Chương 13: Làm việc tận tâm
Hai ngày sau, Kiệt tới nhà ông bá hộ để nhận việc. Chú cậu- Hoàng Văn Đinh cũng đi cùng.
- Kiệt tới rồi đấy hả, cả chú Đinh nữa, sang dẫn cháu đi làm à!
- Dạ thưa ông, cháu đưa chú cháu sang đây, là để chú ấy phụ cháu một vài vấn đề, vì cháu là dân không chuyên về nghề mộc, sợ nói với thợ họ không hiểu rõ, có chú cháu giúp đỡ vẫn hơn.
- Ái chà, nhóc nghĩ thế cũng là đúng, nhưng ông nói trước, 5 đồng một cái máy là 5 đồng một cái máy, không có tăng thêm tiền trả cho chú mày đâu.
- Vâng!- Kiệt và Đinh đều đồng thuận điều này từ trước. Việc Đinh tới đây làm gần như không công thực ra không khác gì đi tu nghiệp nghề mộc đồng thời là thực tập việc quản lý cho Hoàng Văn Đinh. Đúng vậy, Kiệt định để chú mình sau này sẽ là một người quản lý nghề mộc. Với những kiến thức của mình, sẽ là không quá khó khăn nếu Kiệt muốn chế thêm những món đồ có tác dụng vượt quá sự tưởng tượng của người dân thời này. Nhưng có một vài vấn đề nhỏ, là cậu chắc chắn bản thân không bao giờ có đủ thời gian để giám sát việc chế tạo, lắp ráp, kiểm tr.a những món đồ này. Chú Đinh là chú ruột của Kiệt, là người mà cậu có thể tin tưởng, chú ấy có kinh nghiệm về nghề mộc, dù không cao nhưng có thể bồi đắp dần đủ để không bị qua mặt, chỉ có kinh nghiệm làm quản lý là chưa có nên giờ phải dắt chú ấy đi học.
- Kiệt này, giờ dân làng có ý muốn thuê nhiều, ta cũng đã tính toán lại, nên không phải là 4 máy bơm, mà là 10 máy, cháu làm nổi không?
- 10 máy cơ à!
- Đúng thế!
- Thưa cụ, vậy cháu nên đi gặp thợ ngay.
- Ừ, Linh đâu, dẫn Kiệt vào chỗ mấy ông thợ đi.
Những người thợ mà Bá hộ Đào thuê đều là từng là người trong làng, họ có tay nghề cao nên thường đi khắp các chợ tỉnh chợ huyện làm đồ mộc, ít khi quay lại làng. Nhưng giờ đang mùa xuân, họ quay về nhà ăn tết và lễ chạp trong vòng hai tháng, nên Bá hộ Đào mới có thể mời họ tới làm.
- Cháu chào các chú các bác.
- Chào các bác! Lại gặp nhau rồi!
- Ừ, chào hai chú cháu.
- Chú Đinh dạo này vẫn làm việc tốt chứ.
- Dạ, cũng đủ no ấm.
- Cái nghề mộc ở làng này thì có ai cạnh tranh được với chú mày. Cứ như chú mày hóa lại hay, một mình một cõi.
- Giá mà chú mày có tay nghề khá hơn một tý, bọn anh không ngần ngại dẫn chú theo mà tranh cơm với thiên hạ đâu.
Mấy ông thợ kẻ tung người hứng, chế giễu ông chú của Kiệt. Ngày xưa họ vốn là đồng môn, học cùng một ông thợ mộc, nhưng nhà ông bà Kiệt lúc đó quá nghèo nên chú Đinh không đủ tiền mà học tới nơi tới chốn, thành ra ông là người kém cỏi nhất trong những người cùng học nghề mộc, và trong khi những người khác ra ngoài tìm việc nhờ tay nghề tốt, Đinh phải trở lại làng do không đủ năng lực. Cũng may là vì thợ mộc trong làng hầu như đã ra ngoài tìm việc nên Đinh thành thợ mộc duy nhất trong làng, công việc tập trung hết vào một tay anh nên cũng đủ sống. Nhưng với những người bạn đồng môn của Đinh, anh ta là một kẻ kém cỏi, không làm được việc lớn.
- Vâng, cũng mong lần này được các anh chỉ bảo để biết thêm ít nghề mà kiếm cơm.- Đinh từ lâu đã quen với việc bị những người thợ mộc cùng làng chế giễu, hơn nữa cũng biết mình kém, nên không giận giữ.
- Các chú, mong các chú tập trung một chút ạ, vì cháu tin là các chú chưa biết về thứ mình cần phải làm, nên cháu hy vọng mọi người nghe cháu nói, không xen ngang, làm ồn,… Được chứ ạ! Nếu có điều muốn hỏi, mọi người giơ tay lên cao để cháu thấy và hỏi.
- Được rồi!
- Vâng, giờ cháu xin nói về thứ chúng ta phải chế tạo, nó là một cái máy bơm nước dùng sức gió.
- Cái máy là cái gì?
- Sao lại bơm nước dùng sức gió nhỉ? Phải là dùng sức nước chứ! Mà tên nó là xe nước cháu ơi.
- Hay là nó làm cái xe nước để gió thổi à?
- Mọi người, mọi người. Các chú các bác lại quên rồi, ai muốn hỏi gì, giơ tay lên, cháu gọi thì nói, vì cháu không muốn phải nói đi nói lại nhiều, được không ạ.
- Rồi, rồi!
- Bây giờ, ai có câu hỏi đầu tiên ạ!
- Cái gì gọi là máy vậy.
- Dạ thưa, đó là một thứ mà có khả năng hỗ trợ con người làm một việc gì đó. Ở đây là máy bơm nước chạy bằng sức gió có nghĩa là nó là thứ có khả năng giúp chúng ta bơm được nước, hoạt động nhờ gió thổi.
- Nó tự bơm nước à.
- Cũng giống cái xe nước thôi chú, có điều còn này chạy nhờ gió thổi, nguyên lý lại khác một tý. Lát mình ra thực tế, nhưng giờ cháu vẫn còn cần phổ cấp một số vấn đề chung đã.
- Được rồi, thằng cháu cứ nói.
- Bọn ta đang nghe.
- Rồi, vấn đề đầu tiên, là về nguyên mẫu, do cháu hay chú cháu kỹ năng làm mộc đều chưa cao, nên khi làm ra cái nguyên mẫu rất là xấu, lại sai, nên lát nữa khi ra các chú các bác cho ý kiến đóng góp để ta cùng sửa, sau đó thử nghiệm, khi nào thấy tương đối được thì mới bắt tay làm những cái thực tế. Chắc các bác các chú cũng biết lương được trả theo sản phẩm, còn hàng ngày chỉ ăn uống không thôi, nên ta càng đẩy nhanh tiến độ cải tiến sản phẩm, thì càng nhanh làm sản phẩm hoàn chỉnh, có thế tiền lương mới nhanh đến tay.
- Cái đó thì bọn tao biết rồi.
- Cái thứ hai, là về vấn đề nói chuyện, cháu nhớ rằng mình đã nhắc mọi người nhiều lần, nhưng cháu vẫn phải nhắc lại một lần trước khi ta ra thực tế, là mọi người cần trật tự khi cháu nói, giải thích về máy. Nếu cứ phải giảng đi giảng lại thì sẽ rất tốn thời gian. Mọi người cũng muốn xong sớm mà, đúng không ạ. Vậy mọi người trật tự lắng nghe khi cháu nói, có gì thắc mắc xin giơ tay.
- Được rồi, bọn này biết rồi.
- Vậy chúng ta ra thực địa.
Mọi người kéo nhau ra chỗ cái máy bơm, lúc này đang được buộc cánh để khỏi quay. Nước thì từ hôm qua Kiệt đã cho bơm đầy bể chứa dưới chân khu vực nuôi giun, và sáng nay thì đã tưới cho lũ giun, xong lại bơm đầy tiếp. Kiệt bắt đầu dùng một cái que dài và nhỏ, chỉ vào từng bộ phận chính của máy bơm, giải thích từ tên gọi, nguyên lý hoạt động, tác dụng của bộ phận đó với hệ thống. Dù đã nhắc nhở trước nhiều lần, những người thợ vẫn liên tục xì xào bán tán, và tất nhiên sau đó lại không nghe đủ được nội dung cần truyền đạt.
Ban đầu, Kiệt tức giận, liên tục nhắc nhở, yêu cầu những người thực sự có uy tín trong đám thợ hỗ trỡ giữ trật tự, nhưng cũng không ăn thua lắm, các ông thợ này gần như không chịu nghe lời. Kiệt định tìm Bá hộ Đào nhờ ông nhắc nhở đám thợ thì chú Đinh đột nhiên nháy mắt.
- Cháu định đi tìm Bá hộ Đào để ông ta ra nhắc nhở đám này à?
- Vâng!
- Cháu ơi, đám người này với nhà tác không thân cũng chả quen, cháu định thực lòng dạy bọn nó cách làm hay là sao.
- Chú nói thế là sao ạ?
- Mày cứ làm mẫu thôi, rồi bắt bọn nó tự làm theo, thấy đứa nào làm tốt nhất thì bảo bọn kia làm theo nó.
- Không được, nếu để làm theo thôi thì cháu đã chả cần phải yêu cầu thợ giỏi, cỡ như chú mà làm đi làm lại nhiều tự khắc làm được thôi.
- Mày thử nghĩ xem, chú mày học nghệ không tinh nên mày nói chú hiểu mà lát chú có muốn cũng làm không nổi, nhưng bọn này có tay nghề, mày mà dạy bọn nó hiểu cặn kẽ là chúng nó sẽ làm còn tốt hơn cả cháu ấy chứ. Lúc ấy, lão Bá hộ Đào đá mày đi, thuê bọn kia về làm, thì mày ăn mắm con ạ.
- Nhưng nếu không giải thích cặn kẽ cho họ, họ sẽ không hiểu tại sao lại cần phải làm như thế, thậm chí những chỗ cần để ý họ không để ý làm, rồi hỏng hóc xảy ra thì sao. Ta đã nhận lời làm việc cho người ta thì phải làm cho tới nơi tới chốn chứ chú. Còn việc chú sợ Bá hộ Đào dùng họ thay chân ta thì cháu hiểu, nhưng cháu tin rằng làm thế thì người lợi là ta, chứ chả phải ai khác.
- Lợi cho mình, lão mà không thuê mình nữa thì lấy tiền đâu ra mà …
- Chú cứ yên tâm, không lo thiệt đâu.- Kiệt cười trấn an,
Khi nghe Kiệt tới đề nghị việc chấn chỉnh tác phong làm việc của đám thợ, Bá hộ Đào cũng ngạc nhiên, ông ta cũng nghĩ như chú Đinh rằng Kiệt phải tìm cách giữ bí mật. Nhưng cũng vì thế, khi thấy Kiệt thực lòng thực dạ chỉ dạy, ông ta hăng hái hỗ trợ, ra tận nơi yêu cầu đám thợ phải tuân thủ những gì Hoàng Anh Kiệt yêu cầu. Được sự hậu thuẫn của Bá hộ Đào, việc giảng dạy của Kiệt diễn ra trôi chảy hơn nhiều, các bác thợ cũng nhanh chóng tiếp thu được những vấn đề cậu đề ra.
Cũng đúng như Kiệt mong muốn, bởi vì tiếp thu đầy đủ kiến thức cơ sở về cái máy, hiểu rõ những điểm mấu chốt của chiếc máy, nên khi tiếp xúc thực tế với các chi tiết mà Kiệt làm, họ không bỡ ngỡ, không còn phải mày mò làm thử, mà có thể trực tiếp áp dụng kỹ năng nghề mộc, tìm ra những chỗ mà Kiệt khi làm đã làm sai, làm không đúng, có thiếu sót,… trong quá trình chế tạo.
Ví dụ như ở bộ phận khớp nối giữa thanh truyền và tay quay, yêu cầu trục nối giữa hai bộ phận vừa phải giữ chúng không trượt ra, vừa phải có chuyển động xoay tương đối giữa hai bên, không như Kiệt phải làm chốt chặn, vừa tốn gỗ, lại dễ gây va chạm giữa các chi tiết họ trực tiếp làm một cái trục có vành ngoài to hẳn ra để ngăn không cho chi tiết trượt ra, sau đó cưa đôi, lắp chi tiết vào, rồi dùng đinh đóng lại. Quả thực là mưu thầy mẹo thợ, tri thức sách vở cộng thêm kinh nghiệm thực tế chuẩn đã làm công việc hanh thông.
Chiếc máy đầu tiền nhanh chóng được hoàn thành, mang ra thử thì quả thực tốt hơn cái máy mà Kiệt tự làm rất nhiều. Bá hộ Đào thỏa mãn, liền khao cả thợ với chú cháu Kiệt một bữa linh đình. Xong xuôi, ông ta còn mạnh tay thưởng nóng vài đồng, không quên đốc thúc Kiệt làm thêm nhiều máy cho kịp vụ nông. Kiệt đáp ứng, và liền mấy hôm ở rịt chỗ làm để đốc thúc công việc, kiểm tr.a sản phẩm, vô cùng tận tụy.