Chương 14
“Lãm này, hôm nay tôi muốn đến một nơi. Không cần phải đợi tôi đâu. Đừng khiến cho bé con lo lắng.”
Tôi để lại lời nhắn trên bàn làm việc của anh rồi ôm túi ra khỏi nhà. Lúc này là giờ cao điểm của thành phố. Chuyện kẹt đường là chuyện muôn thuở. Tôi đứng đợi xe đến đón. Mấy hôm nay đặt xe cũng hơi khó khăn bởi vì con đường cạnh nhà chúng tôi bị hỏng nặng cần phải chữa lâu dài. Tôi đang đợi và rồi Vũ đến tìm tôi. Cũng có lẽ chúng tôi chỉ vô tình gặp nhau mà thôi.
- Anh vẫn chưa đi nước ngoài à?
- Vẫn chưa. Anh còn một chút việc chưa làm xong.
- Có phải vì cô ấy hay không nhỉ? – Tôi cho là như thế.
- Không phải, anh đâu yêu cô ấy, hừ! – Vũ thường hay làm cho tôi ngạc nhiên, ví dụ như lúc này vậy. Khi tôi đang định hỏi anh ấy một vài điều thì Vũ đã dừng xe của anh trước một cửa hàng bán hoa.
Tôi và anh không bàn về chủ đề nhàm chán rằng: “Anh có yêu ai hay không” nữa. Tôi mua một đóa hoa hồng trắng. Tôi tặng cho Vũ một bông hoa. Nó chẳng có ý nghĩa gì hết, đơn giản là tôi muốn tặng cho anh mà thôi.
Tôi ở lại nghĩa trang hơn tiếng đồng hồ. Có lẽ lúc đó Vũ đã lái xe quay về nội thành rồi. Lúc tôi trở về tới nhà của Lãm cũng đã là lúc chạng vạng tối. Bé con đang tập tô màu trên chiếc bàn nhỏ. Nghe thấy tiếng mở cửa liền ngó ra xem. Còn Lãm đang chuẩn bị buổi tối cho chúng tôi.
- Quyên này, tôi đã sắp xếp chuyện gặp David xong rồi, cô đã hoàn thành những bức tranh của cô chưa.
- Lát nữa tôi sẽ vẽ.
- Cô chắc chứ? – Thành Lãm có lẽ khá ngạc nhiên với quyết định của tôi.
Tôi chẳng ăn bữa tối của anh nấu bởi vì nó không làm cho tôi cảm thấy khá hơn. Tâm trạng của tôi khá tệ sau khi trở về từ nghĩa trang. Lãm dường như cũng hiểu điều đó nên anh đã không phiền tôi làm việc. Cả đêm đó, tôi đã không hề ngủ. Thứ duy nhất tôi vẽ trên khung giấy chính là đóa hoa đỗ quyên rừng trong trí nhớ hạn hẹp của tôi. Nó không ở trên triền đồi, nó cao vút trong gió và mây. Ảm đạm và lạnh lẽo biết bao nhiêu.
Khi mặt trời lên, tôi nghe thấy hơi thở của ngày mới. Tiếng người bán bánh mì phát ra từ chiếc loa cũ kỹ rè rè trong lòng thành phố. Cứ cách mấy vòng kim giây thì nó lại vang lên đều đều. Tôi xem lại tủ áo của mình. Chẳng có gì ngoài những chiếc áo sơ mi cũ sờn dính màu lem luốt. Tôi chán nản nằm bệt ra sàn nhà. Tôi chẳng có bộ quần áo nào ra hồn để gặp David. Người hoàn hảo như ông ấy hẳn là sẽ không thích một học trò lôi thôi như tôi nhỉ? Tôi cũng chẳng buồn nghĩ ngợi như thế mãi được nữa. Hơn 8 giờ sáng, Thành Lãm đưa tôi đến nhà hàng của anh. Dĩ nhiên David vẫn chưa đến.
Tôi cầm bức tranh vữa vẽ ban tối trong người, lặng lẽ ngồi đợi David. Lãm hỏi tôi rằng có căn thẳng hay không. Vẫn như mọi khi, tôi chỉ đáp cho anh một chữ “Không”. Câu trả lời của tôi khiến cho Thành Lãm bật cười. Nhưng thú thật nó chẳng buồn cười chút nào đâu. Đợi một lúc, David đã thật sự đến.
Thành Lãm dọn mấy món ngọt lên bàn, anh ở bên cạnh giúp tôi phiên dịch lại nội dung của cuộc trò chuyện. Bởi vì học thức tôi khá là tệ hại. Hai người họ trò chuyện với nhau khá sôi nổi bằng tiếng Ý, Thành Lãm thật kỳ diệu. Giọng điệu của anh làm cho tôi cảm thấy điều này. Theo quan sát của tôi, có lẽ David khá vui vẻ. Điều đó làm cho sự lo lắng trong lòng tôi vơi đi không ít. Một lúc sau, Lãm nói với tôi:
- Ông ấy muốn xem tranh của cô.
Tôi đưa bức họa cho David, ông ta xem lướt qua rồi trả lại cho tôi. Ông ta nói gì đó, vừa nói vừa nhìn sang cô gái, cô ấy cũng nhìn tôi cười. Thành Lãm trò chuyện với David một lúc, ông ấy đứng lên bắt tay với anh và tôi rồi bỏ đi. Tôi liền hỏi Lãm rằng ông ấy đã nói gì.
- Ông ấy nói bức tranh của cô buồn quá…
- Ý tôi là, ông ấy có thể mang tôi sang Ý không?
Thành Lãm nhìn tôi một lúc, anh không nói gì. Tôi nghe thấy tiếng thở dài. Và tôi cũng đoán ra được phần nào kết quả. Tôi không thể đi Ý.
Những ngày của mùa mưa đã đi qua như thế. Tôi đã không sống trong căn nhà của mình được một khoảng thời gian rồi. Mỗi lần nhớ đến mùi thơm của đất, của hoa hồng sau những cơn mưa rào là lòng tôi cảm thấy nôn nao. Một ngày nọ, tôi nhận được thư từ tòa án.
Lãm nói sẽ đi cùng tôi, nhưng tôi đã đề nghị anh đừng để Như Văn dính dáng vào chuyện này. Cái đêm bé con bị nhốt trong căn nhà bốc cháy kinh hoàng kia đã đem lại quá đủ ám ảnh đối với nó rồi. Nhưng Thành Lãm không đồng ý với quan điểm đó của tôi. Anh cho rằng bé con là nhân chứng cũng là nạn nhân để kết tội Nhật Lệ. Nhưng Thành Lãm không hiểu, những ám ảnh kia đáng sợ như thế nào. Tôi không muốn bé con sống trong nỗi sợ hãi suốt đời như tôi. Vì thế hôm ấy, tôi và anh đã cãi nhau một trận khá to. Và trong cơn tức giận, tôi đã ôm hết quần áo bỏ đi.
Tôi gặp lại họ ở phiên tòa. Dường như tất cả bọn họ đều rất mệt mỏi. Nhật Lệ đứng trước vành móng ngựa cuối đầu nhìn cái còng tay xám ngắt trói chặt tự do của cô. Đáng đời những kẻ ngông cuồng. Còn mẹ, mẹ của tôi vẫn đứng về phía đứa con riêng của chồng bà. Mọi lỗi lầm của Nhật Lệ đều vì tôi mà ra theo cách biện bạch của họ. Hôm nay, Vũ không xuất hiện. Có lẽ anh đã đi nước ngoài rồi. Đột nhiên tôi nhớ đến câu nói của anh trong hôm mà anh chở tôi đến nghĩa trang rằng anh không yêu “cô ấy”.
Phiên tòa kết thúc, mẹ và dượng của tôi cũng không chung đường nữa bởi vì Nhật Lệ đã bị kết án hai năm tù. Họ đã chia tay kể từ hôm từ đồn công an trở về. Đó là những tin tức mà tôi nghe người ngoài phong phanh đồn thổi. Nhưng sự rạch ròi hôm nay phần nào đã chứng minh cho những tin đồn mà tôi nghe được là sự thật.
Tháng 11, tôi tham dự một cuộc thi hội họa của thành phố. Cái tên của tôi không còn xa lạ đối với những người trong nghề nữa. Điều đặc biệt của cuộc thi này chính là vị giám khảo được mời đến từ Ý. Và việc tôi đoán ra David cũng không mấy khó khăn. Cuộc thi là một tổ chức hoạt động từ thiện nên được tổ chức ở quãng trường thành phố. Theo thể lệ thì những bức họa xuất sắc nhất sẽ được bán đấu giá để quyên góp vào quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc mà da cam.
Tôi gặp lại Thành Lãm trong cuộc thi, anh cùng bé con đứng bên ngoài và có vẻ như Thành Lãm chẳng hề muốn nói chuyện với tôi chút nào đâu. Sau khi lằng nhằng cả một trời những nguyên tắc, thủ tục thì chúng tôi mới bắt đầu được cầm bút vẽ trên tay. Những họa sĩ khác đều rất giỏi, họ đã nhanh chóng phát thảo được chủ đề của mình. Tôi cũng không bâng khuâng nhiều hơn được nữa. Tôi bắt đầu vẽ lại đóa hoa đỗ quyên chênh vênh trong gió, hòa lẫn vào mây trời lạnh lẽo. Nhưng lần này, chúng thật sự chênh vênh trên triền núi xa tít tắt. Những đóa đổ quyên ấy có màu đỏ rực như chính máu đang chảy trong huyết mạch của tôi vậy.
Tôi dùng bút chì, đề mấy chữ lên phía góc bức họa như thường lệ:
“Đóa hoa này làm cho tôi nhớ đến ba yêu dấu của tôi.
Khi đỗ quyên nở rộ, con gái Quyên của ba cũng chào đời.”