Quyển 3 - Chương 3: Ngọn núi kia
Tôi chưa bao giờ cảm thấy thời gian một tháng lại trôi qua chậm như thế, tôi không còn quan tâm đến bất cứ chuyện gì khác, cả ngày chỉ hi vọng thời gian trôi qua nhanh một chút, mỗi ngày trôi qua, tôi đều vạch một nét trên tấm lịch. Trước kia tôi từng cảm thấy hành động này quá nhàm chán nhưng lúc này, khi nhìn những nét vạch kia ngày càng nhiều, tâm tình của tôi cũng như nhảy nhót theo.
Mười ngày trước, tôi đã gấp rút gọi điện cho bác, bác nghe nói chúng tôi muốn đến, tỏ vẻ vô cùng hoan nghênh, nói rằng đến lúc đó, trong thôn có lễ tế, vô cùng náo nhiệt. Mười ngày sau, đối với chúng tôi mà nói đều trở nên gian nan vô cùng, tôi thì không cần phải nói, mà Huyền Kỳ khi nghe thấy sẽ được xem náo nhiệt lại càng mong đợi vô cùng.
Thật vất cả, cuối cùng đến đêm trước khi lên đường, tôi ngủ không được, trằn trọc trở mình trên giường.
Mặc dù ban ngày trời rất nóng nhưng buổi tối đã trở nên mát lạnh, nhang đuổi muỗi trong phòng bay lượn lờ. Trong đêm hè thoang thoảng mùi nhang muỗi lại mang đến cho người ta cảm giác an toàn khó hiểu. Tôi không mở điều hòa, bên giường là cửa sổ, nằm nhìn ra ngoài, trên cao là ánh trăng sáng, xung quanh là một tầng mây mỏng.
Tôi nhớ lại, cũng chỉ có bác và chú là thân thích còn thường lui tới với chúng tôi. Khi còn bé, khi ông nội ra ngoài du lịch, họ đều sẽ thay phiên đến chăm sóc chúng tôi, nhưng không biết tại sao, chỉ cần ông nội trở về, họ lại không nói được mấy câu, hình như cũng không vui vẻ lắm. Trông ấn tượng của tôi, bác là một nông dân trung thực, luôn mặc quần áo màu đen, mang giày vải màu đen, thường hay mang cho chúng tôi một rổ trứng gà.
“Thanh Loan?” Có người khẽ gọi tôi ngoài cửa.
Tôi nghiêng đầu nhìn, là Huyền Kỳ.
“Chị cũng ngủ không được sao?” Cậu đi đến, ngồi vào bên giường.
Tôi “ừm” một tiếng, tiếp tục nhìn bầu trời đêm ngoài cửa sổ.
“Chị còn nhớ không, lúc bé, bác thường nói chưa được mấy câu đã cãi nhau với ông nội?” Xem ra cậu cũng giống tôi, bởi vì nhớ lại chuyện xưa mà không ngủ được.
Tôi lại “ừm” một tiếng, không nói gì.
Cậu khẽ thở dài nói: “Có một lần, em nghe thấy tiếng hai người họ cãi nhau. Khi đó còn quá nhỏ, phần lớn nghe cũng không hiểu, nhưng hình như bác có ấn tượng rất xấu đối với sức mạnh kì lạ của ông nội, bác còn nói, đối với chúng ta như thế là không tốt.”
Tôi chỉ có thể cười khổ: “Nếu như không có sức mạnh kì lạ kia của ông nội, e là chúng ta cũng không sống đến lúc này.”
“Đúng vậy.” Cậu nói “Lúc đầu ông nội cũng không hề đáp lại, mãi cho đến khi bác nói đến một câu kia, ông mới tức giận. Bác nói ‘trông chừng ngọn núi kia vốn là không cần thiết’. Lúc ấy ông nội rất tức giận, nói đó là quy củ do tổ tiên để lại, không ai được phá.”
Dừng một chút, cậu lại nói: “Em vẫn luôn nghĩ, rốt cuộc ông nội làm gì. Ông biết nhiều điều không giống với người thường.”
Đúng vậy. Trước kia ông nội rốt cuộc là làm gì, vấn đề này tôi vẫn luôn nghĩ đến. Trong trí nhớ, ông luôn thỉnh thoảng sẽ ra ngoài khoảng mười ngày nửa tháng, nói là đi du lịch, nhưng mãi đến giờ cũng không hề mang theo một tấm ảnh nào, hay vật kỉ niệm nào về, trong phòng sách cũng chẳng có vật nào tương tự.
“Người đã già, thừa lúc còn có thể đi thì đi thêm nhiều nơi một chút, không cần chụp hình gì nhiều, tất cả cứ ghi nhớ trong này là được.” Một lần kia khi ông nội về, tôi từng hỏi ông có chụp hình không, lúc đó ông chỉ chỉ đầu mình rồi nói với tôi như thế.
“Ông nội là người thân nhất của chúng ta.” Yên lặng một lúc lâu, Huyền Kỳ mới yếu ớt nói: “Nhưng kể từ khi ông qua đời, dường như ông càng lúc càng xa lạ. Để lại cho chúng mấy vật như thế, để lại hai người kia, lại không hề để lại một dòng chữ nào, ngay cả đôi mắt của chị là chuyện gì, em nghĩ, ông cũng biết….”
Tôi đồng ý sâu sắc, cũng không thể phản bác.
Cậu thở dài, đứng dậy ra ngoài: “Ngủ đi, ngày mai chúng ta còn phải đi, cũng đừng suy nghĩ nhiều quá, nói không chừng một ngày kia, tất cả bí mật này đều sẽ được giải đáp.”
Thử nghĩ xem, cũng chỉ có thể như thế thôi, giờ có chuyện rồi, chúng tôi cũng chẳng có đầu mối nào, muốn giải bí mật, thật sự là cần quá nhiều thứ, con đường phìa trước là may hay rủi, đi một bước nhìn một bước, cứ mặc cho số phận vậy,
Trong mơ, tôi nhớ lại lúc còn bé, cũng là một đêm hè phe phẩy gió mát như thế này, đây sân đều là tiếng con nít cười đùa, nào nhiệt vô cùng. Ông nội ngồi chỗ bậc cửa mỉm cười nhìn chúng tôi, bên cạnh là một chiếc bàn nhỏ, có đặt mấy miếng dưa hấu còn dư lại. Trong không khí, hương thơm ngọt ngào của dưa hấu không hoàn toàn tản đi, ông ngồi trên ghế, thỉnh thoảng phát ra âm thanh chà chà, quạt trong tay cũng phe phẩy, tản ra mùi nhang mũi.
“Thanh Loan, không được quay đầu lại.” Bỗng nhiên cảnh tượng biến đổi, trước mắt trở nên tối đen, chỉ có gương mặt nghiêm túc của ông nội và lời dặn dò không ngừng vang lên.
Tôi chợt tỉnh lại, cả người đầy mồ hôi, nhìn điện thoại di động, sắp năm giờ rồi, ngoài cửa sổ, bầu trời đã dần sáng. Vé ghi là sáu giờ rưỡi sáng khởi hành, cũng đến lúc tỉnh dậy rồi.
Ngoài cửa có vài tiếng động, nghe như Huyền Kỳ cũng đã vào phòng vệ sinh rửa mặt rồi, thỉnh thoảng còn nghe một hai tiếng mèo kêu — đúng rồi, Diệu Diệu cũng sẽ đi cùng, vì chuyện này mà tôi còn đặc biệt đi mua một cái giỏ đựng mèo
Lúc này có người đến gõ cửa, Huyền Kỳ vội chạy ra, lúc đi vào còn nghe được tiếng của Thẩm Thiên Huy.
Tôi thay quần áo rồi ra ngoài, phát hiện trong phòng khách không chỉ có Thẩm Thiên Huy mà còn có Vu Dương.
“Anh cũng đi à?” Tôi hỏi Vu Dương.
Anh ta không nhìn tôi, chỉ gật gật đầu.
Hơn hai người đi nên tôi đành gọi cho bác, nói có bạn học cũng muốn đến chơi, may là bác cũng không ngại, vẫn nhiệt tình như trước, còn nói không cần ở khách sạn, nhà khá lớn, có thể ở đủ.
“Thanh Loan, Vu Dương là vì cô nên mới đi đó.” Thẩm Thiên Huy giỡn.
Cũng không có gì buồn cười — quả thật là vì tôi, nhưng chẳng qua là anh ta sợ Di Thiên châu trong mắt tôi có chuyện thôi.
Lúc ra khỏi nhà, sắc trời thoạt nhìn không tồi, cũng không nhiều mây, không ngờ mới đi xe khoảng một tiếng thì trời lại mưa.
Tôi nhìn cửa sổ bị nước mưa rơi như thác nước cọ rửa mà hơi ngẩn người, đột nhiên, một khuôn mặt đầy máu dán chặt lấy cửa sổ thủy tinh trước mắt, có lẽ là vong linh bị tai nạn xe cộ mà ch.ết, nửa mặt bên phải gần như nát bét, nó cứ như vậy dùng con mắt bên trái còn sót lại nhìn chằm chằm tôi, trong miệng còn không ngừng nói gì đó.
Tôi hơi hoảng hồn, mở âm lượng trong máy MP lớn hơn, giả vờ như không thấy gì, tiếp tục nhìn chăm chú vào mấy dòng nước mưa trên cửa sổ. Huyền Kỳ buồn ngủ, Diệu Diệu ở trên người cậu, xuyên quá tấm lưới trên giỏ đựng mèo, chỉ thấy đôi mắt màu lục bích của cô ấy phát sáng.
Vừa nhìn thấy Diệu Diệu, gương mặt kia bắt đầu vặn vẹo, sau đó từ từ biến mất.
Ở trên đường cao tốc, nếu nhìn kĩ, có thể thấy ven đường có nhiều loại vong linh, có kẻ trước ngực bị cái ống gì đó xuyên qua; có kẻ không còn nửa phần dưới, bên eo còn có một đoạn ruột thòng xuống; có kẻ cả khuôn mặt đều nát bét không ra hình dạng, không thể biết mặt mũi ra sao; ngoài ra, còn có kẻ bề ngoài trông rất bình thường nhưng miệng lại không ngừng phun ra mấy dòng máu đen nhánh….Chính vì như thế nên tôi vẫn luôn sợ nhất là đi xe đường dài, nếu được thì luôn tránh đi.
Sau bốn giờ đi đường, chúng tôi đến một huyện nhỏ, từ nơi này đến chỗ bác ở, còn phải di chuyển bằng một chiếc xe công vụ địa phương.
Mưa càng lúc càng lớn, xe chạy trên đường núi đầy bùn lầy khiến ruột gan tôi như đang khiêu vũ, trong mũi chỉ toàn là mùi gà vịt, sắc mặt Huyền Kỳ trắng bệc, nắm chặt túi nhựa tỏng tay.
Khoảng hai tiếng sau, xe rốt cuộc dừng xuống một bãi đỗ, vừa xuống xe, chúng tôi liền thấy bác đang đứng chờ, bác cầm theo dù, trên đôi giày đi mưa bằng nhựa đen đều dính toàn là bùn.
“Đến rồi à, đường có khó đi lắm không?” Bác cười nói, lộ ra hàm răng trắng noãn.
Sau khi giới thiệu sơ về Thẩm Thiên Huy và Vu Dương, bác liền cười ha ha: “Đi thôi, nhanh về ăn cơm.”
Sau bãi đỗ là một mảng rừng trúc lớn, nơi đó có một con đường nhỏ, đi chừng mười phút mới thấy có ánh sáng.
Đây là một thôn xây dựa vào chân núi, thoạt nhìn cũng không nhỏ, trước thôn có một ngã ba, một đường vào thôn, một đường khác đi lên núi. Trên núi đầy trúc, dưới mưa lại càng xanh tươi ướt át, ở đó có dựng một tấm bia có viết hai chữ “Hổ Sơn”, dưới chữ còn có khắc hình con hổ.
Nhà của bác ở gần cửa thôn, là nơi gần núi nhất, nhà có hai tầng, bình thường chỉ có bác và bác gái ở, thêm mấy người chúng tôi vẫn rất rộng rãi.
Lúc ăn cơm, bác nói cho chúng tôi biết, đó là lễ tế của vị Sơn Thần trên Hổ Sơn, còn kể chuyện cho chúng tôi nghe.
Truyền thuyết kể rằng, rất nhiều năm trước đây, có một người thanh niên mang một chiếc xe trâu chở toàn bộ gia sản của hắn đến đây, thấy nơi này non xanh nước biếc, khí hậu hợp lòng người, liền muốn định cư ở đây, cho nên mới lên núi chặt trúc về để xây nhà.
Sau khi lên núi, anh ta chợt thấy một khoảng đất trống, trên đất có mấy nhánh măng mới mọc. Anh ta vô cùng vui vẻ, bởi vì lúc đó là lúc đông đi xuân đến, măng lại tươi mới như thế, có thể bán được giá rất tốt. Thế nhưng, khi anh ta định đào nhánh măng lên, một con mãnh hổ chợt nhảy ra, vậy thì cũng thôi đi, không ngờ con hổ này còn mở miệng nói chuyện.
“Ta là Sơn Thần trong núi này, bị cây măng này nguyền ở trong núi, nay ngươi đào măng, trả lại tự do cho ta, để đáp tạ, ta sẽ cho ngươi một miếng ruộng màu mỡ, ngay cả trúc khắp núi này đều tùy ngươi sử dụng.”
Cho nên, người thanh niên dưới sự chỉ điểm của mãnh hổ đã chiếm được một khoảng đất vô cùng phì nhiêu, hằng năm đều thu hoạch, sống rất sung túc. Vì nhớ kĩ ân tình này, hằng năm vào ngày giải thoát cho mãnh hố, thanh niên kia đều cùng con cháu lập nên lễ tế, về sau, tập tục này kéo dài đến tận bây giờ.
“Đây cũng chính là lí do ngọn núi này tên là “Hổ Sơn” ” Bác nói.
Đang nói chuyện, bỗng nhiên có mấy đứa nhóc từ đâu chạy đến, đứng ngoài cửa nhìn vào. Bác đứng dậy chào hỏi bọn chúng, chúng chỉ nhìn chúng tôi cười, không nói tiếng nào, tôi nhớ đến trong túi có đem theo chút đồ ăn vặt, liền đứng dậy phân phát cho chúng, chúng xấu hổ nhận lấy rồi tươi cười tản đi.
“Mấy đứa trẻ trong núi, chưa thấy người lạ bao giờ, có người bên ngoài đến nơi mới muốn đến nhìn.” Bác ngại ngùng nói.
Chúng tôi cười cười, không nói gì, ngược lại hỏi bác lễ tế khi nào bắt đầu.
“Tối mai.” Bác nói.