Chương 21

Màn đêm đã buông.
Chiếc Jaguar rời đường cao tốc đi vào nhà ga số 3 của sân bay JFK. Nó chạy qua cổng vào bãi đỗ “dài ngày” rồi men theo con dốc hình xoáy ốc xuống sâu lòng đất, nơi có sáu tầng hầm đỗ xe.
- Cô nhất định phải đi thay đồ, Sebastian vừa lùi xe vào chỗ đỗ vừa khẳng định.


Họ vội vã rời nhà mà không kịp tắm rửa hay thay đồ. Nikki nhìn lại quần áo trên người mình: từ đầu đến chân đều rách tả tơi và nhem nhuốc máu. Cô nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trong gương chiếu hậu. Khuôn mặt cô vẫn in hằn các cú đánh, môi nứt nẻ, tóc vẫn bết.


- Nếu cô cứ để nguyên thế này mà vào ga thì chưa đầy ba phút là cảnh sát sẽ ập tới tóm chúng ta.


Cô với chiếc túi xách thể thao đặt ở băng ghế sau, nhanh chóng thay đồ, oằn người chui vào chiếc quần thể thao, mặc áo khoác nỉ có mũ, xỏ đôi giày thể thao rồi cột tóc lên. Họ đi thang máy đến tận khu vực khởi hành mà không gặp trở ngại gì ở cửa kiểm soát căn cước lẫn các cổng kiểm tr.a an ninh dẫn thẳng ra cửa lên máy bay.


Trong khi họ đang bước lên máy bay, điện thoại của Sebastian rung lên. Là Camille. Cô bé vẫn đang trên chuyến tàu đi đến Long Island để về nhà bà nội. Như thường lệ, chuyến tàu đi Long Island lại bị trễ giờ, nhưng con bé có vẻ phấn khích và nhất là dường như không còn tức tối anh nữa.


- Con nóng lòng được nếm món hạt dẻ bỏ lò của bà nội quá! Con bé hào hứng.


available on google playdownload on app store


Mừng rỡ khi nghe thấy con gái có vẻ đang rất vui, Sebastian khẽ mỉm cười. Trong khoảnh khắc, anh nhớ lại những ngày hạnh phúc, khi hai đứa con sinh đôi của anh còn nhỏ và khi anh cùng Nikki dẫn chúng đi nhặt hạt dẻ trong rừng Maine: những cuộc dã ngoại, tiếng tí tách của vỏ hạt dẻ khi nứt vỡ, hơi ấm của than cháy trong lò sưởi, tiếng kim loại lanh canh từ chiếc chảo thủng, mùi thơm ngào ngạt khắp căn phòng, những ngón tay đen muội than, cảm giác sợ bị bỏng xen lẫn thích thú trong lúc tách vỏ những hạt đã chín...


- Bố mẹ có tin tức của Jeremy chưa?
Câu hỏi của Camille kéo anh về với thực tại.
- Bố mẹ sẽ tím lại được anh, con yêu, con đừng lo.
- Bố có đi cùng mẹ không?
- Có, bố chuyển máy cho mẹ đây.


Sebastian chìa điện thoại cho vợ cũ rồi tiến vào lối đi chính của chiếc Airbus. Đến chỗ của họ, anh xếp đồ vào ngăn để hành lý rồi ngồi xuống.
- Con nhớ phải báo tin cho bố mẹ nếu nhận được bất cứ tin tức gì từ anh con nhé, Nikki dặn dò con gái.
- Nhưng chính xác thì bố mẹ đang ở đâu? Camille hỏi.


- Ờ... trong máy bay, cô lúng búng.
- Cả hai ư? Để đi đâu ạ?
Cảm thấy khó xử, Nikki vội vã chấm dứt cuộc nói chuyện.
- Mẹ phải tạm biệt con rồi, con yêu. Máy bay sắp cất cánh. Yêu con.
- Nhưng mẹ ơi...
Nikki ngắt máy rồi trả lại điện thoại cho chồng cũ trước khi lách vào chỗ của mình ngay sát cửa sổ.


Sebastian nhìn cô ngồi lún sâu trong ghế, bám chặt lấy hai tay vịn. Từ hồi họ cưới nhau, cô vẫn luôn lo lắng mỗi khi phải đi máy bay. Theo thời gian, mọi chuyện rõ ràng cũng vẫn chưa có gì thay đổi.


Co ro trong ghế, cơ bắp thì cứng đờ, Nikki chăm chú quan sát các tiếp viên và săm soi các hành khách khác. Qua cửa sổ, cô dõi mắt với vẻ ngờ vực tới các xe chở nhiên liệu, xe chở hành lý và hàng trăm ngọn đèn làm dấu mốc cho đường cất cánh của máy bay. Một tiếng ồn nhỏ nhất, một hành vi đáng ngờ nhỏ nhất cũng khiến trí tưởng tượng của cô phác họa ra cả nghìn lẻ một kịch bản thảm họa.


Sebastian cố gắng nói lý với cô:
- Máy bay là phương tiện giao thông an toàn nhất...
- Anh bớt lời đi! Cô vừa quát lên với anh vừa co rúm lại trên ghế.


Cô thở dài rồi nhắm mắt lại. Cô đầu hàng dưới sức nặng của cơn mệt mỏi tích tụ, của tình trạng căng thẳng, của nỗi sợ hãi khi biết con trai gặp nguy hiểm, của tất cả những gì họ đã chịu đựng những giờ qua. Lẽ ra cô cần chạy bộ hai chục cây số hoặc đấm vào một bao cát để giải tỏa. Chứ không phải đối đầu với một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của cô thế này.


Cô thở gấp, họng thì khô khốc. Dĩ nhiên là cô đã không kịp mang theo ống thuốc an thần. Để quên đi hiện thực, cô chụp tai nghe chiếc máy nghe nhạc của con trai vào rồi để mặc âm nhạc cuốn đi, dần dần lấy lại được khả năng kiểm soát hơi thở.


Cô vừa mới cảm thấy thư giãn thì tiếp viên hàng không đã yêu cầu cô tắt iPod đi.
Nikki làm theo yêu cầu với vẻ khó chịu.
To kếch sù, kích cỡ quá khổ, chiếc A380 khổng lồ rốt cuộc cũng đi đến đầu đường băng và dừng lại một chút trước khi lấy đà cất cánh.


- Máy bay sắp cất cánh, cơ trưởng thông báo.
Viên phi công nhấn ga và chiếc máy bay đường dài nghiến lên mặt bê tông, khiến đường băng rung lên dưới sức nặng của nó.
Nikki cảm thấy chao đảo, rung lắc, cảm tưởng như đứt mạch máu não đến nơi.


Làm cho một cỗ máy nặng năm trăm tấn bay lên dường như chưa bao giờ là điều đương nhiên đối với cô. Không phải cô mắc chứng sợ không gian kín, mà thực ra cô không chịu nổi cảnh gò bó trên một chiếc ghế, không thể cử động gì trong suốt bảy đến tám tiếng đồng hồ. Một nỗi lo âu có thể nhanh chóng chuyển thành hoang mang, thậm chí hoảng loạn.


Trên tất cả, ngay khi vừa bước chân vào một chiếc máy bay, cô đã có cảm giác bị tước bỏ hoàn toàn tự do, không còn khả năng kiểm soát tình hình. Trong khi đó, cuộc đời lại chỉ cho cô rằng chỉ nên tin vào chính bản thân mình, cô không chịu đựng nổi việc bị phó thác cho một tay phi công xa lạ không nhìn thấy ở đâu cả.


Đến hết đường băng, con quái vật bằng thép khó nhọc nhấc thân hình nặng nề khỏi mặt đất. Cảm giác tức thở, bồn chồn, Nikki ngọ nguậy liên hồi trên ghế cho đến khi máy bay đạt được độ cao hơn bốn nghìn năm trăm mét. Ngay khi được cho phép, cô bật lại máy nghe nhạc rồi cuộn người vào chiếc chăn. Mười phút sau, trái với mọi sự chờ đợi, cô chìm vào giấc ngủ mà hai tay vẫn nắm chặt.


Khi chắc chắn Nikki đã ngủ say, Sebastian quay sang cô, tắt đèn ở khoang của cô, đắp chăn lại cho kín rồi tăng nhiệt độ điều hòa để cô không bị lạnh.


Dù không muốn anh vẫn ngồi ngắm cô ngủ trong nhiều phút. Giờ đây, trông cô như quá mỏng manh, trong khi đó, mới buổi chiều thôi, cô đã kiên cường bảo vệ mạng sống cho họ. Một tiếp viên nam hỏi anh có muốn uống gì không. Anh uống một hơi ly vodka on the rocks rồi xin thêm một ly nữa. Mắt anh cay xè vì mệt mỏi, một cơn đau âm ỉ và dai dẳng lan ra phía trên gáy khiến anh có cảm giác phía sau đầu mình đang bị kẹp trong một gọng kìm.


Anh day day thái dương để xoa dịu cơn đau. Giữa mớ lộn xộn rối tung trong đầu, anh cố tìm ra một ý nghĩa nào đấy cho sự phi lý của hoàn cảnh lúc này.


Họ đang bay đến những mối nguy hiểm quái quỷ gì chứ? Họ đang chiến đấu chống lại loại kẻ thù nào? Chúng căm hận Jeremy vì lý do gì? Tại sao họ lại điên cuồng đến mức không nhờ đến sự trợ giúp của cảnh sát? Làm sao chuyện này có thể kết thúc được theo cách nào khác ngoài cánh cửa nhà giam?


Mười hai giờ vừa qua là những thời khác nhiều thử thách nhất đời anh. Và cũng bất ngờ nhất. Anh vốn là người luôn lên kế hoạch cho cuộc đời mình đến từng chi tiết nhỏ nhất, không ngừng chiến đấu để loại bỏ mọi yếu tố bất ngờ và ra sức, với nỗi ám ảnh đến gàn dở, duy trì trong phạm vi một cuộc đời yên ổn, giờ đây lại bị nhấn chìm trong những điều lạ lẫm.


Chiều nay, anh phát hiện ra một xác ch.ết đã bị phanh thây, vật lộn trong một vũng máu, cắt đứt họng một tên hộ pháp to cao gấp đôi anh... Và tối nay, anh lên đường sang châu Âu với người phụ nữ mà anh từng thề vĩnh viễn loại bỏ khỏi cuộc đời mình.


Anh cởi giày, nhắm mắt, nhưng tâm trí quá xáo trộn khiến anh không thể thiếp đi. Trong đầu anh, những hình ảnh về cuộc chém giết cứ dội về, chen lẫn với những hình ảnh từ đoạn phim về vụ tấn công Jeremy. Tuy nhiên, dần dàn, do tác động của cơn mệt mỏi và tiếng ro ro phát ra từ máy bay, một cảm giác uể oải bắt đầu khiến anh mê man, buộc anh thôi cảnh giác. Vì cố sức hiểu cho được ý nghĩa của ngày hôm nay, dòng suy tưởng đưa anh trở lại ngày anh gặp Nikki lần đầu tiên.


Một cuộc gặp gỡ-đụng độ như định mệnh.
Chuyện xảy ra cách đây mười bảy năm.
Vào ngày 24 tháng Chạp.
Tại New York.
Vài giờ trước Giáng sinh...
Sebastian
Mười bảy năm trước...
Tại sao mình lại không xoay sở từ trước nhỉ?


Từ đường Broadway đến đại lộ số 7, hiệu Macy’s chiếm trọn cả một dãy phố. Vào ngày 24 tháng Chạp như hôm nay, “cửa hàng lớn nhất thế giới” nhung nhúc người. Tuyết rơi dày suốt cả đầu giờ chiều đến giờ cũng không làm nản chí ngưới dân New York cũng như khác du lịch tới đây sắm sửa lần chót trước đêm Giáng sinh. Trong đại sảnh, trước một cây thông rất to, một dàn hợp xướng đang hát lại những ca khúc Giáng sinh, trong khi đám khách hàng và những kẻ hiếu kỳ chen chúc trên thang cuốn để rồi lại tản mát khắp mười tầng của trung tâm mua sắm uy tín này. Quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ, đồ trang sức, sách, đồ chơi: trong thiên đường mua sắm này, mỗi người đều có một mục tiêu riêng.


Mình tìm cái gì ở đây cơ chứ?


Một cậu nhóc quá phấn khích xô đẩy tôi, một bà già giẫm lên chân tôi, đám đông khiến tôi quay cuồng. Lẽ ra tôi không nên liều mạng xông vào chốn thù địch này. Tôi đã toan quay bước, nhưng có vẻ như tôi khó lòng mà về dự bữa tiệc Giáng sinh với gia đình nếu chưa kiếm được món quà gì cho mẹ. Tôi chần chừ. Một chiếc khăn lụa vuông chăng? Nhưng chẳng phải mình đi tặng mẹ thứ đó vào năm ngoái sao? Một chiếc xắc cầm tay? Giá quá cao. Vậy thì một lọ nước hoa? Nhưng biết chọn loại nào?


Quà cho bố thì bớt phức tạp hơn. Hai bố con tôi có một thỏa thuận ngầm hai bên cùng có lợi: vào năm chẵn tôi sẽ tặng bố một hộp xì gà, năm lẻ thì bố sẽ được tặng một chai cognac.


Tôi thở dài nhìn ngó xung quanh, hơi lạc lõng giữa tất cả những người đã có sẵn quyết định ở đây. Tôi kìm lại một câu rủa: một cô bán hàng vụng về vừa vảy nhầm một loại nước hoa phụ nữ vào tôi! Lần này, lòng khoan dung của tôi đã đến ngưỡng. Tôi lấy lọ nước hoa đầu tiên vừa tầm với rồi đi về quầy thu ngân gần nhất.


Đứng vào hàng người chờ thanh toán, tôi vừa lau mặt vừa nguyền rủa ả bán hàng khiến tôi bốc mùi một cô ả lẳng lơ.
- 53 đô la, thưa ngài.


Trong khi rút ví ra để thanh toán tiền, tôi thoáng thấy một dáng người dong dỏng đứng cách tôi vài mét. Một cô gái xinh đẹp với dáng đi khoan thai đang chuẩn bị rời khỏi khu mỹ phẩm. Khoác hờ một chiếc áo choàng len, từ cô toát ra một vẻ thật nữ tính và gợi cảm: mũ bê rê màu xám, minjupe ngắn bó sát, bốt quá đùi cao gót, túi xách cầm tay sành điệu.


- Thưa ông?


Trong khi tôi đang lục tìm cặp kính cận trong túi áo vest thì cô thu ngân đã lôi tôi trở lại mặt đất. Tôi đang chìa thẻ tín dụng cho cô thu ngân mà vẫn không rời mắt khỏi người đẹp không quen biết thì thấy cô nàng... bị bảo vệ cửa hàng tóm! Bộ đàm trong tay, gã đàn ông mặc đồ đen kiên quyết yêu cầu cô phải cởi chiếc áo choàng len ra. Cô nàng chống đối, khoa chân múa tay, nhưng một túi đựng đồ trang điểm giấu bên dưới áo khoác vô tình rơi xuống sàn, tố cáo hành vi trộm cắp của cô nàng.


Nhân viên bảo vệ tóm chặt lấy cánh tay cô rồi gọi tiếp viện qua bộ đàm.


Tôi lấy món đồ mình mua rồi tiến lại gần người đẹp. Tôi nhận thấy những vết tàn nhang, đôi mắt xanh, đôi găng tay dài bằng da. Thường thì tôi sẽ chẳng để mắt tới phụ nữ đâu: Manhattan này đầy rẫy những cô nàng cao quý, với lại tôi cũng không tin vào tình yêu sét đánh. Nhưng lần này lại khác. Đó là khoảnh khắc kỳ lạ mà ai trong chúng ta cũng đều từng gặp một lần. Cảm giác bối rối như đã hẹn mà gặp. Giây phút hiếm hoi.


Tôi mất ba giây để đi đến quyết định và không chịu để cơ hội vuột mất. Bây giờ hoặc không bao giờ. Tôi mở miệng mà cũng chưa biết mình sẽ nói gì. Các từ ngữ cứ thế tuôn ra, như được điều khiển từ xa:


- Này Madison, em vẫn nghĩ mình đang ở quê đấy à! Tôi vừa nói vừa thúc cùi chỏ vào mạng sườn cô gái.
Cô gái nhìn tôi như thể tôi vừa từ trên trời rơi xuống.
Tôi quay sang tay bảo vệ.
- Đây là em họ tôi, tên là Madison. Cô ấy từ Kentucky lên đây.
Tôi nhìn túi đựng đồ trang điểm.


- Đây là tất cả những gì em tìm thấy để làm quà cho dì Beth sao? Em chả chịu khó gì cả, đồ ngốc!
Rồi nói với tay bảo vệ bằng giọng đồng lõa:
- Ngoài Walmart ra, cô ấy chẳng biết đến đâu cả. Cô ấy cứ nghĩ quầy thu ngân ở đâu cũng nằm dưới tầng trệt.


Anh ta chẳng tin lời tôi lấy một giây, nhưng không khí lễ hội đang tràn ngập trong cửa hàng và giờ rõ ràng anh ta cũng chẳng thích bực mình. Tôi đề nghị sẽ thanh toàn túi đựng mỹ phẩm này và quên vụ này đi. Rồi tôi nói với sang cô gái:
- Em sẽ trả anh sau, Madison!


- Thôi được, thôi được, nhân viên bảo vệ lẩm bẩm với vẻ uể oải.
Tôi mỉm cười vì đã được thông cảm rồi theo anh ta tới tận quầy thu ngân. Tôi thanh toán nhanh chóng, nhưng khi quay lại, người đẹp không quen biết đã biến mất.
*


Tôi đi thang cuốn theo chiều ngược lại, bước bốn bước một xuống dưới, băng qua quầy đồ chơi rồi xô mấy cậu nhóc để lao ra phố 34. Trời đang có tuyết rơi nặng hạt.
Cô ấy đi lối nào được nhỉ? Bên phải? Bên trái?


Năm mươi năm mươi. Tôi quyết định đi về bên trái. Tôi không kịp đeo kính, vốn cận lòi mắt ra, tôi sẽ không bao giờ tìm thấy cô ấy đâu, chắc chắn thế.


Trơn không khác gì sân patin, mặt đường rải nhựa đã bắt đầu bị phủ giá. Đang mặc áo măng tô và cầm mấy cái gói lỉnh kỉnh, tôi khó mà chạy cho được. Bất chấp dòng xe qua lại, tôi lao xuống lòng đường để tránh đám đông, nhưng dòng xe cộ nhanh chóng khiến tôi hối tiếc vì đã làm thế. Tôi nhảy một bước để cố lên vỉa hè, nhưng bị mất đà, tôi trượt dài xuống nền đường. Cú trượt chỉ kết thúc khi tôi va phải một phụ nữ qua đường.


- Tôi xin lỗi, tôi vừa nói vừa đứng dậy.
Khi đã đứng thẳng dậy, tôi lục tìm kính trong túi áo khoác. Tôi đeo kính vào và...
Chính là cô ấy!
- Lại là anh à? Cô càu nhàu khi đứng dậy. Anh đúng là đồ điên khi lao như thế vào người khác!


- Ê! Ơ! Dù sao cô cũng nên cảm ơn tôi chứ! Tôi đã cứu cô khỏi vụ rắc rối!.
- Tôi có nhờ anh đâu. Với lại, tôi có vẻ là người đến từ Kentucky à?
Thật táo tợn! Tôi kinh ngạc. Cô gái rùng mình. Tôi nhìn cô lấy tay xoa vai.


- Được rồi, lạnh quá. Hẹn không biết khi nào gặp lại nhé, cô vừa nói vừa đi xa dần.
- Chờ đã! Chúng ta có thể đi uống một cốc chứ?
- Tôi phải bắt xe điện ngầm, cô nhăn nhó hất đầu về phía lối vào bên Herald Square ở bên kia đường.


- Thôi nào! Một cốc rượu ngon ở Bryant Park Cafe nhé. Ngay đây thôi và nó sẽ giúp cô ấm người lên.
Một cái bĩu môi lượng lự hiện trên mặt cô.
- Thôi được, đồng ý. Nhưng anh đừng có nhiệt tình quá, anh không phải loại tôi thích đâu...
*


Quán Bryant Park Cafe nằm ở phía sau toàn nhà Mỹ thuật của thư viện New York. Vào mùa hè, khu vườn trở thành một ốc đảo nhỏ xanh tươi giữa những toàn nhà chọc trời khu Midtown. Một nhóm sinh viên và người lao động trong khu phố thường đến đó nghỉ ngơi nghe nhạc hoặc đọc sách, chơi cờ hoặc ăn xúc xích. Nhưng vào một buổi chiều muộn mùa đông như hôm nay, khu vườn trông chẳng khác gì một khu trượt tuyết. Qua cửa kính, có thể nhìn thấy người đi đường, kín mít trong những chiếc áo khoác lông dày cộp, khó nhọc bước đi trong tuyết chẳng khác gì những người Eskimo ở vùng địa cực.


- Trước khi anh định hỏi tôi, tôi tên là Nikki.
- Sebastian Larabee. Hân hạnh.
Quán cà phê chật ních khách. May sao chúng tôi được thừa hưởng từ vị khách trước một bàn nhỏ hướng ra sân patin.
- Loại rượu vang này hơi cay nhỉ, phải không? Cô gái vừa đặt cốc xuống vừa hỏi.
- Cay á? Là loại Gruaud-larose 1982 đấy!


- Rất ngon! Đừng tự ái thế chứ...
- Cô có biết nó giá bao nhiêu không? Và nó được chấm bao nhiêu điểm trong quyển Guide Parker không?
- Không và tôi cũng cóc cần quan tâm. Chẳng lẽ tôi phải thấy nó ngon chỉ bởi vì nó đắt sao?
Tôi lắc đầu rồi đổi chủ đề:
- Cô làm gì vào đêm Giáng sinh?


Cô gái trả lời tôi bằng giọng dửng dưng:
- Ở cùng đám bạn, chúng tôi chiếm cứ một tòa nhà cũ gần khu kho cảng. Chúng tôi sẽ chè chén, hít vài điếu, vui chơi hết mình. Nếu anh muốn ghé qua...
- Chè chén say sưa với những kẻ chiếm nhà ư? Không, cảm ơn.


- Mặc xác anh. Không được hút thuốc ở đây, đúng không?
- Không, tôi nghĩ là không...
- Tiếc thật...
- Cô làm nghề gì? Cô là sinh viên à?
- Tôi theo học kịch và tôi chụp ảnh cho một công ty người mẫu. Còn anh?
- Tôi là thợ làm đàn
- Thật á?
- Tôi chế tạo và sửa violon.


- Vâng, cảm ơn! Tôi biết thợ làm đàn làm gì mà, anh nên nhớ! Anh xem tôi là ai chứ? Một đứa lạc hậu đến từ Kentucky à?
Cô lại nốc một ngụm rượu Saint-julien.
- Nói cho cùng loại rượu này không tồi đấy chứ. Nước hoa này là cho ai? Bạn gái anh à?
- Cho mẹ tôi.


- Tội nghiệp bà cụ! Lần sau anh nên nhờ tôi tư vấn. Anh sẽ tránh được các lỗi liên quan đến thị hiếu đấy.
- Thế đấy, tôi sẽ xin lời khuyên của một kẻ trộm cắp.
- Anh nặng lời ngay được!
- Nói nghiêm túc nhé, cô thường ăn cắp vặt thế này à?


- Anh biết giá của một thỏi son không? Tin tôi đi: bọn trộm cắp không phải những kẻ như người ta nghĩ đâu, cô nàng khẳng định không chút nao núng.
- Cô có thể gặp rắc rối to đấy.
- Nhưng như thế mới hay chứ! Cô nàng vừa nói vừa chỉ vào túi xách.


Tôi trợn tròn mắt: chiếc túi big size đầy ắp các loại mỹ phẩm mà cô nàng đã cố tình cắt mã vạch.
Tôi lắc đầu.
- Tôi không hiểu. Cô không kiếm đủ tiền sinh sống sao?


- Thực ra, chuyện này chẳng liên quan gì đến việc có tiền hay không. Chuyện là thế này: khao khát lấy trộm không thể kìm nén, một xung năng ngoài tầm kiểm soát.
- Cô bị bệnh rồi.
- Bệnh thích ăn cắp vặt, tên đầy đủ nhất rồi đó.
Cô gái nhún vai rồi tiếp tục:


- Anh nên thử. Cảm giác mạo hiểm, chất ađrênalin. Rất phấn khích.
- Tôi có đọc ở đâu đó rằng các nhà tâm lý học coi bệnh này chính là một cách khắc phục tạm thời đời sống ȶìиɦ ɖu͙ƈ không được thỏa mãn.
Cô ta vui vẻ bác bỏ lý lẽ đó:


- Tâm lý học rẻ tiền. Theo quan điểm này thì anh đang nhầm đường rồi đấy, lão già ạ.
Trong túi xách của cô nàng, giữa các hộp mỹ phẩm, tôi nhận ra cuốn truyện bỏ túi đã quăn mép có nhan đề: “Tình yêu thời thổ tả” của Gabriel Carcía Márquez.


- Đó là cuốn tiểu thuyết tôi yêu thích, tôi thành thực nói.
- Tôi cũng vậy, tôi rất thích quyển này!
Trong vài phút, rốt cuộc cô gái lạnh lùng này và tôi, chúng tôi đã tìm ra một sở thích chung. Nhưng cô nàng không để không khí thân thiện này được yên.


- Thế còn anh, chương trình đêm nay thế nào?
- Giáng sinh là dịp lễ dành cho gia đình. Một tiếng nữa tôi sẽ bắt tàu về đoàn tụ với bố mẹ và đón Giáng sinh cùng họ tại ngôi nhà ở Hamptons.
- Chao ôi, hay thật! Cô nàng phì cười. Anh sẽ treo tất trước cây thông rồi pha một cốc sữa nóng cho ông giá Noel sao?


Cô nàng nhìn tôi vẻ láu cá và nụ cười tinh nghịch, sau đó lại tung thêm một chiêu hài hước nữa:
- Anh không muốn cởi cúc áo sơ mi ra à? Điều đó khiến tôi thấy sợ, những kẻ cứ cài kín cái cúc trên cùng ấy.
Tôi thở dài rồi ngước mắt lên nhìn trời.


- Và tóc anh nữa, kiểu đó chả hợp chút nào! Cô nàng tiếp tục. Quá lành, quá cũ kỹ. Chán lắm!
Cô nàng luồn tay vào tóc tôi rồi bới tung lên.
Tôi lùi lại, nhưng cô nàng vẫn không dừng:


- Còn áo gi lê nữa! Không ai bảo anh bây giờ hết thời những năm 1930 rồi à? Đã đến nước này rồi sao không đeo một cái đồng hồ quả quýt luôn đi?
Lần này thì hơi quá rồi đấy:
- Cô nghe đây, nếu cô thấy chán ngán đến thế thì không có gì buộc cô phải ở lại đâu!


Cô nàng uống nốt một cốc rượu rồi đứng dậy.
- Anh nói đúng. Tôi đã báo trước với anh đây không phải ý hay rồi mà.
- Đúng đấy, cô mặc lại cái áo choàng Batman rồi cuốn xéo đi! Tôi ghét nhất những kẻ như cô.
- Ồ, anh vẫn chưa nhận ra gì sao, cô ta nói với vẻ bí hiểm.


Cô ta cài cúc áo choàng rồi ra khỏi quán cà phê.
Qua cửa kính, tôi thấy cô ta châm một điếu thuốc, rít một hơi thuốc, gửi tới tôi một cái nháy mắt cuối cùng rồi đi khỏi.
*


Tôi vẫn còn ngồi ở bàn thêm một lúc, vừa chậm rãi uống nốt cốc vang vừa nghĩ lại những gì vừa diễn ra. Tôi cởi cúc áo trên cùng, bới tung tóc lên, phanh chiếc áo gi lê đang bó cứng lấy người tôi. Đúng là tôi thấy dễ thở hơn.


Tôi gọi thanh toán, lục trong áo vest tìm thứ có thể thanh toán hóa đơn. Rôi lục trong áo khoác.
Lạ thật...
Lo lắng, tôi lộn trái tất cả túi áo túi quần ra rồi mới nhận ra một điều hiển nhiên.
Cô ả tai quái kia đã lấy trộm ví của tôi!
*
Thượng đông Manhattan
3 giờ sáng


Một âm thanh chói tai kéo tôi ra khỏi giấc ngủ. Tôi mở mắt, nhìn đồng hồ. Có người đang trút giận lên chuông cửa nhà tôi. Tôi vớ lấy cặp kính trên bàn đầu giường rồi ra khỏi phòng. Căn nhà vắng ngắt và lạnh lẽo. Tôi đi khai báo về vụ mất ví nên chậm mất chuyến tàu đến Long Island và thế là phải qua đêm một mình ở Manhattan.


Ai có thể đến đây vào lúc nửa đêm thế này được chứ? Tôi mở cửa. Cô ả ăn cắp vật đang đứng dưới mái che, tay cầm một chai rượu.
- Anh chàng mới quyến rũ làm sao trong bộ pyjama bé tí này! Cô nàng giễu tôi.
Hơi thở của cô ta nồng nặc mùi vodka.


- Cô làm cái quái gì ở đây vậy? Cô quả là to gan khi dám đến đây sau khi đã chôm mất ví của tôi đấy!


Với cái khoát tay đầy tự tin, cô nàng tự mở đường đi rồi bước vào căn hộ, hơi loạng choạng. Vài bông tuyết vương trên tóc cô. Cô đã lang thang ở đâu dưới cái lạnh thế này cơ chứ?
Cô nàng băng qua phòng khách, trả ví cho tôi rồi ngã gục xuống tràng kỷ.


- Tôi muốn mua rượu vang cho anh, loại lâu đài “gì gì đó”, nhưng tôi chỉ tìm được thứ này thôi, cô ta vừa nói vừa khua khoắng chai vodka đã mở.


Tôi lên gác một lát rồi trở lại với khăn tắm và một chiếc chăn. Trong lúc tôi đang cố nhóm lửa, cô nàng lau khô tóc và choàng khăn quanh người rồi đi đến chỗ tôi trước lò sưởi.


Đứng bên cạnh tôi, cô nàng chìa tay về phía mặt tôi rồi vuốt ve má tôi. Tôi từ từ đứng dậy. Đôi mắt nàng ánh lên một ngọn lửa kỳ lạ và mê hoặc. Nàng vòng tay ôm lấy tôi.
- Dừng lại, cô đang say đấy!
- Chính xác, anh nên tranh thủ đi, nàng khiêu khích tôi.


Nàng kiễng chân lên rồi áp môi nàng vào môi tôi. Căn phòng vẫn chìm trong bóng tối.


Ngọn lửa bắt đầu bập bùng trong lò sưởi, tỏa ra làn ánh sáng mỏng manh và chập chờn. Tôi ngửi thấp mùi da nàng. Nàng đã cởi bỏ áo khoác và tôi nhìn thấy ngực nàng lấp ló dưới làn áo sơ mi. Bất chấp cảm giác hưng phấn, tôi vẫn cảm thấy không thoải mái và tôi thể hiện chút kháng cự cuối cùng.


- Cô không biết cô đang làm gì đâu.
- Anh khiến em bực mình với kiểu do dự của anh đấy! Nàng vừa trách móc vừa điên cuồng hôn tôi rồi đẩy tôi ngã xuống tràng kỷ.
In bóng trên trần như những hình rối bóng, hình dáng hai chúng tôi hòa vào làm một.


Sáng hôm sau khi mở mắt ra, đầu tôi đau như búa bổ, hai mi mắt nặng trĩu và có vị tanh tanh trong miệng. Nikki đã biến mất mà không để lại địa chỉ. Tôi đứng dậy rồi uể oải đi ra cửa kính. Tuyết vẫn đang rơi, dần dần biến New York thành một thành phố ma. Tôi mở cửa sổ. Trời rét cắt da cắt thịt. Làn gió lùa vào thổi tung đám tro tàn trong lò sưởi. Cảm giác trống vắng khó lòng chịu đựng quặn thắt trong dạ dày. Tôi ngây người nhặt lấy chai vodka.


Rỗng không.


Khi đã tỉnh ngủ hẳn, tôi phát hiện một dòng chữ viết bằng son môi trên chiếc gương Louis-Phillippe trong phòng khách. Một món đồ cổ thếp vàng lá mà mẹ tôi đã bỏ cả đống tiền ra để khuân về từ một buổi bán đấu giá. Tôi đi tìm kính, nhưng chẳng thấy đâu. Tôi tiến lại gần tấm gương và đọc được lời nhắn:


“Những giây phút quan trọng duy nhất trong đời là những giây phút mà chúng ta luôn nhớ đến[ ].”
[ ] Theo Jean Renoir.
Phần hai: Đơn độc chống lại tất cả
“Phụ nữ sẽ yêu khi họ bắt đầu làm quen với bạn.
Với đàn ông thì hoàn toàn ngược lại:


Khi rốt cuộc họ cũng quen với bạn, học sẵn sàng rời bỏ bạn.”
James SALTER, American Express






Truyện liên quan