Chương 112: Bí ẩn
Lời Đậu Chiêu nói mơ mơ hồ hồ, Trần Khúc Thủy không đoán được nàng có dụng ý gì. Lòng tự trọng lại không cho phép ông chưa nghĩ kĩ đã hỏi nàng. Thế là vấn đề này được bỏ qua.
Sau khi tiễn Trần Khúc Thủy, Đậu Chiêu đứng ngẩn ngơ mãi ở ngoài hiên chính phòng. Kiếp trước, vào ngày mùng chín tháng năm năm Thừa Bình thứ mười ba, Tế Ninh hầu đột nhiên ốm rồi qua đời. Sau khi mãn tang Tế Ninh hầu, ngày mười chín tháng tám năm Thừa Bình thứ mười lăm chính là ngày nàng “tình cờ gặp gỡ” Điền thị đến chùa Khai Nguyên cầu siêu cho trượng phu.
Giờ là tháng ba năm Thừa Bình thứ mười ba, nếu không có gì bất ngờ thì hơn một tháng nữa, Tế Ninh hầu sẽ ch.ết vì bệnh, Ngụy Đình Du phải chịu tang ba năm, hôn sự này đương nhiên sẽ bị hoãn lại. Ba năm sau, ai mà biết lúc ấy tình cảnh sẽ ra sao.
Nàng không hề lo lắng.
Mấy ngày sau mưa xuân liên miên. Đậu Chiêu đang bận chăm sóc mấy khóm mẫu đơn thì Trần Khúc Thủy đến báo tin, Tằng Di Phân ốm nặng, vừa mất.
“Cuối cùng đã trống một vị trí trong Nội các.” Đậu Chiêu mời Trần Khúc Thủy ngồi xuống bên chiếc bàn đá ấm hình hoa, tự tay pha một ấm Bích Loa Xuân, cười nói: “Không biết ai sẽ trở thành Thủ Phụ? Vị Thị lang nào sẽ được vào Nội các đây? Mấy hôm nay trên kinh nhất định có người mất ngủ.”
Trần Khúc Thủy nhận chén trà từ tay Đậu Chiêu, phân tích: “Khả năng lớn là Diệp Thế Bồi và Diêu Thời Trung, có điều Đới Kiến được Thái giám bỉnh bút Uông Uyên của Tư Lễ giám ủng hộ, cũng có khả năng lắm.”
Đậu Chiêu kinh ngạc nói: “Hóa ra Đới Kiến đó có Uông nội thị chống lưng…”
Trần Khúc Thủy nghe Đậu Chiêu gọi Uông Uyên là “Uông nội thị” thì ngạc nhiên hơn cả nàng, hỏi: “Sao người lại biết Uông Uyên?”
Sao nàng lại không biết Uông Uyên.
Kiếp trước Liêu vương đoạt quyền, Uông Uyên là thái giám tâm phúc của Tiên đế mà cuối cùng lại bình yên vô sự. Sau khi Liêu vương đăng cơ, tuy không tiếp tục làm Thái giám bỉnh bút nhưng lại thành Đại Tổng quản cung Từ Ninh. Phi tử được Hoàng Thượng sủng ái nhất là Giang thị chỉ vì đắc tội với Uông Uyên mà bị Hoàng Thượng hắt hủi, cuối cùng hai người con trai của Giang thị cũng bị đưa đi nuôi dưỡng dưới danh nghĩa của đối thủ lớn nhất đời nàng là Hiền phi Tề thị. Uông Uyên ghét nhất bị người ta gọi là “công công”, thế nên bất kể Nội mệnh phụ hay Ngoại mệnh phụ khi gặp đều tôn xưng hắn là “Uông nội thị”. Đậu Chiêu cũng là thuận miệng gọi ra.
Nàng giả vờ không biết nói: “Tôi đọc trong sách thấy những người này đều được gọi là ‘nội thị’ thì gọi theo thôi.” Sợ Trần Khúc Thủy hỏi tiếp, nàng vội đổi đề tài: “Diệp Thế Bồi không phải là Thứ Phụ sao? Bây giờ Tằng Di Phân đã qua đời, theo lẽ hẳn là ông ta sẽ tiếp nhận chức Thủ Phụ, sao ngài lại nói chỉ có thể thôi? Diêu Thời Trung và Đới Kiến là ai?”
Đây đều là chuyện Trần Khúc Thủy thấy hứng thú, hơn nữa Đậu Chiêu giải thích cũng rõ ràng nên ông không nghĩ gì thêm, cười nói: “Theo lý mà nói, Tằng Di Phân không còn thì Diệp Thế Bồi sẽ được nhậm chức. Nhưng lúc còn sống, Tằng Di Phân chèn ép ông ta rất kinh, một số chính sự tương đối quan trọng mà có vấn đề đều do ông ta chịu trách nhiệm. Uy tín bị tổn hại, tuổi tác thì đã cao, tinh lực không đủ, chức Thủ Phụ này với ông ta rất có thể là miếng ăn đến miệng còn rơi”.
“Diêu Thời Trung bắt đầu làm từ chức Hộ bộ Thị trung, là một kế tướng (kế trong kế sách) nổi tiếng. Mấy năm gần đây, để đại tu lăng tẩm, Hoàng Thượng đã mượn từ Hộ bộ không ít bạc, Giang Nam lại hai lần cháy lớn, thuế thu về ít ỏi, quân lương và lương thảo dành cho lực lượng phía nam diệt Oa[ ] thì không thể cắt xén một phần nào. Quốc khố nguy nan, có lẽ Hoàng Thượng sẽ để Diêu Thời Trung làm Thủ Phụ, giải quyết lỗ hổng trong quốc khố.”
“Về Đới Kiến, Uông Uyên có thể đuổi Đại Thái giám hầu hạ Hoàng Thượng thời trước đến Thiểm Tây làm Đốc quân, nghe đã biết người này lợi hại cỡ nào. Nghe nói Đới Kiến cho cháu mình lấy nghĩa nữ của Uông Uyên, hai bên thành thông gia. Người này có tài học, có năng lực, không để ý mặt mũi. Nói không chừng sẽ có sự bất ngờ.”
Người khác chắc sẽ hoài nghi suy đoán của Trần Khúc Thủy nhưng Đậu Chiêu biết rõ sự lợi hại của Uông Uyên nên thấy ông ta nói rất có lý.
Triều đình trông thì uy nghiêm, thực ra bất kể chuyện hoang đường nào cũng có thể xảy ra. Từ khi lên làm Hoàng đế, Liêu vương từng phong pháp sư Viêm Thông, chủ trì chùa Long Thiện, làm Lễ bộ Thị lang chuyên trách việc lễ Phật. Cũng vì thế mà chùa Long Thiện được sắc phong làm Đại Long Thiện Hộ quốc tự, từ đó hương khói cường thịnh, từ một ngôi chùa nhỏ không ai biết tiếng trở thành ngôi chùa cổ kính bậc nhất…
Có một lần nàng vô tình nghe Hoàng hậu nương nương trách khéo với Thái hậu nương nương rằng pháp sư Viêm Thông xúi giục Hoàng Thượng ban ngói vàng trên điện Kim Loan cho chùa Đại Long thiện để xây bảo điện trong tòa đại điện, thế mà Hoàng Thượng không phản đối. Thái hậu nương nương lúc ấy giận đến độ mắng pháp sư Viêm Thông linh hoạt khéo léo là “Kỷ tặc”…
Nghĩ đến đây, Đậu Chiêu giật mình, nhất thời biến sắc.
Pháp sư Viêm Thông tục họ Kỷ, tên Minh Giám, hiệu Bất Nhị. Lẽ nào Kỷ Vịnh… Không, không, không thể nào!
Nàng đã gặp pháp sư Viêm Thông này hai lần.
Hắn có thân hình cao lớn, mặt mũi trắng trẻo, ngũ quan tuấn dật, không chỉ thường tươi cười thân thiết ôn hòa mà lời nói cử chỉ còn khiêm tốn hào phóng. Nói chuyện với hắn khiến người ta có cảm giác như gió xuân lướt qua, khác hẳn Kỷ Vịnh nói năng chanh chua cay nghiệt, hành vi cử chỉ thì kiêu căng vô lễ, trông mặt đã thấy tinh ranh… Nhưng nếu bỏ qua mấy điểm đó… Những lúc Kỷ Vịnh giả vờ giả vịt thật đúng là rất giống với pháp sư Viêm Thông nọ…
Đậu Chiêu đứng bật dậy, làm đổ cả chén trà bên cạnh.
“Tứ tiểu thư, người làm sao vậy?” Trần Khúc Thủy bỗng biến sắc, ông cho là Đậu Chiêu đang nghĩ ai có thể vào Nội các, “Có phải người nghĩ ra ai không?”
Việc Đậu Thế Xu có vào Nội các hay không liên quan đến việc thăng chức của Vương Hành Nghi cũng như sự sắp xếp của họ tại kinh thành sau này.
“Không có gì.” Đậu Chiêu lẩm bẩm, “Tôi nghĩ tới một số chuyện trước kia, cũng không biết là thật hay giả nữa…” Nói tới đây, nàng đột nhiên hỏi Trần Khúc Thủy, “Ngài có biết hiệu của Kỷ Kiến Minh là gì không?”
Nàng giờ không có cách nào liên hệ Kỷ Vịnh và hòa thượng kia với nhau.
Trần Khúc Thủy sửng sốt, nói: “Chuyện này tôi không để ý lắm, có cần hỏi thăm không?”
Kỷ Vịnh vô thanh vô tức nắm được mọi thông tin về Trần Khúc Thủy còn ông ta lại chẳng biết gì về hắn. Lúc đó tuy phẩy áo bỏ đi nhưng nếu nói trong lòng Trần Khúc Thủy không chấn động chút nào thì là lừa mình lừa người mà thôi, ông cũng rất muốn biết tại sao Kỷ Vịnh còn ít tuổi mà đã có thủ đoạn khiến người ta tim đập chân run như thế.
Đậu Chiêu gật đầu, trong lòng rối bời: “Tốt nhất là ngài tr.a xét cả chuyện của hắn ở Nghi Hưng.” Có lẽ sẽ phát hiện chút dấu vết.
Trần Khúc Thủy vuốt cằm.
Đậu Chiêu nghĩ tới vẻ do dự muốn nói lại thôi của Lục bá mẫu, lại nghĩ đến sự bừa bãi tùy ý của Kỷ Vịnh… Chẳng lẽ Kỷ Vịnh thật sự chính là pháp sư Viêm Thông đó?
Nhất thời, cả Trần Khúc Thủy lẫn Đậu Chiêu đều không còn tâm trạng tiếp tục trò chuyện nữa.
Ở tận kinh thành xa xôi, Đậu Thế Anh bước nhanh ra khỏi thư phòng của Đậu Thế Xu, vẻ mặt khó coi, đứng lặng dưới giàn nho bên ngoài thư phòng, thở dài thật dài.
Đậu Thế Hoành theo ra, cười nói: “Sao đấy? Không nỡ xa Thọ Cô à?”
“Ừm.” Đậu Thế Anh lại thở dài, nói: “Làm dâu nhà người không chỉ cần chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ chồng mà còn phải lo liệu việc nhà. Con bé còn nhỏ quá, sao đảm đương được đây.”
Khi nãy, Ngụy gia mời bà mối chính thức cầu hôn với Đậu Thế Anh. Đậu Thế Anh đắn đo, chả lẽ cứ thế này gả con gái đi? Hắn tới bàn bạc với Đậu Thế Xu. Đậu Thế Xu lại cười nói:
“Vậy đệ muốn sao? Tổ chức kén rể à? Đệ đừng quên, Hà gia biết khó mà lui đều vì hai nhà Đậu, Ngụy đã có hôn ước. Giờ đây Hà gia không nhắc đến chuyện kết thân nữa, đệ cũng nên làm rõ với Ngụy gia đi thôi, không thì biết ăn nói với Hà gia thế nào?”
“Đệ không có ý đó.” Đậu Thế Anh nói, “Chỉ là đệ không muốn gả Thọ Cô đi sớm như này, mà cũng chẳng biết Ngụy Đình Du đó là người như thế nào.”
“Hồi trước không phải các người từng đi hỏi thăm rồi à? Bất kể là Lục đệ hay Lục đệ muội đều thấy ổn.” Đậu Thế Xu cười, “Hơn nữa, đính hôn không phải thành thân, đính hôn xong còn phải chuẩn bị đồ cưới, hai ba năm nữa mới gả cũng là chuyện thường. Ta nghĩ bên Ngụy gia cũng nghĩ tới rồi. Dù gì đệ cũng không thể giữ Thọ Cô ở nhà cả đời được, phải không?”
Đậu Thế Anh biết vậy nhưng trong lòng vẫn khó chịu, hầm hừ đôi câu với Đậu Thế Xu, thấy Đậu Thế Hoành tới liền đứng dậy cáo từ, không ngờ Đậu Thế Hoành lại đuổi theo.
“Đi nào, tới chỗ ta uống chén rượu.” Đậu Thế Hoành cũng đoán được khúc mắc trong lòng Đậu Thế Anh, kéo hắn vào nhà mình ngồi.
Trong nhà lạnh như băng. Đậu Thế Anh không muốn về nhà, cùng Đậu Thế Hoành tới ngõ Miêu Nhi. Trên đường, hắn hỏi Đậu Thế Hoành: “Huynh tìm Ngũ ca có chuyện gì à? Có liên quan đến chuyện vào Nội các không?”
Hắn lo rằng vì chuyện hôn sự của Đậu Chiêu mà hai nhà Hà, Đậu trở mặt.
“Không có gì to tát.” Đậu Thế Hoành nói, “Ta nghe nói Ngũ ca đã về nên qua thăm thôi.” Dạo này Đậu Thế Xu đều sang Tằng gia giúp đỡ. “Đệ đừng nghĩ nhiều. Đường mình mình đi, không dựa cả vào ai được đâu. Ta nghĩ Ngũ ca cũng hiểu đạo lí này, bằng không ngày trước Ngũ ca đã không đồng ý để Hà gia ra mặt tới Ngụy gia lấy lại ngọc bội.”
Đậu Thế Anh gật đầu, hai người bước vào cửa thuỳ hoa.
Kỷ thị đang chỉ huy đám nha hoàn dọn cơm, thấy hai người đi vào liền gọi người lấy nước hầu hạ họ rửa mặt mũi chân tay, rồi bảo quản gia đi báo nhà bếp làm thêm thức ăn.
Đậu Thế Anh cũng không khách sáo, mượn Đậu Thế Hoành một bộ y phục thay vào rồi ngồi xuống cùng dùng cơm trưa, không thấy Đậu Chính Xương và Đậu Đức Xương ở nhà liền cười hỏi: “Hai huynh đệ bọn chúng đi đâu rồi?”
Kỷ thị múc canh cho Đậu Thế Anh, đáp: “Chúng nó đến ngõ Ngọc Kiều.”
Hồ châu Hàn gia cho người đến xem mặt Đậu Chính Xương, ở lại nhà họ Kỷ tại ngõ Ngọc Kiều.
Đậu Thế Anh liền hỏi han hôn sự của Đậu Chính Xương: “Khi nào thì đính hôn?”
Kỷ thị mặt mày rạng rỡ đáp: “Đã xem ngày rồi, trong tháng Sáu, tháng Bảy. Cũng đã cho người đến thương lượng với Hàn gia, chắc sắp có hồi âm rồi.”
Đậu Thế Anh tiu nghỉu nói: “Cưới vợ vẫn tốt hơn!”
Đậu Thế Hoành liếc mắt ra hiệu với Kỷ thị, nàng liền hiểu ra. Nghĩ đến việc Thọ Cô sắp phải xuất giá, lòng nàng cũng rất khó chịu.
“Tuy Ngụy gia sa sút nhưng tốt xấu gì cũng đường đường là một Hầu phủ. Ngụy Đình Du là độc đinh, sớm muộn cũng được phong thế tử.” Nàng khuyên Đậu Thế Anh, “Điền thị tính tình cũng tốt, đứa bé kia tướng mạo anh tuấn, tính cách phóng khoáng, đối đãi với người khác rộng rãi, tuy bây giờ có hơi nông nổi nhưng ở tuổi đó có ai không thế? Thọ Cô nhà chúng ta là người thông minh, về sau gả sang đó từ từ chỉ bảo, hắn sẽ dần trở nên ổn trọng thôi.”
Đậu Thế Anh chậm rãi gật đầu.
Hai người đều không nhắc tới tình hình kinh tế của Ngụy gia. Tài sản danh nghĩa của Đậu Chiêu cũng đủ cho bọn họ tiêu xài.