Chương 1: Kiếm phái thanh hà
Trong vũ trụ bao la vô cùng vô tận, có một nơi nằm ở trung tâm của tất cả các thiên hà, nơi đó được gọi là Đại Hồng Vũ.
Đại Hồng Vũ có tất thảy ba mươi ba tầng trời, được chia thành ba cõi từ thấp đến cao là cõi hạ thiên, cõi trung thiên và cõi thượng thiên. Cõi hạ thiên lại chia ra làm mười tầng, từ tầng trời thứ nhất đến tầng trời thứ mười. Cõi trung thiên chia thành mười ba tầng, từ tầng trời thứ mười một đến tầng trời thứ hai mươi ba. Mười tầng trời còn lại, từ tầng thứ hai mươi bốn đến tầng thứ ba mươi ba thì thuộc về cõi thượng thiên, là nơi ở của các đấng tối cao trong vũ trụ.
Núi Dục Thúy nằm ở phía nam của tầng trời thứ mười ba, là một dãy núi hùng vĩ, tráng lệ kéo dài hơn chín trăm dặm. Nó bao gồm hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ, nhấp nhô trùng điệp, gập ghềnh hiểm trở… Núi nhỏ có ngọn chỉ cao chưa tới trăm mét, núi lớn có ngọn lại cao đến nổi mắt thường không thể nhìn tới được. Những đỉnh núi đó quanh năm đều có mây trắng bao phủ, từ dưới nhìn lên, thứ có thể thấy được chỉ có mây và mây, ngoài ra không còn thấy gì khác nữa.
Có tất thảy chín ngọn núi như thế. Trong đó, tám ngọn núi nằm ở tám hướng theo thứ tự là Đông, Đông Bắc, Bắc, Tây Bắc, Tây, Tây Nam, Nam và Đông Nam; riêng ngọn núi còn lại thì nằm ở trung tâm như để liên kết tám ngọn núi kia và tất cả những ngọn núi khác của dãy núi Dục Thúy. Nếu như có thể đứng trên trời cao nhìn xuống, chắc hẳn có thể thấy được đây không chỉ đơn giản là một dãy núi bình thường mà nó còn chứa đầy sự huyền diệu và thâm ảo như một trận pháp cực kỳ cao minh do trời đất tạo thành.
Ở dãy núi Dục Thúy này có một môn phái tu tiên, tên gọi là Thanh Hà Kiếm Phái.
Thanh Hà Kiếm Phái lấy kiếm làm linh hồn, xem kiếm như sinh mạng. Tất cả mọi người ở môn phái này, từ đệ tử cho đến chưởng môn, ai ai cũng đều tu kiếm, mỗi một pháp quyết đều là dành cho kiếm đạo.
Nghe nói chưởng môn đời thứ nhất - người đã sáng lập Kiếm Phái Thanh Hà - là một nữ nhân. Không ai biết lai lịch và tên thật của nàng. Chỉ rõ nàng vốn từ phàm giới phi thăng, tư chất tuyệt đỉnh, xinh đẹp tuyệt trần tự xưng Thanh Hà, người đời thường gọi là Thanh Hà tiên tử, đã từng là khởi nguồn khiến cho chính tà lưỡng đạo một phen gió tanh mưa máu.
Năm đó, khi tổ sư của Thanh Hà Kiếm Phái mới đặt chân đến tầng trời thứ mười ba, đã làm dấy lên một hồi phong ba tình sử mà người đời sau vẫn thỉnh thoảng nhắc đến.
“Sắc đẹp là mầm của tai họa."
Đó là câu nói lưu truyền từ ngàn đời, và đúng sai thì cũng đã được kiểm chứng qua ngàn đời. Trong trường hợp của tổ sư Thanh Hà Kiếm Phái cũng như vậy.
Thanh Hà là một nữ nhân có dung mạo khi sương thắng tuyết. Mắt nàng xanh hơn viên ngọc bích thuần khiết nhất, tóc nàng đen hơn cả trời đêm tăm tối nhất, tay nàng mềm mại như được ngưng từ nước của dòng suối trong vắt và tươi mát nhất, và gương mặt nàng, đó không phải gương mặt của phàm nhân, không thể là của phàm nhân vì nó vốn không thuộc nhân gian này…
Một nữ nhân đẹp đến thế đủ để ngàn vạn nam nhân vì nàng mà đầu rơi máu chảy. Huống chi nàng không những đẹp mà còn rất tài giỏi. Thuật pháp, kiếm đạo của nàng cao đến khiến người ngưỡng vọng. Từ khi đến tầng trời thứ mười ba, Thanh Hà một người một kiếm đã từng đánh bại không biết bao nhiêu tinh anh khắp các môn phái thế gia.
Trong số một đời tuổi trẻ của tầng trời thứ mười ba lúc bấy giờ, mọi người đều cho rằng chỉ có Cổ Nguyệt của Cổ tộc thế gia và Thái Thiếu Bảo của Thiên Sát Cung mới đủ sức đánh bại Thanh Hà tiên tử.
Khi đó, Thái Thiếu Bảo và Cổ Nguyệt đồng thời đến núi Dục Thúy tìm Thanh Hà muốn so tài cao thấp xem ai mới xứng là đệ nhất nhân một đời tuổi trẻ của tầng trời thứ mười ba. Thế nhưng một chuyện không ai ngờ là khi chứng kiến dung mạo và khí chất của Thanh Hà tiên tử, cả Cổ Nguyệt và Thái Thiếu Bảo đều như lạc vào mê cung không tự thoát ra được. Cả hai đều rung động bởi ánh mắt đó, khí chất lạnh lùng cao ngạo đó…
Thanh Hà tiên tử đồng ý so đấu với hai người. Theo đó, trận chiến đầu tiên diễn ra với Cổ Nguyệt trên dãy núi Dục Thúy. Nhưng do yêu mến Thanh Hà nên Cổ Nguyệt đã không sử dụng toàn bộ thực lực, đôi bên so thuật pháp chưa được bao lâu thì Thanh Hà dừng lại.
Nàng không nói không rằng xoay người trở về động phủ của mình, bỏ mặc Cổ Nguyệt và Thái Thiếu Bảo đang ngơ ngác đứng đó.
Một thời gian sau, một cuộc quyết đấu xảy ra đã làm kinh động toàn bộ các tông phái thế gia của tầng trời thứ mười ba. Nhưng nó không phải là cuộc quyết đấu với Thanh Hà tiên tử mà là trận so tài giữa Cổ Nguyệt và Thái Thiếu Bảo.
Ngày đó, sau khi trở về từ núi Dục Thúy, cả Cổ Nguyệt và Thái Thiếu Bảo đều không thể quên được người con gái mang tên Thanh Hà cao quý như đóa u lan kia. Hai người đều muốn trở thành phu quân của nàng, sau nhiều lần tranh chấp, cả hai đều nhất trí cho rằng chỉ có nam nhân đệ nhất mới xứng với đệ nhất nữ nhân. Vì vậy, cuộc quyết đấu đã nổ ra.
Cổ Nguyệt và Thái Thiếu Bảo, hai người không hổ là những người mạnh nhất của thế hệ tuổi trẻ đương thời, đồng thời cũng là đại diện cho hai phe chính tà của tầng trời thứ mười ba. Một người là cháu trai yêu quý nhất của gia chủ Cổ gia Cổ Minh Hạo – lãnh tụ của phe chính đạo. Còn một người là con trai của cung chủ Thiên Sát Cung – kẻ đứng đầu tà đạo.
Vì thế cho nên đây không chỉ đơn thuần là cuộc chiến cho tình yêu mà còn là cuộc chiến giữa hai thế lực chính tà. Nó mang ý nghĩa hết sức quan trọng, đó có thể là yếu tố phá vỡ cân bằng cục diện bấy giờ.
“Đó là một mồi lửa thắp lên cho những vong hồn."
Nhiều người sau này đã bình luận như thế.
Trận đấu kéo dài suốt hai ngày hai đêm, đao của Cổ Nguyệt như một con mãnh long phá tan hết thảy những nơi nó đi qua. Một đao lại một đao như cuồng phong bão vũ, rạch đôi một vùng hải dương kéo dài hơn ngàn dặm khiến cho hải vật, thủy quái run sợ tứ tán khắp nơi. Trong khi đó, Thái Thiếu Bảo cũng chẳng chịu kém cạnh, nắm trong tay Thiên Sát Quỷ Hồn Phiên, nhất phiên ra vạn quỷ đoạt hồn, uy lực quỷ dị khôn lường.
Cả hai đấu đến trời long đất lở, mãi đến khi trời hừng đông sắp bước sang ngày thứ ba, Cổ Nguyệt tay cầm Đoạn Nguyệt Kim Đao, đứng trên ngọn sóng, sau lưng huyễn hóa ra một pháp tướng khổng lồ cầm đại đao dài hơn trăm mét.
Một đao vung xuống, vạn hồn tan…!
Thái Thiếu Bảo đã ch.ết!
Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đấy. Thái Thiếu Bảo ch.ết đồng nghĩa tà phái bại trước chính phái. Bởi lẽ hai người Cổ Nguyệt và Thái Thiếu Bảo chính là những người thừa kế tiếp theo của chính tà lưỡng đạo. Thái Thiếu Bảo ch.ết thì sau này một đời tuổi trẻ của tà đạo không còn ai đủ sức đấu với Cổ Nguyệt nữa. Thế cân bằng xưa nay có nguy cơ bị phá vỡ, chính tà phân tranh khó có thể tránh khỏi.
Cung chủ Thiên Sát Cung lúc bấy giờ là Thái Bất Thái cho rằng cái ch.ết của con trai mình bắt nguồn từ Thanh Hà tiên tử. Ông muốn giết ch.ết Thanh Hà tiên tử, chôn nàng cùng Thái Thiếu Bảo để an ủi và coi như cũng là làm tròn ước nguyện sinh thời của con trai. Cho nên, Thái Bất Thái đã đích thân dẫn thuộc hạ xông lên núi Dục Thúy hòng giết cho được Thanh Hà tiên tử.
Cổ Nguyệt biết tin đó đã vội vã chạy đến núi Dục Thúy ứng cứu, và rồi cuộc chiến chính tà đã nổ ra ngay tại đây.
Song phương chém giết đến nỗi máu nhuộm hồng cả những đóa Tuyết Ninh Hương. Có lẽ cũng bởi vậy mà Tuyết Ninh Hương vốn mang một màu trắng tuyết sau này trở thành loài hoa có sắc đỏ tươi như máu…
Xác người chồng chất trên những tảng đá, trôi trong những con suối. Từng người từng người ngã xuống. Từng sinh mạng bị đoạt đi trở thành vong hồn của dãy núi Dục Thúy này. Từng lá cây, từng ngọn cỏ, đâu đâu cũng vương máu. Cảnh tượng vô cùng thảm thiết.
Giữa tràng địa ngục ấy, từ sâu trong khu rừng thúy trúc, trong một gian nhà nhỏ, Thanh Hà tiên tử buông tiếng thở dài. Lắc mình, nàng đã đứng trên một cành trúc cao ngàn mét, mắt nhìn về tràng cảnh chém giết.
Trên tay nàng xuất hiện một thanh kiếm xanh ngọc.
Kiếm vung ra.
Nhất kiếm xuyên không!
Những oan hồn lệ quỷ đang sắp cắn nuốt Cổ Nguyệt bỗng tan biến. Cổ Nguyệt sau một thoáng kinh ngạc đã lập tức thoái lui, nhìn về phía thiếu nữ mặc bộ đồ màu xanh đứng trên ngọn trúc.
“Là nàng ấy đã cứu ta."
“Ngươi chính là Thanh Hà tiên tử?” - Thái Bất Thái hừ lạnh.
“Là tiểu nữ."
“Ta còn tưởng ngươi đã rời khỏi núi Dục Thúy, hóa ra ngươi cũng là một nữ nhân gan dạ. Coi như con trai ta không nhìn nhầm người."
Dứt lời, Thái Bất Thái vung lên Thiên Sát Quỷ Hồn Phiên, những oan hồn lệ quỷ nhiều không đếm xuể nhằm phía Thanh Hà tiên tử gào thét mà đến. Mỗi một quỷ hồn đều toát ra quỷ khí đậm đặc, chí ít cũng là cấp bậc Vũ Hóa quỷ hồn.
Đối mặt với ngàn vạn quỷ hồn đáng sợ nhưng Thanh Hà tiên tử vẫn tỏ ra bình thản. Nàng vung ra một kiếm, kiếm khí hóa thành một cơn lốc nuốt hết thảy đám quỷ hồn đang bay tới…
…
Trận chiến diễn ra chưa đầy nửa giờ thì Thái Bất Thái đã lâm vào hạ phong. Trrước kiếm khí ngang dọc như lê hoa đái vũ của Thanh Hà tiên tử, Thái Bất Thái người đầy vết thương lớn nhỏ, pháp lực khó bề chống trả.
Cuối cùng, Thái Bất Thái thua. Thế nhưng Thanh Hà tiên tử cũng không giết y mà chỉ kêu y dẫn người của mình trở về, bắt y dùng tâm phát thệ từ đó không được phát động chính tà đại chiến khiến cho sinh linh đồ thán…
Một hồi đại kiếp nạn qua đi, tầng trời thứ mười ba trở lại thái bình.
Cũng từ đó mọi người mới biết được Thanh Hà tiên tử pháp lực cao cường đã đạt tới Phi Thiên Cảnh. Chỉ còn vượt qua lục kiếp nữa là thành tiên nhân trường sinh bất tử, thọ cùng trời đất. Về phần Cổ Nguyệt, biết mình cùng Thanh Hà khoảng cách quá xa, ước nguyện trong lòng cũng từ đó cắt đứt, ẩn cư tiềm tu.
Một thời gian sau, Thanh Hà tiên tử chính thức khai tông lập phái, chọn dãy núi Dục Thúy làm sơn môn, lập nên Kiếm Phái Thanh Hà, phân làm chín mạch, mỗi mạch trấn giữ một ngọn núi trong số chín ngọn núi cao nhất của dãy Dục Thúy...
Lại qua bốn trăm năm, Thanh Hà tiên tử đột phá Phi Thiên lục cảnh, vượt qua lục kiếp, phi thăng tiên giới.
Năm đó, Thanh Hà tiên tử chưa tới bảy trăm tuổi. Theo ghi chép lại thì Thanh Hà tiên tử cũng là người thành tiên trẻ tuổi nhất từ sau thời đại thái cổ…