Chương 18

Khi McMurphy đọc tấm lịch trực nhật mà vụ vừa dán lên bảng thấy mình được lãnh đặc ân dọn chuồng xí, hắn tới phòng kính, gõ vào cửa sổ và cám ơn mụ vì vinh dự đó: hắn nói rằng sẽ luôn nghĩ đến mụ mỗi lần chùi bồn đái. Mụ trả lời hắn là không cần thiết phải chu đáo đến thế, cứ làm cho xong việc của mình là đủ, cám ơn ông.


Và hắn làm như sau: vừa chọc bàn chải vào bồn cầu độ một hai lần vừa hát oang oang theo nhịp bàn chải xoèn xoẹt rồi rút ra, vẩy nước tẩy trắng và OK, xong. "Sạch đến thế, mày còn chê gì?" hắn nói với gã hộ lý đau càu nhàu hắn vì tội cẩu thả, "với ai đó như vậy chưa đủ sạch, nhưng tao chẳng hạn, tao chỉ tè vào đó thôi chớ đâu có dùng bữa trưa trong đó." Và khi mụ y tá đầu hàng trước những lời năn nỉ của gã hộ lý mà đích thân ra mặt kiểm tr.a công việc của McMurphy, mụ mang theo chiếc gương cầm tay để soi mặt trong thành bồn, cứ đến mỗi bồn, mụ lại lắc đầu và nói: "Thật quá quắt, quá quắt. Cái gì thế này? Cái gì thế này?" McMurphy đi bên cạnh, chớp mắt, cúi đầu và trả lời: "Đó là... đó là bồn đái mà!"


Nhưng lần này mụ tỉnh khô, cũng không có dấu hiệu gì chứng tỏ mụ sẽ mất tự chủ. Mụ sẽ giũa một trận về việc quét dọn chuồng xí của hắn, với sức nén bền bỉ, chậm chạp dễ sợ như đã từng dồn ép chúng tôi, còn hắn thì đứng trước mặt mụ như cậu bé bị cô giáo phạt, gục đầu, ghếch mũi giày nọ lên mũi giày kia và nói: "Tôi cố hoài cố hoài, thưa bà, nhưng trở thành giám đốc đội chùi phân thì xin chịu, không đủ năng lực."


Một lần, hắn hí hoáy viết gì đó lên tờ giấy, bằng một thứ chữ là lạ, như tiếng nước ngoài, rồi dùng bã kẹo cao su dán vào lòng bồn cầu; khi đến kiểm tra, dùng gương soi kỹ mặt trong và đọc thấy những gì phản chiếu trong gương, mụ ồ lên một tiếng, để rơi luôn chiếc gương soi vào đó. Nhưng mụ vẫn không mất tự chủ. Nụ cười con rối trên bộ mặt con rối đã được đúc một cách tự tin. Đứng thẳng người lên, mụ ném cho McMurphy một cái nhìn bong cả sơn trên tường và nói nhiệm vụ của hắn là chùi cho bồn sạch ra chứ không phải làm bẩn thêm.


Nhưng trên tổng thể vệ sinh trong khoa bắt đầu bị sao nhãng. Mỗi chiều theo thời gian biểu đến giờ quét dọn cũng là giờ đài truyền hình truyền đi những trận bóng chày, và mọi người xếp ghế thành hàng trước tivi ngồi xuống và không rời chỗ cho đến bữa tối. Mụ Y tá Trưởng cứ việc ngắt điện và trước mắt chỉ có cái màn hình trống trơn cũng chẳng hề gì, đã có McMurpy giải sầu cho chúng tôi hàng giờ, tán gẫu đùa cợt, kể đủ thứ chuyện, như chuyện hắn từng được mướn làm tài xế xe tải ở xưởng gỗ và kiếm được trong vòng một tháng cả nghìn đô la để nướng sạch trong cuộc thi quăng rìu với một gã người Canada, chuyện hắn có lần cùng một thằng bạn đi tham dự rodeo ở Albany đã lừa phỉnh một đứa cưỡi con trâu, mà bịt mắt thằng nhỏ đó." Bọn chúng nói ngọt với thằng nhỏ rằng làm thế sẽ không bị chóng mặt khi con trâu quay vòng, rồi chúng đặt nó lên, lưng xoay ngược về phía đầu trâu. Câu chuyện này hắn kể đến vài lần và lần nào cũng đập mũ vào đùi và cười sặc sụa: "Bị bịt mắt, mông chổng ra đằng trước... cứ nhổ vào mặt tao nếu như lần ấy không phải là thằng nhỏ đã ngồi đến cùng và đã giật giải. Còn tao thì về thứ nhì; nếu nó té, chắc chắn tao nhất và đã mỏi tay đếm bạc. Chà, nếu còn một cuộc thi thế nữa, tao sẽ bịt mắt con trâu."


Hắn lại vỗ đùi, cười khà khà, cù ngón tay vào sườn bất cứ đứa ngồi cạnh để tìm cách làm nó bật cười theo.


available on google playdownload on app store


Tuần ấy nghe hắn cười vang, thoải mái, nhìn hắn vỗ bụng, vươn vai ngáp, ngả lưng lên thành ghế, nháy mắt đùa vui nhộn với thằng nào tình cờ ngồi sau – tất cả đều tự nhiên như hơi thở, có những khi tôi hết lo sợ về việc hắn đang phải đương đầu với mụ Y tá Trưởng và cả Liên hợp đồ sộ. Tôi nghĩ chỉ cần hắn là chính mình, hắn sẽ đủ sức lực và không bao giờ chịu rút lui như mụ hòng hy vọng. Tôi chợt nghĩ, có thể hắn đúng là con người phi thường. Hắn là hắn, thế là đủ. Có thể chính nhờ vậy mà hắn có sức mạnh. Đã ngần ấy năm Liên hợp chưa sờ được tới hắn, mụ Y tá Trưởng làm sao nghĩ mình khuất phục nổi hắn trong vòng mấy tuần? Hắn sẽ không để chúng tóm được mà đem ra tái lắp ráp.


Thế rồi sau đó lẩn vào nhà vệ sinh, trốn tụi hộ lý, tôi nhìn mình trong gương và tự hỏi làm sao có người lại đảm đương nổi việc to lớn đến thế, làm sao có thể làm chính mình. Bộ mặt tôi phản chiếu trong gương, tối tăm sắt đá, lưỡng quyền cao tựa như má bị rìu đẽo đi, đôi mắt đen sì với vẻ tàn nhẫn như mắt ba, như mắt của những người da đỏ man rợ mà người ta vẫn thấy trên phim, và tôi nghĩ, Đây không phải là tôi, khuôn mặt này không phải là khuôn mặt của tôi. Thậm chí khi tôi cố mang bộ mặt như vậy thì nó vẫn không phải là mặt tôi; lúc đó tôi không phải là tôi, tôi chỉ làm ra chúng vẫn trông thấy, như chúng muốn trông thấy mà thôi. Mà hình như cũng chưa bao giờ tôi thật là mình. Làm sao McMurphy lại có thể là chính hắn được nhỉ?


Bây giờ tôi nhìn hắn đã khác nhiều so với lần đầu xuất hiện. Giờ đây tôi không chỉ thấy hắn là hai cánh tay vạm vỡ, mớ tóc đỏ, chiếc mũi giập, nụ cười gằn. Tôi đã thấy hắn làm những việc chẳng tương xứng đối với bàn tay và bộ mặt của mình tí nào, chẳng hạn trong giờ LNN, hắn vẽ tranh bằng thuốc màu thực thụ lên giấy trắng không hề có hình mẫu in sẵn cùng những chỉ dẫn dùng màu, hoặc giả bằng nét chữ đều đặn mềm mại, hắn viết thư cho một ai đó. Làm sao một gã đàn ông với bề ngoài của hắn lại có thể vẽ tranh, viết thư, hơn nữa còn băn khoăn hay lo lắng khi nhận được thư trả lời? Nếu là Harding, Bibbit thì đã dễ hiểu. Với đôi bàn tay trông như họa sĩ của mình, Harding không bao giờ vẽ. Harding nhốt chúng lại và bắt đôi tay mình cầm cưa, xẻ gỗ, đóng chuồng chó. McMurphy không giống vậy. Hắn không để bề ngoài của mình cầm lái cuộc sống của hắn, cũng như đã không để Liên hợp nghiền hắn cho vừa với chỗ chúng dành cho hắn.


Nhiều sự việc tôi đã nhìn theo cách khác. Tôi đoán máy phun mù bị hỏng vào buổi họp ngày thứ Sáu vừa rồi vì bị dùng quá tải, đến giờ vẫn chưa thể bơm hơi làm nhòa mắt chúng tôi. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi được thấy những con người không bị viền đen bao bọc và một lần trong đêm, thậm chí tôi còn nhìn được cảnh vật bên ngoài cửa sổ.


Như tôi đã nói, tối tối, trước lúc lùa chúng tôi vào chăn, chúng cho tôi một viên con nhộng làm tôi mê mệt suốt cả đêm. Nếu vô tình không đủ liều thì tôi tỉnh giữa chừng, song có như thế thì mắt tôi cũng như bị kéo màng, còn cả phòng ngủ thì ngập ngụa trong khói, các dây dẫn trong tường tải hết công suất chùng đi, bắn ra ch.ết chóc, hận thù khắp nơi – không đủ sức chịu đựng những thứ đó, tôi lại vùi đầu vào chăn cố chợp mắt. Cứ thò đầu ra là lại ngửi nồng nặc mùi tóc cháy, nghe xèo xèo như tiếng mỡ sôi trên chảo.


Nhưng đêm ấy, mấy hôm sau cuộc họp lớn, tôi tỉnh dậy thấy căn phòng hoàn toàn sạch sẽ và yên ắng, nếu không có tiếng ngáy của tụi Cấp tính và cái chất đang chảy róc rách dưới mạng sườn giòn vụn của hai lão già Thực vật. Một tấm màn gió che cửa sổ được kéo lên, không khí trong phòng ngủ tinh khiết và có mùi vị làm tôi choáng váng ngây ngất, chỉ muốn ra khỏi chăn làm một việc gì đấy.


Tôi trườn khỏi mấy lớp vải thả bàn chân trần xuống sàn gạch, tráng men lạnh buốt và lần đi giữa những dãy tường. Tôi cảm thấy rõ ràng gạch dưới chân mình và cảm thấy thật lạ, đã hàng nghìn lần dùng giẻ lau chùi sàn gạch nhưng chưa bao giờ thực sự cảm thấy nó. Tất cả các việc cọ rửa sàn nhà này tưởng như là một giấc mơ, tôi không thể tin được bao năm tháng ấy đã thực sự trôi qua. Với tôi, chỉ còn có lớp gạch men lạnh buốt dưới chân là tồn tại, chỉ khoảnh khắc này thôi.


Tôi đi giữa những con bệnh nằm thành hàng, phủ ga trắng muốt như những đống tuyết, cố gắng không chạm vào ai và cứ thế lần đến bức tường có nhiều cửa sổ. Tôi men tới một khung cửa nơi tấm màn bị gió thổi lất phất và tì trán vào lưới sắt. Những sợi thép cứng và lạnh, tôi áp má này rồi chuyển sang má kia, thở hít hương gió. Mùa thu đang đến, tôi nghĩ, mùa chua ngọt của thức ăn ủ tươi rung vang không khí như tiếng chuông, mùi lá sồi chưa vàng hẳn người ta để cháy trong bếp lò ủ qua đêm.


Mùa thu đang đến, tôi nghĩ, mùa thu đang đến; tựa như đó là chuyện kỳ lạ chưa từng thấy trong đời. Mùa thu. Mới đây thôi, ngoài kia còn tràn trề mùa xuân, rồi rực rỡ nắng hè, vậy mà giờ đã sang thu – thật là buồn cười biết mấy.


Tôi chợt nhận ra là mắt mình vẫn nhắm. Tôi đã nhắm mắt khi tì trán vào lưới sắt như sợ phải nhìn ra cửa sổ. Đã đến lúc phải mở thôi. Tôi nhìn ra và lần đầu tiên nhận thấy bệnh viện nằm ở ngoại ô thành phố. Vầng trăng treo thấp lơ lửng trên đồng cỏ, khuôn mặt sây sát vì nó vừa bứt khỏi những rừng sồi non và những rặng dâu tây lúp xúp phía chân trời. Sao xung quanh đều nhợt nhạt, chúng càng sáng rõ hơn và lung linh hơn khi vượt ra khỏi lãnh thổ ngời sáng của mặt trăng khổng lồ. Từ đó tôi nhớ đã từng nhận thấy chính hiện tượng này trong một lần đi săn cùng ba và các ông cậu, khi nằm cuộn tròn trong đống chăn đay do bà dệt, cách xa những người đàn ông ngồi quanh đống lửa đang lặng lẽ chuyền cho nhau vò rượu xương rồng. Tôi nhìn mãi vầng trăng to, tròn vành vạnh của thảo nguyênOregontreo trên đầu đã làm lu mờ những ngôi sao bên cạnh. Tôi không ngủ, chỉ nằm ngắm trăng, chờ xem nó có mờ đi và những ngôi sao có sáng lên hơn không, mãi tới khuya, sương bắt đầu đọng lại trên má, tôi phải kéo chăn trùm mặt.


Có con gì di chuyển phía dưới cửa sổ, bóng nó trải dài trên thảm cỏ còn bản thân nó chạy khuất sau bờ giậu. Khi nó hiện ra lần thứ hai, tôi có dịp nhìn rõ hơn và phát hiện ra một con chó hoang cao đẳng, còn non, trốn nhà đi dạo để xem điều gì xảy ra trong đêm. Nó đang đánh hơi mấy hang sóc nhưng không có ý định đào bới mà chỉ muốn biết lũ sóc còn làm gì trong đó vào giờ này. Thử thò mũi vào một cái hang, nó chổng mông lên, đuôi ngoáy tít rồi lại lao bắn sang hang khác. Trăng chiếu trên thảm cỏ ướt đẫm sương đêm, và khi chạy, nó để lại một vệt sẫm đằng sau như có ai cầm chiếc bút lông đang vạch lên mặt phẳng xanh ngời. Phóng qua những hang sóc bí ẩn, nó phát cuồng lên với mảnh trăng trên trời, với đêm, với gió mang những mùi vị hấp dẫn đủ làm một thanh niên chó say sưa, tới nỗi cao hứng nằm ngửa ra, lăn tròn rồi uốn mình, ưỡn bụng, bật thân như con cá quẫy. Khi đứng dậy, nó giũ mình làm bụi nước bắt tung tóe dưới ánh trăng, lấp lánh như vảy bạc.


Con chó ngửi một lượt các hang sóc lần nữa để nhớ cái mùi và đột ngột đứng lại, co một cẳng lên, nghiêng nghiêng cái đầu nghe ngóng. Tôi cũng chú ý nhưng chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng sột soạt của bức màn gió. Tôi nghe lâu thật lâu. Rồi có tiếng kêu quang quác, vui vẻ từ rất xa dần dần tiến lại. Những con ngỗng Canada bay về phương Nam trú đông. Tôi nhớ lại, đã bao lần tôi bò sấp, len lén cố đến gần loại ngỗng này, và nhớ mình chưa bao giờ bắn nổi một con.


Tôi cố nhìn theo hướng con chó đang nhìn để tìm đàn ngỗng, nhưng trong đêm đen không thấy được. Tiếng quàng quạc đến gần, đến gần và trong chốc lát tôi có cảm giác như cả đàn ngỗng bay lướt qua phòng ngủ, ngay trên đầu tôi. Sau đó chúng cắt ngang vầng trăng tạo thành một vòng cung màu đen, óng ánh như chuỗi hạt. Con ngỗng đầu đàn bay vượt lên, cả đám biến thành hình mũi tên. Trong một lúc nó xuất hiện chính giữa hình tròn ấy, to lớn hơn tất cả, cái chữ thập đen gập lại, mở ra rồi kéo mũi tên bay khỏi tầm nhìn, biến vào màn đêm bao la của bầu trời.


Tôi lắng nghe tiếng kêu xa dần của bầy ngỗng cho đến khi chỉ còn nghe thấy tiếng vọng trong đầu. Con chó còn nghe thấy sau tôi rất lâu. Nó vẫn đứng co chân, nó không hề sủa hay cử động suốt lúc đàn ngỗng bay qua. Tới khi tiếng ngỗng kêu mất hẳn, nó lao theo hướng chúng bay, ra đường lớn, chạy êm lẹ, ra vẻ quan trọng như đang có một cuộc hẹn hò. Tôi nín thở và nghe thấy cả tiếng con chó đặt chân lên cỏ, rồi tôi nghe một chiếc ô tô từ chỗ ngoặt lao ra. Ngọn đèn trước xe trùm qua gờ nổi trên đường và sục xuống đường lớn. Tôi theo dõi con chó và cái xe cùng nhắm tới một điểm trên lề.


Con chó đã gần tới được hàng rào bên đường thì bỗng nhiên tôi cảm thấy có ai đó đang lẻn tới sau lưng. Hai người. Không quay lại, nhưng tôi hiểu đó là gã hộ lý da đen Geever và ả y tá có cái bớt trên mặt và cây thánh giá. Tôi nghe thấy nỗi sợ hãi đang gõ nhịp trong đầu. Geever cầm lấy tay và xoay người tôi lại. "Để hắn cho tôi," hắn nói.


"Chỗ gần cửa sổ hơi lạnh đấy, ông Bromden à," ả giải thích. "Tốt hơn hết là chúng mình nên chui lại vào chăn ấm nhỉ."
"Hắn điếc," gã hộ lý nói với ả. "Cứ để tôi, hắn ta luôn tự cởi chăn và đi lang thang."


Tôi bước lên một bước và ả lùi lại. "Vâng, xin mời," ả nói với thằng da đen. Tay ả mân mê sợi dây trên cổ. Ở nhà, tự khóa mình trong buồng tắm để không ai nhìn thấy, ả tuột đồ, cọ cây thánh giá vào vết sẫn kéo dài từ khóe miệng theo một đường mảnh chảy vắt qua vai và ngực. Ả cọ lấy cọ để, miệng lầm rầm cầu Đức Mẹ Đồng Trinh nhưng cái bớt thì vẫn đó. Ả nhìn vào gương chỉ thấy nó thậm chí còn sẫm hơn. Cuối cùng ả phải lấy chiếc bàn chải sắt, thứ mà người ta vẫn dùng để cạo sơn tàu thủy, kỳ cọ cái bớt rồi khoác đồ ngủ vào che phần da bật máu rồi chui vào chăn.


Nhưng trong người ả tràn trề cái chất ấy. Khi ả ngủ, nó dâng lên họng, tràn vào miệng rồi trào ra bên mép như một thứ nước dãi, chảy xuống họng, tràn khắp người. Buổi sáng tỉnh dậy lại thấy vết bẩn và không hiểu sao ả nghĩ là nó không thể xuất hiện từ bên trong – làm sao có chuyện đó với một con chiên ngoan đạo được? – và cuối cùng ả kết luận nguyên nhân là do phải làm việc nhiều về ban đêm với cả một khoa toàn những kẻ như tôi. Đó là lỗi của tụi bệnh nhân, và ả quyết tâm rửa hận, cho dù đó là việc làm cuối cùng của cuộc đời ả chăng nữa. Tôi ước gì McMurphy tỉnh dậy cứu tôi.


"Buộc anh ta vào giường để tôi đi lấy thuốc, ông Geever."






Truyện liên quan