Chương 28: Ngồi rỗi ôn lại chuyện ngày xưa
Gã toan cất bước thì ba hán tử kia đã vào trong điếm.
Du Hữu Lượng thấy thời cơ cấp bách khẽ bảo thiếu nữ:
- Chúng ta đi lẹ lên! Ba người kia có chuyện xích mích với tại hạ.
Thiếu nữ giương mắt lên hỏi:
- Sợ gì chúng? Bọn chúng biết điều ngồi yên ăn uống thì thôi. Nếu chúng lớn mật dám sinh sự thì đánh một chập cho bõ ghét.
Du Hữu Lượng năn nỉ:
- Hảo cô nương! Tại hạ chẳng muốn động thủ với ba người đó, huống chi mình không địch nổi họ. Chúng ta hãy lánh đi một chút rồi sẽ tính.
Thiếu nữ không phục hỏi:
- Công tử úy thủy úy vỹ như vậy thì sao đáng mặt đại trượng phu?
Tuy ngoài miệng cô nói thế, nhưng trong lòng không nỡ, cô từ từ đứng dậy.
Giữa lúc ấy cầu thang lầu có tiếng bước chân nhộn nhịp. Ba đại hán thong dong đi lên.
Mọi người vừa nhìn thấy nhau, ba đại hán đã biến sắc. Nhưng họ lập tức nhẫn nại nhìn hai hán tử chắp tay nói:
- Lâm nhị ca, Đồ tam ca! Lâu nay không được gặp.
Lâm nhị ca gượng cười, Đồ tam ca vội hô hoán:
- Ba vị huynh trưởng từ Bạch Hà Trang chẳng quản đường xa ngàn dặm tới đây việc trợ. Thật là nghĩa khí ngàn thu. Tiểu đệ rất khâm phục!
Ba đại hán đồng thanh đáp:
- Đồ tam ca dạy quá lời. Chuyện năm trước anh em tiểu đệ trót lỗi lầm. Nay trong phái có việc, khi nào lại không đến liều mạng.
Ba người trung khí đầy rẫy đồng thời phát thanh như tiếng chuông đồng.
Lâm nhị ca tính tình khoáng đạt mau lẹ, trong lòng cao hứng nói:
- Tiểu đệ nhận thấy ba vị trong mấy chục năm nay mới được câu này thật đứng đắn. Đúng là kẻ sĩ cách biệt ba ngày đã mỏi mắt trông chờ.
Gã đã vui dạ thì bao nhiêu hờn giận đều bỏ hết, tiếng lại cầm tay vỗ vai rất thân thiết.
Du Hữu Lượng thừa cơ bọn chúng đang hàn huyên, lén lút xuống lầu.
Thiếu nữ vừa tức mình mà chẳng hiểu ra sao, nhưng cũng đi theo chàng. Khi cô nhớ tới mối thù về vụ Du Hữu Lượng đã đoạt sâm vương của ba người thì chàng đi đã xa rồi.
Du Hữu Lượng vừa đi vừa hỏi:
- Không hiểu Du Sơn thôn ở chỗ nào?
Thiếu nữ đáp:
- Ở đây đi về phía Tây chừng mười lăm dặm là tới.
Du Hữu Lượng nói:
- Cô nương biết đường thì hay quá rồi.
Thiếu nữ lạnh lùng hỏi:
- Làm gì mà hay?
Du Hữu Lượng đáp:
- Cô nương không nghe thấy bọn chúng bảo đêm nay ở Du Sơn thôn có cuộc tụ hội đêm? Chúng ta tới đó để coi náo nhiệt.
Thiếu nữ lộ vẻ vui mừng nói:
- Câu này mới đáng mặt nam tử hán. Tiểu muội cứ tưởng công tử nhát như cáy, trái mật chỉ lớn bằng hạt đậu.
Du Hữu Lượng cười đáp:
- Ở trên tửu lầu mà xảy cuộc động thủ thì làm tan tành đồ đạc của người ta.
May mà mình thắng được cũng phải bồi thường tổn hại. Như vậy há chẳng là tự rước lấy phiền não vào mình? Ồ! Tại hạ nhớ ra rồi. Cô nương là người sẵn tiền nên chẳng quan tâm điều đó.
Thiếu nữ thè lưỡi ra nói:
- Du công tử! Công tử quả là người đọc sách biết lễ, đâu có như tiểu nữ không được gia giáo, chẳng hiểu đạo lý là gì.
Du Hữu Lượng đáp:
- Không dám Không dám! Cô nương...
Chàng chợt nhớ tới mình nói toàn những câu bông đùa như vậy là vô ý thức, liền dừng lại.
Thiếu nữ nói ngay:
- Úp úp, mở mở, muốn nói lại thôi. Như thế là tâm bất chính. Có điều tiểu muội chẳng muốn truy cứu làm chi chỉ những chuyện vô vị.
Du Hữu Lượng đột nhiên hỏi:
- Lần trước cô nương có đem theo thị vệ cùng võ sĩ. Sao bây giờ chẳng thấy ai hết?
Thiếu nữ đáp:
- Công tử nhớ dai thật. Mấy tên võ sĩ thủ hạ của tiểu muội hai bữa trước đây đã xin nghỉ và bận việc. Không hiểu bọn chúng đi đâu?
Du Hữu Lượng hỏi:
- Cô nương đối đãi với người tốt quá! Bọn họ ăn lộc... của nhà vua, tưởng phải hết lòng tận trung, sao lại tùy tiện ly khai chủ nhân.
Thiếu nữ đáp:
- Mấy người đó võ công rất cao thâm và nghe đâu lại là những nhân vật có tiếng tăm ở ngoài quan ải. Cửu ca của tiểu muội phải mất nhiều tâm lực mới thu phục được họ. Bọn họ đối với tiểu muội nửa là nô bộc nửa là bạn hữu.
Du Hữu Lượng tự hỏi:
- Những anh hùng ở phái Trường Bạch sao lại cam tâm tự hạ như vậy? Họ làm vây cánh cho người Mãn Thanh ư? Chẳng hiểu ngoại công có biết hay không?
Chàng trầm ngâm một chút rồi hỏi:
- Bản lãnh mấy người đó đều khá lắm. Có phải họ ở phái Trường Bạch không?
Thiếu nữ gật đầu đáp:
- Đó chính là bọn Tứ đại pháp vương dưới trướng chưởng môn phái Trường Bạch. Ba người này là Phong Lôi Pháp Vương, La Hán Pháp Vương và Thần Lực Pháp Vương.
Du Hữu Lượng chấn động tâm thần. Tuy chàng lìa nhà từ thủa nhỏ, nhưng sư tôn Đại Thiền Tông ở Tây Tạng biết nhiều hiểu rộng. Bao nhiêu môn phái trong hoàn vũ lão trông rõ như lòng bàn tay, nên chàng cũng biết tên gần hết các môn phái trên chốn giang hồ. Chàng nghĩ trong bụng:
- Tứ Đại Pháp Vương là những tay trợ thủ rất đắc lực cho ngoại công mà ba người này đã quy hàng nhà Thanh thì phái Trường Bạch tan nát rồi ư?
Chàng nghĩ tới đây trong lòng rất xao xuyến và biết là công việc đêm nay không phải giản dị. Chàng liền nhìn thiếu nữ nói:
- Cô nương! Tại hạ có việc muốn thỉnh cầu cô.
Thiếu nữ cười đáp:
- Mấy khi được Du đại công tử nhờ tới. Tiểu nữ nguyện nhảy vào dầu sôi lửa bỏng để báo đền ơn tri ngộ.
Cô nói nửa đùa nửa thật, nét mặt vui mừng hớn hở, ngửng đầu lên nhìn Du Hữu Lượng để chờ chàng ngỏ lời.
Du Hữu Lượng nghiêm nghị nói:
- Câu chuyện đêm nay không chừng có mối quan hệ rất lớn với tại hạ. Chúng ta ở vào tình thế vạn bất đắc dĩ, xin cô nương đừng động thủ.
Thiếu nữ tưởng chàng cầu việc gì khó khăn, không ngờ chàng lại xin mình đừng động thủ. Cô lấy làm thất vọng đáp:
- Công tử tưởng tiểu muội ham đánh nhau lắm chăng? Chẳng cần biết rõ xanh, đỏ, trắng, vàng đã cùng người động thủ hay sao? Hừ! Thật là... có mắt không tròng.
Du Hữu Lượng nói:
- Cô nương là người thông tuệ, tính tình lại ôn nhu thành thật. Tại hạ ngưỡng mộ vô cùng.
Thiếu nữ liếc mắt nhìn thấy chàng nói bằng một giọng rất thành khẩn, trong lòng lại cao hứng, nhưng rồi cô lại bâng khuâng nghĩ ngợi không hiểu chàng chân tâm hay giả vờ, lúc nào chàng cũng cười nói dí dỏm, ung dung nho nhã. Thật khó mà biết được những chuyện gì có thể làm cho chàng chân chính cảm động.
Thiếu nữ nói:
- Công tử nói hàng ngàn hàng vạn cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì chỉ một câu tiểu muội cũng không phân được chân giả. Tiểu muội chỉ hy vọng nghe công tử nói một câu tự đáy lòng thốt ra.
Cặp mắt trong suốt của cô nhìn thẳng vào mặt Du Hữu Lượng.
Du Hữu Lượng chậm rãi đáp:
- Chân hay giả thì chuyện hãy còn đó, khi đến việc cô nương sẽ rõ.
Thiếu nữ đỏ mặt lên cúi xuống không nói nữa. Hai người đi tới khách sạn liền vào nghỉ.
Du Hữu Lượng bụng bảo dạ:
- Nếu đêm nay mà gặp được ngoại công thì mọi việc đều dễ dàng. Cả tấn thảm kịch ngày trước cũng tìm ra được manh mối.
Chàng nghĩ tới hồi còn nhỏ được ngoại công bồng bế cưng chiều. Những hình ảnh ngày xưa lại bày ra trước mắt. Chẳng bao lâu chàng đã thành người lớn, e rằng ngoại công bóng đã xế chiều.
Chàng nhớ mùa xuân năm đó, chàng được phụ thân đưa đến Tây Tạng và ân cần dặn bảo:
"Lượng nhi! Khi mẫu thân ngươi mang thai thì bị nội thương âm độc.
Chất độc âm hàn trong mình ngươi chỉ có Đại Thiền Tông là giải được. Vậy ngươi chịu khó rèn luyện nội công cửa Phật ở nơi Thiền Tông. Nếu không thế thì e rằng khí hàn độc phát tác khó bề cứu vãn. Vài năm nữa gia gia sẽ qua thăm ngươi".
Năm ấy chàng mới lên năm tuổi, trông theo bóng gia gia mất hút vào trong quần sơn. Chàng quay đầu nhìn lại Đại Thiền Tông thấy lão bão tướng trang nghiêm. Khi đó chàng còn nhỏ tuổi đã sinh lòng kính sợ.
Thời giờ thấm thoắt, mấy năm qua vẫn không thấy phụ thân chàng trở lại thăm nom. Đại Thiền Tông đối với chàng hết lòng giáo huấn. Có thể lão vừa làm sư phụ, vừa làm phụ thân của chàng.
Năm Du Hữu Lượng mười bảy tuổi, Đại Thiền Tông đóng cửa tham luyện Đại Hàng Ma Pháp có bảo chàng:
- Hữu Lượng! Khí âm hàn trong mình ngươi đã hết rồi, ngươi lìa nhà thấm thoắt đã mười mấy năm, nên về thăm nhà đi!
Lúc ấy Du Hữu Lượng trong lòng quyến luyến không nỡ dời tay. Thiền Tông mỉm cười nói:
- Quang âm thấm thoắt, chẳng mấy chốc đã mười mấy năm trời, đời người ngắn ngủi, Si nhi! Ngươi là một cao đồ của Thiền Môn bên Tây Vực ta, mà bước tiền đồ rộng lớn khôn lường, nên về nước đi!
Chàng quay đầu nhìn lại thấy nét mặt Thiền Tông mỉm cười. Cặp lông mày rủ thấp, lão không nói gì nữa. Chàng buồn bã xuống núi, quay đầu nhìn lại thì Thiền Tông đã vào phòng rồi.
Du Hữu Lượng đi về phía Đông vào giữa ngày Dương Liễu mọc chồi, chim Yến về Nam, đúng là lúc mùa xuân. Nay chàng tính lại đã mười hai năm qua.
Ngày trước lúc chàng nhìn bóng sau lưng gia gia bị núi che khuất, nhưng bây giờ thế núi gập ghềnh chàng cũng coi như đất bằng chẳng có gì hiểm trở nữa.
Càng đi về phía Đông, cây cỏ càng xanh tốt. Nét mặt của song thân chàng hãy còn phảng phất. Nhưng lúc ra đi cô em chàng lớn tiếng gọi:
- Đại ca ca! Ca ca đi rồi trở về mau!
Thanh âm còn văng vẳng bên tai, chàng hận mình chẳng thể mọc cánh để bay về Sơn Hải Quan cho lẹ.
Chàng đi được một lúc thì thấy phía trước ánh lửa ngất trời. Chàng chấn động tâm thần chàng chạy thật nhanh. Ngọn lửa đã gần kề khí nóng bốc lên phừng phừng mà lòng chàng lạnh như băng tuyết.
Chàng khấn trời cho mình về được bình yên, nhưng đã chậm mất rồi. Nhà vườn đều cháy thành bình địa. Song thân và cô em gái không thấy đâu. Chàng đứng trước đống lửa như ngây như dại. Ngọn lửa tắt dần. Ọe một tiếng chàng thổ máu tươi ra.
Du Hữu Lượng gắng gượng trấn tĩnh lần vào bới đống tro xương của song thân hay muội muội. Chàng chẳng thể phân rõ được xương của song thân hay muội muội. Chàng đành hốt vào trong một cái hũ sành đem lên táng ở sườn non. Sau chàng không chống nổi, hôn mê rồi ngất xỉu.
Du Hữu Lượng đã thổ máu nhiều. Khi chàng tỉnh dậy, gắng gượng điều tức.
Môn nội công của Đại Thiền Tông quả nhiên hiệu dụng phi thường. Chàng đau khổ đến cùng cực rồi dần dần cũng bình tĩnh lại.
Du Hữu Lượng bị bệnh hơn một tháng. Hàng ngày chàng chỉ kiếm những trái cây rừng để ăn cho đỡ đói.
Khi chàng khỏi bệnh thì người không còn hình thù gì nữa. Chàng biết lúc này có nóng nảy cũng bằng vô dụng, đành điều dưỡng mấy ngày để khôi phục tinh thần rồi mới ra đi tìm kiếm dấu vết kẻ thù.
Hồi ấy ngoại công chàng cũng mất tích. Hàng ngày chàng ra đi mà chẳng được ích gì.
Một hôm, ngẫu nhiên chàng trở về chỗ an táng hài cốt song thân tính ra đã mấy tháng rồi mà chỗ đó không một ngọn cỏ nào mọc được. Cả những cây cỏ ở chung quanh cũng khô héo, vàng úa. Chàng rất lấy làm lạ kỳ, tự hỏi:
- Chẳng lẽ... chẳng lẽ trong cốt hôi cũng còn chất kịch độc?... Hay là... Gia nương ta đều bị trúng độc mà thác?
Chàng nghĩ tới đây tự nhiên như người trong bóng tối lóe ánh đèn sáng. Tuy trong lòng chưa chuẩn đích, nhưng đã bụng bảo dạ:
- Ta phải nghĩ xem ngoài quan ải những ai là người chuyên dùng độc trong võ lâm, không chừng do đó mà kiếm ra manh mối.
Rồi chàng lại nghĩ:
- Tại sao địch nhân hạ độ thủ đúng vào ngày ta trở về? Đây là chuyện ngẫu nhiên hay là độc kế đã được an bài từ lúc trước. Khi đó ta hồn lạc phách xiêu, sao địch nhân không hạ thủ để nhổ cỏ trừ gốc?
Vấn đề này xoay chuyển trong đầu óc chàng không biết ngàn mấy vạn lần mà vẫn chưa tìm ra được đáp án.
Qua hai năm Du Hữu Lượng đã tìm khắp bên trong và bên ngoài quan ải thì đột nhiên phát giác ra Bách Độc Giáo mới quật khởi trên chốn giang hồ. Giáo phái này phóng độc rất thần diệu lại nổi tiếng là thủ đoạn tàn độc. Chẳng bao lâu bạn hữu giang hồ nghe đến đều khiếp sợ.
Bách Độc Giáo dần dần khuếch trương địa thế. Người võ lâm thấy họ tới đâu là phải bỏ đi.
Du Hữu Lượng chú ý đến hành động của Bách Độc Giáo và đã đôi ba phen động thủ với Độc giáo đồ. Bọn giáo đồ này võ công cũng tầm thường thôi. Một số người đã hạ độc vào mình Du Hữu Lượng nhưng chẳng ăn thua gì, vì trong bọc chàng vẫn mang theo trái Hùng hoàng châu ngàn năm. Đó là thứ khắc tinh kiềm chế bách độc. Nhờ nó mà tay chàng đã bốc hết hài cốt của song thân mà không bị trúng độc.
Sư phụ chàng là Đại Thiền Tông đã cho chàng hay võ công của gia gia chàng cao thâm khôn lường, trên đời ít người địch nổi. Thế mà trong khoảnh khắc gia gia chàng bị nhà tan người ch.ết thì võ công của địch nhân cao thâm đến trình độ mới nghe thấy đã phải sợ run.
Từ ngày chàng yên trí cơn gia biến nhà chàng tất có liên quan đến Bách Độc Giáo, nhưng chàng chưa chạm trán một tay cao thủ chân chính của giáo phái này.
Một hôm chàng đã mỏi mệt quay về phần mộ của song thân. Đột nhiên chàng nghe hai người đang bí mật bàn bạc với nhau. Chàng động tâm liền ẩn nấp để nghe lén thì thấy thanh âm trầm trầm cất lên:
- Tình thế ngoài quan ải đã yên rồi, chúng ta cần chú ý đến giới võ lâm ở trong quan ải. Hiện nay trừ lão quỷ họ Triệu, Vân Long Ông cũng đáng ngại, còn ngoài ra mình bất tất phải bận tâm lo nghĩ.
Tiếng người khác hỏi:
- Vô Vi lão đạo phái Võ Đương, hòa thượng phái Côn Luân đều là những nhân vật ghê gớm, ta coi thường thế nào được?
Thanh âm trầm trầm lại cất lên:
- Lão quái này! Ngày trước lão bị bại về Vô Vi đạo trưởng thành ra sợ mất mặt. Ha ha! Lão quái ơi! Mấy người đó lão phu đã an bài rồi. Sau đây mấy bữa là lão quái sẽ được trả thù rửa hận.
Thanh âm lạnh lẽo đáp:
- Tại hạ trả thù được hay không, các hạ bất tất phải quan tâm. Chỉ cần nhắc các hạ một câu là mấy người đó mà không ch.ết thì e rằng khó lòng hoành hành ở Trung Nguyên được.
Thanh âm trầm trầm nói:
- Lão quái hãy kiếm được họ Ôn cho ta. Huyết Hà đại trận của họ Ôn đủ khiến cho Võ lâm thất tử phải đầu hàng.
Thanh âm kia lại nói:
- Bình sinh tại hạ chẳng làm việc gì mà không hưởng lộc. Sau khi thành sự, các hạ đền đáp bằng cách gì?
Thanh âm trầm trầm đáp:
- Nửa bức sơn hà về phía Tây Bắc sẽ dành cho lão quái phát triển Ma Giáo.
Thanh âm lạnh lẽo nói:
- Lão độc huynh! Tiểu đệ nghe nói lòng dạ lão huynh độc như rắn rết nhưng rất giữ tín nghĩa. Vậy chúng ta cứ thế.
Hắn nói xong rảo bước ra đi. Thân pháp cực kỳ mau lẹ coi chẳng khác loài quỷ mỵ. Chỉ còn lại con người tiếng nói trầm trầm.
Dưới ánh trăng, Du Hữu Lượng nhìn thấy sắc mặt rất thê thảm tựa hồ không còn một chút sinh khí. Dường như lão còn chờ đợi ai...
Du Hữu Lượng không dám lơ là. Chàng nằm phục ở phía sau phần mộ chú ý lắng tai. Sau một lúc bỗng nghe tiếng còi gay gắt vọng lại.
Người kia nổi lên cười tràng khành khạch khiến người nghe phải lạnh xương sống. Nhưng mặt lão vẫn trơ như người ch.ết. Du Hữu Lượng tỉnh ngộ lẩm bẩm:
- Té ra hắn đeo mặt nạ.
Tiếng còi mỗi lúc một gần rồi bóng người thấp thoáng. Một thanh niên anh tuấn lối ba chục tuổi tới kính cẩn lạy phục xuống đất nói:
- Thưa sư phụ! Vụ này ghê gớm lắm! Đồ đệ sợ mình ít người nên phải quay về xin chỉ thị của sư phụ.
Lão đeo mặt nạ đáp:
- Hảo hài tử! Thật ta làm cho ngươi phải nhọc lòng. Vụ này ta đã xếp đặt đâu vào đấy.
Thanh niên kia thấy sư phụ nói năng hòa nhã liền ngửng đầu lên, thì đột nhiên một luồng kình phong chụp xuống đỉnh đầu, tựa hồ sức mạnh ngàn cân đè nén. Gã lớn tiếng la:
- Hảo tặc tử!... Tiểu gia có làm quỷ... cũng không tha ngươi.
Gã chưa dứt lời bỗng nghe đánh "chát" một tiếng. Đầu gã bị đánh bể, máu tươi vọt ra đầy người sư phụ.
Du Hữu Lượng bở vía. Chân chàng sơ ý đạp vào đống đất khẽ phát ra tiếng động. Người đeo mặt nạ mặt đầy những máu giơ tay áo lên lau. Miệng lảm nhảm:
- Thế là cả nhà Đàm Đức Quân đều ch.ết về tay ta. Thằng lỏi này khôn ngoan lắm, trà trộn ở bên mình ta mười năm. Nếu gã không nóng nảy toan hạ độc hại ta thì ta cũng chưa khám phá ra được gốc gác của gã. Ta sai gã đi giết người bạn của cha gã, mà gã khôn ngoan tìm cách thoái thác. Ha ha!... Đây lại là một lần nữa chứng mình tâm địa của gã.
Người che mặt ra tay đánh ch.ết ái đồ tuyệt không một chút bi ai.
Hắn ngừng tiếng rồi đột nhiên quay về phía Du Hữu Lượng ẩn thân lớn tiếng hô:
- Thằng lỏi kia! Mau mau chường mặt ra đi!
Du Hữu Lượng biết hình tích đã bị bại lộ, liền chạy ra kêu thét lên:
- Sao lão... lão lại đánh ch.ết người?
Người kia lạnh lùng đáp:
- Chẳng những lão phu giết mà còn giết cả ngươi nữa.
Lão vung tay đánh vào trước mặt Du Hữu Lượng bằng một thủ pháp cực kỳ mau lẹ.
Du Hữu Lượng thấy thân hình cùng luồng lực đạo của lão che mặt tự biết mình không địch nổi, có ra tay cũng bằng vô ích. Chàng liền liều mình để cầu sống, cứ đứng yên không né tránh.
Phát chưởng của người che mặt gần dáng xuống tới nơi thì đột nhiên thu kình lực về hạ tay xuống điểm vào huyệt trước ngực chàng.
Du Hữu Lượng liền thi triển quy tức công của sư phụ, dấu hết công lực toàn thân.
Người che mặt chẳng hiểu sâu nông, thu kình lực về hỏi:
- Tiểu tử! Ngươi không hiểu võ công ư?
Du Hữu Lượng giả vờ không nghe tiếng miệng tiếp tục la làng:
- Lão tùy tiện giết người. Sau này tất bị người chém ch.ết.
Người che mặt cười khành khạch đáp:
- Lão gia muốn giết ai là giết người đó. Còn lão gia thì thượng đế cũng chẳng làm gì được.
Du Hữu Lượng hít một hơi chân khí rồi trợn mắt lên hỏi:
- Trên đời còn có vương pháp, chẳng lẽ lão cũng không biết ư?
Lão nổi lên tràng cười hô hố. Tiếng cười mỗi lúc một lên cao. Hồi lâu tiếng cười thấp dần đi. Lão trỏ vào khu vườn nhà bị đốt cháy tan hoang nói:
- Đôi vợ chồng chó má nhà này là kẻ thù của lão gia. Trên đời rất ít người địch nổi chúng mà lão gia còn ra tay hạ sát hết. Ha ha! Làm gì có người hạ sát được lão phu!
Du Hữu Lượng nghe nói khác nào sét đánh vào đầu. Kẻ thù chàng tìm kiếm mãi không ra, hiện giờ ở ngay trước mắt. Ngày đêm chàng mong mỏi tìm thấy hắn để ăn tươi nuốt sống. Bây giờ kẻ thù ở ngay trước mặt, bầu nhiệt huyết sôi lên, chàng toan liều mạng.
Bỗng người che mặt lớn tiếng la:
- Trên sườn đồi này sao lại có ngôi mả kia? Thằng lỏi con!... Mi đối với Du Huyền Thanh là người như thế nào?
Du Hữu Lượng tính thầm một lát, bao nhiêu mối xúc động đều tiêu tan hết.
Chàng giả vờ ngơ ngác đáp:
- Tại hạ không biết.
Người kia ngó chàng bằng cặp mắt hung dữ rồi đột nhiên chỉ tay vào mũi chàng cất giọng trào phúng:
- Ha ha! Ngươi là con Du Huyền Thanh thì sao? Lão phu... lão phu chờ ngươi đến kiếm ta đó.
Thanh âm này suốt đời chàng không quên được. Trước đây chưa lâu chàng lại nghe thấy ở miệng Du lão nhị trong bọn Du thị song hiệp ở Trường An.
Nhưng Du lão nhị bị chàng ra tay đánh ch.ết. Lạ ở chỗ bản lãnh Du lão nhị kém người này xa, mà thanh âm thì lại giống hệt.
Bữa nay Du Hữu Lượng ra ngoài quan ải, bao nhiêu hiện tượng ngày trước lần lượt bày ra trước mắt chàng.
Trời đã hoàng hôn, thiếu nữ ngồi trong phòng cũng buồn thiu nhưng cũng không đến kiếm Du Hữu Lượng.
Du Hữu Lượng trầm ngâm tiếp tục ôn lại những chuyện kinh thiên động địa.
Sau hai năm và trong khoảng thời gian này, chàng không hấp tấp đi tìm kiếm địch nhân Đại Thiền Tông truyền thụ Hàng Ma Đại Pháp cho chàng, mười phần chàng đã học được sau. Chàng tự lượng thấy công lực đã tăng lên gấp bội liền chuẩn bị vào trong quan ải và phát thệ:
Nếu không trả được thù thì chẳng trở về nữa.
Một hôm trời đã xế chiều, vũ trụ hôn ám. Chàng đi đường mấy chục dặm mà không thấy có nhà ở. Đột nhiên trước mặt hiện ra một ngôi chùa. Chàng cả mừng là có chỗ trú mưa.