Chương 4: Tôi từng là một đứa con ngoan
Như đã hứa, ra về Trung đứng chờ tôi sẵn ở trước cổng trường. Tôi mỉm cười nhận lấy nón bảo hiểm Trung đưa và lên xe một cách tự nhiên trước con mắt soi mói của các nàng khác. Cứ nhìn cho đã đi, tôi đây càng hãnh diện.
Đi được một khúc, đột nhiên Trung dừng lại trước một quán trà sữa, gọi hai li mang về rồi đưa cho tôi một li nói: "Cho Mèo này!"
" Cảm ơn nhé!" Tôi cười tít mắt đưa tay nhận lấy. Đúng là người trong mộng của tôi có khác, chu đáo thế cơ. Mà tôi cũng thắc mắc một điều rằng cậu ta tốt với tất cả mọi người hay chỉ riêng mình tôi thôi? Rồi lại nhớ đến con Trúc. Cái vẻ ngoan hiền của nó trước mặt Trung làm tôi phát bực.
Thường thường khoảng hơn năm giờ chiều chính là giờ cao điểm. Thời điểm này xe kẹt kinh khủng. Nếu là mọi ngày thì tôi sẽ vừa luồn lách các thứ vừa chửi thầm trong miệng rồi nhưng hôm nay lại cảm thấy yêu mấy cái xe đang đứng chắn đằng trước quá! Các cô, các chú cứ đứng đó luôn cũng được, đừng đi đâu hết. Càng kẹt xe thì thời gian tôi ngồi sau lưng Trung càng kéo dài. Từng giọt mồ hôi lấm tấm trên áo cậu ta nhìn gợi cảm ch.ết người. Cái lưng thẳng tắp cùng bờ vai mạnh mẽ ấy cứ thoắt ẩn thoắt hiện khiến tôi mê mẩn. Vì đây là Trung nên tôi mới thích thôi. Chứ gặp mấy đứa khác mà mồ hôi mồ kê như thế thì đừng hòng đến gần tôi.
" Xe lắm nhở!" Trung vừa nhích lên phía trước một chút liền cảm thán. Tôi dướn ngưới lên phía trước nhìn nhìn rồi thản nhiên mở miệng: "Đâu? Ít mà!"
" Ít á? Vậy như thế nào thì mới được gọi là nhiều?"
" Giống Trung Quốc ấy, kẹt xe mấy ngày mấy đêm!" Tôi cười cười. Sau đó móc điện thoại ra chụp bóng lưng Trung.
Trung nghe tiếng tách tách của điện thoại liền quay đầu hỏi tôi: "Làm gì đấy?" Nhân lúc cậu ta quay đầu tôi liền chụp một tấm.
" Làm kỉ niệm. Mai mốt mở ra xem để ghi nhớ công lao của cậu đã chở tớ về nhà!" Tôi cất điện thoại vào túi rồi đưa li trà sữa lên hút một ngụm. Đồ Trung mua có khác, ngon phải biết!
Trung khẽ cười không nói gì nữa mà tập trung vào việc chen lấn. Chưa đầy mười lăm phút thì xe đã thoát ra khỏi đó. Thấy xe chạy bon bon trên đường thông thoáng tôi liền xụ mặt.
Sao Việt Nam không kẹt lâu lâu như Trung Quốc nhỉ?
Về đến nhà, tôi tạm biệt Trung rồi vui vẻ đi vào. Mẹ ngồi tán dóc với mấy bà hàng xóm, thấy tôi đi về cùng một thằng con trai liền ngoắc tôi lại.
" Thằng nào ấy?"
" Bạn con!" Tôi đáp cụt lủn. Cái nhìn chòng chọc soi mói của mấy bà hàng xóm càng khiến tôi khó chịu.
" Thế đi học về gặp người lớn không biết chào hỏi gì à?"
Lại nữa rồi! Tôi cực kì ghét cái câu này. Còn nhớ có lần tôi đi học về, mấy bà ấy thì ngồi đối diện nhà tôi. Tôi vừa về đến nhà, như bình thường là xuống xe mở cửa sau đó chạy thẳng vào nhà. Hôm sau các bà ấy sang mách mẹ tôi rằng: con gái lớn rồi mà gặp người lớn là ngó lơ chẳng biết phép tắt gì cả!
Đờ mờ chứ!
Mấy bác không có việc gì làm hay sao mà lúc nào cũng thích xăm soi vậy? Mấy người ngồi ở bên kia đường thì làm sao tôi để ý được? Ờ mà có để ý cũng chưa chắc tôi chào. Vậy nên con mình lo chưa xong thì đừng lo cho con người khác.
Từ đằng xa, con Trúc chạy xe đạp điện từ đầu ngỏ vào. Lúc đi ngang qua chỗ mẹ tôi nó liền mỉm cười: "Cháu chào các bác ạ!"
Hờ hờ... khỏi nói đi. Tất nhiên là sắp có một cuộc so sánh diễn ra rồi. Tôi không quan tâm nữa mà quay lưng đi thẳng vào trong nhà, khỏi thưa, khỏi chào gì hết.
Mà kể thấy cũng lạ. Ở Việt Nam, mỗi lần mà ai đó lên bục phát biểu đều chào: kính thưa quí vị đại biểu, kính thưa toàn thể các...kính thưa... Còn ở nước ngoài thì: Hello everyone! Chấm hết. Tại sao cứ thích quan trọng tiểu tiết thế nhở? Lạ!
Ai cũng nói tôi ngổ ngáo, xấc xược. Ừ thì cũng đúng thôi bởi lúc tôi muốn làm một đứa con ngoan thì người ta chẳng cho tôi cơ hội. Bạn biết cảm giác thất vọng nhất là gì không? Là khi bạn đã cố hết sức rồi mà chẳng ai hiểu. Họ chỉ nhìn chòng chọc vào kết quả của bạn và kẻ khác để so sánh và chỉ trích bạn.
Quan hệ của tôi và người nhà không được tốt cho lắm. Đôi lúc tôi muốn lớn thật nhanh để sớm thoát khỏi cái nhà này. Tôi đã từng là một đứa ngoan ngoãn và lễ phép. Hồi còn ở cấp một, tôi học sinh giỏi toàn diện. Điều đó khiến tôi cảm thấy tự hào. Nhưng khi có sổ liên lạc, họ lại tạt cho tôi một gáo nước lạnh: "Học kiểu gì mà đứng hạng 10 vậy?"
Khi tôi kiểm tr.a được điểm cao nhất lớp, tôi hồ hởi khoe: "Con kiểm tr.a toán cao nhất lớp mẹ ạ, 9 điểm lận!", họ lại nói: "Học kiểu gì mà được có 9 điểm cũng khoe. Mày không thấy nhục à?"
Cứ như vậy dần dần tôi chẳng biết mình học giỏi để làm gì. Điểm cao thì sao chứ? Cũng chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả. Dần dần tôi trở nên lười học và dẫn đến kết quả như bây giờ.
Rồi mẹ lại nói tôi sống quá khép lòng với mọi người xung quanh. Tôi muốn sao? Chẳng phải lúc tôi trải lòng cùng mẹ, mẹ đem nó kể cho mấy dì nghe để họ cùng bàn tán sao? Chẳng phải lúc tôi đưa ra ý kiến của mình liền bị mọi người phản bác lại sao?
Vậy đó. Tôi nghĩ sống vì mình được rồi. Sống vì người khác tôi sống không nổi!