Quyển 4 - Chương 7: Phan Tử
Editor: Biển
Beta: Thanh Du
~0O0~
Tôi với Phan Tử ngồi trong cửa hàng của chú Ba cả một buổi chiều, kể nhau nghe vài điều về tình hình bản thân.
Thì ra từ trước khi tôi đi Hải Nam, Phan Tử đã dần dần khôi phục ý thức, nhưng rồi tôi đi vội quá, chỉ để lại bệnh viện số điện thoại di động nên sau khi tôi rời bến thì đương nhiên không tìm được.
Thể chất Phan Tử rất tốt, hồi phục cực kì nhanh, dù vậy anh vẫn phải nằm trên giường cả tháng, đến khi có thể xuống giường tìm gặp bọn tôi thì chẳng liên hệ nổi với mống nào. Tính ra lúc đó chắc là tôi đang ở Thiểm Tây, còn chú Ba thì khỏi phải nói, cả thế giới đều đang tìm ổng.
Tôi thấy trên tay Phan Tử quấn một dải lụa đen, liền hỏi anh làm sao vậy? Anh nói Đại Khuê cũng từng là anh em, ch.ết đi còn chưa nổi bảy ngày, mang nó dù sao cũng nhẹ lòng đôi chút. Anh nhắc đến chuyện cũ làm tôi nhớ lại khoảng thời gian đi Sơn Đông, trong lòng không khỏi nghẹn ngào, suy cho cùng chuyến đi đó cũng do tôi khơi mào mà ra, nếu lúc đó không nhiều chuyện đưa sách lụa cho chú Ba xem thì tình cảnh mọi người giờ đây đã khác nhiều rồi.
Phan Tử thấy sắc mặt tôi thay đổi cũng đoán ra tôi đang nghĩ gì, liền vỗ vai tôi nói: “Cậu Ba, chúng ta đã làm cái nghề này thì có một số chuyện muốn tránh cũng không thoát, đâu thể trách ai được.”
Tôi thở dài, thầm nhủ anh nói thì dễ lắm, người hại ch.ết Đại Khuê cũng đâu phải anh.
Xúc động một hồi, tôi lại kể cho Phan Tử nghe mấy chuyện xảy ra gần đây, anh càng nghe càng mặt nhăn mày nhíu, sau khi nghe suy đoán của chúng tôi liền biến sắc, lắc đầu bảo anh và chú Ba đã quen biết bao nhiêu năm, anh dám chắc chú Ba tuyệt đối không phải là loại người này, bảo tôi đừng có nghe người ta nói vớ vẩn.
Phan Tử đi theo chú Ba nhiều năm, cảm tình sâu đậm, có vài điều tất nhiên không thể tin nổi. Tôi bèn lảng sang chuyện khác, hỏi anh có dự tính gì không.
Phan Tử ngẫm nghĩ một hồi, nói mình vốn định quay về Trường Sa tiếp tục kiếm cơm, công việc làm ăn của chú Ba đều ở đó cả, người làm mình đều quen biết hết, trở về không sợ không có chuyện gì làm. Bây giờ nghe tôi nói vậy, anh cảm thấy chuyện này không hề đơn giản, e rằng phải tiếp tục điều tr.a cho rõ ràng mới có thể yên tâm.
Tôi gật đầu, tuy chuyện này về cơ bản tôi đều đã điều tr.a qua, nhưng Phan Tử với chú Ba có quan hệ không tầm thường, giữa họ có nhiều chuyện tôi không biết, nếu anh chịu đi điều tr.a thì không còn gì tốt hơn.
Phan Tử gọi mấy cuộc điện thoại, bên kia cũng bảo anh cứ ngồi chờ tin tức. Tôi nghĩ chắc phải chờ đến dăm bữa nửa tháng, không ngờ chỉ năm phút sau đã có người gọi lại. Phan Tử nghe xong, cau mày nói với tôi: “Cậu Ba, e rằng cậu phải đi với tôi một chuyến.”
Tôi ngẩn người, thầm hỏi thế này là sao, không phải là có chuyện gì xảy ra đấy chứ.
Phan Tử nói tiếp: “Ông Ba tìm một người ở Trường Sa, có để lại lời nhắn cho cậu, nhưng bên đó bảo tôi đưa cậu sang để họ trực tiếp nói chuyện.”
“Chú Ba nhắn lại với tôi?”, tôi gần như bật dậy, bên phía Trường Sa không phải tôi chưa từng liên lạc, nhưng sao đến bây giờ vẫn chưa có ai cho tôi biết chuyện này?
Phan Tử tỏ ra vô cùng nghiêm túc, không nói gì thêm, chỉ bảo tôi: “Bên đó gấp lắm, cậu thấy thế nào, bao giờ mới có thể xuất phát?”
Anh có vẻ rất sốt ruột, tôi mơ hồ cảm thấy sự tình không đơn giản nhưng cũng không ngờ anh lại vội tới mức này. Kết quả là ngay tối hôm đó chúng tôi nhanh chóng lên tàu hỏa sơn xanh (1) đi Trường Sa, không kịp nhắn lại câu nào.
Lên tàu rồi tôi mới hỏi Phan Tử, nếu đã vội sao không đi luôn máy bay mà còn ngồi tàu hỏa, có nực cười không cơ chứ?
Phan Tử có vẻ hoảng hốt, chỉ vỗ vỗ vai tôi nói chút nữa sẽ biết. Tôi thấy trán anh túa mồ hôi thì càng cảm thấy kỳ lạ, thầm hỏi rốt cuộc anh đang căng thẳng vì chuyện gì chứ.
Tàu hỏa xuất phát từ Hàng Châu, đầu tiên dừng lại một ga khác cũng thuộc Hàng Châu. Còn ba giờ nữa là đến ga Kim Hoa, tôi đã bắt đầu mất kiên nhẫn, muốn hỏi cho ra lẽ, nào ngờ đúng lúc ấy tàu hỏa bỗng đột ngột dừng bánh.
Tàu hỏa xanh tạm thời dừng bánh là chuyện rất bình thường, lúc mua vé tôi đã nghĩ khoảng cách xa như vậy, anh không đi máy bay thì chí ít cũng phải là tàu tốc hành, ai đời cứ khăng khăng đi tàu hỏa xanh đến cái ghế ngồi cũng ê mông, nhưng Phan Tử căn bản không quan tâm đến chuyện này. Bây giờ tàu bị dừng, trong lòng tôi có phần hả hê – anh vội chứ gì, giờ tàu tạm dừng, cho anh vội ch.ết luôn!
Không ngờ tàu vừa dừng bánh, Phan Tử liền đập tôi một cái, ý bảo đi theo mình. Tôi đứng lên định hỏi hắn đi đâu, kết quả anh đột nhiên xoay người nhảy ra qua cửa sổ tàu.
Tôi nhìn sang, ch.ết tiệt, anh làm cái trò gì thế? Người trên tàu thấy vậy cũng giật nảy mình, đều đứng lên ngó. Phan Tử ở bên ngoài kêu to: “Cậu Ba còn chần chừ gì nữa, mau xuống đây!”
Tôi nhìn quanh bốn phía, tất cả mọi người đều ngó mình chằm chặp, thầm nhủ kiểu này ngày mai mình lại được lên trang nhất báo thành phố chứ chả chơi, cắn răng một cái rồi cũng xoay người nhảy ra ngoài.
Tàu hỏa khá cao, lúc nhảy xuống tôi bị mất thăng bằng, ngã vào bên vệ đường, Phan Tử bèn đỡ tôi dậy rồi kéo tôi chạy đi.
Một hơi chạy băng qua đồng, leo lên bờ ruộng sau đó lại vòng ra đường lớn, ở đó đã có sẵn một chiếc Pica đứng chờ chúng tôi. Phan Tử kéo tôi vào trong, thế rồi xe lập tức nổ máy.
Tôi mệt đến đứt hơi, đến khi xe chạy ra tỉnh lộ mới bình ổn trở lại, bèn mắng: “Con mẹ nó anh làm gì mà hấp tấp vậy.”
Phan Tử cũng mệt hết hơi, nhìn bộ dạng của tôi, cười nói: “Cậu đừng nóng, đây cũng là lần đầu tiên tôi phải chật vật như vậy mà. Tổ sư, chả biết đã rút dây động rừng khi nào nữa, không biết có cắt đuôi nổi không.”
Nói rồi anh ngó về phía sau, chỉ thấy một vùng tối đen, hình như không có ai đuổi theo.
Tôi nghe không hiểu, xem chừng việc này anh đều đã lên kế hoạch, vội hỏi anh có chuyện gì xảy ra thế. Anh châm một điếu thuốc, dùng tiếng Trường Sa nói:
“Trên tàu có chim bồ câu (*), ông Ba đi vắng, Trường Sa rối như canh hẹ, đám người hoạt động ngầm (*) chỉ chờ trời sáng (*) là lộ mặt.”
(Những chỗ (*) đều là tiếng lóng của Trường Sa, mình dịch thoáng, nghĩa cả đoạn thì tác giả đã giải thích bên dưới)
Lời này ý là trên tàu hỏa có cảnh sát, chú Ba tôi không có mặt ở Trường Sa, việc làm ăn bên đó cũng rối tung beng lên, chỉ e có người bên cảnh sát trà trộn vào đám người làm.
Khi nói chuyện, ánh mắt anh không ngừng liếc qua người lái xe. Tôi hiểu ra người này chỉ là quơ tạm trên đường, không nên để lộ nhiều tin tức thành ra cũng không hỏi gì thêm. Trong lòng lại ngổn ngang trăm mối, thầm nhủ bây giờ mình đã thành cái thể loại gì đây, không phải tù trốn trại à.
Ông nội con ơi, năm đó rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Mấy tháng trước tôi còn là một anh tiểu thương, bỗng chốc biến thành trộm mộ đi giao lưu văn hóa với bánh tông cũng không nói làm gì, bây giờ thì thành một tên đào tẩu, cuộc đời thật là kịch tính quá đi mà…
Xe đến một huyện thành nhỏ gần Kim Hoa, chúng tôi xuống xe trả tiền. Phan Tử đưa tôi đi mua mấy bộ đồ nhỏ hơn 1 size có phần lỗi mốt để thay, soi vào gương trông giản dị hơn trước. Sau đó lại chạy đến nhà ga, mua vé chuyến tàu chúng tôi vừa nhảy xuống lúc nãy, tàu bị tạm dừng nên đến bây giờ mới tới ga.
Chúng tôi lại lên tàu, lần này mua vé giường nằm. Phan Tử nhìn toa hành khách, rõ ràng đã nhẹ nhõm hơn, nói: “Lũ cớm vừa rồi hẳn là đã xuống ở ga Kim Hoa, giờ này hai đầu tỉnh lộ cao tốc đều có chốt chặn, bọn họ tuyệt đối sẽ không lường được chúng ta lại lên tàu một lần nữa.”
Lần đầu tiên trong đời tôi trở thành kẻ trốn chạy, tay chân cũng luýnh quýnh không biết phải làm sao, căng thẳng đến phát run. Tôi khẽ hỏi: “Rốt cuộc chuyện này là sao? Tại sao chúng ta đi lại bị cảnh sát theo dõi? Tôi cũng không làm gì… A, không phải, phải nói những chuyện tôi làm đáng lẽ ra người bình thường sẽ không thể phát hiện ra mới đúng chứ?”
“Tôi cũng không rõ”, Phan Tử nói, “Xế chiều tôi gọi điện cho quỹ tín dụng đen của chúng ta bên Trường Sa, kết quả ông chủ bên kia nghe ra giọng tôi bèn nói đúng hai câu. Một là bảo tôi lập tức mang cậu đến Trường Sa, ông Ba có chuyện nhắn lại; hai là Trường Sa xảy ra chuyện, bảo chúng ta cẩn thận với cảnh sát, sau đó dập máy luôn. Ông chủ này là bạn làm ăn ba mươi năm với ông Ba, tuyệt đối có thể tin tưởng. Tôi nghĩ mình không quen ở Hàng Châu, ở lâu tất sinh chuyện, gì thì gì cứ về Trường Sa trước rồi tính sau.”
Anh thấy tôi lo lắng, lại an ủi: “Tôi vừa lên xe đã phát hiện ngay ra mấy người mặc thường phục, liền liên hệ với một người bạn, nhờ hắn gọi một chiếc xe bám sát theo tàu. Vừa nãy tàu tạm dừng, tôi thấy lái xe đánh tín hiệu, biết có cơ hội mới kéo cậu xuống theo. Nhìn tên lái xe kia dọc đường không nói một lời, xem ra cũng là quơ đại trên đường, trước mặt loại người này cậu không thể nói quá nhiều.
Có điều lũ cớm đó không truy bắt chúng ta chứng tỏ chúng ta cũng không liên quan nhiều đến chuyện ở Trường Sa, bên phía Trường Sa hẳn đã có vài tên đầu sỏ bị tóm, còn chúng ta chỉ là hạng tôm tép. Những việc cậu làm không liên quan đến chuyện lần này đâu nên cậu cũng chẳng việc gì phải sợ, cùng lắm mình chỉ dính vào tội tiêu thụ hàng cấm thôi.”
Nghe thế tôi cũng nhẹ nhõm hơn chút ít, vừa định nói cám ơn trời đất, không ngờ anh lại tiếp: “Ở Trường Sa nếu xảy ra chuyện thì lần theo đống dây mơ rễ má, ông Ba nhất định không thoát khỏi liên can. Ông chủ bên kia lại không chịu nói cho rõ ràng, mẹ kiếp cũng không biết rốt cuộc là có chuyện gì nữa? Thật ra mấy năm nay chúng ta đã hạn chế hoạt động lắm rồi, hầu như chưa từng đích thân xuống đất, chuyện trước kia cũng không thể làm lớn tới mức này được, thật sự là không tài nào nghĩ ra.”
“Vậy bây giờ anh tính sao?”, tôi bèn dò hỏi, ai mà muốn bỏ mạng nơi đất khách chứ.
Phan Tử nói: “Chúng ta không thể đi thẳng một mạch đến Trường Sa được, ra khỏi Chiết Giang mình sẽ xuống xe rồi bắt xe buýt đường dài đến ngọn núi gần Trường Sa. Ông Ba có vài địa điểm thu mua đồ cổ ngoài đó, đến nơi sẽ có người đón, chờ một lúc ông chủ quỹ kia sẽ đến.”
Tôi gật đầu, lúc này tàu hỏa lại dừng, bắt đầu đón thêm khách. Gian giường nằm của chúng tôi có thêm một người mới đến, Phan Tử nháy mắt ra hiệu, tôi lập tức nói lảng sang chuyện khác.
Tán dóc một hồi, tôi vô tình đề cập tới chuyện Trần Bì A Tứ. Danh tiếng ông ta vang dội khắp Trường Sa, Phan Tử cũng đã từng nghe, liền nói: “Người này cũng có công việc làm ăn riêng của mình, nghe nói sau khi bị mù lão không tự mình ra tay nữa. Sau cách mạng văn hóa, lão có thu mấy đồ đệ để giúp việc buôn bán đồ cổ với người ngoại quốc. Kẻ này rất nham hiểm, mấy tên đồ đệ đầu tiên theo lão hầu như đã bị xử bắn cả rồi mà lão còn thong dong tại ngoại, tin đồn về lão vô số, tốt nhất cứ nên giữ khoảng cách thì hơn.”
Tôi nhớ đến dáng vẻ của Trần Bì A Tứ, rõ ràng trông không giống người mù, lại càng cảm thấy kỳ quái.
Chúng tôi dựa theo kế hoạch của Phan Tử, chật vật mấy lần cũng đến được vùng núi Phúc Thọ phụ cận Trường Sa, nơi đó quả nhiên tuyệt vời, phong cảnh dọc đường đẹp mê ly, Phan Tử sống ở đây mấy năm, nhìn mãi cũng thành quen. Chúng tôi vào chợ tạp hóa trên trấn, nhìn qua cứ như chỗ hội họp của mấy tay nằm vùng thời xưa, quẹo đông quẹo tây, cuối cùng đến một cửa hàng vừa nhìn là biết chả làm ăn gì được. Bề ngoài là một cửa hàng bán máy tính cũ, đẩy bức tường bên trong ra thì đến một gian nhỏ, vào sâu bên trong bắt đầu rộng rãi sáng sủa hơn, do hai gian mặt tiền của cửa hiệu dựa lưng vào nhau tạo nên một hành lang đủ rộng cho hai người đi song song, bên trên phủ vải che mưa, hai bên tường là hàng loạt giá trưng bày, trên giá đều là minh khí mới ra lò.
Có vài người đang đứng xem hàng, người quản lý nhận ra Phan Tử liền buông đồ trên tay chạy lại túm lấy anh mà hỏi: “Sao bây giờ mới đến? Mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ, bao giờ các anh xuất phát?”
“Mọi thứ? Thứ gì cơ?”, Phan Tử ngẩn người, vẻ mặt mù mờ.
Người kia cũng ngây ra: “Anh không biết gì sao?”
Phan Tử quay lại nhìn tôi, tôi trừng mắt nhìn lại, thầm nói ở trên địa bàn của anh mà anh nhìn tôi làm khỉ gì? Anh liền quay lại hỏi: “Chuẩn bị cái gì?”
Người kia trả lời: “Ông Ba bảo thu xếp trang bị cho năm người, có việc phải làm. Anh không biết sao?”