Chương 28: Đoái thương muôn dặm tử phần Hồn quê theo ngọn mây tần xa xa
Hồng Hoa hít một hơi, vận khí, lùi lại hai bước, rồi phóng chưởng. Trưng Nhị biết chưởng này không tầm thường, vội phát chiêu Lưỡng Ngưu tranh phong trong Phục Ngưu Thần Chưởng đỡ. Chưởng của nàng gió lộng ào ào, làm những người công lực yếu trong phòng muốn nghẹt thở. Bịch một tiếng, chưởng của Trưng Nhị bị mất tích, người nàng bay vọt về sau. Là người cực kỳ thông minh, kinh nghiệm chiến đấu có thừa. Còn ở trên không nàng dã hít một hơi chân khí. Lộn người hai vòng, hóa giải chưởng lực đối thủ. Thực tế nàng bị Hồng Hoa đánh bại. Người ngoài nhìn tưởng nàng xử dụng chiêu thức đặc biệt. Cử tọa chỉ có thầy trò Lê Đạo Sinh với Trần Năng biết nàng bại mà thôi. Vì họ cùng môn phái, cùng xử dụng một thứ võ công. Lê Đại Sinh khâm phục, nghĩ:
- Con nhỏ này là đồ tôn sư huynh ta. Võ công thua xa bọn Đức Hiệp, Vũ Hỷ. Từ trước đến giờ, ta không hiểu sao nó lại nổi tiếng khắp Lĩnh Nam. Thì ra nó thông minh, biết biến hóa.
Là người thông minh, mẫn tiệp. Lê Đạo Sinh học văn, học võ đều thành. Xưa sư phụ ông thu chín đệ tử. Chỉ có ba người thành đại nghiệp. Người thứ nhất, đại sư huynh, Trưng Đại Minh, ông nội Trưng Nhị. Sau được truyền chức chưởng môn phái Tản Viên. Người thứ nhì, nổi danh đạo đức, y đạo là Trần Đại Sinh. Người thứ ba là Lê. Muốn trở thành Thái-sơn Bắc-đẩu võ lâm. Lê đã thành công. Ngồi ở ngôi vị Thái-sơn Bắc-đẩu, nhìn sang giới quan lại, Lê muốn làm quan lớn, đạt được chức đô-úy, cầm quân vùng Giao-chỉ. Nhưng với chức đô-úy Lê bị thái-thú sai khiến, Lê muốn làm thái-thú.
Lê có tính hiếu thắng kỳ lạ, trái hẳn với Đào Thế Kiệt. Lê muốn bất cứ điều gì cũng phải đạt được. Điều Lê nghĩ, việc Lê làm, Lê đều tự cho là phải. Ai làm trái Lê, cản trở Lê, đều là kẻ thù của Lê hết. Tất cả cái xấu của Lê là của kẻ thù. Tất cả cái tốt của kẻ thù là của Lê. Lê nhất tâm, nhất trí đào tạo mười đệ tử. Trong khi đào tạo, Lê bắt họ chịu kỷ luật thực khắc khe. Ngược lại họ nhận được bản lĩnh vô địch. Họ chỉ cần tuân lệnh Lê là đủ. Ngoài ra, họ muốn giết người, cướp của, hãm hϊế͙p͙ ai, Lê cũng nhắm mắt lờ đi. Khi con người được luật pháp, luân lý kềm chế, trở lại với vị trí tính thiện của họ. Còn cứ để tự do, thú tính ngày phát triển. Các đệ tử của Lê, ở trong hoàn cảnh đó.
Dưới mắt Lê, Nguyễn Thành Công, Đặng Thi Kế cho đến Đặng Thi Sách, Trưng Nhị đều là người bất tài, bất chính, vô hạnh, vì họ làm trái với Lê. Lê thấy họ nối tiếng, dân chúng kính phục, Lê ghen lồng lộn, hại họ. Lê có biết đâu họ nổi tiếng vì có tấc lòng son đối với Lĩnh Nam.
Hồng Hoa, Trưng Nhị lại xông vào đấu với nhau chưởng nữa. Trưng Nhị xuất chiêu Ngưu tẩu như phi. Còn Hồng Hoa xuất một chiêu rất thô kệch, không có gió. Chưởng chưa ra, mà mồ hôi nồng nặc truyền khắp phòng. Trưng Nhị biết đây là Huyền-âm độc chưởng. Nàng thấy Phan Anh xử dụng đấu với Trần Năng. Khúc-giang ngũ hiệp nói rằng: Nội công tâm pháp Huyền-âm độc chưởng, gốc ở Long-biên, đường đường, chính chính, nhưng đã hợp với ngũ độc. Nên trong cái chính có cái tà đi theo hại người.
Cách đây hơn hai trăm năm. Vạn tín-hầu Lý Thân thống lĩnh đệ tử Âu-Lạc sang Hàm-dương đấu với võ sĩ Trung-nguyên. Trong ngày đầu thì chống đỡ tìm hiểu chiêu thức địch. Tối về nghiên cứu các thế phá, hôm sau phản công. Sau khi đại thắng võ lâm Trung-nguyên. Ngài cùng đệ tử tổng hợp các chiêu thức sáng chế thành một hệ thống mới. Từ đó, ngài tìm ra một lối luyện công âm-nhu khắc chế dương-cương. Đặt trên nguyên tắc Dĩ nhu, chế cương. Sau này Đồ Thư cùng võ sĩ Tần Thủy Hoàng sang đánh Lĩnh Nam bị lạc bại, từ trần. Khi rời Trung-nguyên, Lý Thân để lại một đệ tử là Trần Mạnh Chi, làm Nội giám hiệu-úy. Mạnh Chi lấy vợ Trung-nguyên, sinh con, đẻ cháu lập ra phái Trường-bạch. Trường-bạch sơn là vùng núi nhiều côn trùng độc. Các đệ tử phải chống chất độc, lâu ngày thành ra kỹ thuật của môn phái. Đến đời thứ năm. Trong môn phái có biến chuyển lớn. Một đệ tử họ Phan có kẻ thù bắt giam, tr.a khảo. Đòi khai cách luyện nội công Âm-nhu. Y không chịu. Kẻ thù cho Rắn, Rết, Nhện, Tầm và Bò Cạp, đốt. Nhờ bản lĩnh kháng độc sẵn có, y không bị độc chất làm hại. Một đêm sau khi vận công. Y giật mạnh tay, gông cùm vỡ tan. Y tĩnh ngộ ra rằng chính nhờ trong lúc vận khí chống độc. Nọc độc hợp với chân khí thành một thứ nội lực mới. Mạnh vô cùng.
Y rời nhà tù, đánh phá tổng đàn đối phương. Đối phương bị trúng chưởng của y lập tức bị đau đớn khủng khiếp rồi ch.ết. Y trở về phụ mệnh sư phụ: kể cho sư phụ nghe mọi chuyện. Sư phụ y, giòng dõi Trần Mạnh Chi. Bảo y dùng chưởng lực đánh thử vào thú vật, y ngoan ngoãn tuân theo. Con vật đau đớn, nổi điên mà ch.ết. Sư phụ y thấy vậy cho là tà phái âm độc, khuyên y bỏ đừng luyện tiếp.
Một ngày kia, ông khám phá ra y vẫn bí mật luyện độc công. Ông trục xuất Phan khỏi môn phái. Y nổi giận giết sư phụ, chiếm lấy chức chưởng một. Từ đấy phái Trường-bạch thành phái Huyền-âm độc chưởng. Khắp Trung-nguyên ai nghe tiếng cũng kinh hồn táng đởm. Đến đời thứ ba, chưởng môn là Phan Sùng, võ công lừng danh thiên hạ. Kết huynh đệ với Lưu Huyền, tức Cảnh-Thủy hoàng đế.
Phan Sùng một lần nhìn thấy hoàng-hậu của Cảnh-Thủy, đem lòng say đắm. Y hại ba người anh kết nghĩa Lưu Huyền, Lý Diệt, Chu Huy, xưng vương. Tướng sĩ nhiều người không phục, bỏ y theo phò Lưu Diễn. Lưu Diễn ch.ết. Họ theo Lưu Tú tức Quang-Vũ. Trong trận đánh Trường-sa, Phan Sùng ch.ết giữa loạn quân. Toàn gia bị tru lục. Phái Trường-bạch bị truy lùng rất gắt.
Hôm Phan Anh đại chiến với Trần Năng, bị Khúc-giang ngũ hiệp nhận diện được. Bây giờ sào huyệt chót của y bị bại lộ. Anh hùng còn phát giác ra tông tích đại ma đầu Mao Đông Các. Mao nổi danh cùng thời với Thiên-sơn lão tiên, Trần Đại Sinh, Nguyễn Phan. Y tung hoành thiên hạ, không úy kị ai. Thiên-sơn lão tiên viết thư khuyên y. Y không hối cãi, còn viết thư thách ngài đến tổng đàn phái Trường-bạch giao đấu, với một trong ba sư huynh đệ của y.
Thiên-sơn lão tiên là đại anh hùng, đại hiệp sĩ. Ngài viết thư mời Trần Đại Sinh, Nguyễn Phan từ Lĩnh Nam sang, cùng trừ mối họa võ lâm. Mao Đông Các thấy Thiên-sơn lão tiên xuất hiện cùng với hai cao nhân Lĩnh Nam, y vẫn không coi vào đâu. Trận đầu, y đấu ngang tay với ông. Trận thứ nhì sư huynh của y bị Trần Đại Sinh dùng Phục Ngưu Thần Chưởng đánh ch.ết. Ngược lại, ông trúng Huyền-âm độc chưởng. Trận thứ ba, sư thúc của y đấu với Nguyễn Phan. Không đầy một trăm hiệp, ông dùng Long-biên kiếm pháp giết ch.ết. Nguyễn Phan muốn trừ dứt mối họa cho võ lâm. Ông giết luôn y. Đoạt thuốc giải cứu Trần Đại Sinh. Không ngờ, y giả ch.ết. Bây giờ tái xuất hiện.
Truyện nầy, Trưng Nhị được Khất đại-phu thuật cho nghe từ lâu. Nàng đã có ý niệm về Huyền-âm độc chưởng.
Trưng Nhị biết chưởng Hồng Hoa lợi hại, nhưng nàng là người can đảm, hít một hơi chân khí, lên đinh-tấn, tay trái bắt quyết, tay phải ra chiêu Ngưu ngọa ủ sơn trong Phục Ngưu thần chưởng đỡ. Chưởng phóng ào ào chụp xuống người Hồng Hoa. Nhưng chưởng mới đi được nửa chừng. Trưng Nhị thấy có bàn tay để vào lưng mình. Một luồng chân khí theo tay lan khắp cơ thể. Chưởng của nàng đang dương-cương, biến sang nhu hòa, mạnh như trời long đất lở. Vừa lúc đó chạm vào chưởng Hồng Hoa. Bịch một tiếng, kình lực Hồng Hoa mất tăm mất tích. Y thị lảo đảo, lùi lại mấy bước. Mặt tái mét, đứng run run như người sốt rét.
Mọi người đều ngạc nhiên. Vì hai chưởng đầu, Trưng Nhị kém xa Hồng Hoa. Không ngờ chưởng thứ hai, nàng thắng dễ dàng như vậy. Trưng Nhị nhìn về sau, thì ra người để tay lên lưng mình là Trần Năng. Nguyên hôm đấu võ ở Vương-sơn, Trần Năng nghe Tăng Giả Nan Đà nói rằng:
– Người tập Thiền cao, có thể dùng chân khí của mình truyền vào người bệnh nhân, chữa bệnh cho họ.
Nàng là đệ tử Khất đại-phu, rất giỏi y khoa. Nàng đã áp dụng chữa bệnh cho binh sĩ, đều kết quả. Bây giờ thấy Trưng Nhị đấu với Hồng Hoa, nàng nghĩ: Mình với Trưng Nhị cùng môn phái Tản-viên, có thể tiếp chân khí cho nhau. Vì vậy Trần Năng mới chuyền chân khí giúp Trưng Nhị, quả nhiên thành công.
Hiện diện trong phòng có hàng trăm người. Chỉ mình Trần Năng. Trưng Nhị biết mà thôi.
Trưng Nhị hỏi Hồng Hoa:
– Tiêu sư tỷ, ngươi thấy thế nào?
Hồng Hoa hít một hơi vận chân khí. Chân khí bị tuyệt, vận không ra. Người nàng bải hoải, như sau một cơn đau kịch liệt. Văn Thanh Hoa thấy em đấu với Trưng Nhị, hai chưởng của Trưng Nhị đang từ cương biến sang nhu, làm tan biến chưởng của đối thủ. Nàng hỏi sư muội:
– Sư muội! Cái gì đã xảy ra?
Tiêu Hồng Hoa lắc đầu:
– Không rõ nữa, công lực của em gần như mất hết.
Mặt nàng nhăn nhó, tỏ ra gặp bất tường. Văn Thanh Hoa nhìn Mao Đông Các hỏi ý kiến. Mao Đông Các gật đầu. Nàng tiến tới trước Trưng Nhị chắp tay nói:
– Tiểu muội Văn Thanh Hoa. Xin được lĩnh giáo mấy cao chiêu của Tản-viên song phượng, Lĩnh Nam.
Trưng Nhị mỉm cười:
– Văn sư tỷ với tôi không thù, không oán, việc gì phải hao tốn nguyên khí? Tại sao chúng ta không kết bạn, mà lại phải đánh nhau? Vừa rồi Tiêu sư tỷ ra tay tấn công Hồ sư muội. Tôi mới phải đỡ đòn dùm, chứ có muốn gây thù chuốc oán đâu.
Văn Thanh Hoa chỉ vợ chồng Phan Anh:
– Đã không thù oán. Tôi lớn mật dám xin Hồ sư tỷ tha cho vợ chồng Phan Anh hiền đệ. Chúng tôi cảm ơn đại đức của sư tỷ.
Hồ Đề cười:
– Vợ chồng Phan Anh khi không tấn công người. Tôi vì cứu người mà ra lệnh cho Thần-xà cắn lại. Chứ tôi muốn giết, thì những con rắn độc của tôi đã táp vợ chồng Phan sư huynh từ đầu. Chứ đâu còn đến nay?
Nàng húyt sáo một tiếng, mấy con trăn buông vợ chồng Phan Anh ra. Vợ chồng Phan Anh mặt tái mét lùi lại, hỏi Mao Đông Các:
– Thái sư phụ, xin Thái-sư phụ định liệu.
Mao Đông Các thấy sự bất hảo, hướng vào Lê Đạo Sinh:
– Lê hầu, ngươi định phản Hán triều để theo Thục chăng?
Lê Đạo Sinh mỉm cười:
– Lão phu đã quyết định. Không can thiệp vào sự tranh giành trong nội cung nhà Hán. Mã thái-hậu cũng thế, Hàn thái-hậu cũng vậy, xin Mao tiên-sinh miễn cho lão phu việc phải quyết định theo Mã hay theo Hàn.
Mao Đông Các hướng vào Trưng Nhị nói:
– Ngôi nhà này của tổ tiên họ Phan. Xin mời các vị rời khỏi nay cho.
Quận chúa Lý Lan Anh chí vào Phan Anh:
– Y là khâm phạm của triều đình. Hoàng thượng treo thưởng cho ai bắt được tông tộc họ Phan được phong vạn-hộ hầu. Tài sản của chúng cũng sẽ bị tịch thu, ban thưởng cho người bắt. Vợ chồng hắn xâm phạm Hàn thái-hậu lần này là lần thứ nhì, không thể tha được. Lê tiên sinh, xin tiên-sinh ra tay cho.
Lê Đạo Sinh là người xảo quyệt. Y tính toán: Ở đây võ công Mao Đông Các có lẽ ngang với ta. Ta có bốn đệ tử võ công cao. Như vậy nếu xảy ra động thủ, ta đánh với Mao Đông Các. Bốn đệ tử của ta kém vợ chồng Phan Anh một chút. Vạn nhất động thủ, bên phía chúng còn Tiêu Hồng Hoa, Văn Thanh Hoa. Bên ta thua là chắc. Vì vậy y nhìn Trần Năng, Trưng Nhị, lên tiếng:
– Trần Năng! Sư thúc có lệnh: Ngươi bắt vợ chồng Phan Anh cho ta.
Bản tính Trần Năng lí lắc, cứng đầu. Đến sư phụ nàng là Khất đại phu, nàng còn dám đùa vui. Huống hồ Lê Đạo Sinh. Nàng nói:
– Sư thúc, quận chúa bảo sư thúc bắt giặc lập công với triều Hán, chứ đâu có bảo cháu? Trước nay cháu đã vì nhà Hán vào sinh ra tử, đánh Xuyên-khẩu, Bạch-đế và hoàng-thành của Thục, rốt cục cũng thành hư vô. Cháu không muốn lập công nữa. Xin sư thúc ra tay cho.
Lý Lan Anh bước đến trước mặt Khúc-giang ngũ-hiệp chắp tay nói:
– Sư phụ, sư thúc. Xin các vị vì hiệp nghĩa đúng ra chủ trì công đạo. Đệ tử muôn vàn đội ơn.
Nói rồi nàng thụp xuống đất lậy, nước mắt đầm đìa.
Trần Ngũ Gia phất tay không cho nàng quì. Một luồng kình lực đỡ nàng dậy. Ông nhìn sư huynh:
– Đại sư huynh, trước khi rời núi, chúng ta đã hẹn trước phải làm việc này để nêu cao nghĩa hiệp.
Trần Nhất Gia lắc đầu:
– Không nên! Sư đệ, chúng ta đã hứa tha cho Phan Anh trên đồi Vương-sơn. Thì không thể nuốt lời. Việc làm vô luân phi nghĩa cúa Xích Mi, đưa đến kết quả cả giòng họ bị tru diệt, như vậy đủ rồi. Vả lại, hôm ở trên đồi, vị Phật-gia Tăng Giả Nan Đà chẳng giảng cho chúng ta nghe về nghiệp chướng đó ư? Khi nghịch cảnh đã xảy ra, nên buông xuôi, chẳng nên chối trả. Nếu chúng ta vì Cảnh-Thủy hoàng đế giết tuyệt giòng họ Phan, thì xưa Cao-tổ nhà Hán giết tuyệt giòng họ Kình Bố, Bành Việt, Hàn Tín, ai trả thù cho họ đây?
Tự nhiên trong góc phòng có tiếng tiêu dìu dặt, thê lương thổi lên, làm mọi người quên đi cảnh chém giết trước mắt họ. Họ cùng hướng nhìn về đó, thấy một thiếu nữ nhỏ tuổi, xinh đẹp, đang cầm ống tiêu đưa lên miệng mà thổi bài Hận Ô-giang, tác phẩm của Tư-mã Tương Như đời Tiền Hán. Nhân ông đi qua Ô-giang, sáng tác, diễn tả mối hận mất nước của Hạng Võ. Đâu đó lại có tiếng xên hòa nhịp theo tiếng tiêu. Mọi người đổ mắt nhìn, thì ra Lê Chân.
Nguyên Lê Chân, đệ tử phái Sài-sơn, rất giỏi âm nhạc. Nàng thấy Sa Giang thối tiêu, thì rút kiếm ra, lấy mũi tiêu đánh vào lưỡi kiếm, âm thanh vang lên, giống như tiếng xênh đánh nhịp. Tiếng nhạc dìu dặt, trầm bổng cúa hai thiếu nữ có bàn tay tiên, uốn nắn âm thanh, làm cho mọi người đều buồn man mác. Rồi như không tự chủ được. Hàn Tú Anh, công chúa Vĩnh-Hoà cũng lấy đàn ra hòa nhịp. Hàn Tú Anh đánh đàn Tỳ bà, Vĩnh Hòa đánh đàn Cầm. Thế là bốn người như say, như tỉnh, ru hồn mọi người vào giấc mộng.
Bản nhạc vừa dứt, Sa Giang bước ra hướng vào Mao Đông Các hỏi:
– Mao lão tiên sinh, tiểu nữ muốn thỉnh giáo tiên-sinh một truyện, không biết có được hay không?
Đông Các đang ngồi nhắm mắt dưỡng thần, không nói một câu. Những người có mặt tại đó, trừ Khúc-giang ngũ-hiệp, Trần Năng, Trưng Nhị đã được Khất đại phu kể cho nghe, nên biết thân thế y. Còn lại, họ không biết y là ai. Cứ như lời Phan Anh nói, y là thái sư-phụ của hắn. Như vậy Mao là sư phụ Xích Mi. Chỉ nghĩ đến điều nay, cũng đủ làm cho mọi người rùng mình kinh hãi.
Trước đây Phan Sùng cầm gươm theo Lưu Huyền khởi binh, bản lĩnh nghiêng trời lệch đất. Cao thủ của Vương Mãng đối trận với y, chỉ một hai chiêu mất mạng như chơi. Trong trận đánh cuối cùng, Nghiêm Sơn thống lĩnh quân đội vây y. Dù quân sĩ của y đã bị giết hết. Y vẫn vượt được vòng vây chạy trốn. Nghiêm Sơn xua đạo cung thủ vây. Y vừa đánh vừa chạy. Trên người bị đến hơn trăm mũi tên, mà vẫn không ngã. Cuối cùng, y kiệt lực, rơi kiếm, vẫn cố thoát lên núi. Lúc tướng Hán là Đặng Vũ đuổi tới nơi, thấy thây y vập nát, nằm bên sườn núi, liền cắt đầu đem về nộp cho Nghiêm Sơn.
Thế mà người ngồi đây là sư phụ của y, thì công lực cao thâm không biết đến đâu mà lường. Cứ vào lời giới thiệu của Phan Anh, hai thiếu nữ Văn Thanh Hoa, Tiêu Hồng Hoa tuy là đồ tôn, nhưng bản lĩnh do chính Mao Đông Các truyền thụ, nên cao hơn vợ chồng Phan Anh một bực.
Bản lĩnh vợ chồng Phan Anh đâu có tầm thường, lúc chúng bắt Hàn Tú Anh, Hoàng Đức, Đức Hiệp là cao thủ bậc nhất nhì Lĩnh Nam, đối chưởng với chúng hai chưởng đã phải phun máu ra. Rồi Hồng Hoa đối chưởng với Trưng Nhị, chỉ hai chưởng đủ làm Trưng Nhị lạc bại, thì bản lĩnh Hồng Hoa còn cao hơn vợ chồng Phan Anh là thực, chứ không phải chỉ qua lời Phan Anh.
Khi thấy Sa Giang hỏi Mao Đông Các, thì biết có gì bí ẩn, tất cả im lặng nghe cuộc đối thoại:
Mao Đông các mở mắt nhìn Sa Giang:
– Tiểu cô nương, ta coi thân thủ cô nương rõ ràng người phái Thiên-sơn. Tại sao lại đi với những người Lĩnh Nam? Cô nương là ai?
Nghe Mao Đông Các hỏi, Sa Giang giật mình, vì lão già nầy chỉ nhìn dáng đi của nàng đã biết rõ môn hộ, kiến thức của lão quả thực vô song. Sa Giang cười lễ phép:
– Kiến thức Mao tiên-sinh thực hơn người. Tiểu nữ họ Vương tên Sa Giang. Không những tiểu nữ thuộc phái Thiên-sơn, mà còn là con gái của một trong Thiên-sơn thất hiệp.
Mao Đông Các gật đầu:
– Thì ra cô nương là ái nữ của Thiên-sơn cầm tiên, hèn chi tiếng tiêu không ru người ta vào giấc mộng. Lão phu nghe dường như người đời tặng cho cô nương đại danh Thiên-sơn tiên tử có đúng không? Cô nương còn nhỏ tuổi, đã nổi danh thiên hạ rồi. Cô nương muốn hỏi lão phu điều gì, cứ nói ra.
Sa Giang cười:
– Tiểu nữ nghe nói, phái Trường-bạch dạy đệ tử luyện độc chưởng, nhưng chỉ dạy đánh người, mà không dạy cách giải độc cho người. Thuốc giải độc chỉ một mình người chưởng môn biết cách điều chế mà thôi. Không rõ tiên-sinh có biết chế không? Tiểu nữ dám cả gan xin tiên-sinh ba viên cứu một người.
Mao Đông Các mở to mắt nhìn Sa Giang:
– Cô nương cần xin thuốc cứu ai?
Sa Giang chỉ vào Đức Hiệp:
– Cháu muốn xin thuốc chữa cho vị tiên sinh đây. Ban nãy người đối chưởng với Phan Anh, đã bị Phan Anh đẩy ngũ độc vào người. Hiện giờ chưa sao, nhưng chỉ một giờ sau, sẽ đau đớn đến ch.ết đi sống lại.
Nghe Sa Giang nói, Đức Hiệp đưa tay lên nhìn, quả thấy bàn tay ẩn hiện màu xanh. Y đưa tay trái lên sờ thấy tê tê. Mặt y tái mét. Trưng Nhị đã đối với Hồng Hoa ba chưởng, bất giác nàng cũng rùng mình, đưa tay lên nhìn, thấy tay vẫn như thường mới yên tâm.
Mao Đông Các lắc đầu:
– Lão phu chỉ biết đánh người, mà không biết cứu người. Còn chuyện giữa Phan Anh với Đức Hiệp có liên quan gì tới cô nương đâu?
Sa Giang chỉ vào Hồng Hoa:
– Có chứ, sao lại không. Vị tỷ tỷ nầy đẹp như tiên, cháu trông thấy mà lòng còn xao xuyến. Chính tỷ tỷ đây cũng bị trúng Huyền-âm chưởng, sau mấy giờ, cũng đau đớn rồi da bị phồng lên, chảy nước vàng, bảy bảy bốn mươi chin ngày sau sẽ ch.ết. Một giai nhân tuyệt thế mà ch.ết như vậy chẳng đáng thương xót ư?
Hồng Hoa nghe nói, đưa tay lên nhìn, tay nàng cũng ẩn hiện màu tím nhạt thì thất kinh hồn vía, đứng nhìn tay mình mà ngẩn ra.
Hồng Hoa chỉ vào mặt Trưng Nhị:
– Mi tự hào là anh hùng Lĩnh Nam, danh môn chính phái, mà mi cũng luyện Ngũ-độc chưởng?
Sa Giang vẫy tay, lắc đầu:
– Hồng sư tỷ lầm rồi. Trưng sư tỷ thuộc phái Tản-viên, võ công đường đường chính chính. Trưng sư tỷ lại là anh hùng đương thời, đâu có dùng thứ võ công độc ác nầy? Chẳng qua, Tiêu sư tỷ tự hại mình mà thôi.
Tiêu Hồng Hoa ngạc nhiên:
– Ta hại ta?
Sa Giang gật đầu:
– Sư tỷ quên rằng: dùng độc chưởng đánh người, thì chất độc theo chân khí nhập vào cơ thể đối phương. Nhưng khi gặp phải người nội công cao hơn mình, chất độc phóng ra đánh người, bị đẩy trở lại thân thể mình. Phàm người bị Huyền-âm độc chưởng của phái Trường-bạch đánh vào, một giờ sau, đau đớn vô cùng. Cơn đầu hơn giờ, rồi sau đó cách ngày lên cơn một lần. Nếu không được thuốc giải độc, sau 49 ngày kiệt lực mà ch.ết. Còn người bị đẩy ngược chất độc trở về, da sẽ phồng lên, nước vàng ri rỉ chảy ra, đau đớn cùng cực, 49 ngày sau cũng ch.ết.
Sa Giang chỉ vào Trưng Nhị:
– Văn sư tỷ đánh Trưng sư tỷ ba chưởng. Hai chưởng đầu, độc chất nhập cơ thể Trưng sư tỷ. Sang đến chiêu thứ ba. Trưng sư tỷ có nội lực mạnh hơn, đẩy chất độc trở lại người Văn sư tỷ. Chứ Trưng sư tỷ làm gì biết độc chưởng mà đánh người.
Trưng Nhị nhìn Trần Năng tỏ ý cám ơn, vì nếu nàng không được Trần Năng trợ lực thì đã bị trúng độc rồi.
Lê Đạo Sinh cũng hướng vào Mao Đông Các nói:
– Mao Tiên Sinh, tại hạ dám xin tiên sinh ban thuốc giả cho xá đồ.
Mao Đông Các lắc đầu:
– Lão phu hoàn toàn không có thuốc giải. Tuy nhiên muốn cứu lệnh đồ cũng dễ thôi. Chỉ cần lệnh đồ trung thành với Mã thái-hậu, thuốc giải sẽ có ngay. Còn không thì… Ha… Ha, trừ khi ngươi thắng được ta.
Lê Đạo Sinh lắc mình một cái, tới bên Mao Đông Các, y phóng chưởng đánh Mao.
Lê Đạo Sinh là đệ nhất kỳ nhân Lĩnh Nam. Võ công của y hiện thời chỉ thua Khất đại phu với Đào Kỳ một chút. Y lại kinh nghiệm nhiều, biết võ công Mao Đông Các cao, nên y ra chiêu cực kỳ dũng mãnh. Chưởng lực của Lê Đạo Sinh làm căn nhà rung rinh như gặp bão. Sa Giang lui lại đứng sau Trần Năng. Còn Khúc-giang ngũ hiệp đứng trước Hàn Tú Anh và Vĩnh Hòa công chúa hóa giải áp lực.
Mao Đông Các bật người dậy, tay phát chưởng đỡ. Binh một tiếng, trong phòng, ghế, bàn cùng bật lộn xuống đất. Cả hai cùng lùi lại một bước. Mao Đông Các râu tóc dựng ngược mặt mũi đỏ gay. Còn Lê Đạo Sinh mặt tái mét.
Mao Đông Các cười nhạt:
– Không ngờ chưởng lực của Lĩnh Nam hùng hậu đến bậc nầy. Lê tiên sinh, tiếp chưởng của ta.
Mao Đông Các bước trái ba bước, phóng một chưởng. Chưởng phong cực kỳ dũng mãnh. Lê Đạo Sinh thấy chưởng lực đối phương bao hàm Âm Dương, sát thủ ghê người, mùi tanh nồng nặc, biết rằng một sống, một ch.ết. Y vội vận hết công lực phát chiêu Ngưu hổ tranh phong trong Phục Ngưu thần chưởng, là một chiêu Dương cương bậc nhất của phái Tản-viên. Hai chưởng gặp nhau. Binh một tiếng. Bàn ghế trong đại sảnh bị áp lực của chưởng phong vỡ, văng tứ tán. Mấy Thần-ưng bị chưởng lực hất bay khỏi nhà. Sa Giang, Hồ Đề, Lê Chân những người công lực thấp, tuy đứng sau Trần Năng, Phật Nguyệt, được hai người phát chưởng hóa giải áp lực, mà vẫn tức lồng ngực. Còn Khúc-giang ngũ hiệp đứng trước Hàn Tú Anh và công-chúa Vĩnh Hòa, họ cùng phát chưởng mới hóa giải áp lực, che chở được.
Vừa đối với nhau hai chưởng, Lê Đạo Sinh thấy mình khó thắng Mao, vội lui lại chắp tay:
– Đắc tội! Xin Mao tiên sinh ban thuốc giải độc cho tiện đồ, đế khỏi mất hòa khí giữa chúng ta.
Trưng Nhị nghĩ: Dù sao Đức Hiệp cũng là người của phái Tản-viên. Tuy y nghe theo sư phụ, đi vào đường tà. Tôn chỉ của phái Tản-viên đời đời là dù trong nhà lầm lỗi đến đâu, cũng phải bảo vệ, không để cho người ngoài sát hại. Nàng tiến lên cầm tay Đức Hiệp xem qua, thấy đã biến màu tím xanh.
Nàng nói với Mao Đông Các:
– Mao tiên sinh, võ công ngươi tuy cao thực. Song ở đây còn có Lê thái sư thúc của tại hạ, còn có Khúc-giang ngũ hiệp, sư tỷ Phật Nguyệt. Nếu bọn tại hạ cùng ra tay thì Mao tiên sinh nghĩ sao? Liệu ngươi có cứu được hai vị Tiêu, Văn sư tỷ rời khỏi đây không? Lại còn hơn trăm người nhà họ Phan trên đảo nầy đều bị tại hạ bắt giữ nữa. Ngươi mau đưa thuốc giải đi.
Đức Hiệp đưa mắt nhìn Trưng Nhị, gật đầu. Tỏ ý cám ơn.
Mao Đông Các vẫn lầm lỳ:
– Ta không có thuốc giải.
Trưng Nhị cười:
– Thế thì được. Tại hạ xin tạm giữ vợ chồng Phan Anh cùng Tiêu, Văn sư tỷ ở đây, đợi lão gia mang thuốc đến cứu sư thúc Đức Hiệp và Tiêu sư tỷ. Nếu lão gia đến trễ, sư thúc Đức-Hiệp có ch.ết, cũng được vợ chồng Phan thái tử cùng ch.ết làm bạn cho vui. Lại thêm Tiêu, Văn nhị vị sư tỷ đẹp thế nầy cùng ch.ết cũng chẳng thú lắm sao?
Mao Đông Các ngẫm nghĩ một lát rồi móc trong bọc ra cái túi vải. Y mở cái túi vải, vẫy Hồng Hoa, Đức Hiệp nói:
– Được, các ngươi lại đây.
Y móc trong túi ra hai viên thuốc, màu hồng. Búng tay một cái hai viên thuốc hướng hai người bay tới rất chậm, nhưng kình lực mạnh vô cùng. Đức Hiệp, Hồng Hoa xòa tay ra bắt, viên thuốc chạm vào tay hai người tan ra thành bụi. Đám bụi hồng nhập vào tay hai người biến mất.
Mao Đông Các nói:
– Đây không phải thuốc giải, mà chỉ là thuốc cầm chừng không cho chất độc phát tác. Sau 49 ngày nếu không có thuốc giải, các ngươi mới bị chất độc hành hạ. Vậy trong 49 ngày đó, ta sẽ kiếm thuốc giải về cho các ngươi.
Bây giờ mọi người mới biết thuốc giải là do Mao Đông Các dùng thủ kình bắn ra, viên thuốc quay với tốc độ cực mạnh, khi gặp bàn tay Đức Hiệp, Hồng Hoa thì vỡ tan và nhập vào trong da.
Mao Đông Các vừa cất túi thuốc vào bọc. Thì y cảm thấy có điều gì khác lạ, như người đánh trộm dưới chân. Y vội vọt người lên cao tránh, cúi xuống nhìn, thấy bị ba con rắn lục bám vào chân. Y biết thứ rắn này chỉ Lĩnh Nam mới có, nếu chúng cắn phải thì ch.ết lập tức. Còn lơ lửng trên không, y dùng tay búng vào mấy con rắn nhỏ. Nhưng mấy con rắn như có linh tính, đã nhảy vọt khỏi chân, chui vào trong áo Đông Các. Đông Các hoảng kinh buông túi thuốc, hai tay đập vào áo giết rắn. Thì ba con rắn nhảy khỏi người y bò xuống đất, chạy lại phía Hồ Đề, chui vào trong cái túi vải của nàng. Trong khi đó một Thần-ưng từ trên cao kêu đến choác một tiếng, lao tới táp túi thuốc, rồi bay lại đậu trên vai Hồ Đề.
Nói thì chậm, chứ diễn biến thực mau. Từ lúc Mao Đông Các nhảy lên, búng rắn, đập rắn, buông túi thuốc, Thần-ưng tha túi thuốc, chỉ thoáng một cái. Trong sảnh đường, người nghiêm trang nhất là Hàn Tú Anh, công chúa Vĩnh Hòa và Trưng Nhị, cũng phải bật cười về tài nghịch ngợm của Hồ Đề. Nguyên từ ngày Trưng Nhị gặp Hồ Đề trong trận tranh chức Thống-lĩnh 36 động Nam Mê-linh, hai người như có một cái gì hợp tính nhau. Trưng Nhị mưu trí, bác học, nghiêm trang. Còn Hồ Đề ít học, hào sảng như nam tử, còn tính tình nghịch ngợm không biết đâu mà lường. Trên đường từ Giao-chỉ sang Trung-nguyên, hai người cưỡi cùng một con voi trắng, có ngà chéo nhau, càng thân hơn. Trưng Nhị đang phân vân không biết giải quyết truyện Đức Hiệp ra sao, Hồ Đề đã ra tay. Mọi người đều cười ồ lên, khiến Mao Đông Các bực mình. Y nhìn Hồ Đề quát:
– Lại cũng mi nữa. Hãy đưa túi thuốc đây, nếu không đừng trách ta.
Hồ Đề huýt sáo một tiếng, Thần-ưng bay tới táp túi thuốc, bay khỏi sảnh đường, vọt lên nền trời mất hút. Hồ Đề xòe tay nói:
– Tiên sinh thứ lỗi, con ác điểu chắc đói quá, táp túi thuốc mang đi mất rồi.
Mao Đông Các nhảy vèo lại phía Hồ Đề chụp nàng. Hồ Đề hoảng kinh, nhảy tới sau Phật Nguyệt núp. Mao Đông Các thấy Phật Nguyệt còn trẻ, có ý khinh thường. Y xuất trảo chụp nàng. Phật Nguyệt rút kiếm chĩa về trước. Mũi kiếm chỉ đúng tim Mao Đông Các. Nếu người y tiếp tục vọt tới, thì kiếm sẽ xuyên qua tim. Kinh hoảng, y uốn cong người đi. Hai tay phát chưởng đẩy vào kiếm của nàng. Phật Nguyệt đẩy Hồ Đề sang bên cạnh. Còn nàng bước xéo về trái hai bước. Kiếm chiêu vẫn đâm vào giữa ngực Mao Đông Các.
Thanh Hoa đứng ngoài, thấy Thái sư phụ sắp mất mạng, vội rút kiếm đánh vào sau lưng Phật Nguyệt. Phật Nguyệt thu kiếm về. Chỉ thấy ánh thép loé lên, râu tóc Mao Đông Các rơi lả tả. Thanh Hoa kêu thét lên một tiếng, kiếm rơi xuống đất. Y thị lùi lại, tay trái ôm cườm tay phải, máu chảy ròng ròng.
Mao Đông Các tuy suýt mất mạng. Y vẫn không ngưng. Lợi dụng Phật Nguyệt, Hồ Đề đứng cách nhau xa, tay phải y phóng chưởng đánh Phật Nguyệt. Tay trái chụp Hồ Đề.
Có tiếng quát:
– Ngừng tay.
Nguyên khi thấy Hồ Đề trêu Mao Đông Các, Khúc-giang ngũ hiệp đã chuẩn bị trước. Nên thấy nàng bị Mao Đông Các tấn công thì Tứ và Ngũ Gia đồng xuất thủ. Mao Đông Các còn lơ lửng trên không, đã phát hai chưởng đỡ chưởng của Tứ Gia, Ngũ Gia. Binh một tiếng, người y bật lui trở lại. Trong khi Tứ Gia, Ngũ Gia cũng thấy chân tay muốn tê liệt, khí huyết đảo lộn.
Mao Đông Các cười nhạt:
– Khúc-giang ngũ hiệp vang danh thiên hạ, mà hai người đánh một sao?
Tứ Gia cười:
– Bọn anh em tại hạ chỉ vô tình xuất thủ cứu người, chứ không phải xuất thủ đánh tiên sinh. Mong tiên sinh thứ lỗi cho.
Vừa rồi, y xuýt mất mạng về kiếm pháp Long-biên của Phật Nguyệt. Qua một chưởng, Mao Đông Các thấy Tứ Gia, Ngũ Gia công lực không kém y là bao. Thế thì Nhất, Nhị Gia có lẽ công lực còn cao hơn y. Y thở dài nói với Hồng Hoa, Thanh Hoa, vợ chồng Phan Anh:
– Ta đi đây. Ta sẽ trở lại cứu các ngươi sau.
Thấp thoáng một cái, y đã biến khỏi sảnh đường. Hồ Đề gọi Thần-ưng lấy túi thuốc đưa Trần Năng nói:
– Sư tỷ, không biết bên trong có những gì?
Trần Năng mở túi thuốc ra thấy bên trong có 5 túi nhỏ, mỗi túi đựng một thứ thuốc màu sắc khác nhau: Vàng, trắng, đen, xanh, và đỏ. Trần Năng tuy là đệ tử của Khất đại-phu, nhưng nàng không phân biệt được đó là những thứ thuốc gì. Nàng cầm lấy bỏ vào bọc nói:
– Trong năm thứ nầy, thứ màu đỏ có thể cầm cự được Huyền-âm độc chưởng. Ta cứ tạm giữ lấy để cứu Đức Hiệp sư đệ. Đợi gặp sư phụ, sẽ hỏi về bốn thứ thuốc kia.
Trưng Nhị thấy trời đã khuya, nàng nói với Hàn Tú Anh:
– Xin bá mẫu cùng công-chúa ở lại trên đảo. Thái sư thúc của cháu võ công vô địch thiên hạ. Người cùng các sư thúc hộ giá bá-mẫu thì không còn sợ gì nữa. Cháu đã truyền lệnh cho một hải đội đem 40 chiến thuyền đóng xung quanh bảo vệ đảo. Trên trời lúc nào cũng có Thần-ưng bay lượn canh phòng. Dù cho con chuột, con mèo muốn đột nhập đảo cũng không được.
Nghe Trưng Nhị nói với Hàn Tú Anh. Lê Đạo Sinh chửi thầm trong bụng:
– Con nhỏ nầy đúng là đồ mất dạy. Bề ngoài nó làm như tử tế với ta. Sự thực nó cho Thủy-quân, Thần-ưng cầm tù ta. Thôi! Ta đã đến nước nầy, đành nín nhịn cho qua.
Trưng Nhị truyền lệnh đem vợ chồng Phan Anh, Hồng Hoa, Thanh Hoa, cùng đám tôi tớ trên đảo lên thuyền. Trần Năng truyền trói tất cả lại, giam dưới khoang. Lúc trói đến Á Nương, nàng chú ý thấy y thị nháy mắt ra hiệu. Trần Năng truyền giải tù nhân xuống dưới khoang. Hỏi Á Nương:
– Không biết bà có điều chi bà muốn nói với tôi?
Á Nương trả lời bằng tiếng Việt:
– Cô nương! Tôi muốn lĩnh giáo mấy chiêu võ công cao siêu của cô nương.
Dứt lời, bà vung chưởng đánh liền. Chưởng phong hùng hậu không thể tưởng tượng được. Trưng Nhị, Trần Năng cùng bật lên tiếng kinh hoàng. Vì chiêu đó là chiêu Song ngưu qui gia. Một chiêu khó xử dụng nhất trong 36 chiêu Phục Ngưu Thần Chưởng.
Á Nương vừa nói, đã xuất chiêu. Trần Năng chỉ biết vọt người lên cao tránh thế chưởng hiểm ác. Á Nương chuyển chưởng từ dưới lên cao thành chiêu Lưỡng ngưu tranh phong. Trần Năng hoảng hốt chụm hai tay lại đánh vào chưởng của nàng... Bốn chưởng gặp nhau, cùng một thứ nội công Dương-cương. Cùng là Phục Ngưu thần chưởng. Thế mạnh như thác đổ. Ầm một tiếng. Trần Năng bay vọt lên cao. Nàng đá gió một cái, thân hình bay vọt về cuối thuyền. Á Nương di chuyển theo, cung tay xuất chiêu Tứ Ngưu phân thi. Đây là chiêu đánh thẳng vào giữa rồi hai tay tỏa ra hai phía. Trần Năng vẫn còn ở trên không, hoảng hốt, vận Thiền-công, đánh vào giữa chưởng của Á Nương. Á Nương thu chưởng về, nhảy lùi lại bốn bước. Bà cười gằn:
– Cô nương! Tôi muốn lĩnh giáo võ công cao siêu của cô nương. Tức võ công Tản-viên. Chứ không muốn đấu với Thiền-công.
Trần Năng, Trưng Nhị thấy Á Nương nói tiếng địa phương Giao-chỉ, chữ lĩnh giáo nàng nói thành nĩnh ráo. Chữ cao siêu nàng nói thành cao thiêu. Từ nội công, đến chiêu số, đều thuộc võ công Tản-viên. Công lực mạnh không thể tưởng được. Có lẽ cao hơn Phong-châu song quái, Đức Hiệp nhiều. Chỉ kém Khất đại-phu, Đào Kỳ một chút mà thôi.
Trong đầu óc Trưng Nhị, nảy ra không biết bao nhiêu nghi vấn: Với công lực, chiêu thứ thế này, thì Á Nương không phải là người học lóm. Có lẽ bà là đệ tử bản môn. Bà là ai, mà sao mình không biết? Nàng liền lễ phép nói:
– Tiểu bối xin bà cho biết phương danh?
Á Nương không trả lời, vung chưởng đánh nữa. Chưởng không có gió, cũng không có lực. Chiêu thức rất tầm thường. Trưng Nhị, Trần Năng cùng bật lên tiếng kêu:
– Ái chà!
– Ối trời!
Nguyên trong phái Tản-viên, có một bài quyền rất thô kệch, trái với nguyên tắc võ học, gồm 36 chiêu, do tổ sư đời thứ 20 đặt ra. Mục đích để đệ tử môn phái gặp nhau, biết rõ vai vế của nhau:
Á Nương đánh đến nửa chừng, ngưng lại hỏi:
– Các ngươi đã hiểu chưa?
Trưng Nhị biết đây là cao nhân bản phái. Võ công cao hơn cả Nguyễn Thành Công, Đặng Thi Kế nhiều. Nàng nghĩ nát óc, mà không tìm ra bà là ai.
Trưng Nhị lễ phép hơn:
– Xin tiền bối dạy cho ít câu.
Á Nương cười nhạt, hít một hơi, vung chưởng hướng cột buồm. Cột buồm lớn như vậy, gãy đến ầm một cái. Bà cười:
– Các ngươi không nhận được ta ư? Thôi, các ngươi cứ giam ta lại như tù nhân. Ta không thèm nhìn mặt các ngươi nữa.
Trần Năng nói:
– Tiền bối không dạy cho mấy câu, làm sao tiểu-bối hiểu được.
Á Nương cười nhạt mấy tiếng, thủng thỉnh xuống khoang thuyền giam tù nhân. Bà nhắm mắt dưỡng thần.
Trần Năng hỏi Trưng Nhị:
– Trưng Nhị! Tôi mới nhập môn sau. Không biết nhiều về nhân vật bản phái. Bà nầy là ai? Công lực mạnh đến như vậy?
Trưng Nhị đáp:
Trưng Nhị đáp:
– Có lẽ Á Nương vai vế ngang với sư thúc. Giả sử có Trưng Trắc hay Đặng Thi Sách ở đây, thì họ biết được. Ít ra Á Nương cũng là đệ tử của thái sư phụ, hoặc của thái sư thúc Lê Đạo Sinh. Hành tung của bà thực kỳ bí. Bà là người Giao-chỉ, sang đây từ hồi nào, mà làm tỳ nữ cho Xích Mi? Thực khó hiểu. Tại sao bà ẩn thân ở trong nhà tù Trường-sa?
Khúc-giang ngũ hiệp quan sát hành tung của Á Nương từ đầu đến cuối. Họ có năm người, nghe rộng, biết nhiều, mà cũng lắc đầu, không hiểu Á Nương là ai.
Trần Tứ Gia nói:
– Tôi Nghi Á Nương chỉ muốn báo cho hai vị biết: Bà là người nhà. Bà đang làm việc gì bí ẩn, có lợi cho Lĩnh Nam, vì hoàn cảnh, không tiện nói ra. Vậy các vị cứ giả giam bà như những người khác là hơn hết.
Trần Năng gật đầu:
Trần Nhất Gia hỏi:
– Trưng Nhị! Tại sao cháu biết sào huyệt của Phan Anh trên đảo mà bố trí cuộc bao vây?
Trưng Nhị cười:
– Khi vợ chồng Phan Anh đánh nhau với Trần sư thúc bị thua, y giả tự tử, y là người xảo quyệt. Vì y biết đánh không lại Trần sư-thúc. Hàn thái-hậu được cứu thoát, thì vợ chồng y khó toàn tính mạng, y phịa ra chuyện bắt Hàn thái-hậu để cứu mẹ. Y đem chữ hiếu ra làm động lòng Ngũ-hiệp và Tượng-quận tam anh quả nhiên các vị mắc mưu mà tha cho y.
Trần Tứ Gia gật đầu:
– Tôi nghĩ ra rồi, khi vợ chồng y vung kiếm lên tự tử, cùi chỏ hơi rung động, đó là chúng giả tự tử, rồi chờ kiếm sát tới cổ thì ngưng lại. Không ngờ vị Phật-gia ra tay cứu, để cho y hoàn thành việc lừa chúng ta.
Trưng Nhị chỉ Sa Giang nói:
– Không phải mình tiểu-nữ khám phá ra âm mưu của vợ chồng Phan Anh, mà tiểu sư muội đây cũng khám phá ra. Này nhé Phan Anh nói rằng bắt Hàn thái hậu để được tước vạn-hộ hầu với một trăm ngàn lượng vàng, rồi sau khi bị đánh bại y lại nói rằng để cứu mẹ bị tù tại Trường-sa. Mà theo Tượng-quận tam anh thì không còn một tù nhân nào của đám phản loạn Xích Mi cả. Cuối cùng vợ chồng y xin cho Á Nương ra khỏi nhà ngục. Á Nương tuổi chưa tới bốn mươi, Phan Anh tuổi trên ba mươi làm sao có thể là mẹ con được, nên y giả nhận là tỳ nữ của mẹ để lãnh ra. Tượng quận tam anh đã biết Á Nương giả câm để mưu đồ một chuyện gì trong thành Trường-sa, nhưng chưa tìm ra. Vì một lời hứa, các ông để Á Nương ra đi. Kỳ thực Á Nương là Tiểu Lan. Lúc bọn Phan Anh rời Trường-sa, tiểu nữ cho Thần-ưng theo dõi. Chính Thần-ưng đã dẫn bọn tiểu nữ tới đây.
Trần Nhất Gia cảm động nói:
– Người ta đồn Trưng Trắc, Trưng Nhị là loại rồng loại phượng quả không sai. Lưu manh đến như Phan Anh mà cũng không qua mặt được. Bọn Lê Đạo Sinh đang hùng hổ, làm tôi tớ Mã thái-hậu, chỉ một cuộc xếp đặt, chúng trở về với Hàn thái-hậu. Nhưng lão phu có đôi lời muốn bàn, Trưng Nhị phải làm sao để họ trở về Lĩnh Nam, mới vẹn toàn.
Sáng hôm sau, mọi người trở về thành Trường-sa. Trưng Nhị hợp các anh hùng Lĩnh Nam bàn việc. Nhóm Lê Đạo Sinh không được mời tham dự, bị coi như thần tử nhà Hán.
Mọi người đề cử Trần Nhất Gia chủ tọa, vì ông lớn tuổi, nổi tiếng đạo đức nhất. Ông khẳng khái không từ chối, bước lên bàn chủ tọa ngồi. Lê Chân là người đọc sách, từ trước đến giờ nàng giữ cuốn sổ nhật ký ghi chép mọi biến chuyển từ khi rời Lĩnh Nam đến giờ. Nàng đứng lên trình bày chi tiết mọi biến chuyển, cho tới đêm đại chiến trên hồ Động-đình. Bấy giờ Khúc-giang ngũ-hiệp, Tượng-quận tam anh mới biết trong khi họ lưu lạc giang hồ, đám anh hùng Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-nam đã làm những chuyện kinh thiên động địa.
Lại Thế Cường đứng lên bàn:
– Kế hoạch chúng ta như sau: Một là chuẩn bị nổi dậy ở Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-nam. Việc này do Đặng Thi Sách, Trưng Trắc, Nguyễn Tam Trinh, Nguyễn Trát, Đào Thế Kiệt, Đào Thế Hùng, cùng các môn phái, đảm trách, tạm coi như xong. Vì ba quận này vẫn còn chế độ Lạc-hầu, Lạc-tướng. Các Lạc-hầu, Lạc-tướng đều một lòng phục quốc. Chúng ta chỉ phất cờ là xong. Hai là chiếm lại ba quận Nam-hải, Tượng-quận, Quế-lâm. Việc này cũng không hẳn khó, vì tuy không còn chế độ Lạc-hầu, Lạc-tướng. Nhưng các thái-thú, đô-sát, đô-úy đều là người Việt. Mới đây Quang-Vũ hạ chiếu chỉ cách chức Nghiêm Sơn. Cử Lê Đạo Sinh làm thứ-sử Quảng-châu. Phong cho các đệ tử y làm thái-thú, đô-úy ba quận Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận. Lê chưa lên đường nhậm chức, thì các thái-thú đã được chúng tôi thông báo, nên tách rời khỏi chế độ triều Hán. Họ giữ vững cương thổ. Các đạo quân tòng chinh Trung-nguyên trở về, đóng rải rác khắp ba quận, đề phòng quân Quang-Vũ đánh xuống phía Nam.
Lê Chân tiếp:
– Đạo Kinh-châu tuy chúng ta thành công, nhưng khi khởi hành từ Dương-bình quan chỉ có Trưng Nhị, Trần Năng, Hồ Đề, Phật Nguyệt, sư bá và cháu, tức có sáu người. Nay thêm Khúc-giang Ngũ hiệp với Tượng-quận tam anh là 14 người. Bây giờ chúng ta làm gì? Kéo quân trở về Lĩnh Nam hay đánh ngược lên Nam-dương?
Hàn Bạch góp ý kiến:
– Lão phu có ý kiến như thế này. Ở đây chúng ta cứ để Trưng cô nương điều động như cũ, không biết ý kiến các vị thế nào?
Khi Hàn Bạch đưa ra câu này chủ ý hỏi Khúc-giang ngũ hiệp. Bởi có ba nhóm. Nhóm từ Lĩnh Nam qua thì Trưng Nhị vẫn điều khiển rồi. Thêm ý kiến Hàn Bạch nữa, là nhóm Tượng quận đã đồng ý. Chỉ chờ nhóm Khúc-giang mà thôi.
Trần Nhất Gia là người anh hùng hào sảng. Ông nắm được sự việc, nói với Trưng Nhị:
– Trưng Nhị, cháu tuy nhỏ vai, nhỏ tuổi, nhưng từ mưu trí, đến điều binh khiển tướng bọn ta không bằng cháu được. Vậy nhất thiết, chúng ta sẵn sàng tuân lệnh cháu.
Trưng Nhị có hùng tâm, đại lược. Nàng khẳng khái nói:
– Sư thúc dạy thế, cháu xin tuân lệnh.
Nàng hướng vào mọi người nói:
– Tượng-quận anh hùng nghĩa sĩ rất nhiều. Nhưng chưa có ai hợp nhất họ lại được. Ở đây sư bá Hàn Bạch là người đã cầm quân quen, hiểu cách tổ chức của người Hán, xin Hàn sư bá, Vương sư bá trở về Tượng-quận, kết hợp anh hùng nghĩa sĩ rồi ngày 15 tháng 3 chúng ta đại hội ở núi Tam-sơn, hồ Động-đình, để cùng bàn chuyện khởi nghĩa. Riêng sư bá Chu Thanh, trấn thủ Trường-sa, Linh-lăng, điều luyện sĩ tốt, chờ khi khởi sự thì tiến về Quế-lâm, Nam-hải.
Chu Thanh hỏi:
– Liệu Công-tôn Thuật có cho tôi trấn giữ hai quận nầy không?
Trưng Nhị cười:
– Chúng ta chiếm Kinh-châu từ tay Hán cho Thục do mưu kế, chứ không phải do đánh chiếm, lòng người còn chưa phục. Cho nên Công-tôn Thiệu sợ Hán đánh từ phía Nam lên. Nay tôi giữ lại hai thành này, do sư bá trấn giữ, Công-tôn Thiệu cầu mà không được.
Trần Nhất Gia nghe Trưng Nhị bàn chuyện. Ông gật đầu liên tiếp tỏ vẻ khâm phục. Trước đây ông chỉ nghe tiếng Trưng Nhị, từ hôm gặp nhau ở Vương-sơn đến giờ. Ông thấy tất cả năm anh em của ông võ công tuy cao, nhưng việc điều binh khiển tướng, việc ước tính chuyện thiên hạ còn thua cả Sa Giang, Hồ Đề chứ đừng nói gì so với Trưng Nhị.
Trưng Nhị hướng vào Khúc Giang Ngũ hiệp:
– Còn Ngũ sư bá xin về Nam-hải, kết hợp anh hùng hào kiệt, chuẩn bị sẵn. Đợi sau đại hội Động-đình hồ, chúng ta tiến quân về, sẽ có nội ứng ở trong. Chỉ một trận lấy được Nam-hải. Sư bá nhớ ngày hội là 15 tháng 3 trên núi Tam-sơn.
Nàng nói với mọi người:
– Còn lại đội Thần-hổ, Thần-báo, chúng ta giao cho sư bá Chu Thanh, trấn thủ Linh-lăng, Trường-sa.
Nàng hướng vào Trần Năng:
– Sư thúc cùng với Sa Giang lên đường đi Trường-an, thông báo mọi sự cho sư tỷ Hoàng Thiều Hoa. Ước hẹn đại hội hồ Động-đình ngày 15 tháng ba. Sư thúc nhớ hỏi thái sư thúc về thuốc trị Huyền-âm độc chưởng.
Nàng nói với Lê Chân:
– Sư muội Lê Chân, Hồ Đề cùng tôi theo sư bá Lại Thế Cường đánh Nam-dương làm cho Quang-Vũ thất kinh hồn vía. Có vậy, y mới bỏ Trường-an chạy. Hoàng sư tỷ thừa thế chiếm Quan-Trung.
Nàng nói với Phật Nguyệt:
– Sư tỷ đi theo Hàn Tú Anh về Lạc-dương. Tôi cử Lê thái sư thúc cùng ba đệ tử của người theo hộ tống. Xin sư tỷ nhớ một điều: chú ý hành tung của Lê thái sư thúc, nếu người có gì thì ra tay ngay. Vì chỉ có sư tỷ mới khống chế được thái sư thúc mà thôi. Đức Hiệp hiện bị trúng Huyền-âm độc chưởng. Thuốc giải trong tay chúng tôi, sư tỷ có thể dùng áp lực bắt y tuân theo lệnh mình được. Vợ chồng Phan Anh, Hồng Hoa, Thanh Hoa tôi giao cho sư bá giữ ở Trường-sa làm con tin.
Phân định xong, nàng gặp Công-tôn Thiệu. Công-tôn Thiệu đã được thông báo việc chiếm Linh-lăng, Trường-sa trọn vẹn, các huyện đều đầu hàng. Chu Thanh đã cử huyện-lệnh, huyện-úy mới.
Các tướng sĩ tề tựu đủ. Công-tôn Thiệu đưa mắt cho Lữ Vi, Sa Giang và các tướng, đồng loạt đứng dậy hướng vào anh hùng Lĩnh Nam chắp tay:
– Toàn thế phái Thiên-sơn và sĩ dân Thục kính cẩn tri ơn anh hùng Lĩnh Nam giúp đỡ chúng tôi đã chiếm lại Thục, lại được thêm Kinh-châu.
Trần Nhất Gia là người lớn tuổi nhất trong đám, đứng lên nói:
– Bước đầu chúng tôi giúp các vị, sau này chúng tôi cử sự, cũng nhờ các vị giúp đỡ.
Công-tôn Thiệu chắp tay nói:
– Khi Lĩnh Nam khởi sự, toàn thế phái Thiên-sơn, xin đem hết tâm trí, tài năng đền ơn đền đáp nghĩa cử.
Ông nói với các tướng:
– Khi rời đất Thục ra đây, hoàng-thượng cho phép ta được toàn quyền thăng chức, tước cho các tướng tới tước hầu. Vì vậy, hôm nay xin đại diện hoàng-thượng, thăng chức tước cho các huynh đệ.
Sau đó ông thăng cho bảy ngườì tước hầu, làm thái-thú bảy quận.
Ông hướng vào Vũ Chu:
– Vũ sư đệ. Ngươi với ta là chỗ sư huynh đệ trong môn phái. Ngươi lại trẻ, võ công cao cường, ta phong ngươi là Trấn-đông tướng quân, tước Động-đình hầu, lĩnh Thứ-sử Kinh-châu. Nhưng ta đặt ngươi dưới quyền điều động của sư huynh Chu Thanh, chuẩn bị sĩ tốt, khởi nghĩa ở Lĩnh Nam, vậy ngươi phải cư xử cho khéo.
Ông quay lại nói với đô-đốc Phạm Sử:
– Phạm sư đệ, ta phong ngươi làm thái-thú Giang-lăng. Lĩnh chức đô-đốc tước Quế-dương hầu. Ngươi được đặt dưới quyền sư huynh Chu Thanh, để thao luyện binh mã, chuẩn bị khởi nghĩa ở Lĩnh Nam. Nhất thiết mọi việc phải theo Chu sư huynh.
Ông truyền thăng tất cả các tướng sĩ lên một bậc. Mở rộng cửa nhà tù, đại xá thiên hạ. Phàm những ai có tội đều xóa bỏ hết. Ai có ruộng đất tài sản bị triều Hán tịch thu được trả lại.
Ngày hôm sau đại quân tiến lên đánh Nam-dương. Trưng Nhị viết bài hịch, kể tội Quang-Vũ, phổ biến trong dân chúng, nói rõ Thục tiến quân về chiếm Lạc-dương, diệt Quang-Vũ.
Đại quân lên đường, Trưng Nhị cùng Hồ Đề cắt cử Thủy-quân đóng giữ hòn đảo của Phan Anh.
Giữa lúc hai người chuẩn bị lên đường, Thần-ưng bay về báo cho biết Mao Đông Các đang dùng thuyền, vòng xuống phía Tây, trở lại Trường-sa. Trưng Nhị bàn với Lê Chân:
– Mao Đông Các trở lại Trường-sa, chắc định cứu bọn đồ tôn khỏi nhà tù. Như vậy rõ ràng y có thuốc giải độc trong tay, chứ không phải đi tìm đâu xa nữa. Chúng ta phải tìm hiểu bằng nầy vấn đề: Một là Tiểu Lan tức Á Nương ẩn ở thành Trường-sa làm gì? Tại sao Phan Anh không vào thành cứu y thị ra, mà phải nhờ Hàn Bạch thả ra? Mao Đông Các, Phan Anh theo Mã thái-hậu với mục đích gì? Chắc chắn không phải vì công danh. Vì dù sao Mã thái-hậu cũng không thể phong chức tước cho nhóm đồng môn của Xích Mi được.
Trưng Nhị, Lê Chân, Hồ Đề trở lại thành Trường-sa. Chu Thanh, Vũ Chu nghe tin vội vàng ra đón. Trưng Nhị vào thành, thuật vấn đề cho hai người nghe.
Vũ Chu nói:
– Vậy chúng ta có thể theo dõi xem âm mưu trường kỳ mai phục của nhóm Trường-bạch trong triều đình nhà Hán với mục đích gì?
Trưng Nhị ghé tai Vũ Chu dặn dò mấy câu, rồi nàng cùng với Hồ Đề chờ trời tối, ẩn thân trên một ngọn cây quan sát. Đến canh hai, Thần-ưng tuần tiểu đâm bổ xuống khi nhà lao, thì biết rằng Mao Đông Các đã đột nhập khi nhà tù. Vũ Chu chuẩn bị một lối đi đặc biệt cho Trưng Nhị với Hồ Đề vào nhà lao. Ẩn thân nghe ngóng tình hình.
Hai người vào nhà tù ẩn mấy khắc, đã thấy một bóng người, thân pháp nhanh không thể tưởng tượng được vượt tường vào trong. Trưng Nhị nhận ra Mao. Dường như y đã vào đây nhiều lần. Nên các khúc quẹo, ngã rẽ y không dừng lại. Y nghe ngóng một lúc rồi huýt sáo. Có tiếng huýt sáo đáp lại từ phòng giam của Phan Anh. Lập tức y vọt tới cửa, hỏi:
– Anh nhi! Ngươi đấy hả? Hồng Nhi, Thanh Nhi, Gia Nhi đâu?
– Mấy hôm trước thì giam riêng. Không hiểu sao họ giam chung. Họ đối xử tử tế lắm. Cho ăn uống đầy đủ, lại cho giường chiếu nằm, cùng nước tắm nữa. Có điều chân tay bị xích bằng xích sắt.
Mao Đông Các tiến lại trước cửa phòng. Y khẽ vung tay một cái, cánh cửa nhà tù bật ra. Y lọt vào trong. Y cầm xích sắt lên xem rồi nói:
– Xích thép thế nay không cắt đứt được rồi. Ta để đây cho ngươi hai thanh trủy thủ, mỗi ngày ngươi vận sức cắt dần, chỉ cần cố gắng hai ngày là xích sắt đứt.
Mao Đông Các móc trong bọc ra bốn viên thuốc, bỏ vào miệng Hồng Hoa nói:
– Hồng Nhi, con nuốt vào đi.
Hồng Hoa nuốt cả bốn viên. Mao Đông Các cười:
– Bọn lĩnh Nam ngu như lợn. Năm viên thuốc năm màu, để khử năm thứ độc. Con nên nhớ rằng ngũ độc là nọc rắn, rết, nhện, tằm, bò cạp. Nọc rắn nhập tâm. Tâm thuộc hỏa, thuốc màu đỏ. Vì vậy thuốc giải màu đỏ. Nọc rết nhập phế. Phế thuộc Kim, thuốc màu trắng. Vì vậy thuốc giải màu trắng. Nọc bò cạp nhập can. Can thuộc mộc, thuốc màu xanh. Thuốc giải màu xanh. Nọc nhện nhập tỳ. Tỳ thuộc thổ, thuộc màu vàng. Thuốc giải màu vàng. Nọc tầm nhập thạân. Thận thuộc thủy thuốc màu đen. Thuốc giải màu đen:
Ngưng một lúc Mao tiếp:
– Đợi các người rời khỏi đây. Ta bảo cho tên Đức Hiệp biết. Nếu y chịu qui phục ta. Ta sẽ trao thuốc giải cho nó.
Trần Nghi Gia nói:
– Mã thái-hậu dùng chúng ta để kiềm chế anh hùng thiên hạ, thực đúng. Người nào trúng độc chưởng rồi, chỉ có cách cúi đầu tuân theo mệnh lệnh chúng ta. Cứ 360 ngày lại được uống một viên thuốc chống độc. Quần thần nhà Hán phải cúi đầu tuân lệnh Mã thái-hậu.
Phan Anh nói:
– Còn thái-hậu lại phải tuân lệnh chúng ta. Chẳng mấy chốc nữa, chúng ta lấy lại đại nghiệp của phụ hoàng cháu.
Mao Đông Các hỏi Tiểu Lan tức Á Nương:
– Còn chuyện đó thế nào, ngươi nói đi.
Tiểu Lan lắc đầu:
– Lão gia, xin lão gia cứu cháu ra khỏi đây. Cháu mới nói.
Mao Đông Các cười nhạt:
– Mi không tin ta ư?
Tiểu Lan lắc đầu:
– Không phải vậy. Nói ra ở đây, sợ lộ chuyện. Tường có mạch, vách có tai. Chỗ chôn cất kho tàng đó lão gia đã biết rõ rồi. Còn làm cách nào đào lên nô tỳ giữ trong tay. Từ khi Phan vương-gia qua đời. Nô tỳ chịu không biết bao nhiêu cay đắng, ẩn ở Trường-sa. Nay đã tìm được manh mối mọi sự. Xin nói để lão gia biết, cả Ngọc-tỷ truyền quốc cũng nằm trong tay cháu.
Phan Anh hỏi:
– Dì Thiếu Lan, có thực thế không?
Á Nương nói:
– Sao không thực. Hồi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, bà thái-hậu cầm ngọc tỷ đập y, bị mẻ mất một góc. Vương Mãng đã dùng vàng bịt góc đó lại. Chi tiết nay chỉ mình tiểu tỳ biết mà thôi.
Mao Đông Các cật vấn một lúc Á Nương cũng nhất định không nói. Y giơ tay vỗ khẽ vào vai Á Nương. Nàng kêu lên một tiếng Ái chà đầy vẻ đau đớn.
Mao Đông Các cười khẩy:
– Nếu ngươi không chịu nói. Ta nhả chướng lực. Ngươi bị trúng ngũ độc. Xem ngươi có chịu nói ra không? Ngươi mau khai đi, ta sẽ cho thuốc giải.
Á Nương nghiến răng. Tỏ ý cương quyết:
– Tiểu tỳ hầu cạnh Vương gia bao năm, được Vương gia tín nhiệm, cho biết mọi sự. Vì vậy không phải bất cứ ai tiểu tỳ cũng nói. Lão tiên sinh muốn giết thì cứ giết đi. Tiểu tỳ không sợ đâu, dù đau ch.ết cũng không nói ra.
Phan Anh hỏi:
– Ta là con trưởng của người. Không lẽ A Di cũng không cho ta biết sao?
Á Nương lắc đầu:
– Thái tử là người thừa kế của vương-gia. Đương nhiên tiểu tỳ phải nói. Có điều thái-tử lại đi cúi đầu thần phục Quang-Vũ, kẻ thù cúa vương-gia, thì làm sao… làm sao tiểu tỳ nói được?