Chương 25
Khi tôi ra ngoài đường, trời bắt đầu rạng. Lạnh dữ dội, nhưng tôi thấy dễ chịu vì mồ hôi đang ướt đẫm. Tôi hoàn toàn không biết đi đâu. Thuê khách sạn bằng tiền của em gái thì tôi không muốn. Cuối cùng tôi đi bộ đến Lexington, xuống tàu điện ngầm đến nhà ga trung tâm. Vali ở nhà ga, tôi quyết định ngủ thêm ở phòng đợi, nơi có đến cả đống ghế băng ch.ết tiệt. Tôi làm đúng như vậy. Thoạt đầu thì không sao, còn ít người và có thể nằm đặt chân lên ghế. Nhưng tôi đâu muốn kể chuyện này. Một cảm giác khá tởm. Tốt hơn là các bạn đừng có đến dó, tôi nói nghiêm chỉnh đấy! Buồn khủng khiếp!
Tôi ngủ đến chín giờ, có đến tỉ người tràn vào nên tôi buộc phải bỏ cẳng xuống. Vốn dĩ không ngủ nổi nếu chân bị buông thõng, tôi đành ngồi dậy. Đầu vẫn nhức như trước. Thậm chí còn hơn. Tâm trạng thì tồi tệ khủng khiếp, chưa bao giờ tôi lại rơi vào một tâm trạng khốn kiếp đến thế trong đời.
Không muốn nghĩ về thầy Antolini, nhưng tôi không thể không nghĩ đến chuyện thầy sẽ nói gì với vợ mình khi cô ấy thấy tôi không ngủ đêm ở nhà họ. Nhưng chẳng phải điều đó làm tôi lo lắng, tôi quá biết thầy Antolini không phải là ngốc, ông ấy sẽ nghĩ ra được điều cần nói với vợ, có thể sẽ nói là tôi vội về nhà. Tôi bị hành hạ bởi chuyện khác kia, đó là chuyện tôi bị tỉnh giấc vì ông ấy xoa đầu tôi. Các bạn hiểu không, tự nhiên tôi uổng công tưởng tượng, rằng ông ấy muốn ám ảnh tôi. Chắc có lẽ, ông ấy thích xoa đầu trẻ ngủ. Không lẽ lại có thể nói chắc chắn? Không thể được! Thậm chí tôi còn nghĩ phải lấy vali rồi về nhà họ như đã hứa. Bạn hiểu không, tôi đã bắt đầu nghĩ, thậm chí có đôi chút kỳ quặc đi nữa thì ông ấy cũng đã đối xử với tôi tuyệt vời. Không hề bực mình khi tôi đánh thức ông dậy giữa đêm, lại còn bảo đến ngay nhà ông nếu cần. Rồi ông ấy tỏ ra rất cố gắng, cho tôi mọi lời khuyên về cách tư duy và vân vân, và cả việc ông ấy là người duy nhất không sợ lại gần thằng bé James Castle, khi nó đã ch.ết, mà tôi đã kể rồi. Tôi ngồi và nghĩ tất tật chuyện này. Và càng nghĩ nhiều, tâm trạng tôi càng tồi tệ hơn. Rồi tự nhiên, mắt tôi lại nhói đỏ ngầu lên như đồ ch.ết giẫm vì ngủ chẳng đẫy giấc. Sau đó, tôi bắt đầu sổ mũi, mà khăn mùi xoa thì không có. Trong vali có mấy cái, nhưng tôi cóc muốn lấy ra khỏi nơi gửi và mở nó ra trước mắt mọi người.
Có ai cạnh tôi bỏ quên cuốn tạp chí, thế là tôi vớ lấy đọc. Có thể, tôi sẽ trút bỏ được ý nghĩ về ông Antolini và mọi chuyện vớ vẩn khác, dẫu chỉ giây lát. Nhưng tôi còn cảm thấy tồi tệ hơn trăm lần vì cái bài báo ch.ết giẫm này. Nó đề cập đến mọi thứ hócmon. Miêu tả bạn sẽ có hình dáng ra sao, mắt mũi thế nào nếu hóc môn của bạn ổn định. Còn tôi thì đúng là ngược lại, tôi có dáng vẻ giống hệt thằng được miêu tả trong bài báo, hóc môn của nó bị hỏng hết. Tôi bắt đầu lo lắng khủng khiếp về hóc môn của tôi. Sau đó, tôi đọc bài thứ hai: cách phát hiện sớm bệnh ung thư. Trong đó nói là nếu ở miệng có những vết lở lâu ngày không lành được thì có nghĩa là bạn chắc chắn bị ung thư. Thế mà phía trong môi tôi có một vết lở đã hai tuần rồi!!! Vậy là tôi nghĩ rõ ràng mình đã chớm nhiễm bệnh. Phải, một cuốn tạp chí rất nhộn, không còn gì để nói! Tôi quẳng nó xuống rồi đi dạo. Tôi tính rằng nếu bị ung thư thì sau vài ba tháng nữa tôi sẽ ch.ết. Tôi nghĩ như vậy, nghiêm chỉnh đấy. Tôi tin chắc là mình sẽ ch.ết. Và tâm trạng tôi chẳng khá lên chút nào bởi ý nghĩ ấy, tự các bạn cũng hiểu.
Hình như trời đã bắt đầu mưa, nhưng tôi vẫn có ý định đi dạo. Thứ nhất, cần phải ăn sáng. Không muốn ăn, nhưng dẫu sao cũng phải lót dạ, ít ra cũng phải nạp món gì có vitamin. Tôi đến khu phố phía Đông, nơi có các nhà hàng rẻ mạt vì tôi chẳng muốn tiêu tiền nhiều.
Trên đường đi, tôi thấy hai người lôi một cành thông khổng lồ ra khỏi xe hơi. Một người cứ gào lên với người kia suốt.
- Giữ lấy nó, cái con búp bê quỷ sứ ấy, giữ chặt lấy! - Lão nói về cây thông Giáng sinh thật bay bướm! Nhưng không hiểu sao tôi lại thấy nực cười, và thế là cười phá lên. Chả còn gì tồi tệ hơn thế, vì tôi lại bắt đầu buồn nôn. Suýt nữa thì tôi ch.ết vì ngộ độc rồi sau đó qua được, tự tôi cũng chẳng biết bằng cách nào. Tôi chẳng ăn gì thiu thối, mà nói chung, dạ dày tôi rất giỏi chịu đựng.
Tóm lại, khi đã qua cơn, tôi quyết định phải ăn. Tôi rẽ vào một quán ăn rẻ tiền, gọi mấy ổ bánh mì tròn và cà phê. Chỉ có điều tôi không động đến bánh mì, không thể nuốt nổi một mẩu nào. Khi bạn đang quá phiền muộn, bạn sẽ rất khó ăn. Nhưng người hầu bàn rất khá. Anh ta mang bánh mì đi, không lấy của tôi xu nào. Tôi chỉ uống cà phê. Sau đó tôi đi về hướng đại lộ số Năm.
Đã là thứ hai, lễ Giáng sinh sắp đến, các cửa hàng buôn bán mở cửa ở khắp nơi. Ở đại lộ số Năm không đến nỗi tồi tệ lắm. Có không khí lễ Giáng sinh. Khắp các góc có những ông già Santa Klaus râu ria rậm rạp đứng rung chuông. Tôi cứ tìm mãi hai cô tu sĩ đã cùng tôi ăn sáng hôm trước, nhưng chẳng thấy họ đâu. Vả lại tôi cũng đã biết, chính họ nói rằng họ chỉ đến New York dạy học, nhưng dẫu sao tôi vẫn tìm họ. Ít ra, tự nhiên tôi cũng có tâm trạng của ngày lễ. Hàng tỉ đứa bé cùng mẹ ra khỏi xe buýt, ra khỏi các cửa hàng. Giá có Phoebe đi cùng tôi thì tuyệt biết bao! Nó không nhỏ lắm để dán mắt đến bất động vào đồ chơi, nhưng nó thích nhìn đám đông và nghĩ ra mọi chuyện vớ vẩn. Lễ Giáng sinh năm ngoái tôi cho nó theo tôi vào Trung tâm thương mại. Chẳng thiếu chuyện gì mà bọn tôi không làm! Theo tôi nhớ, đó là ở Bloomingdale. Bọn tôi rẽ vào quầy giày dép và làm ra vẻ như nó, con em tôi, cần mua một đôi giày đi núi rất cao này, bạn biết không, đôi giày có đến cả tỷ lỗ để xỏ. Chỉ chút nữa là chúng tôi làm gã bán hàng tội nghiệp mất trí. Con bé Phoebe của tôi thử có đến hai chục đôi, và mỗi lẫn thử, gã bán hàng tội nghiệp lại phải luồn dây buộc cho nó đến tận đầu gối. Thật đê tiện, dĩ nhiên, nhưng Phoebe thì suýt ch.ết vì cười. Cuối cùng bọn tôi mua một đôi giày đi trong nhà và yêu cầu mang đến nhà. Gã bán hàng tỏ ra rất khá. Theo tôi, gã hiểu rằng chúng tôi đùa nghịch, vì Phoebe cứ cười nghiêng ngả suốt.
Tôi đi dọc theo đại lộ Số Năm mà không đeo cà vạt, cứ đi hoài. Rồi tự nhiên gặp một chuyện khủng khiếp. Cứ mỗi lần tôi đến cuối phố và phải rời vỉa hè sang đường, tôi lại chợt cảm thấy rằng không sao có thể sang được bên kia. Có cảm giác như tôi sẽ bất thình lình ngã lộn đầu xuống dưới, xuống dưới, xuống dưới mãi và sẽ không ai còn nhìn thấy tôi nữa. Ôi trời, các bạn không thể tưởng tượng nổi tôi hoảng sợ đến mức nào đâu. Mồ hôi túa ra đầm đìa, tất cả áo sống đều ướt đẫm. Rồi tự nhiên tôi nghĩ ra trò này. Mới đến cuối phố, tôi bắt đầu trò chuyện với em trai, thằng Allie của tôi, ngay lập tức. Tôi bảo nó: "Allie, đừng để anh ngã! Allie, anh cầu xin em!". Và khi đã sang đường bình an rồi, tôi vội cảm ơn nó. Và cứ như vậy ở mỗi góc phố, từ lúc sắp sang đường cho đến lúc sang được. Nhưng tôi không dừng lại. Hình như tôi sợ dừng lại, nói thật ra, tôi không còn ngốc lắm. Tôi chỉ biết là đã đến tận phố Sáu mươi, qua vườn bách thú, có trời biết được đi đâu. Rồi tôi ngồi xuống ghế băng. Tôi thở hồng hộc, mồ hôi vã ra như mưa đá. Tôi ngồi trên cái ghế ấy có lẽ đến gần tiếng đồng hồ và cuối cùng quyết định phải làm gì đó. Tôi quyết định ra đi, quyết định sẽ không về nhà và sẽ không nhập học bất cứ trường nào nữa. Tôi quyết định sẽ gặp em gái tôi, trả nó tiền, rồi sau đó ra đường cái giơ tay vẫy xe xin đi nhờ đến miền Tây. Tôi sắp xếp, đầu tiên cứ đến Hollidan Jannel, rồi từ đó vẫy xe xin đi nhờ tiếp, cứ như vậy là sau vài ngày, tôi đã ở xa tít, tận miền Tây, ấm áp và đẹp đẽ, nơi mà không một ai biết tới. Và ở đó tôi sẽ tìm được việc làm. Tôi nghĩ, sẽ dễ dàng tìm được việc ở một trạm tiếp xăng nào đó bên cột xăng, phục vụ người qua lại. Nói chung, tôi thì làm việc nào cũng được, miễn là đừng có ai biết tôi và ngược lại. Tôi định thế này: giả bộ câm điếc. Khi đó sẽ chẳng cần dây vào mọi chuyện ngu xuẩn và chán ngấy với bất cứ ai. Còn nếu có ai đó muốn nói gì với tôi, anh ta sẽ phải viết ra giấy đưa cho tôi đọc. Rồi thì họ sẽ chán ngấy, đến mức tôi được phóng thích suốt đời khỏi phải trò chuyện. Tất tật mọi người sẽ coi tôi là thằng ngốc câm điếc bất hạnh và để tôi yên thân. Tôi sẽ tiếp xăng cho những chiếc xe hơi ch.ết giẫm của họ, nhận chút tiền công, rồi sau đó dựng cho mình một túp lều bằng số tiền ky cóp được và sẽ sống ở đó đến hết đời. Túp lều sẽ dựng ở ven rừng, có điều không phải ở giữa bụi cây, tôi thích có nắng chiếu vào thật nhiều. Tôi sẽ tự nấu ăn lấy, còn sau này khi muốn lập gia đình tôi sẽ gặp được một cô gái đẹp câm điếc nào đó và bọn tôi sẽ cưới nhau. Cô ấy sẽ sống cùng tôi trong lều, còn nếu muốn nói gì thì cứ việc viết ra giấy. Nếu có con, bọn tôi sẽ giấu chúng khỏi tất cả mọi người. Sẽ mua thật nhiều sách vở và sẽ tự dạy chúng đọc, viết.
Tôi thấy nóng rực cả người, thực thế. Dĩ nhiên, thật ngu xuẩn khi nghĩ rằng mình giả bộ câm điếc, nhưng tôi vẫn thích tưởng tượng bộ dạng mình lúc ấy ra sao. Và tôi quyết định chắc chắn sẽ đi về miền Tây. Chỉ cần chia tay với Phoebe. Tôi chồm lên và lao qua phố như một thằng điên, chút nữa thì đâm đầu vào xe hơi, để nói thật ra - là chui thẳng vào một hiệu bán giấy viết, mua ở đó một cuốn sổ tay và cây bút chì. Tôi định sẽ viết mẩu giấy hẹn nơi gặp nhau để có thể từ biệt nó và trả lại nó tiền quà. Tôi sẽ mang mẩu giấy đến trường, nhờ ai đó trong văn phòng chuyển cho Phoebe. Nhưng trong lúc tôi nhét cuốn sổ và bút chì vào túi và gần như chạy đến trường nó, tôi đã quá xúc động để viết mẩu thư tại cửa hiệu. Tôi đi nhanh kinh khủng: cần phải chuyển kịp mẩu giẩy cho con bé, khi nó còn chưa về nhà ăn điểm tâm, chỉ còn lại rất ít thời gian.
Tôi biết ngôi trường này rất rõ vì chính tôi đã từng chạy đi chạy lại đến đó học hồi còn bé. Khi bước vào sân, tôi cảm thấy kỳ quặc làm sao ấy. Tôi không nghĩ rằng mình nhớ tất cả cảnh cũ, nhưng hóa ra tôi vẫn nhớ. Tất cả đều nguyên si như khi tôi còn học. Vẫn gian phòng tập thể dục khổng lồ phía dưới, nơi tứ thời nhập nhoạng tối, vẫn những rọ sắt chụp trên các bóng đèn để khỏi bị vỡ. Ở trên sàn vẫn có những vòng trắng cho một trò chơi. Vẫn những khung bóng rổ trơ trọi không lưới, chỉ có tấm gỗ và các khung tròn.
Chẳng ở đâu thấy có bóng người, có lẽ vì đang là giờ học. Tôi chỉ thấy một thằng nhóc con da màu, chạy vào phòng vệ sinh. Từ trong túi quần nó thò ra tấm thẻ gỗ, bọn tôi cũng từng được nhận những tấm thẻ ấy để chứng nhận được phép ra khỏi lớp.
Tôi vẫn đổ mồ hôi suốt, nhưng không còn nhiều như trước nữa. Tôi bước ra cầu thang, ngồi xuống bậc dưới, lôi cuốn sổ và cây bút ra. Cầu thang vẫn bốc mùi, hệt như khi tôi còn học. Cứ như có đứa nào vãi ra đó. Ở các trường tiểu học, cầu thang tứ thời bốc mùi như vậy. Tóm lại, tôi ngồi xuống rồi viết mẩu thư: "Phoebe yêu quí! Anh không thể đợi đến thứ tư được vì ngay chiều nay anh sẽ đi miền Tây. Hãy chờ anh ở viện bảo tàng, cạnh cửa ra vào, lúc 12 giờ 15, nếu có thể, và anh sẽ trả lại tiền quà của em. Anh tiêu rất ít. Hôn em, Holden." Viện bảo tàng nằm ngay cạnh trường, đằng nào nó cũng phải đi ngang qua đó sau bữa điểm tâm, và tôi biết nó sẽ đợi gặp tôi. Tôi lên thang, vào phòng hiệu trưởng để nhờ mang mẩu thư của tôi vào lớp cho em gái. Tôi gấp tờ giấy đến chục lần để không ai đọc được. Ở những trường phổ thông ch.ết giẫm này thì đừng có hòng tin nổi ai. Nhưng tôi biết, thư của anh trai sẽ được chuyển cho em ngay tức thì.
Khi tôi leo lên cầu thang, tôi lại bắt đầu buồn nôn, nhưng cố vượt qua được. Tôi chỉ ngồi xuống nghỉ một phút đã cảm thấy trong người khá hơn. Nhưng tôi bỗng nhìn thấy một thứ làm tôi phát điên. Ai đó đã viết lên tường một câu tục tĩu. Tôi đúng là điên lên vì giận dữ. Cứ hình dung con Phoebe cùng những đứa trẻ khác nhìn thấy rồi bắt đầu hỏi đó là gì, và một thằng khốn kiếp nào đó bắt đầu giảng giải cho chúng, lại còn giảng giải một cách đê tiện, rồi bọn trẻ bắt đầu nghĩ về những trò đó với thái độ rất thất vọng, ưu phiền. Tôi sẵn lòng giết ch.ết kẻ khốn kiếp nào đã làm điều đó. Tôi hình dung ra một thằng đê tiện đồi bại nào đó đêm khuya lẻn vào trường bậy bạ rồi viết lên tường những từ này. Tôi tưởng tượng là tôi tóm được nó ngay nơi phạm tội, đập đầu nó vào cầu thang đá cho đến lúc nó ch.ết ngoẻo, người đẫm máu mới thôi. Nhưng tôi lại nghĩ rằng mình sẽ không đủ can đảm làm như vậy. Tôi biết mình mà. Và vì chính điều đó, tôi lại thấy tâm hồn u ám hơn. Nói thực ra, tôi thậm chí cũng không dư sức xóa đi những từ đê tiện kia. Tôi sợ nhỡ bỗng nhiên có một thầy cô nào đó nhìn thấy tôi đang xóa dòng chữ và nghĩ là tôi viết ra thì sao. Nhưng sau đó tôi vẫn cứ xóa. Xóa xong, tôi lên phòng hiệu trưởng.
Ông hiệu trưởng không có đó, nhưng có một bà già đến cả trăm tuổi đang ngồi đánh máy. Tôi nói rằng tôi là anh trai của Phoebe Caulfield học lớp 4B và nhờ bà chuyển cho nó mẩu thư này. Tôi nói, việc rất quan trọng vì mẹ tôi bệnh, không chuẩn bị được bữa sáng cho Phoebe và tôi phải gặp Phoebe để cho nó ăn sáng trong quầy điểm tâm. Bà già hóa ra rất dễ chịu. Bà ấy cầm tờ giấy của tôi, gọi một phụ nữ nào đó ở phòng bên và cô kia đi chuyển giấy cho Phoebe ngay. Sau đó, tôi cùng bà già này nói vài ba câu chuyện. Bà ấy rất niềm nở, và tôi kể cho bà ấy rằng tất cả anh em nhà tôi đều học ở trường này. Bà hỏi hiện giờ tôi học ở đâu, tôi nói ở Pencey và bà ấy bảo - Pencey là một trường rất tốt. Nếu như tôi thậm chí có muốn sửa lại đầu óc cho bà ấy đi nữa thì cũng chẳng đủ tinh thần. Bà ấy muốn nghĩ Pencey là trường tốt thì cứ mặc. Thật ngu xuẩn nếu muốn gợi lên những ý nghĩ mới cho người khác, khi người ta đã già gần trăm tuổi rồi. Mà họ đâu có thích điều ấy. Sau đó tôi chào bà rồi đi ra. Bà ấy gào với theo tôi: "Chúc cậu lên đường may mắn!". Hoàn toàn giống hệt ông già Spencer lúc tôi rời Pencey. Lạy Chúa, tôi căm ghét cái thói quen ấy quá chừng, cứ gào với theo "Chúc lên đường may mắn!". Tâm trạng tôi lại xấu đi vì chính câu ấy.
Tôi xuống thang và lại nhìn thấy một hàng chữ tục tĩu trên tường. Lại cố xóa, nhưng lần này chữ được khắc bằng dao hay một vật gì đó rất sắc. Mà cũng uổng công vô ích thôi. Nếu có được sống đến cả triệu tuổi cũng không thể xóa hết những chữ tục tĩu trên tường ở khắp thế giới này. Một việc không thể làm nổi.
Tôi nhìn lên đồng hồ ở gian thể dục, mới 12 giờ kém 20, chờ đến giờ nghỉ còn lâu. Nhưng tôi vẫn đến thẳng viện bảo tàng. Đằng nào thì cũng chả còn chỗ nào để đến nữa. Tôi nghĩ có nên gọi điện cho Jane Gallagher ở trạm điện thoại tự động trước khi bỏ đi miền Tây không, nhưng chả có lòng dạ nào. Mà tôi cũng không tin là nàng đã về nhà nghỉ đông. Tôi ghé vào viện bảo tàng bắt đầu đợi ở đó.
Trong lúc tôi chờ Phoebe ở ngay cửa vào bảo tàng, có hai thằng nhóc lại gần hỏi tôi có biết xác ướp ở đâu không. Thằng hỏi tôi mặc quần chưa cài cúc và tôi ra lệnh nó chỉnh đốn lại ngay. Thế là nó làm ngay trước mắt tôi, chẳng hề ngượng nghịu, thậm chí cũng không buồn rẽ vào sau cột hay xó nào đó. Thật nực cười. Có lẽ, tôi đã phá lên cười, nhưng lại sợ bị buồn nôn nên cố ghìm lại.
- Thế xác ướp ở đâu? - Thằng bé hỏi lại. Anh có biết chúng ở đâu không?
Tôi quyết định trêu chúng.
- Xác ướp ấy à? - Tôi hỏi. - Thế nó là gì vậy?
- Ồ anh biết đấy. Xác ướp người ch.ết ấy. Người ta còn chôn chúng trong các kim tự tháp. Trong các kim tự tháp! Ôi thật nực cười. Đấy là nó nói về các kim tự tháp.
- Thế sao các em không đến trường hả, lũ nhóc? - Tôi hỏi.
- Không có giờ. - Vẫn thằng bé đó nói từ đầu đến giờ. Tôi nhận thấy nó nói dối, thằng đểu. Nhưng đằng nào cũng chả có gì để làm cho tới khi Phoebe đến, thế là tôi dẫn chúng đến nơi có xác ướp. Trước đây tôi biết chính xác chúng nằm ở đâu, chỉ có điều cả trăm năm rồi tôi chưa đến đó.
- Thế bọn em thích nhìn xác ướp lắm à? - Tôi hỏi.
- Vâng.
- Thằng bạn em bị cảm ư?
- Nó không phải là bạn mà là em trai em.
- Chả có lẽ nó không biết nói sao? Thế nào, em không biết nói à?
- Biết, - thằng kia trả lời, - có điều em chẳng muốn.
Cuối cùng, bọn tôi tìm thấy cửa hàng nơi có xác ướp.
- Thế bọn em có biết người Ai Cập chôn người ch.ết của họ thế nào không?
Tôi hỏi thằng bé hay chuyện.
- Khô-ông...
- Cần phải biết. Chuyện đó rất thú vị. Họ cuộn đầu người ch.ết vào những tấm vải có tẩm một hỗn hợp đặc biệt bí mật. Chỉ khi đó mới có thể chôn cất đến cả ngàn năm mà đầu người ch.ết vẫn không rữa ra. Không ai biết làm việc này, ngoài dân Ai Cập. Ngay cả khoa học hiện đại cũng không hề biết phải làm việc ấy thế nào.
Để thấy xác ướp, phải đi qua một hành lang rất hẹp lát bằng đá lấy ra từ mộ Pharaông. Một chỗ khá khiếp đảm, và tôi thấy hai thằng nhóc mà tôi dẫn đi run như cầy sấy. Chúng nép sát vào tôi như lũ mèo con, thằng không hay chuyện thậm chí còn bám chặt vào tay áo tôi.
- Về nhà đi, - bỗng nó nói. - Em đã nhìn thấy hết rồi. Về nhanh lên. - Nó quay lại rồi bỏ chạy.
- Nó nhát lắm, cái gì cũng sợ! - Thằng kia nói. - Chào anh! - Rồi cũng chạy theo thằng em.
Tôi còn lại một mình, giữa đám gạch mộ. Tôi thích ở đây - im lặng, yên bình. Rồi bỗng nhiên tôi thấy trên tường, các bạn đoán được cái gì không? Lại một dòng tục tĩu bằng chì đỏ, ngay dưới tủ kính trên đá.
Mọi điều bất hạnh là ở đấy. Không thể tìm được chỗ nào yên bình, im lặng, không có chỗ đó trên trái đất này. Thỉnh thoảng bạn nghĩ, cũng có thể có, nhưng khi bạn đến được thì một ai đó đã vượt lên trước bạn và viết một dòng bậy bạ ngay trước mũi bạn. Bạn cứ tự kiểm tr.a xem. Đôi lúc tôi có cảm giác tôi sẽ ch.ết, sẽ rơi vào nghĩa địa, người ta sẽ đặt bia kỷ niệm trên người tôi, và sẽ viết "Holden Caulfield", năm sinh và năm ch.ết, còn dưới tất cả những chữấy một kẻ nào đó sẽ lại khắc vào một hàng tục tĩu. Tôi tin là sẽ như vậy.
Tôi ra khỏi nơi có xác ướp, đi vào buồng vệ sinh. Tôi lại bị đau bụng, nếu đã phải nói toàn bộ sự thật. Nhưng tôi không sợ điều đó, mà hoảng sợ chuyện khác. Khi ra khỏi buồng vệ sinh, tôi ngất ngay tại cửa. Còn may là tôi ngã đẹp. Tôi có thể bị đập đầu xuống sàn nhưng chỉ ngã đập sườn xuống. Cái cảm giác ấy thật kỳ quặc. Nhưng sau cơn ngất, tôi cảm thấy trong người khá hơn. Đúng ra, tay bị đau nhưng chẳng còn nhức đầu kinh khủng như trước nữa.
Đã 12 giờ 10, tôi ra cửa chờ Phoebe của tôi. Tôi nghĩ có lẽ tôi gặp nó lần cuối. Và nói chung sẽ không còn thấy ai trong số người thân nữa. Có nghĩa là dĩ nhiên tôi có lẽ sẽ còn gặp lại họ khi nào đó, nhưng sẽ chẳng mau chóng gì. Có thể, tôi sẽ về nhà khi ba nhăm tuổi, nếu có ai đó trong số họ đau ốm và muốn nhìn thấy tôi trước khi ch.ết, đó là điều duy nhất buộc tôi bỏ lại túp lều của mình để quay về nhà. Tôi thậm chí còn tưởng tượng sẽ trở về thế nào. Tôi biết, mẹ tôi sẽ xúc động kinh khủng, sẽ khóc và van nài tôi ở nhà, đừng trở về túp lều kia nữa, nhưng tôi vẫn cứ ra đi. Tôi sẽ cố cao ngạo, khó gần như quỷ vậy. Sẽ an ủi mẹ rồi đứng lui vào góc khác trong phòng, lôi thuốc ra hút với một sự lạnh nhạt băng giá. Tôi sẽ mời bố mẹ đến thăm tôi nếu họ muốn, nhưng nhất quyết không nài nỉ. Nhưng tôi nhất định sẽ thu xếp cho Phoebe đến chỗ tôi mùa hè, và cả lễ Giáng Sinh, cả kỳ nghỉ lễ Phục sinh nữa. Sẽ để cho cả anh D.B đến và sống ở chỗ tôi nếu anh ấy cần một góc yên tĩnh im ắng để làm việc. Nhưng tôi sẽ chẳng cho phép viết bất cứ một kịch bản nào trong túp lều của tôi, chỉ truyện ngắn và sách thôi. Tôi sẽ có quy định thế này: không cho bất cứ một sự giả tạo nào lọt vào nhà tôi. Còn nếu ai muốn mang sự giả tạo, dù chỉ chút ít đến, thì tốt hơn cứ để anh ta đi khỏi nhà tôi ngay.
Bỗng tôi nhìn lên đồng hồ ở phòng gửi áo khoác ngoài, đã một giờ kém 25. Tôi hoảng sợ. Nhỡ bà già trong văn phòng bảo người đàn bà kia đừng chuyển giấy cho Phoebe, nhỡ bà ấy bắt đốt tờ giấy của tôi hoặc quẳng đi. Tôi sợ quá chừng. Tôi rất muốn gặp em gái trước khi cuốn xéo, có trời biết được đi nơi nào. Mà tôi lại còn giữ tiền của nó nữa chứ.
Rồi bỗng nhiên tôi thấy nó. Qua cửa kính, tôi nhận ra ngay vì nó đội cái mũ thợ săn hoang dã của tôi. Có thể nhận ra nó dù cách xa đến mười dặm, cái mũ của tôi ấy mà.
Tôi bước ra phố và đi xuống cầu thang đá đón Phoebe. Có một điều tôi không hiểu được, nó tha theo cái vali to đùng để làm gì. Nó đang đi qua đại lộ Số Năm và tha theo một cách khó nhọc cái vali khổng lồ xấu xí. Lại gần hơn, tôi hiểu đó chính là cái vali cũ của tôi hồi còn học ở trường Whootton. Không tài nào hiểu được, con bé cần quái gì đến cái vali ấy.
- Hú! - Nó nói, khi lại gần hơn. Nó hoàn toàn mệt lử vì cái vali ch.ết giẫm này.
- Anh tưởng là em không đến, - tôi nói, - em tha cái vali này đến đây làm quái gì vậy? Anh cóc cần gì hết. Anh đi nhẹ nhàng thôi. Thậm chí anh cũng sẽ không lấy vaili ở nhà ga. Em nhét những gì vào đó? Nó đặt vali xuống.
- Đồ đạc của em, - nó nói. - Em đi cùng anh. Được không? Anh sẽ cho em đi cùng chứ?
- Gì kia? - Tôi su ýt ngã khi nó nói câu ấy. Thật đấy, đầu óc tôi quay cuồng, tôi đến ngất xỉu mất.
- Em xách va li ra cầu thang phía sau để Charlene không nhìn thấy. Không nặng đâu. Trong này chỉ có hai áo đầm, đôi giầy, đồ lót, tất và những thứ lặt vặt. Anh thử nhấc lên xem. Va li nhẹ lắm, nào, nhấc thử đi. Cho em đi theo anh với, Holden! Được không anh?
- Không, không được. Câm đi!
Tôi cảm thấy sắp ngã khuỵu xuống và ngất đi. Tôi tuyệt nhiên không muốn quát: "Câm đi!", nhưng, ôi, lại thấy mình sắp ngất.
- Sao lại không được? Em xin mà, cho em đi với... Nào, Holden! Em sẽ không quấy rầy anh đâu, em chỉ đi cùng anh, vậy thôi! Nếu anh muốn, em sẽ bỏ lại áo đầm, chỉ mang theo...
- Mày sẽ không mang theo gì hết. Và cũng không đi đâu. Tao đi một mình.
Câm đi!
- Nào, Holden, em xin mà! Em rất, rất, rất ngoan, thậm chí anh sẽ không nhận thấy...
- Mày sẽ chẳng đi đâu hết. Câm đi, nghe thấy không! Đưa vali đây!
Tôi giật vali khỏi tay nó. Tôi muốn phết đít nó một cái quá chừng. Chỉ một chút nữa là tôi đánh nó, thực đấy. Nhưng bỗng nhiên nó òa khóc.
- Thế mà tao lại nghĩ mày sửa soạn đi đóng kịch. Tao nghĩ mày sửa soạn đi đóng Benedict Arnold trong vở đó - tôi nói. Giọng tôi trở nên dữ tợn, ghê tởm. - Mày định giở trò gì thế, hả? Không muốn đóng kịch nữa hay sao?
Thế là nó càng khóc dữ hơn, còn tôi thậm chí lại thấy mừng. Tự nhiên tôi muốn khóc hết nước mắt. Tôi giận nó khủng khiếp, chính vì nó sẵn sàng từ chối vai kịch để đi với tôi.
- Đi, - tôi nói, lại bắt đầu leo thang vào viện bảo tàng. Tôi quyết định gửi ở phòng giữ áo khoác ngoài cái va li ch.ết giẫm mà nó tha đến, nó sẽ lấy lại vào lúc ba giờ trên đường đi học về. Tôi biết, không được mang vali vào trường. - Nào, đi. - Tôi nói.
Nhưng nó không đến viện bảo tàng. Nó không muốn theo tôi. Tôi đi một mình, gửi vali ở phòng giữ áo khoác ngoài và lại ra phố. Nó vẫn đứng trên vỉa hè, nhưng khi tôi lại gần, nó quay lưng lại. Cái đó thì nó làm được lắm. Quay lưng lại bạn, và hết.
- Anh sẽ chẳng đi đâu hết. Anh nghĩ lại rồi. Đừng có gào lên nữa, nghe thấy không? - Nói th ế thật là ngu xuẩn, vì nó chẳng còn gào khóc nữa. Nhưng tôi vẫn cứ nói: "Đừng có gào lên nữa!" phòng mọi trường hợp. - Nào ta đi đi! Anh sẽ đưa em đến trường. Đi nhanh lên. Em sẽ muộn mất.
Nó thậm chí không thèm trả lời tôi. Tôi thử nắm tay nó, nhưng nó giật ra. Và cứ quay lưng lại tôi hoài.
- Em ăn sáng chưa? - Tôi hỏi. - Em đã ăn sáng chưa?
Nó không thèm trả lời. Tự nhiên nó cởi mũ thợ săn của tôi ra, quẳng ra xa, suýt vào mặt tôi. Vẫn đứng quay lưng lại. Tôi bắt đầu buồn cười, nhưng im lặng. Tôi chỉ nhặt mũ lên, nhét vào túi.
- Thôi được, đi thôi. Anh sẽ tiễn em đến trường.
- Em sẽ không đến trường nữa đâu.
Tôi có thể nói gì với nó được? Tôi đứng im lặng một lúc rồi nói:
- Không, em phải đến trường. Em muốn đóng kịch cơ mà, đúng không nào?
Em muốn là Benedict Arnold đúng không?
- Không.
- Không đúng, em muốn mà. Em muốn kinh khủng! Nào, ta cùng đi! Thứ nhất, anh sẽ chẳng đi đâu hết. Anh nói sự thật với em đấy. Anh sẽ về nhà. Đầu tiên ra ga lấy vali, sau đó sẽ đi thẳng...
- Còn em thì nói với anh là em không đến trường nữa. Anh muốn làm gì mặc anh, em sẽ chẳng đi học nữa đâu! Mà nói chung, câm đi!
Lần đầu tiên trong đời, nó nói với tôi như vậy. Thô tục khủng khiếp. Còn tồi tệ hơn là phải nghe những lời chửi rủa đầu đường xó chợ. Nó vẫn không nhìn về phía tôi, còn khi tôi vừa thử động vào vai và nắm tay nó, nó vùng ra ngay.
- Em nghe này, em có muốn đi dạo một lát không? Muốn đi bách thú với anh không? Nếu anh cho phép em không phải đến trường hôm nay và đưa em đến vườn bách thú cùng anh thì em sẽ ngừng ngay trò ngu xuẩn bướng bỉnh đi chứ? - Nó không trả lời, còn tôi cứ nhắc lại lời mình. - Nếu anh cho phép em nghỉ học chiều này và cho đi dạo cùng anh em sẽ thôi ngay trò kỳ quặc này chứ?
- Lúc nào muốn thì đi, không muốn thì thôi! - nó nói rồi tự nhiên nhảy bổ sang bên kia đường, chẳng buồn ngó xem có xe cộ gì không. Đôi lúc nó thật điên rồ.
Tuy nhiên, tôi không theo nó. Tôi biết nó sẽ theo tôi ngoan ngoãn và tôi cứ đủng đỉnh đến vườn bách thú theo bên này đường. Nó làm ra vẻ không nhìn về phía tôi, nhưng vẫn cứ hé con mắt tức giận xem tôi đi đâu. Cứ như vậy, bọn tôi đi suốt chặng đường đến vườn bách thú. Tôi chỉ lo lắng mỗi khi có xe búyt hai tầng chạy qua, che lấp phía bên kia và tôi không nhìn thấy nó bị cuốn đi đâu. Nhưng khi bọn tôi đến gần vườn bách thú, tôi kêu nó:
- Này, Phoebe! Anh vào vườn bách thú đây! Lại đây nào!
Nó vẫn chẳng thèm ngó sang tôi, nhưng tôi đoán nó nghe thấy. Khi bắt đầu xuống thang vào bách thú, tôi ngoảnh lại và thấy nó đang qua đường đi theo tôi. Vườn bách thú vắng người, thời tiết xấu tồi tệ, nhưng bên bể nước, nơi hải cẩu bơi có dăm khán giả vây quanh. Tôi đã đi ngang qua, nhưng con bé dừng lại và cũng bắt đầu xem người ta quẳng cá vào bể cho hải cẩu ăn, thế là tôi cũng quay lại. Tôi nghĩ, bây giờ tôi sẽ lại chỗ nó. Tôi lại gần, đứng sau lưng, đặt cả hai tay lên vai nó, nhưng nó ngồi xuống và trườn khỏi tay tôi. Nó giận mới khiếp chứ, một khi muốn giận! Nó nhìn người ta cho hải cẩu ăn, còn tôi đứng phía sau. Nhưng tôi chẳng đặt tay lên vai nó làm gì, nói chung tôi không động đến nó nữa vì sợ bỗng nhiên nó chuồn khỏi tôi thì sao. Thật kỳ quặc, cái bọn con nít ấy. Với chúng cứ phải đề phòng cẩn thận.
Chúng tôi đã rời bể nước, nó không muốn đi bên cạnh nhưng đi cách tôi không xa lắm. Nó cứ giữ đúng một bên đường, còn tôi bên kia. Cũng chả thú vị gì cho lắm nhưng còn khá hơn là đi cách nhau cả dặm như lúc trước. Bọn tôi đi xem lũ gấu trên đồi nhỏ, nhưng ở đó chả còn gì để xem. Chỉ có đúng một con bò ra ngoài, con gấu trắng Bắc cực. Còn con màu nâu cứ nằm ườn trong cái hang ch.ết giẫm của nó. Cạnh tôi có một thằng nhóc đội mũ cao bồi trùm đến mang tai, nó cứ lặp đi lặp lại suốt:
- Bố, bắt nó ra đi! Bố, bắt nó ra đi!
Tôi nhìn Phoebe, nhưng nó thậm chí cũng chả thèm cười. Các bạn cũng biết con nít giận hờn thế nào. Chúng thậm chí chả thèm cười bất cứ chuyện gì. Rời lũ gấu, bọn tôi tiến ra cửa vườn bách thú qua một lối mòn nhỏ trong vườn, rồi lại qua một con đường ngầm tứ thời bốc mùi. Mọi người thường qua đó để đến chỗ đu quay. Phoebe của tôi vẫn chưa thèm nói chuyện, nhưng đã đi ngay bên tôi. Tôi định cầm dây lưng áo bành tô của nó nhưng nó không chịu.
- Anh bỏ tay ra đi! Nó vẫn còn hờn giận tôi. Nhưng bọn tôi vẫn tiến mỗi lúc một gần hơn đến chỗ đu quay, và đã nghe thấy tiếng nhạc ở đó, tứ thời chơi bài "Ồ, Mary!". Họ chơi bài này đến cả năm chục năm rồi, từ hồi tôi còn nhỏ xíu. Đó là cái hay nhất ở chỗ đu quay, lúc nào cũng đúng bài đó.
- Thế mà em lại nghĩ đu quay đóng cửa! - Bỗng Phoebe cất giọng nói với tôi trước. Có lẽ, nó đã quên là mình đang giận dỗi.
- Có lẽ vì sắp đến lễ Giáng Sinh, - tôi nói.
Nó không đáp. Có lẽ, nó đã nhớ lại là vẫn còn đang giận tôi.
- Em có muốn chơi đu không? - Tôi biết nó rất muốn. Khi nó còn bé xíu, tôi cùng Allie và cả anh D.B. nữa đưa nó đến công viên, nó phát rồ lên với mấy cái đu quay. Có bữa, không tài nào lôi nó ra khỏi đó.
- Em lớn rồi! - Tôi nghĩ, nó sẽ không trả lời.
- Bậy nào! Ngồi vào đi! Anh sẽ chờ em! Nào! Chúng tôi tiến sát đến đu quay.
Trên đó chỉ có vài đứa còn nhỏ xíu, bố mẹ chúng ngồi ở ghế băng đợi. Tôi lại gần ô cửa bán vé mua cho Phoebe một vé. Mua xong tôi đưa cho nó. Nó đã đứng ngay cạnh tôi.
- Này, - tôi nói, - không, hãy chờ một phút, em cầm luôn tiền quà của em đi, cầm hết đi! - Tôi muốn trả hết tiền cho nó.
- Không, anh giữ đi. Anh cứ giữ tiền đi, - nó bỗng nói thêm. - Thật mà, em xin anh!
Thật bất tiện khi người ta cầu xin bạn, nhất là khi đó chính là em gái. Tôi thậm chí sầm cả mặt. Nhưng đành phải nhét tiền vào túi.
- Thế anh sẽ đu chứ! - Nó hỏi và nhìn tôi là lạ thế nào ấy. Rõ ràng nó đã hoàn toàn hết giận.
- Có thể, lần sau. Lần đầu anh xem em đu đã. Em cầm vé rồi chứ?
- Vâng.
- Thế thì lên đi, anh sẽ ngồi kia, trên ghế băng, xem em chơi.
Tôi ngồi xuống ghế, còn nó lại gần đu. Đi vòng một lượt. Có nghĩa là thoạt đầu nó đi vòng quanh bàn đu. Sau đó nó chọn con ngựa lớn nhất đã sờn cũ màu nâu cáu bẩn. Bàn đu bắt đầu quay, và tôi thấy nó ngồi đu thế nào. Bản nhạc "Khói mờ đôi mắt" rất nhộn, rất nực cười. Tất cả lũ trẻ đều cố gắng tóm lấy vòng vàng, cả con Phoebe cũng thế, tôi thậm chí còn sợ nhỡ nó ngã từ con ngựa ch.ết giẫm kia thì sao, nhưng chả thể nói và làm gì được. Với con nít bao giờ cũng vậy, một khi chúng đã định tóm cho được cái vòng vàng thì đừng có cố ngăn cản. Chúng ngã thì ngã nhưng đừng bao giờ nói với theo. Khi vòng đu kết thúc, nó trèo từ trên ngựa xuống, lại gần tôi.
- Bây giờ anh đu đi, - nó nói.
- Không, anh sẽ xem em thì hơn, - tôi nói, - đưa cho nó một ít tiền. - Em đi mua vé nữa đi. - Nó cầm tiền.
- Em không giận anh nữa đâu, - nó nói.
- Anh biết rồi. Chạy đi, đu quay bây giờ đấy.
Tự nhiên nó hôn tôi một cái. Rồi chìa bàn tay ra.
- Mưa! Đang mưa!
- Anh biết.
Các bạn biết nó làm gì ngay lúc ấy không? - Tôi suýt ch.ết vì cảm động! Nó mò vào túi tôi lấy ra cái mũ săn đỏ, úp sụp xuống trán tôi. Thế em không đội sao? - Tôi hỏi.
- Anh đội trước đã! - Nó nói.
- Thôi được. Nào, chạy đi, không đu quay bây giờ. Bọn nó giành ngựa của em mất. Nhưng nó không rời khỏi tôi.
- Anh nói thật với em không đấy. Có thật anh sẽ không đi đâu không? Anh sẽ về nhà thật chứ?
- Ừ. Và anh chẳng nói dối đâu, thực tế anh đã về nhà rồi đấy thôi. - Nào, chạy nhanh lên! - Bắt đầu quay bây giờ!
Nó chạy đi mua vé rồi đến bàn đu vào đúng giây cuối cùng. Và lại chạy vòng quanh cho đến lúc tìm được con ngựa cũ của mình. Nó cưỡi lên ngựa, vẫy tay với tôi, tôi cũng vẫy nó.
Mưa bắt đầu trút xuống sầm sập. Mưa rào thực thụ, lạy Chúa! Tất cả các mẹ, các bà của lũ trẻ, tóm lại, tất tật những ai ở đó đều đứng dưới mái đu để khỏi bị ướt lướt thướt, còn tôi vẫn ngồi nguyên trên băng. Tôi bị ướt khủng khiếp, nhất là cổ áo và quần. Cái mũ thợ săn cũng che được đôi chút, nhưng tôi vẫn ướt như chuột lột. Nhưng tôi thì thế nào cũng xong. Tự nhiên tôi cảm thấy hạnh phúc vì Phoebe đang quay trên đu. Tôi suýt khóc rống lên vì cảm giác đó, nếu đã phải nói thực. Tự tôi cũng chẳng hiểu tại sao. Con bé mới đáng yêu làm sao, nó quay tít trong chiếc váy nhỏ xíu màu xanh nước biển. Tiếc là các bạn không nhìn thấy nó, thật đấy!