Chương 16-2: Người Đỗ Động sa lầy
Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười sáu
Huyện Thái Bình, Cao Văn Trác giương uy
Châu La Phục, gái họ Thôi lỡ bước
Chương 16.2 Người Đỗ Động sa lầy
Nghe lời Cam tức tối chửi bới khi bị chàng trai mặc áo đen kia bắt được, chàng trai ấy liền cười:
- Cái loại cam chua loét như ngươi, chỉ có thể để vắt lấy nước rồi bỏ đi. Chứ đáng gì.
Triệu Cam nhổ bọt vào chân chàng, giọng nói xấc xược:
- Cái loại chó hoang chúng mày. Chúng mày cậy đây là núi cao, rừng sâu mà nói những lời chó ch.ết ấy sao. Anh tao giờ là chủ Bạch Hạc, Gia Ninh, núi Lịch Sơn này là của người Mán họ Mã mà họ Triệu lại là ân nhân của lão già ấy. Chúng mày dám động đến tao, để rồi xem chúng mày có thể giương giương tự đắc được bao lâu.
Chàng lấy chân lau nước bọt lên mặt Cam. Chàng đạp thẳng vào vai Cam, trợn mắt nhìn họ Triệu:
- Để rồi xem Triệu Cường bất trung, bất nghĩa ấy giữ được Phong Châu trong bao lâu. Ngươi có biết bọn này là ai hay không mà dám nói lời cứng.
Triệu Cam mắng mỏ chàng, chửi mắng thậm tệ. Chàng ra hiệu cho hai tên đệ tử đánh ngất Cam một lần nữa rồi ném Cam ở bờ suối phía chân núi Lịch Sơn.
Lúc tỉnh dậy, Cam thấy mình nằm bên bờ suối, toàn thân ê ẩm, cố gượng dậy quan sát xung quanh. Như một cơn ác mộng, họ Triệu dụi mắt nhìn xung quanh. Đám con gái trong bản đang giặt giũ ở bên suối nhìn Cam cười khúc khích.
Cam giật mình không biết trốn vào đâu rồi vội vàng chạy ra phiến đá to gần bờ suối, vội vàng lấy chiếc khố quấn lại. Cam cười nhếch mép rồi quay ra hỏi bọn con gái:
- Bọn con gái các nàng chớ có nhìn ta như vậy. Là ai đã giặt quần áo cho ta. Cho ta cảm ơn.
Bỗng từ đâu đám thanh niên ngà ngà hơi rượu, mặt đỏ phừng phừng cầm gậy gộc xông tới chỗ Triệu Cam đánh Cam bầm tím mặt mày. Bọn con gái sợ hãi bảo nhau đứa nào đứa nấy cầm theo gầu nước, ôm lấy áo quần vừa giặt chạy vào trong núi. Cam cố giải thích nhưng đám thanh niên ấy càng ra sức đánh Cam. Máu mũi, máu mồm toe toét, nằm ngửa ra bờ suối, Cam than trách:
- Chả được cái mẹ gì. Anh Cường bảo mình tới đây, một mặt nương nhờ họ Mã ấy, mặt khác dò la tin tức về đám người áo đen ấy thế mà lại nhục nhã thế này. Còn mặt mũi nào mà về gặp cái lão già họ Mã ấy.
Cam thất thần, để mặc nước suối chảy qua người, chân tay sõng soài nghỉ vẩn vơ, mắt thao láo nhìn lên bầu trời. Người nhà của Mã Lăng Vi í ới gọi họ Triệu, Triệu Cam giật mình vội vàng lấy nước suối rửa mặt cho nhạt đi vết máu còn vương.
Nghe tiếng chân đi tới, Cam nằm ngửa ra bờ suối, đôi chân thả xuống dòng suối cho con nước lạnh toát chảy qua, rồi nhắm mắt vào giả ngất.
Lão họ Mã trông thấy chạy tới lắc đầu trách móc:
- Lão đệ ân nhân thật là… Chẳng gì trông mặt cũng đường hoàng tử tế mà lại suy nghĩ đồi bại như thế. Thật mất mặt lão quá.
Triệu Cam tức tối, nhổm người dậy khiến Lão Mã giật mình. Cam xa xả giải thích:
- Không phải như Lão Mã nghe từ bọn thanh niên ấy đâu. Là Cam tôi bị một toán áo đen bắt đi. Bọn chúng hỏi tôi về tình hình ở châu Phong, sau đó tôi mắng chúng nó mấy câu. Bọn nó đánh ngất tôi ném tôi ở bờ suối, lại còn lột hết quần áo tôi ra. Tỉnh dậy thấy có bọn con gái đang ở đó giặt giũ rồi. Chứ tôi nào có cái ý nghĩ đồi bại ấy. Hiểu lầm, hiểu lầm rồi.
Lão Mã nhìn ra sau gáy họ Triệu. Có vẻ tin lời Cam liền sai người dìu Cam về căn nhà trên núi. Suốt quãng đường đi Lão Mã dặn dò Triệu Cam chớ nên gây sự với bọn người áo đen. Bọn chúng được lòng dân bản, lại mang nhiều thóc gạo, muối hạt cho dân bản nên dân bản yêu bọn ấy lắm. Bản thân Lão cũng là một người sùng bái bọn chúng. Cam cũng đành phải tặc lưỡi mà sống chung với đám người cuồng đạo ấy.
Đi đâu Cam cũng nghe thấy đám dân Mán đó nói về chuyện áo đen, nhuộm răng đen cho giống với thần nhân họ Mã. Họ Mã kia là ai, họ Mã kia thế nào mà sao đám dân bản kia lại tôn sùng đến vậy? Cái suy nghĩ ấy không sao dứt ra được khiến Cam muộn phiền trong suốt hơn tháng trời ở trong cái xứ khỉ ho cò gáy ấy.
Một ngày kia, Hàn Ước bội ước với đám quân Nam Chiếu, hòng một mình chiếm lĩnh hết dải đất An Nam nên đã lệnh tấn công hàng loạt các cứ điểm ở phía tây Tống Bình, cướp phá thành trì ở Mê Linh rồi mang quân đóng bên bờ đông sông Lô. Lại nghe Lý Toàn giết ch.ết được Trương Sang ở thành Nà Lữ nên đám dân Mèo ngày trước theo Giàng A Kha lấy làm hả hê lắm mang theo khí giới, gậy gộc chiếm lại thành lũy ở các vùng lân cận Bình Nguyên khiến cho họ Triệu ở Châu Phong bất an.
Triệu Cường nghe trong dân chúng phía bắc châu Phong đang dần ngả theo đám người lạ mặt áo đen kia liền tức tốc sai Hỏa Cước Tốc Đinh Tráng giữ chắc huyện thành Gia Ninh. Cường còn sai thêm các tướng dựng thêm lũy ấp, chặn đường tiến của đám quân áo đen đang ngày càng bành trướng về phía nam để tránh khỏi sự cô lập giữa ba ngả quân địch.
Triệu Cường chưa kịp trở tay thì Họ Mã kia đã sai đám tù trưởng người Mán, Mèo đó nổi dậy chèo kéo các tộc khác trong vùng ly khai khỏi sự lệ thuộc châu Phong đang bất ổn, lại bị nhăm nhe bởi quân Đường.
Về phía Triệu Cam, hắn ngày ngày uống rượu cùng đám người Mán ở núi Lịch Sơn kia mà thay lòng, ngả theo bọn ấy. Triệu Cường mấy lần viết thư thăm hỏi đều bị Cam say rượu đốt đi. Cường viết thư cho vợ Cam đi cùng thì biết được việc Cam ăn chơi theo bọn áo đen rượu chè suốt ngày, bỏ bê việc mà Cường đã giao phó cho Cam từ trước. Cường cả giận liền cho binh lính tới Lịch Sơn thì bị Cam dẫn đội quân áo đen bắt trói bằng hết.
Đinh Tráng nghe tin binh mã dưới trướng bị bắt nên năm lần bảy lượt đứng dưới chân núi thóa mạ họ Triệu. Đến ngày gần xuất binh đánh quân triều đình, Cam dẫn một đội trung quân chừng hơn một nghìn người vào thành Gia Ninh quấy nhiễu.
Lúc bấy giờ, Triệu Cường mới chịu ra mặt để đàm phán với họ Mã. Họ Mã kia hành tung bí ẩn, Triệu Cường phải tới tận núi Tụ Long mới gặp được họ Mã, nhưng cũng chỉ trong giây lát.
Hai con người này nói qua loa vài lời thì Cường phát hiện ra điểm yếu của họ Mã. Hắn ta chỉ là một viên tướng của triều đình nhà Đường, bị ép phải bỏ chức quan mà về xứ chó đá gà sỏi này. Cường nắm được tâm tư của họ Mã, khéo dụ họ Mã mà hắn chịu nghe lời, không dám quấy nhiễu thêm.
Mối lo của Triệu Cường chuyển sang hết đám phản quân họ Dương – Đỗ và quân triều đình. Một bên là tình nghĩa xưa cũ, còn một bên chỉ là do họ Vương châu Phong gây hấn mà nên cái tội lớn phản nghịch trong mắt chính quyền đô hộ ở Tống Bình.
Lúc quân đô hộ quét sạch đất Mê Linh, đội quân của họ Triệu đóng tại hồ Điển Triệt cũng dần bị thất thế phải vượt sông Lô rút về phía tây. Triệu Cường viết thư cho Đỗ Sĩ Giao ngỏ ý xin hòa hoãn với quân họ Dương. Chí Liệt biết tin liền sai Sĩ Giao viết một lá thư hồi đáp Triệu Cường.
Lời của Chí Liệt mong muốn họ Triệu dốc toàn binh chống trả quân đô hộ, về phía quân Dương – Đỗ sẽ lựa kế điệu hổ ly sơn mà đánh vào các yếu điểm của quân đô hộ. Lại thêm quân Trường Châu đi theo lối bờ biển đánh vào các huyện Chu Diên, Nam Định và Lục Châu. Thế quân triều đình khi ấy ắt sẽ loạn.
Cường nhận thư mà mở cờ trong bụng liền sai các tướng sĩ dồn toàn lực cho mặt trận phía đông sông Lô. Ở mặt này, Hàn Ước sai hai tướng là Quách Thôi và Thi Nguyên năm lần bảy lượt chiêu dụ quân của Triệu Cường nhưng không tài nào dụ được nên nghe tin quân châu Phong rời thành Gia Ninh liền tức tốc sai quân vây chặt bờ đông sông Tam Đái lên đến hồ Điển Triệt ở phía bắc. Thi Nguyên sai Trình Mậu mang thêm năm nghìn binh từ thành Cổ Loa tới Mê Linh sẵn sàng ứng chiến với mặt trận phía nam thành Bạch Hạc.
Ở mặt trận phía nam Phong Châu, sau khi chiếm được châu Nam Từ và huyện Thái Bình, quân họ Hàn do Hà Bình Xuyên cầm một vạn binh đắp lũy ở núi Tản, nhiều lần vượt sông Đà đánh vào các trại binh phía nam thành Bạch Hạc. Quân Châu Phong bị tổn hao sức lực phần nhiều nên cố thủ trong thành. Họ Hà không có cách nào dụ ra được nên đã viết thư cho họ Hàn dồn sức phá thành. Họ Hàn ba lần nghe theo bọn hầu cận mà bác ý của Bình Xuyên.
Thế quân chuyển biến liên hồi, Hàn Ước nghe tin Ái Châu Đoàn Uyển bắt tay với đám hương hào châu Hoan, Diễn tập kết binh mã bên bờ nam sông Mã chuẩn bị vượt sông đánh vào Trường Châu. Quân đội của Dương Thanh buộc phải rút sâu về phía nam.
Huyện Vũ Bình, tướng giữ thành họ Điền là người Đỗ Động, trước theo họ Thi bị họ Dương, họ Đỗ bắt được nay lại có cơ hội để trả thù nên họ Hàn tin tưởng hắn giao cho việc trấn thủ cửa ngõ phía tây nam Tống Bình.
Hai tướng khác người Hoa Hạ là Hàn Lâm và Cao Đình Định dẫn binh dọc theo sông Đáy dựng lại các lũy cũ do Đỗ Phụng Quán đắp lên để chống trả quân họ Dương. Chí Liệt thường xuyên tập kích đánh ban đêm nhưng không đánh được nên đã bàn với Đỗ Sĩ Giao cho lui binh.
Tin tức từ các nơi báo về khiến họ Hàn ung dung tự mãn ở trong La Thành. Hàn Ước kéo một đội binh mã hơn tám nghìn quân từ huyện Chu Diên tới bờ đông sông Lô lấy lũy ấp ở hồ Điển Triệt tạo thành một cứ điểm. Nghe lời tay liễu tá họ Trần, Hàn Ước tiếp tục mang binh mã từ Châu Lục bảy nghìn người đi theo đường núi chiếm lại ải Nả Lữ và Phục Hòa.
Quân từ châu Ung, châu Quảng áp sát châu Bình Nguyên khiến đội quân áo đen phải rút sâu vào trong núi cao. Lo sợ bị mai phục nên Hàn Ước sai các tướng Vi Lung, Bàng Thụ không tiến quân vào châu Bình Nguyên mà đi theo đường Nà Lữ, tập kết tại núi Hiếu Sơn vượt sông Lô, sông Gâm đánh vào các ngả phía bắc của châu Phong.
Tháng chín, năm mậu thân (828), Phong Châu bắt đầu có những đòn phản công đầu tiên. Triệu Cường sai Hỏa Cước Tốc mang theo binh mã đất Lâm Tây hơn một vạn rưỡi hành quân theo hữu ngạn Đà Giang tập kích vào hai huyện Thái Bình, Vũ Bình. Việc hành quân bất ngờ từ xứ Man Hoàng khiến cho cánh quân do Điền Khảm và Hà Bình Xuyên có đôi chút hoảng loạn.
Trong lúc ấy, Hàn Ước lập tức điều thêm năm nghìn binh mã từ Tống Bình đi về phía tây phá tan quân tiên phong của họ Đinh. Đinh Tráng liền chia quân làm hai ngả đường tập trung đánh vào huyện Thái Bình.
Hà Bình Xuyên lập mưu cho họ Hàn:
"Tiểu tướng muốn dụ quân họ Đinh tới huyện Thái Bình, quân tiểu tướng sẽ rút hết khỏi thành huyện mà lên lũy cao núi Tản. Đợi khi quân họ Đinh đến thì lập tức từ trên núi đổ xuống đánh. Hàn đại nhân mang năm nghìn binh mã đánh trực diện từ phía đông, còn Điền Khảm rút binh từ huyện Vũ Bình đánh từ phía nam. Kế ấy sẽ khiến cho họ Đinh kia chẳng thể thoát khỏi tay ta."
Hàn Ước cho kế đó là phải nhưng vẫn đề phòng tăng viện từ huyện Chu Diên ba nghìn binh mã tới huyện Vũ Bình đề phòng tập kích từ quân họ Dương. Trần Khôn ở lại Tống Bình để giữ La Thành.
Hà Bình Xuyên theo kế sách đã bàn với Hàn Ước liền sai quân lính ra khiêu chiến với Hỏa Cước Tốc. Đinh Tráng thấy sức quân họ Hà không thể kháng cự được liền mang binh mã tấn công cấp tốc, dùng chính cái ưu điểm của họ Hà mà dùng.
Hỏa Cước Tốc liên tiếp cho quân mang theo thang xe, cung nỏ, gỗ lớn bọc sắt tấn công lên mặt nam của thành. Chỉ trong hai canh giờ, thành bị hạ, Hà Bình Xuyên buộc phải phá vòng vây rút về phía tây.
Hỏa Cước Tốc cho quân truy sát đến chân núi Tản Viên thì gặp một trận gió lớn, cát bụi mờ mịt, lá cây cuộn cao hình vòi rồng. Tì tướng của họ Đinh là Đàm Sơn dắt theo hai nghìn binh trông thấy vòi rồng cho là điềm báo dữ liền quay lại thành huyện Thái Bình báo cho Đinh Tráng.
Tráng vốn tính tình không quyết đoán nên nghe theo lời Đàm Sơn cho quân đóng trong thành huyện Thái Bình.
Trong đêm, Tráng uống rượu say, đứng lên trên thành nhìn về phía tây thấy quạ đen kêu quang quác, lại có ánh lửa bập bùng đang xông tới. Hỏa Cước Tốc liền chạy tá hỏa gọi quân lính dậy ứng chiến với địch.
Một vò rượu cháy quay vòng trên không từ phía nam bay qua cửa thành rơi trúng một mái nhà bên trong thành. Quân lính nháo nhác tìm nước dập lửa cháy mà nước càng đổ thì lửa càng lan ra rộng hơn biến thành huyện Thái Bình thành một chảo lửa.
Quân của Hàn Ước hò hét ở mạn phía đông, chẳng mấy chốc đã chiếm được bức tường thành phía đó. Hàn Ước sai quân lính mở cửa thành xông vào chém giết quân của Đinh Tráng ch.ết như ngả dạ.
Cả trăm mái nhà bị thiêu rụi, trẻ con người già chưa hết kinh hãi trận chiến khi sáng thì đã phải chứng kiến thêm cảnh khỏi lửa buổi đêm. Người nào may mắn thì trốn thoát được, kẻ nào không may đều chịu chung số phận với đám binh mã của họ Đinh.
Khí thế rợp trời, quân của Điền Khảm cũng nhanh chóng phá được cửa thành phía nam, bức thành nổ đôm đốp dưới ngọn lửa cháy dữ dội do quân lính của họ Điền phóng lên. Mùi dầu cháy, vải cháy và da thịt sẹm trong lửa đốt khiến không khí trở lên ngột ngạt. Quân lính của Điền Khảm vừa lấy tay bịt mũi vừa cúi đầu xông vào, nhiều đứa bị lửa rơi trúng đầu ch.ết cháy. Xác người đen trũi chất thành đống cao.
Điền Khảm buộc phải cho binh mã đi vòng sang phía tây hợp với quân của Hà Bình Xuyên đánh vào trong thành chặn mọi lối ra của họ Đinh. Nào ngờ có một đội quân từ phía bắc do một tướng mặt mày dữ tợn, giọng nói lơ lớ đất Vũ Bình xông tới, giọng quát tháo ầm ĩ:
- Cao Văn Trác chính là bổn tướng quân. Họ Điền kia còn không mau chịu trói.
Nghe giọng nói quen quen, Điền Khảm cầm mâu xông tới mắt nhắm mắt mở hỏi họ Cao:
- Là tên Văn Trác người Đỗ Động, ăn cơm họ Dương lại phản họ Dương. Nếu đúng thì lãnh của ta một mũi mâu.
Cao Văn Trác dũng mãnh cầm đao lớn sắc lẹm hắt ánh lửa làm lóa mắt họ Điền. Họ Điền cầm mâu đâm trúng mũ sắt của họ Cao. Văn Trác vẩy râu, quay lại cầm đao lia một đòn khiến ngựa của họ Điền ngã chúi đầu xuống đất. Họ Điền nhảy xuống đất chống cây mâu mắt sắc lẹm nhìn họ Cao mắng chửi:
- Thằng ăn bám nhà họ Liêu kia. Mày còn định ngang tàng đến bao giờ. Hà Bình Xuyên đã khôn ngoan đầu hàng Hàn đại nhân. Bọn chúng mày còn không biết trước sau chống lại triều đình.
Văn Trác vuốt râu, bổ một đao uy lực trúng đầu họ Điền. Khảm đỡ đòn rồi tháo chạy vào trong thành. Cửa thành mở toang, quân của Hàn Ước tiếp ứng cứu được Điền Khảm.
Dáng người nặng nề, Cao Văn Trác thúc ngựa đuổi theo mà ngựa yếu không thể chạy nhanh hơn. Họ Cao đành nhảy xuống ngựa, đạp chân xuống nền đất mềm nhão bị lún thụt không nhấc chân lên được.
Khảm quay lại cười lớn mỉa mai Cao Văn Trác. Văn Trác tức tối phóng dao nhỏ về phía Khảm. Họ Điền tránh được đòn hiểm, quay ra cười ngạo nghễ:
- Lại cái võ của họ Liêu ấy làm sao có thể làm gì được ta. Hay xem đòn cước của ta đây.
Điền Khảm tung người dùng đòn mâu chống đất đạp vào đầu của Văn Trác. Hổ tướng nhắm mắt chịu đòn, phía thân dưới vẫn cố gắng giẫy giụa nhấc chân khỏi chỗ đất bùn nhão mà không sao nhấc lên được.