Chương 27
“Được rồi.” Tôi rịt chặt chuôi đao, đoạn bảo: “Ta đi báo tin!”
Hách Thất gật đầu, dỡ túi nước bên hông ngựa xuống, bảo tôi: “Đi thẳng về hướng đông chừng 30 dặm, nếu không tìm được lều của Đại Thiền Vu, thì rẽ hướng Bắc, quân của Tả Cốc Lãi Vương cách đó tầm không xa, chừng trăm dặm đổ lại.”
“Ta biết rồi.”
Hách Thất cầm cán đao vụt mạnh vào mông ngựa, lớn tiếng quát: “Đi!”
Ngựa nhỏ lao vút, bọn kỵ binh Nguyệt Thị la lối om sòm, song thế ngựa phi chớp nhoáng, nháy mắt đã bỏ lại sau lưng tất thảy. Tôi không ngừng ngoái đầu trộm nhìn, chỉ thấy đám Nguyệt Thị đen kịt như đàn kiến chuyển tổ ngày mưa, Hách Thất cùng mười mấy binh sĩ Đột Quyết bị chúng bâu quanh chẳng khác nào bầy kiến đông nghìn nghịt châu đầu vào 1 hạt lê. Có đám lính Nguyệt Thị tách đoàn dợm đuổi theo tôi, nhưng ngựa phi chưa quá một dặm, tên của Hách Thất đã lao đến bủa vây tới tấp, lính Nguyệt Thị không một kẻ nào né được loạt tên chí mạng ấy, người ngựa đổ rầm sóng sượt trên đất, trong lúc gấp gáp đã chẳng còn ai đuổi kịp. Ngựa tôi càng phóng càng nhanh, lúc ngoảnh lại chỉ còn thấy sắc cờ trắng, thảy những thứ khác đều phai nhòa dưới ráng chiều, sắc trời ảm đạm, đêm tối phủ mờ mọi vật.
Tôi thúc ngựa chạy bán mạng trên thảo nguyên, trời không trăng không sao, oi ả như sắp có cơn giông. Thời tiết kiểu này xưa nay tôi chưa từng thấy, chỉ e sắp mưa to thật. Giữa thảo nguyên mà gặp mưa to đâu phải chuyện đùa, tôi ngước trông lên, trời nhọ như cái đít chảo, tịch không bóng trăng sao, khó mà đoán được phương hướng, bụng dạ thật chỉ lo mình lạc đường.
Trên thảo nguyên thì lấy đâu ra đường, có chăng cứ đâm bừa mà đi thôi. Tôi lò mò giục ngựa lao vun vút một hồi lâu, may sao bọn Nguyệt Thị kia không đuổi theo. Có điều phe Hách Thất cũng chưa phá được vòng vây, bụng dạ tôi nửa ngay ngáy lo Hách Thất chẳng biết an nguy thế nào, nửa sợ mình xông bừa đâm giờ lạc đường, đã cuống lại vội, thiếu điều bật khóc thành tiếng mất thôi. Chính trong lúc ấy, có tiếng “roẹt” dội ngang tai, một tia sét ánh tím dài ngoằng rạch nát màn đêm âm u, tia chớpchói lòa đâm xuống mặt đất, sấm nối đuôi nhau nổ từng cơn ầm ầm.
Sắp mưa thật rồi, phải nghĩ cách trú tạm đi thôi. Chớp loáng như những con rắn cứng còng, chúng lách khỏi đám mây đen trên màn trời trườn tỏa đi bốn phía, nhờ những ánh chớp liên tiếp ấy, tôi mới trông được dốc đá đằng xa. Thì ra tôi chạy băng băng suốt nửa đêm, loanh quanh lẩn quẩn dậm chân mãi dưới chân núi Thiên Hằng.
Tìm phiến đá trú mưa cái đã, dù sao thà thế còn hơn ch.ết vì dầm mưa. Tôi thúc ngựa tiến về đằng trước, ngựa nhỏ linh hoạt từng bước giẫm qua đá núi, tôi lo đá dăm cắm vào móng ngựa, bèn trườn xuống, dắt nó men theo đường núi. Mưa xối xả trút xuống từ lâu, mưa sầm sập như những ngọn roi gân bò ráp nhám quất xối xả vào người, đau buốt từng cơn. Mưa nhuốm ướt áo quần, mưa xuôi theo tóc mái sa vào trong mắt, thậm chí mắt không tài nào mở nổi, vuốt khuôn mặt sũng nước, cuối cùng trông thấy một phiến đá to cao vút nhô ra, chỗ dưới phiến đá ấy trú mưa tốt đây.
Tôi dắt ngựa bò xuống mỏm đá to, cả người cả ngựa co dúm ở đấy, tiếng mưa tuôn không ngừng nghỉ, trút xuống hối hả mà mãnh liệt, tôi nhớ tới Hách Thất, bụng dạ dồn ứ nỗi lo âu không thốt thành lời. Con ngựa nhỏ quỳ trên đá, dường như nó cũng hiểu thứ nôn nóng trong lòng tôi, thỉnh thoảng nó thè lưỡi ɭϊếʍƈ lòng bàn tay tôi. Tôi ôm cổ nó, thì thầm bảo: “Chẳng rõ đám Hách Thất thế nào rồi…” Ngoài trời vẫn đương cơn mưa to, nước trút từ núi đổ xuống mặt phiến đá tụ thành mành nước trắng xóa, sương móc mịt mù xộc vào khe đá, hất văng tưởng đâu chỉ là một cơn mưa nhỏ mà thôi.
Không rõ đợt mưa này bao lâu thì tạnh, sau cùng mưa cũng ngớt hạt. Núi đá bên ngoài còn no nước, ào ào chảy như một con suối nhỏ. Rồi gió thổi vén rèm mây đen, hé lộ ra mảnh trăng cong trong ngần.
Tôi không cầm nổi cái hắt xì, áo ướt nhoẹt bám sát thân mình, có cơn gió sượt qua mà cóng cả người. Ngòi lấy lửa đem theo đã ngấm nước mưa, chỗ này lại không có củi khô, muốn nhóm lửa cũng đành chịu ch.ết.
Bên ngoài, tiếng nước chảy nhạt dần, ngựa nhỏ tỏ vẻ thân mật sáp lại gần, đầu lưỡi ấm nóng của nó ɭϊếʍƈ mặt tôi, tôi định bụng nếu trời đã tạnh hẳn rồi thì cũng nên tranh thủ thời gian xuống núi tìm đường tiếp thôi.
Xuống núi lúc trăng tà, vừa hay trăng chỉ tôi hướng đường sắp đi. Ngựa cuồng chân dưới vách đá hồi lâu, lúc này hăng hái lắm, nó lao vun vút về đường chân trời đã ửng phía đằng đông. Mặt trời chẳng mấy mà sắp nhô cao, bằng không sao người tôi lại nóng thế này?
Tôi lơ mơ ngẫm nghĩ, tay cương cũng nới lỏng dần, lưng ngựa tròng trành chao nghiêng như 1 chiếc nôi, đu dưa làm người ta thấy sao mà thoải mái thế, cả đêm tôi đã không chợp mắt, giờ rõ ràng là đang díp mắt muốn ngủ.
Không rõ mình đã thiếp đi bao lâu, hình như mới một lúc, mà có khi cũng phải lâu lắm rồi, sau cùng ngựa lội qua một con sông, móng ngựa tóe bọt nước lạnh ướt người, lúc ấy thót mình mới chịu tỉnh giấc. Đồng không mông quạnh trải khắp bốn bề, núi Thiên Hằng bị quẳng lại sau lưng từ lâu, giờ đây, ngoái đầu trông rặng núi hùng vĩ đã cách tít xa, thấy nó chẳng khác nào một người khổng lồ đầu đội trời chân đạp đất. Đỉnh đầu người khổng lồ ấy đội 1 chiếc mũ trắng tinh tươm, tích tụ băng tuyết quanh năm không thiết tan chảy, con sông dưới chân cũng bắt nguồn từ băng tuyết trên đỉnh Thiên Hằng gom dòng đổ xuống, hèn gì nước sông lạnh buốt xương.
Toàn thân tôi run lẩy bẩy, ngẫm ra mình đã bỏ bụng gì đâu, chẳng trách người không còn tý sức lực. Có điều lương khô thì đang cột sau yên ngựa đây rồi, song mồm miệng khô khốc nhạt nhẽo, chẳng buồn ăn. Bụng bảo dạ hay xuống ngựa uống miếng nước nhỉ, thì chợt thấy gần đó có bóng đen khẽ lay động chực lao thẳng về phía mình, tôi nghĩ ngay đến bọn lính Nguyệt Thị, cố căng mắt nhìn, cũng chỉ trông thấy cái bóng lờ mờ, song di chuyển rất nhanh, may sao đằng đó chỉ có 1 người 1 ngựa.
Nếu là trinh sát của Tả Cốc Lãi Vương thì còn gì hay bằng…Tôi gắng sức tuốt đao sau lưng ra, ngộ nhỡ gặp địch, tất dốc sức chiến đấu đến cùng.
Đấy hẳn là ý nghĩ cuối cùng của tôi, thế rồi trước mắt sụp tối, tôi ngã nhào khỏi ngựa.
Người Tây Lương từ nhỏ đã thạo cưỡi ngựa bắn tên, bất kể là trai hay gái lúc biết đi cũng là lúc biết cưỡi ngựa, mà tôi lại lớn lên trên lưng ngựa, đường đường là Cửu công chúa của Tây Lương, lúc này lại ngã từ trên mình ngựa xuống, chuyện mà truyền đến Vương thành Tây Lương, chỉ e khiến tất cả người dân trong thành được một phen cười sặc sụa.
Lúc tỉnh lại, tay vẫn lăm lăm thanh đao, tôi chớp mắt, bầu trời trong xanh, mây trắng tinh tươm sà xuống như chỉ ngang tầm tay. Thì ra mình đang nằm trên một vùng đồi thoai thoải, cây cối trên sườn dốc che khuất ánh nắng nóng rang, gió thu hây hẩy gợi cái mát mẻ, tiếng ngựa quen thuộc vẳng lại từ một nơi rất gần, bảo lòng cố thả lỏng.
“Tỉnh rồi à?”
Giọng này nghe cũng quen tai lắm, tôi choáng váng bò dậy, chớp chớp mắt, vẫn thấy khó mà tin được.
Kia lại là gã buôn chè Trung Nguyên – Cố Tiểu Ngũ chứ, nom vẻ uể oải ngồi trên dốc cỏ, gặm một miếng thịt bò sấy khô.
Tôi sửng sốt quá đỗi: “Sao chàng lại ở đây?”
Hắn ta bảo: “Tình cờ đi qua.”
Tôi cóc tin nhé!
Bụng dạ đói mốc meo cứ réo ùng ục, tôi nhớ sau yên ngựa có lương khô, liền huýt sáo gọi ngựa về. Nó chạy lại, tôi căng mắt nhìn, lưng ngựa trụi lủi, đến bộ yên cũng mất hút. Tôi nhìn kỹ lần nữa, gã Cố Tiểu Ngũ đang chễm trệ trên yên ngựa của tôi, mà bò sấy hắn gặm, chẳng phải lương khô tôi mang đấy ư?
“Này!” Tôi điên lắm, quát hỏi: “Lương khô của ta đâu?”
Miệng nhồm nhoàm thịt, hắn lóng ngóng giơ nửa miếng thịt bò trên tay: “Vẫn còn miếng cuối cùng….”
Miếng cuối cùng cái nỗi gì, rõ ràng là mẩu cuối cùng mà.
Tôi trừng trộ với hắn, nhét mẩu bò khô cuối cùng bé tẹo teo ấy vào miệng, tức mình gào: “Chàng ăn sạch rồi? Ta ăn cái gì đây?”
“Đói à.” Hắn nhấc túi nước làm một hớp, đoạn hời hợt bảo: “Nàng mới ốm dậy, giờ không nên ăn những thứ này đâu.”
Ốm cái gì chứ, tôi nhảy dựng lên: “Chàng ở đâu chạy đến đây thế hả? À còn nữa, chàng ăn sạch lương khô của ta rồi! Đền đi! Mau đền cho ta!”
Hắn cười cười: “Cũng ăn cả rồi đấy thôi, còn đền gì nữa.”
Tôi nổi cơn tam bành, liếc quanh quất tìm con đao Hách Thất đưa.
Hắn nom bộ dạng tôi chẳng khác nào kiến bò chảo nóng, cuối cùng giọng uể oải bảo: “Hay nàng theo ta về Vương thành nhé, ta đền nàng hẳn 1 con?”
Tôi ném cho hắn cái lườm: “Sao ta phải về Vương thành với chàng?”
“Thì Phụ vương nàng dán cáo thị treo thưởng rồi đấy, bảo ai mà tìm được nàng, dẫn về Vương thành, người sẽ thưởng ngay 100 nén vàng.” Hắn tỏ vẻ hết sức nghiêm túc nhìn tôi, “Một trăm nén vàng đấy nhé! Thế chẳng biết mua được bao nhiêu con bò đây!”
Tôi rõ là tức lắm, mà còn tức cái gì nữa, tức 100 nén vàng kia kìa: “Phụ vương dán yết thị thế thật à?”
“Giả được chắc?” Hắn bảo, “Chắc như đinh đóng cột luôn!”
“Giá ta đáng 100 nén vàng thôi á?” Tôi thất vọng ra mặt, “Ta tưởng tối thiểu cũng cỡ vạn thỏi vàng chứ! Rồi đáng lẽ còn phải phong hầu, phải thưởng cả dê bò nô lệ vô số nữa….”
Ấy thế Phụ vưởng hằng bảo tôi là tiểu công chúa người yêu quý nhất, vậy mà chỉ treo thưởng có mỗi 100 nén vàng thôi à. Keo kiệt! Quá keo kiệt!
Cố Tiểu Ngũ phì cười, chẳng rõ hắn cười cái gì. Tôi ghét cay ghét đắng cái mặt hắn lúc cười, nhất là cái kiểu cười mím chi rồi nhìn tôi, chẳng khác nào đang nhìn vào 100 nén vàng.
Tôi quát: “Chàng đừng có nằm mơ, ta không bao giờ về với chàng đâu!”
Cố Tiểu Ngũ bảo: “Vậy nàng tính đi đâu? Từ lúc nàng bỏ đi xong, sứ giả Nguyệt Thị giận lắm, nói Phụ vương nàng cố ý để nàng đi, Nguyệt Thị còn sai quân đi tìm nàng về, nàng cứ lang thang trên thảo nguyên thế này, lỡ gặp phải quân Nguyệt Thị là ch.ết thảm rồi còn gì.”
Tôi cũng thấy rõ thảm, thì tôi đã gặp bọn Nguyệt Thị ấy rồi còn gì. Nhớ đến đó, tôi bất giác than “trời ơi”, tôi suýt nữa thì quên béng mất Hách Thất, tôi phải tranh thủ đi báo tin cho ông ngoại thôi!
Cố Tiểu Ngũ xem chừng thấy sắc mặt tôi khang khác, liền hỏi: “Sao thế?”
Tôi định bụng không nói với hắn, song trên thảo nguyên mênh mông này, giờ chỉ có hắn bên mình, vả lại kiếm thuật của sư phụ thuộc hàng cao cường, bản lĩnh vốn hơn người, nói không chừng kiếm pháp gã Cố Tiểu Ngũ này cũng không phải loại tệ đâu.
Quả nhiên Cố Tiểu Ngũ nghe tôi kể đầu đuôi ngọn ngành chuyện lính Nguyệt Thị truy đuổi xong, đoạn hắn nói: “Theo như lời nàng thì lều chúa của đại Thiền Vu cách chỗ này ít nhất là 300 dặm hả?”
Tôi gật gật.
“Còn Tả Cốc Lãi Vương cách đây cũng tầm trăm dặm?”
Tôi lại gật.
“Có điều dân du mục Đột Quyết nay đây mai đó, nàng định tìm thế nào?”
“Cái đấy khỏi nghĩ nhiều, đằng nào ta cũng phải cứu kì được Hách Thất.”
Cố Tiểu Ngũ chau mày, đoạn bảo: “Nước xa không cứu nổi lửa gần, phủ đô hộ An Tây gần ngay trước mắt, sao không nhờ quân họ đánh trả Nguyệt Thị?”
Tôi ngẩn tò te, nói thực ra, thực lực quân đội Trung Nguyên dẫu mạnh, phủ đô hộ An Tây còn đảm đương trọng trách trấn thủ Tây Vực, bất kể nước nào cũng phải nể sợ, có điều kể cả khi giữa các nước động binh với nhau, cũng chẳng ai đi nhờ cậy binh lực của Trung Nguyên cả. Sở dĩ trong mắt người Tây Vực chúng tôi, giao chiến là chuyện người Tây Vực với nhau, Trung Nguyên là thiên triều thượng quốc, phái hùng binh đến đóng ở nơi này đã đành một lẽ, song đối với việc tranh chấp giữa các nước Tây Vực với nhau, lại chẳng phải việc của họ. Cũng như là anh em trong nhà gây hấn, bất luận thế nào đi chăng nữa, làm gì có chuyện gọi người ngoài vào giúp đỡ.
Tôi bảo: “Tuy phủ hộ An Tây gần thật đấy, nhưng chuyện này không thể để họ biết được.”
Cố Tiểu Ngũ nhướng mày: ‘Sao thế?”
Lí thì tôi nói không nổi, đằng nào thì các nước khác cũng coi chuyện này như điều cấm kị cả thôi, tôi bảo: “Chúng ta động binh đã đành một lẽ, song hoàng đế Trung Nguyên chẳng liên quan gì ở đây cả.”
“Khắp dưới gầm trời, đều là đất vua; khắp nơi bến nước, đều là bề tôi của vua.” Cố Tiểu Ngũ bảo, “Chỉ cần là chuyện thiên hạ, tất có liên quan đến Hoàng đế Trung Nguyên, huống hồ Trung Nguyên lập lên phủ đô hộ An Tây cốt để ổn định trật tự trị an ở Tây Vực. Nguyệt Thị tỏ thái độ xấc xược, cũng đến lúc dạy cho chúng một bài học đi thôi.”
Mấy lời trưởng giả hắn nói, tôi chẳng thủng tai câu nào. Hắn dắt hai con ngựa, đoạn tiếp lời: “Rẽ trái ở đoạn này, đi nửa ngày đường là đến phủ đô hộ An Tây, ta đưa nàng đi cầu quân cứu viện.”
Tôi chần chừ chưa vội quyết: “Việc này…không hay lắm thì phải?”
“Nàng không muốn cứu Hách Thất à?”
“Đương nhiên muốn chứ!”
Hắn đỡ tôi lên ngựa, miệng bảo: “Vậy còn lèo nhèo gì nữa!”
Ngựa phi được một đoạn rõ xa, tôi mới chợt nhớ ra một chuyện: “Nói tóm lại, sao chàng tìm được ta thế?”
Trời trưa đổ nắng gắt, phủ lên khuôn mặt trắng ngần hệt 1 viên ngọc Hòa Điền hoàn mỹ của hắn. Hắn nhếch mép cười, lộ ra hàng răng trắng: “Gặp may thôi!”
Đường tới phủ đô hộ Tây An quả nhiên đi không quá nửa ngày, chúng tôi thúc ngựa về hướng nam, lúc xế chiều thì thành lũy sừng sững đã ở ngay trước mắt. Hoàng đế Trung Nguyên độ hơn trăm năm về trước đã lập lên phủ đô hộ Tây An, rồi đóng quân vỡ hoang, trấn giữ hiểm yếu ở đất này. Nơi đây còn là con đường thông thương xung yếu mà mọi đội buôn từNamqua Bắc tất phải qua, thế nên so với Tây Lương đâu chỉ sầm uất.
Tôi cứ lo mình và Cố Tiểu Ngũ 2 kẻ thân cô thế cô, thế nào phủ đô hộ Tây An cũng tỏ thái độ phớt lạnh, nào ngờ Cố Tiểu Ngũ dẫn tôi vào thành xong, hắn xộc thẳng đến trước cổng nha môn, gõ trống công đường.
Sau này tôi mới biết chiếc trống ấy rất có ý nghĩa, tuy gọi Trống Thái Bình, song thực ra nó còn được gọi với cái tên Trống Tỉnh, hồi trống gióng mang hàm ý chinh chiến. Đám lính canh xộc ra đưa chúng tôi vào phủ, chẳng cho giải thích lấy 1 lời, phủ hộ đại nhân đã chễm chệ ngồi trên công đường, ông ta mặc giáp, để 1 chòm râu rậm, tỏ rõ dáng vẻ uy phong lẫm liệt của 1 viên mãnh tướng, tôi từng gặp mấy người Trung Nguyên, xem ra vị tướng quân này có dáng dấp của người cầm binh xông pha trận mạc nhất đây.
Ông ta trầm giọng hỏi chúng tôi, tôi không hiểu tiếng Trung Nguyên, líu lưỡi nhìn Cố Tiểu Ngũ. Cố Tiểu Ngũ lại ra hiệu bảo tôi tự mình nói đi, phen này thì tôi chịu rồi. May sao phủ hộ đại nhận biết nói cả tiếng Đột Quyết, ông ta nom tôi có vẻ không biết tiếng Trung Nguyên, nên chuyển sang hỏi bằng tiếng Đột Quyết: “Kẻ dưới công đường kia cớ gì mà gióng trống?” Thì mẹ tôi là người Đột Quyết, nên tiếng quê ngoại của tôi cũng khá lưu loát. Tôi thuật lại chuyện Nguyệt Thị tràn quân sang địa giới Đột Quyết, rồi khẩn thiết xin ông ấy dấy binh cứu Hách Thất.
Quan độ hộ có chiều lưỡng lự, cũng bởi từ khi Trung Nguyên lập phủ đô hộ An Tây tới nay, trừ việc dẹp yên quân phiến loạn, thực ra chẳng mấy khi can thiệp vào chuyện chính sự giữa các tiểu quốc Tây Vực. Tuy Nguyệt Thị xâm phạm lãnh thổ Đột Quyết quả là chuyện sai rành rành thật, song suy cho cùng, Nguyệt Thị so với Đột Quyết hiển nhiên không bằng, Đột Quyết quân lực hùng hậu, trong khi Nguyệt Thị vốn yếu, lấy yếu lấn áp mạnh, chuyện hiếm hoi này quả thật không hợp lẽ thường tình, thế nên tôi đoán chừng ông ấy mới tỏ vẻ phân vân là thế.
Quả nhiên, ông ta bảo rằng: “Kỵ binh Đột Quyết nổi danh khắp Quan ngoại, cớ gì người Đột Quyết không tự mình xuất binh mà phải xin ta viện trợ?”