Chương 40: Đường về Trung Nguyên mịt mù diệu vợi
Đây nói về phần Tâm Đăng bị trúng một đòn sấm sét vào hậu tâm bay vù ra xa năm trượng...
Chàng nghẹt thở, nổ đom đóm mắt, cảm giác gần như tê liệt, bỗng có hai cánh tay khẳng khiu thò ra đỡ lấy thân hình của chàng.
Người này bắt gắn lấy Tâm Đăng rồi, vội vàng xoay lưng ra khỏi vòng chiến, trổ thuật phi hành chạy thẳng một mạch...
Thì ra người ấy chính là sư phụ của Tâm Đăng, Cô Trúc lão nhân, thoát được ra hơn mười trượng rồi mà bên tai ông ta vẫn còn văng vẳng những tiếng sát phạt vang lừng do những tay cao thủ ùa ra chặn đứng lối đi của Trác Đặc Ba.
Ôm chặt Tâm Đăng vào lòng, ông ta vận dụng hết thuật khinh công tuyệt kỹ, định trốn đi xa chừng nào tốt chừng đó, vì chính mắt ông trông thấy ban nãy cánh tay của Trác Đặc Ba thình lình vươn dài thêm hai tấc để kích Tâm Đăng một đòn dữ dội.
Ông biết chắc rằng đó là đòn Đại Thủ Ấn, mà Tâm Đăng đã lãnh đòn Đại Thủ Ấn rồi thì lành ít dữ nhiều, cho nên ông ta cố hết sức rời khỏi nơi này ngõ hầu tìm một nơi vắng vẻ mà khám lại vết thương.
Thân hình của Tâm Đăng nằm trong lòng ông cứ càng lúc càng nguội lạnh dần dần làm cho Cô Trúc lão nhân lấy làm lo lắng.
Chưa tàn một nén hương thì ông ta đã đến bên bờ hồ, cất lên một tiếng hú thật dài ông ta nhảy vù xuống hồ.
Lúc bấy giờ nhằm vào mùa đông, hơi lạnh thấu xương, và trên mặt hồ nổi lều bều những tảng băng màu trắng phau phau.
Chỉ dùng hai mũi giày điểm nhẹ trên những tảng băng đó, Cô Trúc lão nhân lướt nhanh trên hồ Tuấn Mã, trong chớp mắt đã sang đến bờ bên kia.
Sau khi bế Tâm Đăng nhảy vút lên bờ, Cô Trúc lão nhân biết mình đã ra khỏi vòng thế lực của Trác Đặc Ba, Cô Trúc lão nhân vội tìm một nơi vắng vẻ đặt Tâm Đăng xuống rồi tỉ mỉ khám lại vết thương.
Ông ta thấy Tâm Đăng hai mắt nhắm nghiền hơi thở thoi thóp, vội vàng vạch áo ra xem thấy giữa hậu tâm nổi lên một hình bàn tay màu sắc tím bầm đang ngả sang màu đen...
Cô Trúc ngậm ngùi thở dài vì rõ ràng đây là Đại Thủ Ấn không sai.
Móc túi lấy ra một viên Hoàn Hồn đan, Cô Trúc lão nhân bóp hai vành xương hàm của Tâm Đăng cho há mồm ra đoạn nhét vội viên thuốc vào, tiếp theo đó ông dùng một thủ pháp cực kỳ lanh lẹ vuốt cho viên thuốc trôi xuống cổ họng của Tâm Đăng.
Liệu chừng viên thuốc vừa tan ra trong cổ họng thì Tâm Đăng từ từ mở mắt, hé miệng rên rỉ.
Cô Trúc lão nhân mừng rỡ vội vàng theo phép trị thương thông thường trong làng võ, ém một bàn tay vào huyệt Đan Điền để truyền nội lực sang.
Nhờ thuốc Hoàn Hồn đan thần diệu và nhờ luồng nội lực của Cô Trúc lão nhân, nên Tâm Đăng dần dần hồi tỉnh, anh ta rên khừ khừ, muốn nói mà chẳng nói ra lời.
Một lúc sau chàng mới thò hai cánh tay yếu ớt của mình chỉ vào lòng, Cô Trúc lão nhân thấy Tâm Đăng ra dấu vội vàng thò tay vào áo của chàng và bàn tay của ông ta bỗng chạm vào một vật.
Lôi tuốt ông thấy đó là một chiếc gói bằng vải dầu, sắc vải màu vàng ẻo có lẽ đã lâu năm lắm.
Tâm Đăng ra dấu bảo ông ta mở ra xem.
Và khi hai bàn tay của Cô Trúc vừa mở ra làn vải cũ kỹ đó, Tâm Đăng thoáng nghe ông ta rú lên một tiếng mừng rỡ.
Vì rằng sau lớp vài kia chính là món lệnh phù của Cô Trúc lão nhân đã mất tích suốt hai mươi năm trường.
Cầm chắc nó trong tay, Cô Trúc lão nhân hể hả như một người đi xa xứ được trở về nơi đất tổ quê cha.
Chợt nhớ ra bên cạnh lệnh phù của mình còn có một chiếc bọc bằng vải nữa, Cô Trúc lão nhân vội vàng lấy lên, trịnh trọng mở ra, thì ra trong ấy là một quyển sách gập làm đôi.
Hình dáng quyển sách đó đập vào mắt Tâm Đăng là chàng giật mình nhảy nhổm vì quá ư quen thuộc.
Cùng trong lúc đó Cô Trúc lão nhân cũng trố mắt lên vì dưới mắt ông hiện lên bốn chữ bằng son đỏ chói :
“Tàm Tang khẩu quyết”.
Thần kinh của Cô Trúc lão nhân tức khắc bị xúc động mạnh, ông ta thật không ngờ trong cùng một ngày mà ông ta lại bắt gặp được hai vật quí báu nhất của đời mình.
Còn đang bàng hoàng bỗng thình lình mặt mày biến sắc, ông ta nhét vội hai món bảo vật vào trong túi của mình và quay đầu nhìn lại.
Tâm Đăng sửng sốt vì sau lưng Cô Trúc bây giờ xuất hiện một nàng thiếu nữ che vuông lụa ngang qua mặt, đó là Trì Phật Anh.
Thì ra khi Tâm Đăng đấu chiến với Trác Đặc Ba thì Trì Phật Anh cũng theo chân sư phụ mình mà tới nơi, chưa kịp xuất đầu lộ diện thì nàng đã trông thấy Trác Đặc Ba dùng Đại Thủ Ấn đánh ngã Tâm Đăng.
Kể từ ngày lạc bước vào trong trận của Trác Đặc Ba và ngửi nhằm thuốc độc để cho Tâm Đăng thân cận với mình, Trì Phật Anh kể như thân nàng đã trao cho Tâm Đăng rồi vậy, do đó mà nàng luôn lo nghĩ đến sự yên nguy của chàng.
Trong lúc các tay cao thủ đang bủa lưới vây Trác Đặc Ba thì cặp mắt của nàng không rời khỏi Tâm Đăng một bước.
Nàng trông thấy Cô Trúc lão nhân đưa tay ra hứng lấy thân hình của Tâm Đăng và co giò bỏ chạy, Trì Phật Anh không còn thiết đến việc gì nữa, liếc thấy Lư Ẩu nhảy ra cản đường Trác Đặc Ba, nàng sẽ lén rút mình vào bụi rậm rồi đuổi theo Cô Trúc.
Vì khinh công của nàng không bằng Cô Trúc lão nhân nên bị ông bỏ rơi một đoạn đường khá xa, may sao khi đến bờ hồ, nhờ cảnh vật trống trải, nàng trông thấy Cô Trúc lão nhân đang ôm Tâm Đăng vào lòng mà lướt đi trên những tảng băng trôi nổi lều bều trên mặt nước.
Phật Anh sửng sốt vì ngày thường vẫn nghe sư phụ mình kể lại, người luyện khinh công đến mức cao siêu có thể đạp trên một cánh bèo mà đi qua một con sông rộng, đó là thuật Đăng Bình Đạp Thủy.
Bây giờ trên mặt hồ không có bèo, Cô Trúc lão nhân dùng những miếng băng để thay thế mà trổ thuật Đăng Bình Độ Thủy.
Phật Anh không kịp suy nghĩ, nhảy tòm xuống mặt hồ, vì theo Lư Ẩu lâu ngày nên nàng học được môn Thủy Công khá giỏi, bây giờ nàng vận dụng hết chân khí trong người để chống cự với hơi lạnh thấu xương mà bơi nhanh về phía bên kia bờ hồ.
Đến mé thì bóng dáng Cô Trúc lão nhân đã biết mất, may nhờ hôm ấy tuyết rơi sáng đêm nên mặt tuyết còn mới rành rành, Phật Anh phải cố gắng tìm kiếm mới bắt gặp dấu giày của Cô Trúc lão nhân hiện lờ mờ trên mặt tuyết trắng phau.
Noi theo dấu chân đó, Phật Anh đi lần về phía trước và dấu giày của Cô Trúc lão nhân dẫn nàng đến một nơi hoang vu vắng vẻ và mất dấu sau lùm cây rậm rạp.
Vạch lá trông vào Phật Anh thấy Tâm Đăng nằm dài dưới đất, còn Cô Trúc lão nhân thì ngồi bên cạnh trên tay cầm một quyển sách, Trì Phật Anh giật mình đánh thót vì nàng vừa bắt gặp trên bìa quyển sách kia có đề bốn chữ Tàm Tang khẩu quyết.
Phật Anh thần trí bàng hoàng vì đây là một bảo vật mà sư phụ nàng đã bỏ không biết bao nhiêu công phu ra tìm kiếm, và hiện nay các tay cao thủ đang bủa lưới bao vây Trác Đặc Ba cũng vì quyển sách này.
Giữa lúc tâm thần thảng thốt thì thình lình Cô Trúc quay phắt lại, nạt :
- Chúng bay...
Phật Anh giật mình thối lui một bước, cùng trong một lúc đó, nàng thoáng nghe sau lưng mình có mấy tiếng động khe khẽ, dường như có người đang trổ thuật phi hành như giông như gió.
Quả thật sau lưng nàng còn có một số người nữa âm thầm theo chân nàng mà Phật Anh không biết, ban nãy Cô Trúc vừa đọc đến chữ Tàm Tang khẩu quyết thì phát hiện chung quanh mình có nhiều hơi thở, báo hiệu cho ông ta biết có nhiều người mai phục chung quanh, nên vội vàng quay lại.
Và bây giờ, chỉ còn một mình Trì Phật Anh là ngây thơ theo chân Cô Trúc vì Tâm Đăng chứ không phải vì Tàm Tang khẩu quyết, vì thế nên nàng vẫn đứng lại chứ không bỏ chạy, còn những người kia đều nhanh chân hát bài tẩu mã.
Cô Trúc lão nhân chờn vờn đứng lên định đuổi theo thì Tâm Đăng thò bàn tay yếu ớt ra nắm ông ta trở lại và Phật Anh nhảy xổ tới ôm Tâm Đăng vào lòng mà nức nở.
Cô Trúc lão nhân nói :
- Tâm Đăng không may bị trúng nhằm Đại Thủ Ấn, lành ít dữ nhiều...
Trì Phật Anh nghe qua kinh tâm táng đởm, vội vàng lật áo Tâm Đăng ra xem, thấy dấu bàn tay của Trác Đặc Ba in vào giữa hậu tâm của chàng nổi lên một vết thương đen bầm trông thật là kinh rợn.
Hơi thở của Tâm Đăng bây giờ thoi thóp, hai mắt nhắm nghiền, nhiệt độ lên cao, Trì Phật Anh hốt hoảng hỏi Cô Trúc :
- Vậy bây giờ hãy tìm cách nào để cấp tốc điều trị?
Cô Trúc lão nhân ngửa mặt thờ dài nói một câu ảo não :
- Đã lãnh lấy Đại Thủ Ấn thì có một người biết phép điều trị mà thôi...
Trì Phật Anh hốt hoảng hỏi tiếp :
- Người ấy là ai?
Cô Trúc lão nhân đưa mắt nhìn về tận phương trời xa xăm nói :
- Phải trở về tận đất Trung Nguyên...
Trì Phật Anh cắt ngang câu nói :
- Có phải về tận xứ Giang Nam?
Cô Trúc trả lời :
- Chính thế... Ngoài Y Thánh ra không ai có đủ phương pháp điều trị vết thương trầm trọng này.
Phật Anh ngửa mặt nhìn trời rồi nói :
- Vậy thì ta hãy mau cất bước lên đường.
Cô Trúc lão nhân nói :
- Phải...
Nói rồi rảo mắt nhìn quanh dường như đang tìm kiếm bóng dáng của những người lẩn quất đâu đây, nhưng không thấy động tĩnh chi ông ta liền bế xốc Tâm Đăng lên vai rồi lui ra khỏi bụi rậm.
Ngửa mặt lên nhìn vòm trời âm u đen thẫm của vùng cao nguyên Tây Tạng lần chót, Cô Trúc lão nhân cất lên một tiếng hú hào hùng rồi trổ thuật phi hành nhắm hướng đông đi nhanh như một luồng gió thoảng, Trì Phật Anh thấy vậy vội vã dùng hết sức bình sinh của mình trổ thuật khinh công lẽo đẽo bám theo Cô Trúc.
Đường về Trung Nguyên mịt mù vạn dặm, Cô Trúc lão nhân là một người tuổi ngoại thất tuần, trên vai lại đèo nặng một bệnh nhân vạm vỡ, vậy mà hai bàn chân của ông ta lướt nhanh như giông như gió, độ chừng tàn một nén hương thì bỏ rời Phật Anh xơ lơ xa lắc...
Lắng nghe tiếng gót chân của Phật Anh càng ngày càng rơi về phía sau, Cô Trúc lão nhân dừng chân lại đợi đến khi nàng bắt kịp thì mồ hôi vã ra như tắm.
Ông ta quắc mắt nói :
- Thật là vô dụng, cứu bịnh như cứu hỏa, không thể chần chờ, mau theo ta...
Tiếng “ta” vừa dứt, ông ta thò một bàn tay ra nắm lấy tay áo của Phật Anh và bên tai nàng gió dậy ào ào, ba người lướt đi như giông như gió, xa trông như hai con thần mã song hành, thẳng tiến về đất Trung Nguyên...
Đây nói về Trác Đặc Ba sau khi tống nhằm Tâm Đăng một chưởng rồi, vừa muốn đuổi theo thì vô số cao thủ thình lình xuất hiện, bao vây chặt chẽ, người người thảy tung ra sát thủ chực giết ông ta.
Nằm trong tình thế vạn phần nguy hiểm, Trác Đặc Ba lập tức tung ra một đòn Bát Viện Quy Phong, đẩy mạnh một luồng áp lực về bốn phía, nhờ vậy chúng cao thủ thảy đều giãn ra một bước.
Trong lúc đó, ngọn roi ác liệt của đối thủ đã bay tới cách mình ông ta chừng hai tấc.
Trác Đặc Ba thét lên một tiếng để ra uy rồi trổ một đòn Hoàng Hạc Xung Thiên vọt mình lên cao năm trượng.
Thân hình của ông ta như một chiếc pháo thăng thiên, bay bổng lên rồi rơi trút đầu trở xuống, và một tràng tiếng động vang lên loảng xoảng không ngớt, liền theo đó từ trong cánh tay của Trác Đặc Ba bay vọt ra một ngọn roi bảy khúc.
Đó là một món võ khí tùy thân mà ít khi ông ta dùng đến. Bây giờ từ trên cao ông ta trút xuống một đòn Mãn Thành Phong Vũ, ngọn roi của ông kết thành một màn lưới sắt chộp xuống phía dưới.
Trong lúc đó thì người lạ mặt múa roi ban nãy từ dưới đánh thốc lên một Bạch Xà Thượng Thọ.
Hai ngọn roi xoắn tít vào nhau, vang lên những tiếng khua rang rảng...
Và thân hình của ông ta rơi xuống đất, ngọn roi trong tay của ông ta tung hoành như rồng bay phụng lộn, tấn công vào những yếu huyệt của người vô danh.
Và cả hai người trao đổi với nhau liền liền hơn mười thế võ thật là quỷ khốc thần sầu, làm cho những người có nền võ học cao thâm đứng chung quanh như Lư Ẩu và Thiết Điệp thảy đều chẳng dám xáp tới gần.
Họ thấy hai người này quả thật là kỳ phùng địch thủ nên chẳng nhảy vào can thiệp vội, chờ xem động tĩnh ra sao.
Bấy giờ, mọi người mới có dịp nhìn kỹ, thấy đối thủ của Trác Đặc Ba là một người tuổi trạc trung niên, thân hình vạm vỡ, nhưng cử động vô cùng lanh lẹn, trên mặt người này che ngang một vuông lụa màu đen, ngoài cặp mắt sáng rực người ta không còn thấy một chi tiết nào nữa.
Lúc bấy giờ, ngọn roi cửu khúc của Trác Đặc Ba đang vùng vẫy những thế võ trong đường Đoạn Hồn tiên, gồm bảy mươi hai thế cương nhu lẫn lộn, rút trong những thế roi vô cùng ác liệt tạo thành.
Mỗi một đòn tung ra thảy đều là sát thủ, chỉ hiềm vì người đối địch với Trác Đặc Ba nghề múa roi cũng là xuất quỉ nhập thần, sử dụng ngọn roi vô cùng khéo léo, toàn là những thế võ miền Trung Nguyên làm cho Thiết Điệp và Lăng Hoài Băng thảy đều chắc lưỡi khen thầm.
Thừa một lúc, người trung niên kia tung ra một thế Kim Tiên Đả Thố, đường roi quật vào giàn trên của Trác Đặc Ba, tạo thành hai chiếc vòng tròn kỳ dị muốn tròng vào cổ của Trác Đặc Ba.
Lợi dụng thế công của đối phương, Trác Đặc Ba vội vàng xuống một thế xà tấn, để tung ngọn roi của mình xỉa vào huyệt Thần Đường của đối phương, cùng trong một lúc cúi đầu xuống lánh khỏi hai chiếc vòng tai ác.
Huyệt Thần Đường nằm sau hậu tâm nhưng ngọn roi của Trác Đặc Ba như có một bàn tay huyền diệu nào đó điều khiển lòn qua khỏi kẹt nách của gã trung niên rồi đảo lộn trở về đâm vào huyệt Thần Đường.
Lư Ẩu đứng bên ngoài kêu lên :
- Nguy rồi!
Nhưng nào ngờ gã trung niên bịt mặt kia nhanh như chớp thò bàn tay trái ngược về phía sau, xòe năm ngón tay ra liều ch.ết mà chộp lấy ngọn roi ác liệt, cùng trong một lúc, ngọn roi trong bàn tay hữu của hắn cũng xé gió vèo vèo trở thành một ngọn câu liêm cong vút, móc một đường mãnh liệt vào huyệt Thần Đương của Trác Đặc Ba...
Lăng Hoài Băng vỗ tay khen dậy :
- Hay lắm... Ăn miếng trả miếng.
Tiếng khen chưa dứt thì ngọn roi đã cách huyệt Thần Đường chừng hai tấc.
Trác Đặc Ba nghe áp lực vào hậu tâm của mình liệu thế không xong, nên đường roi không buông ra tận lực, mượn trớn đi của nó, ông ta cất mình lên đu về phía trước để tránh thế võ kia.
Người trung niên bịt mặt chỉ chờ có bao nhiêu đó, bàn tay tả đang bảo vệ huyệt Thần Đường của hắn thình lình thay đổi chiều hướng, bằng một chiều hướng vô cùng quái lạ, thò ra chộp một cái vào giữa ngực của Trác Đặc Ba một đòn cầm nã.
Khúc Tinh đứng bên ngoài rú lên :
- Trời... Cầm Long Thủ...
Chữ “thủ” vừa dứt thì một tiếng toạt như lụa xé vang lên, vạt áo của Trác Đặc Ba ban nãy bị Tâm Đăng chộp mất một mảnh, bây giờ lại trúng đòn lòi hẳn ra, để lộ bộ ngực bắp thịt cuồn cuộn của Trác Đặc Ba.
Năm vết hằn đỏ bầm lập tức nổi lên, và gã trung niên bịt mặt trong tay cầm vạt áo của Trác Đặc Ba buông ra một tràng cười đanh ác.
Sự việc xảy ra như vậy đều làm cho mọi người thảy đều rú lên một tiếng kinh hoàng, họ không phải là xúc động vì cái thua của Trác Đặc Ba mà vì họ không ngờ gã trung niên bịt mặt lại thắng một cách dễ dàng mau lẹ như thế, và chộp nhằm giữa ngực của Trác Đặc Ba, một nơi mà nhiều người nghi ngờ chứa đựng rất nhiều bí ẩn.
Cặp mắt sáng ngời của Trác Đặc Ba long lên sòng sọc, lão thét lên :
- Trời... Mày đã lấy Tàm Tang khẩu quyết!
Câu nói chưa dứt thì ngần ấy cao thủ chia làm hai khối, một khối bao vây Trác Đặc Ba, còn đa số thì bao vô cùng vây chặt chẽ gã trung niên bịt mặt.
Gã trung niên bịt mặt giơ cao vạt áo của Trác Đặc Ba, giải thích :
- Không, không, chẳng có vật chi trong này.
Nhưng có một câu nói thanh tao của một người thiếu nữ cất lên :
- Chúng ta làm sao tin cho được lời nói của Thần Du Kỳ Thủ!
Bốn chữ Thần Du Kỳ Thủ (có nghĩa là bàn tay khéo léo đánh cắp như thần) vừa thốt ra khỏi cửa miệng thì mọi người thảy đều “à” lên một tiếng kinh hoàng. Vì rằng mấy năm gần đây cái tên Thần Du Kỳ Thủ vang dậy đất Trung Nguyên, với cái tài đánh cắp có một không hai của hắn.
Thế rồi một người cất tiếng kêu lên :
- Tàm Tang khẩu quyết, một vật chí bảo của võ lâm không thể lọt vào tay một người chuyên nghề đánh cắp.
Câu nói chưa dứt thì trong đám đông đã nhảy xổ ra một người, mọi người nhìn kỹ thấy đó là một lão già đầu râu tóc bạc, tướng mạo phương phi.
Lão già này cười hềnh hệch nói :
- Mi không có lấy thì cho ta khám vậy.
Dứt lời vụt thò bàn tay tả ra, điệu bộ thật tầm thường như một người thò tay lấy vật gì để trên bàn vậy.
Nhưng đòn vừa tung ra thì Thần Du Kỳ Thủ biến sắc, thối lui hai bước kêu lên :
- Hay cho Vân Trung Hoàng Nhạn... sao mi lại biết Cầm Long Thủ?
Tiếng kêu chưa dứt thì bàn tay tả của lão già rụt phắt trở về rồi lại bất thần tung ra như sấm sét chộp vào bâu áo của Thần Du Kỳ Thủ.
Thì ra hai thế võ liên hoàn này đều nằm trong đường Cầm Long Thủ, một đường võ độc đáo của phái Thiếu Lâm, mà không ngờ hai người này lại chạm trán nhau nơi biên thùy xa xôi và thi thố với nhau trước mặt chúng anh hùng hào kiệt.
Ngọn roi chín khúc trong tay của Thần Du Kỳ Thủ bỗng kêu lên một tràng loảng xoảng, rồi như một con rắn nằm vắt ngang lưng của lão, để cho lão rảnh tay, chống trả kịch liệt với Vân Trung Hoàng Nhạn.
Mọi người đứng bên ngoài thảy đều gật gù khen dậy, vì hai lão này dùng chung một đường Cầm Long Thủ để sát phạt lẫn nhau bằng những đòn trí mạng.
Giữa lúc hai người chiến đấu tưng bừng với nhau thì những kẻ bàng quan thảy đều chia ra bủa vây tứ phía, sẵn sàng chờ đợi thời cơ.
Thì ra ban nãy, Trác Đặc Ba đã rõ Tâm Đăng cướp mất Tàm Tang khẩu quyết của mình nhưng tiếp đó lại bị mọi người cầm chân ở lại.
Biết ai nấy sở dĩ bám theo mình chỉ vì quyển sách quí báu kia nên khi bị Thần Du Kỳ Thủ chộp nhằm giữa ngực mình, ông ta vội vàng dùng một mẹo nhỏ, trỏ vào giữa mặt hắn mà tri hô Tàm Tang khẩu quyết đã bị hắn cướp đi.
Chỉ dùng một lời nói mà Trác Đặc Ba đã dụ đối phương vào nơi tử địa, thành ra một số đông liền bỏ rơi Trác Đặc Ba mà tập trung về phía Thần Du Kỳ Thủ.
Nhưng có một số ít lại bám theo Trác Đặc Ba, đó là những người có mối thù sâu với lão ta, đã bị hắn dùng thuốc độc làm cho mất hết võ công và dùng mẹo để cướp lệnh phù hồi hai mươi năm về trước bây giờ ra tay rửa hận.
Cũng có một người còn một ý niệm khác nữa là Lăng Hoài Băng. Ông này đối với Trác Đặc Ba không những có mối thù cấm cố hai mươi năm trường mà cũng là một tay tình địch.
Thét lên một tiếng vang lừng, Lăng Hoài Băng nhảy xổ tới tấn công trước, sau hai mươi năm dài bị cấm cố dưới hầm sâu, Lăng Hoài Băng đã lợi dụng thời gian này nghiền ngẫm ra một lối võ công thật là lợi hại.
Trác Đặc Ba nghe thấy một luồng gió âm u lạnh lẽo lốc tới trước mặt của mình, trong lòng lấy làm kinh dị, không ngờ một người đã bị mình phế hết võ công, giam trong hầm sâu suốt hai mươi năm mà bây giờ lại có một ngón chưởng lực lạ lùng đến thế.
Ông đầu biết rằng Lăng Hoài Băng trong thời gian tù hãm, hai chân đi đứng không được, chỉ cử động có hai tay nên để hết tinh thần luyện hai cánh tay của mình có một ngón Hàn Âm chưởng vô cùng âm u khốc liệt.
Nhưng ngược lại, hai chân ông vì phải tê liệt lâu ngày nên vô cùng yếu ớt, vì vậy tấn không được vững vàng.
Vừa nghe thấy một luồng gió lạnh tốc tới, Trác Đặc Ba vội vàng vung song chưởng ra đỡ một đòn Song Mã Phi Thiên.
Bàn tay hữu của hắn dồn hết tám phần sức mạnh để chọi với Lăng Hoài Băng, còn bàn tay tả của hắn chỉ dùng hai phần sức mạnh để phòng hờ ứng chiến.
Hai bàn tay vừa so nhau, Trác Đặc Ba cảm thấy một luồng hơi lạnh tràn qua cơ thể của mình, khí lực thật là mạnh mẽ nhưng thân hình ông ta lại khẽ chao động.
Việc này làm sao lọt khỏi cặp mắt tài tình của Trác Đặc Ba, ông ta vội vàng thu bàn tay hữu trở về để rồi vung bàn tay tả quét ngang hai gối Lăng Hoài Băng một đòn dữ dội.
Lăng Hoài Băng không ngờ chỉ trong một đòn mà đối phương đã trông thấy chỗ sơ hở của mình, vội vàng dùng một miếng Thanh Vân Phi Bộ đảo mình hai vòng mới tránh khỏi luồng chưởng lực của Trác Đặc Ba.
Liền theo đó, Lăng Hoài Băng tiếp tục giáng một chưởng xuống đỉnh đầu của đối phương, và Trác Đặc Ba, tay hữu tung ra một đòn Đại Thủ Ấn để ngăn ngừa chưởng lực và cũng lại tiếp tục quét một đá tấn công hạ bàn của Lăng Hoài Băng.
Liên tiếp bị đối phương tấn công vào chỗ yếu, Lăng Hoài Băng tỏ ra núng thế, còn đương bàng hoàng thì một tiếng thét vang lừng trỗi dậy :
- Lão Lăng... Hãy lui ra để già này thử chơi vài miếng.
Quay đầu nhìn lại thấy người nhảy ra can thiệp đó chính là lão bà Lư Ẩu.
Lư Ẩu mang một mối hận thù hai mươi năm trời, ngày nay mới được dịp chường mặt đấu chiến với Trác Đặc Ba, trong lòng lửa giận bốc lên ngùn ngụt, tiếng nói chưa dứt thì bàn tay khẳng khiu của bà đã vươn ra, chụp vào hông của Trác Đặc Ba, tấn công huyệt Kim Thủy và Tà Môn.
Trác Đặc Ba cười ha hả nói rằng :
- Lại dùng xa luân chiến?
Lư Ẩu cau có :
- Xa luân chiến thì sao?...