Chương 19
Lần gặp thứ bảy và thứ tám
Nếu như lúc trẻ ta biết được...
Nếu như lúc già ta làm được...
San Francisco, 26 tháng Chạp năm 1976
Eliott 30 tuổi
02h01
Cả bệnh viện như đang chìm trong giấc ngủ, tiếng mưa rơi nhè nhẹ như ru.
Ilena nằm đó, trong bóng tối của một phòng bệnh nhỏ. Phía trên người cô, một giàn dây truyền dịch và trong miệng cô, một đầu ống của chiếc máy hô hấp nhân tạo, đôi mắt nhắm nghiền.
Ngồi bên cạnh cô, Eliott nhẹ nhàng kéo tấm chăn lên như sợ cô bị lạnh. Anh bàng hoàng đưa một bàn tay run rẩy về phía cô gái. Khi làn da hai người thoáng lướt qua nhau, anh có cảm giác như một lưỡi dao lam sắc bén vừa mới cứa một nhát thật sâu vào trái tim anh.
Đằng sau những vết thương sưng tấy và đôi môi tím ngắt, anh cảm thấy sự sống đang vật lộn để không tắt ngấm.
Một sự sống chỉ còn treo trên đầu sợi tóc.
Sẵn sàng đứt bất cứ lúc nào.
***
Cánh cửa phòng khe khẽ hé mở. Eliott quay người lại, tưởng rằng sẽ nhìn thấy cô y tá trực trên tầng.
Nhưng không phải cô ta.
- Phải phẫu thuật cho cô ấy thôi! Bản sao của anh thông báo bằng giọng không hề để cho anh phản đối.
Eliott đứng bật dậy.
- Phẫu thuật gì kia?
- Một cục máu đông trên não.
Hoảng hốt, anh bác sĩ trẻ nhấc mi mắt của Ilena lên, nhưng không hề nhìn thấy một sự mất cân đối của đồng tử nào chứng tỏ có máu đông ở não.
- Ông lấy cái tin đó ở đâu ra?
- Từ báo cáo tử vong. Nếu như cậu cho chụp cắt lớp, chính cậu cũng sẽ thấy...
- Khoan đã nào, Eliott tự vệ, chúng ta mới ở năm 1976. Máy móc hỏng hóc, phần mềm trục trặc liên tục, điều đó không nhắc ông nhớ lại gì sao?
Người kia không buồn trả lời, mắt tập trung vào kết quả điện tim đồ.
- Yêu cầu chuẩn bị phòng mổ ngay, nhanh lên! Ông vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc điện thoại treo tường.
- Khoan đã, cô ấy có rất nhiều vết thương lồng ngực: nếu mở ra lúc này, cô ấy có thể ch.ết.
- Phải, nhưng nếu không mở ra, rủi ro đó sẽ trở thành hiện thực.
Eliott suy nghĩ rồi lại đặt vấn đề theo cách khác:
- Mitchell không bao giờ chịu mổ cho Ilena nếu như chẩn đoán chỉ dựa trên cảm tính.
Ông già nhún vai:
- Đó là cậu nghĩ tôi sẽ để Mitchell mổ...
- Thế ai?
- Tôi.
Eliott đồng tình khi nghĩ đến chữ "tôi" đó cũng bao gồm cả anh, nhưng vẫn còn một trở ngại:
- Chỉ có hai chúng ta thì không thể tiến hành ca mổ được! Tối thiểu chúng ta phải có được một bác sĩ gây mê và một y tá.
- Bác sĩ gây mê đang trực là ai?
- Hình như là Samantha Ryan.
Người bác sĩ già gật đầu và nhìn đồng hồ treo tường.
- Hẹn cậu ở phòng mổ trong mười phút nữa! Ông vừa nói vừa rời khỏi phòng. Cậu chuẩn bị cho Ilena trước khi mổ, tôi sẽ phụ trách Ryan.
***
Eliott, sáu mươi tuổi, lao ra sảnh gần như trống trơn nơi phảng phất mùi ête đậm đặc. Để không ai để ý đến mình, ông đã cởi bỏ áo vest và khoác lên mình một chiếc áo blu trắng. Ông thuộc lối đi trong bệnh viện như chính lòng bàn tay mình và không mấy khó khăn để tìm ra phòng nhân viên nơi Samantha Ryan đang nghỉ.
- Chào cô, Sam, ông vừa nói vừa bật đèn lên.
Đã quá quen với những giấc ngủ bị cắt quãng giữa đêm, cô gái ngồi bật dậy và đưa tay che mắt để tránh ánh đèn làm chói. Cho dù khuôn mặt của người đàn ông này không hề xa lạ đối với cô, nhưng cô không tài nào nhớ ra nổi tên ông.
Eliott chìa cho cô một cốc cà phê, cô vừa nhận vừa lấy tay vén vài lọn tóc loà xoà trên mặt.
Đó là một cô gái khá đặc biệt: ba mươi tuổi, gốc Ailen, đồng tính và sùng đạo Thiên Chúa. Cô làm việc ở bệnh viện từ hai năm nay, sau khi đã cắt đứt quan hệ với gia đình cô ở New York, trong khi bố và các anh cô là những nhân vật quan trọng của NYPD. (NYPD: New York Police Department: Cục cảnh sát New York)
Trong những năm sắp tới, Eliott và cô sẽ trở thành bạn tốt của nhau, nhưng vào thời kỳ này Samantha vẫn là một người sống cô đơn, sống nội tâm và nhiều dằn vặt. Cô chẳng hề kết bạn với ai trong bệnh viện và đồng nghiệp đã đặt biệt danh cho cô là người tự kỷ.
- Tôi cần cô giúp cho một ca mổ, Sam.
- Ngay bây giờ ư?
- Ngay bây giờ. Một cục máu đông trong não cần phải được lấy ra ngay, bệnh nhân đang bị suy hô hấp.
- Cô gái tự tử phải không? Cô vừa hỏi vừa nhấp một ngụm cà phê.
- Chính xác.
- Cô ấy không thể qua khỏi được đâu, cô bình tĩnh nói.
- Điều đó, hãy để tương lai trả lời, Eliott đáp.
Cô mở một tờ giấy nhôm bọc vài chiếc bánh quy Oreo ra.
- Ai mổ? Cô vừa hỏi vừa nhúng chiếc bánh quy vào cốc cà phê.
- Tôi.
- Nhưng ông là ai mới được nhỉ?
- Một người quen biết cô.
Ánh mắt cô gái đụng phải cái nhìn của người bác sĩ, và trong một thoáng, cô giật mình, thoáng có cảm giác người đàn ông này nhìn thấu tâm can cô như đang đọc một cuốn sách...
- Phải thật nhanh lên, Eliott giục.
Samantha lắc đầu:
- Mitchell là người chịu trách nhiệm. Tôi không thể thực hiện một ca mổ bừa bãi được, người ta sẽ đuổi tôi mất.
- Cũng rủi ro đấy, Eliott thừa nhận. Tuy nhiên, cô sẽ giúp tôi...
- Tôi chẳng nợ nần gì ông cả, cô vừa nói vừa nhún vai.
- Tôi thì không, nhưng cô có món nợ với Sarah Leeves đấy...
Ông để ngỏ câu nói và cô nhìn ông hoảng hốt. Sarah Leeves là một cô gái điếm khốn khổ đã bước chân vào ngưỡng cửa bệnh viện hai năm về trước sau khi đã bị đánh đập dã man và lĩnh vài nhát dao đâm. Người ta đã mổ cấp cứu cho cô, nhưng cô đã không thể qua khỏi.
- Lúc đó cô vừa mới vào làm tại bệnh viện và cô trực ca ngày hôm đó, Eliott nhắc lại. Cô là môt bác sĩ gây mê giỏi, Sam ạ, một trong những người cứng tay nghề nhất, nhưng hôm đó cô đã phạm sai lầm nghiêm trọng...
Sam nhắm mắt và lần thứ một ngàn, hình ảnh đó lại hiện lên trong tâm trí cô: một thao tác nhầm lẫn, hai thứ thuốc bị tráo đổi, một sai lầm thuộc loại sơ đẳng và cô gái đáng thương ấy đã không bao giờ tỉnh lại.
- Cô đã khéo léo che giấu sai phạm của mình, Eliott nhận xét, và cũng phải nói thêm rằng cũng chẳng ai thèm quan tâm đến cô gái điếm đó.
Samantha vẫn nhắm mắt. Sai lầm ấy, cô đã phạm phải do thiếu cẩn thận. Sự thật là buổi tối hôm ấy, tâm trí cô đang để đi nơi khác. Cô đang mải nghĩ tới New York và người cha của cô lúc nào cũng mắng chửi cô là "đồ khốn đĩ rạc, đàng điếm", tới mẹ cô cứ ba giây một lần nhắc đi nhắc lại từ "nhục nhã" và tới các anh trai của cô đã tống cổ cô ra khỏi thành phố.
Khi cô mở mắt ra, cô nhìn Eliott, hoảng sợ.
- Làm sao ông biết được tất cả những điều đó?
- Vì chính cô đã kể cho tôi nghe.
Samantha lắc đầu. Cô chưa bao giờ kể về sự cố đó với bất kỳ ai, kể cả xưng tội. Trái lại, từ hai năm nay, cô đã đặt cả lòng tin của mình vào việc cầu nguyện không ngừng nghỉ, như để chuộc lỗi lầm. Hơn hết thảy, cô muốn quay trở về trước đó, sao cho cái ngày đáng nguyền rủa ấy chưa bao giờ tồn tại. Đã bao lần cô cầu trời ban cho cô một cơ hội để cô chuộc lại tội lỗi!
- Cứu một mạng sống để chuộc lại một cái ch.ết... Eliott nói như doán được ý nghĩ của cô.
Chần chừ vài giây, Samantha cài nút áo khoác và nói đơn giản:
- Tôi lên phòng mổ đây.
Eliott chuẩn bị nối bước cô thì ông bỗng cảm thấy bàn tay mình bắt đầu run lên.
Đến rồi ư!
Ông trốn vào trong toalét, may thay vào giờ giữa đêm này trong đó vắng tanh. Hoảng sợ, ông cảm thấy mình đang dần biến mất. ông cúi người xuống bồn rửa tay để vã nước lên mặt. Trái với Samantha, ông chẳng tin có Chúa song không vì thế mà ông không thử cầu nguyện.
Hãy để cho con mổ! Hãy để cho con được ở lại lâu thêm chút nữa!
Nhưng Chúa mà ông không hề đặt niềm tin chẳng thèm đếm xỉa tới lời cầu xin của ông và Eliott chẳng còn cách nào khác ngoài việc để cho mình bị hút vào lối mòn thời gian.
***
Ông tỉnh lại vào năm 2006, mệt nhoài ngồi trên chiếc ghế làm việc. Hoảng hồn, ông nhìn vào chiếc đồng hồ để bàn đặt lăn lóc trên giá sách: 02strong .
Ông vẫn còn một chút thời gian, với điều kiện ông phải quay trở về quá khứ ngay lập tức. Ông cuống cuồng nuốt vội một viên thuốc nữa, nhưng chẳng có gì xảy ra. Cũng phải thôi: chất thuốc đó chỉ có tác dụng trong giấc ngủ. Song ông lại đang quá lo lắng để có thể ngủ được như mong muốn. Ông vội vã lao ra hành lang và gọi thang máy để xuống nhà thuốc của bệnh viện. Tới nơi, ông tìm thấy một chai Hypnosène, một loại thuốc làm bất tỉnh dùng để chuẩn bị cho bệnh nhân trước khi gây mê. Ông gấp rút quay về phòng làm việc, vơ vội lấy một lần. Ông rút một lượng thuốc nhỏ ra và tự tiêm vào ven. Tác dụng gây ngủ chẳng mấy chốc đã đưa Eliott vào thế giới của mộng mị và ảo tưởng.
***
Cùng lúc đó, vào năm 1976, Eliott, ba mươi tuổi, vừa kết thúc công việc chuẩn bị cho Ilena trước phẫu thuật. Anh đã gọt sạch tóc trên đầu cô và vừa mới rút máy thở ra. Để cô có thể thở được trong khi di chuyển, anh dùng dụng cụ giúp thở cầm tay và đưa cô lên phòng mổ một cách kín đáo hết sức có thể.
Samantha Ryan đang chờ anh cùng với một nữ y tá. Trái lại, chẳng hề thấy bóng dáng bản sao của anh, cho tới khi anh nghe thấy có ai đó gõ vào lớp kính cửa. Vị bác sĩ già ra hiệu cho anh tiệt trùng và Eliott tiến ra chỗ ông đang nói năng gì. Gặp được nhau, hai người bác sĩ phẫu thuật cùng kéo tay áo lên tận khuỷu và chuẩn bị trong im lặng, xoa hai tay vào nhau theo đúng trình tự với thuốc sát trùng rồi khoác áo blu, đeo khẩu trang, găng tay cao su và mũ giấy vào.
Rồi cả hai cùng vào phòng mổ.
Eliott đứng lui lại một chút, để bản sao của mình điều khiển ca mổ. Ông ta có vẻ rất thoải mái, bình tĩnh, phối hợp từng động tác một để đặt Ilena lên bàn mổ. Ông để đầu cô ở tư thế thẳng, tránh mọi sự cử động căng cứng hoặc xoay bên. Ông biết cô có nhiều vết thương cột sống và không muốn làm chúng trầm trọng thêm bởi một thao tác quá khẩn trương.
Cuối cùng ca mổ cũng bắt đầu. Vị bác sĩ già hơn trong hai người cảm thấy một cảm xúc thật đặc biệt: đã hai tháng nay ông không mổ nữa và chưa bao giờ ông nghĩ đến chuyện lại cầm dao mổ lên. Các cử chỉ của ông thật chính xác. Theo thời gian, ông đã học được cách kiểm soát áp lực trong những thời khắc quan trọng. Ông biết chính xác cần phải mở chỗ nào, đôi tay ông không hề run, tất cả diễn ra tốt đẹp cho tới khi...
- Ai đã cho phép các người phẫu thuật thế này!
Mitchell vừa bước vào phòng và mặt ông trắng bệch vì tức giận. Ông nhìn lần lượt Samantha Ryan, Eliott và bản sao của anh.
- Người này là ai? Ông vừa hỏi vừa hất hàm về phía người bác sĩ phẫu thuật già, trong khi người đó bình tĩnh nhắc nhở ông:
- Anh chưa qua tiệt trùng, bác sĩ Mitchell, và anh còn bỏ sót một cục máu đông.
Tự ái, Mitchell đeo khẩu trang lên miệng và doạ:
- Mọi chuyện không thể diễn ra theo kiểu đó được!
- Ông phải qua tiệt trùng đi, Eliott nhắc lại, khiến vị bác sĩ dù tức giận điên lên vẫn buộc phải ra khỏi phòng.
Ca mổ tiếp tục tiến hành một cách yên ổn bất ngờ. Bên ngoài, bão gào thét và người ta có thể nghe thấy tiếng mưa quất ràn rạt vào kính và chảy trong ống máng. Eliott, ba mươi tuổi, nhìn bản sao ba mươi năm sau của mình với cảm giác ngưỡng mộ xen lẫn ngờ vực. Eliott, sáu mươi tuổi, vẫn đang tập trung vào công việc. Cho dù tất cả đang diễn ra suôn sẻ, phải thừa nhận rằng độ sâu và kích thước của cục máu đông cộng với tình trạng suy hô hấp của Ilena khiến cho việc tiên đoán khả năng sống của cô trở nên rất bấp bênh. Ông biết rằng trong trường hợp tốt đẹp nhất, tình trạng hôn mê của cô cũng sẽ gây ra tổn thương do thiếu máu cục bộ và để lại những di chứng nặng nề.
Bao nhiêu phần trăm cơ hội để cô có thể vượt qua được?
Về y học mà nói, khả năng sống sót của cô chỉ có năm phần trăm.
Và có thể chỉ có một phần nghìn may mắn để cô không bị di chứng.
Nhưng trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã học được cách nhìn nhận những con số đó một cách thận trọng. Ông đã từng biết những bệnh nhân mà các bác sĩ cho rằng chỉ còn sống được ba tháng, song lại sống tới mười năm. Cũng như ông đã từng gặp những ca mổ tưởng chừng như đơn giản song lại kết thúc bằng một thảm kịch.
Đó là điều ông đang tự nhủ với mình khi một luồng máu bắn toé lên mắt ông. Đó chính là thứ mà ông đã nghi ngờ: một vết tắc mạch do cục máu đông gây ra. Máu chảy nhiều ghê gớm, song ông đã kịp báo cho những người khác và máu được cẩn thận hút sạch. Ông cố gắng kiềm chế cảm xúc của mình, chỉ tập trung vào việc phẫu thuật, thậm chí không nghĩ tới việc mình đang mổ cho Ilena. Vì nếu như ông lại bắt đầu tưởng tượng ra hình ảnh của cô thì ông biết bàn tay mình sẽ bắt đầu run rẩy và mắt của ông có thể bị mờ đi.
Ca mổ tiếp tục tiến hành trong yên lặng cho tới khi Mitchell lại một lần nữa xuất hiện trong phòng mổ cùng với một bác sĩ trưởng khoa. Họ ghi nhận sự vi phạm quy chế bệnh viện, song không tìm cách cản trở ca mổ, và suy cho cùng thì ca mổ cũng đã đến hồi kết thúc. Ngay khi cảm thấy mình chuẩn bị đón chờ những đợt rung đầu tiên, Eliott, sáu mươi tuổi, quay về phía bản sao của mình và đề nghị:
- Tôi để cậu đóng lại nhé.
Ông cởi bỏ áo blu và mũ ra, tháo bỏ đôi găng tay dính đầy máu và nhìn đôi bàn tay: chúng đã chịu đựng được cú sốc mà không hề run rẩy, còn lâu hơn cả sự mong đợi của ông.
- Cảm ơn, ông thì thào, mặc dù chính ông cũng chẳng biết mình đang bày tỏ sự cảm kích với ai.
Đó là ca mổ cuối cùng của ông. Ca mổ quan trọng nhất của cuộc đời ông.
Đúng vào lúc ông biến mất, dưới những cặp mắt sững sờ của những người xung quanh, ông tự nhủ mình đã hoàn thành sứ mạng.
Từ giờ trở đi, ông không còn sợ ch.ết nữa.