Chương 19
Khoảng thời gian ấy Ngụy Khiêm về nhà càng ngày càng muộn, khi đi theo Nhạc ca, gã phải “xã giao” không ít.
Trước kia những việc này có thể chối là Ngụy Khiêm đều chối hết, nhưng sau khi Mặt Rỗ ch.ết, gã đã sinh ra ý nghĩ không đội trời chung một mất một còn với Nhạc ca, đương nhiên phải bình tĩnh ẩn nấp bên cạnh hắn ta, tìm kiếm đủ sự tín nhiệm.
Hơn nữa bầu không khí trong nhà quả thật cũng lạ lùng lắm cơ, Ngụy Khiêm chẳng muốn trở về chút nào.
Bầu không khí lạ lùng này kéo dài mãi đến tháng Ba năm đó, khi Ngụy Chi Viễn và Tiểu Bảo đều đã tựu trường.
Một ngày trong tháng Ba dương lịch chính là mùng hai tháng Hai, tết Long Sĩ Đầu, còn gọi là tết Thanh Long, cái rét năm nay rất khắc nghiệt, sắp sang xuân mà trời lại đổ tuyết mịt mù như muốn nhấn chìm cả thành phố.
Ngụy Khiêm như thường lệ theo Nhạc ca đi tiếp khách, lại có vẻ thiếu tập trung, không ngừng cúi đầu nhìn “cục gạch” Nhạc ca mới mua cho, giữa buổi tiệc rượu cục gạch của gã bỗng đổ chuông, Ngụy Khiêm vừa nhận điện thì lập tức tái mặt.
Nhạc ca nghiêng đầu nhìn gã, hỏi: “Sao vậy?”
Ngụy Khiêm hạ giọng nói: “Em gái em bị bệnh, Nhạc ca, trẻ nhỏ sốt cao dễ có chuyện, em… em muốn về xem sao.”
Nhạc ca dường như không vui lắm, nhưng dù sao vẫn nể mặt gã, thuận miệng nói: “Hay để anh tìm mấy người giúp chú?”
Ngụy Khiêm vội nói: “Không cần đâu ạ, em về xem thử rồi quay lại ngay.”
Nói xong Ngụy Khiêm đứng dậy, trước tiên xin lỗi mọi người, sau đó không đợi người ta có phản ứng đã dùng cạnh bàn khui bia, tu hết nguyên một chai, xem như nể mặt Nhạc ca.
Trong tiếng khen ngợi của một đám du côn lớn bé, Ngụy Khiêm cung kính khom lưng, nói khẽ: “Tài xế và xe em đều đã gọi sẵn cho anh, là con ‘chống đạn’ kia, em có bảo tài xế mở sẵn điều hòa rồi.”
Nhạc ca vui vẻ ra mặt phất tay: “Thôi đi đi.”
Ngụy Khiêm không làm việc thì thôi, hễ nhận thì dường như luôn gãi đúng chỗ ngứa. Nhạc ca thầm nghĩ, không phải vô cớ mà mình chú ý gã, cậu thiếu niên này có lòng hăng hái, có thể quên mình, có thể giữ thể diện, nhưng cũng không phải loại người lỗ mãng chỉ biết lao lên trước, Ngụy Khiêm có sự láu cá riêng của bản thân, biết làm sao để giữ gìn thể diện, cũng biết cách nể mặt người khác nữa.
Ngụy Khiêm ứng phó những người này xong liền vội vã chạy về, còn chưa tới nhà đã thấy bà Tống đang cố sức cõng Tiểu Bảo, bước nông bước sâu đi giữa tuyết đổ mịt mù, Ngụy Chi Viễn đi bên cạnh che ô, tuyết làm ướt sũng nửa người thằng bé.
Bà Tống dù sao cũng cao tuổi rồi, lại không biết gọi xe, lưng bị Tiểu Bảo đè còng xuống, khói trắng hổn hển thở ra bay giữa tuyết lạnh thấu xương.
Ngụy Khiêm sải bước đến đỡ lấy Tống Tiểu Bảo, đưa tay sờ thử thấy nóng hầm hập, gã lập tức cởi áo khoác quấn lên người con bé rồi bế thẳng đến bệnh viện.
Tiểu Bảo gần đây đổi chỗ ở liên tục thành thử bận túi bụi, thêm sự thù hằn mà người mù cũng thấy giữa bà nội và anh hai, cùng khúc mắc khó tiêu của Tiểu Viễn với nó, nhất thời áp lực tâm lý trĩu nặng hơn bao giờ hết.
Trong lòng Tiểu Bảo chưa bao giờ chứa đựng nhiều chuyện như vậy, vừa vặn ở trường bắt đầu lây lan vi-rút cảm cúm, thế là mắc bệnh luôn.
Tuyết mịt mù ngoài trời như dự báo một mùa đông không kết thúc, giường bệnh bằng sắt lạnh lẽo không sao làm ấm được, gió Tây Bắc “vù vù” đập vào cửa sổ, Tiểu Bảo nằm truyền dịch với khuôn mặt đỏ bừng.
Ba người khác trông rất thảm hại.
Bà Tống không có kinh nghiệm gì, những việc như lấy số, đưa con bé đi kiểm tra, thử máu, làm thủ tục nằm viện… trước đó đều do Ngụy Khiêm lo, bà lão không xen mồm, mà cũng chẳng hiểu gì để xen vào cơ. Bà lão bao lâu nay ở trước mặt Ngụy Khiêm đều y như một tràng pháo đốt là nổ, gần như có thể đại diện cho sức chiến đấu cao nhất của các bà già nông thôn, lúc này lại có vẻ bất lực mà yếu ớt.
Đôi mắt hơi mờ của bà luôn không thể tự chủ nhìn các bác sĩ và y tá thi thoảng qua lại, ngồi chờ trên chiếc ghế dài trong hành lang, bất chấp tuyết tan làm toàn thân sũng nước, chỉ dám ngồi ngay mép, mỗi lần có ai vô ý tới gần là sẽ đứng bật dậy như học sinh tiểu học phạm lỗi, tay vô thức cọ xát ống quần ướt nhẹp, để lộ mu bàn tay bởi thiếu chăm sóc mà thô ráp nứt nẻ.
Ngụy Khiêm thu xếp ổn thỏa cho Tống Tiểu Bảo thì đã rất khuya rồi, gã nhìn một già một trẻ đi theo, mặc áo khoác ra khỏi bệnh viện, mua hai bát mì nước nóng hổi từ một quán nhỏ sắp đóng cửa ở gần đó, bỏ bịch xách về, hạ mình đặt một bát trước mặt bà Tống, bát còn lại đẩy cho Tiểu Viễn, thấp giọng nói: “Ăn đi.”
Ngụy Chi Viễn: “Anh hai, anh ăn trước đi.”
Ngụy Khiêm khoát tay, móc gói thuốc ra rồi lại nhét vào, quay người đi tìm bác sĩ.
Ngụy Khiêm chờ hai bà cháu ăn xong, thấy tuyết bên ngoài không biết ngừng rơi tự khi nào, liền đưa ô cho Ngụy Chi Viễn, nghĩ qua rồi lại lấy hai trăm đồng trong túi cùng nhét cho nó: “Muộn lắm rồi, hai bà cháu về đi, xuống dưới lầu gọi xe, nếm thử cảm giác ‘ngồi xe’ xem sao, số còn lại thì dùng trong mấy ngày tới, bác sĩ nói Tiểu Bảo phải nằm viện vài hôm.”
Ngụy Chi Viễn: “Anh không về à?”
Ngụy Khiêm: “Ừ, tao ở lại trông con bé.”
Ngụy Chi Viễn lén bĩu môi, cúi đầu nhìn mũi giày, nói không xuôi lắm: “Thế em cũng không về.”
Ngụy Khiêm dịu giọng nói: “Mày ở đây thì làm được gì, đừng để bị cảm nốt, ngoan ngoãn về nhà đi.”
Ngụy Chi Viễn cố chấp không lên tiếng.
Nó thật sự không muốn ở một mình với bà già kia, nếu không cũng chẳng cự nự như vậy, thật ra Ngụy Chi Viễn biết, anh hai dịu giọng tối đa được hai câu rưỡi, tới câu thứ ba là mất kiên nhẫn rồi.
Quả nhiên, Ngụy Khiêm sầm mặt quát tháo: “Câm miệng và cút về nhà, đừng ở đây thêm phiền cho tao!”
Quát mắng xong, Ngụy Khiêm đưa tay sờ đầu nó, phát hiện đã khô, liền thúc giục: “Đi mau đi, trong nhà có rễ bản lam đấy, về nhà tự ngâm nước mà uống.”
Bà Tống ở bên phá lệ mở miệng với dáng vẻ yếu thế: “Thế hay là để tao ở lại cho, tao già rồi, ngủ ít…”
Ngụy Khiêm nhướng mí mắt liếc nhìn bà lão, không thèm khách sáo: “Bà? Bà thì làm được gì?”
Bà Tống: “…”
Ngụy Khiêm cười khẩy, quay người mở cửa phòng bệnh, tỏ ý bảo hai bà cháu “cút mau”.
Bà Tống do dự đi ra ngoài, không nhịn được lại quay đầu bảo: “Thế… sáng mai mày đừng mua đồ ăn ngoài, tao nấu sẵn đem đến cho…”
Lần này Ngụy Khiêm thậm chí không buồn nâng mí mắt lên, mặt mày lãnh đạm như tự động bịt tai khỏi nghe.
Ngụy Chi Viễn ủ rũ đi theo bà Tống vài bước.
“Khoan đã.” Ngụy Khiêm đột nhiên nhớ ra điều gì, mở miệng gọi nó lại.
Ngụy Chi Viễn lập tức vui vẻ chạy về như được chúa triệu.
Ngụy Khiêm khom lưng, dán sát vào tai Ngụy Chi Viễn, khẽ bảo: “Về nhà đừng quên xin nghỉ giúp con bé, mấy bữa nay… ra ngoài sớm hoặc muộn phải chú ý, cố gắng luôn đi cùng các bạn, nếu có người chặn lại cũng không cần hoảng, hỏi gì thì cứ nói đúng thực tế, đừng lo, bảo với họ là tao vẫn ở trong viện với Tiểu Bảo, sẽ không có ai làm khó mày đâu… Nếu nhà có chuyện gì thì tới thẳng bệnh viện tìm tao, đừng gọi điện thoại, tao không mở máy.”
Ngụy Chi Viễn vừa ngạc nhiên vừa nghi hoặc ngẩng đầu nhìn gã, ánh mắt Ngụy Khiêm trong hành lang không đủ ánh sáng có vẻ đặc biệt thâm trầm, tầm nhìn lạnh lẽo mà bình tĩnh, bên trong dường như có vẻ u ám cuộn trào.
“Ngoài ra mày không biết gì hết, nhớ chưa?”
Ngụy Chi Viễn gật đầu.
Ngụy Khiêm hơi nhướng khóe môi mỏng, ở nơi khuất sáng nở nụ cười mỉm như thật mà giả.
“Tiểu Bảo không sao, chỉ bị cảm cúm chứ chưa kịp chuyển thành viêm phổi, một tuần là khỏi thôi.” Ngụy Khiêm nói, “Lần này con bé bị bệnh khéo lắm…”
Sau đó Ngụy Chi Viễn nhớ lại, anh hai bắt đầu kết thúc chiến tranh với bà nội chính từ đêm hôm nay, mối quan hệ dịu đi, thậm chí về sau còn bắt tay hòa giải… A, sau này nó cũng gọi bà Tống là bà nội như Tiểu Bảo vậy.
Đêm nay xảy ra quá nhiều chuyện, thoạt nhìn dường như là bước ngoặt trong vận mệnh của mọi người, vô cùng thần kỳ, nhưng chỉ vài câu thì thầm không rõ của Ngụy Khiêm, thủy chung khiến Ngụy Chi Viễn tin tưởng, đôi lúc xét đến ngọn nguồn mới hay những vận mệnh như kỳ tích đó đều do con người làm ra.
Bệnh của Tiểu Bảo quả nhiên như lời bác sĩ nói, đến nhanh mà đi cũng nhanh, sáng hôm sau nó đã từ sốt cao giảm thành sốt nhẹ, bà Tống đúng hẹn đến từ sáng sớm, đem canh trứng cho Tiểu Bảo, trứng luộc nước trà và cháo thịt nạc cho Ngụy Khiêm.
Trứng có lẽ đã luộc suốt một đêm, mùi vị ngấm vào vừa đủ.
Ngụy Khiêm không khách sáo, nhận lấy ăn ngấu nghiến, phát hiện bà khọm già này cái khác kém cỏi chứ nấu ăn thì rất được.
Tiểu Bảo ăn xong, xốc lại tinh thần nói mấy câu với bà nội, rồi lại mơ màng ngủ thiếp đi, bà Tống vẻ mặt thận trọng ngồi bên, năm lần bảy lượt muốn bắt chuyện, nhưng Ngụy Khiêm lờ tịt, cũng chẳng buồn nể mặt, chỉ hờ hững cầm một quyển tạp chí cũ thiếu trang lật qua lật lại.
Bà Tống hơi lo sợ, hai bên im lặng một hồi, bà rốt cuộc đứng dậy nói nhỏ: “Anh nó, vậy mày… vậy mày trưa nay muốn ăn gì, để tao về nấu.”
Ngụy Khiêm không biết tốt xấu cười khẩy: “Lo cho cháu gái bà là được, tôi không cần, tôi chỉ sợ bà bỏ thuốc chuột thôi.”
Bà Tống quắc mắt như lại muốn chửi ầm lên, nhưng môi mấp máy rồi rốt cuộc kìm nén, không nói tiếng nào quay người bỏ đi, buổi trưa vẫn nhịn nhục mang cơm cho Ngụy Khiêm.
Một ngày ba bữa, bà lão đều nấu sẵn đem tới, món ăn đa dạng, thấy rõ sự lấy lòng, cơ bản là thích món gì làm món đó, đến ngày thứ ba, Ngụy Khiêm rốt cuộc không tiện làm căng lắm, mặc dù như thường lệ chẳng hề nhượng bộ, nhưng dẫu sao cũng không châm chọc nữa – gã ngậm miệng, lời hay lời dở đều không nói.
Bà Tống vừa đi thì Tam Béo tới.
Tam Béo mang trái cây tươi đến cho Tống Tiểu Bảo, lơ đãng trêu nó đôi câu, sau đó kéo áo Ngụy Khiêm nói nhỏ: “Nhóc Khiêm, ra đây, anh Tam có chuyện nói với mày.”
Tam Béo sắc mặt nặng nề, quầng mắt thâm thì, bản mặt bánh nướng dường như hơi mất nước, xém nữa thành cái bánh Roti.
Ngụy Khiêm dặn Tiểu Bảo vài câu rồi đi theo Tam Béo, tìm một lối rẽ vắng vẻ, Tam Béo xách áo Ngụy Khiêm: “Tại sao mày không mở máy? Mày có biết bên ngoài xảy ra chuyện gì không? Mày…”
Ngụy Khiêm nắm tay hắn, giải cứu áo mình, đủng đỉnh nói: “Trời chả sập nổi.”
Tam Béo: “Mẹ kiếp lúc này mà còn làm trò với bố mày, Nhạc Hiểu Đông xảy ra chuyện rồi!”
Ngụy Khiêm nhìn hắn bằng khuôn mặt không cảm xúc.
“Đêm hôm trước, chính là bữa mày đưa Tiểu Bảo đi bệnh viện đó, bọn Nhạc Hiểu Đông uống rượu xong, giữa đường bị người ta tiệt hạ, con Cadillac kia nghe nói bị tông lật tại trận… Lúc ấy đám anh em đi theo hắn tức sôi máu, đánh nhau với đối phương ngay giữa đường phố náo nhiệt, mẹ kiếp một đám khốn nạn chớp mắt đã khiến cảnh sát phải chạy đến, một thời gian trước thành phố mới nói phải diệt trừ xã hội đen, lần này lao vào họng súng, mày nói bọn chúng có ngu không…”
Tam Béo lải nhải một thôi một hồi, Ngụy Khiêm lại đột nhiên ngắt lời hắn.
Âm thanh bị Ngụy Khiêm nén trong họng, thấp như thì thầm, gã thiếu niên đã hoàn toàn vỡ tiếng xong, giọng trầm thấp tựa tiếng đàn chán chường, giống như có tiếng vọng lại vậy.
Ngụy Khiêm hỏi: “Nhạc Hiểu Đông ch.ết rồi à?”
Tam Béo sửng sốt hai giây rồi nhìn Ngụy Khiêm đầy khó tin, hồi lâu mới ngơ ngác hỏi: “Không phải, mày… mày biết từ sớm?”
Ngụy Khiêm nở nụ cười mỉa mai mà cay nghiệt, anh tuấn vô cùng.
Tam Béo suy tính việc này một lúc, chớp mắt đã vã mồ hôi lạnh: “Mày đóng vai gì trong đây? Mày muốn ch.ết hả Ngụy Khiêm! Tụi Nhạc Hiểu Đông, hạng tôm tép như chúng ta động vào được sao? Mày…”
Ngụy Khiêm giơ ngón trỏ lên môi.
Gã đến gần Tam Béo, lấy gói thuốc lá trong túi, nói nhỏ: “Ông Tam, ông nói đúng, tôi chỉ là hạng tôm tép, chẳng đóng vai gì hết, lúc ấy chưa ăn xong thì tôi đã đi rồi, vừa không biết anh ta đi khi nào, cũng chẳng biết anh ta sẽ đi đường nào, ông nói Nhạc ca mỗi đêm đều đổi chỗ ở mà cũng có thể bị phục kích sao? Lạ lùng quá đi.”
Tam Béo há hốc mồm, nét mặt như vừa bị người ngoài hành tinh bắt cóc.
“Nhưng biết anh ta ch.ết, tôi yên tâm rồi.” Ngụy Khiêm dùng một tay chống cằm, ngón tay xoa khuôn mặt lởm chởm vài sợi râu, cầm gói thuốc đi ra ngoài, bệnh viện không cho hút thuốc làm mấy bữa nay thèm muốn ch.ết.
Trong vụ án buôn ma túy nghiêm trọng kia, có cả những kẻ thật sự cầm đầu chứ không riêng cừu non thế tội như Mặt Rỗ bị cuốn vào, Nhạc ca chỉ lo thân mình, đến cả người ngoài cuộc cũng hiểu rõ, huống chi những người có dính líu.
Nhạc Hiểu Đông thật sự y như Viên Thế Khải năm đó, vội vàng giậu đổ bìm leo, cắn ngược lại Đoàn Kỳ Thụy, kết quả là nhân dân cả nước đều thống nhất ý kiến đồng ý là ông ta đã ám sát Tống Giáo Nhân.
Nhạc Hiểu Đông cũng thế, là một âm mưu gia thiển cận, gặp chuyện không lo giữ vững đại cục, chỉ biết phủi mình ra trước, còn phủi chẳng cao minh lắm.
Ngụy Khiêm biết, từ sau vụ việc đó, đã bắt đầu có vô số ánh mắt dõi theo Nhạc Hiểu Đông – bởi vì có người từng đi tìm gã. Gã là đả thủ đang lên dưới trướng Nhạc Hiểu Đông, còn rất thân với Mặt Rỗ đã ch.ết, lập trường tế nhị.
Nhưng Ngụy Khiêm trước mặt không bằng lòng, sau lưng bán đối phương cho Nhạc Hiểu Đông để tỏ trung thành, cũng để Nhạc Hiểu Đông bởi vì Mặt Rỗ mà hơi nghi ngờ gã được yên tâm.
Không phải tay đàn em đần độn trung thành một cách ngu xuẩn thì còn ai đến tiễn đám Nhạc ca xuống suối vàng đây?
Nhạc Hiểu Đông cầm tinh con rồng, dù ít nhất một phần mười hai số người trên toàn thế giới cầm tinh con này, nhưng hắn cứ cho rằng mình là độc nhất vô nhị, có tướng đế vương.
Hắn coi ngày mùng hai tháng Hai, Long Sĩ Đầu mỗi năm như ngày Tết, nhất định phải tiệc tùng linh đình, trước khi đi Ngụy Khiêm đã giúp Nhạc ca chuẩn bị sẵn con xe hắn thích – Nhạc Hiểu Đông có mấy con xe xịn, nhưng thích nhất là con Cadillac kia, chỉ bởi vì trên xe từng quay tiểu phẩm của Đài truyền hình trung ương, mọi người dân Trung Quốc đều rõ, đều biết nó đắt tiền.
… Cùng với cái tên nghe rất Tây.
Ngụy Khiêm nịnh hót trúng phóc, Nhạc ca lúc ấy cực kỳ hài lòng.
Nhạc Hiểu Đông có rất nhiều chỗ ở, lập chí thỏ khôn phải có ba hang để không ai tìm được. Mỗi lần đều ngồi lên xe mới quyết định đi đâu, hắn tự cho là người khác không thể biết trước hành trình của mình.
Đáng tiếc, vài năm trước vợ hắn đi Bắc Âu mua sắm, đem về cho hắn một chiếc đồng hồ có giá trên trời, bất kể có phải mới sang xuân hay không, Nhạc Hiểu Đông đều mặc áo tay ngắn để khoe đồng hồ, Ngụy Khiêm liền hiểu đêm nay nhất định hắn sẽ đi đường đó.
Nhạc Hiểu Đông đắc ý uống rượu, tiệc tùng linh đình như vua một cõi, đàn em quan tâm chuẩn bị cho con xe chúa đất, rượu bốc lên đầu, nếu không lượn một vòng quảng trường trung tâm thành phố để khoe xe thì trong lòng bứt rứt cỡ nào.
Lượn một vòng quảng trường, vừa vặn đến cầu vượt của Bắc Kinh, Nhạc Hiểu Đông có tòa nhà với không gian độc lập hơn 900m ở Bắc Kinh, là vua trong cả khu biệt thự đó, nuôi ba cô nhân tình kỳ lạ có thể chung sống hòa bình, một cô trong đó mới được “người có tâm” chỉ vẽ, nhân lúc tâm trạng Nhạc Hiểu Đông tốt gọi điện “chúc thọ”, cố ý nói “Long Sĩ Đầu” thành sinh nhật hắn để lấy lòng, làm Nhạc Hiểu Đông mừng vui vô cùng. Cũng tiện đường, nếu không đi thăm “tam cung” của hắn thì trong lòng phải khó chịu tới mức nào.
A, đúng rồi, Nhạc Hiểu Đông chưa từng lái xe, chưa từng ngồi ghế lái phụ, hắn cho rằng hai vị trí đằng trước làm mình mất giá.
Cho nên chỉ cần tông vào đằng sau là được.
Những kẻ quá gây chú ý chỉ thích hợp làm một nhân vật tép riu, bởi vì nhất định không thể đi quá xa, thông thường họ đều sẽ ù ù cạc cạc ch.ết oan giữa đường.