Chương 16: Tiệm tạp hóa
Căn phòng có trần nhà rất thấp, tưởng như đưa tay lên là có thể đụng cây xà ngang, tường tróc vôi loang lổ, trên tường treo một bức tranh khắc bằng gỗ hình Quan Phu Tử ngắm Xuân Thu, một bản cách ngôn trị gia của Chu Đại Tử, và một áng Khuyến Thế Văn viết tay, chữ viết rất ngay ngắn rõ ràng. Trong phòng chỉ có một ô cửa sổ, một cửa phòng, ngay ngưỡng cửa treo một tấm màn cửa màu xanh lam đã bạc màu vì giặt nhiều lần.
Đối diện cửa phòng là một cái bàn bát tiên tuy đã cũ nhưng được chế bằng gỗ tử đàn.
Trên bàn để một bình trà mẻ vòi, ba chén trà, lại có kê một bàn thờ nhỏ, bên trong chẳng phải thờ Quan Phu Tử mà là tượng Tống Tử Quan Âm, trên tay bồng một em bé mập tròn.
Trong một góc phòng có để chồng chất ba cái rương bằng gỗ long não, ở một góc khác là một bàn trang điểm, có vẻ rõ ràng đã lâu không người dùng đến. Bụi bám đầy trên một tấm gương đồng hình thoi, chiếc lược gỗ bên cạnh cũng gẫy mất vài răng lược.
Ngoài những đồ đạc này ra, chỉ còn một cái giường gỗ khá lớn có bốn trụ giăng màn.
Trên giường, một nữ nhân đang nằm ngủ, đến ba lớp chăn bông dầy đắp trên mình. Đầu tóc nữ nhân rối bù, sắc mặt vàng võ, trông rất tiều tụy mệt mỏi, tuy nữ nhân đã ngủ nhưng thỉnh thoảng lại rên khẽ.
Không khí trong phòng đậm nồng mùi thuốc nấu, bên ngoài có tiếng người cãi nhau the thé, vừa bảo trứng gà của tiệm tạp hóa quá nhỏ, lại chê dầu pha nước, muối bán cũng quá mắc.
Lúc Mã Như Long tỉnh lại thì thấy mình ở trong một nơi như thế, y tưởng mình đang nằm mộng, vì trừ phi nằm mộng, làm sao loại người như y lại đến một nơi như thế. Cũng may rằng tuy y chưa hoàn toàn tỉnh rượu, đầu nhức khủng khiếp, nhưng trí nhớ vẫn không bị mất.
Mã Như Long lập tức nhớ lại làm sao mình đến nơi này. Phản ứng đầu tiên của y là đứng phắt dậy, nhào đến trước bàn trang điểm và cầm lấy cái gương đồng, dùng tay áo lau sạch lớp bụi. Y cảm thấy tay mình hình như run run.
Ngọc Linh Lung đã làm gì với gương mặt của Mã Như Long? Y rất nôn nóng muốn biết mình đã biến thành gì?
Mã Như Long không nhìn thấy chính mình, mà thấy Trương Vinh Phát, chắc chắn không phải một Mã Như Long nữa mà là Trương Vinh Phát. Y nhìn gương mặt trong gương, thấy giống như bức họa mà Đại Uyển đã cho y xem.
Một người soi gương mà nhìn thấy một khuôn mặt chẳng phải của mình, trong lòng có cảm giác gì? Ai chưa trải qua chuyện này hẳn không thể tưởng tượng được.
Tuy Mã Như Long không phải lúc nào cũng tự phụ, song y biết mình là một mỹ nam tử.
Ngay cả những kẻ ghen ghét y cũng phải thừa nhận điều này. Y không khỏi tự hỏi :
- “Mai này, ta có còn trở lại được dung mạo ban đầu chăng?”
Câu hỏi này đương nhiên y không thể đáp được, y tự trách mình sao chẳng hỏi trước chuyện này với Đại Uyển và Ngọc Linh Lung.
Tiếng tranh cãi bên ngoài đã yên, nhưng nữ nhân nằm trên giường vẫn ngủ say chưa tỉnh.
Mã Như Long cũng không dằn được lòng hiếu kỳ, bước đến xem thử. Vừa nhìn diện mạo nữ nhân, y giựt mình kinh hãi.
Nữ nhân với khuôn mặt tiều tụy hốc hác như bệnh lâu năm, da mặt vàng võ không chút sinh khí này chính là tuyệt sắc mỹ nhân mà y đã nhìn thấy trong phòng khám xét tử thi kia sao? Mã Như Long dù biết rõ khuôn mặt mình sẽ biến đổi, mà còn không khỏi sợ hãi, nếu là cô gái kia, khi tỉnh lại thấy mình đã trở thành như thế, không biết phản ứng của cô sẽ ra sao? Mã Như Long chợt cảm thấy tội nghiệp cho cô gái.
“Trương Vinh Phát” đã nhìn thấy mặt y, thấy phòng của y, cũng thấy cả vợ y. Thế tiệm tạp hóa của y thì như thế nào? Lão Trương thật thà ngồi thu ngân cho y là một người như thế nào? Dĩ nhiên y rất muốn bước ra xem thử.
Tiệm tạp hóa thông thường rất hỗn tạp, bày la liệt các thứ hàng hóa. Dầu, muối, tương, dấm, gạo, trứng gà, trứng kho mặn, trứng muối, trứng bắc thảo, tôm khô, dưa muối, đường phèn, kim chỉ, dao kéo, đinh, giấy súc... tất cả những vật dụng phổ thông mà con người cần đến trong cuộc sống hàng ngày đều có thể mua tại tiệm tạp hóa.
Tiệm tạp hóa này cũng cùng một kiểu như vậy, ngay cửa ra vào còn treo một tấm bản cũ rích, đề bốn chữ “Trương Ký Tạp Hóa”. Bên ngoài tiệm là một con hẻm không chật hẹp lắm, gặp lúc gió lớn quét ngang thì đá sỏi cát bụi tung mịt mù, lúc trời mưa bùn tràn khắp lối đi.
Hai bên hàng xóm đều là những nhà nghèo khổ, trẻ nít mũi chảy lòng thòng suốt ngày rong chơi trong xóm, lắm lúc đánh lộn khóc om sòm, dưới đất thì gà, vịt, chó, mèo tự nhiên phóng uế, nhìn quanh trước cửa nhà nào cũng phơi quần áo và tã con nít.
Ở một nơi như vậy, trong một gia đình như thế, chỉ có chơi với con trẻ làm vui, chứ các lạc thú khác hầu như hoàn toàn không có.
Các anh hùng, hào kiệt, hảo hán trong giang hồ đương nhiên không khi nào đến một nơi như thế. Mã Như Long không thể ngờ có một ngày mình lại biến thành một ông chủ tiệm tạp hóa ở một nơi như thế.
Lão Trương thật thà vốc người thấp và mập, trông có vẻ chậm chạp, gương mặt tròn có đôi mắt híp lại như thể lúc nào cũng ngủ chưa tỉnh, cộng thêm cái mũi to đỏ ửng. Lão không tỏ ra lễ độ lắm đối với ông chủ của lão, đến một câu chào cũng lười nói, nhìn cũng chẳng nhìn.
Trong một tiệm nghèo như vậy, chủ với tớ có hơn gì nhau? Đằng nào cũng sống cho qua ngày mà chờ ch.ết, được ngày nào hay ngày ấy. Mã Như Long thấy vậy rất vừa ý, vì nếu lão Trương là một kẻ nhiều chuyện bám theo y hoài, thì y mới thật khó chịu.
Thế còn chủ nhân cũ của tiệm tạp hóa thì sao? Chắc hẳn Du Ngũ đã an trí vợ chồng họ Ở một nơi khác, sống đời thảnh thơi hơn nơi đây nhiều. Mã Như Long bỗng tự hỏi :
- “Sống như thế này, ta phải chịu đến bao lâu?”
Lại có khách đến, là một thiếu phụ mang thai, đến mua một đồng đường đen. Đúng lúc ấy, Mã Như Long chợt nghe thấy một tiếng kêu, âm thanh tuy không lớn, nhưng cả đời y chưa từng nghe thấy một tiếng kêu chứa đầy nỗi sợ hãi khủng khiếp đến thế. Tạ Ngọc Luân chắc đã tỉnh dậy, đã phát hiện ra những biến đổi đáng sợ trên mình cô. Mã Như Long gần như không dám bước vào gặp cô.
Thiếu phụ mang thai nhìn Mã Như Long, lắc đầu thở dài :
- Bệnh của bà chủ dường như càng ngày càng nặng thêm.
Mã Như Long chỉ gượng cười, vén bức màn xanh lam bước vào trong.
Tạ Ngọc Luân đang cố sức ngồi dậy, trong mắt cô chứa đầy nỗi kinh hoàng, phẫn nộ, cô kêu lên :
- Ngươi là ai? Đây là đâu? Tại sao ta lại đến đây?
- Đây là nhà của nàng, nàng đã ở đây mười tám năm rồi, tôi là chồng nàng.
Mã Như Long vừa thốt ra những lời trên vừa cảm thấy mình như con chồn hôi. Nhưng y không thể không nói tiếp :
- Tôi thấy là bệnh nàng lại trở nặng rồi, đến nhà mình và chồng mình cũng không nhận ra nữa.
Tạ Ngọc Luân giựt mình nhìn Mã Như Long, không ai hình dung được ánh mắt của cô.
Thiếu phụ mang thai từ ngoài ló đầu vào, thở dài bảo :
- Bà chủ nhất định sốt cao quá mới nói nhảm như thế, ông chủ nên nấu nước đường đen với gừng cho bà uống.
Thiếu phụ chưa nói hết câu, Tạ Ngọc Luân đã chộp lấy một cái chén sành đặt trên bàn nhỏ cạnh giường, dùng hết sức ném vào thiếu phụ. Khổ một nỗi cô “bệnh” quá nặng, ném một cái chén cũng không đi xa nổi, cô càng kinh sợ, đến độ toàn thân run lên.
Tạ Ngọc Luân biết mình có võ công, nhưng bản lãnh kinh khiếp kia đã biến đâu mất?
Thiếu phụ mang thai lại thở dài, đi ra mang đường đen mới mua về nhà. Chẳng bao lâu nữa, hai bên lối xóm sẽ biết chuyện bà chủ tiệm tạp hóa bệnh đến phát điên rồi. Tạ Ngọc Luân quả thật sắp điên lên mất. Cô đã nhìn thấy đôi tay của mình, một đôi ngọc thủ nhu nhuyễn như không xương, thanh tú như búp măng, bây giờ đã biết thành giống như chân gà.
Thế còn chỗ khác thì sao? Tạ Ngọc Luân thu tay vào trong chăn, bỗng lại giựt ra, như thể trong chăn có con rắn độc cắn cô một phát. Cô nhìn thấy tấm gương bên kia, vội cố hết sức bò qua, nhìn vào gương một cái, chỉ một cái nhìn thôi thì cô đã ngất xỉu.
Mã Như Long chậm rãi cúi xuống thu nhặt mảnh chén bể, kỳ thực y không muốn làm việc này. Việc y muốn làm nhất là tự vã vào mặt mình mười mấy bạt tai, rồi kể hết sự thật cho vị cô nương họ Tạ nghe.
Nhưng y không thể phụ lời Đại Uyển. Đại Uyển đã tín nhiệm y, thì y cũng nên tin tưởng Đại Uyển. Cô ta làm như vậy hẳn có dụng ý sâu xa, mà đối với mọi người đều có lợi. Mã Như Long thở một hơi dài, bước ra bảo lão Trương :
- Hôm nay đóng cửa sớm chút.