Chương 10: Chén rượu vui, lộ chuyện bí mật
Tư Đồ Sương nhẹ nhàng ở phía sau tấm màn gấm bước ra. Lúc này nàng đã thay một chiếc áo dài màu trắng, mỏng như cánh việc sầu nên trông thấy rõ cả áo lót đại hồng ở bên trong. Đường cong và da dẻ trắng như ngọc của nàng như ẩn như hiện. Hai mắt nàng tia ra những luồng ánh sáng đầy tình tứ. Tuy mặt nàng vẫn dùng chiếc khăn lụa che đậy nhưng tình cảnh này cũng đủ làm cho người ta ngây ngất cả tâm hồn rồi.
Độc Cô Ngọc cảm thấy như bị điện giựt, tâm thần rất phân vân, liền ho khan một tiếng, rồi vội quay đầu nhìn ra chỗ khác mà vẫn còn cảm thấy mặt đỏ, tai tía ngượng nghịu vô cùng.
Tư Đồ Sương thấy thế cười giọng rất nũng nịu và hỏi :
- Cái gì thế? Chẳng lẽ người của tôi có gai hay sao?
Nàng lại thủng thẳng đi tới gần. Độc Cô Ngọc chỉ cảm thấy một mùi thơm như lan như xạ xông thẳng vào mũi mình. Chàng cả kinh vội tránh về phía sau hai bước, nhắm nghiền mặt lại hỏi :
- Cô nương! Tại hạ coi cô nương như người trời vậy. Hà tất cô nương phải đùa giỡn tại hạ như thế?
Tư Đồ Sương vừa cười vừa hỏi tiếp :
- Sao? Thiếu hiệp không thích tôi ăn mặc như thế này hay sao?
Độc Cô Ngọc đáp :
- Tại hạ không dám. Chỉ nhận thấy không quen mắt đấy thôi!
Tư Đồ Sương cười khì nói tiếp :
- Tôi chả nói rồi là gì. Tính tôi không ưa cái gì gọi là lễ giáo với chả lễ giáo. Tôi chỉ biết ý mình thích thế nào thì mình cứ việc làm theo ý muốn thôi. Như vậy mới không bị câu nệ và gò bó. Thiếu hiệp gần tôi lâu ngày sẽ biết rõ tính nết và thói quen của tôi ngay.
Độc Cô Ngọc thấy nàng ta nói như vậy liền im lặng, không dám nói năng gì nữa.
Nhưng một lúc sau chàng bỗng lên tiếng hỏi :
- Thưa cô nương, có phải đây là một trong rất nhiều phương pháp của cô nương đấy không?
Ngẩn người ra giây lát, Tư Đồ Sương cười khì đáp :
- Có lẽ phải mà có lẽ cũng không phải.
- Tại hạ không có tài trí như cô nương, nên không sao hiểu rõ nổi ý nghĩa lời nói ấy.
Liếc nhìn chàng một cái rất tình tứ, Tư Đồ Sương đỡ lời :
- Thiếu hiệp khéo biết thử người lắm. Nhưng tôi không coi những cái đó vào đâu cả.
Nàng giơ tay lên chải chuốt mái tóc rồi mới nói tiếp :
- Tôi nói phải là vì xưa nay tôi không tin người đàn ông nào trông thấy hình dáng này của tôi mà không động lòng. Còn sở dĩ tôi nói là không phải là vì xưa nay tôi đã tùy tiện quen rồi, nên tôi cảm thấy tôi lúc này với tôi lúc chưa thay quần áo không có cái gì là khác nhau hết.
Mỉm cười và trợn ngược đôi lông mày kiếm lên, Độc Cô Ngọc đỡ lời :
- Tại hạ dám táo bạo thưa với cô nương một câu này. Nếu cô nương coi tại hạ như tất cả những người đàn ông khác thì cô nương sẽ thấy thất vọng rất lớn. Tại hạ không dám tự khoe mình là con người khác thường, nhưng có thể tự tin lúc nào trong lòng của mình cũng trống rỗng, sắc dục không sao lay chuyển nổi lòng sắt đá của tại hạ.
- Thế tại sao thiếu hiệp lại hãi sợ tới như vậy?
Tại hạ đã nói cô nương là ân nhân đã cứu tại hạ thoát ch.ết nên không nhẫn tâm trông thấy cô nương tự coi rẻ tấm thân quý báu của mình như thế. Nếu cô nương là người khác thì không bao giờ tại hạ lại thèm lý tới.
Thấy chàng nói như vậy, Tư Đồ Sương ngẩn người ra giây lát rồi hỏi lại :
- Có phải thiếu hiệp không thích tôi ăn mặc như thế này không?
Độc Cô Ngọc lớn tiếng cười và đáp :
- Cô nương nên nhớ, đẹp như Tây Thi rốt cuộc chỉ còn lại bộ xương trắng vùi ở dưới đất bùn. Bộ mặt đẹp như hoa nở cũng chỉ là một cái lốt da. Trái tim của tại hạ trong sáng như một tấm gương nên tại hạ có cần nói nhiều tới những sự thích hay ghét đâu.
Tư Đồ Sương nghe thấy chàng ta nói như vậy giật mình đến thót một cái, rồi nhìn thẳng vào khuôn mặt đẹp trai của chàng, rầu rĩ thở dài một tiếng và đỡ lời :
- Bình sinh tôi đã gặp rất nhiều người, nhưng chưa thấy một người nào như chàng. Xem vậy Tư Đồ Sương tôi đã lầm rồi!
Nói xong, nàng lại quay người đi vào phía sau giường ngay.
Độc Cô Ngọc trông thấy hình dáng rất uyển chuyển và xinh đẹp của nàng, nhưng lại hình như chứa đầy những sự đau thương nen chàng cũng động lòng thương hại, không nhẫn tâm chút nào, liền buột miệng kêu gọi :
- Cô nương...
Chàng vừa lên tiếng kêu gọi thì lại hối hận. Tư Đồ Sương nghe thấy chàng gọi vội ngừng chân quay đầu lại u oán hỏi :
- Thiếu hiệp gọi tôi làm chi?
Độc Cô Ngọc thở dài một tiếng đáp :
- Vừa rồi tại hạ mới nghĩ tới một việc này định nói với cô nương.
Tư Đồ Sương rầu rĩ hỏi tiếp :
- Tôi đã biết tôi thất bại rồi, thiếu hiệp còn nói năng gì nữa!
Tuy nàng nói như thế nhưng nàng vẫn đứng yên như vậy chứ không hề quay trở lại và bước tới gần Độc Cô Ngọc chừng nửa bước.
Độc Cô Ngọc ngắm nhìn tấm thân rất xinh đẹp, như ẩn như hiện của nàng, chàng nghiến răng, mím môi vội đáp :
- Người của cô nương đẹp như thần tiên vậy. Nếu người nào trông thấy tấm thân khêu gợi thế này mà bảo là không động lòng thì chỉ có nói dối thôi. Con người chứ có phải là cỏ cây đâu, ai mà chẳng hữu tình! Nhưng tại hạ thiết tưởng nếu cô nương mà dùng tấm thân tuyệt đẹp này để đoạt lấy tình yêu thì thật là một việc kém sáng suốt.
Người ta vẫn thường nói: Vẻ đẹp của con người không khác gì mây khói, bị gió thổi là sẽ bị tan rã ngay, chỉ có tình yêu chân thật mới bảo tồn được mãi mãi...
Tư Đồ Sương bỗng quay người lại, với giọng run run đỡ lời :
- Thiếu hiệp nói như vậy nghĩa là nếu tôi dùng mối tình si liệu có thể đả động được lòng của thiếu hiệp không?
Nghe thấy nàng nói như thế, Độc Cô Ngọc giật mình đến phắt một cái, vội đáp :
- Tại hạ chỉ e phụ mất mối thâm tình ấy của cô nương thôi! Nhưng dù dao tại hạ cũng nhận thấy chỉ có lối đi đó mới là chính đáng.
Tư Đồ Sương lại nói tiếp :
Thiếu hiệp đừng có biện bạch nữa. Chỉ một lời nói ấy của thiếu hiệp cũng đủ làm cho tôi rất tin tưởng rồi, và không khác gì tôi đang ở trong bóng tối mà có một tia sáng chiếu rọi cho mình. Từ nay trở đi, Tư Đồ Sương nhất định dùng tấm lòng si tình của mình để cảm động lòng chàng. Mời chàng hãy ngồi xuống để tôi đi mặc thêm cái áo sẽ ra tiếp chàng sau.
Nói xong, nàng định quay người đi luôn. Độc Cô Ngọc biết qua lời nói của mình chàng đã tự dùng sợi dây tình nghiệp trói chặt lấy mình nên chàng vội thốt :
- Cô nương...
Tư Đồ Sương vừa cười vừa đỡ lời :
- Thiếu hiệp khỏi phải khuyên tôi nữa. Từ khi tôi trông thấy thiếu hiệp lần đầu, trong lòng tôi đã quyết định ngay là quý hồ tôi còn sống được một ngày ở trên đời, thì bất cứ ai cũng không thể nào thay đổi được ý chí của tôi. Nếu tôi không đạt được tâm nguyện thì thiếu hiệp cũng chẳng phải lo âu hộ tôi. Tôi không như nhiều người, sẽ biến yêu thành thù, vì ghen hóa hận đâu. Đó là Tư Đồ Sương tự kết kén trói nên không oán trách ai cả. Cùng lắm, tôi sẽ tụng kinh niệm phật để sống nốt cuộc đời tàn dư. Nhưng tôi tự tin không khi nào lại đến nỗi phải đi vào con đường ấy đâu!
Nghe thấy nàng ta nói như vậy, Độc Cô Ngọc cảm thấy máu trong người sôi lên sùng sục, vẻ mặt rất khích động, nhìn thẳng vào mặt nàng ta và nói tiếp :
- Cô nương! Có biết bao nhiêu vương tôn công tử, anh hùng, hào kiệt tài ba và anh tuấn hơn trăm nghìn tại hạ. Còn tại hạ chỉ là một tên hàn nho thường tục, sao cô nương lại đặc biệt đoái hoài tới. Như vậy chả...
Chàng chưa nói dứt thì Tư Đồ Sương đã lắc đầu, đưa mắt liếc nhìn chàng một cách rất tình tứ và đỡ lời :
- Thiếu hiệp đừng nói nữa. Ngay cả bổn thân tôi mà tôi cũng không hiểu tại sao lại có lòng yêu...
Nói tới đó, nàng hổ thẹn cúi đầu xuống, ngập ngừng giây lát mới dám ngẩng đầu lên nói tiếp :
- Phải rồi, thiếu hiệp chả nói qua rồi là gì? Người đã từng trải thì cái gì cũng chán nản hết. Tôi cũng như thiếu hiệp vậy.
Nói tới đó, nàng đã đi vào sau tấm màn gấm treo ở phía sau giường. Một lát sau, nàng quay trở ra và đã mặc một cái áo dài đen, mời chàng ngồi xuống rồi vừa cười vừa nói :
- Rượu nhạt cơm hẩm, chỉ có chút lòng thành thôi, xin mời thiếu hiệp dùng cho.
Nàng vừa nói vừa bước đến ngay cái ghế ở trước mặt Độc Cô Ngọc ngồi xuống.
Chàng vừa cười vừa đáp :
- Thức ăn ngon lành thế này mà cô nương lại còn bảo là tầm thường thì trên thế gian này không biết phải chọn thức ăn quý như thế nào mới được cô nương bảo là ngon?
Chàng vừa nói vừa đi tới cái ghế ở phía trước, dối diện Tư Đồ Sương rồi ngồi xuống.
Tư Đồ Sương cười nói :
- Vì thấy bọn nữ tỳ ngu xuẩn, chỉ sợ chúng quấy nhiễu quý khách nên tôi đã cho chúng đi nghĩ rồi.
Độc Cô Ngọc không hiểu dụng ý trong lời nói của nàng ta, đang ngẩn người ra, đã thấy nàng cầm ấm rượu rót cho mình một chén. Chàng vội đỡ lấy ấm rượu và nói :
- Đâu dám phiền đến cô nương như thế! Để tại hạ tự rót lấy!
- Vừa rồi tôi đã nói là vì bọn nữ tỳ ngu xuẩn nên tôi không dám để cho chúng ở đây hầu hạ quý khách, mà đã cho của đi nghĩ rồi. Thiếu hiệp là khách, tôi là chủ, tất nhiên thiếu hiệp phải để cho tôi rót rượu tiếp khách chứ?
Nàng rót đầy chén rượu đưa cho Độc Cô Ngọc, còn chén của mình thì nàng chỉ rót một chút ít thôi. Rót xong, nàng cầm chén rượu lên, vừa cười vừa nói rằng :
- Rượu không phải là hảo hạng, nhưng mời thiếu hiệp cứ tận tình mà uống. Thức ăn không phải là sơn trân hải vị, nhưng cũng xin mời thiếu hiệp ăn cho thật no. Tôi chỉ cùng chén rượu nhạt này để tỏ tâm sự của mình.
- Rượu ngon chỉ hiềm ít, giai vị không e nhiều. Xin cô nương cứ yên tâm, thể nào tại hạ cũng ăn cho thật no, uống cho thật say mới thôi. Nào! Mời cô nương hãy cạn ly này cho.
Nói xong, chàng cầm chén rượu lên định uống, bỗng trông thấy rượu trong chén xanh biếc và thơm tam hội khác thường, chàng vội đặt chén xuống rồi cười hỏi :
- Tại hạ là người quê mùa, chưa nghe thấy ai nói tới rượu lại có màu xanh biếc như thế này. Không hiểu thứ rượu này ngâm bằng thứ gì?
Tư Đồ Sương chỉ cười thôi chứ không nói năng gì, nàng cầm chén rượu lên uống cạn trước rồi mới đáp :
- Rượu này là thứ rượu đặc biệt của Hoa Sơn, ngâm bằng những rễ cây hoa sen vàng ở hồ Cửu Hoa, nên tôi đặt cho nó một cái tên là Phỉ Thúy Hương. Tuy nó không có công hiệu trường sinh ích thọ, nhưng uống nó vào thì sẽ thấy người nhẹ nhõm và còn có một công hiệu rất đặc biệt nữa. Nó có thể trừ được bách độc, bất cứ uống phải thứ thuốc độc cực mạnh đến đâu, chỉ cần uống một chén rượu này vào bụng là khỏi liền.
Thấy nàng nói trúng tâm sự của mình, Độc Cô Ngọc hổ thẹn đến mặt đỏ bừng, ngượng nghịu đáp :
- Cô nương khéo nói đùa thật. Tại hạ vì thấy màu rượu xanh biếc, chưa bao giờ được trông thấy có thứ rượu màu sắc như thế này mới hiếu kỳ mà hỏi như vậy chứ có ý nghĩ gì đâu?
Nói xong, chàng nâng chén lên uống cạn luôn. Tư Đồ Sương liếc nhìn chàng một cái và nói tiếp :
- Tôi đã nói hết lời đâu? Thứ rượu này tuy có thể làm cho người ta nhẹ nhõm, khỏe mạnh và giải trừ được bách độc, nhưng nó lại rất mạnh. Người thường uống một chén, không những tâm tính hỗn loạn, mà còn...
Mới nghe tới đó, Độc Cô Ngọc đã giật mình đến phắt một cái và vội đỡ lời :
- Sao cô nương lại không nói sớm cho tại hạ hay? Nếu sớm nói...
- Điều này không thể trách tôi được! Ai bảo thiếu hiệp không đợi chờ tôi nói nốt, đã ngượng nghịu mà cầm chén lên uống cạn luôn?
Độc Cô Ngọc nhận thấy nàng ta nói rất phải. Đó là tự mình chứ có phải là nàng không nói trước đâu, nên chàng gượng cười nói tiếp :
- Việc đã rồi, chỉ trách tại hạ hết. Xin cô nương cho phép tại hạ ra bên ngoài rảo bước một lúc để men rượu khỏi bốc lên sợ có điều gì thất lễ với cô nương chăng?
Nói xong, chàng đứng dậy định đi thì Tư Đồ Sương đã giơ tay ra nắm lấy tay chàng, khẽ lắc đầu và khuyên bảo rằng :
- Không nên đi ra như thế! Nếu để cho kẻ hầu người hạ biết thì sẽ khó coi biết bao.
Độc Cô Ngọc ngẩn người ra, gượng cười đáp :
- Tại hạ đành cho người ta chê cười mình quá chén chứ không dám vì say rượu mà có điều gì thất lễ với cô nương.
Chàng giằng tay ra định đứng dậy, thì nàng đã hậm hực dậm chân nói tiếp :
- Sao thiếu hiệp lại thật thà đến như thế? Ngày hôm nay may mắn gặp tôi chứ nếu gặp phải Cửu Vĩ Huyền Hồ Khương Diệu Chân thì có lẽ thiếu hiệp chịu không nổi.
Độc Cô Ngọc nghe nói rùng mình một cái, mặt tái mét, lạnh lùng hỏi :
- Cô nương nói Khương... Khương tiền bối cái gì thế?
Chỉ mãi cuống lên, nàng không hề để ý đến thần sắc của chàng ta nên dùng giọng mũi kêu hừ một tiếng, mặt lộ vẻ khinh khỉnh nói tiếp :
- Khương Diệu Chân là một người rất ɖâʍ đãng. Năm xưa ở trong võ lâm đã yêu không biết bao nhiêu là người, ai mà chả biết chuyện của y thị? Sau y lại yêu Lãnh Diện thư sinh Độc Cô Vân Phi, một chàng thanh niên rất anh tuấn và tiếng tăm lừng lẫy bát hoang. Nhưng tiếc thay chàng đã có vợ con nên chàng không màng để ý tới.
Diệu Chân vẫn cứ theo đuổi hoài, sau nhờ có một chén rượu mà y thị đã khiến được Độc Cô Vân Phi vào trong...
Độc Cô Ngọc đột nhiên xen lời nói :
- Vị Độc Cô Vân Phi tiền bối ấy là một cao thủ tuyệt đỉnh đã tung hoành giang hồ.
Như vậy một chén rượu nho nhỏ như thế thì làm khó dễ ông ta sao nổi?
Tư Đồ Sương lắc đầu đáp :
- Thiếu hiệp có biết đâu chuyện đó! Một chén rượu nho nhỏ như thế có gì mà đáng sợ! Nhưng khốn nỗi Diệu Chân đã ngấm ngầm bỏ ɖâʍ dược độc đáo vào chén rượu. Thứ thuốc đó là Tiêu Hồn tán, không có mùi mà cũng không có sắc, người bị uống phải dù có là Đại La Kim Tiên cũng không sao nhịn nổi, huống hồ Độc Cô Vân Phi lại là một người phàm.
Độc Cô Ngọc khẽ kêu hừ một tiếng hỏi tiếp :
- Sao cô nương lại biết rõ chuyện ấy?
- Muốn người ta không biết chỉ có cách là mình đừng có nhúng tay làm, huống hồ Diệu Chân lại coi việc đó là một kiệt tác nhất bình sinh của y thị nên y thị đi đến đâu cũng tuyên bố ầm câu chuyện ấy.
- Sao tại hạ không nghe thấy ai nói tới chuyện đó?
- Có lẽ lúc ấy thiếu hiệp hãy còn đang được bồng bế ở trong tay bà cụ. Ngay cả tôi cũng đến sau này mới nghe ông cụ họ Trà nói mới biết được. Ông cụ họ Trà với Diệu Chân là đồng hương sư huynh muội, tất nhiên câu chuyện này không thể sai được.
- Vừa rồi cô nương chả nói Độc Cô tiền bối có vợ có con, nếu việc này ai ai cũng biết hết thì tất nhiên vợ con của ông ta cũng phải biết rõ chứ?
- Tất nhiên Đổng Vô Song tiền bối phải biết rõ chuyện này!
- Ai là Đổng Vô Song?
- Là vợ kết tóc se tơ với Độc Cô Vân Phi.
- Chả lẽ bà ta lại chịu để yên cho Diệu Chân cướp mất chồng của mình hay sao?
- Không để yên thì làm gì được...
Nói tới đó, nàng bỗng hậm hực nói tiếp :
- Khương Diệu Chân thực là độc ác hơn rắn rết. Đã cướp được chồng của người mà còn giở hết thủ đoạn ra quyến rũ để bắt buộc Độc Cô Vân Phi diệt trừ vợ con đi...
Độc Cô Ngọc nghe tới đây bỗng thất thanh xen lời hỏi :
- Chẳng lẽ Độc Cô tiền bối lại nhẫn tâm đến thế ư?
Lắc đầu thở dài, Tư Đồ Sương đáp :
- Dù sao Độc Cô Vân Phi cũng vẫn chưa mai miệt lương tâm. Tha hồ Diệu Chân giở hết cách ra mà ông ta cũng không chịu nghe. Nhưng không đầy nửa năm thì Đổng Vô Song tiền bối bỗng mất tích một cách ly kỳ. Độc Cô Vân Phi đi khắp nơi tìm kiếm, sau tìm thấy được một cái áo dính đầy máu và rất rách rưới ở dưới Đoạn Hồn Nhai tại núi Nhạn Đăng, mới chứng minh rằng Đổng tiền bối đã nhảy xuống đó tự tử, xác thân đã bị cầm thú ăn mất...
Nói tới đó nàng khóc sướt mướt, không sao lên tiếng kể tiếp được.
Độc Cô Ngọc cứ đứng đờ người ra và đỡ lời :
- Theo sự phán đoán của tại hạ thì chắc khi ấy Độc Cô tiền bối đau lòng quá mới hối hận, liền giết Khương Diệu Chân luôn!
Tư Đồ Sương lại thở dài một tiếng :
- Sự thực Độc Cô Vân Phi có hối hận và đã quyết ý giết ch.ết Diệu Chân để chuộc lỗi.
Nhưng Diệu Chân không hổ thẹn là người có tài ba quyến rũ người rất khét tiếng. Khi Vân Phi trông thấy y thị, mặt đang lộ sát khí cũng phải nén lửa giận xuống mà không nhẫn tâm hạ độc thủ. Tuy vậy, từ lúc đó trở đi, hai người đã bất hòa với nhau nhưng Vân Phi vì con hãy còn thơ ấu nên hết sức chịu nhịn để đợi chờ khi đứa con trưởng thành rồi mới tự tử để tạ tội với vợ cũ. Không ngờ chưa đầy hai năm sau, ông ta với Diệu Chân đã bị kẻ thù giết hại, chỉ có đứa con thơ là được thoát nạn thôi!
Nghe tới đó, Độc Cô Ngọc đã biến sắc mặt, người hơi run vội hỏi tiếp :
- Cô nương có biết kẻ thù của họ là ai không?
Tư Đồ Sương lắc đầu đáp :
- Kẻ thù của họ rất tài ba. Sau khi đã hạ thủ rồi, chúng lại còn dùng lửa đốt cháy nhà của Vân Phi. Không những đồ đạc nhà cửa của ông ta đều ra tro hết mà cả xác của Vân Phi với Diệu Chân cũng không còn thì đâu còn vết tích của chúng nữa?
Độc Cô Ngọc nghe tới đó đau đớn vô cùng, gan ruột như bị đao cắt, khẽ rên rỉ một tiếng.
Tư Đồ Sương rất ngạc nhiên ngửng đầu nhìn chàng mới hay bộ mặt đẹp trai của chàng đã biến thành nhợt nhạt, không có một chút sắc máu nào cả và nhăn nhó trông rất đau khổ. Nàng rất kinh hoảng vội hỏi :
- Thiếu hiệp... làm sao thế?
Độc Cô Ngọc gượng trầm tĩnh và đáp :
- Không có gì! Tại hạ chỉ cảm thấy hơi nhức đầu thôi. Chắc là vì men rượu bốc lên cũng nên.
Tư Đồ Sương lắc đầu với giọng dịu dàng hỏi tiếp :
- Thiếu hiệp đừng có nói dối tôi. Vừa rồi tôi bảo rượu này mạnh lắm đó chỉ là nói đùa thiếu hiệp đấy thôi. Thiếu hiệp hãy nói cho tôi nghe tại sao đi?
Độc Cô Ngọc thấy nàng ta hỏi như vậy mặt bỗng đỏ bừng, chần chừ giây lát rồi mới đáp :
- Không dám giấu diếm cô nương, tại hạ nghe xong tấn bi kịch nên cảm thấy thương tiếc hộ gia đình của Độc Cô tiền bối vô cùng.
Vẫn nhìn chòng chọc vào mặt chàng ta, Tư Đồ Sương hỏi tiếp :
- Sao thiếu hiệp lại cảm động đến như thế?
Độc Cô Ngọc gượng cười đáp :
- Cô nương thử nghĩ xem, Độc Cô tiền bối có vợ đẹp con thơ, đáng lẽ phải được hưởng một cuộc đời sung sướng, mỹ mãn biết bao. Có đâu ngờ chỉ đi lầm có một bước mà đến nỗi nhà tan cửa nát, vợ ch.ết con mất. Thực trên thiên hạ này không có tấm thảm kịch nào lại bi đát đến như thế! nay người ch.ết đã nằm ở dưới chín suối, mà người sống thì không biết kẻ thù là ai. Câu chuyện này ai nghe thấy mà chả động lòng thương, đến cả cô nương vừa rồi cũng chả ướt nước mắt ra là gì?
- Thiếu hiệp đừng có nói đến tôi làm chi, tôi cảm thấy cuộc đời của Đổng Vô Song tiền bối bi đát như vậy nên tôi cảm thấy bất bình và đồng thời cũng cảm thấy đàn ông trên thiên hạ này đa số là bạc tình.
Xếch ngược đôi lông mày lên, Độc Cô Ngọc vội đỡ lời :
- Phải đấy! Tại hạ cũng cảm thấy từ xưa tới nay, chỉ có đàn bà la hay gây nên tai họa thôi!
Tư Đồ Sương ngẩn người ra giây lát rồi khẽ cười khì và hỏi tiếp :
- Có phải thiếu hiệp định trêu tức tôi đấy không?
- Xin cô nương chớ có hiểu lầm. Câu nói của tại hạ là ám chỉ Khương Diệu Chân cũng như vừa rồi cô nương nói đa số đàn ông là bạc tình chẳng hạn.
- Thiếu hiệp khéo ăn nói lắm!
- Tại hạ thực may mắn được cô nương cho biết rất nhiều chuyện bí mật của võ lâm năm xưa, trong lòng rất cảm động. Tại hạ không những uống cạn một chén thôi, mà lại còn phải uống cạn luôn ba chén để cảm ơn cô nương.
Nói xong chàng vừa rót vừa uống liên tiếp ba chén, sau cùng lại rót thêm một chén và vừa cười, vừa nói tiếp :
- Tại hạ đã uống cạn luôn ba chén rồi. Xin mời cô nương cạn chén này cho.
Tư Đồ Sương lắc đầu đáp :
- Uống đậm như thế này rõ ràng là mượn rượu để giải sầu, vẻ mặt của thiếp trông rất bình tĩnh nhưng sự thực trong lòng rất đau khổ.
Độc Cô Ngọc lớn tiếng cười ha hả và đáp :
- Cô nương lại nói bông tại hạ rồi. Ngồi trước một cân quốc tuyệt vời, được uống rượu ngon, được ăn mỹ vị, trong lòng đang khoan khoái vô cùng. Sao cô nương lại bảo tại hạ mượn rượu giải sầu, trong lòng rất đau khổ, thế là nghĩa lý gì?
Tuy chàng nói như thế nhưng vẻ mặt gượng gạo vẫn không sao tránh khỏi được đôi mắt sắc bén của nàng nên nàng vội hỏi tiếp :
- Thiếu hiệp có thể để cho tôi xan xẻ hộ một chút đau khổ không?
Độc Cô Ngọc lắc đầu đáp :
- Đa tạ cô nương, sự đau khổ này trên thiên hạ không sao kiếm ra được người thứ hai có thể gánh vác nổi.
Tư Đồ Sương nhanh nhẩu đỡ lời :
- Thiếu hiệp chả nói không có đau khổ bao giờ là gì?
Lúc này Độc Cô Ngọc mới biết đã lỡ lời, giật mình kinh hãi thầm. Chàng vội gượng cười đáp :
- Cô nương hiểu lầm rồi! Tại hạ vừa nói dù đau khổ cũng không ai có thể gánh vác hộ tôi được đấy chứ!
Tư Đồ Sương nói tiếp :
- Thiếu hiệp không thể nói như thế được! Điều này phải xem người bị đau khổ ấy có chịu hay không?
Độc Cô Ngọc vừa cười vừa đỡ lời :
- Trên thiên hạ này làm gì có người nhẫn tâm đến như thế?
Tư Đồ Sương hỏi lại :
- Thiếu hiệp tưởng là không có phải không? Nhưng trước mặt đây chả phải đã có một người, thiếu hiệp có biết không?
Ngẩn người ra giây lát, Độc Cô Ngọc đáp :
- Lời nói này của cô nương thực là khó hiểu quá! Tại hạ có đau khổ cần người ta gánh vác hộ đâu?