Chương 27-2
Hết sức mệt mỏi. Thậm chí còn có chút suy sụp: đã một lòng vượt đường xagian khó đi tìm Lông Mi, ấy vậy mà suýt chút nữa lại lên giường một cô gái lạ. Nhất thời tức khí, tôi liền nhảy ùm xuống sông. Nước cạn gần hết, chỉ ngập đến đầu gối làm tôi đau buốt cả người. Nước sông lạnh như băng, gót chân tôi như bị mấy trăm mũi kim đâm vào một lúc. Tôi hự lên một tiếng, rồi nghiến răng đứng vững, bám vào chân cầu, đạp lên những bãi thủy tảo mềm mềm, cắn chặt môi đi qua sông, rồi đi một mạch về khách sạn, nằm ngẩn ra trên giường tầm nửa tiếng rồi ngủ thiếp đi.
Sáng sớm hôm sau đã bị giọng Tương Tây oang oang của bà chủ nhà làm thức giấc.
Tôi bò dậy lái xe đi đón Luật Sư và Tây Môn, vừa đi vừa nhớ lại cô gái chơi violon, thở dài một tiếng, rồi tạm biệt Phượng Hoàng, tiếp tục lên đường.
Bọn họ dẫn theo cả hai cô gái hôm qua. Hai cô này đi du lịch ba lô từ Dương Sóc ỏ Quảng Tây, qua nhiều nơi rồi mới tới Phượng Hoàng, trạm tiếp theo sẽ là thác Hoàng Quảng Thụ ở Quế Châu. Cuộc sống của các cô cũng rất thú vị, thích đi du lịch bụi khắp nơi. Công ty không cho nghỉ dài hạn thì xin thôi việc luôn, đợi khi nào đi chán, thì lại về thành phố tìm việc khác. Cứ thế tuần hoàn như vậy.
- Thế không phải hơi đáng tiếc sao?
- Đáng tiếc gì mà đáng tiếc. Bất cứ lúc nào cuộc đời cũng chỉ có một trọng điểm, không thể cứ ngó trước nhìn sau được, nếu không thì làm cái gì cũng không xong. Năm nào chúng tôi cũng như vậy, vì muốn đi chơi nên xin nghỉ việc luôn. Chơi chán rồi thì lại về tìm việc mới, thực ra có tìm được hay không cũng chẳng quan trọng, dù sao thì cũng không ch.ết đói được. Mục tiêu của chúng tôi là từ nay đến sang năm đi khắp các thị trấn cổ trên toàn quốc.
Cô gái trả lời.
“Bất cứ lúc nào cuộc đời cũng chỉ có một trọng điểm.”
Câu nói của cô gái làm tôi chìm trong suy tư.
Nhớ lại tôi trong quá khứ, những ngày tháng đã qua, lúc thì không tìm thấy trọng điểm, lúc lại có mấy trọng điểm liền, làm chuyện gì cũng nhìn trước lo sau, chẳng làm nên nông nỗi gì. Lúc nào cũng muốn làm tốt tất cả, cuối cùng thì chẳng thứ gì là tốt hết.
Bất cứ lúc nào cuộc đời cũng cần có một trọng điểm.
Trọng điểm này đáng lẽ phải là Lông Mi.
Đáng tiếc là đến giờ tôi mới ý thức được điều ấy.
Luật Sư đòi họ kể chuyện ở Dương Sóc cho nghe, hai cô gái kể rất tỉ mỉ.
Tôi không khỏi nhớ lại quãng thời gian đi leo núi với Lông Mi ở Dương Sóc.
Hồi ấy ở phòng tập thể hình chúng tôi có quen với một người bạn thích các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là leo núi. Đúng lúc đó lại có một cuộc thi leo núi ở Dương Sóc, Lông Mi rất hứng thú, nên chúng tôi quyết định theo đoàn đi luôn. Tôi và Lông Mi ít khi leo núi nên kỹ thuật rất kém, có điều Lông Mi hình như rất có năng khiếu, chỉ tập một thời gian ngắn mà đã đoạt được giải ba của nữ! Nhưng mà nói thì cũng phải nói hết, lần đó chỉ có bốn cô gái tham gia, cô cuối cùng thì còn bị thương ở chân nữa. Sau khi kết thúc cuộc thi, hai chúng tôi ngồi thuyền xuôi theo dòng Li Giang ngắm cảnh.
Để lại ấn tượng sâu sắc nhất là khi thuyền đi qua núi Cửu Mã Họa, một con chuồn chuồn nhỏ đậu trên ngón chân trần của Lông Mi. Con chuồn chuồn rất đẹp, cứ đu mãi ở đó, dáng điệu thanh thoát lạ thường. Lông Mi dựa vào lòng tôi, ngồi trên mũi thuyền, ngắm nhìn con chuồn chuồn nhỏ xinh đẹp, nghe “The well tempered clavier” của Bach. Dãy núi kéo dài đổ bóng xuống dòng sông trong mát, hòa nhập với bóng hai người ôm nhau thật chặt.
Chuyến đi bắt đầu gian khổ.
Con đường cấp huyện từ Phượng Hoàng đến Đồng Nhân cực kỳ gập ghềnh, rất nhiều chỗ đang sửa, ổ gà với rãnh ở khắp nơi. Chiếc xe của tôi không ngừng lắc lư qua lại. Quốc lộ 320 dài dằng dặc làm tôi không cảm nhận được bất cứ cảm giác thích thú nào khi lái xe. Bọn họ bị lắc đi lắc lại từ tối hôm qua, giờ chắc đã mệt, chỉ một lát đã ôm nhau bò ra ngủ.
Tôi cẩn thận điều khiển xe chạy con đường gập ghềnh khúc khủy.
Nghe The Boxer của Paul Simon. Một bài hát cổ vũ chí khí con người. Kể về một cậu bé nghèo đến New York, không tìm được công việc, cả ngày lang thang nơi đầu đường xó chợ, trên mình không có lấy một xu. Một lần bị ép phải tham gia thi đấu boxing đường phố, liền lấy luôn đây làm nghề, mỗi ngày đều bị đánh ặt mũi xưng vù, cuối cùng cũng trở thành tay đấm chuyên nghiệp. Không khỏi nhớ đến những ngày tháng mới tốt nghiệp đại học.
Hồi ấy tôi cũng hơi giống Bì Tử, một bầu nhiệt huyết sục sôi mà không tìm được đất dụng võ, đi đâu cũng gặp trở ngại. Một hôm tình cờ nghe được bài “The Boxer” này, được cổ vũ, bèn quyết định vác ba lo đi Hải Nam, rồi Chu Hải, Thâm Quyến, nhưng cũng chẳng khá khẩm gì hơn, bèn quyết định đi dọc bờ biển Đông Nam về phía Bắc. Tìm việc mãi chẳng thành, tôi bèn vứt việc đó sang một bên, cứ lang thang khắp nơi, lưng đeo ba lô, mặc một chiếc quần bò bạc thếch, chân đi đôi dày da đã mòn vẹt cả gót, đi hết từ thành phố này sang thành phố khác. Cơm thì ăn loại cơm hộp rẻ tiền, ở trong khách sạn hạng bét, về sau tiền cũng chẳng còn nhiều, bèn ngủ luôn ở ghế đá trong công viên.
Lưu lạc đến Hạ Môn thì tôi hết sạch tiền, vẫn không tìm việc được, đành đến một công trường xây dựng làm tạm thợ hồ. Công việc đơn giản chỉ dựa vào sức trâu, lương lại thanh toán ngay nên rất hợp với tôi. Làm được nửa tháng thì đủ tiền, tôi lại tiếp tục vác ba lô lên đường. Đến Ôn Châu, lại càng khó tìm việc, chẳng hiểu thế nào lại chui vào một công xưởng sản xuất giày làm phụ việc, lương thì thấp mà việc thì vất vả, cuối cùng đành phải bỏ, tiếp tục đi tiếp. Hết tiền mua vé tàu, tôi phải đứng bên đường quốc lộ, thấy xe nào lên phía Bắc thì xin đi nhờ, rồi đánh giày cho lái xe để cám ơn. Cứ thế rồi cũng đến được Thanh Đảo, tìm được một công việc trong quán ăn. Quán sắp khai trương mà đường cống lại tắc, tôi là người phụ trách thông cống, ngày nào cũng phải chui ra chui vào giữa đống bùn đen ngòm thối om.
Cứ thế, tôi lang thang hết một năm ròng. Lúc về đến thành phố thì bộ dạng đã nhếch nhác thảm hại đến không thể nhận ra, không dám gặp ai. Không nhà không nghề ngỗng, lại không muốn nhờ vả bạn bè bà con, tôi bèn thuê một gian nhà nhỏ ở ngoại thành, ban ngày đi tìm việc, đêm về trốn trong nhà đọc sách nghe nhạc. không có điều hòa, trời lạnh đắp đến hai cái chăn rồi mà vẫn còn run lên cầm cập. Khoảng thời gian ấy, cứ nghe “The Boxer” là tôi chảy nước mắt, nắm chặt tay, tự nói với mình nhất định là phải nỗ lực vươn lên phía trước, kết thúc cái cuộc sống lông bông nhếch nhác này.
Sau rồi tôi lại nhảy qua một công ty chuyên kinh doanh xe hơi nhập khẩu miễn thuế, kiếm được một vạn đồng đầu tiên, bỏ cả vào một cái phong bì cất đi. Chẳng ngờ lúc dọn nhà lại không cẩn thận đánh mất. Khi ấy, tôi vừa khóc vừa lật tung tất cả các thùng rác trong khu lên, nghĩ lại cũng thấy thật buồn cười. Hồi ấy không phải tiếc tiền, mà là tiếc công sức, tiếc thành quả lao động đầu tiên trong đời. Cũng vì vậy mà tôi luôn không thể tha thứ cho cái tật hay đánh mất đồ của mình.
Bì Tử nói đúng: Cuộc sống tuyệt vời nhất, chính là thời trẻ thì nhếch nhác đến không chịu nổi, lúc già thì giàu có đến phát ngấy.
Lạc thú lớn nhất của đời người, chính là ở thời trai trẻ khó khăn, đem tuổi trẻ ra nhào nặn thành một mớ hồ đồ, gắng sức liều mạng vì cuộc sống, nếm đủ mọi đau thương thất bại. Tất nhiên là sau này phải có thu hoạch xứng đáng
Lái xe một mạch đến nửa đêm.
Phía trước có một đoạn đường bị sạt, xe xếp hàng dài như một con rồng đang uốn khúc. Xung quanh là dãy Lôi Công Sơn trải dài nhấp nhô, khung cảnh tiêu điều xơ xác. Các xe chở hàng trước mặt chúng tôi đều lần lượt tắt đèn tắt máy, xem ra còn phải đợi khá lâu nữa. Đành nằm xuống nghỉ ngơi.
Đêm yên tĩnh lạ thường.
Đôt nhiên có người gõ cửa xe. Ánh đèn pin lấp loáng chiếu vào mặt,
Ngạc nhiên bò dậy, nhìn qua cửa sổ, nhận ra bên đường đang có tầm hơn chục gã nông dân lưu manh mặt lạnh như tiền, tay cầm gậy gộc đang đứng. Dẫn đầu là một gã đầu trọc. Đằng xa có mấy tên khác từ trên xe bước xuống, còn thuận tay tát cho tài xế mấy cái nữa.
- Xuống xe!
Gã đầu trọc quát.
- Có chuyện gì vậy?
Tôi he hé cửa xuống hỏi.
- Thu lộ phí, mỗi người một trăm đồng.
Gã đầu trọc có vẻ bực tức.
Một đám hung hăng như lũ cướp trong phim “Khả Khả Tây Lý”. Giữa nơi hoang vắng thế này, nếu không xuống xe thì chỉ sợ bọn chúng đập xe. Luật Sư và Tây Môn đưa mắt nhìn nhau, không biết xử trí thế nào, còn hai cô gái thì ôm chặt lấy họ, nét mặt sợ hãi. Tôi trấn định lại, rút cây roi điện, rồi mở cửa xe, nói với gã đầu trọc:
- Bọn tôi đến Khải Lý công cán, bị tắc đường ở đây, mong mọi người nể mặt nhau một chút.
Nói xong liền bật điện, hoa lửa xẹt tung tóe, kêu rẹt rẹt. Gã đầu trọc giật bắn mình, bắt đầu lộ vẻ do dự, đưa mắt nhìn xem xe chúng tôi hiệu gì, có vẻ như đang đắn đ không biết làm gì. Phía trước đột nhiên vang lên tiếng động cơ ầm ầm, cả đoạn đường núi lập tức sáng rực như ban ngày, đường đã được thông. Tên đầu đành phải nhượng bộ, quát đồng bọn chạy lên núi.
Chuyện vừa rồi lại làm tôi nhớ đến Lông Mi.
Em rất giống một con linh dương nhỏ trong phim Khả Khả Tây Lý: chỉ mong mỏi một thảm cỏ xanh, một dòng suối mát, một nơi nghỉ chân, chỉ đơn giản có vậy, nhưng tôi lại không thể cho em được.
Em mang cho tôi hi vọng, còn tôi thì đáp trả em bằng tuyệt vọng.
Cảm thấy mình thật đáng hận!
Chẳng mấy chốc đã đến được Hoàng Quả Thụ.
Tạm biệt hai cô gái, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
Lại trải qua một lần nguy hiểm.
Xe đang chạy trên đoạn đường núi vòng vèo ở cao nguyên Vân Quý thì đột nhiên nổ lốp, cũng may là Tây Môn phản ứng nhanh, cố gắng khống chế được tay lái, cho xe dừng lại an toàn ở ngay sát mép vực. Cả ba chúng tôi toát hết mồ hôi lạnh, một lúc lâu sau mới binh tĩnh lại được. Tây Môn lấy ra cái kích để hay lốp. Tôi và Luật Sư thấy cách đó không xa có một sạp hàng nhỏ, bèn đi qua đó.
Sạp hàng thô sơ nhất toàn quốc.
Đá xếp dồn thành đống, cỏ khô phủ lên tên, tường ngăn được gép bằng canh cây, phía trên phủ một lớp cỏ khô. Ngoài cửa kê một chiếc bàn gỗ xù xì, bên trên đặt thuốc, rượu, mì ăn liền và mấy thứ khác. Trong nhà tối om, chỉ nhìn thấy một chiếc giường bằng đá bên trên phủ cỏ khô, và chiếc chăn bẩn thỉu dồn đống lại một góc.
Một bà lão mặc áo bông đang ngồi trên giường, vừa hút thuốc vừa ngước mắt lên nhìn chúng tôi.
Tôi mua vài bao thuốc lá rẻ tiền. Bà lão bước tới, đưa thuốc cho chúng tôi, rồi tiện thể thò tay vào góc tường moi ra một ít thuốc lá sợi, phơi dưới ánh mặt trời, thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn tôi và Luật Sư, nét mặt lạnh lùng vô cảm.
Hai chúng tôi ngồi xuống bên cạnh bà hút thuốc. Một già hai trẻ, cùng tắm trong ánh nắng ngày mới, tạo thành một bức tranh vừa hài hước lại vừa có gì đó u uất thương cảm.
Giá mà có Lông Mi ở đây thì tốt, em có thể vẽ lại.
Qua Tinh Long thì đường bắt đầu bằng phẳng trở lại.
Những con đường trải nhựa kéo dài ra tít tắp.
Thỉnh thoảng lại gặp những dòng suối nhỏ chảy từ trên núi xuống. Triền núi vẫn tiêu điều xơ xác, nhưng cũng không thể che đậy được hơi thở của mùa xuân đang phủ kín vùng đất này, những điểm xanh nho nhỏ bắt đầu xuất hiện, mặt đất tràn trề nhựa sống, những trận gió thanh tân thổi tới làm chúng tôi thấy sảng khoái vô cùng. Ba người vừa nghe nhạc Mozart vừa hưởng thụ ân tứ bao la của mẹ tự nhiên vĩ đại.
Xe đi tới gần một cây cầu thì lại nổ lốp.
May mà ở đầu cầu có một tiệm sửa xe, chủ tiệm là một ông già. Tây Môn gọi ông đến giúp thay lốp. Còn tôi thì lang thang đi vào xem thử căn nhà đá của ông, so ra thì khang trang hơn của bà lão trên núi kia nhiều, ít nhất là cũng có một chiếc tivi đen trắng.
Ông già chậm chạp thay lốp, rồi quay trở lại ngồi bên cạnh cầu, ôm binh nước uống liên tục, ngây người ra nhìn xuống mặt sông. Bên cạnh gác một chiếc đàn nhị hồ. Tôi ngồi xuống, cầm lên thử kéo vài cái, nghe cót ca cót két rợn cả người, đành đặt xuống. Luật Sư thấy thế lại nhặt lên, cẩn thận chỉnh dây lại. Tôi nhìn anh ta cười cười, tưởng đang làm bộ làm tịch. Ai ngờ một lúc sau thì điệu “Nhị Tuyền Hoán Nguyệt” vang lên. Luật Sư nhắm hờ hai mắt, đầu đong đưa, say sưa kéo đàn. Tôi và Tây Môn chỉ biết há hốc miệng ra nhìn, ngạc nhiên không tả. Ông già cũng quay sang nhìn, nét mặt thản nhiên hờ hững như chẳng có chuyện gì. Luật Sư đàn xong thì trả lại nhị hồ cho ông già. Ông cúi đầu ngẫm nghĩ một lúc, rồi cũng kéo lại khúc “Nhị Tuyền Hoán Nguyệt” một lượt nữa. Tôi không biết nên dùng từ ngữ nào để hình dung tiếng đàn này nữa, chỉ biết nêu lên một điển cố ọi người hiểu: “Seiji Ozawa khi lần đầu tiên nghe được bài dân ca Trung Quốc đã rơi lệ, cho rằng là nhạc của nhà trời.”
Không nén nổi tiếng thở dài trước khung cảnh tuyệt vời nơi đây: một cây cầu nhỏ, một dòng nước trôi, cây cối trụi lá mới nhú mầm xanh, rặng núi trải dài vô tận. Một ngôi nhà đá cũ kỹ, một ông lão nếp nhăn còn nhiều hơn râu tóc, mặc một chiếc áo bông cũ, chân đi một đôi giày quân dụng màu xanh cũ nát, tiếng nhạc cảm động lòng người, ánh mắt vừa lạc quan vừa cố chấp.
Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đi qua một thị trấn nhỏ đậm đà phong vị của người dân tộc thiểu số.
Tất cả đều đội khăn xếp bằng vải xanh, mặc áo dài xanh, đi tất trắng, giày vải xám, hình như đang họp trợ, đâu đâu cũng thấy người, lợn, bò chen chúc. Xe của chúng tôi đành từ từ tiến lên phía trước.
Đột nhiên có người kêu lên thảm thiết rồi gục xuống đầu xe. Ba chúng tôi giật bắn mình, vội xuống xe xem thử, thì ra là một tên lưu manh muốn gây chuyện, cố ý làm bộ làm tịch. Đang định kéo tên vô lại đó ra thì Tây Môn vươn tay giữ tôi lại. Ngẩng đầu lên quan sát, mới thấy cả con phố dường như đã tạm thời ngưng mọi hoạt động, chăm chú nhìn chúng tôi như nhìn sinh vật lạ. Tên kia lại càng kêu la thảm thiết, lăn từ trên mũi xe xuống đất, nét mặt tỏ ra rất đau đớn.
Luật Sư liền bước tới, ngồi xuống hỏi tên kia muốn bồi thường thế nào. Tên lưu manh liền giơ ngay một ngón tay lên, Luật Sư nghĩ ngợi trong giây lát rồi móc ra mười đồng. Tên lưu manh khinh khỉnh liếc nhìn rồi tiếp tục ôm đầu lăng lộn dưới đất. Một đám thanh niên vừa nhìn đã biết là đồng bọn của tên kia khoanh tay lạnh lùng bước tới. Tây Môn liền chạy ra, lại gần tên lưu manh nói gì đó. Hắn cúi đầu nghĩ một lúc, rồi đứng thẳng người dậy, kéo tay Tây Môn đi ra phía trước. Tôi và Luật Sư vội vàng lên xe chầm chậm đi theo. Dòng người tự nhiên tách ra làm hai, nhường chỗ cho chúng tôi, chẳng mấy chốc cả người cả xe đã ra khỏi khu chợ đông đúc.
Một con đường rộng trải dài trước mắt. Tây Môn quay lại nháy mắt một cái. Tôi lập tức hiểu ý, len lén đạp ga, rồi bất ngờ rồ lên.. Tây Môn tung người lên đạp cho tên lưu manh một cú, rồi nhảy thẳng lên xe. Tôi đạp mạnh ga, tăng tốc lao ra khỏi thị trấn với tốc độ 120 km/h, bỏ lại sau lưng những tiếng hò hét tức tối.
Đi qua huyện Bàn, một địa phương rất nổi tiếng với món thịt chó.
Đang dừng xe mua nước thì một xe cảnh sát cũng đỗ két lại bên cạnh. Một tay cảnh sát giao thông nhảy xuống, nói chúng tôi dừng xe không đúng nơi quy định, phạt 50 đồng. Luật Sư liền ra lý luận một hồi, cuối cùng cũng không phải nộp phạt nhưng lại chọc giận tay cảnh sát kia, khiến anh ta tức tối ghi lại biển số xe tôi rồi lên xe bỏ đi.
Trở lại đường cao tốc.
Cả ba đều rất phấn kích, Luật Sư lái xe rất nhanh, nhưng đi một lúc thì Tây Môn đòi xuống đi tiểu, vừa tấp xe vào vệ đường thì chiếc xe cảnh sát lúc nãy đã dừng lại bên cạnh. Tay cảnh sát kia nhảy xuống, nói trên đường cao tốc không được dừng xe, lần này nhất định phải phạt. Luật Sư lại cãi với anh ta một hồi, nói phạt cũng được nhưng sẽ kiện anh ta tội lấy việc công báo thù riêng! Tay cảnh sát cũng không kém cạnh, quyết không nhượng bộ. Luật Sư tức giận, đẩy anh ta một cái. Chẳng ngờ tay cảnh sát cũng nóng tính, vung tay đấm thẳng vào mặt Luật Sư, làm anh ta ngã bổ nhào xuống đất. Tôi và Tây Môn vội chạy đến giữ tay cảnh sát lại. Tây Môn định đánh anh ta, nhưng tôi đã kịp thời ngăn lại, bước ra nói chuyện nghiêm túc. Nhưng tay cảnh sát này chẳng những không chịu nhận sai mà càng lúc càng quá đáng, thậm chí còn móc cả bộ đàm ra gọi thêm người tới.
Đột nhiên, anh ta rũ người, đổ vật xuống.
Sau lưng anh ta, Luật Sư lạnh lùng cầm chiếc roi điện đang xẹt lửa.
Tôi vội cúi xuống kiểm tr.a tay cảnh sát, thấy hô hấp vẫn binh thường mới thở phào nhẹ nhõm, vội vàng xốc anh ta lên xe, rồi ném bộ đàm sang vệ đường, chìa khóa xe thì nhét vào cốp sau. Tây Môn còn lấy ra một ít thuốc an thần, đổ vào miệng anh ta nữa.
Luật Sư lại khởi động xe, lao vút đi như gió.
Trong xe vang lên bài “Power to the people” của John Lennon.
Ba người cùng hát vang: “Power to the people, Power to the people, right on …”
Kế đó lại là một bài khác của Lenon – Stand by me. Mỗi lần thấy cô đơn một mình, tôi thường nghe bài này, cảm nhận sự phẫn nộ của Lenon, lấy đó cổ vũ bản thân mình vươn lên phía trước. Luật Sư lại đổi sang một đĩa của Trương Sở, nghe bài “Trời xanh bảo hộ cho nhân dân Trung Quốc được ăn no mặc ấm”, lời ca đậm chất triết học, làm máu nóng trong người chúng tôi sôi lên sùng sục.
Xe đi qua trạm thu phí, cũng may là không gặp phiền phức gì, chúng tôi đi thẳng một mạch tới Đại Lý ở Côn Minh.