Chương 63: Em là nhà (5) (Ở nơi đầu tiên ta đã gặp.) - Hoàn toàn văn
Sáu giờ hai mươi tám phút sáng.
Cam Cam vừa đập cửa vừa la hét gọi mami và daddy, lần lượt dùng tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp gửi lời chào buổi sáng tốt lành đến cặp phụ huynh đang nằm nướng ỳ trên giường.
Tấm chăn mỏng trắng muốt cuộn thành một đụn kén, sau vài cái cọ quậy, một quả đầu bờm xờm thò ra trước, híp đôi mắt đẹp trong tiếng thở dài bất lực và đưa bàn tay lên vuốt lại mái tóc. Người con gái trong vòng tay chống thân hình mảnh mai toan ngồi dậy, hối thúc anh: “Mặc áo vào đi đã anh.”
Tiếng đập rầm rầm như muốn phá tan cánh cửa, nhưng Cam Cam vẫn rất tuân thủ quy định đã đặt ra trước đó – rằng không có sự cho phép thì tuyệt đối, tuyệt đối không được tự ý mở cửa vào.
“Bố ơi! Mẹ ơi! Mặt trời mọc đến đít rồi!”
Trần Dị gào lên với con gái qua cửa buồng: “Hôm nay là cuối tuần, làm gì mà con dậy sớm thế?”
“Cả đêm con không được thấy bố mẹ, nhớ bố mẹ quá đi mất thôi.” Cam Cam chuyển sang tiếng Tây Ban Nha, nũng nịu rót đường, “Con mơ thấy toàn bố mẹ thôi, nhớ nguyên cả buổi tối rồi.”
Tim Miêu Tĩnh sắp tan ra đến nơi, nóng lòng muốn xuống giường đi mở cửa thì lại bị Trần Dị cuốn lấy tay chân. Anh bình tĩnh nói với con gái: “Chẳng phải hôm qua con đã đồng ý là sáng nay sẽ đạp xe đi cho em sóc ăn với Oscar rồi à, còn hứa khi nào ngủ dậy sẽ chào buổi sáng Leo trước tiên, và còn phải tặng L ola bánh quy thơm phức tự tay mình nướng nữa.”
“Yes, I’m toooooooo busy!”
Cam Cam đứng ngoài cửa giậm chân thình thịch rồi chạy ù ra chỗ Meggis: “Bà ơi, giờ mình nướng bánh quy nhân hạt nhé bà, cháu còn phải gọi điện cho Leo nữa, xong rồi…”
Bên kia cánh cửa buồng ngủ tức thì bặt mọi âm thanh.
Cánh tay Trần Dị chặn ngang, Miêu Tĩnh lại bị kéo vật xuống gối, cả hai chẳng biết nên khóc hay nên cười. Anh nháy nháy mắt với cô, đắc ý tặc lưỡi: “Đi rồi.”
“Sao ngày nào anh cũng lừa phỉnh Cam Cam thế hả?”
“Phải nắm chắc điểm yếu của kẻ địch để kéo dài thời gian cho mình.” Anh nằm chống đầu, ngón tay xoa vỗ gò má cô, “Mới ngủ một giấc dậy mà sao em gái anh lại đẹp thế này.”
Cặp mắt vẫn trong và sáng ngời như sao chưa từng thay đổi, nét lãnh đạm ngây ngô toát lên từ cô đã hoàn toàn bị dòng chảy tháng năm xóa nhòa đi hết, thay vào đó bằng vẻ thảnh thơi thư thái là minh chứng cho một cuộc sống viên mãn và êm đềm; còn khí chất là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trưởng thành, quyến rũ và thoát tục, thanh tao.
“Ai là em gái nhà anh.” Cô nhíu mũi, gõ cái vào chóp mũi anh, “Mặt dày đến thế là cùng.”
“Chắc lại gọi anh (trai) ít quá?” Anh cười nham hiểm, vẻ mặt trông có phần đê hèn, “Làm tí hoạt động cấm tuổi nhi đồng chứ nhỉ?”
Đặt xuống bờ môi mềm đỏ thắm một nụ hôn rồi quấn lấy môi lưỡi nhau trong cơn mê say, tấm chăn mỏng manh bị đẩy xuống tận eo qua những cái cọ sát để lộ vùng lưng vai vạm vỡ cân đối, các múi cơ trơn nhẵn tuyệt vời vẽ nên những đường gân chắc nịch lượn dọc tấm lưng. Vẻ đẹp mạnh mẽ và gợi cảm được thể hiện rõ trên từng đường cong cơ thể và làn da láng bóng màu lúa mạch, cùng khuôn mặt điển trai đậm hơi thở của một người đàn ông vào độ già dặn, chín muồi.
Tấm chăn bị kéo lại lên cao tạo thành khoảng không gian riêng tư, tất cả mọi âm thanh lúc này bỗng hóa bí bách, trở nên mơ hồ và đầy ám muội. Màn giường trắng thuần như làn nước gợn nhẹ nhàng đưa nhịp rung rinh phấp phới.
Thời gian được kiểm soát một cách chuẩn chỉnh đủ để chuyển dời mục tiêu chú ý của Cam Cam sang hướng khác trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Sau nửa tiếng khi gõ cửa lần thứ hai, em đã được cho vào. Trông thấy bố uể oải gác hai tay lên hàng rào ban công, đặt điếu thuốc trước mũi rồi khẽ ngửi, biết bố có thói quen này, Cam Cam bèn kê chiếc ghế đẩu dưới chân để bò lên tấm lưng rộng dày, đu vắt vẻo trên người bố.
“Papa, chỉ được ngửi một tí thôi chứ không được hút đâu, đàn ông hút thuốc là thúi lắm.”
“Này nhõi con, biết gì là thơm là thúi hả.” Trần Dị quệt mũi con gái, “Nướng bánh quy chưa con?”
“Bánh trong lò đấy bố, mẹ đang đi tắm hả bố? Người mẹ mới là thơm, người cô Luna ở nhà trẻ cũng thơm, cô thích nhất là dầu thơm hoa hồng, mai mốt lớn con cũng muốn xịt dầu thơm, dầu mùi quả quýt…”
“Rồi rồi rồi.” Trần Dị ẵm con gái vào buồng, mặc áo phông lại, “Hôm nay muốn đi đâu chơi? Bố mẹ chở đi, mình đi học tiếng Trung trước rồi đi đá bóng, trưa ăn pizza nhé?”
“Con thích xem Tây Du Ký, nhưng con không thích học tiếng Trung đâu, con nói tiếng Trung xong các bạn ở nhà trẻ chẳng hiểu con nói gì.” Ngồi trên sô pha, Cam Cam chăm chăm nhìn bố, “Bố ơi, khi nào mình về Trung Quốc thế bố?”
“Đợi khi nào con lớn thêm chút nữa.”
“Thế các bạn con phải làm sao hả bố? Nhà mình thì làm sao hả bố? Khi nào mình mới quay lại đây? Tại sao phải về hả bố?”
“Ở Trung Quốc mình cũng có nhà, đấy là nơi bố mẹ đã sống và lớn lên.”
“Từ bé bố với mẹ đã biết nhau rồi sao bố? Thế là giống con với anh Oscar à, mẹ cũng gọi bố là anh, bố mẹ cưới nhau xong sinh em bé. Có phải sau này con cũng sẽ cưới anh Oscar không bố, cả anh Leo nữa…”
“Dừng!” Trần Dị che miệng Cam Cam lại, “Con vẫn là trẻ con, giờ chưa được lấy chồng, Oscar và Leo chỉ là bạn thân của con, mà con gái thì không được tùy tiện cưới hỏi với bất cứ ai hết.”
Tuy chuyến về nước đã nằm sẵn trong kế hoạch song lại bị trì hoãn hết lần này tới lần khác vì một loạt các loại lý do khác nhau. Bên phía công ty Miêu Tĩnh còn khả dĩ xoay sở, nhưng công ty của Trần Dị vài năm nay đang trên đà phát triển liên tục, nhạc nào anh cũng nhảy được, thậm chí anh còn tậu hẳn một trang trại nhỏ ngoài quê làm chỗ gieo trồng cà phê và cây ăn quả, vậy nên muốn sắp xếp đâu vào đấy cũng là một điều nan giải.
Năm ngoái Cam Cam vừa nhập học tại trường mẫu giáo quốc tế, tình cảm giữa em và các bạn được vun đắp đến giờ đã có thể gọi là khó mà chia xa, suốt ngày túm tụm với nhau quậy phá ầm ĩ. Nay bỗng dưng bảo phải đi làm em cũng nước mắt vòng quanh, chẳng nỡ xa lũ bạn cùng chơi của mình.
Ngày Cam Cam tốt nghiệp mẫu giáo được chọn làm ngày về, vừa kịp đón lễ khai giảng của trường tiểu học trong nước.
Trở về Đằng Thành, về chốn cất giữ những ấn tượng khắc sâu cùng bao kỷ niệm đáng nhớ sau biết bao năm tha hương nơi đất khách quê người.
Rồi cũng nhớ về những năm tháng đã bên nhau trên miền đất ấy, nhớ những ngày sống trong ngập đầy sắc màu, hỗn loạn và rộn ràng cháy bỏng; mỗi một quang cảnh từng ngắm và mỗi một niềm vui từng hưởng thụ, những con người trăm hình trăm vẻ và cuộc sống đa dạng muôn màu. Chỉ mong sao những ký ức này đều sẽ được phản chiếu lại trong đôi mắt trong trẻo thơ ngây của Cam Cam, mong sao con sẽ có được tấm lòng rộng lượng, sống một đời tươi vui và rực rỡ.
Cam Cam rất quý gia đình Gino, quý ông Pierre, thích công ty và nhà xưởng của bố, thích chiếc ô tô đi làm siêu ngầu của mẹ, thích những màn nhảy múa và trình diễn ngoài phố phường, thích các em thú trong trang trại và trúc măng trên núi, thích lao ra giữa cơn nước xối xả lúc trời vào mùa mưa, thích cái cay nồng lẫn vào cái mát lạnh của dòng nước biển, cũng thích được các bạn bé vây chung quanh hết lời ngợi khen mình.
Ai cũng hỏi liệu em có quên Bogota không, có quên hết cuộc sống ở đây không. Cô bé con mới tí tuổi đầu, nghe hỏi bèn vỗ ngực đáp không. Em đem tóc và móng tay mình đi chôn xuống đất, bảo rằng ADN của mình sẽ ở lại châu Nam Mĩ này. Bố và mẹ cũng đưa em đi chôn kho báu, kho báu là chiếc hộp gỗ nhỏ đựng đồ chơi em thích và mấy món đồ be bé mà bố mẹ góp nhặt được: một món giao cho Pereira – người đã làm bạn với em từ khi em còn nhỏ, một món chôn dưới gốc cây trong nhà, một món chôn cạnh dòng suối ở trang trại, một món chôn trong rừng dừa bên bờ biển. Nếu một ngày nào đó họ trở về đây, thì sẽ có thể đào chúng lên lần nữa, giống như cách Alibaba đã tìm ra chìa khóa để mở tung cánh cửa kho báu khép chặt.
Cam Cam chụp hình với rất nhiều bạn bè, em muốn giữ hết làm kỷ niệm, ngoài ra còn tặng cả quà chia tay. Bạn bè của Cam Cam quả thật nhiều không đếm xuể, từ bạn chơi trong khu cho đến bạn học ở nhà trẻ, rồi lại thêm mấy đứa nhỏ cùng tuổi con nhà người quen của bố mẹ. Cam Cam viết cho từng bạn một tấm thiệp viết tay, trong đó là dòng chữ xiêu vẹo nghiêng ngả: “Bạn bè mãi mãi.”
Cam Cam là một em bé rất có mắt thẩm mỹ, em thích những cậu nhóc bảnh tỏn đẹp trai, thích các anh Tây mắt xanh da trắng hay anh người Brazil biết dỗ em vui, thích mấy nhóc trai Thái Lan dáng gầy gầy chạy nhanh như gió, thích người bạn Colombia lần nào gặp cũng tặng em một cái ôm thắm nồng.
Ai em cũng quý, ai em cũng không nỡ xa. Bé con chớp chớp mắt: “Cậu là bạn trai chơi thân nhất của tớ.”
Mấy đứa bé trai đồng thanh đáp: “Cam Cam, cậu cũng là bạn gái chơi thân nhất của tớ.”
“Chúng mình mãi mãi là bạn thân nhất. Ở Trung Quốc tớ sẽ nhớ cậu, cậu không được phản bội tớ đâu, không được chơi với Nana, Ruth, Salah… không được chơi với bạn nữ khác, cậu phải nhớ tớ suốt đời.”
“Đương nhiên rồi, cậu mãi là bạn thân nhất thân nhất của tớ.”
Rồi cô cậu bé ngoắc tay nhau: “Bố tớ bảo bây giờ mình còn quá nhỏ, chỉ làm bạn được thôi… Khi nào mình lớn rồi, chắc mình sẽ còn gặp lại nhau, cậu đến tìm tớ hoặc tớ đến tìm cậu, biết đâu lúc ấy chúng mình có thể dating, cùng đi xem phim đấy.”
Nghe những lời ngây thơ của hai đứa trẻ con, Miêu Tĩnh và Trần Dị chỉ biết nhìn nhau trong mớ cảm xúc ngổn ngang hỗn độn.
Cam Cam ôm một đống quà em trao đổi với bạn về nhà.
“Cam Cam, con không được vậy.” Miêu Tĩnh đỡ trán, “Con không thể nói kiểu đấy với mỗi bạn nam được, các con chỉ là bạn bè thôi.”
“Bố bảo rồi mẹ ạ, giờ là bạn, lúc nào mười sáu tuổi con sẽ được quen bạn trai, con được tìm đối tượng phù hợp trước mà.”
“Trần Dị!” Miêu Tĩnh la làng, “Anh dạy con kiểu gì đấy?”
“Sao thế?” Anh dặt dẹo bước qua, sờ sờ đầu, “Anh chỉ dạy Cam Cam gặp được bạn nam nào con thích thì phải trói chặt một tí thôi mà, anh biết đâu con lại đi nói với từng đứa, có khác nào nuôi cá không cơ.”
“Anh đừng có dạy hư con được không, con mới mấy tuổi!”
“Rồi rồi rồi anh sai rồi.” Anh giơ hai tay đầu hàng, “Em dạy đi, em có kinh nghiệm mà.”
Cam Cam nói leo: “Mẹ có kinh nghiệm gì ạ? Ngày xưa mẹ cũng vậy ạ?”
“Bố ngày xưa vậy đấy, xong được mẹ con chấn chỉnh lại rồi.” Trần Dị cười tí tửng, “Không có mẹ thì sẽ không có bố, cũng không có Cam Cam.”
Miêu Tĩnh lườm anh một cái sắc lẹm.
Sau cuối đến lúc rời Bogota, Miêu Tĩnh và Trần Dị gửi rất nhiều đồ về nước. Hai người không bán nhà mà chỉ giao chìa khóa lại cho người môi giới, công ty từ giờ sẽ do Gino thu vén lo liệu. Khi mọi việc xong xuôi, cả gia đình mới xách vali hành lý, chuẩn bị bước lên đường quay về nước.
Sau hơn ba mươi tiếng hành trình, Trần Dị ẵm Cam Cam đang ngủ say, một lần nữa đặt chân lên vùng đất ấy.
Đằng Thành.
Đã quen với tiết trời cao nguyên mát mẻ ở Bogota, nay trở về với đất quê hương, cái hơi nóng ẩm phả vào mặt trộn cùng thứ mùi chua chua đăng đắng của thực vật cây cối bỗng làm những hình ảnh in dấu trong trí óc xưa kia lũ lượt ùa về.
Trần Dị nắm tay Miêu Tĩnh ra khỏi sân ga.
Người ra đón họ là Ba Tử. Mấy năm không gặp, cậu thanh niên Ba Tử gầy còm ở bệnh viện ngày ấy giờ đã bắt đầu thấy có dấu hiệu của một anh chàng bụng bia.
“Anh Dị!” Ba Tử cười hì hì, mím môi nhìn sang Miêu Tĩnh: “Chào chị dâu.”
“Mừng về nhà, chờ cả nhà bao nhiêu năm rồi đấy.”
Trần Dị điềm tĩnh vỗ vai cậu ta: “Mấy năm nay vất vả cho chú rồi.”
Anh cũng không còn là hạng côn đồ đầu đường xó chợ của khi ấy nữa, không còn là tên chủ lười biếng trụy lạc của quán bida, mà ngày hôm nay đã mang trên mình một phong thái vững vàng cùng sự từng trải đầy phức tạp.
Kỳ thực không có lý do nào nghe thật sự xứng đáng cho việc quay trở về đây. Nhưng hai người đều biết rằng ngay ở nơi này, chỉ cần sợi rễ chưa mục nát, thân lá còn vận chuyển dinh dưỡng đi, dẫu vị có là đắng cay thì người vẫn còn sống nhờ vào nó. Biết đâu chừng lại có một ngày mảnh đất này được phồn thịnh phát triển, để rồi đất trời cùng đơm nên những trái ngọt và hoa thơm.
Miêu Tĩnh chỉ cho Cam Cam xem đó là con đường bố mẹ con từng đi qua, rồi là trung tâm mua sắm từng đến dạo, ngôi trường thời ấy từng theo học. Hóa ra mọi thứ vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí cô, bao nhiêu năm trôi đi mà chưa một lần quên lãng.
Không về căn nhà ở lúc xưa, Ba Tử dẫn họ tới một khu dân cư cao cấp khác. Mấy năm trước Trần Dị đã nhờ Ba Tử mua giúp một căn hộ diện tích lớn nằm biệt lập, sau đó trang trí theo phong cách tương tự căn nhà ở Bogota, ít nhất cũng phải để Cam Cam tập thích nghi với cuộc sống mới.
Ngày đầu tiên xuống máy bay, ba người chỉ ở trong nhà xếp gọn mớ đồ đạc linh tinh. Miêu Tĩnh nấu ba bát mì đơn giản ăn tạm qua bữa.
Cam Cam đi ngủ, Miêu Tĩnh vẫn lúi húi dọn ngoài phòng khách. Trần Dị lấy hai lon bia trong tủ lạnh ra cho cô uống tăng thêm tinh thần chống lại cơn mỏi mệt vì chênh lệch múi giờ. Hai người ngồi xếp bằng dưới sàn xếp lại các loại hồ sơ tài liệu mang về.
“Hôm nào về xem nhé? Không biết bên đấy bây giờ sao rồi nhỉ? Chắc cũng phải xử lý đống đồ cũ thôi, có khi hư hỏng hết rồi.”
“Cứ từ từ, lo mấy chuyện trước mắt đã. Em còn phải đến công ty nhận chức trước, rồi tìm trường cho Cam Cam, anh cũng có vài việc cần làm.” Trần Dị bỗng nhớ tới một chuyện, “À này, Lư Chính Tư gì kia giờ còn ở Đằng Thành không?”
“Chuyển chỗ làm từ hai năm trước rồi.” Miêu Tĩnh cúi đầu, “Về tỉnh Z, cưới vợ sinh con luôn rồi.”
Anh nhướng mày: “Em còn liên lạc với cậu ta à?”
Miêu Tĩnh mím môi cười không trả lời câu ấy của anh, cũng nhớ ra điều gì: “Mẹ em… biết mình về nước, chắc muốn gặp mình một lần, gặp Cam Cam, rồi… gặp anh. Chỉ là bà vẫn không vượt qua được rào cản trong lòng thôi.”
“Gặp đi, ai vượt qua cái rào này nổi.” Trần Dị vô tư nhún vai, “Nếu bà ấy muốn đến, chẳng lẽ anh còn đóng cửa từ chối gặp được nữa chắc. Mẹ kế thành mẹ vợ, có tí thù cũ hận cũ thì đã sao, anh tình nguyện sẵn sàng gọi bà ấy tiếng mẹ cơ mà.”
“Trần Dị.”
“Ừ.”
Cô cười duyên: “Đằng Thành có lẽ là thành phố may mắn của em, thực ra em không ngờ mình lại quay về đây năm lần bảy lượt thế này. Nhưng năm tám tuổi lần đầu ngồi trên tàu lửa, lòng em đã ôm nhiều chờ mong vào Đằng Thành, chỉ cần khỏi phải chịu đựng mùa đông tuyết dày đặc nữa, bất kể tương lai có ra sao, thì đây cũng là một nơi rất tốt rất tốt.”
“Lúc đó là em gái anh, bây giờ là vợ anh, phải nâng yêu cầu cao lên tí nữa.” Anh trở tay chống xuống đất, tay kia cầm lon bia uống một hơi cạn, “Nếu có khả năng, anh cũng muốn mua đứt nửa cái Đằng Thành tặng em, đấy mới đúng nghĩa là thành phố may mắn.”
“Thôi anh cứ nằm đấy mơ đi.” Miêu Tĩnh đâm chọc anh, mắt liếc xéo, “Như này là tốt lắm rồi.”
Trần Dị thở dài, thò tay mò bao thuốc trong vali. Anh thường xuyên đem một bao thuốc theo bên mình, nhưng không có bật lửa, những lúc nghĩ ngợi chuyện gì lại quen thói rút điếu thuốc ra ngửi, cầm trong tay mân mê.
“Ngày đẹp thế này, hay phá lệ cho anh hút một điếu đi, cứ thấy thèm một hơi thuốc lá, coi như đền đáp bao nhiêu thăng trầm những năm qua.”
Miêu Tĩnh chỉ chịu cho anh rít một hơi.
Anh đứng dậy đi vào bếp bật bếp gas châm thuốc, xong lại quay ra ngồi cạnh Miêu Tĩnh, đưa điếu thuốc sang: “Em hút đi.”
Miêu Tĩnh ra chiều ghét bỏ, nhăn nhó ghé tới gần đầu lọc khẽ rít vào hơi nông.
Bờ môi anh thình lình ập xuống, hút lấy vị ngòn ngọt pha mùi nicôtin lan tràn trong khoang miệng cô; nụ hôn đưa lối cho khói thuốc luồn lách qua cánh môi hai người, thổi bùng lên cảm giác êm dịu thơm ngọt mà lại ngây ngây váng vất.
Cả hai cùng ngã nằm ra sàn, điếu thuốc kia không bỏ vào miệng mà luôn được kẹp nguyên giữa ngón tay anh. Qua một lúc cũng khá lâu, làn khói xanh nhạt dập dờn vấn vít quanh hai người, một đoạn tàn thuốc dài lẳng lặng rơi xuống nền đất, cuối cùng tất thảy đều chìm vào lặng im, như thể đang sống lại thời khắc rung động thuở thiếu niên trong căn nhà chỉ có mình hai người, trong những âu yếm thân mật và nụ hôn đượm vị thuốc lá, đến tận bây giờ chưa một người nào quên.
Sau khi về Đằng Thành với cuộc sống mới đầy ắp kế hoạch, Trần Dị đi lấy xe trước. Lái lại chiếc Cadillac sau nhiều năm xa cách, không có anh, nó cũng chỉ là một thứ kỷ niệm. Miêu Tĩnh nhận chức kỹ sư thiết kế tại một công ty phụ tùng ô tô mới mọc lên ở Đằng Thành. Công ty nằm sát cạnh xưởng sản xuất phụ tùng gốc của công ty cũ, nhân tiện cô mua luôn ở xưởng một chiếc xe lăn điện scooter.
Về phần Cam Cam sắp lên tiểu học, ngoài việc phải tìm một ngôi trường tạo được cho con sự thân thuộc thì còn phải tìm thêm bạn bè để con chơi cùng. Vừa khéo có hai đứa nhóc nhà Ba Tử, lâu lâu lại dẫn cả lũ ra công viên chơi mấy vòng. Vì vậy mà Miêu Tĩnh còn đặc cách cho Trần Dị mười giờ tối được phép đưa con đi dạo chợ đêm, ăn bữa khuya. Khu chợ sáng choang ánh đèn và dòng người đông nghịt làm Cam Cam choáng váng, hồi ở Bogota em chưa từng bước chân ra khỏi nhà sau chín giờ tối, cũng chưa từng một mình đi vào hàng quán ven đường mua kem mà không có người lớn theo sát trông chừng.
Bận bịu xã giao, Trần Dị mời Chu Khang An về nhà ăn một bữa cơm tối thịnh soạn. Đương nhiên trước hết còn phải đi nhậu nhẹt tiệc tùng, ôn lại chuyện cũ với đám Ba Tử, bữa này anh cũng dẫn Miêu Tĩnh theo. Lúc Miêu Tĩnh vừa bước vào, bầu không khí cả gian phòng bỗng hơi sượng lại một thoáng.
Người trong cuộc sao đã quên ngày xưa lúc còn là anh em, hai người này từng thờ ơ ghẻ lạnh nhau cỡ nào, Miêu Tĩnh không buồn đoái hoài gì đến Trần Dị, nói chuyện không bao giờ khách sáo, có những bữa còn lạnh lùng móc mỉa Trần Dị. Ba Tử mãi không thể nào quên hôm ở bệnh viện ấy, một sự gượng gạo bức bối bao trùm khi Miêu Tĩnh buông những lời giễu cợt anh ngay trước mặt mọi người; và cả hai năm đầu lúc mới đến Bogota, trong khi Miêu Tĩnh gánh mọi trách nhiệm nuôi gia đình thì anh lại phải ở nhà giặt đồ nấu cơm, ngậm ngùi làm người đàn ông nội trợ. Nào đâu ngờ giờ đây trên bàn rượu này, Miêu Tĩnh ngồi hết mực dịu dàng bên Trần Dị, nhất nhất chiều theo ý anh, chủ động châm trà rót nước cho anh, nhìn vào mà ai ai cũng thiếu điều đánh rơi con mắt.
“Anh Dị đúng là cao tay.” Cả đám tâng bốc tận mây xanh, “Đi tới đâu cũng làm nên chuyện, con gái dễ thương, chị dâu cũng chu đáo.”
Trần Dị chậm rãi ăn con tôm Miêu Tĩnh bóc sẵn, nhướng cao hàng mày: “Ra đường muốn làm gì cũng được, nhưng ở nhà cũng phải có tí khí phách chứ.”
Kết thúc bữa tối, ra về Ba Tử lại vô tình bắt gặp Miêu Tĩnh đá Trần Dị một cú lúc lên xe.
Trần Dị có hợp tác với một người bạn Colombia để thành lập một nhà xưởng nhỏ đặt tại Quảng Châu, Colombia là thị trường tiêu thụ chính. Về Đằng Thành rồi, anh cũng phải bắt tay vào chăm chút cho công ty mậu dịch. Ngoài ra anh còn đem theo về một khoản vốn đầu tư đã được chuẩn bị từ trước khi về nước.
Hôm ấy rốt cuộc Trần Dị cũng đưa Miêu Tĩnh và Cam Cam về căn nhà cũ một chuyến.
Khu dân cư ấy nay thành đống đổ nát tan hoang, khu vực xung quanh bị phá dỡ ráo trọi, chẳng còn sót lại chút dấu vết nào từ quá khứ. Duy chỉ có hai tòa nhà cũ kỹ phủ bụi đứng trơ trọi giữa khung cảnh lạ lẫm trông hệt một cụ già khọm rọm mất hết đi toàn bộ sức sống.
Trên bức tường sắc xám có viết chữ “Bỏ” thật to.
“Bố mẹ ơi, nhà ở đây tồi tàn quá.” Cam Cam tò mò nhìn quanh quất tứ phía.
Tiếng cọt kẹt do gỉ sét vang lên khi chiếc chìa khóa được c ắm vào ổ. Đẩy cửa bước vào, đồ đạc bày biện nhìn sao mà vừa lạ vừa thân quen – gian nhà với hai buồng ngủ và một phòng khách, những đồ dùng cũ bám đầy bụi, ghế sô pha và tivi được phủ tấm vải chống bụi. Đẩy mạnh cánh cửa hai buồng ngủ ra, bụi mù bơi theo luồng không khí xộc thẳng vào mũi – một cách bài trí sơ sài với hai cái giường trống trơn dễ thấy.
Buồng bên trái là của Trần Dị, buồng bên phải là của Miêu Tĩnh.
“Đây là ngôi nhà nơi bố mẹ lớn lên, là căn buồng bố mẹ từng ở.”
“Kia là quần áo thời trẻ bố mẹ mặc, sách giáo khoa mẹ học hồi bé, cái đồng hồ báo thức réo inh tai mười mấy năm, cái cốc bố mẹ dùng chung uống nước…”
Miêu Tĩnh di ngón tay qua bức tường, xoa đi lớp bụi bám lại nơi đầu ngón, bỗng dưng lại thấy vành mắt nhức nhối cay cay. Cam Cam cầm tay mẹ, hồn nhiên hỏi: “Mẹ ơi, từ bé bố mẹ đã sống bên nhau rồi hả mẹ? Chỉ mình bố mẹ ở trong nhà này thôi sao mẹ? Bố mẹ của bố mẹ đâu rồi ạ?”
Cô gượng cười với con gái, hai giọt nước mắt ứa tuôn lăn dài trên bờ má.
Trần Dị sờ đầu con gái, cặp mắt anh thẳm sâu, cũng lặng thinh không nói gì, chỉ dang tay ôm cả Miêu Tĩnh và Cam Cam vào lòng.
“Khéo là kịp, khu này sắp bị dỡ sạch rồi. Anh sẽ mua lại miếng đất, Miêu Tĩnh, phong thủy tốt như này, em thử tưởng tượng tương lai xem… bấy nhiêu đây đều là của em hết…”
Có lẽ không mua được cho em một thành bố, nhưng ít ra vẫn có thể mua cho em một mái nhà…
Ở nơi đầu tiên ta đã gặp.
HẾT.
Lời tác giả: Trước cứ thấy mình có nhiều cái để nói quá, nhưng dần rồi lại không biết phải nói gì, nên nói gì nữa cả. Thôi thì tại đây, xin gửi lời cảm ơn đến tất cả bạn đọc, cảm ơn các bạn đã đồng hành bên tôi suốt chặng đường này, đã ủng hộ, cổ vũ và tin tưởng tôi, cảm ơn rất nhiều!!