Chương 26: Tư Tưởng Chống Hán Hóa
Cho nên Đinh Liễn muốn nước Đại Cồ Việt không bị Trung Hoa đồng hóa thì ngay bây giờ phải định quy tắc cho riêng mình. Tuy nhiên, tư tưởng Nho môn lại là thứ quyền lực mềm, công cụ tốt để bảo vệ quyền lợi cho hắn và hoàng tộc.
Nếu sử dụng thì tốt cho mình, bất lợi cho dân tộc. Nếu không sử dụng thì có lợi cho muôn đời nhưng quyền lực, địa vị bản thân sẽ bị lung lay. Thực rất mâu thuẫn. Đinh Bộ Lĩnh chính là lâm vào mâu thuẫn không lời giải này cho nên cứ chần chừ mãi việc trọng dụng Nho môn trong triều đình. Bi kịch ngày hôm nay sâu xa không phải không có nguyên nhân.
Hắn sẽ không đi theo vết xe đổ của người cha tiện nghi kia. Cái thuận lợi là kiếp trước hắn là dân nghiên cứu, các loại tư tưởng, chủ nghĩa triết học, Đông - Tây hắn đều biết và đã từng nghiên cứu, phân tích ưu nhược. Thế nên hắn có nhiều dữ kiện để so sánh, đánh giá và áp dụng. Đinh Bộ Lĩnh không được tiếp xúc với nhiều loại tư tưởng nên gặp khó khi đi vào ngõ cụt.
Tư tưởng chủ yếu thời này vẫn là Phật - Đạo - Nho nhưng có sự khác biệt lớn. Trong khi tư tưởng Phật - Đạo thiên về quản lý cá nhân con người, tu tâm dưỡng tính với mục tiêu giải thoát linh hồn hướng về các thế giới vô hình, siêu nhiên thì chỉ có tư tưởng Nho môn là bao gồm toàn diện và thực tế. Từ quan điểm quản lý cá nhân như Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đến quản lý quốc gia, xã hội.
Cái lợi thứ hai là hắn chuyển sinh vào những năm đầu của Vương triều, Đinh Bộ Lĩnh cũng chưa hoàn thành các quy tắc vận hành thế nên việc hắn nhào nặn đất nước như thế nào cũng được, rất ít lực cản.
Nhưng cái khó khăn mà hắn gặp phải cũng không ít. Thời đại loạn lạc, dân chúng bưu hãn, dã tính khó thuần, điển hình của một xã hội vô pháp luật, vô tổ chức. Người với người, thế lực với thế lực đụng mâu thuẫn là cầm dao, kéo người đâm chém cái đã, thắng thua, phải trái tính sau.
Cái tính này mãi cho đến thế kỷ 21 vẫn còn. Điển hình như việc đụng chạm khi tham gia giao thông, thay vì xem xét đối phương có bị thương hay không thì lao vào chửi rủa, chửi không lại thì vung nắm đấm vào nhau, biết bao nhiêu vụ xô xát dẫn đến thương tật, tử vong vì thế.
Trong học đường học sinh ưu tiên nói chuyện với nhau bằng nắm đấm, ở nhà vợ chồng ưu tiên nói chuyện với nhau bằng chén bát, ở ngoài đường đụng chuyện ưu tiên nói chuyện với nhau bằng gạch đá...thế nên hắn sẽ phải nỗ lực rất nhiều và rất lâu mới có kết quả.
Cái khó thứ hai là hắn phải tự mày mò, nghiên cứu, chọn lọc những cái phù hợp để áp dụng vào thực tế. Nhiều dữ kiện đồng nghĩa với nhiều sự lựa chọn, cũng có nghĩa là sẽ phải cân, đo, đong đếm rất nhiều, rất mất thời gian. Hơn nữa hắn còn phải tìm cách thuyết phục bá quan văn võ , những người có nhân sinh quan, thế giới quan khác hắn rất nhiều.
Một mình hắn sao có thể làm nổi khi hắn không có sự đồng ý của các cộng sự cấp dưới. Dù cho hắn là Vua cũng không thể. Người dưới không thông sẽ không làm, nếu có làm vì sợ uy quyền của hắn thì cũng làm một cách đối phó theo kiểu " trên có chính sách, dưới có đối sách", hoặc làm sai, làm bậy gây hậu quả nghiêm trọng.
Xưa có câu nói: ngu dốt + nhiệt tình = phá hoại, nhưng nếu ngu dốt + nhiệt tình + quyền lực thì không những là phá hoại mà còn là đại thảm họa.
Chính trị đâu phải là chuyện trẻ con, là trò đùa như trong tiểu thuyết. Mẹ nó, mấy thằng ranh éo hiểu gì về chính trị mà cứ viết như đúng rồi làm hại bao nhiêu thanh thiếu niên ảo tưởng sức mạnh, lúc nào cũng mơ xuyên không về Cổ Đại lập hậu cung làm ngựa giống.
Cái gì mà "tỉnh thì lật tay làm mưa, say thì gối đầu lên đùi mỹ nhân ngủ" vớ va vớ vẩn. Cứ tưởng làm vua làm chúa, làm công chúa, hoàng tử là sướng. Mỡ đó mà húp...
Thế nên, hắn còn phải suy nghĩ, cân nhắc toàn vẹn để tìm được điểm chung trong tư tưởng với những cộng sự trong thời đại này, như vậy mới có thể thuyết phục họ tự nguyện mà làm công. Hazz.
Hắn sẽ không đi làm tất cả mọi thứ, như thế thì mệt ch.ết, lại không đủ thời gian, tinh lực. Hắn có cả một triều đình, nếu hắn làm hết thì tụi kia là lũ ăn hại à. Vua chúa ngày xưa vì sao thường hay ch.ết sớm? Một nguyên nhân là do bản thân họ lựa chọn làm nhà lãnh đạo kỹ trị, cái gì cũng muốn nhúng tay từ việc hậu cung đến việc quốc gia đại sự, từ việc lông gà lông tỏi đến việc cầm quân đánh giặc.
Cứ tưởng thế là hay, là giỏi, là uy phong, là quyền lực. Quả thật ngu không ai bằng. Nếu cứ bình loạn, đánh giặc mà Hoàng Đế cứ phải ra trận thì binh tướng dùng để làm cái gì? Nếu cứ tự tay khen thưởng, xử phạt...thì quan lại dùng để làm gì?
Hắn kiếp này chỉ đóng vai trò là kẻ dẫn dắt, người gợi ý, còn lại đều sẽ giao việc, phân quyền. Công việc của hắn là xây dựng hệ thống, chế độ, định ra thể chế, hướng dẫn vận hành. Xong đâu đó thì hắn chỉ cần ngồi đó giám sát, bảo trì, điều chỉnh là xong.
Giống như thế giới kiếp trước, hắn sẽ phải đóng vai trò như ông tổ kinh doanh mạng (MLM). Công việc là đi xây dựng hệ thống, sao chép, vận hành. Sau khi có được một hệ thống đã vận hành tốt, hắn chỉ cần định kỳ giám sát, phân phát canh gà ( chickens sup) và ngồi đếm hoa hồng. Thời gian đầu sẽ rất vất vả nhưng càng về sau sẽ càng nhàn hạ.
Phía dưới bá quan văn võ đang im lặng chờ đợi. Đinh Liễn thì trầm tư, hai ngón tay gõ cạch cạch xuống Long ỷ như chiều đang cân nhắc và suy nghĩ. Mọi người không ai dám cắt đứt mạch tư tưởng của hắn. Thế nên thời gian cứ chầm chậm, trôi qua.
Khi mọi người tựa như đã hao hết sự kiên nhẫn thì tay hắn dừng lại, đầu ngẩng lên, lưng ngồi thẳng tắp. Hắn từ tốn nói:
"Khi trẫm mơ gặp Quốc Phụ Lạc Long Quân, ngài có than thở rằng con cháu bất hiếu. Không những diện tích, lãnh thổ bị đoạt, chữ viết bị mất, triết học tư tưởng bị trộm, văn hóa bị xâm nhập đồng hóa. Ngài rất đau lòng. Ngài giao cho ta và các ái khanh một nhiệm vụ khôi phục vinh quang của dòng giống Con rồng cháu tiên , đoạt lại đất đai, thần khí đã mất, khôi phục văn hóa của cha ông ta.
Trẫm tự nghĩ trẫm sẽ không thể làm được nếu thiếu sự trợ giúp của các khanh. Các khanh chính là giường cột, là căn cơ, là tinh hoa của cả dân tộc. Thế nên trẫm cần các khanh đoàn kết, chân thành, nỗ lực, kiên trì cùng Trẫm, cùng hoàng tộc thiết kế lên một tương lai huy hoàng, một đất nước phồn vinh.
Ước mơ của trẫm là nguyện cho dân tộc này trở thành nhân vật chính của thời đại, nguyện cho vinh quang của Bách Việt tỏa khắp muôn nơi. Nơi nào có ánh sáng chiếu tới, nơi đó có lãnh thổ, có uy danh của chúng ta. Các ái khanh có nguyện ý?"
Nghe lời nói chân thành, nhiệt huyết và chí nguyện cao xa của Đinh Liễn, tất cả bá quan văn võ máu nóng lên đầu, hào khí xung thiên, quỳ xuống hô lớn:
“Nguyện cho dân tộc trường tồn, nguyện cho vinh quang Bách Việt chiếu sáng muôn nơi...”
Sau ba lần hô lớn, tinh thần của mọi người đã tốt hơn. Ngay cả những người thuộc phe đối lập cũng bị chinh phục. Điều này làm cho Lê Hoàn, Phạm Cự Lãng vô cùng lo lắng. Bọn họ đã bị loạn tiết tấu và mất dần sự khống chế với thế cục. Lúc này, Đinh Liễn giơ hai tay làm dấu hiệu ngưng lại:
“Các ái khanh bình thân”
"Người xưa có câu : hổ ch.ết để lại da, người ch.ết để lại tiếng. Thời điểm này rất quan trọng. Chúng ta chính là những người chế định pháp luật, quy tắc. Cho nên cần nhất là sự đồng lòng, quân thần một dạ. Ai đi ngược lại ý chí của đất nước, của dân tộc kẻ đó sẽ bị đào thải và bêu danh muôn đời.
Quốc phụ cũng nói với ta, người nào có công sẽ được ban thưởng khí vận, phúc phần, tiền tài, danh vọng. Kẻ nào chống đối, phá hoại, tội lỗi sẽ bị chặt đứt khí vận của bản thân, gia tộc, con cháu.
Mất đi khí vận như mất đi chính nghĩa, dòng dõi lụn bại, tuyệt tử tuyệt tôn, muôn đời bị đày đọa phỉ nhổ. Cho nên các ái khanh phải nhớ, trước khi làm gì cần cân nhắc thật kỹ, tay đã nhúng chàm khó mà sạch, không vì bản thân cũng vì gia tộc con cháu".
“Trời đất vốn chia Nam, Bắc, Đông, Tây, người mỗi nơi phong tục mỗi khác. Lấy nguyên cái của người đắp nặn vào mình là trí của kẻ ngu si. Cái tốt của người chưa hẳn đã tốt với mình. Mà cái tốt nhất của mình chính là cái phù hợp nhất.
Triều ta không thể bê nguyên xi phong tục, tư tưởng của người Hán vào làm cái của mình. Như vậy, có khác nào chúng ta thừa nhận sự kém cỏi, phụ thuộc? Nếu cả dân tộc đều học theo cái nết ấy thì phải chăng chúng ta thừa nhận mình đã bị đồng hóa, xác người Việt mà hồn người Hán?
Hơn nữa, người xưa có câu : phú quý sinh lễ nghĩa. Nghĩa là khi nghèo thì đừng sĩ diện học đòi văn vẻ, lễ nghi như người giàu. Khi giàu rồi ắt sẽ sinh lễ nghĩa đi theo. Nay nước ta mới thành lập chưa bao lâu, chế độ chưa hoàn thiện, dân chúng chưa quy tâm, ngoại bang đang lắm le muốn cướp nước, quốc khố thì chưa đầy, dân ta chưa giàu, nước ta chưa mạnh.
Nếu cứ áp dụng nguyên xi lễ nghi phương Bắc thì vừa hao tài, tốn bạc, vừa khổ quan, khổ dân. Vì cái danh hư vô mà tổn hại lợi ích dân tộc ta nghĩ Tiên Đế trên trời có linh thiêng cũng đau lòng lắm thay. Cho nên tang lễ của Tiên Đế cần phải giản dị, vừa đủ sự kính trọng, vừa đủ với khả năng. Các ái khanh thấy sao?”
Bách quan gật đầu cùng hô:
“Bệ hạ thánh minh...”
.----------