Chương 19: Ý: VENICE và tình yêu còn đó
TÔI TỚI VENICE VÀO những ngày giữa tháng Mười, khi ở Đức đang bắt đầu ngập tràn những chiếc lá vàng bay thì ở thành phố tình yêu Venice lại ngập tràn trong mênh mông sông nước với hàng trăm chiếc gondola cong cong lướt nhẹ trên những con kênh và những cây cầu thơ mộng dẫn lối người đi.
Tôi đã yêu Venice ngay từ cái nhìn đầu tiên khi đứng trên cây cầu Sealzi (Ponte degli Scalzi) nhìn xuống con kênh Grande Canal.
Phút giây ấy, tôi biết vì sao ai cũng khát khao một lần trong đời được đặt chân tới xứ sở tình yêu này.
Dù đã quen với hệ thống kênh rạch ở Hà Lan nhưng khi tới Venice, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng.
Nếu như ở Amsterdam là xe đạp, Paris là tàu điện ngầm và Việt Nam là… xe máy thì ở Venice, thuyền là phương tiện giao thông không thể thiếu hay nói chính xác hơn, thuyền (hay còn gọi là xe buýt nước) là phương tiện duy nhất để khám phá Venice cho những ai không muốn… đi bộ.
Ở Venice, để thuận tiện cho việc đi lại, bạn nên mua một chiếc vé đi thuyền tùy theo thời gian ở lại, tôi chỉ ở Venice có ba ngày nên mua vé 24h để sử dụng, thời gian còn lại tôi muốn dạo bộ trong những con hẻm nhỏ để ngắm một Venice khác.
Sau khi nhận phòng khách sạn và cất đồ đạc xong, chúng tôi xuống phố và ăn trưa ở một quán ăn người Ý, ông chủ quán nhiệt tình chào đón và ngồi tán dóc cùng chúng tôi, hỏi han và dặn dò chúng tôi đủ mọi thứ trong những ngày ngắn ngủi ở Venice.
Nào là nếu có thời gian thì hãy đi thuyền tới đảo Lido và nếu muốn ngắm Venice từ trên cao thì phải tới Quảng trường St.
Marco từ sáng sớm vì lúc đó còn ít người và sẽ tiết kiệm được thời gian đứng xếp hàng.
Người chủ cửa hàng thân thiện ấy đã cho chúng tôi cảm giác dễ chịu đầu tiên trong những ngày ở Venice để rồi sau này khi đã về lại Đức, thi thoảng chúng tôi vẫn còn nhắc đến ông với một tình cảm trìu mến.
Dạo phố ở Venice Thoảng trong những cơn gió mặn mòi của biển, chúng tôi tản bộ trên những con đường nhỏ ở Venice, lang thang ngắm nhìn kiến trúc thành phố, những công trình La Mã với cột và vòm.
Những ngôi nhà với giàn hoa rực rỡ, những cửa hiệu bán mặt nạ và thủy tinh Murano nối đuôi nhau, những quán cà phê thơm lừng và xen lẫn đâu đó là mùi Pizza và Pasta khiến người ta không thể dừng lại.
Venice từ lâu đã nổi tiếng với những chiếc mặt nạ đủ mọi kiểu dáng khiến người ta luôn có cảm giác rằng tất cả những gương mặt đó đang hướng về bạn và bạn chính là “điểm ngắm” của cả thành phố.
Tôi nhớ ai đó đã nói rằng: “Đeo mặt nạ là một trong những cách Venice khiến mọi đẳng cấp xã hội biến mất, mọi con người đền như nhau đằng sau khuôn mặt bị che giấu.
” Venice thực sự đã cho tôi cảm giác ấy trong những ngày ngắn ngủi ở đây.
Tôi ấn tượng với những ngôi nhà tróc lở nằm sát kênh mà cứ tưởng tượng ra rằng những người sống ở đây, khi mở cửa ra, thay vì thấy đường phố như ở châu Âu thì họ sẽ thấy…nước.
Những căn nhà ở dưới tầng một đã không còn ai ở vì nước đã dâng lên, họ chuyển lên tầng hai, tầng ba và cứ như thế cho đến một ngày Venice chìm hẳn vào lòng biển.
Ở Venice, tôi chỉ thấy những ngôi nhà cũ, phải chăng vì những người sống ở đây cho rằng một ngày nào đó Venice sẽ bị chìm nên không cần đầu tư quá nhiều vào những ngôi nhà sang trọng như ở Pari, London hay Copenhagen? Không những thế, Venice còn đặc biệt vì ở thành phố này, dù có cầm bản đồ thành phố trên tay, tôi tin chắc mình vẫn có thể bị lạc ở bất cứ nơi nào, đơn giản vì ở đây có quá nhiều ngõ ngách chằng chịt san sát.
Tôi tin là kể cả dân Venice chính hiệu cũng có thể bị lạc nếu trong các con hẻm nhỏ này không có dấu mũi tên hướng về St.
Marco.
Grande Canal và cây cầu Rialto Venice còn được gọi bằng cái tên trìu mến khác là thành phố của những cây cầu bởi có đến hơn 400 cây cầu lớn nhỏ bắc qua con kênh chính Grande Canal.
Tôi không có đủ thời gian để đi hết những cây cầu ấy, để đếm xem con số đó có thật hay không hay chỉ là một con số mà người dân Venice nghĩ ra, nhưng mỗi cây cầu tôi đi qua đều mang một vẻ đẹp khác nhau, không một cây cầu nào giống cây cầu nào.
Và tất nhiên, tôi không quên dừng lại ở cây cầu Rialto huyền thoại.
Đây là cây cầu lâu đời nhất ở Venice, đứng trên cây cầu này người ta có một góc nhìn tuyệt đẹp xuống kênh Grande Canal.
Hai bên bờ là những quán cà phê, những cửa hàng kem ngon tuyệt, những ban công đầy hoa và những bức tường gạch nung đỏ.
Grande Canal là con kênh hình chữ S với chiều dài chưa đầy 4km, nhưng đi dọc con kênh này sẽ thấy rất nhiều nhà thờ.
Những kiệt tác đẹp nhất của Venice dường như đều được trưng bày ở dọc hai bên bờ kênh.
Phút giây đứng trên cây cầu này và ngắm thành phố vào đêm, những chiếc thuyền nhỏ tránh nhau, những chiếc gondola xen lẫn những chiếc taxi nước, đã cho tôi hiểu rằng mình đang có những phút giây thật, không phải ở trong phim, cũng không phải trong những tấm thiệp bạn bè gửi, dường như tôi cũng đang trôi bồng bềnh cùng thành phố.
Gondola và những khúc nhạc đêm Sau một buổi chiều đi loanh quanh, khi trời bắt đầu tối, chúng tôi quyết định ngắm thành phố bằng xe buýt nước vào đêm và tới Quảng trường St.
Marco.
Tôi để tất cả những cảm xúc của mình trôi theo dòng nước, thả tất cả những ưu tư và phiền muộn vào trong đó và thưởng thức một khoảnh khắc rất riêng ở Venice mà tôi biết rằng sẽ không bao giờ có thể tìm thấy ở một nơi nào khác trên thế giới này.
St.
Marco lung linh huền ảo giữa màn đêm, giờ đã là tháng Mười nên trời cũng bắt đầu se lạnh, ngoài chúng tôi ra hầu như chỉ còn lại những cặp tình nhân đi dạo.
Mùi thơm của Pizza, Pasta và hải sản tỏa ra trên khắp các con phố như muốn níu chân chúng tôi.
Hai cô con gái của chị bạn chỉ thích chui vào những cửa hàng lưu niệm để mua quà, tôi tranh thủ thời gian đó đi dạo và ngắm sự bình yên của Venice trong màn đêm.
Vì tôi biết, ngày mai khi bình minh bắt đầu lên, quảng trường này sẽ lại ngập tràn du khách, bởi thế nên đây là cơ hội tốt nhất để tôi được thả lòng mình với Venice.
Băng qua những cây cầu nhỏ, tôi bắt gặp những chiếc gondola với tiếng nhạc vang lên, khi thì chở một cặp tình nhân lãng mạn nào đó, khi thì là một đại gia đình với tiếng cười trẻ thơ, khi thì là một nhóm khách du lịch.
Đi Gondola khá đắt nhưng lãng mạn vì chỉ có những con thuyền mũi cong này mới có thể “chiu” vào được những con kênh nhỏ ở Venice mà những chiếc xe buýt nước không thể vào được.
Lướt qua tôi là hình ảnh một đôi bạn trẻ đang cùng nhau uống rượu vang đỏ trên gondola, họ nắm chặt tay nhau và cùng nhìn về một hướng.
bản nhạc từ người chèo thuyền vang lên, giây phút đó tôi không khỏi chạnh lòng nhưng tôi đã mỉm cười và vui cùng niềm vui của họ.
Bởi tôi biết rằng khi biết vui cùng niềm vui của người khác, nghĩa là tôi cũng có niềm vui của riêng mình.
Quảng trường St.
Marco Sáng hôm sau, sau khi thưởng thức bữa ăn sáng ở khách sạn, chúng tôi quyết định sẽ tham quan Venice bằng xe buýt nước để có thể ngắm các kỳ quan của thành phố dọc hai bên bờ kênh vào ban ngày.
Từ quảng trường Roma, chúng tôi lên xe buýt số 1 vì tuyến xe buýt này dừng lại ở tất cả các bến và bạn có thể lên xuống tùy thích, chúng tôi quyết định đi thẳng tới St.
Marco để ngắm các công trình kiến trúc vĩ đại này một lần nữa vào ban ngày.
Quảng trường St.
Marco là một quảng trường rất đẹp, nơi đây trước kia là trung tấm sôi động nhất của người dân Venice.
St.
Marco có tháp đồng hồ cao ngạo nghễ, hai bên là tượng người Moaris luôn gõ chuông báo hiệu mỗi giờ.
Ngoài ra, quảng trường này được bao bọc bởi bốn tòa nhà dài dằng dặc và rất cổ kính với mặt trước là Nhà thờ St.
Marco, được xây dựng từ năm 840 trước Công nguyên.
Tôi đứng giữa quảng trường ngắm nhìn những chú bồ câu.
Đã từ lâu chính quyền Venice có lệnh cấm khách du lịch ăn uống ở quảng trường này (trừ trong những quán cà phê) cũng như không được cho phép bồ câu ăn, nên quảng trường này khá sạch so với rất nhiều những quảng trường khác tôi từng đi qua.
Từ đây, chúng tôi đi sâu vào những con phố nhỏ, mỗi một con phố là một cuộc sống khác, không nơi nào giống nơi nào, chỉ có chăng cửa hàng nào cũng bày bán thủy tinh và mặt nạ.
Tôi cũng vào đây mua mấy chiếc mặt nạ về làm quà cho bạn bè và một con mèo xinh xắn làm bằng thủy tinh để tặng mẹ nuôi mình.
Sau đó, chúng tôi ghé vào những tiệm bánh với mùi hương quyến rũ và mua đủ những loại bánh khác nhau để ăn thử.
Khi trời đã xế chiều, chúng tôi quay lại bến thuyền, định bụng sẽ trở về cây cầu Rialto để ăn trưa nhưng chị bạn đi cùng lại bảo: “Thôi, ăn ở đây cũng được” và chúng tôi ngồi ngay ở một vị trí rất đẹp, phía trước là mặt biển xanh ngắt bao la.
Nhưng cái giá phải trả cho đồ ăn thì thôi rồi, đến nỗi khi ăn xong rồi tôi nói với Dung – chị bạn đi cùng: “Ở đây, mình mua chỗ ngồi chứ không phải mua đồ ăn chị ạ” và sau lần đó chúng tôi rút kinh nghiệm, bữa tối chúng tôi chọn được một chỗ còn lãng mạn hơn nhiều nhưng giá rất phải chăng và cho đến tận bây giờ tôi nghĩ đĩa mì spaghetti ấy là đĩa spaghetti ngon nhất tôi được ăn trong đời.
Có một Venice đang chìm dần trong nước Suốt những ngày lang thang ở Venice, tôi đã có dự định ra ngoài đảo Lido và đảo thủy tinh Murano nhưng vì thời gian quá gấp gáp nên tôi đành lỗi hẹn với Venice ở lần sau.
Bạn tôi nói với tôi rằng: “Liệu lúc đó chúng tôi có còn thấy Venice trên bản đồ thế giới nữa không?” Bởi thực sự thành phố đang là nỗi lo lắng của không chỉ chính phủ Italia mà còn cả của những người yêu mến Venice.
Người dân Venice đang phải đối phó với cảnh nhà của họ đang chìm dần xuống nước do thủy triều.
Tình trạng lụt lội ở đây xảy ra thường xuyên.
Các trận lụt đã làm xói mòn nền móng của thành phố được xây dựng từ thế kỷ XVI và đe dọa đến các tác phẩm nghệ thuật kiến trúc vô giá.
Chính phủ Venice hiện đang xây dựng một hệ thống kè chắn để đối phó với tình trạng này, vì theo thống kê của các nhà khoa học thì trong vòng 50 năm tới, một nửa thành phố sẽ chìm trong biển nước.
Tôi biết mình đã dành cho Venice một tình yêu vĩnh cửu khi đi dạo trên những con đường hẹp, lắng nghe tiếng nước vỗ nhẹ vào bờ sông mỗi khi thuyền qua lại, soi mình vào dòng nước mênh mông in bóng nắng chiều còn rớt trên những tòa nhà cổ kính hay chỉ đơn giản là ngắm nhìn những ô cửa sổ đầy hoa, những dây phơi quần áo bay bay trong gió, những nhà hàng thơm mùi Pizza và Pasta.
Vinece đã cho tôi những phút giây được rời xa mọi toan tính đời thường và thả lòng trong những khoảng lặng yên bình của cuộc sống.
Tôi đã yêu Venice bằng một tình yêu như thế và tôi biết, sẽ có một ngày tôi quay trở lại với Venice.