Chương 73
CŨNG TAY BỐC HÀNH LÝ ẤY ĐANG TRỰC. Một mình. Anh ta đang ngồi ườn trên ghế sau quầy mà lờ đờ nhìn vào khoảng không. Nơi sảnh có mấy tấm gương cũ mờ đục. Chiếc áo khoác của tôi phồng lên phía trước. Tôi thấy như mình có thể nhìn rõ hình thù tay nắm khẩu MP , đường cong của băng đạn và đầu nòng. Nhưng tôi biết mình đang nhìn gì. Tôi cho là tay bốc hành lý thì không.
Tôi bước tới chỗ anh ta mà hỏi, “Nhớ tôi chứ?”
Anh ta không trả lời có. Chẳng bảo là không. Chỉ làm điệu bộ nhún vai có thể hiểu kiểu gì cũng được, mà tôi cho là lời mời đàm phán để ngỏ.
“Tôi không cần phòng,” tôi nói.
“Thế ông cần gì?”
Tôi lấy ra khỏi túi năm tờ hai mươi đô. Một trăm đô. Gần như toàn bộ số tiền tôi còn lại. Tôi phẩy phẩy mấy tờ giấy bạc để anh ta có thể thấy cả năm con số gồm hai chữ số rồi đặt lên quầy.
Tôi nói, “Tôi cần biết các số phòng anh đã cho người ta vào trú lúc khoảng nửa đêm.”
“Người nào?”
“Hai phụ nữ, mười ba đàn ông.”
“Lúc khoảng nửa đêm chẳng có ai đến.”
“Một trong hai người phụ nữ là một con nhỏ ngon lành. Trẻ. Mắt xanh sáng. Không dễ quên.”
“Chẳng ai đến hết.”
“Anh chắc chắn chứ?”
“Chẳng ai đến hết.”
Tôi đẩy năm tờ giấy bạc về phía anh ta. “Anh hoàn toàn chắc chứ?”
Anh ta đẩy trả mấy tờ giấy bạc ngay lại.
Tay bốc hành lý nói, “Tôi thích lấy tiền của ông, tin tôi đi. Nhưng tối nay không có ai tới cả.”
Tôi không đi tàu điện ngầm. Thay vào đó tôi đi bộ. Một rủi ro có tính toán. Đi bộ thì tôi đâm ra dễ lộ mặt hơn trước đám nhân viên điều tr.a liên bang vô tình có mặt quanh đó, nhưng tôi muốn chiếc điện thoại di động của mình hoạt động. Tôi đã kết luận rằng điện thoại di động không hoạt động trên tàu điện ngầm. Tôi chưa từng thấy ai dùng di động dưới đó bao giờ. Chắc không phải do lịch sự duyên dáng. Chắc do không có tín hiệu. Thế nên tôi cuốc bộ. Tôi theo phố 32 để đến Broadway, rồi theo Broadway đi về phía Nam, qua các đại lý bán hành lý, các cửa hàng bán đồ nữ trang rẻ tiền, cửa hàng bán sỉ nước hoa rởm, tất cả đã đóng kín và kéo cửa sập khi đêm xuống. Ở khu này tất cả đều tối tăm lộn xộn. Một khu dân cư nhỏ. Chả khác nào tôi đang có mặt ở Lagos hoặc Sài Gòn.
Tôi dừng lại một chút ở góc phố 28 cho một chiếc taxi lướt qua.
Điện thoại trong túi tôi bắt đầu rung.
Tôi lùi lại phố 28, ngồi xuống một mái hiên khuất bóng và mở nắp điện thoại.
Lila Hoth nói, “Thế nào?”
Tôi nói, “Tôi không tìm được cô.”
“Tôi biết chứ.”
“Thế nên tôi sẽ thỏa thuận.”
“Ông sẽ thỏa thuận hả?”
“Cô có bao nhiêu tiền mặt?”
“Ông muốn bao nhiêu?”
“Toàn bộ.”
“Ông có chiếc USB chứ?”
“Tôi có thể nói cho cô biết chính xác nó đang ở đâu.”
“Nhưng thực tế là ông không giữ nó à?”
“Không.”
“Vậy thứ ông đã cho chúng tôi xem khi ở khách sạn là gì?”
“Là đồ nhử.”
“Năm mươi ngàn đô.”
“Một trăm ngàn.”
“Tôi không có một trăm ngàn.”
Tôi nói, “Các cô không thể lên xe buýt, lên tàu hay máy bay. Các cô không thể ra đi. Các cô rơi vào bẫy rồi, Lila. Cô sẽ ch.ết ở đây. Cô chẳng muốn ch.ết mà vẫn thành công hay sao? Cô chẳng muốn mình có thể gửi cái thư điện tử mã hóa đó về nhà sao? Nhiệm vụ hoàn thành, cô không muốn à?”
“Bảy mươi lăm ngàn.”
“Một trăm ngàn.”
“Được rồi, nhưng đêm nay chỉ một nửa.”
“Tôi không tin cô.”
“Ông sẽ phải tin.”
Tôi nói, “Bảy mươi lăm ngàn, toàn bộ trong đêm nay.”
“Sáu mươi.”
“Đồng ý.”
“Ông đang ở đâu?”
“Mạn trên thành phố,” tôi nói dối. “Nhưng tôi đang di chuyển. Tôi sẽ gặp cô ở quảng trường Union trong bốn mươi phút nữa.”
“Đó là chỗ nào?”
“Broadway, giữa phố 14 và phố 17.”
“An toàn không vậy?”
“Đủ an toàn.”
“Tôi sẽ ở đó,” cô ta nói.
“Chỉ cô thôi đấy,” tôi nói. “Một mình.”
Lila bỏ máy.
Tôi đi qua hai dãy nhà tới góc phía Bắc của công viên quảng trường Madison và ngồi xuống một ghế băng, cách chừng một mét là một phụ nữ vô gia cư có chiếc xe đẩy mua hàng chất đồ cao ngất ngưởng như xe tải chở đất. Tôi lần túi lấy tấm danh thiếp NYPD của Theresa Lee. Tôi đọc nó dưới ánh đèn đường lờ mờ. Tôi bấm số di động của cô. Sau năm hồi chuông, Lee bắt máy.
“Reacher đây,” tôi nói. “Em đã bảo anh là hãy gọi nếu anh cần em.”
“Em có thể làm được gì cho anh?”
“Anh vẫn không bị rắc rối với NYPD chứ?”
“Tuyệt đối không.”
“Vậy thì hãy thông báo cho lực lượng chống khủng bố của bọn em rằng trong bốn mươi phút nữa anh sẽ có mặt ở quảng trường Union, anh sẽ bị ít nhất là hai và có lẽ tối đa là sáu tên trong đội của Lila tiếp cận. Nói với người của em rằng bắt chúng là quyền của họ. Nhưng hãy bảo họ để cho anh yên.”
“Mô tả cụ thể?”
“Em đã nhìn vào cái túi, phải không? Trước khi em chuyển ấy?”
“Tất nhiên rồi.”
“Thế thì em đã thấy ảnh của chúng.”
“Chỗ nào ở quảng trường?”
“Anh sẽ chọn góc Tây Bắc.”
“Vậy là anh đã tìm thấy cô ta à?”
“Ngay nơi đầu tiên anh tìm. Cô ta ở trong một khách sạn. Cô ta đã trả tiền cho tay bốc hành lý làm đêm. Và làm anh ta sợ ch.ết khiếp. Anh ta phủ nhận mọi điều và đã dùng điện thoại ở quầy lễ tân gọi lên phòng cô ta ngay sau khi anh ra khỏi sảnh.”
“Làm thế nào anh biết?”
“Bởi chưa tới một phút sau đó cô ta gọi cho anh. Anh cũng thích sự trùng hợp như bất kỳ ai khác, nhưng canh thời gian như thế thì giỏi đến mức không thể có thật được.”
“Tại sao anh lại gặp người trong đội của cô ta?”
“Anh đã thỏa thuận với cô ta. Anh bảo cô ta tới một mình. Nhưng cô ta sẽ lừa anh, thay vào đó sẽ điều đến vài gã của cô ta. Nếu người của em tóm chúng thì sẽ có ích cho anh. Anh không muốn bắn toàn bộ bọn chúng.”
“Có lương tâm kia à?”
“Không, anh chỉ có ba mươi viên đạn. Như thế không thực sự đủ. Anh muốn phân chia đạn.”
Sau chín dãy nhà, tôi đi vào quảng trường Union. Tôi vòng quanh hết một lượt và đi theo cả hai đường chéo. Chẳng thấy gì khiến tôi lo ngại. Chỉ vài hình thù đang ngủ trên ghế băng. Một trong những khách sạn giá không đô la của thành phố New York. Tôi ngồi xuống gần tượng Gandhi đợi lũ chuột mò ra.