Chương 8: Đức: MUNICH vẫy gọi

ĐÁP CHUYẾN TÀU từ Augsburg, tôi trở lại thủ phủ của miền đất phương Nam vào những ngày đầu tháng Tám, Munich vẫn vẹn nguyên như thuở nào nhưng hình như có phần ấm áp hơn so với những ngày tháng Ba lạnh giá của mùa đông năm trước. Chị Bình đón tôi ở ga và lái xe đưa tôi về nhà nghỉ ngơi và ăn uống. Chị bận với công việc ở nhà hàng nên tôi tự cầm bản đồ, nhảy tàu điện ngầm và khám phá thành phố một mình. Khi tôi nhắn tin cho Hiếu rằng tôi đang lang thang một mình ở Munich, anh chàng nhắn lại và bảo thật tội nghiệp cho tôi. Còn tôi thì mỉm cười và giờ đây tôi đang muốn chiêm nghiệm điều đó bằng cảm nhận của riêng mình.


Munich không phải là thủ đô của nước Đức nhưng đây lại là một trong những thành phố thu hút nhiều khách du lịch nhất nước Đức, Munich được biết đến không chỉ là thủ phủ của bang Bayern Munich.


Địa điểm đầu tiên tôi đặt chân tới Quảng trường Đức Mẹ Marienplatz – nằm ở trung tâm thành phố và được xem là trái tim của thành phố. Đây có lẽ là quảng trường đẹp nhất trong số những quảng trường ở châu Âu tôi từng được ghé thăm. Nơi đây hầu như luôn tấp nập khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Xung quanh quảng trường là các nhà thờ, mà nổi tiếng nhất là Nhà thờ Đức Bà (Frauenkirche). Ngoài ra, đây cũng là nơi tụ tập của các họa sĩ đường phố, những nhóm nhạc hát rong với những trò đố vui, ảo thuật thu hút sự dừng chân của rất nhiều người khiến khung cảnh thành phố càng trở nên nhộn nhịp hơn.


Tôi lang thang và đứng ngắm nhìn dòng người qua lại mà không thấy mình cô đơn dù những ngày trước đó, tâm trạng tôi không được tốt lắm. Địa điểm tiếp theo mà tôi hướng tới là khu chợ Viktualienmark. Đây là khu chợ nổi tiếng ở Munich, có thể so sánh với Naschmarkt ở Vienna, chỉ khác ở chỗ Naschmarkt đa dạng và phong phú hơn, còn Viktualienmarkt nhỏ hơn và chỉ tập trung bàn những thực phẩm của vùng Bayern. So với siêu thị thì giá cả ở đây có cao hơn chút xíu nhưng các mặt hàng rất tươi. Vả lại, mua đồ ở ngoài trời cũng thú vị hơn nhiều so với ở trong siêu thị, nhất là lại ở một chợ nằm giữa trung tâm thành phố.


Từ đây, tôi đi thẳng tới Hofbraunhaus. Mặc dù không biết uống bia, cũng không tới đây đúng vào lễ hội bia thường được tổ chức vào tháng Mười hàng năm nhưng tôi nhất định phải tới nơi này, bởi tôi muốn chiêm ngưỡng khung cảnh của một nhà hàng bia thuộc loại nổi tiếng nhất thế giới. Chưa vào tới nơi, tôi đã nghe tiếng cười rộn rã phía bên trong mà có lẽ phần lớn là khách du lich. Chị bạn tôi kể rằng nếu tới đây vào tháng Mười thì còn tuyệt vời hơn nhiều ví đó là tháng ăn chơi, tụ tập, hội hè ở Munich. Ở Đức thì bang Bayern là nơi sản xuất nhiều bia nhất, có lẽ vì thế nên bia có mặt ở khắp nơi. Trong các cửa hàng bán quà lưu niệm, hình cốc bia luôn là một biểu tượng độc đáo. Các “vườn bia” cũng có mặt ở khắp nơi trong thành phố. Có lẽ thú vui tao nhã của người dân Bayern là mỗi ngày phải được thưởng thức một cốc bia thật ngon. Thời tiết tháng Tám ở Munich rất đẹp nên các vườn bia cũng nhộn nhịp tiếng chúc tụng của người bản xứ và khách du lịch. Có lẽ không mấy ai dại đột nha tôi, tới Munich rồi mà không thử uống bia vùng này. Nhưng tôi tới Munich đâu có phải vì sự vẫy gọi của những ly bia đâu, mà lý do của tôi sâu xa hơn cơ. Tôi muốn được “chạm trán” những anh chàng đẹp trai của Bayern Munich trên một ngõ phố. Thật buồn cười phải không? Nhưng tôi đang nói rất thật đấy. Nhiều khi người ta đặt chân tới một thành phố không hẳn vì phong cảnh hùng vĩ hay những món ăn mà đôi khi chỉ vì một lí do vô cùng ngớ ngẩn nào đó như tôi chẳng hạn. Đã bao giờ bạn làm như thế chưa?


Ở Munich còn có một đại lộ rất đông và dài tên là Ludwigstrasse, phái đầu con đường này là một Khải hoàn môn có nét giống với Khải hoàn môn ở thủ đô Berlin, có điều nhỏ hơn một chút. Từ đây, tôi tiếp tục đi bộ và cách đó không xa là khu vườn Anh (English Garden). Đây là khu vườn lớn thứ hai ở châu Âu và cũng là một trong những khu vườn lớn nhất thế giới. Tôi đi bộ vào khu vườn này khi ánh nắng chiều bắt đầu núp xuống đằng sau những rặng cây cổ thụ. Buổi chiều ở đây là   nơi tập thể thao của người Munich, trên các bãi cỏ rộng người ta chơi bóng đá, trên những con đường dài thì người cưỡi ngựa và người chạy bộ nhiều vô kể. Ở bên tháp Trung Quốc, mọi người chơi nhạc và uống bia, những người lãng mạn hơn thì ngồi ven hồ ngắm cảnh.  Tôi chọn một chiếc ghế băng màu xanh còn trống và thả mình vào khoảng lặng của khu vườn. Tôi không biết cảm giác của mình lúc đó là buồn hay vui sau những ngày không bình yên đã qua nhưng trong giây phút ấy, tôi thấy được là chính mình. Tôi ru mình trong khoảng lặng đó, chẳng thấy xót xa, chẳng thấy bồi hồi. Hơn 9h tối, trời mùa hạ vẫn còn sáng, tôi lên tàu điện ngầm về và mang trong mình một cảm giác bồi hồi khó tả.


available on google playdownload on app store


Sáng hôm sau, địa điểm đầu tiên tôi có ý định đến là Bảo tàng BMW và Công viên Olympiapark – hai địa điểm đã hấp dẫn tôi từ lâu. Chẳng biết tại số tôi hẩm hiu hay vì tính tôi không cẩn thận mà khi vừa vào bảo tàng này được 15 phút, tôi đã mất luôn ví xách tay, trong đó có toàn bộ thẻ bảo hiểm, thẻ ngân hàng, bằng lái xe hơi, hộ chiếu, tiền mặt, máy ảnh, điện thoại và đủ thứ giấy tờ linh tinh khác. Tôi thông báo ngay với nhân viên trong viện bảo tàng, khi họ hỏi tôi cố nhớ lại xem là đã để chỗ nào, tôi cũng không tài nào nhớ nổi, vẫn cái giọng thật thà: “Em đeo trên lưng, chắc nó rớt xuống lúc nào mà em không biết vì lúc đó mải ngắm xe”. Tôi đã tự nhủ nếu mất vì thì mai khỏi bay về luôn vì trong đó có hộ chiếu, nhưng ơn trời, hơn 30 phút sau người ta thông báo cho tôi rằng có người nhặt được và trả lại, tôi kiểm tr.a và thấy không thiếu một thứ gì.


Tòa nhà trụ sở BMW từ đâu đã trở thành biểu tượng của Munich với kiểu kiến trúc rất độc đáo. Với hình dạng chiếc bát, không gian của viện bảo tàng dường như được mở rộng đến bất tận. Tôi lang thang và ngắm các nàng BMW xinh đẹp – giấc mơ của cuộc đời tôi. Khách du lịch quốc tế tới đây rất nhiều, ở nơi trưng bày những chiếc xe BMW mới thì khách du lịch còn được phép ngồi vào bên trong và tha hồ chụp ảnh thỏa thích. Khi bước ra ngoài rồi tôi mới chợt để ý ở Munich, BMW được sử dụng rất nhiều, nhiều hơn tất cả những thành phố khác trên thế giới.


Từ nơi này, khi đứng trên cầu, người ta đã có thể nhìn thấy sân vận động Olympic Munich nằm trong khuôn viên của Công viên Olympia (còn được gọi là Công viên Olympics). Công viên này được hoàn thành vào năm 1972 khi Munich đăng cai Thế vận hội Mùa hè. Từ đó đến nay, công viên vẫn được sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau. Khi tôi tới đây, công viên này đang trong thời gian nâng cấp để chuẩn bị cho thế vận hội năm 2018.


Khi tới Munich, nhiều người bảo tôi rằng nếu tới khu vườn Anh rồi thì không cần phải vào công viên này. Nhưng rõ ràng khi đã từng đặt chân tới cả hai nơi, người ta mới nhận ra sự khác biệt rõ ràng. Có thể, khu vườn Anh rộng hơn nhưng tôi thì lại thích phong cảnh độc đáo ở Công viên Olympics hơn. Bởi vì trong này không chỉ có sân vận động mà còn có Tháp Olympics, nơi mà từ đây, người ta có thể ngắm toàn bộ thành phố với cả núi và hồ. Một màu xanh ngút ngàn, thơ mộng khác hẳn với khu vườn Anh – một vẻ đẹp mà sau này vẫn còn in đậm mãi trong kí ức của tôi.


Nói đến Munich, cũng phải nói đến các cung điện và lâu đài mà nổi bật nhất có lẽ là Lâu đài Ferdinand Maria von Savoyen tặng vợ ông là Adelheid von Savoyen nhân dịp bà sinh cho ông Hoàng tử Max Emanoel vào năm 1664. Lâu đài này là sự kết hợp hài hòa độc nhất vô nhị giữa công trình kiến trúc và công viên lâu đài với hồ nước, những cây cầu bé nhỏ xinh xinh và rất nhiều cây cối. Vào mùa đông, nếu khách du lịch tới đây thì chỉ thường đi dạo trên tuyết vì nước trên mặt hồ đều đóng băng. Vào mùa hè, đấy lại là nơi lý tưởng để thả mình vào một không gian rất đẹp. Cung điện này làm tôi nhớ đến những ngày lang thang ở Vienna khi ghé vào Cung điện Schonbrunn. Tất nhiên, mỗi nơi có một vẻ đẹp khác nhau và kiến trúc cũng khác nhau, nhưng tới nơi nào tôi cũng không khỏi trầm trồ: “Đẹp quá”.


Những ngày ở Munich đã để lại trong tôi những kí ức và hình ảnh đẹp dù phần lớn thời gian ở đây tôi chỉ lang thang một mình cùng chiếc bản đồ. Tôi tới Munich vào một ngày mưa tầm tã, cho tới khi đến sân bay rồi mà những cơn mưa phương Nam vẫn còn chưa dứt. Nhưng tôi vẫn yêu Munich, không phải bởi vì thành phố này giàu có mà tôi yêu vẻ đẹp của miền đất phương Nam, yêu những người bạn thân thiện ở nơi đây. Đặc biệt tôi không quên chị Thu Bình – người đã chăm sóc tôi rất cẩn thận trong những ngày ở đây chỉ để “mong em tăng thêm vài kí nữa cho chị vui”


Hamburg và những yêu thương chưa viết hết


LÂU RỒI TRONG CUỐN Nhật kí viết về Hamburg, tôi nhớ mình từng viết: “Tôi nhớ ngày đầu tiên tới nơi này, thành phố vừa xa, vừa lạ dù trước đó tôi cũng đã đôi ba lần vội vã trở về, vội vã ra đi. Không có điều gì ở Hamburg để níu giữ bước chân tôi ở lại hay nói đúng hơn, Hamburg gắn liền với tôi bằng một kỉ niệm buồn mà mỗi lần đi ngang qua lối cũ ở sân ga, tôi vẫn không tránh khỏi cảm thấy đau nhói trong lòng. Vậy mà giờ đây, không hiểu sao trái tim tôi lại bình yên đến thế.” Những năm tháng sống và học tập ở đây, tôi đã thêm yêu thành phố này nhiều hơn. Tôi yêu những con đường dẫn ra bến cảng, yêu những buổi chiều ngồi vắt vẻo bên hồ vui đùa cùng những nàng thiên nga trắng, để rồi tự hỏi không biết trên thế gian này có mấy người hạnh phúc như mình và liệu có ai trong số họ nghĩ rằng họ đang rất giàu bởi những điều họ đang có hay không?


Tôi nhớ trước ngày rời Hamburg, tôi có nói với một người bạn của mình rằng: “Đôi khi cứ nghĩ nếu viết về Hamburg thì cảm xúc chắc cứ phải tuôn trào ra như nước mắt lúc chia tay, nhưng bây giờ tự nhiên tớ lại chẳng thể viết được gì cả, dù Hamburg đã trở thành một phần máu thịt trong những năm tháng tuổi trẻ của tớ. Hình như ai đến và đã từng có một khoảng thời gian dù ngắn hay dài sống ở thành phố này, đều không khỏi chạnh lòng khi quay gót bước đi…” Và tôi, cũng không là ngoại lệ.


Hamburg trong tôi là những ngày lang thang ở Blankenese và ngắm những ngôi nhà tuyệt đẹp ở trên cao, xa xa là những cánh buồm bay bay trong gió. Nhắng nhảy nhót trên dòng dông Elbe và tôi nghe thấy tiếng tôi cười trên triền đê khi đi lạc ở Cranz và nhờ đi lạc đường mà lại may mắn nhìn thấy những chú cừu xinh xinh đang chơi đùa trên bờ cỏ. Hạnh phúc nhiều khi đơn giản chỉ có vậy thôi. 


Hamburg trong tôi là những ngày trời xanh với những khu vườn nổi tiếng như Botanische hay những công viên với những vẻ đẹp đa sắc màu như Planten un Blomen. Tôi nhớ những buổi chiều ngồi rung đùi đánh cờ vua với các chiến hữu trên thảm cỏ xanh, vừa chơi vừa thưởng thức sô-cô-la, trái cây đủ các thể loại, là những ngày hè khi hoa bắt đầu nở, chạy vào đó hít hà mùi hương của hoa hồng và cảm nhận sự bình yên của cuộc sống.


Hamburg trong tôi là những ngày trốn mình ở Landungsbrucken khi thấy lòng không bình yên. Là những đêm Plasten un Blomen xem nhạc nước và lắng nghe những giai điệu ngọt ngào của cuộc sống. Là những lần đi Dom với những khoảnh khắc yêu thương bất tận khi nhìn pháo hoa rực sáng của trời đêm, là phút giây tôi thấy trái tim mình ch.ết lặng khi nhifn thấy người đàn ông có đôi mắt giống hệt “người xưa”, là đôi ba lần nước mắt tôi lăn dài trên má khi nhìn những cụ già ngồi trên tàu điện ngầm với đôi mắt hoang mang, bíu chặt bàn tay tôi rồi thẫn thờ quay sang hỏi: “Nơi này là đâu?”.


Hamburg trong tôi là những ngày cà phê cùng bạn bè, là những bữa tối cùng nhau “góp gạo thổi cơm”, là những ngày “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” và thao thức suốt cả mùa Euro để gào thét ở Heiligengeistfeld hay khóa cửa phòng khóc dấm dứt suốt cả đêm khi cỗ xe tăng Đức bị loại khỏi trận đấu với Ý, là những ngày nắng gió lang thang ra sân vận động cả hai ngày trời để xem bốn trận bóng đá và rồi hét lên vì sung sướng khi được nhìn thấy những đứa con cưng của Đức như Lahm, Muller, Neuer, Gomez tung hoành trên sân cỏ.


Hamburg trong tôi là những sáng ban mai lang thang cùng bạn bè ở chợ cá (Fischmarkt) lúc 5h sáng. Toàn bộ thành phố chìm trong ánh đèn, những con thuyền thường ngày chở khách đi dạo quanh cảng bây giờ cũng lặng lẽ nằm yên. Trong lúc người bạn đi cùng loay hoay chụp hình để ghi lại những “khoảnh khắc đẹp” đó vào trong những bức ảnh thì tôi bước lang thang và hít thở mùi hương của đất trời, thấy lòng nhẹ tênh, những nỗi buồn không tên cũng tự nhiên biến mất. Dòng sông Elbe đã ru tôi bằng những khúc nhạc dịu êm, tự nhiên tôi nhớ tới bài hát Ru tình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rồi nghêu ngao hát “Ru em tình như lá, trăm năm vẫn quay về”. Vẫn chẳng biết sẽ “quay về đâu” trong đoạn đường còn lại phía trước, nhưng sẽ phải đi, phải sống, phải tiếp tục yêu thương và cố gắng. Vì mỗi ngày đều là một ngày mới.


Hamburg trong tôi là kí ức yêu thương về một người, về một tình yêu không quá khó để bắt đầu nên cũng dễ dàng kết thúc. Chúng tôi đã đến, đã ở lại và cuối cùng là bước qua nhau. Nhẹ nhàng và sâu lắng. Để rồi sau này khi đã rời xa Hamburg, trong một lá thư viết dành cho Hamburg tôi đã viết: “Dù thế nào thì em vẫn muốn nói lời cảm ơn Hambug, cảm ơn vì đã cho em một khoảng thời gian để thương và để nhớ, cho dù một ngày nào đó em vẫn phải rời bỏ Hamburg mà đi nhưng tất cả những gì em đã có va đang có lúc này, mãi mãi là những dấu ấn cuộc đời mà năm tháng thời gian có thể xóa mờ nhưng vĩnh viễn chẳng bao giờ tan biến trong trái tim”.


Hamburg trong tôi là còn nhiều lắm những nơi mà tôi chưa kịp kể, những kí ức mà tôi không thể nào viết hết ra được. Nếu có dịp tới Hamburg, tôi sẽ dẫn bạn lang thang hồ Alster – trái tim của thành phố, tôi sẽ đưa bạn tới Hafen City – một trong những dự án phát triển đô thị lớn nhất châu Âu. Với diện tích khoảng hơn 7000 héc-ta. Cảng Hamburg rộng gấp 10.000 lần sân vận động bóng đá và cũng là trụ cột kinh tế của thành phố. Tôi cũng sẽ không quên dẫn bạn đi dạo ở Speicherstadt với những khu nhà kho cữ nổi tiếng được xây dựng từ cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX (trước đây nơi này đã từng là kho lưu trữ các loại gia vị, trà, cà phê, ca cao và đặc biệt là thảm). Trên một nóc nhà kho cũ ở Speicherstadt này, công trình Elbphiharmonie đã được xây dựng nên. Nhân tiện tôi sẽ nói thêm một chút về tòa nhà gây nhiều tranh cãi này. Elbphiharmonie được bắt đầu xây dựng từ năm 2007 với ước tính ban đầu là 77 triệu euro, dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2010 nhưng do nhiều mâu thuẫn xảy ra trong quá trình xây dựng giữa thành phố Hamburg và công ty xây dựng Hochtief mà tòa nhà này đã bị dừng suốt tám tháng liên tục và tổng dự toán xây dựng ước tính cho đến thời điểm hiện tại đã lên tới gần 500 triệu euro. Sau những thỏa thuận mới nhất diễn ra vào tháng Bảy năm 2012 thì Elbphiharmonie đang bắt đầu gấp rút để hoàn thành vào năm 2015 và trong rất nhiều cuốn sách viết về Hamburg, người ta bắt đầu nói tới Elbphiharmonie là biểu tượng của Hamburg trong tương lai gần. Trong thời gian thực tập trong một công ty du lịch ở Hamburg, tôi đã may mắn được vào bên trong tòa nhà này để chiêm ngưỡng “vẻ đẹp chưa hoàn hảo” của nó, để rồi khi bước ra, bản thân tự hỏi: “Không biết đến bao giờ mình mới có đủ tiền để mua một căn hộ trong đó?”.


Nét duyên dáng và quyến rũ của Hamburg dường như sẽ không bao giờ kể hết được, và chắc chắn sẽ còn rất nhiều nơi ở Hamburg mà tôi không thể nhắc tới hết được trong bài viết này của mình. Có rất nhiều điều thú vị và bất ngờ về Hamburg mà có lẽ không phải ai cũng biết. bạn có biết thành phố này là thành phố cảng lớn thứ hai của châu Âu và thứ tám của thế giới. Bạn có biết trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai Hamburg đã gần như bị phá hủy hoàn toàn và toàn bộ thành phố gần như bị chìm trong trận đại hồng thủy năm 1962 và bạn có biết Hamburg là thành phố có nhiều cây cầu nhất thế giới? Vượt qua cả Amsterdam và Venice? Và nếu bạn tới Hamburg, ngoài những địa danh tôi nhắc đến ở trên, tôi sẽ nhắn bạn dành thời gian ghé thăm một thế giới kì diệu thu nhỏ có tên là Mininatur Wonderlan. Đây cũng là một khu triển lãm trưng bày những mô hình thu nhỏ cực kì sống động – một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi tới Hamburg. Nếu bạn yêu thích kĩ thuật, tôi sẽ bảo bạn tới thăm nhà máy sản xuất máy bay Airbus, nơi lắp đặt nội thất cabin cho các mẫu máy bay như A300 và cả A380. Bạn sẽ được chứng kiến những hình ảnh vô cùng thú vị về quy trình ra đời của một chiếc máy bay. Ngoài ra tôi cũng sẽ không quên nhắc bạn trèo lên 452 bậc thang của nhòa thờ St. Michel để ngắm trọn vẹn khung cảnh thành phố, những không gian xanh và những cây cầu dài, ngắn bắc qua sống. Và còn nhiều, rất nhiều những điều khác nữa…


Tôi tới Hamburg vào những ngày cuối tháng Ba, đi dạo với một người bạn đã sống suốt tám mùa hoa nở ở Hamburg trong một buổi chiều mà thời tiết và có mưa, vừa có nắng, vừa có tuyết rơi và rời thành phố vào một ngày cuối tháng Chín vàng ngọt nắng yêu thương. Trên chuyến tàu về lại miền quê yêu dấu, có một người đã nắm bàn tay tôi rất chặt và trong khoảnh khắc đó tôi biết, thứ tình cảm chúng tôi đã trao, đã dành cho nhau sẽ mãi chẳng bao giờ có thể đi đến đâu. Nhưng tình yêu tôi dành cho Hamburg thì mỗi ngày lại một nhiều thêm…


Trier – Thành phố cổ nhất nước Đức
SAU CHUYẾN ĐI CHƠI Ở Luxembourg cùng Jean Paul và cô em gái Quỳnh Nga, khi trở về chúng tôi dừng lại ở Trier – thành phố cổ nhất nước Đức.


Trier được người La Mã xây dựng từ hơn 2000 năm trước, dưới cái tên Augusta Treverorum. Đến thế kỉ thứ II thì thành phố này được đổi tên thành Treveris và từ đó trở thành thành phố cổ nhất nước Đức, khác hẳn những trại lính cũng do người La Mã lập ra cùng thời.


Trier là thành phố lớn thứ tư của Đức, thuộc bang Rheinland-Pfalz. Tại đây có rất nhiều công trình kiến trúc còn được lưu giữ như Cầu La Mã, Cổng thành Đen (Porta Nigra), Hội trường La Mã, nhà thờ lớn cơ sở tắm nước nóng thời La Mã (Kaisertherme) và đây cũng là quê hương của vị lãnh tụ tài ba Karl Marx.


Chúng tới Trier đúng vào ngày lễ hội nên cả thành phố tưng bừng và nhộn nhịp sắc màu và âm nhạc. Tất cả mọi người đều đổ về trung tâm thành phố, chugns tôi hòa vào dòng người và cùng chung niềm vui với họ. Các cửa hàng ăn lớn nhỏ không chỉ của người dân bản xứ mà còn có cả Đức, Ý, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật đều tấp nập người ra vào. Các hoạt động văn nghệ diễn ra khắp trung tâm thành phố với các dàn nhạc ngoài trời vui nhộn khiến Trier tươi trẻ hẳn ra.


Trung tâm thành phố


Nằm giữa dòng sông Mosel với những hàng cây trải dài hai bên đường là trung tâm thành phố Trier. Từ Cổng thành Porta Nigra ở phía Bắc, chúng tôi đi qua khu phố dành cho người đi bộ để tới khu chợ chính, nơi cách đó không xa là Nhà thờ Dom sừng sững. Khu phố đi bộ được chia thành hai con đường là Simeonstrabe và Fleischstrabe, rồi lại gặp nhau ở đường Nagelstrabe nên người ta đi dạo quanh trung tâm thành phố theo cung đường vòng tròn. Mỗi con đường chính trong khu phố dành cho người đi bộ đều mang nhữn nét đặc trưng khác nhau. Nếu đi từ con đường Simeonstrabe, người ta sẽ tới hội trường La Mã, còn nếu đi trên con dường Fleischstrabe, bạn sẽ được ngắm nhìn rất nhiều siêu thị lớn. Trên đường Nagelstrabe – con đường rất gần với tòa nhà châu Âu và ngôi nhà đã sinh ra Karl Marx. 


Chúng tôi đừng chân ở Hoàng cung La Mã, còn có tên gọi là Hoàng cung của Vua Constantine, ngày nay là Nhà thờ Phú Âm của Trier. Hoàng cung này được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 4, (có lẽ là năm 310),  ban đầu là nơi đặt ngai vàng của Hoàng đế Constantine và được dùng như một phòng khánh tiết. Đến giữa thế kỉ thứ XIX, đức vua Phổ Friedrich Wilbelm IV đã cho tu sửa lại công trình này thành nhà thờ phái Phúc Âm, đủ chỗ cho 1700 người ngồi. Đứng ở phía dưới nhìn lên, chúng tôi không thể quan sát hết được toàn bộ khung cảnh của hoàng cung này vì nó quá rộng và cao (số đô bên trong là: dài 67m, rộng 27, m và cao tới 33m). Sau này về đọc trên báo, tôi thấy người ta viết rằng ở đây có thể chứa tới hai cái cổng thành Porta Nigra. Phía nam cung điện là một khu vườn rộng lớn, được mở rộng thành một công viên chung cho tất cả mọi người từ thế kỉ XX.  Chiều buông Hoàng hôn nhuộm những ánh nắng vàng cuối ngày trên cung điện màu hồng trông thật lộng lẫy, phía bên dưới là màu xanh ngất của cổ và những luốn hoa đủ sắc màu. Tôi như thấy mình đang đi lạc vào một thế giới cổ tích.


Đối diện với cổng vào của Hội trường La Mã, leo lên bậc thang rồi tiếp tục đi thẳng là tới cơ sở tắm nước nóng thời La Mã, còn có tên gọi tiếng Đức là Kaisertherme. Công trình này được xây dựng vào khoảng năm 300 dưới thời cai trị của vua Constantius Chlorus nhưng không được hoàn thành, chính vì thế nên cũng không bao giờ được sử dụng. Tôi đã thắc mắc rất nhiều về lý do của sự “không hoàn thành” này nhưng cho đến giờ vẫn chưa có được lời giải đáp. Ngày nay, khi tới tham quan cơ sở tắm nước nóng còn dở dang này ở Trier, người ta vẫn còn nhận ra dấu vết của kiến trúc La Mã qua những viên đá sáng và gạch đỏ.


Ở đây có một bức tường duy nhất còn sót lại không bị phá đi vì trước đây nó được chọn làm cổng thành của thành phố Trier. Từ bên ngoài, người ta có thể ngắm công trình này miễn phí nhưng nếu muốn vào trong để xem hệ thống nước và hành lang ngầm của khu cấp nước nóng thời La Mã thì phải trả thêm vài euro lệ phí. Trên bức tường dài là những ô cửa sổ lớn hình vòm cong rất đẹp. Không những thế, ở đây, vào mùa hè người ta còn sử dụng những khu đất trống làm rạp chiếu phim ngoài trời. Dù chưa tận mắt chứng kiến nhưng tôi có thể hình dung được sự sáng tạo lãng mạn của người dân Trier.


Thánh đường cổ nhất


Băng qua con đường Simeonstrabe và khu chợ chính, rẽ sang bên trái là thánh đường Hobedomkirche St. Peter zu Trier, được xây dựng từ thời Trung cổ. Khi đã tới Trier thì hầu như không du khách nào bỏ qua thánh đường này, đơn giản vì nó nằm ở vị trí hết sức thuận lợi mà người ta có thể dễ dàng nhìn thấy. Đây là nhà thờ cổ nhất của Đức, với chiều dài 112m và chiều rộng 41m, cũng là nhà thờ lớn nhất của Trier. Chúng tôi bước vào nhà thờ và cảm nhận ngay được không khí tĩnh lặng bao trùm nơi đây. Tôi đưa máy ảnh lên để chụp nhưng vì cũng xế chiều rồi nên nắng phản chiếu trên những ô cửa sổ bằng kính rất khó chụp Tôi tranh thủ ngắm những kiến trúc chạm gỗ tuyệt đẹp bên trong nhà thờ và thấy mình thật may mắn vì đã được ghé thăm một trong những di tích lịch sử cổ nhất thế giới. Vào mùa hè, nhất là tháng Năm và tháng Sau, ở nhà thờ này diễn ra nhiều buổi biểu diễn, đặc biệt là buổi biểu diễn đàn đại phong cầm thế giới được tổ chức hàng năm ở Trier.


Nằm cạnh thánh đường là Nhà thờ Liebfrauen, được xây dựng từ thế kỉ XIII nhưng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bị phá hủy nặng nề. Đây cũng là di sản duy nhất ở Trier không được xây dựng dưới thời La Mã nhưng cùng với các di sản khác thì nhà thờ này vẫn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.


Cổng thành Porta Nigra


Từ nhà thờ Liebfrauen, chúng tôi băng qua những con đường và tới Cổng thành Porta Nigra, dịch theo tiếng Latin là Cổng thành Đen bởi toàn bộ cồng thành rộng lớn này có màu đen. Cổng thành này được xây dựng từ thời La mã (năm 180), ngày nay, nó đã trở thành biểu tượng của thành phố Trier. Thời trung cổ, cổng thành này đã được xây thành nhà thờ nhưng đến khi quân đội của Napoleon chiếm đóng thì nó lại được chuyển trở lại thành cổng thành. Leo lên Porta, người ta có thể nhìn thấy toàn bộ thành phố và đi dạo xung quanh cổng thành ở phía trên để có thể nhìn kĩ hơn công trình kiến trúc này. Từ Porta Nigra, chúng tôi đi dọc theo dòng sông Mosel và những con đường rợp bóng cây để tới cầu La Mã. Cầu La Mã bắc qua sông Mosel là cây cầu cổ nhất nước Đức. Từ năm 1986, cây cầu này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Cầu La Mã đầu tiên được làm bằng gỗ từ năm 17 trước Công nguyên, đến năm 45 sau Công nguyên thì được thay bằng cầu đá. Cây cầu này dù đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn là một điểm đến không thể bỏ qua của Trier. Từ vị trí này, người ta có thể ngắm dòng sông Mosel xinh đẹp lúc hoàng hôn cùng những dãy nhà lấp lánh ánh đèn và hưởng chọn cảm giác được sống giữa thiên nhiên thời La Mã xa xưa. 


Tới Trier, tôi như có cảm giác được quay trở về với lịch sử. Dù không phải là điểm đến lý tưởng của những du khách thích phong cảnh hiện đại. Trier vẫn được nhiều người yêu thích vẻ đẹp cổ kính tìm đến để được nhìn thấy một thành Rome thứ hai giữa lòng nước Đức.






Truyện liên quan