Chương 6: U cốc gặp kỳ duyên

Qua những lời tâm sự mới biết Bạch Mai Nữ Hoàng Phủ Bích Hà cũng có một thân thế mờ mịt.
Nàng chưa biết gì về phụ mẫu, và cả một quãng đời quá khứ.
Cách đây chẳng bao lâu, ngay cả tên họ của mình, nàng cũng không biết, mà chỉ nghe tôn sư gọi mình là Hà nhi.


Một hôm, Mai Phong Tuyết Lão gọi nàng đến, bảo rằng :
- Hà nhi, ta có việc cần cho con rồi đây.
Hoàng Phủ Bích Hà vội quỳ xuống trước mặt Tuyết Lão :
- Bẫm sư mẫu, con chờ lệnh.
Mai Phong Tuyết Lão vỗ nhẹ lên mái tóc mềm mại của Hoàng Phủ Bích Hà rồi nói giọng dịu dàng.


- Năm nay con mười tám tuổi rồi, đã là cô gái trưởng thành rồi đấy con ạ. Toàn bộ võ công của ta đã truyền hết cho con, kể ra con rất thông minh nên mới lĩnh hội được hết chưởng pháp, nội công. Khí lực của con đã đạt đến bảy tám phần hỏa hầu. Nay đã đến lúc ta cho con xuống núi để học thêm kinh nghiệm trong giang hồ, mới trở thành cao thủ được.


Những lời Mai Phong Tuyết Lão làm Hoàng Phủ Bích Hà bàng hoàng. Mười mấy năm qua, nàng sống trong vòng tay của bà, vừa được yêu chiều nuôi dưỡng, vừa được rèn luyện võ công. Ngoài nghĩa thầy trò còn là tình mẫu tử. Nay đột nhiên nghe sư mẫu truyền lệnh xuống núi, dấn thân bôn tẩu giang hồ, Hoàng Phủ Bích Hà cảm thấy như sét nổ bên tai.


Nàng ôm chầm lấy Mai Phong Tuyết Lão, bật khóc :
- Không, con chẳng đi đâu.
Mai Phong Tuyết Lão cũng không ngăn được dòng lệ, nhưng bà vội đưa cánh tay áo lau nhanh, và âu yếm vuốt ve Hoàng Phủ Bích Hà, rồi tìm cách nói từ từ cho đứa học trò thân yêu thấu hiểu.
Bà nuốt lệ, cố nở nụ cười tươi :


- Thôi được, trước hết ta kể cho con nghe một câu chuyện cổ tích nhé.
Hoàng Phủ Bích Hà vui vẻ hẳn lên :
- Vâng, sư mẫu kể đi. Chuyện cổ tích thì con rất thích nghe.
Giọng Mai Phong Tuyết Lão trầm trầm :


available on google playdownload on app store


- Chuyện cũng chưa xa lắm đâu con ạ. Mười bảy năm trước, ta từ xa trở về sơn động này, dọc đường núi bỗng nghe tiếng trẻ khóc. Ta lần theo triền đá, đến một mô đất cao, thì thấy trên khóm trúc có một bọc vải vàng, bên trong có đứa bé gái chưa đầy tuổi. Ta nghĩ đây là đứa bé bị bỏ rơi rất tội nghiệp nên ẵm bồng về sơn động.


Chợt hiểu ra ngay, Hoàng Phủ Bích Hà kêu lên :
- Ôi, không phải chuyện đời xưa đâu. Đứa bé bị bỏ rơi ấy có phải là Hà nhi không?
Mai Phong Tuyết Lão nghiêm mặt nói :
- Con ngoan ngoãn nghe lời ta nói. Nếu không vâng lời, ta sẽ không nói nữa đâu.


Hoàng Phủ Bích Hà vội nép mình bên sư mẫu, lẳng lặng không dám hé môi. Mai Phong Tuyết Lão mới kể tiếp :
- Ta bồng đứa bé về, thấy trong bọc có một mảnh lụa ghi những hàng chữ bằng máu.


Toàn thân Hoàng Phủ Bích Hà chấn động. Nàng định kêu lên, nhưng nhớ lệnh thầy, vội nín lặng, chỉ mở lớn đôi mắt nhìn Tuyết Lão.
Bà nói rõ từng tiếng :
- Mấy hàng chữ ấy có một nội dung ghê gớm: Cha đứa bé này là Hoàng Phủ Vân Long đã ch.ết, mẹ nó cũng sắp ch.ết bởi bị thương nặng...


Kể lại chuyện xưa mà Mai Phong Tuyết Lão vẫn như còn xúc động, bà nhìn Hoàng Phủ Bích Hà rồi chậm rãi bảo :
- Lá huyết thư ngắn ngủi ấy cho ta biết tên đứa bé, và mẹ nó nhắn rằng bà ta sắp ch.ết. Song một người biết mình sắp ch.ết là vì sao, Hà nhi có đoán được không?


Thoáng một khắc suy nghĩ, Hoàng Phủ Bích Hà nói :
- Bẫm sư mẫu, chắc bà ấy bị địch thủ đánh trọng thương nên mới biết được mình sắp ch.ết.
Mai Phong Tuyết Lão gật đầu :


- Đúng thế đấy, ta xem kỹ thêm thì thấy trên chiếc áo nhỏ mặc cho đứa bé có thêm một đóa mai. Đã lâu lắm ta không ra giang hồ nên cho tới nay, ta cũng chưa hiểu rõ việc này.
Hoàng Phủ Bích Hà tỏ vẻ xúc động lắm, nàng lại hỏi :
- Sao sư mẫu không đi điều tr.a thử xem?
Mai Phong Tuyết Lão thở dài :


- Ta lo nuôi con bé, phải vào núi tìm sữa hươu nai cho nó bú, còn săn sóc nó trong những lúc nó ốm đau, nên làm sao có thời gian đi điều tr.a chuyện giang hồ.


Biết sư mẫu săn sóc, nuôi dưỡng đứa bé đó chắc là mình, Hoàng Phủ Bích Hà cảm động ôm chặt bên hông Mai Phong Tuyết Lão, trong khi tiếng nói của bà vẫn đều đều :


- Khi con bé được hơn ba tuổi, ta dẫn nó xuống núi, đi khắp nơi dò hỏi mới biết Hoàng Phủ Vân Long nổi danh đương thời, cùng một người nữa, nên có danh hiệu Long Hổ song hiệp, có biệt hiệu Càn Khôn Kiếm, bởi đường kiếm của ông ta thuộc hàng thiên hạ vô địch. Nhưng chẳng hiểu vì gặp kẻ thù ghê gớm nào mà Hoàng Phủ Vân Long biến mất, cái tên Long Hổ song hiệp cũng không còn nghe người ta nhắc đến nữa. Theo nội dung huyết thư ngày nào, thì con bé chính là đứa con sống sót của Hoàng Phủ Vân Long, song Hoàng Phủ Vân Long chưa lập gia đình bao giờ, sao lại có con gái được?


Hoàng Phủ Bích Hà xúc động đến lạc giọng :
- Kỳ lạ thật đấy. Sư mẫu có điều tr.a về chuyện này chăng?
Mai Phong Tuyết Lão vỗ vào vai Hoàng Phủ Bích Hà :


- Đã bảo ta không có thời gian, ta chỉ lo nuôi con bé, và lấy tên động phủ này đặt tên cho nó là Bích Hà, nhưng còn họ của nó phải chờ hỏi lại sự việc rõ ràng mới được. Mãi đến năm này, khi gặp Liễu Không tăng thiền sư, ta mới hay rằng quả thật con bé là con gái của Hoàng Phủ Vân Long và mẹ nó là Bạch Mai Nương đấy.


Bà đập nhẹ vào vai cô gái :
- Hẳn con cũng biết ra rồi, đứa con gái ấy chính là con. Từ nay cho đến trọn đời, con sẽ mang tên Hoàng Phủ Bích Hà.


Mặc dù đã dự đoán được, nhưng khi nghe sư mẫu xác nhận rõ ràng thì sự xúc động của nàng lên đến cao điểm. Hoàng Phủ Bích Hà bật khóc thê thảm trong vòng tay sư mẫu thân yêu.
Để yên Hoàng Phủ Bích Hà khóc cho vơi nỗi buồn, lát sau Mai Phong Tuyết Lão mới xoa nhẹ lưng nàng và bảo :


- Hà nhi đừng nên khóc nữa, bây giờ con đã rõ lai lịch và thân thế của con. Hãy để tâm trí vào việc báo thù cho cha mẹ con. Liễu Không tăng còn nói tháng chạp năm nay con lên Ngũ Mai lĩnh sẽ gặp được kỳ duyên. Bởi vào năm nay, Bạch Mai Linh Quả sẽ chín, cao thủ các môn phái đều đến đó, mong tranh đoạt Linh Quả. Nếu con may mắn tìm hái và ăn được Linh Quả thì công lực sẽ tăng lên gấp trăm lần. Việc báo thù của con sẽ dễ dàng hơn. Cho dù không ăn được Linh Quả, con cũng có cơ hội tìm ra kẻ thù, hoặc kết giao được nhiều bằng hữu, hỗ trợ hữu ích cho con về sau. Vậy con không cần ở mãi trong động Bích Hà này nữa cho uổng phí tuổi xuân, và thù nhà biết bao giờ mới rửa được? Con nên nhớ mẹ con là Bạch Mai Nương, cháu ngoại của Địch lão gia. Cả nhà họ Địch ba đời đều bị ám hại trên Ngũ Mai lĩnh khi đi tìm Bạch Mai Linh Quả. Con hãy cẩn thận điều tr.a cho rõ kẻ thù giết ông và cha mẹ con.


Đôi mắt Hoàng Phủ Bích Hà chợt long lanh sáng, nàng quả quyết nói :
- Hà nhi sẽ chính tay giết ch.ết kẻ thù, trả hận cho gia đình. Nhưng kẻ ấy là ai, sư mẫu có thể cho con biết tên được không?
Mai Phong Tuyết Lão thở dài nói :


- Thời gian đầu ta lo nuôi con, thời gian sau ta bận dốc tâm truyền võ công cho con nên làm sao điều tr.a được. Nhưng căn cứ sự việc mà luận thì kẻ thù của con phải là nhân vật cực kỳ gian trá và võ công siêu việt trong thiên hạ, bởi cha của con là Hoàng Phủ Vân Long chưởng lực và kiếm pháp lừng lẫy đương thời, nếu không phải tay cao thủ ghê gớm thì làm sao bức hại gia đình con được? Hơn nữa, trong huyết thư để lại, mẹ con không ghi rõ được tên kẻ thù, đủ biết hắn là kẻ xuất quỷ nhập thần. Việc báo thù của con chẳng phải đơn giản đâu.


Hoàng Phủ Bích Hà vừa tức giận vừa lo lắng hỏi :
- Phiên Vân chưởng và Phiên Vân kiếm pháp của sư mẫu chưa phải là đệ nhất thiên hạ hay sao?
Nghe Hoàng Phủ Bích Hà hỏi, Mai Phong Tuyết Lão cười khà khà :


- Luận về võ công, ta chưa từng phục kẻ nào. Liễu Không tăng được xem là đệ nhất thiên hạ, nhưng ta luyện vài năm, lúc bằng tuổi ông ấy, ta cũng dư sức vượt qua.
Bà trầm giọng tiếp :


- Phiên Vân chưởng và Phiên Vân kiếm của ta đích thực là võ công thiên hạ vô địch. Nhưng con tu học còn non ngày tháng, hỏa hầu chưa đủ. Ra giang hồ bây giờ, kẻ nào ngang bằng là con có thể thắng, nhưng với cao thủ tuyệt luân và những bậc tiền bối thì con chưa sánh bằng. Vả lại, nếu kẻ thù của con là bàng môn tả đạo, chúng có những môn Ma công độc hiểm, ám khí tuyệt độc. Nếu con không cẩn thận, sẽ ôm hận một đời. Như Liễu Không tăng thiền sư tu luyện đến mức tuyệt đỉnh, mà cũng không nói rõ danh tính kẻ thù ám hại gia đình con, đủ biết ông ta còn phải kiêng kỵ một nhân vật ghê gớm. Con quyết tâm trả thù là tốt, nhưng cần bình tĩnh và hết sức thận trọng.


Nghe những lời phân tích của Mai Phong Tuyết Lão, Hoàng Phủ Bích Hà cảm thấy kẻ thù của mình thật đáng sợ, nhưng nàng vẫn nói rất cứng rắn :
- Dù kẻ thù của con là kẻ nguy hiểm tuyệt độc, nhưng con cũng nhất quyết phải đâm gươm thủng phổi, giáng chưởng vỡ sọ nó ra. Phải đổi mạng con cũng không do dự.


Mai Phong Tuyết Lão vuốt tóc Hoàng Phủ Bích Hà tỏ vẻ hài lòng :
- Dũng khí của con rất giống ta hồi trẻ, võ công cũng không làm uổng công truyền dạy của ta. Vậy con cứ theo lời Liễu Không tăng đến Ngũ Mai lĩnh xem kỳ ngộ chuyện gì, rồi qua vùng Giang Nam thăm dò tin tức kẻ thù của con.


Bà đưa tay vào bọc, lấy ra một phong thư trao cho Hoàng Phủ Bích Hà, chậm rãi căn dặn :
- Đây là thư của ta gửi Từ Hàng Sư Thái ở Hàng Châu, nhờ chỉ điểm cho con nhiều điều bổ ích.


Hoàng Phủ Bích Hà tiếp lấy phong thư, lòng nàng quyến luyến không muốn rời sư mẫu. Nhưng nhớ đến cái ch.ết của cha mẹ, lòng lại sôi sục căm thù, liền thu xếp hành trang, lạy chào sư mẫu, lên đường tìm đến Ngũ Mai lĩnh. Song đã lạc bước đến Mặc Nghiên Phong, đụng đầu với Cữu Vĩ Hồ Diễm Nương, và quen biết với Thượng Quan Thuần Tu, Bạch Cương và Hà Thông... Vừa sôi nổi, vừa thú vị.


Chuyện đời của Hoàng Phủ Bích Hà vừa kể xong, Bạch Cương đã xúc động đến ứa lệ. Chàng tự trách mình vô dụng, nếu trình độ võ công khá hơn, chàng sẽ giúp ích cho Hoàng Phủ Bích Hà truy tầm kẻ thù.


Nhìn sắc diện Bạch Cương, Hoàng Phủ Bích Hà lại tưởng mình kể chuyện đời buồn quá, làm Bạch Cương ủ rũ...
Nàng vội nói :
- Bạch đệ không nên buồn, thân thế và số phận hai ta chẳng khác gì nhau bao nhiêu. Nhưng Bạch đệ có Hổ thúc thúc và Sở Quân muội là nguồn an ủi, ta thì chẳng có ai.


Bạch Cương liền vòng tay :
- Thư thư thấy tiểu đệ buồn là chỉ vì ân hận không có võ công tuyệt vời, giúp thư thư tầm thù rửa hận, còn vô tình làm gánh nặng để thư thư phải bảo bọc, chở che.


Những lời chân thành của Bạch Cương làm Hoàng Phủ Bích Hà rung động trong tim. Nàng cảm nhận được chàng trai này rất nhiệt tình với nàng.
Hoàng Phủ Bích Hà nhỏ nhẹ nói :
- Bạch đệ không nên suy nghĩ nhiều. Việc báo thù cho gia đình không thể mượn tay kẻ khác. Bạch đệ đừng quá lo lắng cho ta.


Hà Thông chợt la lên :
- Ôi, mặt trời đã quá ngọn cây rồi. Đừng nhiều lời tâm sự nữa, hãy lên đường thôi.
Vừa nói, chàng ta vừa xốc hành lý lên vai, bước đi thình thịch.
Miệng mỉm cười, Hoàng Phủ Bích Hà bảo :
- Ngốc huynh đệ tính tình bộc trực, ta nên đi nhanh, đừng để hắn cười.


Vượt qua những dốc đá, băng luôn mấy thung lũng thì mặt trời đã ở đỉnh đầu.
Lúc này, cả ba lọt vào vùng rừng núi hoang vu, Bạch Cương liền lớn tiếng nói :
- Ta hãy tạm dừng chân, ăn chút gì vào bụng đã.
Nghe đến ăn là Hà Thông sáng mắt lên, nhưng chàng ta lại kêu :


- Trời đất ơi, ta đi gấp quá, không chuẩn bị lương khô, bây giờ lấy gì mà ăn chứ?
Hoàng Phủ Bích Hà bật cười :
- Đừng lo, ta có lương thực đây.


Ba người ngồi xuống một gốc cây, Hoàng Phủ Bích Hà mở bọc lấy ra ba cái bánh bằng bàn tay... Lấy ra bốn lần được cả thảy mười hai cái bánh bột khô thơm phức.
Nàng nói dịu dàng :


- Mười hai cái bánh bột sen này ta mang theo để ăn ba ngày đường. Nhưng bây giờ chỉ ăn một bữa, mỗi người bốn cái được chưa?
Hà Thông liếc mớ bánh, “xì” một tiếng :
- Tưởng gì, những cái bánh này không đủ một góc bao tử của ta.
Bạch Cương trừng mắt :


- Thì ăn đỡ lót lòng, lát nữa tìm thú núi, nai rừng nướng thịt ăn thêm.
Chỉ đớp bốn miếng là Hà Thông đã ăn hết phần mình, rồi chép miệng :
- Ôi trời, không đủ lọt kẽ răng...
Hoàng Phủ Bích Hà và Bạch Cương nhịn bớt phần, chia thêm cho Hà Thông mỗi người một cái bánh nữa...


Bạch Cương hỏi :
- Đã no chưa?
Lắc đầu quầy quậy, Hà Thông đáp :
- Mới lưng lửng bụng.
Chợt chàng la lên :
- Bắt lấy nó, bắt lấy nó...
Thì ra có con khỉ mặt ngựa, thường gọi là Mã Hầu mới chạy ngang. Hà Thông co giò phóng theo con khỉ.


Phải chi Hà Thông kêu nhỏ, nhờ Hoàng Phủ Bích Hà bắt giùm con khỉ mặt ngựa ấy thì với khinh công tuyệt kỹ, nàng phóng tới chặn đầu, chụp bắt nó dễ dàng. Đằng này, Hà Thông la lớn quá, con khỉ hoảng sợ nhảy vọt qua ghềnh đá mất tiêu. Hà Thông chỉ còn biết hùng hục đuổi theo.


Hoàng Phủ Bích Hà nhìn Hà Thông bật cười :
- Ngốc huynh đệ ấy chỉ có sức mạnh tay chân để đuổi bắt khỉ, thật uổng công. Lát nữa hắn trở về với hai bàn tay không, chúng ta sẽ cười chơi.
Bạch Cương gật đầu :


- Hà Thông vốn háu ăn và hiếu thắng. Cho hắn rượt khỉ một lần để thêm kinh nghiệm giang hồ.
Hai người lại ngồi nói chuyện tào lao, chờ Hà Thông trở lại với gương mặt bí xị.
Nhưng chờ mãi, cả hai nói nhiều thứ chuyện trở nên nhạt nhẽo mà chẳng thấy Hà Thông quay về.


Lúc đó Bạch Cương mới bồn chồn trong dạ, la lên :
- Ôi, con trâu nước này đi đâu mất tiêu rồi. Coi chừng hắn đã lâm nạn, ta đi tìm thử xem.
Cùng một ý nghĩ lo lắng cho Hà Thông, nên Hoàng Phủ Bích Hà đứng dậy :
- Phải đấy, đành đi tìm gã vô dụng này thôi.


Hai người sánh vai đi qua triền đá thì thấy một hang động vắng lặng, bên trong tối đen.
Bạch Cương nói :
- Chắc Hà Thông rượt con khỉ vào u cốc này rồi.
Chàng bắt tay lên miệng gọi tên Hà Thông, nhưng chỉ có tiếng vang từ u cốc ngân theo, mà chẳng có tiếng trả lời.
Vừa giận vừa lo, chàng bảo :


- Thư thư ở ngoài này chờ, tiểu đệ vào trong xem thử.
Hoàng Phủ Bích Hà lắc đầu :
- U cốc bí hiểm, để ta đi cùng với Bạch đệ.


Hai người lần bước vào hang tối, bên trong dây leo chằng chịt nên không thể sử dụng khinh thân bay nhảy gì được, thế mà Bạch Cương cứ nóng lòng đi nhanh để tìm Hà Thông, nên phóng vọt lên cao.
Giật mình, Hoàng Phủ Bích Hà vội kêu :
- Bạch đệ, coi chừng vướng dây đó.


Quả thật, chỉ nghe “ôi” một tiếng, Bạch Cương chạm phải một búi dây leo, ngã bật xuống.
Trong lúc bất ngờ, Hoàng Phủ Bích Hà giang tay đỡ, nhưng nàng chưa kịp vận khí, nên cả khối thịt của Bạch Cương rơi xuống làm nàng chới với ngã ngửa. Còn Bạch Cương nằm úp lên mình nàng.


Vừa bối rối, vừa mắc cỡ, Hoàng Phủ Bích Hà đỏ mặt vận lực quăng Bạch Cương qua một bên, mà trong lòng vẫn còn bồi hồi xao xuyến.
Nàng bực tức gằn giọng :
- Ôi, ngươi thật đáng ghét, làm ta bị...


Nàng định nói “...làm ta bị ngươi đè”, nhưng vội ngưng ngang, chỉ “hừm” một tiếng rồi vuốt lại tà áo.
Bạch Cương biết lỗi của mình, vội vòng tay cúi đầu :
- Xin lỗi thư thư, đệ thật vô dụng.
Hoàng Phủ Bích Hà xua tay :


- Khỏi cần nói chuyện xin lỗi gì nữa. Mau kêu thử ngốc huynh đệ ấy vài tiếng xem nào.
Hai người đi trong hang tối một lúc thì thấy có hai lối rẽ, ở ngoài vọng vào tiếng khỉ kêu.
Gương mặt tươi lên, Hoàng Phủ Bích Hà bảo :


- Chắc Hà Thông đang rượt khỉ ở bên kia hang động, ta chia làm hai ngã đi tìm hắn, và sẽ gặp lại ở ngoài hang.
Thế là Hoàng Phủ Bích Hà rút kiếm chặt dây leo rẽ qua một lối, để Bạch Cương đi nhánh khác.


Bạch Cương đi một lúc đã qua khỏi lòng u cốc thì thấy bên kia là cánh rừng cây cối bạt ngàn.


Lúc này bụng đã đói meo, nhưng may mắn trong rừng có nhiều cây táo, quả lớn và chín vàng ngon lành. Bạch Cương nhảy lên cành hái táo ăn, lại bỏ vào bọc cả chục trái, rồi tiếp tục đi trong rừng, miệng không ngớt kêu tên Hà Thông.


Nhưng đi đã oải quá, ăn vào lại khát nước đến rã rời, Bạch Cương mệt mỏi ngồi xuống một gốc cây để nghỉ.
Lúc ngửa mặt thở, Bạch Cương bỗng cảm thấy một mùi thơm kỳ lạ lan tỏa trong không khí, lọt vào khứu giác làm chàng hết sức dễ chịu. Chàng ngó kỹ trên cành cây và kêu lên :


- Ôi, trái gì lạ quá!
Sự thật trên cành cây có một loài dây leo, với những trái màu xanh bằng cái trứng ngỗng bóng lưỡng, bên trong như chứa đầy nước.


Bạch Cương liền nhảy tót lên hái mấy trái đem xuống. Cầm trái ấy trong tay, chàng thấy rõ bên trong có nhiều nước nên trái rất mềm. Đưa lên mũi ngửi, Bạch Cương nhận ra mùi thơm ngào ngạt chính từ trái tiết ra.


Đang khát nước khô cổ, Bạch Cương đưa ngay trái vào miệng cắn. Vỏ mỏng của trái vừa vỡ, một chất nước ngọt ngào thơm ngát trôi vào họng chàng, làm Bạch Cương vô cùng khoan khoái.
Cơn khát và bao nhiêu mệt nhọc bỗng tan biến, cảm giác lâng lâng khó tả.


Dây leo này chỉ có ba trái, chàng lần lượt ăn hết cả ba, tinh thần trở nên sáng suốt, sức khỏe như tăng thêm rất nhiều.


Bạch Cương tự nghĩ, không hiểu đây là trái gì mà có công hiệu quý báu đến thế, bèn nhìn lên xem còn trái nào để hái ăn bằng hết, nhưng chàng ngạc nhiên xiết bao... Dây leo hồi nãy vừa xanh tươi như thế, mà bây giờ đã héo tàn, mấy chiếc lá đỏ au cũng khô quắt, rơi rụng, tuyệt nhiên không còn trái nào, ngoài ba trái chàng đã ăn.


Bạch Cương gật gù, lẩm bẩm :
- Lạ thật, lạ thật. Trái này chỉ có một dây ba quả. Khi đã hái hết ba trái là dây ch.ết khô. Nước trong trái có công hiệu bổ khỏe ly kỳ, vậy hẳn ta gặp kỳ duyên, ăn được loại trái quý hiếm chưa từng thấy.


Lúc này Bạch Cương cảm thấy khí lực hết sức sung mãn, liền tiếp tục đi tới. Vượt qua khỏi rừng cây, chàng quay nhìn lại không còn thấy u cốc đâu nữa, biết là mình rời khỏi hang động ấy xa lắm rồi.
Trước mặt là con đường dốc đứng, Bạch Cương nhìn dáo dác chẳng thấy bóng người nào.


Chàng lại cằn nhằn :
- Hà Thông chẳng thấy, Hoàng Phủ Bích Hà cũng mất tiêu luôn, bây giờ ta đi với ai đây hở trời?
Đang chán nản, bỗng Bạch Cương nghe có tiếng Hà Thông la lớn :
- Ối chao, tìm hoài không thấy nó, chẳng biết nó ở đâu?


Ngước mặt nhìn lên, Bạch Cương nhận ra Hà Thông đang từ trên đầu dốc chạy xuống, vai vác chiếc hũ bằng đá, tay cầm cái giỏ lam.
Chàng liền nhảy tới đón đầu, và hỏi nhanh :
- Hà Thông ơi, ngươi đi đâu để bọn ta tìm muốn ch.ết không thấy, vậy mà ngươi còn la đang tìm kiếm ai đấy?


Cũng vừa nhận ra Bạch Cương, Hà Thông đặt chiếc hũ đá xuống, cười hì hì :
- Ta với Hoàng Phủ Bích Hà đi tìm ngươi chứ còn ai, bọn ta tưởng ngươi đã bị con dã nhân nào cõng đi mất rồi.
Bạch Cương vội hỏi :
- Hoàng Phủ Bích Hà thư thư đâu?
Hà Thông trỏ tay :
- Cô ấy kìa...


Quả nhiên Hoàng Phủ Bích Hà đang chạy tới, miệng mắng lớn :
- Hai bọn ngươi thật là phiền quá, tìm được một tên, lại lạc mất một tên.
Nàng dừng bước trước mặt Bạch Cương, bỗng nhận ra thần sắc chàng trai sáng rỡ, đầy sinh lực, bèn hỏi :


- Ta tưởng Bạch đệ xuyên u cốc, lại vượt rừng, bây giờ đã rũ rượi ra, nhưng sao trông ngươi còn khỏe hơn nữa vậy?
Bạch Cương cũng không hiểu tại sao mình có thần lực trong người, bèn thuật lại chuyện mình được ăn trái lạ.
Hoàng Phủ Bích Hà thừ mặt suy nghĩ, chợt kêu lên :


- Thôi đúng rồi, ba trái mà Bạch đệ ăn chính là Chu Đằng Thủy Quả, còn gọi là Tam Bảo Quả, vì mỗi dây quý hiếm ấy chỉ có ba trái.
Hà Thông hỏi ngay :
- Chu Đằng Thủy Quả có gì là quý?
Hoàng Phủ Bích Hà mỉm cười :


- Ngốc huynh đệ chẳng biết được đâu, ta nghe ân sư nói lại rằng Chu Đằng Thủy Quả rất quý, ai ăn được trái này có thể đạt công lực bằng ba mươi năm khổ luyện nội công tâm pháp. Vậy Bạch đệ hãy thử xem!
Bạch Cương phấn khởi nói :


- Nếu được vậy thì còn gì sung sướng hơn. Nhưng thử bằng cách nào hả thư thư?
Hoàng Phủ Bích Hà trỏ một cây to trước mặt :
- Bạch đệ thử đánh một chiêu vào cây ấy xem sao?


Nhìn cây cổ thụ to cỡ ba người ôm chưa giáp vòng, đứng sừng sững như chóp núi, Bạch Cương không tự tin ở công lực của mình tí nào, song bởi lệnh của Hoàng Phủ Bích Hà, chàng bèn trụ bộ, giương tả chưởng đánh thẳng vào cổ thụ khổng lồ ấy một chiêu Hắc Long Trực Phi.


Chỉ nghe “rầm” một tiếng, thân cây khổng lồ gãy nát làm ba khúc, gốc rễ bật lên, cát đất bay mù mịt.
Hà Thông vỗ tay reo :
- Ôi tuyệt quá, tuyệt quá...






Truyện liên quan