Chương 6-3: Dân buôn chài bỏ chợ theo nghĩa quân
Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ sáu:
Thành Đại La, Lý Nguyên Gia lo ốm.
Đất Đằng Châu, Tồn Thành đấu anh tài.
Chương 6.3 Dân buôn chài bỏ chợ theo nghĩa quân
Tồn Thành đem phát lộc cho người dân sống cạnh miếu. Trẻ con nhìn Tồn Thành mà cười khúc khích. Tồn Thành nhấc một cậu bé tóc ba chỏm, mặt mày sáng sủa hỏi cậu bé. Cậu bé chỉ cười rồi chỉ vào vết bợp trên trán Tồn Thành. Chàng lấy vạt áo lau đi, vết ấy càng hằn đỏ. Bấy giờ có người làng ra hỏi, Tồn Thành muốn mượn một tay chèo dẫn lối xuôi về đất Hiến.
Một người râu rậm, mắt nâu, tóc quấn khăn nâu, đóng khố da sạm chạy tới ôm cậu bé khôi ngô khi nãy. Giọng nói ấm vang, dáng người khỏe mạnh, tay cầm cây ba chạc lớn cỡ bắp chân người lớn. Tồn Thành thoạt nhìn ưng anh ta, liền cất lời hỏi. Anh chàng nhận lời ngay, mong góp sức cùng nghĩa quân. Tồn Thành hỏi han tên chàng trai, gia thế. Chàng nói:
- Tiểu nhân người Ngọc Đường trang, họ Phạm, tên Nô Đan. Vợ là Chử Thị, làm rể đất đầm Dạ Trạch. Có hai con trai, đứa lớn tên là Chử Minh, đứa nhỏ là Phạm Đình. Tiểu nhân nghề chài lưới, vợ bán cá chợ Hà Thị phía bên kia đầm Nhất Dạ.
- Khen cho khí chất của đấng nam nhi. Giọng nói ầm vang, rõ ràng tròn trịa, khiến người khác có thể lay lòng. Có điều ta chưa hiểu. Nhà ngươi họ Phạm, đứa lớn con ngươi họ Chử. Chả có lẽ…
- Chẳng giấu gì tướng quân. Tiểu nhân thân cô thế độc, ngày nhỏ cha mẹ mất sớm. Lớn lên trong gia đình họ Phạm làm nghề đan thúng mẹt, làm nô gia cho nhà đó, đám người nhà đó gọi là Nô. Còn người ngoài cũng hay gọi là thằng Nô Đan nên quen. Sau này cũng lão chủ đến đất Hà Thị buôn mẹt gặp cha vợ tiểu nhân là Chử Thái Công có con gái đến tuổi lấy chồng liền gả cho tiểu nhân. Sau này khi sinh đứa đầu lòng, Thái Công biết tiểu nhân là người không cha mẹ nên bắt lấy họ Chử đặt họ cho bé Minh. Bấy giờ ông tức giận đuổi hai vợ chồng ra bãi sông này. Khi đó chài lưới đương lúc vào mùa, vợ chồng chèo lưới mang ra chợ Hà bán được ít vốn, dựng được túp tranh, kèo cột vững trãi cùng với thuyền lưới đủ đầy. Dân các vùng cận đây nghe tiếng mà tới lập ấp cạnh miếu thần, ngày ngày chài lưới. Bấy giờ Thái Công thương con gái gọi về cho khoanh đất chợ Hà, nhận lại rể nhưng không cho bé Minh đổi họ Phạm. Sau này đứa thứ hai, Thái Công nghe lời anh cả là Chử Thoán mà cho lấy họ Phạm.
- Có miếu thần phò trợ, nghề chài lưới cũng phần nào thuận hơn. Cớ sao lại muốn bỏ mà theo nghĩa quân.
- Thật tình. Chuyện kể sao cho hết. Tiểu nhân cũng chỉ mong điều thật giản đơn, hai vợ chồng, mái tranh vách nứa, đàn con thơ lưới chài kiếm sống. Ngày ngày dâng tấm lòng thành lên miếu thần. Số phận chẳng may, thần nhân chẳng thể giúp nổi.
Tồn Thành mặt mày nhễ nhại mồ hôi, nhìn theo dòng nước mênh mông mà hỏi:
- Sông lớn, sóng dồn, lại mỡ màu, cá tôm ắt ắp đầy. Có chi mà nên cơ phận.
- Là hai năm trước, nghĩa quân Dương Đỗ đánh thành Liên Thụ. Quân Tống Bình chở lương tiếp viện bị toán cướp chặn giữa sông bị đánh tan tác. Sau đám cướp bỏ trốn xuôi dòng Nhị mà về đất phía làng dưới đóng tại chỗ ấy. Ngày dân chài đi bắt cá tôm, bọn người đó xua thuyền ra cướp. Hễ ai chống cự bọn nó cho lật thuyền cả người và cá tôm cùng rơi xuống dòng nước. Xóm ấp từ bấy mà kinh hãi, cá tôm bắt được nộp cho bọn nó một phần, nộp tô một phần, phần còn lại chỉ đủ miệng ăn, còn không thì thiếu đói. Có vài kẻ từ nơi khác cũng nhập bọn đó, chúng hung tợn mà chẳng người nào dám ho he đụng chạm bọn nó.
- Quan huyện Chu Diên chẳng thể lo cho các ngươi hay chăng.
Nô Đan thở dài:
- Huyện phủ xa xôi, lại cách trở bởi tranh giành giữa quân Dương Đỗ và triều đình. Bọn đó chỉ lo cho cái chỗ ấm thân của chúng, nào nghĩ đến cái phận nhỏ nhoi chài lưới.
- Cớ gì lại thu tô của các ngươi.
Có cô gái mặt trái xoan, nước da ngăm sạm, váy đụm, áo yếm nâu gụ đôi chân thoăn thoắt chạy tới, hớt ha hớt hải. Hàm răng đen, hai vai săm hình kỳ quái, đầu vấn khăn quấn thành lọn tròn quanh đầu. Nàng thở dốc, nói không ra hơi:
- Nô Đan chàng ơi. Bọn cướp lại đến. Chúng đang bắt thằng cu Đình. Em nói anh không có nhà, có điều gì thì đợi anh về mà chúng không chịu.
Tồn Thành nhìn thoáng một lượt, hai người này dáng vẻ thân quen. Chàng chưa kịp hỏi thì Nô Đan cầm chạc ba chạy vội vàng xuôi bờ về nam. Đến mái tranh có tiếng trẻ con kêu khóc, chàng vội vàng cầm lấy cây ba chạc choảng vào đầu tên lâu la giữ đứa trẻ. Tên lâu la ôm đầu, máu chảy loang rơi xuống đất. Đứa bé mới chừng ba bốn tuổi, không một mảnh khố mặc trên người. Đôi chân thon nhỏ, mặt mày mếu máo, nước mắt giàn giụa nó chạy lại chỗ mẹ. Chử Thị ôm chặt lấy nó, rung người mà dỗ dành nó. Nô Đan nói lớn:
- Các người không nghe vợ ta nói đợi khi ta về thì sẽ nói chuyện. Há chi lại bắt giữ con trẻ.
Có tên mặt mày dị dạng, môi dày như hai con đỉa chắp lại, cầm chiếc gậy tre đập mạnh vào ngực trần của Nô. Nô giật mình, dùng gậy ba chạc hất tung gậy ấy cắm xuống đất bãi bồi. Hắn vênh vênh mặt:
- Mày nói chuyện mà vỡ đầu thằng em tao. Vợ chồng mày muốn ch.ết hay sao? Khôn hồn thì nạp tô cho đúng hạn.
- Tao đã hẹn với chúng mày đến tuần trăng nước lên, tao sẽ nộp đủ. Có khi nào tao khất thiếu chúng mày hay chưa.
Hắn nhặt que tre góc nhà vụt vào mặt thằng Minh, vết lằn ngang mặt. Nó gào khóc ầm ĩ. Nô Đan cả giận cầm cả gậy lớn lao vào tên đó. Chạc ba ghim cổ hắn vào cột nhà. Hắn cố thoát mà chẳng thể thoát. Mặt mày tím tái, chân tay khuờ khoạng mong tìm thứ gì đó để chống cự. Chử Thị ôm lấy hai con, nước mắt hòa mồ hôi đầm đìa, khóc lóc xin chồng:
- Chàng ơi. Anh thả hắn ra. Hắn mà ch.ết, anh ch.ết, em ch.ết, hai thằng nhỏ cũng ch.ết.
- Bọn nó quá đáng lắm. Mấy tháng nay, nhà mình có thiếu nợ bọn nó chút nào đâu. Cứ dăm bữa, ba ngày lại đến nhiễu nhách lại còn nạt nộ. Chẳng phải vì nàng, vì con ta đã giết ch.ết bọn nó từ lâu. Nay đã thế này, có ch.ết ta cũng phải giết bọn nó.
Tiếng khóc than của người phụ nữ cùng hai đứa trẻ không khiến anh có ý định thay đổi. Bọn lâu la cầm gậy gộc bao vây quanh nhà nghe có tiếng giáp giáo phía ngoài chạy liền hô hào.
- Có quan quân đến. Chạy đi chúng mày ơi.
Tồn Thành cho lính bao chặn bọn cướp. Đứa nào đứa đấy mặt ngắn tủn sợ hãi xin tha mạng. Tôn Thành chạy vào trong túp nhà tranh thấy có tên mặt mày xấu xí, nằm co quắp dưới nền đất. Đặt tay lên mũi dò thăm xem hắn đã ch.ết hay chưa. Bỗng cánh tay hắn ghì chặt vào cổ Tồn Thành. Thành dùng khuỷu tay thúc vào mạng sườn phải khiến hắn nằm im trên đất.
Thành nhìn hai đứa trẻ khóc nấc trong vòng tay mẹ, rút trong vạt áo hai chiếc kẹo lạc dỗ dành, hai đứa trẻ mới chịu nín. Thành nhìn hai người một lúc thật lâu. Họ Đỗ lấy làm thân quen, hỏi dò hai vợ chồng:
- Là hai người khi tối qua đã giúp ta thoát khỏi đám lính truy sát.
Người vợ ôm hai đứa trẻ thu người lại. Phạm Đan đáp lời:
- Đám dân đen chúng tôi sức hèn lực mọn. Nào có thể đuổi đám lính tráng đầy sát khí.
Hai người bẽn lẽn nhìn xung quanh. Tồn Thành đoán được ý của hai vợ chồng. Tồn Thành cầm chiếc gậy tre trên dưới đất, lại nhìn mặt đứa trẻ lớn. Thành cười lớn:
- Ở đây toàn là lính của ta. Bọn cướp này sao có thể thoát được. Cây gậy gia phong. Vết lằn trên mặt cậu bé kìa, lại vết lằn trên chân nó giống hệt vết trên trán ta khi sáng bọn trẻ cười ta. Anh còn không chịu nhận sao.
Anh đành kể lại hết chuyện đêm qua cho Thành. Thành ôm lấy Đan, tay kia ôm bụng cười:
- Ra là thần nhân họ Phạm, vợ là họ Chử đã giúp ta thoát nạn. Xin nhận của tiểu tướng một lạy tạ ơn hai người.
Ông lão khi nãy cười vọng từ phía ngoài lối vào:
- Thần nhân ở tại quanh ta. Chỉ cần tâm hướng chính nghĩa thì con người cũng hóa thánh thần mà xua đuổi gian ác đi xa.
Tồn Thành ôm lấy Đan, giọng cười sảng khoái. Mặt mày Thành đã hơn hai năm nay theo Sĩ Giao cũng Chí Liệt đánh biết bao nhiêu trận mà chưa từng mừng rỡ như hôm nay. Thấy Đan còn lo lắng, Thành nói với Đan:
- Anh có lo lắng điều chi. Quân ta còn thiếu những người nghĩa dũng như anh, lại giỏi phá thuyền địch với tài lặn giỏi. Ta sẽ nói với chủ tướng, chắc chắn anh sẽ không phải nhận phần thiệt thòi khi về với nghĩa quân.
- Chẳng phải tôi lo lắng điều đó. Chỉ là tôi đắc tội với bọn cướp. Khi chúng tôi theo nghĩa quân, những người làng sẽ ra sao.
Tồn Thành kéo tên mặt mày xấu xí đang ôm bụng đau đớn hỏi hắn:
- Các ngươi có còn dám cướp của đám dân Nhất Dạ nữa hay chăng.
- Dạ dạ. Bọn con không dám.
Tồn Thành sai người bắt giải bọn cướp đi. Đan nói với Thành đám đó chỉ là lâu la. Còn rất nhiều tên nữa với đội thuyền lên đến hơn hai chục chiếc thoắt ẩn thoắt hiện. Biết bọn này bị bắt ắt chúng sẽ quay về thôn mà phá phách hòng báo thù. Thành liền hỏi tên xấu xí. Hắn nhất quyết không chịu khai tụ ổ của cướp. Thành cho người cắt tóc sát vôi lên đầu hắn cũng không chịu nói nửa lời. Thành tiếp tục lấy mảnh vỏ trai mà khứa lên khuôn mặt dị hợm của hắn rồi cho lính sát muối lên mặt. Hắn cũng không hé răng.
Lính dùng chuôi giáo đánh năm mươi roi hắn ngất lịm. Thành liền trói hắn cùng bọn lâu la lên chiếc thuyền của bọn chúng. Sai lính cởi bỏ giáp áo, lấy bùn đất chát lên mặt, xõa tóc đi lênh đênh dọc sông để dụ cướp xông ra.
Nô Đan dùng lá tre gọi đám thanh niên làng cùng già trẻ xóm chài giao cho Thành hơn một nghìn người ra nhập nghĩa quân. Chử Thái Công cùng con trai cả nghe tin rể bỏ đất chài theo nghĩa quân, tức tốc cho người chở xe ngựa đến. Chử Thoán nói với Thành:
- Nhà ngươi khi đêm qua mất hơn nghìn lính tráng. Nay em ta lại dâng cho ngươi cũng chừng ấy người. Nhà ngươi sẽ vì thế mà không chịu tội với tướng chủ. Mong ngươi hãy thương yêu hai em, các cháu của ta cùng với dân làng theo ngươi. Nay cha ta già yếu, không thể đi theo. Xin tặng nghĩa quân hai chục nén bạc trắng, hai trăm hộc gạo để góp sức với nghĩa quân.
Đôi mắt ứa lệ, Chử Thái Công vẫy tay từ biệt mọi người. Bụi cát tung bay trong gió chiều mờ đi đoàn người xuôi về phía nam. Đan quay lại vẫy chào cha vợ và anh cả rồi dáng người cũng khuất theo rặng tre ngà.
Thành dùng sai hơn trăm người làng cùng lính tráng khỏe mạnh lấy tất cả thuyền đi xuôi về đất Hiến. Hai thuyền đi trước trói giữ mấy tên lâu la để dụ đám cướp. Đội thuyền lướt nhanh xuôi dòng.
Mênh mông giữa trời mây sông nước, Thành cảm thấy trong lòng có chút bình yên đến lạ. Xanh xanh những lũy tre ngả xuống hai bờ, những luống khoai, lạc biêng biếc, có bến đò ngang kẻ đón người đưa bịn rịn đôi bờ. Dải cát phù sa trắng mịn tung lên trong gió, ánh nắng hắt xuống mặt nước lung linh rọi bóng những hàng cau. Như lạc vào chốn bồng lai, Tồn Thành thấy người nhẹ lướt trên sông. Bỗng nhiên có chục thuyền từ bờ trái lao ra, đám khách qua đò hoảng hốt nhảy xuống sông ch.ết đuối đến bảy tám người.
Tồn Thành ra hiệu cho hai chục thuyền lớn nhỏ xông lên thì phía bờ phải lại có thêm một chục thuyền nữa xông ra. Hai bên gậy gộc, mái chèo, đao kiếm liểng xiểng đánh qua lại. Mặt trời ngả tây, đám lính cùng cướp lật thuyền nhiều vô kể. Đan dùng cây chống chèo đưa thuyền vào bờ. Lụp ngụp từ lòng sông, có một người tóc áo ướt sũng, sẹo lớn ôm trọn nửa dưới khuôn mặt, hắn cầm đao lớn đi lên bờ. Thành lớn giọng hỏi:
- Lũ cướp tên gì. Mặt mày như quỷ dạ xoa. Còn không giơ tay chịu trói.
- Ông nội mày tên họ chưa bao giờ thay đổi. Họ Lưu tên Trình. Người thành Đỗ Động. Không phải vì bọn quan quân chúng mày, tao đã chẳng phải đi cướp. Sẹo lớn trên mặt tao cũng là do chúng mày. Tao thề sẽ giết ch.ết lũ quan chúng mày.
Chưa dứt lời, hai người lao vào đánh tên cướp. Chống trả sau hơn bốn mươi hiệp, Đan dùng lưới giăng ném vào đầu hắn rồi dùng vọt tre đánh liên tiếp vào lưng gáy. Gã quỳ xuống xin hàng. Lưng lằn nhiều vết như da rắn, bụng đau ựa ra máu đỏ tươi, tay mềm như bún để cho đám lính mọn chạy đến mà trói. Bọn cướp bấy giờ đều giơ tay xin hàng.
Tiếng gà lục cục đập cánh phía vườn nhãn gần đó, Tồn Thành lệnh hạ trại phía sau lưng đê, cho người thay nhau canh giữ đám cướp bị trói. Phạm Đan cười nói hớn hở, uống rượu đến sáng cùng Thành mà không hay vợ cùng con chàng chưa theo kịp. Mờ tinh sương, có người làng hớt hải chạy từ phía đê làng trên báo cho Đan làng cũ bị quan quân đến phá phách, bắt bớ hết người già, đàn bà trẻ con.
Đan nghe tiếng vang vang bên tai mà nhấc người không nổi. Anh bạn cùng làng dắt Đan dậy. Hai người cùng xin ngựa Tồn Thành mà quay về làng đón đám già, trẻ, đàn bà.
Giờ thìn hai khắc, chàng thanh niên Nguyễn Hợi khi nãy theo cùng Phạm Đan quay lại giục giã Tồn Thành mau mau cho quân chạy nhanh xuôi về phía hạ lưu. Đám quan binh Tống Bình mang hơn năm nghìn lính truy quét các thôn làng từ cửa Hàm Tử, bến Chương Dương đến đụn cát bãi Tự Nhiên, đầm Nhất Dạ.
Tồn Thành đang câu cá phía bãi sông vội vàng mặc giáp mũ, cầm thương dài lệnh cho hơn nghìn rưỡi lính cùng đám trai làng tức tốc chạy về đất Hiến. Tới đoạn có cả rừng nhãn thì cho quân lính dừng lại nghỉ mà lấy sức. Tiếng trống rong, cờ phất từ phía bắc khói bụi mịt mù. Thành nằm áp tai dưới đất, tiếng bước chân hành quân thúc vào màng nhĩ. Thành giật mình thức giấc. Có hơn hai mươi người dắt trâu ngựa bò dê cả từ phía bắc đến.
Người làng núp dưới bóng cây nhãn nhìn ra, chạy vào báo cho Thành đó là người dân làng Tảo, ở phía đông đầm Nhất Dạ. Thành cử năm mươi người ra xem có điều gì bất trắc, hai người quay về báo rằng vị hào trưởng huyện cũ Cao Lăng nghe danh tướng quân họ Dương mà chưa có dịp thể hiện lòng ái mộ. Nay nghe có thiếu chủ tướng quân đóng trại ở phía nam dòng Xích Đằng đến đất Đa Cương, Võ An góp trâu ngựa lợn gà cũng hai mươi trai tráng theo nghĩa quân. Thành cười lớn, nhận lấy tấm lòng từ vị hào trưởng, cho người gửi thư cảm tạ đến vị hương hào ấy.