Chương 5

Dưới gốc mai ngà ngả bóng, Đại Giác thiền sư bó gối ngồi tư lự ....


Cảnh am thiền vào buổi quá trưa êm đềm tịch mịch; không khí như chẳng mảy may bợn chút trần ai. Trên mặt sân, ánh nắng, xuyên qua lớp lá cổ thụ rườm rà, in loang lổ những vệt sáng chờn vờn, linh động. Thỉnh thoảng, chim bồ các kêu lao xao, kêu mấy tiếng rồi im bẵng, khiến cho cái cảm giác hiu quạnh càng nặng nề ...


Nhưng, lạ thay! Vẻ mặt của Đại Giác thiền sư lúc ấy sao trái hẳn với sự tịch mích xung quanh. Không phải là vẻ mặt tâm niệm của một nhà chân tu tham thiền nhập định. Vẻ mặt ấy là tấm gương phản chiếu một cảnh bão táp trong cõi lòng.


Nhà sư ngồi xếp gấp trên nệm cỏ, hai bàn tay ngửa xếp giữa lòng, xa nom thực, mười phần điềm tĩnh. Khi đến gần, trái lại, ta sẽ phải kinh ngạc vì, dưới hai vệ lông mày cau có, cặp mắt nhà sư cháy ngùn ngụt những căm hờn.
Tâu bệ hạ,


Kẻ hạ thần phận là biên trấn, nhưng ngày đêm lúc nào cũng lưu tâm đến việc trong Triều. Những sự lộng quyền của gian tặc Trần Thủ Độ vẫn khiến hạ thần phải thâm gan tím ruột. Nhà Lý ta, từ đức Thái Tổ vâng mệnh Trời mở chính thống, trải tám đời vua giữ nền độc lập cho nước Nam, đánh Tống dẹp Chiêm, uy danh lừng lẫy thiên hạ, ân đực nhuần thấm trăm dân, có lẽ nào nay phải tiêu diệt, về tay một tên mán mường làm nghề đánh cá ở xứ Nam Hạ?


Bệ hạ bỏ ngôi đầu Phật, chính sự bộn bề; một mình Công chúa đảm đương sao chu tất được! Vì vậy, tặc đảng ngày một lộng hành, tôn miết xã tắc ngày một khuynh nguy,loài dê chó ngày một xôn xao ở chốn thềm vàng điện ngọc.


available on google playdownload on app store


Cái cảnh thương tâm nghịch nhỡn ấy, ai là chẳng căm hờn. Bệ hạ nỡ nào ngoảnh mặt làm thinh để cho cơ nghiệp nhà Lý suy đồi, thần vị tiên vương không được yên ổn?


Kẻ hạ thần, nghĩ mình chịu ân vua lộc nước, đã thề cùng giặc Trần chẳng đội trời chung. Hiện nay một dải Hồng Châu, lương nhiều quân giỏi, hạ thần ngửa mong Bệ hạ mau mau xa giá giáng lâm, để hiệu triệu những kẻ nghĩa khí, vua tôi một phen về Kinh tảo trừ loạn đảng, định lại triều cương, khiến cho nên bình trị lại rực rỡ như xưa thì phúc cho nước nhà và trăm họ biết chừng nào?


Hạ thần đã cắt hai tường tâm phúc là Kiếm Hồn và Lý Hổ theo hộ giá, mong Bệ hạ sớm quyết định cho. Ngoài cõi xa xôi này, sĩ tốt ngày đêm mong thấy mặt trời.
Kính tâu.
Hồng Châu Trấn thủ.
ĐOÀN THƯỢNG bái.


Hai mắt nhà sư càng sáng quắc. Những lời khảng khái trong thư đã khiến tấm lòng nguội lạnh kia bừng lên như lửa. Nhà sư lẩm bẩm:


- Đoàn Thượng nói phải. Cơ nghiệp tổ tiên bảy đời truyền lại, ta nỡ nào để cho đến nỗi tan hoang? Trước kia vì đau yếu luôn, trong lòng chán nản, ta đã nghe lời Thủ Độ bỏ ngôi đi, ta nay mới biết đó là mưu gian của hắn nhưng hối không kịp nữa. Cũng may lòng người còn chưa quên nhà Lý, lại được Đoàn Thượng là kẻ bầy tôi trung dũng, quyết vì ta dựng lại nền nhất thống, ta nhân cơ hội này mạnh bạo khởi sự ngay ngõ hầu khi ch.ết không thẹn với vong hồn các Tiên Đế dưới suối vàng.


Nhà sư nghĩ vậy, vẻ mặt bỗng hồng hào, quả quyết. Những ngày vinh quanh khi trước lại hiện ra trong trí nhớ, những ngày Tổ tiên xưa đánh quân Bắc Tống, thu phục Chiêm Thành, oanh liệt biết chừng nào! ....
Giữa lúc ấy tiếng trống từ xa tiến lại bỗng khiến nhà sư lắng tai nghe. Một chú tiểu chạy vào quỳ bẩm:


- Bạch sư tổ, có xa giá Lý Nương Nương lại hầu.
Nhà sư yên lặng cau mày một lát mới nói:
- Cho vào!
Lý Chiêu Hoàng, ngự thường phục, từ trên ngọc liễn bước xuống. Nàng truyền cung nữ, thị vệ đứng chực ngoài cửa chùa rồi một mình tiến thẳng lại quỳ xuống trước mặt nhà sư:


- Kính lạy vua cha muôn tuổi.
Huệ Tôn (tức Đại Giác thiền sư) giơ tay miễn lễ và hỏi rằng:
- Con lại đây có việc gì?
Chiêu Hoàng đỏ mặt, khẽ tâu:
- Lạy cha, con lại vấn an cha và để xin cha một việc.
- Cho con cứ nói.
- Xin cha cho phép con được cùng Trần Cảnh! ....
Huệ Tôn bỗng nghiến răng:


- Trần Cảnh! .... à, con muốn kết duyên cùng Trần Cảnh? ... Con có biết Thủ Độ nó đang muốn cướp ngôi nhà Lý chăng? Họ Trần là thù của ta. Hiện nay cha sắp lẻn ra Hồng Châu, cùng Đoàn Thượng đem quân về Thăng Long chu diệt chúng nó, lại thèm kết thông gia với chúng nó à?
Chiêu Hoàng sợ hãi, cúi đầu, yên lặng.


Huệ Tôn ngước mắt nhìn đi, bỗng Ngài để ý đến hai con chim câu đang xù lông rỉa cánh cho nhau ở trên cành đại. Nghĩ đến đức hiếu sinh của Tạo Hóa, Huệ Tôn từ từ quay lại nhìn con. Chiêu Hoàng vẫn chắp tay cúi đầu đứng yên.


Nàng đứng yên nhưng hai hàng lệ vẫn lặng lẽ tràn ướt cặp má đào. Huệ Tôn thở dài. Một mối buồn man mác tự dưng tràn ngập linh hồn ông vua già thất thế, dập tắt mọi nỗi oán hờn khi nãy cùng cái trí hoạt động cương cường.
Huệ Tôn nghĩ thầm:


"Ta tuổi già sức yếu rồi, lại không có con trai, cháu xa cháu gần cũng không, chỉ được một mình Lý Chiêu Hoàng là gái. Chiêu Hoàng nối ngôi ta, trước sau thế nào cũng xuất giá, ngôi báu sẽ nhường cho chồng. Kẻ kia dù là Trần Cảnh hay người nào khác nữa cũng vậy thôi. Mà, điều đó biết đâu chẳng là dụng ý của Cao Xanh? ...


"Nay, nếu ta ép Chiêu Hoàng phải cự tuyệt cùng Trần Cảnh, chẳng qua chỉ khổ lòng con trẻ mà vị tất đã có ích lợi gì cho ai. Trong cõi hồng trần này, sự khổ não đầy rẫy, ta còn tạo thêm sự khổ não làm gì? Huống hồ kẻ bị khổ não ấy lại chính là con ta! Đã đành rằng nhân duyên nghiệp chướng, nhưng hiện nay hai trẻ yêu nhau, nếu được như nguyện tất nhiên chúng lấy làm sung sướng lắm.


Sự sung sướng ấy chỉ là cái ảo mộng, kẻ u mê đã lấy làm đủ thì còn nói gì!".
Rồi nhân đấy, Huệ Tôn nghĩ sang việc khởi nghĩa cho Đoàn Thượng:


"Trấn thủ Hồng Châu trung nghĩa đáng khen, nhân tâm còn ái mộ nhà Lý đáng cảm thực. Tuy vậy, xưa nay công danh phú quý, giấc mộng kê vàng. Trăng tròn rồi phải khuyết, mặt trời lên cao rồi phải tà. Thịnh suy là lẽ nghìn đời, ai làm thế nào tránh được! Nước Nam trải bao nhiêu họ làm vua, ai đã giữ mãi được quyền chủ tể. Huống hồ ta tuổi già lại không con trai nối nghiệp, phỏng thử đem binh về Thăng Long, giết được Thủ Độ, gây lấy oai quyền khi trước nhưng sau một vài năm ta ch.ết đi, cơ nghiệp ấy để cho ai? Để cho người họ khác. Quanh quẩn cũng như chuyện. Thế mà bỗng dưng nổi cuộc binh đao, làm phí bao nhiêu mạng sĩ tốt, đuổi theo một cái hư ảnh để cho muôn dân phải lầm than, tội ác ấy, ta biết tu mấy kiếp mới đủ đền bồi?


"Thôi thôi, sớm tỉnh ngộ đi là hơn! Sắc sắc không không, lời Phật đã dạy, ta nên ghi lấy làm lòng, tỉnh giấc mê si, dứt vòng nghiệt chướng họa may thoát khỏi kiếp luân hồi".
Huệ Tôn nghĩ vậy, trong lòng thấy khoan khoái, thảnh thơi. Sự thù oán tiên tán, nhường chỗ cho lòng từ bi mông mênh bát ngát.


Quay lại, Ngài hỏi Chiêu Hoàng:
- Câu ta nói vừa rồi là do sự tức giận một lúc, con đừng lấy làm buồn. Việc nhân duyên của con, ta sẵn lòng tán trợ, chỉ mong cho con được sung sướng mà thôi.
Chiêu Hoàng cảm động, thụp xuống lạy.
Huệ Tôn đỡ nàng đứng lên, nói:


- Thủ Độ lòng tham, mưu cướp nhà Lý, kể thực đánh trách xong cũng lại là ý trời. Nay con kết duyên với Trần Cảnh, rồi nhường ngôi cho chồng, lòng tham của Thủ Độ đã thỏa, tắt hẳn không làm sự gì ác nữa.
Ngừng một lát, Huệ Tôn lại nói:


- Và Thủ Độ kể ra cũng có công to với cha. Này khi loạn đảng tung hoành, ngôi tôn nghiêm đổ cha theo Tiên Đế chạy xuống miền Nam. Lúc ấy, nếu chẳng nhờ Thủ Độ cứu giúp thì cơ nghiệp nhà Lý không những tan nát từ lâu mà đến thân ta cũng khó lòng toàn vẹn, còn đâu có ngày nay! .... Thôi, cho con lui về.


Chiêu Hoàng cúi đầu lễ tạ vua cha đoạn lên ngọc liễn hồi cung.
Nàng vừa đi khỏi thì, trên tam quan, chú tiểu bắt đầu thỉnh hồi chuông chiêu mộ. Tiếng đồng, lanh lảnh buồn rầu như chấm mấy nét cùng tận sau sự liên lác của Huệ Tôn với trần ai khổ hạnh.






Truyện liên quan