ sắp đổi chiêu. Trong khoảnh khắc đó, lực đạo đối phương rất yếu, kiếm mình có thể đánh bay kiếm đối thủ đi.
Ban nãy, Mai Huyền Sương phải dùng đủ mười thành công lực mới phóng mấy mũi tụ tiễn đánh rơi kiếm của bọn Nguyễn Trát. Thế mà bây giờ, chỉ với một chiêu kiếm quái dị, Phương Dung đã đánh rơi kiếm của anh em họ Trương, hỏi họ không kinh hoàng sao được?
Mai Huyền Sương quát lên:
– Dĩ nhiên chiêu đó là kiếm pháp bản môn, nhưng tại sao ngươi lại biết?
Câu hỏi này chính Nguyễn Trát, Phan Đông Bảng cũng định hỏi nàng. Phương Dung đáp lững lờ:
– Ta học chiêu kiếm này của người lớn.
Nguyên vì Đào Kỳ lớn hơn nàng một tuổi nên nàng đáp lơ lững như vây để làm rối trí đối thủ.
Mai Huyền Sương thấy nàng trả lời lờ mờ, y thị là người nóng tính nên quát lớn:
– Dĩ nhiên chiêu kiếm đó ngươi học được của bề trên. Nhưng ngươi có biết chiêu đó chỉ có người chưởng môn mới được học không?
Thị quay lại hỏi Nguyễn Trát:
– Mi còn chối được nữa không? Rõ ràng sư phụ ngươi đã hãm hại sư phụ để học kiếm pháp trấn môn, nếu không làm sao ngươi biết mà truyền cho con nhỏ này?
Đào Kỳ ngồi dưới, chàng biết rõ bọn Lê Nghĩa Nam bắt giam sư phụ, được Nguyễn Phan truyền thụ kiếm pháp, nội công giả cho chúng. Chúng luyện tập suốt hơn hai năm qua, không kết quả. Bây giờ chúng còn đổ tội cho Nguyễn Thuật, sư phụ Nguyễn Trát, thì thực là xảo quyệt, ác độc. Chàng không nhịn được, buông tiếng cười gằn:
– Lê tiền bối! Địa vị người trong phái Long-biên cũng không nhỏ. Đã là cao nhân thì phải quang minh chính đại. Đâu có chuyện mình làm những điều sai quấy, lại đi đổ cho kẻ khác. Khổng-tử nói rằng: Những điều mình không muốn thì đừng làm cho kẻ khác. Ngài lại cũng nói: Người quân tử đã làm điều sai quấy thì phải sửa đổi. Những điều tiền bối làm, tại sao lại cứ đổ cho tiền bối Nguyễn Thuật?
Nghe Đào Kỳ nói, bọn Lê Nghĩa Nam đều nổi da gà, vì trong lời nói của chàng dường như chàng đã biết hết thủ đoạn cuả chúng.
Hoàng Đức Tiết là người thâm trầm. Y hỏi Đào Kỳ:
– Thiếu niên này, ngươi là ai?
Đào Kỳ cười lạt:
– Ta tên là Âu-Lạc. Cha ta là Lạc-long quân, mẹ ta là Âu-Cơ. Ta không phải đệ tử phái Long-biên. Gia đình ta chẳng may gặp tai biến, nên phải đến sống nhờ ở trang Cối-giang đã hơn năm nay.
Mai Huyền Sương thấy chàng trải lời bằng giọng đâm họng, y thị nhảy vèo đến, phóng một chưởng vào người chàng. Đây là chưởng âm nhu của phái Long-biên, Đào Kỳ đã được Nguyễn Phan chỉ dạy. Chàng biết chiêu này tay phải đối thủ sẽ đánh thẳng vào mặt mình. Tay đẩy từ dưới lên trên. Đối thủ không biết, đưa tay gạt, tức thì, hai tay, hai chân sẽ bị gãy. Đào Kỳ giả vờ ngơ ngẩn, khoa tay múa loạn lên, nhưng chàng đẩy về phía Mai Huyền Sương chiêu Ngưu ngoạ ư sơn âm nhu trong Phục ngưu thần chưởng. Kình lực của Mai Huyền Sương gặp kình lực nhu hoà của chàng, bị tan biến mất tăm.
Không những Mai Huyền Sương kinh hoàng, cả đến bọn Nguyễn Trát cũng ngẩn người ra. Vì ông thấy Mai Huyền Suơng ra chiêu nội lực hùng hậu nhưng không hiểu Đào Kỳ đã ra chiêu gì để hoá giải kình lực của y thị dễ dàng như vậy.
Hoàng Đức Tiết nói với Mai Huyền Sương:
– Sư muội, đừng nóng nảy.
Rồi y tiến lên hỏi Đào Kỳ:
– Tiểu bằng hữu, vừa rồi ngươi sử dụng một chiêu giống như võ công Tản-viên, nhưng sao lại dùng nội công âm nhu của bản môn?
Đào Kỳ nói ngang:
– Võ công trong thiên hạ, dù nhu, dù cương cũng do người chế ra. Người này chế ra được, người khác cũng chế ra được. Chiêu thức và nội công của ta do ta chế ra.
Hoàng Đức Tiết còn muốn tr.a hỏi, nhưng y chợt nghĩ lại:
– Việc chính mình tới đây là để chiếm chức chưởng môn với Nguyễn Trát, hơi đâu lý luận đến việc khác?
Nghĩ vậy y bèn nói với Lê Nghĩa Nam:
– Sư huynh! Vừa rồi Nguyễn Trát đã quyết định từ chức chưởng môn để trả về cho chúng ta. Vậy sư huynh hãy tiếp nhận đi.
Nghĩa Nam tiến lên, hướng vào các đệ tử Long-biên:
– Các ngươi nghe đây! Nguyễn Trát biết tội, thoái vị chưởng môn. Kể từ hôm nay ta là chưởng môn. Các ngươi phải tuyệt đối tuân lệnh ta. Kẻ nào chống đối sẽ bị giết không tha.
Hội trường im phăng phắc nhưng không khí căm hờn ngùn ngụt bốc dậy. Nghĩa Nam tiếp:
– Ta tuyên bố ba điều căn bản: Thứ nhất, tuyệt đối tuân theo chí hướng của sáng tổ là Vạn-tín hầu, phục tùng Hán thất. Phải bỏ tất cả những mưu đồ phản Hán phục Việt. Thứ nhì, tất cả các đệ tử phải có mặt tại bờ hồ Tây vào ngày rằm tháng tám sang năm để dự đại hội. Thứ ba, Nguyễn Trát, Phan Đông Bảng đã làm chuyện khi sư nghịch đạo, đuổi ra khỏi môn phái. Chiếu môn quy, phải rời khỏi trang Cối-giang nội ngày hôm nay cùng với vợ con.
Phương Dung thấy cha cùng sư thúc cúi đầu, nước mắt chảy dài, nàng không nhịn được, bước ra hỏi:
– Các người tự thị là cao nhân tiền bối đến đây để đoạt chức chưởng môn. Chức chưởng môn vừa vào tay đã bắt chúng ta quỳ gối trước mặt người Hán, thực là một điều sỉ nhục lớn lao của môn hộ. Chúng ta không tuân theo.
Mai Huyền Sương hất hàm ra lệnh cho Lê Nguyên Phong:
– Nguyên Phong, ngươi hãy bịt miệng con nhỏ ngạnh đầu cho ta.
Nguyên Phong là đệ tử đắc ý nhât của Lê Nghĩa Nam, tuổi y khoảng 40, võ công không kém Nguyễn Trát là bao. Nghe Mai Huyền Sương ra lệnh, y nhảy vào vung tay tát Phương Dung hai cái. Thân pháp y nhanh không tưởng được. Nguyễn Trát định xuất chiêu cứu Phương Dung nhưng đã trễ. Không ngờ khi hai tay y sắp tới mặt Phương Dung, nàng đã chuyển thân mình, thoáng một cái, đã ở phía sau Nguyên Phong. y tát vào khoảng không.
Mai Huyền Sương kêu lên:
– Ủa!
Phan Đông Bảng cũng ngạc nhiên:
– Úi chà!
Lê Nguyên Phong được lệnh sư thúc trấp áp một cô gái vào hàng hậu bối, ra tay đánh trộm mà bị hụt. Y nổi giận, quát lên một tiếng, tay trái vận sức, quay thành vòng tròn xuất chưởng đánh vào ngực Phương Dung. Tay phải biến thành trảo chụp vào mặt nàng. Phương Dung chờ cho chưởng, trảo đối phương sắp tới người, mới nhảy vọt lên cao, chân nàng đá gió một cái, người đã bắn ra xa Nguyên Phong.
Nguyên Phong giận quá, rút kiếm, ra chiêu Hoa khai nguyệt hạ. Kiếm quay tròn, biến thành 18 chiêu hư, bao trùm người Phương Dung. Tất cả hội trường đồng kêu lên:
– ch.ết!
Họ đều nhắm mắt lại, không dám nhìn cảnh một cô gái xinh đẹp như vậy bị giết ch.ết. Nhưng bóng trắng thấp thoáng, Phương Dung chuyển động thân hình, đồng thời rút kiếm phóng ra một chiêu thần tốc, quái dị. Kiếm chiêu đâm vào giữa vòng tròn kiếm quang của Lê Nguyên Phong. Rồi nàng thu kiếm về, tr.a vào vỏ đến cách một cái. Kiếm của Nguyên Phong đã bị rơi xuống đất. Cổ tay và vai vai y đều bị trúng kiếm, máu chảy xối xả.
Từ Lê Nghĩa Nam cho tới Nguyễn Trát, Phan Đông Bảng đều trông rất rõ Phương Dung ra chiêu. Nhưng động tác rút kiếm, đâm ra, tr.a kiếm vào vỏ thần tốc vô cùng. Họ cũng không biết chiêu thức Phương Dung sử dụng là chiêu thức gì? Họ thấy rõ lối xuất chiêu, tay trái bắt kiếm quyết, đúng là kiếm pháp bản môn, nhưng họ không biết Phương Dung học kiếm đó ở đâu?
Hoàng Đức Tiết vẫy tay bảo Nguyên Phong:
– Ngươi hãy lui ra! Thì ra Nguyễn Thuật đã cưỡng bức sư phụ đoạt kiếm pháp trấn môn truyền cho Nguyễn Trát, rồi Nguyễn Trát truyền cho con nhỏ này.
Y rút kiếm cầm tay, hướng vào Phương Dung:
– Con nhỏ kia, hãy rút kiếm ra.
Phương Dung khoanh tay, cười tủm tỉm:
– Đối phó với bọn phản đồ, ta chả cần phải rút kiếm vội.
Hoàng Đức Tiết vung kiếm từ phải vòng qua trái, hướng vào ngực Phương Dung. Phương Dung không đỡ, không tránh, nàng rút kiếm chĩa ra trước, mũi kiếm chỉ đúng vào cườm tay Hoàng Đức Tiết. Nếu Đức Tiết tiếp tục đánh tới, chẳng khác gì y tự đưa tay vào mũi kiếm của Phương Dung. Hoảng kinh, y vội thu kiếm lại, nhảy lùi về phía sau. Y chưa kịp đứng vững thì bóng trắng thấp thoáng, cổ tay y bỗng thấy đau nhói. Phương Dung đã nhảy theo như bóng với hình dí mũi kiếm vào cổ y. Y vội bật ngửa người ra sau tránh khỏi, lăn ba vòng, rồi vọt người lên. Thuận tay y đâm kiếm về phía trước để cản Phương Dung.
Phương Dung ra mấy chiêu thần tốc, chiếm được thượng phong, nhưng nàng mới sử dụng kiếm pháp Đào Kỳ dạy lần đầu nên chưa kinh nghiệm, thành ra Đức Tiết có thời giờ phản công.
Đức Tiết tấn công liền mười chiêu. Phương Dung thuận thế phản công. Từ lúc nhập cuộc, tới bây giờ Đức Tiết mới trả được đòn. Kiếm chiêu của y đánh ra liên miên bất tuyệt. Nguyễn Trát, Phan Đông Bảng ngây người đứng nhình, rồi nói với Trương Thủy Hải:
– Các sư đệ! Nếu sư phụ còn tại thế, hiện giờ chưa chắc đã là đối thủ của y. Không ngờ kiếm pháp của y đã cao đến trình độ đó.
Đúng ra, kiếm pháp của bọn Nghĩa Nam chưa tới trình độ đó. Nhưng trước đây một năm, bọn họ đã được Nguyễn Phan truyền kiếm pháp giả cho. Ông sợ chúng khám phá ra, nên cứ ba chiêu ông truyền thực, bảy chiêu ông đã đổi đi. Chỉ với ba phần thực, nhưng họ đã học kiếm pháp Long-biên hơn ba mươi năm, nên cũng thu được rất nhiều kết quả.
Nhưng dù Hoàng Đức Tiết có ra chiêu thần diệu đến đâu, Phương Dung vẫn ung dung đối phó dễ dàng. Kiếm chiêu của nàng cực kỳ thần tốc, biến hoá quái dị. Lê Nghĩa Nam đứng ngoài cũng ngẩn người ra. Y nói với Mai Huyền Sương:
– Thì ra lão già đã bí mật truyền thụ võ công trấn môn cho Nguyễn Trát. Nguyễn Trát tư vị truyền cho con gái. Nếu chúng mình không học được kiếm pháp của lão, Hoàng sư đệ ắt không thể chống nổi con nhỏ này.
Càng đấu, Phương Dung càng thu được nhiều kinh nghiệm. Kiếm chiêu của nàng đã thuần phục hơn. Hoàng Đức Tiết vừa ra chiêu, vừa nhảy nhót, hò hét; còn nàng, thuỷ chung tay trái bắt quyết, tay phải xuất chiêu, ung dung nhàn nhã. Trận đấu như vậy, rõ ràng đã phân thắng bại.
Bất thình lình Đức Tiết quát lên một tiếng, xả ba chiêu véo, véo, véo liên tiếp vào vai trái Phương Dung. Phương Dung không dám đỡ, nàng nhảy lui lại ba bước, rồi đẩy xéo lưỡi kiếm từ dưới lên trên. Hoàng Đức Tiết kêu lên một tiếng ái chà, kiếm rơi xuống đất đánh choang một cái. Cổ tay và vai y máu tuôn ra xối xả, trong lúc Phương Dung đã tr.a kiếm vào vỏ hỏi:
– Hoàng tiền bối! Người đã chịu thua chưa?
Hoàng Đức Tiết lùi lại cho một đệ tử băng bó vết thương. Mai Huyền Sương tiến lên hỏi:
– Tiểu cô nương! Cô nương danh tính là gì? Cô nương đã học kiếm pháp ảo diệu bản môn của ai?
Phương Dung chỉ vào Nguyễn Trát:
– Tôi là Phương Dung! Căn bản kiếm pháp bản môn của tôi do bố tôi truyền thụ. Sau tôi được một người lớn dạy dỗ cho tôi 72 chiêu kiếm và cách biến hoá. Người lớn dạy tôi, vì một lẽ riêng, không muốn hiện lộ thân thế.
Câu nói của Phương Dung ám chỉ Đào Kỳ là người lớn tuổi hơn nàng. Nhưng đối với Mai Huyền Sương,không phải Nguyễn Trát, thì là Nguyễn Phan. Họ cùng nghĩ rằng Nguyễn Phan ẩn nấp đâu đó, bí mật truyền kiếm pháp trấn môn cho nàng.
Lê Nghĩa Nam nói:
– Đã vậy, ta xin lĩnh giáo cô nương mấy chiêu.
Nói rồi y rút kiếm từ từ đưa ra trước, khoanh tay như bái tổ. Đó là chiêu kiếm của phái Long-biên dùng để chào khách trước khi giao đấu. Phương Dung cũng rút kiếm, ra cùng một chiêu. Nhưng nàng rút kiếm sau, mà tới trước, rồi thuận tay kéo thành một chiêu vòng cầu. Nghĩa Nam cũng đã phản công. Hai người dùng cùng một thứ kiếm pháp của môn hộ, nên người ngoài chỉ còn thấy hai quả cầu bạc. Họ không phân biệt được đâu là Phương Dung, đâu là Lê Nghĩa Nam.
Đấu được khoảng 200 hiệp thì Phương Dung đã thuần phục các chiêu thức. Bây giờ nàng muốn ra chiêu nào, tòng tâm sử dụng, liên miên bất tuyệt. Nhưng dù nàng ra chiêu huyền diệu đến đâu, Nghĩa Nam cũng ứng phó được.
Đào Kỳ ngồi ngoài, thấy vậy, nghĩ thầm:
– Công lực của Lê Nghĩa Nam đã tới độ tối cao, Phương Dung đấu với y dằng dai như vậy, e rằng chỉ hơn trăm chiêu nữa, nàng sẽ bị bại.
Nghĩ vậy, chàng bèn đọc lớn lên:
Hư hư, thực thực, thị chân truyền,
Thượng, hạ, chuyển khai ý chí kiên,
Minh minh, toạ toạ, nhiên thị thắng,
Minh tâm, nhật nguyệt hạc phi thiên.
Phương Dung đang đấu với Nghĩa Nam, nghe Đào Kỳ đọc vậy, chợt tỉnh ngộ. Hôm trước Đào Kỳ đã giảng cho nàng: Cần phải biết đang từ hư biến sang thực. Từ thực biến sang hư. Như vậy, đối phương sẽ không biết đâu mà đánh, mà đỡ. Đối phương sẽ mất nhiều sức, mà mình làm chủ được trận đấu. Nghĩ vậy, đang từ hư nàng chuyển sang thực. Lê Nghĩa Nam suýt bị nàng đâm trúng bụng, vội nhảy lùi lại. Nàng vẫn chuyển kiếm theo toàn hư chiêu. Chiêu nào y cũng phải vận sức để chuẩn bị đỡ đòn. Được mấy chiêu, y tưởng nàng đánh hư, cũng ra hư chiêu, thì nàng lại biến thành thực. Lần này mũi kiếm của nàng đâm xéo vào ngang hông y, xoẹt một tiếng, mũi kiếm đã chạm vào sườn y. Y kinh hoảng nhảy lùi lại, đưa tay sờ vết thương. Thấy có vết máu, y biết mình đã bị thương, nhưng không nặng lắm. Y quát lên một tiếng, lại xông vào tấn công. Lần này kiếm pháp của y đã đổi hẳn. Khi mau khi chậm.
Đào Kỳ nhận ra y sử dụng kiếm pháp Cửu-chân nhà chàng. Trong đầu óc chàng nảy ra không biết bao nhiêu nghi vấn: Lê Đạo Sinh định dùng chàng làm con mồi để bắt cha, mẹ và cậu chàng hầu đoạt lấy võ công Cửu-chân. Thế tại sao y lại biết võ công Cửu-chân để dạy cho Lê Nghĩa Nam?
Đánh được 30 chiêu, bỗng kiếm của Phương Dung chạm vào kiếm Nghĩa Nam đánh choang một tiếng. Cánh tay nàng tê dại, suýt rơi mất kiếm. Nàng chợt nhớ Đào Kỳ giải thích câu Thượng, hạ, chuyển, khai, ý chí kiên là: Suốt cơ thể, phải bỏ trống không. Chân khí buông lỏng. Ý, chí hợp nhất mới chống được đối thủ có công lực dương cương.
Phương Dung tỉnh ngộ, buông lỏng chân khí, phóng ra ba chiêu như điện chớp. Lê Nghĩa Nam cố ý cho hai kiếm chạm nhau. Đến chiêu thứ sáu, y được như ý. Choang một tiếng, hai kiếm chạm nhau. Nhưng lần này, khi hai kiếm chạm nhau, mũi kiếm của Phương Dung như dính liền với người y, chĩa vào ngực y. Y kinh hoảng nhảy lùi lại đến bốn bước, nhưng mũi kiếm vẫn theo y đúng với câu: Minh tâm, nhật nguyệt, hạc phi thiên, nghĩa là lòng dạ phải trong sáng, kiếm chiêu như ánh mặt trời mặt trăng chiếu vào con hạc. Y nhảy đến bước thứ năm thì chạm phải bức tường. Mũi kiếm đâm vào ngực y đến sột một cái. Y buông kiếm, phát một chưởng đánh vào ngực Phương Dung. Phương Dung nhảy lùi lại ba bước, vung kiếm cắt ngang vào chưởng của y để hoá giải kình lực.
Lê Nghĩa Nam ôm ngực, mặt tái như gà bị cắt tiết, dơ tay vẫy đồng bọn:
– Đi thôi.
Cả bọn đưa mắt nhìn Phương Dung, rồi cùng theo Nghĩa Nam rời khỏi hội trường.
Phan Đông Bảng bước đến bên Đào Kỳ chắp tay:
– Đào công tử! Thì ra người là tam công tử của Đào hầu đất Cửu-chân. Ta dám hỏi người một câu: Người đã gặp thái sư phụ ta trong trường hợp nào? Hiện thái sư phụ ta ở đâu?
Từ khi mới gặp Phan Đông Bảng, Đào Kỳ đã cảm thấy kính phục ông. Nay hành tung của chàng đã bị ông khám phá, chàng không dám dấu diếm, chắp tay hỏi:
– Thì ra tiền bối biết cả rồi ư?
Phan Đông Bảng gật đầu:
– Ta chỉ đoán già mà thôi. Cách đây mấy năm ta nghe nói người con út của Đào hầu Cửu-chân, giữa chợ Long-biên tuốt kiếm giết tám tên lính Hán, bị huyện uý Long-biên là Đức Hiệp bắt được. Sau vì đánh cuộc thua Lê Đạo Sinh mà bị làm tôi tớ cho y. Ta với Đào hầu là chỗ thâm giao, nên ta đã mang tiền đến chuộc công tử ra. Nhưng Lê Đạo Sinh không chịu. Gần đây, ta lại nghe nói công tử gặp kỳ duyên, học được võ công Văn-lang, Long-biên, đánh bại Hoàng Đức, Đức Hiệp. Rồi giữa chợ Cổ-đại đấu với võ sĩ của Tô Định, khiến dân Cổ-đại không phải chịu Ngũ-pháp. Khi trở về Cối-giang này thì sư huynh ta bảo công tử cải danh là Âu Lạc, ẩn thân ở đây đã hơn một năm. Sư huynh ta thấy công tử dạy võ cho Phương Dung thì cứ tưởng công tử dạy võ Cửu-chân. Có ngờ đâu, công tử lại dạy võ công thượng thừa của bản môn cho nó.
Ông quay lại Phương Dung:
– Cháu ngoan, mau lại tạ ơn Đào công tử đi.
Phương Dung đến bên Đào Kỳ, thình lình nắm lấy hai tai chàng vặn mạnh:
– Cái anh này gớm thật! Người nói dối ta, xưng là Âu-Lạc. Ngươi dạy võ công trấn môn của tổ sư cho ta, sao lại dấu ta?
Đào Kỳ bị nàng vặn tai đau quá, nhăn mặt cười:
– Thì anh phải nói dối như vậy chứ. Nếu anh bảo là kiếm pháp Long-biên, làm sao qua mặt em được? Em thông minh quá đi! Mắt sáng như sao! Em sẽ hỏi anh học ở đâu, làm sao anh trả lời cho nổi?
Rồi Đào Kỳ nghiêm nét mặt, nói với Nguyễn Trát:
– Sư bá! Xin sư bá thứ lỗi. Vì cháu giữ trong người nhiều bí mật, nếu nói ra e sẽ nguy đến tính mệnh của hàng ngàn người Đào, Đinh trang, nên phải nói dối sư bá bấy lâu.
Rồi Đào Kỳ vẫy Nguyễn Trát, Đông Bảng, Thuỷ Hải, Đằng Giang và Phương Dung đi theo. Tới bờ sông, chàng mới nói:
– Tôi mời các vị xuống đò, mình chèo ra giữa giòng sông nói một số điều cơ mật, vì nói ở trong bờ sợ tai vách, mạch rừng.
Trang Cối-giang chuyên về đánh cá và nông nghiệp nên có hàng trăm đò đâu ven sông. Nguyễn Trát chỉ một con đò lớn mà ông thường dùng để di chuyển xa và du ngoạn. Trên đò có đủ thực phẩm, trái cây, cùng rượu ngon. Bọn đò phu thấy ông thì cúi rạp mình xuống.
Ông bảo họ:
– Không dám phiền các vị, các vị về đi, chúng ta chèo lấy được rồi.
Ông tháo dây cột đò, lấy sào đẩy mạnh một cái, đò đã đến giữa sông. Phương Dung ngồi vào chỗ tay lái, cầm lấy.
Thấy đò đã xa bờ, Đào Kỳ mới bắt đầu thuật lại từ khi chàng vào trang Thái-hà ra sao, làm thế nào chàng tìm được bộ Văn-lang vũ kinh, làm thế nào chàng gặp Nguyễn Phan. Ông truyền bí quyết tâm pháp phái Long-biên cho chàng ra sao, nhất thiết kể lại.
Đông Bảng nói:
– Không hiểu Lê Đạo Sinh bắt thái sư phụ tr.a tìm võ công bản môn làm gì? Thực khó hiểu.
Phương Dung nói:
– Theo con biết, y muốn lấy bí quyết võ công bản môn không phải để học, mà để truyền cho kẻ nào đó trong môn phái mình, đưa y lên làm chưởng môn, rồi mưu hợp nhất các phái. Có lẽ y muốn thống nhất các phái dưới quyền y chăng?
Nguyễn Trát nói:
– Có lẽ thế. Vậy thì Tây-hồ đại hội, không phải thiện tâm của y, mà y muốn mượn dịp để cho các gia, các phái chém giết nhau chăng?
Bỗng Đông Bảng quát lên một tiếng rồi nhảy ùm xuống sông. Một lát sau, ông nắm đầu một người lôi lên.
Ông nói:
– Chúng ta bàn chuyện, tên này nghe hết rồi. Phương Dung, cháu hỏi xem y là ai?
Phương Dung trói chặt tên đó lại. Nàng rút kiếm phớt ngang một chiêu, cái cọc đò đứt làm hai. Rồi nàng ướm thử vào đầu tên đó, như định phớt một chiêu nữa.
Y sợ quá kêu lớn:
– Tiểu thư, xin tiểu thư tha mạng, tôi xin nói.
Phương Dung bèn hỏi:
– Mi là người của ai?
– Thưa, Huyện-uý Long-biên, Hoàng Đức lão gia.
– Mi đi với mấy người?
– Chúng tôi có năm người. Mình tôi rình ở ven sông, còn bốn tên kia thì đi theo đám đệ tử của Hoàng Đức Tiết.
Đông Bảng nói:
– Thế thì Đạo Sinh liên kết với đám Nghĩa Nam rồi. Thực lợi hại. Khó một điều, từ trước đến giờ, Đạo Sinh khéo giả nhân giả nghĩa thành người hào hiệp giang hồ. Y bắt giam chưởng môn Tản-viên, Long-biên, để lấy yếu quyết võ công. Rồi lợi dụng môn phái mất chưởng môn, người người tranh nhau, y tìm đệ tử của môn phái, mua chuộc, rồi truyền bí quyết cho để thành chưởng môn. Sau đó y thống nhất các môn phái, làm võ lâm chí tôn vùng Lĩnh-nam. Nhưng không hiểu y chỉ muốn làm võ lâm chí tôn Lĩnh-nam thôi, hay còn muốn dâng đất nước này cho người Hán mãi mãi?
Nguyễn Trát nói:
– Nếu y muốn hợp nhất các phái lại để được Hán đế cho làm Thứ sử, hay Thái thú thì thực là hèn hạ và nguy hiểm. Còn trường hợp y muốn hợp nhất để mưu đồ phục quốc, thì cũng không đáng trách.
Đông Bảng nói:
– Bây giờ chúng ta chia làm ba: Một lực lượng đi dò thám động tĩnh các môn phái khác, trình bày rõ dã tâm của Đạo Sinh, một lực lượng đi cứu những người bị giam ở Thái-hà trang...
Đào Kỳ xua tay:
– Tất cả những người bị giam ở Thái-hà, Lê Đạo Sinh đã chuyển về nhà lao Luy-lâu. Chúng ta không thể, và không đủ người đánh phá Luy-lâu!
Nguyễn Trát hỏi:
– Tôi với các cháu đi dò la tung tích của Cửu-chân song hiệp. Còn Đông Bảng đi dò tin tức của Sài-sơn. Thủy Hải đi dò la tin tức của phái Hoa-lư. Đằng Giang đi dò la tin tức của cha Thánh Thiên. Còn Đào Kỳ đi dò la tin tức của phái Tản-viên. Dù thế nào chăng nữa, ngày rằm tháng tám sang năm cũng phải về dự đại hội Tây- hồ.
Phương Dung nói:
– Đào đại ca, đại ca cho em đi theo được không?
Đào Kỳ thấy nếu cho cô bé này đi theo có lẽ được nhiều việc, nên nói:
– Được, nếu Dung muốn đi, phải hỏi xem lão bá có đồng ý không đã?
Phương Dung hỏi cha:
– Bố ơi, bố cho con đi với Đào đại ca nghe?
Nguyễn Trát thấy con gái mình quấn quýt bên Đào Kỳ từ lúc mới gặp, nay hai người phải chia tay, tránh sao cho khỏi buồn, ông bèn gật đầu:
– Đào huynh cho con đi, nhưng con phải ngoan ngoãn nghe.
Trước khi lên đường, Đông Bảng trình bày cho Đào Kỳ biết tất cả những bí ẩn của phái Tản-viên, tính tình từng nhân vật một. Đào Kỳ nhất nhất ghi nhớ vào lòng. Nguyễn Trát dặn thêm:
– Đặng Thi Kế và Nguyễn Thành Công của phái Tản-viên hiện giờ không rõ tăm hơi đâu. Chưởng môn là Đặng Thi Sách, cùng vợ là Trưng Trắc tuy còn trẻ tuổi, nhưng họ là người có hùng tài, đởm lược khác thường. Hơn nữa, họ là người ôn nhu, trí lự trung thuần, tôi tin rằng khi công tử gặp họ, thì sẽ kết thành những người bạn đồng tâm nhất trí. Hiện giờ người của phái Tản-viên rất nhiều, riêng họ Đặng cai quản trên trăm trang trại, họ Trưng cai quản trên năm chục trang trại. Mấy năm nay họ luyện tập tráng đinh, kết nạp anh hùng hào kiệt để chuẩn bị khởi nghĩa. Tô Định chắc chắn đã có kế hoạch phá họ rồi. Thi Sách, Trưng Trắcï chỉ biết có một mối lo là Phong-châu song quái, chứ họ không bao giờ ngờ tới Lê Đạo Sinh cả. Khó một điều là võ công Đặng Thi Sách và Trưng Trắc còn thấp hơn Phong-châu song quái, làm sao họ địch lại Lê Đạo Sinh? Tôi e trong đại hội Tây-hồ, chính phái Tản-viên sẽ bị khống chế trước. Phái Tản-viên người nhiều, thế lớn, bị khống chế rồi, các môn phái khác làm sao có thể giữ nổi môn hộ?
Chú giải :
(1) PHAN CHU TRINH, Chí thành thông thánh thi. Câu Chư quân khởi thị vô tâm huyết, có nghĩa là các người đâu phải là kẻ không có tấc lòng với đất nước.
(2) PHƯƠNG CHÍNH HẦU TRẦN TỰ MINH, người châu Lục-hải đời Hùng Vương, xuất thân làm nghề đánh cá (nay thuộc Nam-định). Ngài theo An-Dương vương đánh vua Hùng đời thứ 18. Sau khi lập thành nước Âu-Lạc ngài được vua phong tước Phương-chính hầu, giao quyền Tể-tướng. Ngài từ trần trước khi Trọng-Thủy sang làm rể Âu-Lạc. Cao-cảnh hầu Cao Nỗ than: “Nếu Cao-cảnh hầu còn tại thế, sẽ can vua không gã Mỵ-Châu cho Trọng Thủy được”. Chúng tôi thu được cuốn phổ nói về sự tích của ngài tại thư viện trung ương Bắc-kinh.
(3) Bài Tổng quyết nầy rất dài khoảng 100 câu. Muốn chép, chú giải hết phải trên 500 trang mới đủ, nên chúng tôi chỉ chép sơ lược mấy câu mà thôi.
(4) Các sách chính sử Việt-Nam đều chép là Thi Sách, chứ không chép họ của ông là gì. Sự thực ông họ Đặng. Trong các cuốn phổ tại đền thờ Trưng Trắc, Trưng Nhị, Phương-Dung, Đào Kỳ đều chép Thi Sách họ Đặng cả.