Chương 10
Tôi tin tưởng rằng, đêm hạnh phúc nhất trong chuyện tình đầy lãng mạn của Phương Bích Ngọc và Lý Chí Cao chính là cái đêm mà Lý Chí Cao ngủ trong đống rơm ở đầu làng. Chỉ qua một đêm như thế, tình cảm giữa hai người tăng tiến một cách đột ngột, nhanh chóng đẩy mọi việc đến chỗ cao trào và đi vào chiều sâu hơn.
Buổi sáng hôm sau, anh ta đứng chờ chúng tôi ngay tại đống rơm đầu làng để quay về xưởng bông. Trong ánh sáng mờ mờ của mặt trời buổi sáng, những cọng rơm trên đầu anh ta rực rỡ như những sợi vàng, nụ cười mỉm trên môi anh ta cũng như đang tỏa ánh sáng rực rỡ của ngọc ngà châu báu.
Qua một đêm đấu tranh tư tưởng, tuy rất đau khổ nhưng tôi nhận thức được một cách rõ ràng: Phương Bích Ngọc và Lý Chí Cao mới là một cặp trời sinh, tôi không phải là đối thủ ngang tài ngang sức với Lý Chí Cao. Tôi không có dũng khí để ngủ qua đêm ở đống rơm. Tôi quyết định thối lui về tuyến sau, biến thành kẻ thứ ba cao thượng vinh quang để cho hai người xâu kim rút chỉ, xây cầu đắp lối. Trong khi còn trẻ như vậy mà đã làm được việc này, quả thực chẳng dễ dàng chút nào.
Phương Bích Ngọc lấy ra từ chiếc túi vải hoa của cô ấy bốn quả trứng gà còn nóng hôi hổi đưa cho tôi và Lý Chí Cao mỗi người hai quả. Cầm lấy quả trứng mà linh hồn tôi đang khóc lóc kêu gào. Tôi biết những quả trứng này đã được luộc vì ai, tuy đều là những quả trứng có vỏ màu đỏ bầm, nhưng hai quả của Lý Chí Cao nặng tựa Thái Sơn, hai quả của tôi nhẹ như lông hồng. Một lão già đi nhặt phân chó buổi sáng với khuôn mặt đầy băng tuyết, đứng trân trối nhìn cảnh tượng này khiến tim chúng tôi muốn nhảy tọt ra ngoài.
Tôi cho rằng Phương Bích Ngọc đang dùng ánh mắt chứa chan tình cảm như nước hồ thu nhìn gương mặt đầy góc cạnh phong sương của Lý Chí Cao. Chẳng tỏ vẻ gì khách sáo, anh ta đưa quả trứng lên miệng cắn mạnh. Quả trứng nóng đến độ anh ta chảy nước mắt. Phương Bích Ngọc cười nhẹ rồi dùng bàn tay nửa mở nửa nắm đấm mạnh lên lưng anh ta. Những cú đấm này chính là biểu hiện của tình yêu, một cú đấm là một lời thề khắc cốt ghi tâm của tình yêu. Những cú đấm trên lưng của Lý Chí Cao lại chính là đang đấm vào trái tim tôi. Muộn rồi, tôi đã bị loại trừ. Lý Chí Cao đang cười, những vụn trứng từ miệng anh ta phun ra như những viên đạn màu vàng. Theo tiếng cười, cái đầu của anh ta lắc lư, những lọn tóc bồng bềnh đen nhánh nhảy múa trông như lông vũ của một chú gà trống đang cất tiếng gáy. Thời ấy, mái tóc dài đang cực kỳ thịnh hành, mái tóc dài là tiêu chí của sự phản truyền thống! Sự chống đối xã hội. Tôi đã từng nghe "Nhúm Lông" Triệu Nhất Bình ở tổ kiểm nghiệm nói, đàn ông mà để tóc dài là do nhu cầu hấp dẫn đối với phái nữ. Cô ta đã đưa ra hai chứng cứ rất thuyết phục để minh chứng cho lý luận của mình. Cô ta nói có một nhà khoa học nước ngoài đã làm một thực nghiệm như sau: Ông ta cắt trụi những bờm lông vốn rất dài trên đầu con sư tử đực, ngay lập tức con sư từ cái vốn là bạn của nó lập tức từ bỏ nó, đi tìm một con đực có lông dài khác. Ông ta cũng cắt những chiếc lông đuôi cong vòng và cao ngất của con gà trống, ngay sau đó con gà trống đã bị bầy gà mái mổ cho đến ch.ết. Do đó có thể nói, lông tóc trên cơ thể người đàn ông là rất quan trọng, không chỉ liên quan với việc tìm người khác giới để giao phối mà còn liên quan đến cả chuyện sống ch.ết. Nghe xong, tôi sờ lên cái đầu trọc lóc lởm chởm tóc của mình, cảm thấy hổ thẹn vô cùng và từ đó hạ quyết tâm cần phải yêu mái tóc như yêu chính mạng sống của mình, cho dù chẳng gây hấp dẫn gì đối với Phương Bích Ngọc nhưng cũng có thể hấp dẫn những con sư tử cái và gà mái khác.
Bao nhiêu lời đã được tuôn ra trên đường, thực chất là những lời lãng nhách. Nội dung trao đổi của đàn ông và đàn bà đang sa vào trong lưới tình thường là những lời không có nội dung. Tôi cũng chẳng tiết kiệm lời tí nào, thoạt nhìn thì những lời của tôi dung nhập trong những nội dung nhạt thếch của họ, kỳ thực là chúng chẳng can dự gì đến những nội dung ái tình trong những lời nói của hai người.
° ° °
Với lý do là ở tầng dưới quá ồn, ảnh hưởng đến những suy tính trọng đại trong đầu, Lý Chí Cao đề nghị tôi đổi chỗ ngủ cho anh ta. Anh ta vỗ vỗ lên cuốn sổ ghi chép bìa hồng, nói rằng anh ta đang nghĩ cốt truyện và kết cấu của một bộ tiểu thuyết dài viết về cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn, dày hơn so với bộ "Diễm dương thiên", dài hơn so với bộ "Kim quang đại đạo". Rồi sẽ có một ngày bộ tiểu thuyết này viết xong, nó sẽ là một khối thuốc nổ làm chấn động toàn quốc, trở thành danh tác. Anh ta bảo:
- Cậu em, anh cần phải yên tĩnh. Những lời vĩ thanh của bộ tiểu thuyết này, chắc chắn anh sẽ ghi tên cậu vào!
Đôi mắt anh ta sâu thẳm, sâu như đáy biển không thể dò. Vì một nhân vật lớn của tương lai mà làm một việc gì đó là vận may của tôi, làm sao tôi lại chẳng hy sinh một chút lợi ích cá nhân? Còn chút tư tâm tạp niệm nào mà không thể vất bỏ?. Cho dù tôi thừa biết anh ta đổi chỗ ngủ cho tôi là muốn thiết lập một đường dây liên lạc bí mật với Phương Bích Ngọc, nhưng tôi vẫn rất khẳng khái nói:
- Được thôi, anh Lý. Vì sự nghiệp vĩ đại của anh, đừng nói là em từ giường trên chuyển xuống giường dưới, bảo em chuyển đến chuồng lợn, em chẳng có chút do dự nào đâu!
Rất kích động, Lý Chí Cao ôm lấy tôi, khảng khái trầm bổng nói:
- "Cuộc đời này có một người tri kỷ, đáng nhìn thế gian như cùng một tấm lòng"!
° ° °
Trong quá trình khiêng sọt bông, tôi và Lý Chí cao đã rút ra dược rất nhiều kinh nghiệm và công việc của chúng tôi dã biến thành kỹ xảo. Hai vai đã chai lỳ, sọt bông đến gần trăm rưởi ký được đặt lên vai, chân chẳng còn xiêu nữa, bước chân cũng không run nữa. Bây giờ, nhấc sọt bông lên vai là chúng tôi nhẹ bước thênh thênh, mồ hôi vẫn túa ra trên đầu nhưng miệng chúng tôi lại ngân nga một khúc hát nhỏ. Trước đây tôi đã nói, Lý Chí Cao là kẻ đa tài chơi đàn ca hát cái gì cũng ngon lành. Anh ta biết hát Lữ kịch, Kinh kịch, biết làm thơ. Những khúc hát mà tôi lẩm nhẩm trong miệng bây giờ đều học từ anh ta. Chúng tôi vừa chạy vừa hát, tất cả con gái trong phân xưởng đều nhìn chúng tôi cười. Chủ nhiệm xưởng Quách Mặt Rỗ rất mê kịch, lại ham vui nên bắt đầu thích chúng tôi rồi sau đó đâm ra mê chúng tôi. Lão ta nói với trưởng xưởng:
- Hai thằng nhóc này chẳng tồi tí nào, đứa nào cũng chứa một bụng văn nghệ, làm việc nặng như thế mà không ca thán, không kêu khổ. Tinh thần lạc quan cách mạng này đã kích động phong trào tích cực lao động trong toàn xưởng, tôi kiến nghị tăng thêm cho họ mỗi ngày năm xu.
Nghe chú tôi kể lại việc Quách Mặt Rỗ tán dương chúng tôi trước toàn thể lãnh đạo xưởng, tôi vô cùng cảm kích. Tôi nghĩ, đừng nên đánh giá con người qua những biểu hiện bên ngoài, thực ra Quách Mặt Rỗ là người vốn yêu ghét rạch ròi. Tôi đem chuyện này nói lại với Lý Chí Cao, anh ta bảo Quách Mặt Rỗ quả thật không tồi.
Hai chúng tôi khiêng sọt mà rèn luyện tài năng. Tôi nghĩ, những tế bào nghệ thuật giống như những sợi bông đã được thấm nước, chỉ cần chiếc đòn khiêng đè xuống là nghệ thuật tuôn trào:
Mặt trời hồng vừa khuất sau núi,
Trăm rưỡi ký bông lại lên vai.
Tôi khiêng sọt chạy đi chạy lại,
Khiêng bông vào phân xưởng thật nhanh.
Trong xưởng toàn là gái thuyền quyên,
Che mặt che mũi trong làn vải.
Chỉ chừa đôi mắt ngắm nhìn tôi,
Chua xót dâng trào tôi nhìn lại.
Tuyệt đại bộ phận những từ ngữ tuôn ra trong thời ấy đại khái là như thế
Tôi và Lý Chí Cao đã phát minh ra phương pháp lao động vừa làm vừa hát. Lời hát chính là chiếc bánh bao, là thuốc gây mê của chúng tôi. Chúng tôi tăng nhịp độ lao động trong một tiếng đồng hồ rồi nghỉ giải lao ba mươi phút. Trong lúc nghỉ, chúng tôi thường nằm trên đống bông ngước nhìn trời đếm sao, cũng có khi ngồi ở một góc phân xướng nhìn các cô gái miệt mài bên cạnh máy, mục tiêu chủ yếu vẫn là Phương Bích Ngọc.
Những cô gái thường được chúng tôi chôn dưới những đống bông. Họ rất muốn được chúng tôi bao vây họ trong bông, bởi như thế họ đỡ tốn sức lực khi phải cúi xuống đứng lên để ôm bông cho vào máy. Ngoài ra, bông chất chồng chung quanh cũng có thể ngăn bớt những cơn gió lạnh thấu xương thổi xộc vào trong xưởng. Để cho Phương Bích Ngọc đỡ tốn sức và ấm áp, lúc nào chúng tôi cũng chất bông cho cô ấy trước, rất nhiều cô gái chanh chua, ghen tị thường chửi chúng tôi về chuyện này. Ai chửi thì gánh hậu quả là chúng tôi chẳng cho nhiều bông, phải cúi người khom lưng đi ôm bông ở khoảng cách khá xa và tất nhiên là có cả những cơn gió đêm lạnh cắt da ùa vào khiến toàn thân run lên lập cập.
- Anh Lý ơi! Anh Mã ơi! Mau chôn chúng em đi!
Đó là lời khẩn cầu quen thuộc của họ đối với chúng tôi.
Chúng tôi thường ngắm một cách say sưa hai dòng thác bông trắng như mây liên tục tuôn ra và chảy xuống những chiếc xe đã chờ sẵn. Những cô gái phụ trách vận chuyển bông đã tách hạt đẩy những chiếc xe thành hai hàng giữa hai dãy máy chạy tới chạy lui. Những chiếc xe này thực chất là những chiếc sọt vuông đan bằng tre, dưới có gắn bốn chiếc bánh, khi chạy là những tiếng cót két vang lên không ngớt. Phía cuối phân xưởng có một hệ thống ròng rọc. Những cô gái đẩy xe lên trên một chiếc giá đỡ và bấm chuông điện, ngay lập tức một công nhân hợp đồng ở tầng trên sẽ ấn vào công tắc điện kéo chiếc xe lên cao, đổ bông vào kiện để đóng gói, sau đó thì thả chiếc xe về vị trí cũ.
Những tơ bông nhỏ li ti là vật vô cùng đáng ghét, rất thích dính chặt vào quần áo, da thịt, đầu tóc, lông mày, lông mi, đặc biệt là thích chui vào lỗ mũi và miệng người, dùng tay phủi không rơi, giũ không sạch, chỉ có cách là dùng bàn chải hoặc xốp bọt biển chà thật mạnh mới hy vọng lấy chúng ra khỏi quần áo. Khi đi trên đường, chúng là vật có thể chứng minh thân phận của chúng tôi.
Trong mắt toàn một màu trắng khiến mắt chúng tôi rất mệt mỏi.
Tháng mười một âm lịch, màu đỏ tươi rói của máu đã nhuộm đỏ màu trắng của hoa bông!
Đêm ấy, theo lệ thường chúng tôi đã "chôn" xong các cô gái trong bông, đang nằm trên đống bông bên cạnh phân xưởng để quan sát cảnh lao động. Đêm ấy gia công bông loại một, trái bông vừa to vừa tơi. Bởi quá rét, chúng tôi đã đổ chung quanh Phương Bích Ngọc bốn sọt bông, chôn chặt người cô ấy từ ngực trở xuống vào trong bông. Cô gái đứng máy bên cạnh Phương Bích Ngọc có bím tóc rất dài, là một cô gái tốt nên chúng tôi cũng chôn cô ta rất sâu, và chuyện bất hạnh dã xảy ra. Một luồng gió thổi xộc đến và làm rơi chiếc mũ công tác trên đầu cô ta, bím tóc được cuộn rất gọn trên đầu xổ tung ra đúng vào lúc cô ta đang quay người lại để ôm bông. Hai chiếc trục đang quay vù vù của chiếc máy nuốt lấy bím tóc của cô ta. Tất cả mọi người đều nghe một tiếng rú thảm thiết và đều nhìn thấy cô ta đang nằm trên bàn máy, mặt hướng lên trời. Tất cả đều lặng đi trong giây lát, máu tươi văng tung tóe khắp bốn phía, bông trắng chung quanh nhuộm đỏ. Quách Mặt Rỗ gào lên: Tắt máy! Tắt máy! Dừng lại! Vừa gào, lão ta vừa chạy vào phòng máy, hai chân thoăn thoắt nhún lên nhún xuống như hai chiếc lò xo. Tất cả các cô gái đều kêu rú lên và nháo nhào chạy khỏi vị trí nhưng đống bông mà chúng tôi đổ chung quanh đã cản trở bước chạy của họ. Chỉ trong chớp mắt, toàn xưởng đã trở nên hỗn loạn, nữ công nhân như bị ngập trong dòng cát chảy, tay chân cào cấu loạn xạ, lúc bò lúc lăn ra khỏi xưởng.
Bím tóc - nói chính xác hơn là toàn bộ đầu tóc của cô gái ấy đã được nhả ra cùng với bông và chui vào kiện đóng gói. Đầu của cô gái ấy biến thành một quả bầu trọc lóc, vừa xấu vừa đáng sợ, gương mặt đầy máu nên không thể nhận ra đâu là mắt là lông mày. Một đám nữ công nhân chạy hộc tốc ra khỏi phân xưởng, cúi gập người nôn thốc nôn tháo trong những cơn gió lạnh cắt thịt cắt da.
Tiếng máy đã tắt, lãnh đạo xưởng cùng với một số công nhân chính thức vừa thở vừa chạy vào phân xưởng. Quách Mặt Rỗ hai tay ôm đầu ngồi trên một đống bông, trông hình dạng giống như người đã ch.ết. Xưởng trưởng ngoác mồm chửi:
- Đ. mẹ tổ tông nhà ông! Quách Mặt Rỗ!
Mạch Điện - cô công nhân hợp đồng đang thụ hưởng những ân sủng đặc biệt của xưởng như muốn biểu dương thanh thế xách một hộp thuốc chạy đến. Vừa trông thấy cái bím tóc bầy nhầy, cô ta chỉ còn kịp vứt hộp thuốc xuống đất, kêu lên một tiếng "Mẹ ơi!" rồi... ngất xỉu!
Bí thư chi bộ phân công mọi người khiêng cô gái bị nạn đến bệnh viện gần nhất. Cô ta đang lăn lộn trên đống bông như một con sâu bị chặt đầu, lăn đến dâu thì bông đỏ đến dấy. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy bông sao mà nhớp nhúa sao mà đáng ghét!
Những công nhân chính thức như sợ máu sẽ làm vấy bẩn tay nên lùi về phía sau tránh; nữ công nhân hầu hết đều đã chạy ra khỏi phân xưởng. Bí thư chi bộ lúc lắc cái thân hình béo mập kéo cô gái bị nạn ra một cách khó nhọc, ngã sóng soài trên bông, bàn tay dính đầy máu. Ông ta nổi đóa, gào lên:
- Đến đây đi chứ, cứu người như cứu hỏa!
Không phải tôi cố ý đề cao Phương Bích Ngọc mà tô vẽ thêm cho cốt cách anh hùng của cô ấy, những người có mặt tại hiện trường lúc ấy đều có thể chứng nhận điều này. Phương Bích Ngọc là người thứ hai sau bí thư chi bộ nhào đến ôm lấy cô gái bị nạn. Trong lúc nguy cấp mới tỏ bản lĩnh, cô ấy vơ một ôm bông ép chặt vào đầu cô gái rồi ôm lấy cô ta kéo ra ngoài, chiếc tạp dề trước ngực thấm đẫm máu tươi.
Bí thư chi bộ gào lên:
- Mọi người đâu, đưa ngay đến bệnh viện!
Phương Bích Ngọc bảo:
- Lý Chí Cao, Mã Thành Công! Mau khiêng chiếc sọt lại đây!
Chúng tôi chấp hành mệnh lệnh rất nhanh, khiêng chiếc sọt đến trước mặt cô ấy.
- Bỏ bông vào sọt, nhanh lên! - Phương Bích Ngọc nói.
Chúng tôi bỏ hai ôm bông lớn vào sọt. Cô ấy đặt cô gái vào trong, phẩy tay ra lệnh cho tôi và Lý Chí Cao:
- Khiêng lên! Chạy nhanh đến bệnh viện!
Trong lúc nguy cấp, những kỹ thuật khiêng sọt siêu cấp cửa tôi và Lý Chí Cao được dịp phát huy. Từ xưởng gia công bông đến bệnh viện công xã ước khoảng cây rưỡi số, chúng tôi chạy đúng tám phút. Trong tám phút ấy, Phương Bích Ngọc vẫn chạy bên cạnh, một tay vịn vào thành sọt nhằm giữ thăng bằng.
Chúng tôi chạy trước, theo sau là đám đông, nắm tay kéo chân trông chẳng khác một đoàn quân thất trận.
Sáng sớm hôm sau, cô gái có bím tóc dài ch.ết!
Cô gái này họ Hứa, là người ở thôn lân cận với xưởng gia công bông. Cô ta mồ côi bố mẹ, sống chung với người chú họ xa. Cô ta đến xưởng bông làm công nhân hợp đồng chính là sự chiếu cố của thôn. Tính khí cô ta trầm trầm, ít cười ít nói, chẳng khi nào thấy cô ta vui, có điều rất chăm chút chiếc bím tóc dài của mình. Không ngờ cô ta ch.ết vì sự yêu thích của chính mình!
Người chú họ cô ta đến xưởng làm náo loạn cả lên. Không hề khóc, chỉ kể lể và tính toán những gì ông ta phải bỏ ra để nuôi cô cháu lớn lên thành người. Số tiền ông ta tính toán lớn đến nỗi mọi người phải giật mình kinh sợ. Xưởng đề nghị bồi thường cho ông ta ba trăm đồng, chê ít, tăng thêm hai trăm, cũng vẫn còn quá ít, cuối cùng phải thêm năm mươi đồng nữa. Người chú cầm năm trăm năm mươi đồng ra về, trước khi ra về còn nói, ông ta không cần thi thể của cô cháu, hỏa thiêu hay chôn tùy ý xưởng quyết định và lo liệu lấy.
Lúc ấy, hỏa táng chỉ mới bắt đầu xuất hiện. Lãnh đạo xưởng nghĩ, hỏa táng cần phải thuê xe chở xác, lại phải tốn tiền mua hộp đựng tro, vừa phiền phức vừa tốn kém, lại gây ra nhiều tai tiếng thị phi ảnh hưởng không tốt đến dư luận. Suy đi tính lại cuối Cùng quyết định đào huyệt chôn. Chôn xong, đắp một nắm đất, trên đó cắm một viên đá trắng ghi mấy chữ, thế là xong!
Lão Sài là người viết năm chữ bằng sơn đỏ lên viên đá trắng đặt làm bia mộ: Mộ của Hứa Liên Hoa.
Quan sát cách giải quyết hậu sự cho Hứa Liên Hoa, rất nhiều công nhân hợp đồng, đặc biệt là công nhân nữ cảm thấy chạnh lòng. Bảy cô đã cuốn nệm xếp quần áo bỏ về nhà, người ở lại thì tâm tình nặng nề, trông ai cũng có vẻ lo lo lắng lắng. Trong một thời gian dài, tiếng cười nói vắng ngắt trong xưởng, năng suất sản xuất cũng giảm một cách rõ rệt.
Vì chuyện này mà xưởng gia công bông mất hẳn uy tín đối với cục thương nghiệp huyện. Xưởng trưởng, bí thư bị kiểm điểm đến độ phờ phạc cả mặt mày. Mấy ngày trôi qua, lãnh đạo xưởng mới ý thức được rằng, cho dù có chuyện trọng đại xảy ra vẫn phải đảm bảo duy trì tiến độ sản xuất, nếu không mọi việc sẽ càng ngày càng trầm trọng thêm. Chỉ có thể duy trì sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cấp trên mới có thể tha thứ. Hội nghị đảng bộ xưởng được triệu tập, công nhân chính thức tuy không phải đảng viên cũng được mời dự. Các phân xưởng, các tổ sản xuất đua nhau phản ánh tâm tình của công nhân, cá biệt còn có một số công nhân chính thức có lương tâm đề nghị với lãnh đạo xưởng bỏ ra một ít tiền để trấn an dư luận và an ủi nhân tâm.
Lãnh đạo xưởng quyết định tổ chức lễ truy điệu Hứa Liên Hoa. Buổi lễ được tiến hành ngoài trời, ngay trước mộ cô gái xấu số, xưởng trưởng chủ trì, bí thư chi bộ đọc điếu văn. Trước khi kết thúc buổi lễ, bí thư còn biểu dương tôi, Phương Bích Ngọc và Lý Chí Cao, nói chúng tôi là những công nhân dũng cảm, hành động nhanh và chính xác trong công tác cứu người vừa rồi. Bí thư còn kêu gọi công nhân trong toàn xưởng hãy học tập ba người chúng tôi. Để khen ngợi, xướng đã đưa tên chúng tôi lên báo bảng và thưởng cho mỗi người mười đồng.