Chương 20: Nhớ nhung
Tiền trong nhà không còn nhiều, nào là mua trâu, mua đất, còn dựng nhà, chỉ còn lại một xâu tiền. Đỗ Vĩ Minh không an tâm lắm, chuẩn bị đến vụ thu hoạch rồi, nhưng trong nhà có thêm hai người, nếu trong nhà xảy ra chuyện khẩn cấp thì tính làm sao. Thừa dịp bây giờ chưa bận thu hoạch phải nhanh nghĩ cách kiếm tiền.
Sáng sớm, Đỗ Vĩ Minh mang theo Chu Văn và Vương Võ lên núi. Vương Võ nói hắn biết săn thú nên đến một hộ săn bắt trong thôn mượn công cụ, ừ, rất tốt, về sau sẽ mua thêm công cụ săn bắt cho Vương Võ, mình dùng cũng được. Mấy ngày nay không ăn nhiều thịt, lên trấn mua thịt thì quá xa, thỏ và gà trong nhà không nỡ giết. Lên núi liền chia làm hai nhóm, Vương Võ đi săn thú, hắn và Chu Văn đi hí thực vật. Nhìn đến mảnh rừng trúc, ha ha, có trúc là có măng, đây quả là thứ tốt.
Đỗ Vĩ Minh cầm xẻng đào, Chu Văn ở bên hỗ trợ, một lúc đã đào được cả đống măng. Đỗ Vĩ Minh để Chu Văn tiếp tục đào, còn hắn lên núi tìm nấm và mộc nhĩ. Đào thêm rau dại, nhìn thấy mấy gốc rau hoàng hoa, Đỗ Vĩ Minh reo lên vui vẻ, hoa này có thể ăn, còn có thể phơi khô để dành. Chu Văn đem măng xếp lại một đống, đi lên tìm Đỗ Vĩ Minh, hai người hợp lực hái rất nhiều hoa.
Hôm nay thu hoạch không nhỏ, cái sọt không lớn, Chu Văn mang bớt măng xuống núi trước, Đỗ Vĩ Minh tiếp tục lon ton lên núi xem có gì mới. Núi này không cao, nhưng hắn chưa bao giờ leo lên đỉnh núi, hôm nay chắc cũng không kịp. Nghe nói trên đỉnh núi có thú dữ, mọi người trong thôn không ai dám tới đó. Đỗ Vĩ Minh đành rẽ hướng đi đến chỗ mấy cây ô liu, ôi, mấy tháng nữa ô liu mới kết quả. Hắn quyết tâm phải kiếm được thứ mới mẻ khác.
Cách chỗ ô liu không xa có mấy cây hoa quế, ừ, một thời gian nữa, hoa quế nở sẽ hái về trồng. Đỗ Vĩ Minh phát hiện một ít thực vật ven đường, xa xa đã ngửi được mùi thơm ngát, hái một cái lá đưa lên ngửi, kinh hỉ phát hiện thì ra là lá bạc hà. Ha ha, có tiền rồi, có tiền rồi. Cẩn thận hái một ít lá bạc hà, Đỗ Vĩ Minh còn bứng thêm mấy gốc mang về nhà trồng.
Trước đây, hắn thích dùng lá bạc hà pha trà uống, đi đến nơi này đã lâu cũng không có thời gian tìm kiếm, chỉ có vài lần uống trà cùng Cảnh Nguyên, bây giờ chỉ cần mang về trồng thì sau này sẽ có trà uống rồi.
Chu Văn đến, mang nấm, mộc nhĩ và hoàng hoa bỏ vào giỏ trúc, lá bạc hà để trên cùng, cẩn thận không để bị dập. Hai người xuống núi, về nhà làm cơm chiều, buổi trưa chỉ ăn hai cái bánh bột ngô, Vương Võ có lẽ lát nữa sẽ trở về. Về đến nhà, Đỗ Vĩ Minh vội vàng đem bạc hà bảo bối của hắn trồng ở trước nhà.
“Thiếu gia, buổi tối ăn gì vậy?”
“Chu Văn, ta đã nói đừng gọi ta là thiếu gia mà, cứ gọi thẳng tên là được.”
“Không được, quy củ không thể bỏ.”
Đỗ Vĩ Minh cảm thấy thật kinh khủng, mỗi ngày đều nghe Chu Văn và Vương Võ gọi thiếu gia đến nổi cả da gà, đã sửa nhiều lần, nhưng hai người vẫn quyết tâm gọi hắn là thiếu gia. Phải làm cho họ đổi xưng hô mới được, nếu không bản thân chịu không nổi. Thôi, mai mốt rảnh sẽ bàn với họ tiếp.
“Buổi tối ta sẽ nấu vài món ngon cho hai người nếm thử, cam đoan mấy người chưa ăn bao giờ.”
Kêu Chu Văn đi chuẩn bị 10 cây măng, buổi tối sẽ làm một bàn toàn món măng. Lựa bốn cây măng non nhất sắt sợi, ngâm vào nước muối, trộn đều. Rửa sạch hoàng hoa, cắt thành từng khúc trụng vào nước sôi, lập tức vớt ra ngâm trong nước lạnh, một lát sẽ nấu chung với măng. Măng om dầu, đem măng cắt thành từng khối, dầu vừa sôi thì cho măng vào, nêm thêm xì dầu, chờ gần chín lại cho thêm đường là được. Trong lúc cả hai bận túi bụi, Vương Võ đã trở về, thu hoạch cũng không nhỏ.
Ba con thỏ rừng, hai con hoẵng, hai con gà rừng, Đỗ Vĩ Minh bảo hắn đi rửa mặt nghỉ ngơi một chút, nghỉ xong thì mang công cụ săn bắn đi trả, rồi đi cho gia súc ăn, sau đó ngồi chờ cơm là được. Bảo Chu Văn giết một con gà rừng, phần còn lại tạm nhốt ngày mai làm thịt sau.
Sau nửa buổi, bàn ăn đã hoàn thành, hoàng hoa trộn măng, cho thêm dầu ô liu, vừa ngửi liền thấy thơm. Măng om dầu, thịt khô xào măng, rau thập cẩm, cuối cùng là canh gà đôn nấm. Chu Văn, Vương Võ, hai người lúc mới đến còn không chịu ngồi ăn chung, bị Đỗ Vĩ Minh kiên trì một hồi, cuối cùng cũng ngồi vào bàn. Hiện tại cũng đã quen dần, Chu Văn dọn đồ ăn, Vương Võ ngồi một bên xới cơm, Đỗ Vĩ Minh chỉ việc rửa mặt rồi ngồi vào bàn. Đồ ăn thơm ngào ngạt, hai người xúc động muốn rơi lệ. Có được chủ nhân như Đỗ Vĩ Minh thật sự là phúc của bọn họ.
Vương Võ ban đầu là ám vệ, tưởng rằng cả đời này chỉ có thể núp trong bóng tối không đứng được dưới ánh mặt trời, Chu Văn là người hầu của phủ, lúc trước vì tuổi nhỏ không biết cách ăn nói nên đi đâu cũng bị người xa lánh. Lúc hai người bị Vương gia đưa đến chỗ dân tị nạn, đã tưởng cuộc đời này xem như xong, ai ngờ Vương gia lại an bài một chỗ tốt cho bọn họ.
Đỗ Vĩ Minh tuy tuổi không lớn, nhưng làm việc ngăn nắp, nói chuyện cũng khách khí, chưa bao giờ khoa tay múa chân sai bảo bọn họ, làm sai việc cũng không đánh mắng. Trước lúc rời đi, Vương gia đã dặn, chỉ cần hai người chăm sóc tốt Đỗ Vĩ Minh sẽ được không ít ưu đãi. Tuy rằng là ở nông thôn làm ruộng, nhưng mỗi ngày hai người đều ngồi chung bàn dùng cơm với Đỗ thiếu gia, thiếu gia ăn cái gì bọn họ ăn cái đó. Vì vậy, có được vị chủ tử này là phúc khí của bọn họ.
Đỗ Vĩ Minh không biết suy nghĩ của hai người, toàn bộ đều bị mỹ thực trên bàn hấp dẫn. Chị hắn trước kia rất thích ăn măng, hằng năm đến mùa xuân đều mua măng về, thích nhất là món canh măng hầm. Trong lòng lại dâng lên phiền muộn, ôi, có lẽ cả đời này không có hy vọng trở về, chỉ mong chị có thể bình an hạnh phúc. Điều chỉnh lại tâm tình, Đỗ Vĩ Minh bắt đầu ăn cơm, ngày mai quyết định đi mua thịt về làm canh măng.
Ăn xong cơm chiều, mọi người tự động trở về phòng. Trong nhà có hai gian phòng mới, Vương Võ và Chu Văn ở một gian, dư một gian không biết dùng làm gì. Đỗ Vĩ Minh quyết định biến nó thành kho hàng kiêm phòng thí nghiệm. Việc lọc dầu đều làm ở trong phòng đó, cũng tiện che dấu. Lương thực trong nhà cũng phải trữ ở nơi thông thoáng. Còn căn phòng ở giữa, Đỗ Vĩ Minh định khi nào có tiền sẽ làm một bộ bàn ghế.
Buổi tối, thời điểm chỉ có một người, Đỗ Vĩ Minh càng thêm tưởng niệm Cảnh Nguyên, không biết hắn hiện tại thế nào. Tuy rằng không rõ thân phận của Cảnh Nguyên, nhưng khẳng định là phi phú tức quý. Đỗ Vĩ Minh dùng lá bạc hà pha một bình trà, ngồi ở trên giường luyện chữ. Hiện tại, hắn đã biết không ít chữ, lần trước đi dạo trấn còn mua một bảng chữ mẫu, Cảnh Nguyên đã dạy hắn một nửa, không biết bao giờ mới có thể học xong. Một mình luyện chữ, uống trà rồi đi ngủ.
21,Măng chua, măng khô
Con gà rừng còn lại làm thành gà khô muối, thỏ hoang cũng để lại một con ăn, một con đem tặng trưởng thôn, con thỏ còn lại và hai con hoẵng thì bán cho Thiên Hương lâu, kiếm được 100 văn. Vương Võ theo yêu cầu của Đỗ Vĩ Minh mua hai cân thịt heo, một cân ớt. Đỗ Vĩ Minh quyết định làm món canh măng mà chị mình yêu thích nhất.
Nấu canh măng khá đơn giản, rửa sạch thịt heo, nấu chín, cắt thành khối. Sau đó lấy thịt muối, cũng cắt thành từng khối bỏ vào nồi, cho thêm nước. Đun một lúc thì cho thịt heo vào, để lửa lớn, rồi cho thêm rượu, qua một lúc thì giảm nhỏ lửa, chờ đến khi thịt gần chín thì cho măng vào, nêm muối và gia vị, tiếp tục nấu lửa lớn, hớt bọt, cuối cùng cho thêm hành lá là xong.
Chu Văn và Vương Võ càng lúc càng bội phục Đỗ Vĩ Minh, vì hắn thường xuyên làm một ít món ăn mới lạ, thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng hương vị không chê vào đâu được. Canh măng thịt thơm ngon, vị măng và thịt hòa quyện trở thành mỹ vị, ăn chung với cơm một lúc là hết sạch măng, nhưng thịt vẫn còn thừa nhiều. Người trong gia đình bình thường rất thích ăn thịt, cho nên đáng ra thịt heo phải được ăn sạch, hiếm khi có người ăn măng lại chừa thịt. Đỗ Vĩ Minh quyết định ngày mai cho thêm măng tiếp tục nấu ăn.
Đỗ Vĩ Minh đem rửa nấm và mộc nhĩ mới hái về, đặt ngoài sân phơi khô. Hoàng hoa trụng qua nước sôi, lại bỏ vào nước sạch ngâm một canh giờ rồi vớt ra ngoài, vẩy sạch nước rồi cũng đem phơi nắng.
Măng mọc khá nhanh, năm nay lên núi muộn, có lẽ nửa tháng sau sẽ không còn. Vậy làm sao để lưu trữ măng đây, ngoại trừ măng ướp tiêu thì còn hai cách khác: măng chua và măng khô. Măng ướp tiêu thực hiện rất đơn giản, nấu một nồi nước muối, bỏ thêm ớt, măng xắt sợi cho vào, nấu nửa ngày rồi đổ cả nước và măng vào bình, đậy kín mang chôn là được, sau một tuần là có thể ăn. Măng chua và măng khô thì phức tạp hơn.
Măng chua được làm từ phần non nhất của măng, ngoài ra người muối phải ‘có tay’ thì măng chua mới ngon. Măng chua giòn nộn ngon miệng, dễ dàng bảo quản, vận chuyển, có thể cất giữ cả bốn mùa. Nguyên liệu làm măng chua yêu cầu phải là măng có màu xanh pha chút màu vàng đất, rễ măng phiếm màu trắng, thân măng kiên cố, cầm không dính tay.
Đặc biệt còn phải chú ý độ khô của muối, nếu muối có độ ẩm càng cao thì chất lượng càng kém, khó bảo quản. Măng khô cũng lấy măng làm nguyên liệu chủ yếu, lột vỏ, rửa sạch, rồi đem luộc vài lần cho đến khi nước hết đục, xắt mỏng rồi đem phơi nắng đến khi măng có màu vàng óng, từng phiền giòn nộn. Mặc dù gọi là măng khô nhưng không phải chỉ là món phụ, hơn nữa độ dinh dưỡng của nó có giá trị tương đương với thuốc. Đỗ Vĩ Minh quyết định mỗi thứ làm một ít, trong nhà còn hơn nửa sọt măng, làm thí nghiệm trước một chút, nếu làm tốt sẽ lên núi đào thêm măng.
Măng chua dễ làm hơn, rửa sạch măng, cắt lấy phần đầu non, dùng nước muối nấu chín, sau đó sấy khô trên vỉ nướng. Chuyện vỉ nướng khiến Đỗ Vĩ Minh cân não một phen, cuối cùng nhờ Vương Võ lên trấn mời thợ rèn đúc một tấm sắt, nhân tiện mua mười cân muối. Măng chín thì bỏ lên tấm sắt xào, phải chú ý canh chừng lửa. Cuối cùng rắc thêm muối đều cả hai mặt là được.
Còn măng khô thì đầu tiên phải lột hết vỏ rồi chưng thật nóng, không cần ướp thêm gia vị gì, tiếp theo vớt ra ngâm trong nước sạch, sau đó ép thành từng phiến rồi mang hong khô là được. Cả nhà bận rộn năm ngày, cuối cùng làm ra mẻ măng chua và măng khô đầu tiên.
Trong thời gian đó, Đỗ Vĩ Minh vẫn bảo Vương Võ lên núi hái măng, còn mình và Chu Văn ở nhà làm măng. Măng trên núi hầu như đã bị Vương Võ đào hết một nửa thì bị Đỗ Vĩ Minh chặn lại, phải giữ lại một ít để nó lớn, sang năm có thể tiếp tục thu hoạch, phải có ý thức bảo vệ môi trường, còn măng không biết tiêu thụ thế nào, làm nhiều bán không hết thì khổ, không biết để ăn đến ngày tháng năm nào a.
Ba người ngày đêm bận rộn, muối được nửa kho măng. Hơn hai mươi ngày, mỗi ngày đều ăn măng, Đỗ Vĩ Minh bây giờ nhìn thấy măng đều cảm thấy muốn ói, cho dù là thịt rồng ăn nhiều cũng sẽ ngán. Măng chua đã làm xong không thể phơi nắng quá lâu, xếp thành từng lớp vào bình gốm đặt vào kho. Măng khô được ép rất tốt, chờ thời tiết tốt có thể mang ra phơi nắng.
Làm rất nhiều măng, nhưng về phần tiêu thụ, Đỗ Vĩ Minh còn chưa tính toán. Măng chua có thể ăn vào những ngày nóng, có thể nấu canh, như canh măng chua bí đáo chẳng hạn. Hiện tại măng mới bắt đầu đem bán, có lẽ sức tiêu thụ cũng không nhiều, nếu để đến những ngày nắng nóng, phỏng chừng sinh ý tốt hơn. Còn măng khô có thể để lâu hơn, đến mua thu hoặc mùa đông bán cũng thích hợp. Trước mắt cứ tồn măng khô ở đó, thêm đoạn thời gian mới tính tiếp.
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, ba người cùng đi Bình Phước trấn. Sắp đến mùa nóng, mua một ít vải mỏng may quần áo, thuận tiện ghé xem tình hình tiêu thụ xà phòng và dầu ô liu thế nào. Vương Võ phải trông xe bò, nên không đi theo. Chu Văn và Đỗ Vĩ Minh đi đến cửa hàng của Phòng trưởng quầy trước, xem xét một chút, ba mươi bộ xà phòng lúc trước bán cũng gần hết, xà phòng chỉ còn hai cục, dầu ô liu thì còn mười bình, kết toán tiền hàng, tổng cộng 1840 văn, trừ đi hoa hồng của Phòng trưởng quầy thì còn 1656 văn.
Đỗ Vĩ Minh đem giấu một quan tiền vào áo, cầm 656 văn còn lại đi mua đồ dùng linh tinh. Hẹn Phòng trưởng quầy hai ngày sau sẽ đưa thêm xà phòng, bây giờ trời nóng, nhu cầu xài dầu ô liu cũng giảm. Xem ra phải nghĩ biện pháp khác.
Hai người đến tiệm vải mua ít vải, Đỗ Vĩ Minh chọn khúc vải bông màu xám, mua hai khúc vải màu xanh thẫm cho Vương Võ và Chu Văn, quần áo mùa hè dùng ít vải, chỉ hết 100 văn. Kỳ thật, Đỗ Vĩ Minh đối với tơ lụa chẳng có chút hứng thú nào, quần áo hiện đại đa số đều may từ vải bông, ở đây vải bông giá rẻ, hợp với tâm tư của Đỗ Vĩ Minh.
Lúc đi dạo đến phố tây, nhìn đến một cửa hàng bán son phấn, Đỗ Vĩ Minh liền cố ý đi vào nhìn một chút. Trong cửa hàng đều là khách hàng nữ, hai đại nam nhân đi vào liền có hơi kì quái, Đỗ Vĩ Minh ở trong cửa hàng dạo qua một vòng, cũng phát hiện tình huống, trong ánh mắt chăm chú của mọi người, đỏ mặt kéo Chu Văn nhanh ra khỏi cửa hàng.
Ở lại trấn ăn cơm trưa, Vương Võ vẫn trông coi xe bò, Đỗ Vĩ Minh cùng Chu Văn đi ăn cơm, không đi Thiên Hương lâu mà đến một sạp mì nhỏ. Mì đều là tự làm, không giống loại mì ở hiện đại, Đỗ Vĩ Minh ăn một bát, liếc thấy sức ăn Chu Văn lớn hơn mình, phỏng chừng một chén không đủ, nên gọi hai bát cho hắn. Mì không tiện mang theo, nên mua cho Vương Võ hai cái bánh nướng.
Trên đường trở về, Vương Võ đánh xe, Chu Văn và Đỗ Vĩ Minh an vị trên xe nói chuyện phiếm.
“Thiếu gia, lúc nãy cậu vào tiệm bán son phấn làm gì thế?”
“Không có gì, thấy mới mẻ liền vào nhìn một chút thôi mà.”
Đỗ Vĩ Minh đã hoàn toàn mất cảm giác với việc hai người họ lúc nào cũng gọi hắn là thiếu gia, cũng hết cách, khuyên nhiều lần không có hiệu quả, sửa cũng không được. Đỗ Vĩ Minh lẳng lặng ngồi im không nói, như là đang tự hỏi điều gì. Chu Văn thấy vậy, cũng im lặng theo.