Chương 38
Tất cả những trò này sẽ rất hài hước nếu không nói gì đến hình ảnh của tôi lúc ấy. Tóc tôi hất lên hất xuống với mỗi cú huých của vùng xương chậu, da tôi bừng sáng rực rỡ khi những giọt mồ hôi trườn từ cổ xuống ngực. Cơ tay của tôi cuộn lên mỗi khi tôi phát vào mông cô tình nhân ngu ngơ đáng yêu của mình, cho cô ta ra rồi lại lôi cô ta vào. Nụ cười của tôi kéo dài tới tận mép của cái miệng không phải đeo thiết bị banh hàm và mặt tôi căng ra trong trạng thái đợi chờ tuyệt diệu khi tôi chuẩn bị lên đỉnh.
Tôi phải tắt bộ phim đi: tôi muốn phát bệnh khi phải nhìn thân thể đẹp đẽ từng là của mình, rồi đem so với cái thứ khốn nạn tôi đã trở thành. Tôi muốn phát bệnh khi thấy, mãi mãi được đóng khung trong những thước phim, những giọt mồ hôi trên làn da mượt mà của tôi. Tôi, người không bao giờ có thể đổ mồ hôi được nữa. Đây có phải những gì Fred Astaire cảm thấy khi trở thành một ông già không còn khả năng nhảy múa không? Hình ảnh trai tráng của một con người sẽ trở thành thứ tr.a tấn họ không dứt khi họ về già; hình ảnh đó đã xử tử cả Fred Astaire lẫn tôi.
Khi tôi ấn nút thoát, cái đĩa õng ẹo trượt khỏi đầu video như một cái lưỡi lè ra trêu tức tôi. Tôi mang nó xuống lò sưởi trong phòng khách, đặt nó lên trên một chồng báo. Châm một que diêm, tôi đứng nhìn ngọn lửa bùng lên nuốt chửng cái đĩa phim.
Đó là lần cuối cùng tôi xem một bộ phim cũ của mình.
Sayuri đến chỗ chúng tôi một hoặc hai lần mỗi tuần, luôn luôn mỉm cười khi giúp tôi tập những bài tập với độ khó ngày càng tăng. Kết quả không có gì phải bàn cãi: các cơ co cứng trên cơ thể tôi bắt đầu thư giãn, lưng tôi bắt đầu chuyển dần từ hình dấu hỏi sang dấu chấm than. Tâm điểm của liệu pháp điều trị này là kiềm chế ham muốn sử dụng những cơ khỏe nhất thay vì những cơ thích hợp của cơ thể tôi. Sayuri tập trung giúp tôi đi đúng cách và đi bên cạnh với hai tay đặt lên mạng sườn tôi, bắt tôi giữ thẳng đầu. Cô sửa cách tôi vung tay, giúp tôi tăng khả năng giữ thăng bằng và luôn nhắc tôi nhớ dồn đều sức nặng xuống cả hai chân. Việc này trở nên cực kỳ khó khăn mỗi khi phải đi lên đi xuống cầu thang.
Đã thành thục những chuyển động cơ bản, chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch đi bộ với tốc độ nhanh hơn và với quãng đường xa hơn. Bougatsa cũng đòi theo, vừa chạy quanh vừa sủa ăng ẳng. Sayuri ném cho nó một quả bóng để nó chạy đuổi theo, nhưng chủ yếu là để tống khứ nó đi cho cô có thêm thời gian để ý đến tôi. Khi quay trở về nhà, chúng tôi tập bằng các dụng cụ Marianne Engel đã mua cho tôi. Có một ghế tạ, một máy Nautilus và một chiếc xe đạp tại chỗ. Sayuri tự quyết định món nào sẽ được áp dụng vào quá trình hồi phục của tôi.
Cô luôn luôn kiểm tr.a quần áo bảo vệ của tôi mỗi khi đến và thỉnh thoảng lại tìm được vài chỗ cần sửa chữa. Khi những vết sẹo trên mặt tôi dần lành lại dưới tác dụng liên tục của áp suất, cái mặt nạ của tôi cũng phải chỉnh lại theo. Sayuri sẽ đánh giấy ráp cho phù hợp, và cũng phải mang đến bệnh viện mấy lần để sửa lại. Một lần, cái mặt nạ được sửa xong nhưng lại sai sót; khi tôi chỉ cho Sayuri xem, cô mấp máy vài từ bằng tiếng Nhật: "Saru mo ki kara ochiru." Khi tôi hỏi câu ấy nghĩa là gì, cô trả lời, ""Thậm chí cả khỉ cũng có lúc rơi khỏi cây." Nó nghĩa là..."
Tôi cắt ngang. "... nghĩa là thậm chí cả các chuyên gia cũng có lúc mắc sai lầm. Ừm, tôi đã nghe thấy câu này trước đây rồi."
Khi cô hỏi là ở đâu, tôi bảo cô nên hỏi bạn trai mình ấy. Cần phải nói là, tôi không tin mình đã gặp ai khi đỏ mặt lại có thể đáng yêu đến như Sayuri.
Có một khía cạnh của câu chuyện thời Trung cổ luôn làm tôi thắc mắc hơn bất cứ chuyện gì: việc Gertrud dịch một bản tiếng Đức của Kinh Thánh. Chuyện này, xin nhớ giùm tôi, xảy ra đúng hai trăm năm trước khi Martin Luther bắt tay thực hiện bản dịch nổi tiếng của mình. Nhà thờ đã phản đối kịch liệt tác phẩm của Luther, thế thì sao họ lại có thể cho phép xơ Gertrud làm thế chứ?
Tôi tiếp cận vấn đề theo cách tôi vẫn luôn làm, và kết quả bất ngờ đầu tiên trong nghiên cứu của tôi là phát hiện ra khi cuốn Die Luther Bibel xuất hiện, đã có hàng loạt bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Đức rồi; Luther chỉ đơn giản là người đầu tiên dịch sang ngôn ngữ của lớp người bình dân mà thôi. Những bản dịch trước là những bản dịch bám sát nguyên tác với các thành ngữ khó hiểu và hầu như chỉ những độc giả có thể đọc bản tiếng Latin mới hiểu được.
Bản Kinh Thánh bằng tiếng Đức cổ nhất là một bản dịch theo phong cách Gothic của Ulfilas hồi thế kỷ thứ tư, ra đời trước bản tiếng Latin hàng chục năm. Là một người xuất chúng, Ulfilas nhận thấy cần phải lập cả một bảng chữ cái để viết cuốn sách của mình nên ông đã sáng tạo rất nhiều thuật ngữ Thiên Chúa giáo bằng tiếng Đức đương thời. Chỉ một phần một bản viết tay của cuốn Kinh Thánh này, được biết đến với tên Codex Argenteus hay Silver Bible, là còn tồn tại, hiện được lưu tại Thư viện Quốc gia Uppsala. Sau đó là bản viết vào thế kỷ thứ chín ở Fulda, với bản dịch bốn cuốn đầu tiên trong Kinh Cựu ước bằng tiếng Đức thời Thượng cổ và một bản đầy đủ hơn, nhưng không chính quy, dịch Kinh Thánh vào khoảng năm 1260. Một vài đoạn trong Kinh Thánh, ví dụ như Kinh cầu Chúa, từ lâu đã được dịch sang tiếng Đức, nhưng chẳng có bằng chứng nào xác thực có người đã hoàn chỉnh cả bản Kinh Thánh bằng tiếng Đức tại thời điểm Gertrud được cho là đang dịch nó cả - dù người ta cũng nói rằng không lâu sau đó, vào năm 1350, một bản Kinh Tân ước hoàn chỉnh đã xuất hiện tại Augsburg.
Đến đây mọi thứ đều logic: có lẽ thời điểm đầu thế kỷ mười bốn rất thích hợp cho người ta bắt tay vào thực hiện cả một dự án đồ sộ, vậy tại sao đó không phải là xơ Gertrud của tu viện Engelthal nhỉ?
Thực sự thì, có rất nhiều lý do, nhưng có lẽ không gì bằng sự sùng đạo cuồng nhiệt của chính Gertrud - hay ít nhất, là nỗ lực hết mình tỏ ra ngoan đạo. Bà không muốn tiến hành dưới bất cứ hình thức nào có thể bị coi là báng bổ thánh thần, và hành vi dị giáo cũng chỉ dừng ở mức dịch Kinh Thánh trái phép. Trước khi khởi sự một nhiệm vụ kinh thiên động địa thế này thì Gertrud bắt buộc phải được sự cho phép của cấp trên, và có thể nói việc đề nghị đó được chấp thuận là gần như không thể. Nhưng đó mới chính là cốt lõi của vấn đề - "gần như là không thể" chứ có phải "không thể" đâu.
Tu viện trưởng của Engelthal là một phụ nữ đã có tuổi; liệu sự từng trải của bà có cho phép bà chấp nhận một bản dịch mà bất cứ một nhà chức trách có đầu óc nào cũng sẽ từ chối không? Những chuyện kỳ lạ vẫn hay xảy ra. Tuy nhiên, nói thế thì có người sẽ nghĩ là Gertrud phải được phép của tu viện, mà thực ra điều đó cũng chẳng cần thiết. Có lẽ bà đã ra ngoài để tìm một quan chức giáo hội có kế hoạch của riêng mình; nên nhớ rằng Nhà thờ khét tiếng với những trò thao túng chính trị sau cánh gà. Có thể một nhân vật quyền cao chức trọng nào đó đã thông qua công trình của Gertrud với tư cách là một phần của kế hoạch lớn hơn, và Gertrud hẳn rất vui mừng bỏ qua việc bà chỉ là một con tốt thí miễn là được phép thực hiện tác phẩm của mình. Đó thực sự là một canh bạc đầy bất trắc, nhưng lách luật với sự giúp đỡ của một vị tai to mặt lớn thì bao giờ chẳng dễ dàng hơn.
Tất cả chỉ là giả thiết mà thôi, hiển nhiên rồi. Lý do Gertrud cho rằng bà có thể thực hiện dự án đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng, nhưng tôi có thể đưa ra một khả năng khác: có lẽ tôi đã đánh giá thấp khát vọng được đời sau nhớ đến của bà. Hư danh vừa là một nguồn động lực mạnh mẽ vừa là một kẻ lừa gạt tài tình, và cái ý tưởng để lại một di sản vĩnh cửu có thể khiến người cẩn trọng nhất cũng trở nên liều lĩnh. Có lẽ bà đã tự thuyết phục bản thân rằng mình chẳng làm gì sai trái dù không được cho phép. Xét cho cùng, bà đã dịch từ bản tiếng Latin được viết vào thế kỷ thứ tư, và niềm tin vững như kiềng ba chân vào bản dịch tuyệt vời của mình có lẽ đã đẩy bà tới mức rốt cuộc đánh cược vào việc cuốn Kinh Thánh của bà sẽ hay đến độ không thể bị phạt. Ta có thể hình dung bà lý luận rằng sự tồn tại của cuốn Die Gertrud Bibel đủ để miễn tr.a cứu nguồn gốc bí ẩn của nó, và vì tác phẩm phải kéo dài cho tới cuối đời, có lẽ bà cũng sẵn lòng chấp nhận mạo hiểm. Các nhà chức trách còn làm gì được với một bà già biết chỗ của mình trên Thiên đường đã được sửa soạn xong cả rồi chứ?
Khi cuối cùng tôi cũng hỏi Marianne Engel việc dịch cuốn Die Gertrud Bibel là do ai thông qua, tôi đã mong nhận được một câu trả lời chắc chắn hoặc một lời đáp đầy mâu thuẫn có thể vùi dập câu chuyện đó một lần và mãi mãi. Nhưng câu trả lời của cô chẳng hề trùng khớp.
"Hồi đó tôi còn quá nhỏ nên chẳng mảy may thắc mắc gì, mà Gertrud cũng chẳng bao giờ nói. Bà lúc nào cũng giữ bí mật về chuyện đó và không một nữ tu nào được hé lộ câu gì ngoài phòng viết cả."
"Chẳng lẽ họ không phản kháng à," tôi hỏi, "nếu họ tin là có gì đó không chính đáng?"
"Có lẽ họ sẽ phải đối chất trên Thiên đường vì những gì mình đã làm," cô nói, "nhưng tôi nghĩ ở đây trên mặt đất này thì họ sợ Gertrud và Agletrudis hơn."
Marianne Engel có vẻ rất hài lòng về chuyện tôi thực sự quan tâm đến mọi khía cạnh của câu chuyện cô kể, và điều đó đã thúc đẩy cô hỏi liệu tôi có muốn nghe tiếp không.
"Dĩ nhiên," tôi nói.