Chương 19: Hẹn Ngày
Hôm đó, sau khi trở về, Triệu Minh Đức liền sốt cao, suốt mấy ngày không thấy bóng dáng đâu, còn mặt mày Bùi Tu Vân thì hôm nào cũng lạnh tanh, Tống Tích không dám nói chuyện với chàng.
Chỉ có điều, sau khi tan học, Tống Tích lập tức dẫn đám bạn tới chỗ thuyền rồng ven hồ Đông, tận khi trời tối mới về nhà.
Nàng bận đến mức quên bẵng hai người nọ.
Tết Đoan Ngọ đến, Triệu Minh Đức vốn biệt tăm mấy ngày chợt xuất hiện, dẫn theo một đám người làm.
Hình như cậu cao hơn được một tý, nhưng tạng người lại gầy đi, lúc đứng giữa đám đông, nom cậu như một thanh trúc vậy.
“Tống Tích!” Triệu Minh Đức lách ra khỏi đám đông và bước tới chỗ nàng, trong tay cầm một cái khay làm bằng gỗ mun, trên mặt thì quấn khăn.
“Huynh hết bệnh rồi à?” Thấy sắc mặt của cậu cũng ổn, Tống Tích thở phào nhẹ nhõm.
“Ừm,” Triệu Minh Đức đưa khay ra, “Muội mở ra xem đi.”
Tống Tích tò mò vén khăn lên, trong khay lộ ra một góc tơ lụa tinh xảo màu đỏ rực.
“Cái này…” Tống Tích tròn mắt nhìn.
Sau khi vén toàn bộ khăn lên, nàng thấy được một bộ y phục màu đỏ thêu hoa mẫu đơn bằng chỉ vàng.
Hoa khai phú quý, cẩm tú kiêu sa.
“Tại sao… y phục của ta lại không giống với bọn họ?” Tống Tích nghi hoặc hỏi.
“Vì… vì có rất nhiều người chèo thuyền, nhưng chỉ có muội là người đánh trống thôi.” Cậu giải thích, khuôn mặt nhợt nhạt dần hiện lên sắc đỏ.
“Ồ.” Tống Tích cẩn thận nhấc y phục lên và cầm trong tay, nó nhẹ tựa lông hồng vậy.
“Ta đã bao phòng Quảng Tụ hiên bên kia hồ Đông rồi, muội có thể ôm y phục đến đó thay.” Triệu Minh Đức hối nàng, trong lòng có hơi gấp không chờ nổi, muốn ngắm dáng vẻ của nàng khi khoác lên mình bộ y phục này.
“Được.” Tống Tích vẫy tay rồi vội rời khỏi.
Sau khi thay bộ y phục màu đỏ xong, lúc nàng đi ra khỏi Quảng Tụ hiên thì va phải một người.
“Tống Tích…” Bàn tay hơi lạnh ôm lấy bả vai của nàng.
Bùi Tu Vân cúi đầu nhìn Tống Tích, ánh mắt thoáng vẻ thâm trầm.
Nếu không phải bình thường nàng luôn mặc váy rộng thì chàng đã không biết, nàng là một thiếu nữ trưởng thành duyên dáng yêu kiều như vậy.
Bộ y phục đỏ rực này tôn lên vòng eo lá liễu của nàng, làm bật lên nước da trắng như tuyết, kiều diễm vạn phần.
“Tiên sinh, thì ra là người.
Con sắp phải thi đấu rồi, lát nữa con đến tìm người nhé.” Nàng nóng lòng bảo.
“Gượm đã.” Bùi Tu Vân cởi áo choàng của mình ra, từ tốn khoác lên vai nàng.
“Con mặc bộ y phục này, nếu để dính mưa sẽ rất hớ hênh.
Bây giờ con khoác tạm áo choàng của ta đi, bao giờ thi đấu hẵng cởi ra.” Chàng chỉnh lại áo choàng trên người Tống Tích, sau đó cúi người xuống.
Tống Tích chợt thấy có gì đó tròn tròn nhét vào tay mình.
Nàng vội mở tay ra, là một viên kẹo mận đen [1].
“Nếu con thắng, ta sẽ thưởng cho con thêm một viên nữa.” Chàng thu tay về, đứng vững như khối ngọc trước mặt nàng.
“Nếu thua thì sao ạ?” Tống Tích vân vê viên kẹo, hỏi.
“Nếu thua, ta sẽ cho con hết.” Giọng nói của chàng trong trẻo, thoạt nghe dịu dàng hơn cả thường ngày ở học đường.
“Tại sao con thua lại được nhiều kẹo hơn thắng ạ?” Tống Tích chợt nảy ra một mong muốn chỉ đứng yên ở đây, không thèm thi đấu nữa.
Nàng muốn mãi nói chuyện với chàng.
“Bởi vì khi con thắng, con sẽ vui vẻ, không cần mấy viên kẹo của ta, nhưng khi con thua, con sẽ buồn bã.” Ánh mắt của chàng lẳng lặng ngắm nhìn nàng, nơi đáy mắt là cảm xúc mà trước nay chưa từng có.
“Tiên sinh…” Tống Tích bước đến một bước, dựa vào người của Bùi Tu Vân và nhón chân ôm lấy cổ chàng.
Ban đầu, bàn tay của chàng khựng giữa không trung, nhưng ngay sau đó dần dần hạ xuống, đặt trên eo nàng.
“Khi nào thi đấu xong, nếu con nhớ ta thì đến tìm ta, ta có chuyện muốn nói với con.
Nếu hôm nay con không đến thì cả đời này ta sẽ không nói ra nữa.” Giọng nói của chàng tựa gió xuân, mơn man vành tai của Tống Tích.
“Thi xong con còn phải đi ăn với mọi người rồi.
Sau khi ăn xong con lại đến tìm người nhé.” Tống Tích vùi mặt trong lòng chàng, không hiểu vì sao, nàng vô thức cảm thấy an tâm.
“Hôm nay dẫu muộn cỡ nào, ta cũng đợi con.”
“Dạ.” Nàng thả tay ra, lùi về sau một bước.
Nàng lưu luyến nhìn chàng một cái rồi mới chạy vào màn mưa mênh mông.