Chương 9-5: Sĩ Giao liên hoàn khích tướng
Giống Rồng
Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ chín:
Chí Trinh hai lần đánh đuổi cố nhân.
Sĩ Giao liên hoàn dùng mưu khích tướng.
Chương 9.5 Sĩ Giao liên hoàn khích tướng
Hãn Xương nhìn Thi Nguyên, ánh mắt tỏ vẻ không hài lòng với lời của Trạch. Hãn Xương suy qua tính lại, chực nghĩ ra điều mà nãy giờ Xương toan định nói với Nguyên Hỷ mà chưa có dịp để báo lại. Xương dùng quạt phe phẩy, mấy chiếc râu lún phún phất phơ, tặc lưỡi, Xương nói:
- Xin đại nhân hãy xét cho kỹ. Nếu lời Long Trạch tướng quân nói về những lời khai của Chí Trinh là đúng. Châu Phong có hai vạn binh, lại chưa kể các châu cơ mi có đến ba vạn dân phòng thì đừng nói là một huyện Tống Bình mà cả mười một châu quận khác của đất An Nam này cũng chẳng thể sức nào mà chống lại được. Do đó chẳng phải đến lúc này, mà từ lúc Dương Thanh kia bị giết mà kỳ thực cũng không rõ hắn có ch.ết hay không, họ Vương kia thừa sức để giúp đỡ hắn, đánh vào Tống Bình, các châu quận khác khi ấy còn chưa biết ngả theo ai. Chỉ cần thắng ở Tống Bình, họ Vương sẽ tự khắc làm bá chủ đất An Nam. Lại thêm nữa, Chí Trinh đóng quân ở phía bắc sông Lô đã năm lần bảy lượt bị tướng quân ta đóng ở ải Nà Lữ đánh lui, họ Vương dồn binh đuổi theo thì lại bị quân Nam Chiếu xua quân xuôi theo sông Lô, sông Thao đuổi quân châu Phong. Trinh vì thế mà mới căm phẫn quân châu Phong, không nghe lời dụ của họ Vương, liên tục cùng quân Nam Chiếu quấy nhiễu đất châu Ung. Nghe tin dân Man Hoàng chiếm được Trường Châu, Trinh nghĩ rằng có thể dựa thế núi sông hiểm trở, nước Nam Chiếu có thể mang binh đánh châu Lục, lại xui vua Nam Chiếu sai sứ đến Hoàn Vương mang chiến thuyền tới châu Lục chặn đánh thủy quân của ta từ châu Quảng, Quế, Quỳnh. Kế hoạch của hắn thất bại, quân đội triều đình từ Kinh Nam hai đạo đã tới châu Quảng, đánh lui quân Nam Chiếu ở đất Ung. Vua Nam Chiếu ra ý dụ rút quân khiến hắn lạc lõng đành đánh liều về tới phía bắc huyện Bình Đạo, hòng chiếm Loa Thành mà bị các tướng Triệu Gia bắt được. Hắn ở trong ngục, biết đám người họ Vương, họ Kiều nên nghĩ ra kế hòng khích tướng, chia rẽ mối hảo hữu giữa châu Phong với trị sở Tống Bình.
Lý Nguyên Gia ngẫm nghĩ hồi lâu, quay ra hỏi chuyện Hãn Xương về vụ án của hai viên công tử. Hãn Xương liền đáp:
- Chiều nay, sai nha báo với hạ quan rằng đã tìm suốt dọc sông Tô Lịch cả ba dặm nước đều không thấy xác của viên công tử họ Vương. Mà chỉ thấy chiếc lệnh bài đã bị rơi ở khóm cây trúc đào ở nền đất thành cũ Đại La. Có người đã nhìn thấy một chiếc xe ngựa đi về phía tây, sau đó lại nhìn thấy một chiếc giống hệt đi từ trong thành ra. Tên Chung Tiềm bị ch.ết dưới lòng sông mà không rõ nguyên nhân. Đám dân chài kể lại chỉ nghe có tiếng xe ngựa đi bên bờ sông, ngựa bị lồng đã chạy thẳng xuống sông, tên phu xe bị sất sát mặt mày, máu đỏ cả đoạn sông, hắn ch.ết do chảy máu quá nhiều. Còn tên Chung Tiềm xác đã tím tái ch.ết từ trước, chứ không phải do ngạt nước. Lang y đã cho thăm khám thì thấy lá cây trúc đào trong miệng tên đó, một lượng rất lớn ở trong ruột hắn khiến hắn ch.ết ngay tức khắc. Thời gian hắn ch.ết trước khi lao xuống sông chừng nửa canh giờ, nghĩa là từ lúc hắn mới ra khỏi nhà lao. Tất cả những lá đó đều được nấu chín, không phải lá tươi, mà chúng chắc hẳn cũng biết được toàn thân thứ cây đó đều là chất cực độc nên không dại gì ăn sống.
Nguyên Gia càng nghe càng tỏ ra rối loạn. Nguyên Gia cho đám tướng lui ra, Nguyên Gia cảm thấy nhức đầu, liền sai người nấu cho một bát gà tần hạt sen để cho tâm trí tĩnh lặng. Nguyên Gia cho gọi hai đứa con gái áo yếm, tóc dài, da trắng mặt đứa nào đứa ấy có nét xinh xắn múa mấy điệu cho Nguyên Gia thưởng thức. Hãn Xương đứng ngoài hậu viên thấy sốt ruột mà xô đám lính ngã dúi dụi, chạy vào quỳ trước mặt Nguyên Gia mà bẩm:
- Là một bậc tuần lương, thần Tô Lịch đã dạy, có hết lòng hết sức ngay thẳng mới xứng đáng cho đặng. Mới có chút như vậy mà đại nhân đã thế này, làm phận tôi hèn sao có thể khoanh tay mà đứng nhìn được. Hai ả con gái còn không mau cút, đừng để ta lấy kiếm rạch mặt từng đứa một.
Nguyên Gia ngậm bát canh gà, phun thẳng vào mặt Xương. Nguyên Gia giận dữ:
- Ta là chủ, hay nhà ngươi là chủ. Chuyện đã rõ như ban ngày, cớ gì lại còn phải tìm đến ta để hỏi làm chi. Ngươi đúng thật chỉ là một tên nho hủ, không hơn. Chẳng lẽ ta còn phải hướng dẫn từ ly cho các ngươi.
Hãn Xương còn chưa hiểu lời Nguyên Gia nói, vẫn cố lán lại ra lệnh đuổi hai đứa con gái ra ngoài. Lý Nguyên Gia tức tối, đập vỡ niêu gà, gào thét:
- Bọn hai đứa còn chưa đi. Ý Hãn Xương đã nói, các ngươi lại còn không nghe.
Hai đứa con gái vội vàng lấy khăn áo lau chỗ niêu gà vừa đập vỡ tan rồi lúi húi chạy ra ngoài. Hãn Xương đóng vội cửa, giọng đầy sự tức giận:
- Chắc chắn có kẻ muốn chia rẽ Tống Bình với đám người châu Phong. Ngày này hai tuần trước, có một đám người đã uống rượu cùng hai tay công tử châu Phong đó, lại còn trà tửu ngâm thơ, thưởng ngoạn nguyệt hoa thâu đêm suốt sáng ở quán rượu phía nam thành Đại La cũ. Sau đó đám người kia mất tích mấy ngày, đến khi đại nhân cho cất đền thờ mở hội La Thành thì cùng lúc đó không phải hai tay công tử kia mà chính là đám người hôm trước cho phát tán những lời xằng bậy về đại nhân. Hai tay công tử đó vốn tính hênh hoang nên bị chúng kích động, uống rượu cười đùa, ngâm thơ chế nhạo tài đức của đại nhân. Khi Long Trạch bắt được giam vào nhà lao, thì ngày nào cũng có một kẻ mặc áo huyện nha xách cơm, rượu thịt cho đám công tử giấy đó, bọn sai nha nghĩ rằng đó là người của quan huyện sai đến do Kiều Chung Đạt có mối thân tình với hạ quan. Đến sáng ngày nay, vẫn là tên đó mang cơm rượu thịt vào cho hai tên công tử, sau đó lại có một tên khác cũng lúi húi đi theo, mặt mày đeo khăn chùm kín mít. Đám sai nha hỏi thì tên đó khai là nay có hai vị công tử được ra tù nên đi theo tên sai nha kia vừa là mang cơm, lại mang thêm chút quần áo, đồ đoàn sửa soạn cho hai vị công tử lên xe tránh khỏi thị phi khi về tới châu Phong. Đám sai nha không nghi ngờ bảo hắn bỏ khăn che mặt thì trông thấy mặt hắn ta gớm ghiếc như quỷ nên cho hắn đeo khăn đi vào. Rồi sau đó mọi chuyện như đại nhân đã biết. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà ra như vậy, phải có một âm mưu đã được lên từ trước. Nếu chúng ta nghe lời họ Triệu, hay tướng quân Long Trạch có ý dụ Vương thứ sứ để xem lòng dạ ông ta thì hạ quan e là đã trúng kế bọn chúng.
Nguyên Gia tay miết hai ngón tay tạo tiếng kêu tanh tách, đưa chén nước lên sục miệng, ý hỏi Hãn Xương:
- Nếu như vậy, Từ huyện lệnh có chủ kiến nào hay không?
- Không thể dùng vũ lực để nói chuyện với Phong Châu, càng không thể để rơi vào bẫy của kẻ có tà mưu. Với mối thân tình từ trước, hạ quan xin đại nhân hãy cho Hãn Xương tới châu Phong một chuyến nói hết sự tình với Chung Đạt. Chung Đạt vốn là kẻ ham sống sợ ch.ết, nhưng lại rất yêu quý vàng bạc, gái đẹp đặc biệt là hết lòng vì con trai. Ông ta biết Chung Tiềm đã ch.ết chắc hẳn sẽ không thể ngồi yên. Nay đã như vậy, tại hạ sẽ nói khó với ông ta, vừa đe dọa vừa vỗ về ông ta. Dùng vàng bạc, đàn bà để ông ta nguôi cơn buồn giận, những cơn buồn đau. Tại hạ sẽ cho ông già Tô Hiền kia thí mạng, chúng ta không nên né tránh tội đã gây ra cho kẻ khác mà buộc nó lên đầu kẻ dưới. Dẫu có căm phẫn thì Chung Đạt vốn là kẻ biết điều nên đại nhân chớ lo. Việc này Hãn Xương xin nhận trách nhiệm hoàn toàn.
Nói đến đây, Nguyên Gia mới chịu nghe. Hãn Xương thầm vui trong bụng vì đã đi một nước cờ đúng đắn khiến cho Nguyên Gia nể phục. Nguyên Gia sai người mang nước ấm tới, lấy chiếc khăn lụa, sấp nước lau đi những miếng gà tần mà viên đô hộ vừa nhổ lên mặt Từ huyện lệnh. Chén rượu đầu môi, Nguyên Gia ôm lấy Hãn Xương mà khen hết lời:
- Lời Hãn Xương rõ một như trời sáng, không có điều chi ngoài sự ngay thẳng. Nếu không phải cái dạ trong sáng, cái tâm hướng về chủ tướng thì sẽ chẳng thể nói ra được những lời đó, sẽ không thể quát mắng bọn nô gia trong phủ đô hộ như với kẻ hầu hạ của mình như vậy.
Sáng ngày sau, Nguyên Gia phong ấn cho Hãn Xương mang theo tùy tùng năm mươi người. Không khăn trắng, vàng mã rầm rộ mà chỉ đi thành một đoàn người ngựa tức tốc tới Mê Linh. Người của Chung Đạt đón sẵn ở cửa Hát Môn, Chung Đạt đứng oai vệ phía tả là Hoa Tài tướng quân, phía hữu là Thăng Hùng mặt mày không nở một nụ cười. Nhìn thấy thân hữu từ xa, lại đón tiếp long trọng không khỏi khiến Hãn Xương cảm thấy hổ thẹn. Hãn Xương mặt buồn bã, giọng xót thương mà kể lại hết sự tình với Chung Đạt.
Chung Đạt lão tướng mặc giáp sắt, cầm cây kích múa tung mặt nước sông Cái. Xông thẳng về phía Từ huyện lệnh, Chung Đạt đôi dòng lệ tuôn, không ngăn nổi kích giương lên chém đứt đầu ngựa mà Hãn Xương đang cưỡi. Hãn Xương ngã bổ nhào xuống đất, lăn xuống mặt sông Cái. Chung Đạt rút gươm nhảy xuống ngựa dí vào cổ Hãn Xương, đôi gò má đỏ ửng dính đầy tóc bạc hoa râm với nước mắt. Kiều lão thảng thiết khóc than:
- Ta với anh thân tình bằng hữu, qua lại suốt chừng ấy năm. Nay con trai ta rơi vào lao lý, nói với anh giúp nhờ nó. Vậy mà lại khiến con trai ta ra nông nỗi như vậy. Anh còn mặt mũi mà đến đây gặp ta sao. Nhát kiếm này đoạn tuyệt hữu hảo, báo thù cho con trai ta.
Hãn Xương cúi mặt, rơi hai giọt lê mà mặt không có một chút xúc động. Mũi kiếm lia qua cổ, máu chảy dầm dề, Chung Đạt ném kiếm xuống đất, ôm lấy chiếc quan tài rát vàng lấp lánh. Ánh sáng mặt trời hắt xuống mặt sông chẳng thể bì với hào nhoáng của chiếc quan tài. Chung Đạt lật tấm ván thiên, nhìn con trai tím ngắt, cứng đờ nằm trong chiếc quan tài. Lột áo quan, Chung Đạt khóc thảm thiết, lấy dao khứa lên vai lên ngực. Thăng Hùng xuống ngựa giữ lấy tay lão phó thứ sử, giằng lấy dao mà ném xuống sông sâu. Chung Đạt khóc đến lả đi trong ánh nắng mặt trời chói chang. Thăng Hùng bấy giờ mới tiến lại gần hỏi Hãn Xương, Xương vội lau máu ở cổ, tay giữ lấy đũng quần ươn ướt, gióng run run đáp:
- Vương thứ công tử không rõ đã đi đâu. Có người nói công tư đi một chiếc xe ngựa khác nên không bị ngã xuống sông mà ch.ết.
Nói tới đoạn ấy Chung Đạt như bị ngàn tên đâm, vạn con dao khứa vào tâm can. Lão gào lớn, xé manh giáp, dứt tóc, bứt tai, mặt mày như hổ bị trói, treo lên cành cây mà bị ngọn lửa thiêu đốt. Hãn Xương vỗ về, giọng điệu trầm lắng như xoa bớt những đau thương. Thăng Hùng cho người dìu lão phó thứ sử lên xe ngựa, mà người lão như bùn, không còn chút sức sống. Lão thất thần nhìn từ khe cửa xe ngựa, thấp thoáng chiếc quan tài vàng óng ánh. Ánh sáng chói lòa hắt vào khiến lão giật mình, gào thét như điên dại.
Vốn với tài ăn nói, Hãn Xương đã làm yên lòng Kiều Chung Đạt cùng viên thứ sử họ Vương. Họ Vương không trách cứ, tiếp đãi Hãn Xương chu đáo, lại cho người vào ra quán trọ hàng ngày để cho Hãn Xương bớt buồn chán. Ba ngày sau, đám ma theo lệ người châu Phong đã được chu toàn. Hãn Xương bấy giờ mới xin về.
Chung Đạt sau mấy ngày đau đớn, thể xác không màng, đầu óc mới tĩnh lại đến tìm gặp Hãn Xương. Tới dịch quán thì Xương đã rời đi, chỉ gặp Sĩ Giao đang đánh cờ uống rượu trong quán. Chung Đạt hỏi Sĩ Giao:
- Mấy ngày qua anh ở đâu. Anh nói xem người của Tống Bình đối xử với ta đâu đến nỗi như anh nói. Bọn họ vừa cảm thông, lại hết sức đau xót cùng ta. Trong lúc này, tấm thịnh tình của họ mới thật đáng bao năm qua ta đã đối xử không tệ bạc với chúng.
Sĩ Giao đập mạnh quân cờ khiến bàn cờ rung mạnh. Chung Đạt giật mình, quay lại nhìn thấy có một gã mặt mày kín mít như bưng. Chung Đạt hỏi Sĩ Giao người đó thì Sĩ Giao chỉ đáp rằng:
- Đó là một môn khách, đánh cờ mà không chịu bình tâm suy nghĩ nên mới tính ra nước cùng đường. Hoãn đi hoãn lại đến năm lượt, bảy lần. Vãn bối giận quá mà đập mạnh cờ xuống. Chắc khiến đại nhân giật mình.
- Ta nghe Sĩ Giao tính tình như nước sông mùa đông giá, lại không hay nóng tính quát nạt kẻ khác. Người ta chơi cờ với anh chỉ là cùng anh kiếm vui. Đâu có cần tỏ ra thái độ như vậy.
Sĩ Giao lấy quạt xua ván cờ. Sĩ Giao nói với anh chàng bưng mặt kít mít:
- Nể mặt Chung Đạt đại nhân. Ta với anh đánh ván khác. Vãn bối đã có điều gì khiến đại nhân chưa vừa lòng thì xin được rỏng tai lĩnh hội.
Sĩ Giao quay sang cúi chào Chung Đạt. Chung Đạt kể lại chuyện mà Hãn Xương đã nói với ông ta. Sĩ Giao chỉ cười mà đáp lễ. Sau một tuần nhang quán trọ thắp lên thần thổ địa, Chung Đạt mới sức nhớ đến bữa cúng cơm cho con trai đã khuất. Sĩ Giao chạy ra chuồng ngựa cùng Chung Đạt, con ngựa khi nãy còn lành lặn mà mới có chốc lát đã bị bung móng, khuỵu khớp gối. Sĩ Giao buông lời ngỏ ý cho Chung Đạt mượn chiếc xe ngựa để về cho kịp giờ cúng cơm. Chung Đạt cũng đành nhận lời.
Anh chàng bưng kín mặt đi ra phía chuồng ngựa, thấy Sĩ Giao lên xe ngựa cùng Chung Đạt liền gọi lại nói hỏi cớ gì lại lấy xe của anh ta đi. Sĩ Giao cười đáp rằng cho lão phó thứ sử mượn, thân làm phó thứ sử châu Phong chẳng nhẽ lại bất tín. Anh ta không chịu, Kiều Chung Đạt ngó ra cửa xe lấy nén bạc đưa cho anh ta. Anh ta cười hớn hở nhận ngay, lại tận tình đưa hai người đó tới phủ. Sĩ Giao to nhỏ với Chung Đạt suốt quãng đường đi. Chàng giả vờ say rượu, nằm ly bì thở phì phò bên cạnh Chung Đạt. Chung Đạt tới phủ liền mời Sĩ Giao vào trong phủ. Sĩ Giao lại nói khó cho anh chàng kia vào cùng:
- Không phải có ý gì. Mà vãn sinh cùng anh ta cũng rong ruổi suốt sáng đi tìm bệnh nhân mà không có ai nhờ cứu giúp. Dám cả gan xin tá túc ở nhà đại nhân một buổi trưa để tránh cái nắng đổ lửa đất Nam.
Chung Đạt hào sảng cho hai anh chàng vào ăn bữa trưa, lại uống rượu say khiến Chung Đạt không hài lòng. Sĩ Giao cơn say nói hết thảy những lời khiến Chung Đạt cảm thấy căm giận. Chàng lừ khừ trong hơi men nói:
- Đúng là đám người Tống Bình có cái thú là bệnh tật. Nuôi một con chó, bắt nó đẻ, lại đem chó con đi bán. Chó con được người ta nuôi lớn đem thịt thì mua về nấu với giềng, nước cơm thiu, dịch tôm thối thành món ngon. Đem xương đó ném cho chó mẹ ăn. Chó nhà ấy ăn xong quay ra ốm, biếng ăn bỏ bữa. Lại gọi người đến thịt, nấu với những thứ giềng, mẻ, mắm tôm ấy. Lại được thêm bữa ngon, rượu cay nồng thơm phức. Giết được chó con, lại có cớ để mà ăn thịt chó mẹ. Có cái thú ăn thịt chó, mà cũng thật lạ lắm thay. Ngon, sống ở trên đời ăn miếng dồi chó. Đại nhân có thấy đúng không.
Anh chàng kia nằm ôm bụng cười. Chung Đạt hơi men, trong miệng hả hơi vào mặt Sĩ Giao giả say:
- Chó mẹ cũng biết ăn thịt người đó. Ta cho các ngươi đến chỗ thịt người để ăn. Các ngươi có chịu không.
Sĩ Giao như uống phải thuốc tiên, đầu óc tỉnh như sáo. Sĩ Giao đóng cửa, kể lại cho Chung Đạt:
- Đây là Liêu Đức Thinh, anh ta là người Đỗ Động, rất am hiểu Tống Bình. Trong thời gian vừa rồi, anh ta đã ở trong La Thành, qua lại chỗ lão Tô Hiền để tìm hiểu chuyện ở Tống Bình. Thật trùng hợp vụ án ở La Thành, Đức Thinh đều thấy hết được sự tình.
Đức Thinh cởi bỏ khăn áo, hơi rượu nồng nặc:
- Chính tay Long Trạch da xanh mặt quỷ là người đã đến nhà lão Tô Hiền ép lão phải nấu lá trúc đào vào canh cho hai vị công tử ăn. Sau đó chính hắn đã tráo xe ngựa, con ngựa đó là giống chưa thuần, tên phu xe chở hai vị công tử đó chính là tay sai của Trạch. Còn tên phu xe mà đại nhân nhờ viên Từ huyện lệnh đã bị đánh cho bầm tím mặt mày, chân què không thể đi nổi. Trạch là người đầu tiên có mặt ở hiện trường, hắn tới giết ch.ết tên phu xe, và thủ tiêu xác của hai vị công tử mà không hề ai biết. Xui xẻo cho hắn là có một người phụ nữ đã nhìn thấy một tên da xanh giết người trước khi xe ngựa lao xuống sông. Người phụ nữ đó là con gái của lão Tô Hiền. Hãn Xương biết được nên bưng bít, che giấu cho Trạch nên lấy cớ đó giết lão Tô Hiền trước mặt đại nhân như để trả mối thù của đại nhân, nhưng uẩn tình trong đó lão Tô Hiền là người bị lợi dụng. Nay cả ba người con gái của lão đều bị bắt giết, đám con rể lão cũng bị giáng làm dân thường, cấm trở về Tống Bình.
Sĩ Giao tiếp lời:
- Hãn Xương là một tên tráo trợn, đổi trắng thay đen. Hắn khóc mà mặt lạnh tanh, không xúc cảm. Hắn là một quân cờ mà Lý Nguyên Gia đang nắm trong tay. Chính vì thế mà Nguyên Gia đã che mắt được đại nhân, ngầm muốn dạy cho Phong Châu một bài học đích đáng, để tỏ rõ sự uy phong của chúng đối với kẻ khác. Lại thể hiện sự nhân từ bao dung để che mắt châu Phong. Quả nhiên, đám người Tống Bình không coi đại nhân và Vương thứ sử ra một thứ gì trong mắt chúng.
Chung Đạt nghe mà lòng căm phẫn lắm. Lão đốt cháy cả gian phủ phía Đông Nam, hò hét ầm ĩ suốt cả đêm. Đám người hầu kinh hãi, bỏ trốn đến hơn nửa. Bọn gia nhân đi tìm cũng kiếm cách trốn đi. Tiếng cháy rụi, sập sệ của gian phủ phía đó như sôi sục trong tâm can, ý chí của Chung Đạt. Ông nằm ngất lịm giữa sương đêm trong cơn khát máu sục sôi đòi báo thù cho con trai.