Chương 29: Phạm thượng
Nỗi tức giận tràn trề của Nhà vua khi thấy và đọc bức thư của Fouquet viết cho La Vallière dần dần tan ra ngấm thành một nỗi mệt mỏi đau nhức.
Tuổi trẻ đầy nhựa sống đang cần phải bù đắp ngay những gì đã mất không bao giờ biết đến câu chuyện lá gan Prométhée( ) phục sinh qua những đêm dài mất ngủ vô tận để lấy lại sức lực. Trong khi người đứng tuổi lấy sức, người già lấy sự kiệt lực để bồi đắp liên miên nuôi dưỡng đau khổ, thì người trẻ tuổi này, thình lình đứng trước nỗi buồn đau, lại điên cuồng kêu khóc, dằn vặt mình và ngã quỵ rất mau trước kẻ thù không lay chuyển mà chàng phải chiến đấu. Mà khi đã ngã vật ra thì không còn thấy đau khổ là gì nữa.
Louis bị chế ngự trong một khắc rồi ông hết nắm chặt hai tay, hết chửi rủa ông Fouquet cùng nàng tiểu thư La Vallière.
Ông đi từ chỗ tức giận này đến chỗ tuyệt vọng rồi từ sự tuyệt vọng đến chỗ liệt nhược.
Sau khi rướn người lăn qua trở lại trên giường một lúc, ông buông xuôi hai cánh tay bất động ra. Đầu óc ông đờ đẫn trên chiếc gối ren, tay chân run rẩy mệt mỏi, bắp thịt giật giật hồi nhẹ, lồng ngực chỉ thỉnh thoảng để cho những cơn thở dài tuôn ra. Morphée( ) ngự trị trong căn phòng lấy tên thần này, liền vung tay ném trái thuốc phiện xuống để cho ông vua nhẹ nhàng khép đôi mắt và chìm vào giấc mơ.
Thế rồi thường như trong mọi giấc ngủ, lúc mới chợp mắt thật nhẹ nhàng và thật êm đềm, thân mình được nâng bổng lên, đưa hồn ra khỏi trần thế, ông thấy như thần Morphée vẽ trên trần đang dịu dàng âu yếm nhìn xuống, hình như có cái gì sáng lên và lung lay trên vòm lá, có những giấc mơ hỗn độn, ghê gớm, khi mất đi một thoáng thì nhường chỗ cho một khuôn mặt người trầm ngâm, một bàn tay đè vào miệng ông. Và lạ lùng thay, con người ấy rất giống vua, đến nỗi Louis tưởng là bóng mình trong gương.
Rồi ông thấy, vòm nhà chạy từ từ mất hút, các hình vẽ của hoạ sĩ Le Brun trôi đi ra xa, tối sầm lại. Một chuyển động nhẹ nhàng, đều đặn như của chiếc tàu lạng vào trong nước, thay cho cái gương bất động. Chắc là ông vua đang nằm mơ, và trong giấc mơ ấy, chiếc vương miện bằng vàng móc vào tấm màn cũng theo vòm nhà đi mất khiến cho vị thần có hai cánh tay đỡ hai chiếc vương miện ấy hình như đã hoài công kêu cầu với vua, nhưng rồi cũng biến đi.
Chiếc giường vẫn tụt xuống. Louis XIV mắt mở to để mặc cho cái ảo giác ấy lôi đi tuyệt vọng. Cuối cùng ánh sáng trong ngự phòng tắt hẳn, không khí như có thứ gì lạnh lẽo, tối tăm, khó tả tràn ngập không còn vàng, không còn màu nhung, mà chỉ có những bức tường màu xám xịt để bóng tối càng lúc càng dày thêm. Chiếc giường vẫn tụt xuống, sau một phút dài như cả thế kỷ. Nhà vua thấy nó dừng lại giữa một không khí lạnh căm.
Nhà vua chỉ thấy ánh sáng trên phòng như người ngồi tận đáy giếng thấy ánh sáng mặt trời. Ông ngẫm nghĩ: "Ta mơ thật rùng rợn! Thôi đã đến giờ dậy rồi. Nào, thức dậy đi! Mọi người ai cũng cảm thấy điều ta vừa nói. Giữa một cơn ác mộng ngộp người, không ai là lại không nhờ một chiếc đèn thắp lên ở tận cùng óc não trong khi các đèn của nhân thế đều tắt hết, không ai lại không nhờ nó để nói: "Chẳng sao cả, ta mơ mà!"
Louis XIV cũng vừa nói như thế. Nhưng khi thốt lên câu "thức dậy đi" thì ông thấy ngay rằng không những ông đã thức mà mắt cũng đã mở rồi. Cho nên ông nhìn lại chung quanh.
Hai bên chỉ có hai người mang vũ khí, choàng áo rộng và đeo mặt nạ. Một người cầm chiếc đèn nhỏ với làn sáng tỏ chiếu rọi lên một quang cảnh thảm hại mà Nhà vua không ngờ tới.
Louis vẫn nghĩ là mình còn nằm mơ và muốn chấm dứt thì chỉ cần cục cựa cánh lay hay làm sao nghe được tiếng mình nói lên. Ông nhảy xuống giường, chân chạm phải ngay làn đất ẩm.
Tức thì ông hỏi người cầm đèn:
- Cái gì thế này? Ai đùa thế này?
Người mang mặt nạ cầm đèn trả lời, giọng khàn khàn:
- Không phải chuyện đùa đâu.
Nhà vua hỏi:
- Ông là người của ông Fouquet sai tới à?
Bóng đen nói:
- Chẳng cần biết chúng tôi thuộc về ai. Chúng tôi là chủ anh, đủ rồi.
Nhà vua sốt ruột hơn là sợ hãi, quay sang người mang mặt nạ thứ hai, nói:
- Nếu đây là trò khôi hài thì hãy nói với ông Fouquet là ta thấy không hợp. Bảo hắn dẹp đi.
Người thứ hai mang mặt nạ vóc dáng rất cao lớn, dềnh dàng. Hắn đứng thẳng và lặng lẽ như một khối cẩm thạch.
Nhà vua lại giậm chân nói tiếp:
- Sao? Anh không trả lời ta à?
Người cao lớn trả lời giọng oang oang:
- Chúng tôi không trả lời anh vì thấy không có gì để nói hết.
Louis nổi giận khoanh lay lại:
- Này, các anh muốn gì ta chứ?
Người cầm đèn trả lời:
- Rồi anh sẽ biết.
- Tôi đang ở đâu đây?
- Cứ nhìn rồi biết?
Louis nhìn kỹ. Nhưng theo làn sáng của chiếc đèn giơ lên ông chỉ thấy những bức tường ẩm ướt, đây đó có những vệt sáng bạc là dấu vết của những con ốc sên bò đi. Ông kêu lên:
- Ô! ô! Ngục tối à?
- Không, đường hầm dưới đất.
- Đi đâu?
- Xin theo tôi.
Nhà vua kêu lên:
- Tôi không đi đâu hết.
Người cao lớn hơn hết trả lời:
- Anh mà cưỡng lại thì tôi xách anh lên, quấn vào tấm áo choàng thì tha hồ mà ngộp, tuỳ ý anh đấy.
Nhà vua sợ bị làm dữ. Ông hiểu rằng hai người này có quyền động đến tính mạng ông, họ không hành động đến thế này rồi rút lui, nghĩa là phải làm đến nơi đến chốn. Ông lắc đầu nói:
- Hình như ta đang ở trong tay hai tên sát nhân. Thôi, đi!
Chẳng ai trả lời cả. Người cầm đèn đi trước, Nhà vua theo sau: người thứ hai nối bước. Họ đi qua một hành lang dài lắt léo.
Quanh queo mãi, họ đến một đường hầm đằng cuối có cổng sắt khép kín. Người cầm đèn lấy chìa đeo nơi thắt lưng mở khoá cổng.
Khi cửa mở, gió lùa vào, Louis XIV nhận ra mùi hương thơm của cây cỏ bốc ra sau một ngày hè nóng nực. Ông ngập ngừng một lúc nhưng người to lớn đi kèm sau đã đẩy ông ra khỏi đường hầm. Nhà vua quay lại nhìn con người vừa cả gan làm một cử chỉ xúc phạm đến đấng quân vương.
- Ta hỏi một lần nữa, các người muốn làm gì với bậc Chúa tể nước Pháp đây?
Người cầm đèn trả lời với một giọng chẳng chịu nghe ai hết:
- Anh nên quên các tiếng ấy đi.
Người thứ hai tắt cây đèn của đồng bọn đưa, tiếp lời:
- Anh đáng bị đòn vì đã nói lên các tiếng ấy đấy. May là Hoàng thượng lại rất khoan dung.
Louis nghe lời đe doạ đấy, vụt làm một cử động như là muốn chạy trốn, nhưng người to lớn đã nắm lấy vai ông ghì lại.
Nhà vua hỏi:
- Nhưng đi đâu đây?
- Anh lại đây, - người thứ nhất nói hơi có vẻ kính nể và dắt người tù đến một chiếc xe giấu thật kín trong lùm cây. Hắn mở cửa xe, hạ tấm bàn đạp xuống.
- Lên đi.
Nhà vua vâng lời, ngồi tận trong góc xe. Cửa đệm có khoá đóng ngay lại nhốt cả ông và người dẫn theo. Còn người to lớn thì leo lên chỗ trống phía trước. Tức thì chiếc xe vụt cất đi như bay, ra đường đi Paris và đổi ngựa trong rừng Sénert, rồi tiếp tục hướng về Paris, đến nơi vào lúc ba giờ sáng. Chiếc xe đi trong vùng Saint Antoine, và sau khi kêu to với người lính gác "Thừa lệnh vua", người đánh xe đưa ngựa vào trong vòng thành ngục Bastille, rồi chạy thẳng đến sân chủ ngục. Ngựa đứng lại thở hồng hộc trước bậc thềm. Một đội trưởng lính gác chạy đến.
Người đánh xe nói như sấm dậy:
- Đánh thức ngài chủ ngục đậy.
Ngoài tiếng nói ấy nghe vang đến tận cổng ngoài khu Saint Antoine, còn thì tất cả đều lặng lẽ, trong xe cũng như trong lâu đài. Mười phút sau, ông Baisemeuax mặc áo ngủ hiện ra nơi cửa, hỏi:
- Cái gì nữa đó? Các người đem đến cho ta cái gì đây?
Người cầm đèn mở cửa xe nói một vài tiếng với người đánh xe. Tức thì người này bước xuống, cầm cây súng dưới chân, chĩa nòng vào ngực người tù. Người kia bước xuống nói to:
- Hắn há miệng ra thì bắn đi.
Rồi ông ta bước lên bậc thềm có ông chủ ngục chờ sẵn.
Ông này kêu lên:
- Kìa ngài D Herblay?
Aramis suỵt một tiếng:
- Chúng ta vào phòng đi.
- Chúa ơi! Có việc gì mà ngài phải đến vào giờ này?
Aramis trả lời thản nhiên:
- Có sai lầm, ngài De Baisemeuax thân mến ạ. Hôm qua ngài đúng đấy.
Viên chủ ngục hỏi:
- Về chuyện gì vậy?
- Chuyện thả người ấy mà.
- Giải thích giùm đi, thưa ông, ồ quên, thưa Đức ông, - viên giám đốc trả lời, nghẹn lời vì ngạc nhiên xen lẫn sợ hãi.
- Chuyện giản dị lắm. Ông De Baisemeuax thân mến ơi, ông có nhớ là nhận một lệnh thả phải không ạ?
- Vâng, thả Marchiali.
- Chúng ta đã tin là thả Marchiali.
- Nhất định thế. Nhưng ngài nhớ, tôi nghi ngờ lắm, và chính tôi, tôi không muốn thả hắn chút nào, chính ngài ép tôi đấy.
- Ô, ông Baisemeuax thân mến ơi, lúc ấy ông dùng chữ gì vậy à? Cam kết, phải rồi.
- Cam kết, vâng, cam kết đưa hắn cho ngài và ngài đã chở hắn đi.
Nhưng mà ông Baisemeuax thân mến ơi, đó là sự lầm lạc ở Bộ người ta thấy lầm nên cho tôi mang đến một lệnh vua bảo thả Seldon, thằng chó ch.ết người Scotland ấy, ông nhớ Seldon? Lần này ngài chắc chứ?
Aramis đưa lệnh ra:
- Trời à! Ông đọc đi.
Baisemeuax ngạc nhiên:
- Ồ lệnh này chính là tờ tôi nắm hôm ấy đây.
- Thật không?
- Chính là tờ tôi xác nhận với ngài là đã thấy đêm ấy. Vâng, tôi nhận ra dấu mực đây này.
- Tôi không biết có phải không. Nhưng chắc là tờ tôi mang đi đây.
- Thế thì tên kia đâu?
- Ai?
- Marchiali?
- Tôi mang lại cho ông.
- Không đủ đâu. Phải có lệnh nhốt lại mới được.
- Ông Baisemeuax thân mến ơi, đừng nói thế nữa. Ông nói như trẻ con ấy. Cái lệnh ông nhận để thả Marchiali đâu?
Baisemeuax chạy đến lấy tờ giấy trong hộc ra. Aramis nắm lấy, lạnh lùng xé toạc làm bốn, rồi kê vào lửa đốt.
Baisemeuax kinh hoàng hết mực kêu lên:
- Ngài làm gì thế?
- Ông chịu khó xem tình hình này lại một chút, ông chủ ngục thân mến ạ, - Aramis vẫn nói với vẻ bình tĩnh, không bị lay chuyển, - ông sẽ thấy chuyện thật dễ dàng vô cùng. Ông không còn trong tay tờ lệnh xác nhận Marchiali đã được thả rồi.
- Ôi Chúa ơi, tôi tiêu rồi?
- Chẳng sao đâu, vì tôi mang Marchiali lại cho ông mà.
Nhốt hắn lại, tức cũng như hắn chưa bao giờ ra.
Viên chủ ngục hoảng lên một tiếng.
- Nhất định như thế. Ông có thể nhốt hắn lại ngay.
- Nhất định Và ông đưa tên Seldon được thả theo lệnh mới này. Như thế, chẳng có gì xảy ra cả. Ông hiểu chưa?
- Tôi… tôi…
Aramis nói:
- Ông hiểu rồi.
- Tốt lắm!
Baisemeuax chắp hai tay lại, rên rỉ:
- Nhưng tại sao sau khi ngài mang Marchiali đi rồi lại mang hắn đến trả cho tôi thế?
- Với một người bạn thân như ông, với một người thừa lệnh như ông, thì không có gì phải giữ bí mật cả.
Và Aramis ghé vào tai Baisemeuax nói nhỏ:
- Ông chắc biết, kẻ đó rất giống với…
- Với Nhà vua, vâng.
- Thế thì việc đầu tiên Marchiali lúc đó được tự do là đi tìm sự ủng hộ, ông đoán ra chưa?
- Làm sao tôi đoán được?
- Tìm sự ủng hộ để làm vua nước pháp.
Baisemeuax kêu lên:
- Ồ! Thằng dại dột!
- Cứ mặc nguyên áo Nhà vua và lên ngai là được.
- Trời còn thương!
- Cho nên tôi mang hắn lại cho ông. Ông bạn thân mến ạ. Hắn điên khùng và gặp ai cũng tự xưng như thế cả.
- Bây giờ phải làm như thế nào đây?
- Dễ lắm, không cho hắn tiếp xúc với ai cả. Ông hiểu rằng nếu chuyện điên khùng của hắn đến tai Nhà vua thì dù Nhà vua có thương hại hắn, mà thấy lòng tốt của ngài bị đền đáp bằng sự vô ơn xấu xa như thế thì hẳn ngại giận lắm. Cho nên, ông Baisemeuax thân mến ạ, ông nhớ lấy điều này, chuyện quan hệ đến ông đấy, hãy nhớ rằng, có lệnh giết kẻ nào để hắn nói chuyện với ai khác ngoài tôi và Nhà vua đấy. Ông nghe chưa, tử hình?
- Ôi nghe rồi đấy!
- Cho nên, bây giờ ông bước xuống đi, dẫn thằng khốn đó vào hầm tối, hay là để đưa hắn lên đây.
- Để làm gì?
- Ừ, tốt hơn hết là nhốt hắn ngay lập tức.
- Đúng?
- Thế thì, thi hành ngay đi!
Baisemeuax sai đánh trống, và bấm chuông lùa tù vào phòng để tránh mọi sự gặp gỡ bất ngờ. Rồi khi các lối đi đã trống vắng, ông liền đến bên xe bắt người tù trong khi Porthos theo lệnh vẫn chĩa nòng súng vào ngực hắn. Baisemeuax kêu lên khi thấy Nhà vua:
- Ôi, anh chàng khốn khổ, lại đây anh. Tốt! Tốt lắm!
Rồi ông gọi Nhà vua xuống xe, dẫn đi luôn luôn có Porthos mang mặt nạ đi theo và Aramis cũng đeo mặt nạ lên lại.
Họ đến trước cánh cửa mà Philippe phải rên rỉ suốt mười năm qua, Nhà vua vào phòng tối không nói một lời, mặt mày xanh xám và ngơ ngác.
Baisemeuax đóng cửa lại tự tay xoay lại hai vòng khoá rồi đến bên Aramis nói nhỏ:
- Chà, đúng thật, hắn giống Hoàng thượng quá. Nhưng không đến như ngài nói đâu.
- Như vậy là ông không thể nào lầm được nếu có sự tráo đổi phải không?
- Ô!
Ông Baisemeuax thân mến ơi, ông thật là con người đáng ghét. Thôi bây giờ lo thả Seldon đi.
- Đúng rồi tôi quên… Để tôi ra lệnh.
- Thôi để mai, ông thừa thì giờ mà.
- Mai. Thôi, thôi, liền bây giờ đi. Chúa không để tôi chậm trễ một giây nào hết đâu.
- Thôi thì ông cứ làm việc đi. Tôi có việc tôi. Nhưng ông hiểu rồi chứ?
- Hiểu cái gì?
- Hiểu là ông không được phép vào phòng tên tù trừ phi có lệnh vua, mà lệnh ấy lại do tôi mang đến.
- Đồng ý. Tạm biệt Đức ông.
Aramis trở lại phía bạn.
- Đi Vaux mau lên.
Porthos nói:
- Phục vụ trung thành Hoàng thượng xong lại cứu được đất nước nữa thì người nhẹ nhõm lắm. Lũ ngựa khỏi kéo lê cái xe.
Thôi chúng ta đi.
Thế là bỏ lại người tù quả đúng thật nặng nề đối với Aramis, chiếc xe vượt qua cánh cầu sập của nhà ngục Bastille đang từ từ nâng lên sau lưng họ.
Chú thích: