Chương 8

Khuya khoắt thế này, đừng hòng gọi nổi taxi, nên tôi đành cuốc bộ. Nhà ga cách đấy cũng gần, nhưng trời lạnh kinh khủng. Đã thế, đường xá lại đầy những tuyết, hai chiếc vali chốc chốc lại đập vào ống chân, điếng người. Nhưng được cái không khí đỡ ngột ngạt hơn. Chỉ khổ một nỗi là mũi và môi trên tôi rát kinh người.


Nó đã bị đạp nát bởi quả thụi của thằng Stradlater chó đẻ. Nó nện thẳng môi tôi vào mấy chiếc răng cửa, nên bây giờ vẫn còn đau. Tuy thế, hai tai vẫn ấm. Bởi chiếc mũ đi săn có dính một cặp tai che khá lớn, và tôi đã hạ cả hai tai xuống. Tôi cóc cần để ý đên diện mạo mình lúc này thế nào. Quanh đâu chẳng còn ai. Thiên hạ đều ngủ khoèo từ chập tối.


Tới ga, tôi lại gặp may phen nữa. Chỉ phải đợi tàu chưa đầy mười phút đồng hồ. Trong lúc đợi, tôi còn kịp bốc tuyết rửa sơ mặt mũi cho dễ coi.


Nói chung, tôi thích đi tàu, nhất là tàu đêm, khi trong toa đèn đuốc sáng trưng, còn bên ngoài thì tối mịt mù. Cà phê, xăng đuých, và tạp chí thì họ mang tới tận nơi, mời mọc. Tôi thường mua loại xăngđuých thịt xông khói và ba bốn tờ tạp chí một lúc. Đi tàu đêm, bạn có thể ngấu nghiến cả những mẩu chuyện ngu xuẩn nhất in trong tạp chí, mà chẳng sợ buồn nôn. Loại ấy, hắn các bạn đều biết. Truyện nào cũng kể về những gã tốt mã tên là David với những ả cũng tốt mã gọi bằng Linda, hoặc Marcia. Đám sắc nước hương trời nọ thì bao giờ cũng chỉ biết làm mỗi một thứ - nhồi thuốc rồi đánh diêm cho mấy gã David ấy phì phèo những chiếc píp ngu ngốc. Đi tàu đem, tôi có thể tiêu hóa cả những thứ thổ tả ấy mà chẳng sợ gì hết. Nhưng đêm hôm đó thì tôi không thể ngốn nổi những thứ này vì chẳng thấy hứng thú chút nào. Tôi chỉ bỏ mũ ra nhét vào túi. Vì chỉ ngồi suông nên chẳng biết làm quái gì cho đỡ cuồng tay.


Bất thần, đến Trenton bỗng có một bà lên tàu, và ngồi xuống bên tôi. Trong toa vắng ngắt (...làm mình nhớ đến Spirtited away...), nhưng chả hiểu sao bà nọ vẫn không thích ngồi một mình, trên những dãy ghế trống thứ hai, thứ ba...Bà ngồi ngay xuống cạnh tôi, vì tôi đang thu mình ở dãy đầu cũng. Rồi đặt bừa cái túi sách đồ sộ ngay giữa lối đi lại, chẳng cần biết ông bán vé hoặc một hành khách nào có thể xéo phải. Chắc bà ta vừa rời một cuộc hiêu đãi hoặc vũ hội nào đó. Tôi thấy trên áo còn cài một nhánh phong lan tuyệt trần. Bà ta chắc đã bốn mươi, bốn lăm, nhưng vẫn đẹp kinh khủng. Tôi vốn dại gái. Thật đấy. Không, đừng nghĩ oan cho tôi, tôi hoàn toàn chẳng phải là thằng ăn chơi, tuy trông bề ngoài thì có vẻ thế thật. Tôi thích phụ nữ đẹp, chỉ có vậy. Chúng tôi ngồi thế một lúc, rồi thình lình bà ta cất tiếng hỏi:


- Xin lỗi, nhưng hình như tấm biển trên vali cậu là huy hiệu Pencey?
Bà ta ngước nhìn mấy chiếc vali tôi gác trên cái giá bằng lưới, gắn gần nóc toa.
- Vâng. - tôi đáp. Bà ta nói đúng, trên một chiếc vali quả còn đính một cái nhãn của trường Pencey. Của nợ, thật khó lòng nói khác được!


available on google playdownload on app store


- Ồ, ra cầu học Pencey đấy hử? - Bà ta tiếp, giọng êm ái lạ. Nghe hệt như bà đang trò chuyện qua điện thoại với tôi vậy.
- Vâng cháu học ở đấy. - tôi đáp.
- Tuyệt quá! Chắc cậu biết thằng bé nhà tôi nhỉ? Thằng Ernest Morrow nhà tôi cũng đang học trên Pencey.
- Biết ạ. Nó học cùng lớp với cháu.


Con bà là đứa thuộc loại mất dạy nhất ở cái trường Pencey khốn kiếp. Tắm xong, lần nào nó cũng chạy nhông ngoài hành lang, quật khăn ướt vào bất cứ đứa nào tình cờ bắt gặp. Đấy, nó mất dạy thế đấy.


- Trời, tuyệt quá! - bà tiếp có vẻ thật tình nghĩ sao nói vậy, chẳng chút làm bộ làm tịch. Tính bà chắc vốn rất hồ hởi, cởi mở - Thế nào tôi cũng sẽ kể lại với thằng Ernest về cuộc gặp gỡ hôm nay. Cậu tên là gì, cậu bé?
- Rudolf Schmidt, - tôi đáp. Chẳng dại gì mà khai thật lai lịch với bà ấy.


Rudolf Schmidt là tên ông già gác đan của khu nhà tôi.
- Cậu thích Pencey chứ? - Bà hỏi.
- Pencey ấy ạ? Biết nói với bác thế nào? Cũng chẳng đến nỗi. Dẫu sao đấy cũng chẳng phải là thiên đàng, cố nhiên, nhưng chẳng tồi tệ gì hơn các trường khác đâu, bác ạ. Các thầy giáo đều rất tận tâm dạy dỗ.


- Thằng Ernest nhà tôi thì lại mê Pencey kinh người!
- Vâng, cháu biết. - tôi nói. Rồi tôi bắt đầu ba hoa cho bà ta vừa lòng. - Cậu ấy sống rất thoải mái. Cháu muốn nói Ernest rất chan hoà với chúng bạn.
- Thật hả? Cậu nghĩ thế thật chứ? - Bà ta hỏi. Trông cũng biết bà ta háo hức muốn biết ý tôi.


- Về Ernesr ấy ạ? Ồ, dĩ nhiên! - Tôi nói. Nhưng mắt thì nhìn bà ta cởi đôi găng. Khiếp, nhẫn to nhẫn bé, thôi thì vô khối!


- Tôi vừa làm gẫy một cái móng tay trong taxi, - bà ta vừa nói, vừa nhìn tôi, miệng mỉm cười. Một nụ cười đáng yêu quá đi mất. Đáng yêu kinh khủng. Thường, thiên hạ chẳng ai chịu cười, hoặc khi cười trông rất đáng ghét.


- Vợ chồng tôi rất lo cho nó. Lắm lúc, tôi có cảm tưởng nó rất khó hoà hợp với chúng bạn.
- Hiểu theo nghĩa nào hả bác?
- Cậu thấy đấy, nó là thằng bé rất nhạy cảm. Chẳng bao giờ chịu kết bạn thực sự với những đứa cùng trường. Chắc nó coi trọng mọi thứ quá cái mức lứa tuổi nó đòi hỏi.


"Nhạy cảm"! Thật ch.ết cười! Cái nắp đậy hố xí khéo còn nhạy cảm hơn thằng Ernesr thổ tả kia!


Tôi nhìn bà ta. Trông thì bà ta chẳng ngốc chút nào. Thậm chí có thể tưởng bà ta thừa biết thằng con mình là đứa khốn kiếp. Nhưng trong chuyện này hẳn có điều gì bí hiểm, tôi nói về các bà mẹ tôi vẫn gặp. Tất cả các bà mẹ ít nhiều đều hơi điên điên. Dẫu sao, bà mẹ thằng Morrow đê tiện này cũng rất đáng yêu. Bà ta tử tế kinh khủng.


- Bác hút với cháu điếu thuốc nhé? - Tôi ướm hỏi.
Bà ta nhìn quanh tàu một vòng.
- Dường như đây là toa dành cho người không hút thuốc thì phải, cậu Rudolf ạ! - bà nói "Rudolf"! Thế này thì khéo tôi ch.ết mất.
- Chả sao đâu ạ! Ta cứ hút, bao giờ họ kêu thì thôi, ngại gì?


Bà ta nhón lấy điếu thuốc tôi mời, tôi đánh diêm cho bà ta. Cách bà ta hút trông thật đáng yêu. Cũng rất cẩn thận, dĩ nhiên, nhưng chẳng chút thèm thuồng không như các mệnh phụ khác trạc tuôi ấy. Dáng điệu hết sức duyên dáng, quyến rũ. Cũng như nhiều ngừơi đàn bà đẹp khác, nếu tôi nói thực điều mình nghĩ. Bất thần bà ta nhìn tôi chằm chằm, rồi khẽ thốt lên:


- Cậu đang bị chảy máu cam đấy, cậu bé.
Tôi gật đầu, rút khăn tay ra lau.
- Cháu bị mấy thằng bạn ném cho một cục tuyết vào chính giữa mũi - tôi nói một cục tuyết vo viên, bác biết chứ?


Chắc tôi sẽ kể hết với bà ta, nếu như câu chuyện không quá dài dòng bởi thấy rất quý bà. Thậm chí còn ân hận là đã bịa cho mình cái tên Rudolf Schmidt.
- Ernest nhà bác, vâng, - tôi nói rất được chúng bạn ở Pencey quý mến. Bác biết chứ ạ?
- Không, tôi chả hay biết chút gì!
Tôi gật đầu


- Lúc đầu, chúng cháu chưa hiểu ra! Bạn ấy suốt ngày chẳng rời cuốn sách trên tay. Nói của đáng tội, tính bạn ấy cũng hơi lạ, - bác hiểu chứ ạ? Đây, cháu lấy chuyện cháu làm quen với bạn ấy làm ví dụ là bác khắc biết. Hồi mới gặp, cháu thấy bạn ấy hơi lên mặt, ra vẻ ta đây với cháu lắm. Cháu đã nghĩ thế đấy. Nhưng bạn ấy chẳng phải thế, đó chỉ là do bạn ấy rất độc đáo. Nhưng người ngoài thì không dễ gì nhận biết ngay được.


Bà Morrow không nói gì. Nhưng trời ơi, giá lúc đấy các bạn cũng được nhìn thấy nét mặt bà ta! Bà ta sững sờ, ngồi bất động. Bà mẹ nào cũng thế hết, chỉ cần một lời khen con trai họ là xuất chúng. Đến đấy thì tôi chẳng còn e dè gì.


- bạn ấy có kể với bác chuyện bầu bán ở lớp không ạ? - tôi hỏi - bầu lớp trưởng lớp chúng cháu ấy mà?
Bà ta lắc đầu máy cái liền. Chà, đúng là tôi đã thôi miên được bà Morrow tội nghiệp.


- Bác biết đấy, nhiều đứa muốn bầu Ernest nhà bác làm đội trưởng. Đúng, cả lớp đều tán thành đề cử bạn ấy. Bác biết đấy, làm gì còn đứa nào cáng đáng nổi phận sự đó, hơn Ernest? - Tôi nói. Ối giời, nói dóc vô tội vạ! - Nhưng rồi bọn cháu đã bầu đứa khác, thằng Harry Fencer, bác chắc cũng biết cậu ta? Bọn cháu làm vậy chẳng qua chỉ vì Ernest nhà bác không chịu để bọn cháu đề cử. Mà chung quy chỉ vì bạn ấy quá khiêm tốn, quá cả thẹn, nên đã khước từ... Bác nên bảo bạn ấy bỏ cái tật đó, thật đấy! - tôi nhìn bà ta - chẳng lẽ bạn ấy lại chẳng hề kể gì với bác chuyện đó?


- Vâng, chẳng hề.
Tôi gật
- Tính bạn ấy vốn thế đấy. Phải, thiếu sót chính của bạn ấy là khiêm tốn quá, rụt rè quá. Bác phải bảo bạn ấy.


Đúng lúc ấy, người soát vé bước vào kiểm tr.a vé bà Morrow nên tôi đành nín thinh. Tôi khoái chí vì nãy giờ đã thao túng được bà ta. Những đứa như thằng Morrow vốn chỉ chuyên quật khăn ướt vào mặt chúng bạn và thậm chí còn cố quật thật đau, thì không chỉ đốn mạt lúc bé dại, mà còn đốn mạt cho tới lúc về già, dĩ nhiên. Nhưng tôi thầm đánh cuộc với mình là sau lúc nghe tôi ba hoa xong, bà Morrow sẽ đinh ninh con mình là đứa hết sức khiêm tốn, rụt rè đến mức không chịu cho chúng tôi đề cử làm lớp trưởng. Rất có thể sẽ như thế lắm. Ai biết được họ? Về khoản này, các bà mẹ thường chẳng khôn ngoan mấy.


- Bác ghé xuống toa giải khát, uống với cháu một ly cốc tai nhé! - Tôi mời, bởi cũng đang khát khô cả cổ. Đằng toa bán hàng kia thôi. Bác vui lòng chứ?


- Nhưng, cậu bé dễ thương ơi, chắc gì họ đã cho phép cậu gọi cốc tai? - bà ta cất tiếng hỏi. Không hề cao giọng. Bà ta tử tế đến mức không thể tự cho phép mình làm thế.


- Nói chung chẳng ai cho phép thế thật. Nhưng dẫu sao họ vẫn sẽ mang lên vì cháu cao lớn thế này kia mà! Với lại tóc cháu đã hoa râm già nửa, - tôi nghiêng đầu lại, chìa cho bà ta xem cái phần tóc lốm đốm bạc. Bà ta sững người, - vì lẽ gì mà bác cháu ta lại không uống với nhau một ly nhỉ? - tôi nói. Tôi thích được nhấm nháp tí gì cùng bà ta quá đi mất.


- Thôi, có lẽ chả nên đâu, cậu bé ạ. Cảm ơn cậu, nhưng đừng uống thì hơn.


Vả lại, giờ này toa bán hàng chắc đã đóng cửa rồi. Khuya lắm còn gì, chắc cậu biết? Bà ta nói đúng. Tôi quen khuấy mất bây giờ đã mấy giờ. Bỗng bà ta ngước nhìn tôi, rồi hỏi chính cái điều đang khiến tôi sợ nhất.


- Ernest có viết thư về cho tôi, bảo đến thứ tư mới về, vì mãi tối hôm đó, kỳ nghỉ Giáng sinh mới bắt đầu. Còn cậu, tôi hy vọng cậu không phải là người nhà đau ốm mà về sớm đấy chứ? Trông cũng biết bà ta thực tình lo lắng.


- Không ạ, ở nhà bố mẹ cháu vẫn bình yên, cháu về thế này chẳng qua vì chính bản thân mình. Cháu sắp phải lên bàn mổ.
- Rõ khổ! - Tôi thấy bà ta thực sự ái ngại và thực lòng lấy làm tiếc là đã ăn nói nhăng nhít. Nhưng hối hận thì đã muộn.


- Nhưng chẳng có gì trầm trọng lắm đâu ạ. Cháu chỉ bị một khối u bé tí trong sọ não ấy mà.
- Không thể thế được! - Bà ta hoảng hốt đưa tay lên che miệng.
- Ồ, một khối u xoàng thôi! Ngay dưới da đầu. Với lại nhỏ lắm, chả chắc đã lớn hơn một hạt đậu lép. Mất vài phút là gắp được ngay.


Rồi tôi lôi trong túi bảng thời khoá biểu ra, đọc rõ to lên để chấm dứt cái trò phét lác kia. Hễ đã mở miệng nói láo là tôi sa đà hàng giờ, không sao câm miệng được nữa. Hàng tiếng liền, thật đấy!


Tôi với bà ta từ đó chẳng còn chuyện trò gì. Bà ta đọc tờ Vogue; còn tôi nhìn ra cửa sổ, ngắm cảnh vật. Đến Neweik, bà ta xuống tàu. Lúc chia tay, bà ta chúc tôi gặp nhiều may mắn trong ca mổ nay mai, cùng trăm thứ linh tinh. Và vẫn gọi tôi là Rudolf như trước. Cuối cùng, bà mời tôi hè này nhớ xuống chơi với Ernest dưới Massachusetts, làng Glaucester, bảo là nhà mình nằm ngay trên bãi biển, cạnh nhà còn có cả sân quần vợt. Nhưng tôi chỉ cảm ơn, bảo là phải sang Nam Mỹ với bà tôi ít lâu. Tôi nói dối đấy, chứ nà tôi đén nửa bước cũng chẳng rời khỏi nhà, trừ những hôm phải đi lễ sáng. Nhưng dù gì chăng nữa, tôi cũng chẳng đợi nào chịu thí một xu nhỏ, dẫu trong tay đang có bạc triệu, để xuống Massachusetts với cái thằng Ernest đốn mạt nọ.


Đến ga Pensylvannia, tôi xuống tàu, ghé ngay vào cái chòi điện thoại công cộng đầu tiên bắt gặp. Tôi muốn gọi điện quá, cho ai cũng được. Tôi đặt hai chiếc vali xuống bên chân để dễ trông chừng. Nhưng đến lúc nhấc máy lên mới hiểu ra chẳng biết gọi cho ai. D.B thì ở tận Hollywood xa lắc xa lơ. Còn Phoebe, em gái tôi thì mới chín giờ đã phải lên giường, gọi cho nó cũng vô ích. Nó sẽ chẳng giận, nếu có bị tôi dựng dậy. Nhưng ác cái là nó không thể đến bên máy nên người nhấc ống nghe sẽ là bố hoặc mẹ tôi. Tóm lại là chẳng còn biết gọi cho ai. Tôi cũng đã tính quay số cho mẹ Jane Gallagher, hỏi xem hôm nào thì cô về, nhưng rồi đâm chán chẳng buồn gọi nữa. Vả lại, bây giờ mà gọi xuống dưới đó thì khuya quá. Hay là gọi cho cô bé thỉnh thoảng tôi vẫn gặp - Sally Hayes. Tôi biết nó đã về nghỉ Giáng Sinh, vì nó có gửi cho tôi một lá thư ngớ ngẩn, dài kinh người, mời tôi tới chơi, nhân thể giúp nó trang hoàng cây thông mừng lễ. Nhưng tôi lại sợ mẹ của Sally, chứ không phải nó nhấc ống nghe.. Bà ta với mẹ tôi là chỗ quen biết, nên tôi hình dung rất dễ dàng cảnh bà ta vội vàng vồ lấy máy, gọi cho mẹ tôi, báp tin tôi hiện đang ở New York. Ngoài ra, tôi cũng chẳng thích thú gì cái khoản trò chuyện qua dây nói cùng bà khi bà ta đã có lần bảo với Sally rằng tôi là đứa bất trị. Một là bất trị, hai là sống không mục đích rõ ràng. Kế đó, tôi nghĩ tới một thằng bạn, trước cùng học trên trường Whooton, thằng Carl Luwc, nhưng nó chẳng phải là đứa tôi quý mến lắm. Rốt cục, tôi chẳng gọi cho ai. Chừng hai mươi phút sau, tôi rời chòi điện thoại công cộng, băng xuống một dải đường ngầm, đến bến taxi.


Tôi đãng trí đến mức cứ quen mồm cho ông lái xe địa chỉ nhà tôi mà quên biến mất cái dự định sẽ lưu lại khách sạn vài bữa nữa, rồi mới mò về nhà vào đầu dịp nghỉ Giáng Sinh. Tôi chợt nhớ ra điều đó khi xe đã chạy gần hết công viên rồi. Tôi liền bảo ông tài xế:


- Bác làm ơn quay xe lại giúp, nếu được. Vì cháu cho nhầm địa chỉ đấy ạ. Bây giờ, cháu phải về lại khu trung tâm. Nhưng ông tài xế khá tinh ma.
- Chịu thôi, Mark ạ, vì đây là đường một chiều. Muốn quay lại phải chạy đến cuối đường Chín Mươi đã. Tôi chẳng buồn cãi.


- Thôi, cũng được, - tôi nói. Rồi vụt nhớ, - bác có còn thấy lũ vịt dưới hồ cạnh của Nam công viên Trung tâm không? Chắc bác biết lũ vịt ấy trốn đi đâu khi mặt hồ đóng băng chứ? Tôi thừa biết, đó chẳng qua chỉ là chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên. Nhưng ông tài ngoảnh lại nhìn tôi với anh mắt như thể tôi hơi "mát dây" rồi nói:


- Này, cậu em, cậu giễu tôi đấy hả?
- Không ạ, cháu thực tình muốn biết.
Ông ta chẳng nói gì thêm. Cả tôi cũng vậy. Lúc rời khỏi công viên tại cuối đường Chín Mươi, ông ta ngoảnh lại hỏi:
- Này, bây giờ thì đi ngả nào đây, cậu cả?


- Bác biết đấy, tôi không muốn tới khách sạn trên đường East Side vì sợ chạm trán với người quen. Tôi muốn đi vi hành một chuyến. Tôi chúa ghét những kiểu nói nhàm chán, như "vi hành ẩn danh".. Nhưng với những người ngốc nghếch như gã tài xế này, thì chẳng còn biết nói năng ra sao, - Chắc bác biết dàn nhạc nào đang diễn đằng Talf hay New York chứ ạ?


- Khoản ấy tôi mù tịt, cậu Mark ạ


- Thôi được. Đã thế bác cứ cho tôi đến Edmont đi, - tôi nói, - Bác không từ chối chứ, nếu ta dừng lại dọc đường, nhấp một ly cốc tai cho ấm bụng? Tôi xin thết bác. Tôi đang còn khối tiền trong túi. Đúng là một ông bạn đường hết ý. Một nhân cách tuyệt trần. Tôi xuống xe trước Edmont, và thuê ngay một phòng riêng. Ngồi trong taxi, tôi vẫn đội cái mũ săn đỏ chói, cho lạ mắt chơi. Nhưng đến lúc đặt chân vào tiền sảnh, tôi phải vội bỏ ngay ra để thiên hạ khỏi tưởng tôi là đứa mất trí. Kể cũng nực cười bởi hồi ấy, tôi chưa biết, chứ trong cái khách sạn đốn mạt này vốn đầy rẫy một lũ điên loạn. Một nhà thương điên trá hình.






Truyện liên quan