Chương 45: Đến thăm ẩn sĩ (Hạ)

Ngụy Đàm thần sắc khiêm tốn, cười lễ phép nói: “Đàm ngưỡng mộ tiên sinh đã lâu, tùy tiện tới chơi, quấy nhiễu thú tao nhã của tiên sinh, thật sự hổ thẹn.”


Vân Thạch cười nói: “Sơn dã thô nhân, chây lười ngu dốt, tướng quân đích thân tới thật đáng quý.” Dứt lời, ông nhìn về phía ta, vái chào, “Phu nhân, đã lâu không gặp.”
Ta kinh ngạc: “Tiên sinh đã từng gặp thiếp?”


Vân Thạch mỉm cười: “Chính là lúc tẩu ở Trường An, đã từng đăng môn quý phủ, năm đó phu nhân chưa tới bảy tuổi.”
Ta hiểu rõ, mỉm cười: “Tiên sinh trí nhớ thật tốt.” Quả thực là, Vân Thạch tuổi cao như vậy, lại diện mạo xấu xí, đương nhiên không gợi nhiều hứng thú của ta.


Ngụy Đàm lại bảo Ngụy An tiến lên chào, sau đấy, Vân Thạch bảo đồng tử châm trà, mời chúng ta vào trong nhà ngồi.
Bàn cờ phía trước, thanh niên mới vừa đánh cờ với Vân Thạch còn ngồi chỗ kia, thấy chúng ta đến, không đứng dậy, chỉ cười lãnh đạm.


Ta sửng sốt, mới vừa rồi chưa nhìn rõ, hiện tại đến gần, người này ước chừng hai mươi tuổi, dung mạo tinh tế, có thể nói phong thái như ngọc.
Vân Thạch nói: “Đây là Bác Lăng Thôi Dĩnh, hôm nay đi ngang qua nhà, cùng lão tẩu uống trà đánh cờ.”


“Bác Lăng Thôi Dĩnh?” Ngụy Đàm ánh mắt lóe sáng, nói: “Có phải người đời thường gọi là “Kỳ lân (1) tử’ Thôi Dĩnh?”
(1) Kỳ lân: con kỳ lân, tượng trưng cho điềm lành.
Vân Thạch vuốt râu cười nói: “Tướng quân đã biết, tẩu cũng không nhiều lời.”


available on google playdownload on app store


Thôi Dĩnh thần sắc hờ hững, cũng không đứng lên, hướng về phía Ngụy Đàm vái chào: “Kẻ bất tài hạnh ngộ Tướng quân.”
Ngụy Đàm hoàn lễ: “Mỗ đã nghe danh hiền của tiên sinh từ lâu, không hẹn mà gặp, thật may mắn.”


Ta không biết Kỳ lân tử là cái gì, nhưng mà Bác Lăng Thôi thị cũng biết. Đó là một dòng dõi thế gia vọng tộc lâu đời, rất nhiều danh nhân xuất thân từ đó. Nhưng ta không muốn gặp Thôi Dĩnh, tuổi ít mà cử chỉ ngạo mạn. Giới sĩ tộc thổi phồng không ít, có thể ngâm hai câu thơ, rồi tự đặt danh hào cho mình, cái gì mà long với phượng, nói không chừng chỉ được tiếng mà không được miếng của mấy kẻ hủ bại.


Ngụy Đàm hiển nhiên ý chí kiên định, Thôi Dĩnh đối xử vô lễ, chàng tựa hồ không để trong mắt, ý cười thong dong.
Sau khi ngồi, đồng tử dâng trà.
“Hàn xá thô lậu, chỉ có trà nhạt, Tướng quân và phu nhân dùng tạm.” Vân Thạch nói.


Ta uống một ngụm, trong lòng kêu to. Kiếm Nam Hào Lộ (2), lúc trước ở Trường An ba lượng vàng mới được một lạng, giờ muốn mua cũng không có chỗ mua. Trà nhạt này của Vân Thạch, thật đáng quý.
(2): Kiếm Nam Hào Lộ: Tên một loại trà.


Vân Thạch nói: “Năm đó lão tẩu rời kinh, Phó tư đồ đã tặng trà này cho lão. Lão tẩu cất giấu nhiều năm, hôm nay phu nhân đến, vừa lúc đãi khách.”


Ta kinh ngạc. Ông nói vậy làm ta nhớ đến chuyện lúc bé, có một lần, mẫu thân oán trách phụ thân, nói ông lãng phí tiền mua ba lạng Hào Lộ, lại cầm tặng người ta hai lạng, té ra người được tặng chính là Vân Thạch.
“Tâm ý tiên sinh, thiếp kính tạ ơn.” Ta cúi người nói.


Ngụy Đàm mỉm cười: “Năm đó Tư Đồ thích kết giao người hiền đức, mỗ đã từng nghe chuyện người và tiên sinh ở mai đình ‘khúc thủy lưu thương (3)’, trở thành giai thoại.


(3) Khúc thủy lưu thương: Là một loại trò chơi khời nguồn từ Trung Quốc, tháng ba âm lịch, sau khi cúng trừ tà xong, mọi người sẽ ngồi hai bên bờ sông, trên thượng lưu thả một chén rượu, chén rượu xuôi theo dòng nước, dừng trước mặt người nào, người đó sẽ phải uống. Đời sau biến đổi, trở thành một trò chơi của con em quý tộc, chén rượu dừng trước mặt người nào, người đó sẽ phải thể hiện tài năng của mình như: đánh đàn, làm thơ… Nếu không làm được thì phải uống hết rượu.


Vân Thạch tiên sinh cười lắc đầu: “Chuyện cũ nhắc lại làm gì.”
Hàn huyên một trận, Thôi Dĩnh hướng bên này thi lễ: “Tiên sinh và Tướng quân cứ ngồi, mỗ còn phải đi thăm bạn nơi khác, tạm thời cáo từ.”


Vân Thạch tiên sinh không hề bất ngờ, nhìn trời nói: “Trời gió to, Tử Khuê đừng về quá muộn.”
“Dĩnh biết.” Dứt lời, hắn gọi người đến. Hai gã hầu đi từ sương phòng ra, tay nâng một vật. Ta nhìn thấy, sửng sốt một chút, ghế ngồi bánh xe, chính là xe đẩy Ngụy An làm?


Ta nhìn về phía Ngụy An, hắn cùng nhìn bên đó, thần sắc kinh ngạc.
Người hầu đặt xe đẩy dưới bậc, lại tiến vào trong nhà. Chỉ thấy Thôi Dĩnh một tay chống đất, một tay vịn bàn lê hai chân ra ngoài.


Lúc này ta mới hiểu, vì cái gì mà hắn hành lễ không đứng dậy, hóa ra là người tàn tật không tiện hành động.


Trong nhà đột nhiên im lặng, chỉ có tiếng nước trà sôi ùng ục trên bếp. Thôi Dĩnh không hề xấu hổ, tùy ý để người hầu nâng lên xe đẩy, đẩy xe ra phía ngoài, bánh xe lăn qua đường đất, vang lên lạo xạo.


“Người ta nói Kỳ lân tử trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, bị quỷ thần ghen ghét, quả không giả dối.” Thân ảnh Thôi Dĩnh biến mất ngoài hàng rào trúc, Ngụy Đàm nói với Vân Thạch.
Vân Thạch vê râu: “Tử Khuê chín chắn, mặc dù thân tàn nhưng chí không tàn, thật đáng quý.”


“Ồ?” Ngụy Đàm nhìn ông: “Không biết Kỳ lân tử chí ở nơi nào?”
Vân Thạch cười xua tay: “Không thể tiết lộ.”
Uống trà trò chuyện được một lúc, Vân Thạch hỏi Ngụy Đàm có muốn đánh cờ cùng ông không, Ngụy Đàm vui vẻ đồng ý, hai người ngồi vào bàn cờ, bắt đầu đánh.


Trình độ ta xem cũng không hiểu. Lúc trước phụ huynh muốn làm chuyện gì tao nhã, chưa bao giờ gọi ta ngồi cạnh phụ họa, vì ta ngồi chưa đến một khắc (4) sẽ bắt đầu quấy rối. Đương nhiên, Bùi Tiềm ngoại lệ, chàng chơi cờ ta có thể ngồi im hai khắc.
(4) Một khắc: 15 phút.


Hiện giờ, khi phu quân của ta rảnh rỗi đánh cờ với người khác, ta có thể giống thị nữ trên bức tranh thần tiên, tao nhã ngồi gần nửa ngày. Không phải vì ta cố gắng nhẫn nại, chẳng qua ở nơi hoang dã nhàm chán, xem đánh cờ cũng là chuyện vui, ta phát hiện hai người chém giết thật thú vị.


Ngụy Đàm phong cách đánh cờ sắc bén, thường tấn công bất ngờ, ra sức thể hiện bản chất lưu manh, mà phong cách đánh cờ của Vân Thạch kín đáo, phòng thủ bổ sung, xảo quyệt vô cùng. Ta vừa xem vừa cân nhắc phong cách đánh cờ của bọn họ, cái hiểu cái không, đánh thêm vài chiêu lại hiểu rõ. Giằng co một ván, Vân Thạch thắng, hai người cố chấp nhìn nhau, bỗng nhiên nở nụ cười.


“Tiên sinh kì nghệ tuyệt diệu, quả là danh bất hư truyền.” Ngụy Đàm khen tặng.
Vân Thạch khách khí nói: “Tướng quân mưu kế tung hoành, tấc nào tấc nấy đều bị sát phạt.”
Hai người mặc dù khiêm tốn, nhưng thần sắc trên mặt lại ‘nóng lòng muốn thử’, vì thế lại tiếp tục.


Trong lúc tới lui, trời dần hoàng hôn. Tùy tùng bên ngoài đến hỏi, nói sắc trời không còn sớm, có trở về không.


Vân Thạch cười nói: “Tướng quân nếu không sợ nhà lão tẩu thô thiển, phía Nam còn hai gian phòng cỏ, sao không ngủ lại một đêm, tẩu có vài cuốn sách dạy đánh cờ, đang muốn luận bàn cùng tướng quân.”


Ngụy Đàm nghe vậy, mặt lộ vẻ mỉm cười, vái lạy Vân Thạch: “Được, từ chối thì bất kính.”
Quân sĩ chinh chiến quen, xa nhà thường ngủ ngoài trời. Ban đêm, tùy tùng hạ trại trong rừng trúc, ta và Ngụy An đi theo Ngụy Đàm, ở lại nhà cỏ của Vân Thạch.


Sau bữa tối, Thôi Dĩnh trở lại. Từ cuộc trò truyện của Vân Thạch và Ngụy Đàm ta biết được, hắn du học bên ngoài, tháng trước tới Thương Nam thăm Vân Thạch, mấy hôm nay vẫn ở chỗ này.


Ta cảm thấy có chút buồn cười. Cõi đời này, ta đã thấy có nhà ăn cơm không đủ no, ra cửa bị người cướp bóc, còn rầu rĩ vì không biết sẽ phải ngủ ở đâu. Nhưng lần đầu tiên ta nhìn thấy người rảnh rỗi như Thôi Dĩnh, thân thể không trọn vẹn, áo mũ sạch sẽ, ngồi xe ngắm hoa.


Nhưng ta lại hứng thú với xe đẩy của hắn hơn, trong sân, ta hỏi Ngụy An, lai lịch xe đẩy kia thế nào.
“Không phải đệ làm.” Ngụy An thẳng thắn đáp, “Bánh xe của Thôi công tử đơn giản hơn, tạo kiểu cũng không giống nhau.”


Ta không khỏi kinh ngạc. Cõi đời này, còn có người thông minh hơn Ngụy An, hơn nữa còn chế tạo ra được món đồ giống hệt nhau.


Rượu gặp tri kỷ, trên đường gặp tri âm là chuyện làm cho người ta hưng phấn không kìm hãm được. Sau khi Thôi Dĩnh trở về, Ngụy An thay đổi thái độ lãnh đạm, tiến lên nói chuyện với hắn.


Ta thấy Ngụy An lễ phép hành lễ, sau đó hai người nói chuyện, nói đến xe đẩy, Thôi Dĩnh lộ ra chút kinh ngạc, trong nháy mắt, tựa hồ có tia sáng lóe lên trong mắt hắn.
Đêm dần buông xuống, nô bộc bắt đầu thắp đèn.


Trong nhà chính, đột nhiên biến thành hai nhóm người. Một nhóm là Ngụy Đàm và Vân Thạch, hai người không nói một lời, đỏ mắt ngắm bàn cờ. Một nhóm là Thôi Dĩnh và Ngụy An, bàn luận viển vông, nói cái gì trục xe, cái gì bánh xe, ta nghe không hiểu. Ngăn trở giữa bọn họ, chính là ta.


Thấy ta có vẻ buồn ngủ. Ngụy Đàm nói nếu ta mệt mỏi thì cứ đi nghỉ trước.
Lúc này ta không muốn thể hiện đức hạnh, ngoan ngoãn mỉm cười hành lễ, chầm chầm bước đi.


“… Mỗ đi lại bất tiện, xe tự nghĩ tự làm cũng là bất đắc dĩ, ngày nào cũng dùng nhưng chưa từng nghĩ sâu, nghe công tử nói mới hiểu nhiều điều…” Khi đi khỏi nhà chính, ta nghe thanh âm Thôi Dĩnh như cười, êm ái thuận tai.
Tựa hồ đây là người cùng chung chí hướng với Ngụy An. Lòng ta nói.


Thu dọn một chút, ta lên giường nằm, rất nhanh ngủ mất. Cả đêm say giấc, ta không biết Ngụy Đàm trở về khi nào, chỉ mờ hồ nhớ có người kéo ta, sau đó vòng tay ôm ta, nặng trĩu, ta bất mãn lầm bầm vài tiếng, lại ngủ như ch.ết.
Sáng hôm sau, tỉnh dậy đã không thấy Ngụy Đàm.


Ta đứng dậy ra ngoài, trong nhà chính, ta thấy Ngụy Đàm và Vân Trạch pha trà chuyện phiếm. Mà trong sân, Ngụy An cầm búa, gõ vào xe đẩy Thôi Dĩnh, Thôi Dĩnh ngồi trên tảng đá lớn, cẩn thận nhìn hắn làm việc, vừa thảo luận vừa chỉ bảo một phen.


Ta không có chuyện gì để làm, đành theo đồng tử đi dùng bữa sáng.
Trời đẹp, chẳng những không mưa còn le lói ánh mặt trời. Ta nhớ trong phòng ta ngủ có giá sách, lập tức trở về chọn lấy hai quyển, đi tới cây tử đằng ở góc sân, từ từ lật xem.


Ta sớm biết Vân Thạch thông thái, nhưng chưa từng nghĩ tàng thư của ông đa dạng như vậy. Tỷ như quyển truyện trên tay ta, bên trong đủ loại nhân vật, thật là thú vị. Ta thấy hợp khẩu vị, bất tri bất giác đã lật được hơn nửa quyển.
“Phu nhân thích đọc truyện dân gian sao?” Một thanh âm chậm rãi truyền đến.


Ta ngẩng đầu, thấy Vân Thạch tiên sinh đã đi tới trước mặt từ lúc nào, tay chống gậy, mặt mỉm cười.
Ta vội đứng dậy thi lễ: “Thiếp thấy tàng thư của tiên sinh, mải mê đọc quá, chưa kịp hỏi tiên sinh.”


Vân Thạch cười lắc đầu: “Phu nhân cứ đọc thoải mái.” Nói xong, ông ngồi lên tảng đá phía đối diện, hai tay chống lên gậy gỗ.
“Tiên sinh và phu quân nói chuyện xong rồi?” Ta mỉm cười hỏi.


Vân Thạch vuốt râu, thần sắc hiền hòa: “Tướng quân tài cao, có nói ngày nói đêm tẩu cũng không chối từ.”
Ta mỉm cười, nhìn về phía xa, thấy Ngụy Đàm đang đứng trước cổng tre, đang nói gì đó với tùy tùng.


“Tẩu nhớ từ lần trước gặp phu nhân đến nay, đã mười bốn năm.” Vân Thạch bỗng nhiên nói.
Ta gật đầu: “Đúng vậy.”


“Lúc đó, Tư Đồ và tẩu thưởng trà, bỗng nhiên phu nhân đi ra. Tư Đồ chỉ vào phu nhân rồi hỏi tẩu, nếu bàn về tướng mạo thì phu nhân thế nào?” Ông tựa hồ nhớ lại, nhìn ta: “Tẩu từng nói, phu nhân phúc dày, quý không thể nói.”


Ta ngẩn ra. Nhớ đến Lý Thượng đã từng nói lời giống vậy, cười cười: “Tiên sinh tinh thông thuật xem tướng?”
Vân Thạch cười nói: “Chỉ biết sơ sơ.”
Ta cảm thấy ông ý tại ngôn ngoại (5), nhìn ông: “Vậy, lấy ý kiến tiên sinh, hiện tại thiếp vẫn tốt như lời tiên sinh nói trước đây?”


(5) Ý tại ngôn ngoại: Ý ở ngoài lời, chỉ những điều hàm ý, không nói trực tiếp, người nghe phải tự suy ra mà hiểu lấy.
Vân Thạch vuốt râu, “Nếu bàn về tướng mạo, tẩu từng gặp một người tuyệt hảo, mây tím tụ đỉnh, có thể chịu được cửu ngũ (6), phu nhân có biết người nọ là ai không?”


(6) Cửu ngũ: Hào 95 trong quẻ Càn của kinh Dịch, tượng con rồng bay trên trời, tức là tượng vị vua. Do đó ngôi vua gọi là ngôi Cửu ngũ.
Ta tò mò hỏi: “Là ai?”
Vân Thạch mỉm cười: “Là dân phu gánh bùn khi ta dựng nhà tranh. Phu nhân, mệnh một nửa là do con người, tướng mạo chỉ là cơ duyên.”


Cho nên mới nói, ta không thích giao thiệp với người đọc sách bảo thủ, không bao giờ nói lời chắc chắn, muốn để cho người khác cảm thấy mình cao thâm.
Ta cái hiểu cái không, chốc lát, thản nhiên nói: “Ra vậy, đa tạ tiên sinh.”
Vân Thạch nhìn ta, cười đến bình tĩnh.


Kết giao với ẩn sĩ không cần câu nệ, cao hứng thì đến, xong ý nguyện thì về, không có nghi thức xã giao ràng buộc.
Cho nên, khi Ngụy Đàm nói cáo từ, Vân Thạch không kinh ngạc chút nào, cũng không giữ lại.
“Nếu có lần sau, tẩu sẽ cùng Tướng quân nói nhiều hơn.” Ông đứng trên bậc thang nói.


“Đàm thụ giáo được nhiều, nếu có dịp tất sẽ đến thăm tiên sinh.” Ngụy Đàm cung kính nói.
Vân Thạch mỉm cười.


Ngụy Đàm rất có hứng thú với Thôi Dĩnh, trước khi đi, hỏi Thôi Dĩnh có bằng lòng đi Ung Đô không, Thôi Dĩnh từ chối nhã nhặn, nói còn chưa thăm hết bạn cũ, chỉ muốn tiếp tục dạo chơi.
Ngụy Đàm mỉm cười, không ép buộc.


Ngụy An lại thất vọng, trước khi Ngụy Đàm nói đi, hắn còn hăng hái bừng bừng nói làm cho Thôi Dĩnh một bộ yên ngựa.
Thôi Dĩnh thần sắc ôn hòa: “Gặp gỡ có duyên, công tử cải tiến xe đẩy cho ta đã tốt lắm rồi.”
Ngụy An không cam lòng, nói: “Ta sẽ làm được.”


Thôi Dĩnh mỉm cười: “Vậy Dĩnh sẽ chờ.”
Ngụy An nhìn hắn, vò đầu, xoay người tránh ra.
Đi ra khỏi rừng trúc, xe ngựa tùy tùng đã chờ bên kia cầu, ta quay đầu lại, trong rừng trúc yên tĩnh như cũ, trống vắng không người. Sự việc lúc trước giống như nằm mơ.


“Phu quân tới thăm Vân Thạch tiên sinh, không biết lãnh giáo học vấn thế nào rồi?” Ta hỏi Ngụy Đàm.
Ngụy Đàm nhìn ta: “Phu nhân nghĩ sao?”
Ta làm sao mà biết được.
“Thiếp chỉ thấy phu quân lãnh giáo đánh cờ.” Ta nói.


“Đánh cờ không phải học vấn sao?” Ngụy Đàm mỉm cười, dứt lời, dặn dò Ngụy An đi phía sau, tiếp tục đi về phía trước.






Truyện liên quan