Quyển 1 - Chương 13

Cuối tuần, A Nam đến thăm tôi.


Ông đợi ở dưới văn phòng, xách bao mẹ bao con, giống như là tôi đang sống trong một hoàn cảnh vật chất cực kỳ thiếu thốn và khan hiếm. Tôi vùi đầu nhìn mớ bao đó, thật là phục ông, nước Hoa Lộ (tương tự như toner, dùng như nước hoa), nhang chống muỗi, đế trong của giày, sữa bột, bột chất đạm…….. thậm chí còn có cả bộ kim chỉ khâu vá.


“Ba đem về lại đi.” Tôi nhăn nhó nói, “Ba cũng không phải không biết mà, ký túc xá tụi con quá nhỏ, căn bản là không có chỗ để chứa mớ đồ này, hơn nữa con cũng không dùng đến.”


“Vậy sao được, bà của con gói ghém nguyên một buổi khuya, nhất định bảo ba phải mang cho con.” A Nam nói, “Con bỏ dưới gầm giường, dưới gầm bàn, làm gì không có chỗ để chứa chứ? Đồ đạc đừng chê nhiều, lúc cần đến mà không có thì sẽ phiền đấy.”


Hết cách, tôi chỉ đành để ông giúp tôi xách đồ về ký túc xá.
“Ở trường vẫn ổn cả chứ?” Dọc đường ông nói một cách không yên tâm, “Con đi rồi, mọi người đều không quen, cứ cảm thấy trong nhà thiêu thiếu chi đó.”


“Vẫn ổn mà.” Tôi nói, “Ba nói với bà, tới kỳ nghỉ trong tháng con sẽ về thăm bà.”


available on google playdownload on app store


“Lúc đó con gọi điện thoại cho ba, đừng chen lấn trong xe buýt, ba cũng cần phải đi mua hàng, tìm xe tới đón con.” A Nam nói, “Đã nhắn bà nấu thức ăn ngon cho con đấy. À, đúng rồi, con ở trường cũng đừng ăn uống quá tiết kiệm, khoản nào nên dùng tiền thì dùng tiền, nhà mình cũng không phải không có tiền.”


“Dạ biết rồi ạ.” Tôi nói, “Ba yên tâm đi.”


Nhưng ông vẫn không yên tâm, sau khi giúp tôi cất đồ xong xuôi ở ký túc xá, lại hàn huyên với những nữ sinh khác trong ký túc xá: “Các cháu làm ơn giúp đỡ Mã Trác giùm chú, nó khá trầm tĩnh, xưa nay cũng chưa bao giờ sống xa nhà.” Ngô Đan ngủ giường phía trên tôi cười nói: “Chú yên tâm đi. Mã Trác nữ trạng nguyên, trên phương diện học tập còn phải nhờ cậu ấy giúp đỡ nữa là.”


Tôi hơi đỏ mặt.
Ông hài lòng gật gù, lại lui cui lo móc hai trăm đồng tiền ra đưa tôi, nói, “Giữ thêm chút tiền trong người, lỡ may cần dùng đến nhé?”
Tôi đùn đẩy tiền lại cho ông.
“Vẫn nên cầm lấy đi.” Ông nói một cách rất kiên định, giắt tiền xuống dưới gối của tôi.


Tôi cúi đầu, chợt trông thấy đôi giày da ông đang mang, màu nâu, rất cũ kỹ, chiếc giày bên trái hình như còn lủng một lỗ nhỏ, tôi liền nghĩ ngay đến giấc mơ kia, nhớ mẹ nắm tay tôi bảo: “Đi thôi, sinh nhật thứ 40 của A Nam, chúng ta hãy đi mua cho ông ấy một đôi giày da!”


Thế là tôi mới nhớ ra, nửa tháng nữa ông quả thực sẽ mừng sinh nhật thứ 40 tới nơi rồi.
Tôi không một mực đòi trả tiền lại cho ông nữa. Tôi định bụng để giành tiền, lúc sinh nhật của ông, mua cho ông một đôi giày.


Đợi ông về rồi, Ngô Đan thò đầu từ tầng trên ngó xuống, thì thầm với tôi: “Ba cậu đối xử với cậu thật tốt. Tớ cảm thấy ông ấy rất không giống những người cha khác.”
“Vậy sao?” Tôi nói, “Không giống chỗ nào?”


“Nói thế nào nhỉ?” Ngô Đan nghĩ ngợi, bảo: “Tớ cảm thấy trên người ông ấy có một cảm giác gần gũi đặc biệt mà những người cha khác không có. Giống như là ông ấy không có bất kỳ ngăn cách nào đối với cậu cả.”
Cảm giác gần gũi?
Ha ha, tôi mà nói cho A Nam nghe, không biết ông sẽ nghĩ sao.


Tôi sẵn sàng đem hết thảy những tin tức tốt lành của tôi nói cho ông nghe, còn đối với những vấn để nhỏ nhặt, ví dụ như trong mắt bạn học đôi khi thoáng chút khinh thường hoặc chút xích mích giữa tôi và Nhan Dự Dự, trước mặt A Nam, tôi vẫn không nhắc tới một chữ.


Thật ra, từ sau khi chuyện xảy ra ngày hôm đó, thái độ của Nhan Dự Dự đối với tôi đã bắt đầu thay đổi. Ví dụ như, trong giờ toán cô ta sẽ bất chợt ngộ ra điều gì đó mà nhìn bảng đen, lầm bầm tự nói một tràng một mình, sau đó quay qua nhìn tôi, dùng giọng như đang hỏi bài nói: “Công thức này đọc vậy đúng không?” Tôi gật đầu một cái, cô ta vỗ vỗ đầu, tiếp tục như đang suy nghĩ gì đó mà nghe giảng.


Lại ví dụ như, trước khi cô ta đứng lên đi tới máy nước nóng lạnh trước lớp lấy nước, sẽ cầm ly của tôi lên, nói: “Tiện thể lấy luôn cho cậu nhé.”


Thậm chí, trong giờ hoạt động lúc cô ta đang nói tràng giang đại hải về những món đồ Hello Kitty của mình với những nữ sinh khác, cô ta thế mà lại lấy một chiếc kẹp tóc nho nhỏ màu hồng nhạt so lên tóc tôi nhìn một chút, làm bộ làm dạng nói: “Cậu ấy kẹp thế này rất đẹp.”


Đợi nữ sinh tản đi hết, cô ta trịnh trọng lấy chiếc kẹp đặt trên vở bài tập của tôi, nói với tôi: “Tặng cậu.”
Tôi đẩy kẹp đến trước mặt cô ta nói: “Khỏi đi. Tớ không cần đâu.”


“Tóc của cậu hơi vướng trước mắt cậu rồi.” Cô ta nói xong, lại vội vàng bảo, “Không cần trả tiền.”


“Cám ơn cậu, tớ chỉ không quen dùng những thứ này.” Tôi hoàn toàn không phải loại người nhỏ mọn thù dai, những ngày gần đây biểu hiện của cô ta đã khiến cho những cảm giác không vui trước đó của tôi bớt đi rất nhiều. Vì thế giọng điệu của tôi nghe ra rất chân thành.


“Thật ra……” Cô ta cầm lại chiếc kẹp trong tay nghịch, hồi lâu sau mới phun ra một câu, “Xin lỗi nhé, thật ra cậu cũng biết, tớ cũng chỉ hùa theo bọn họ mà thôi.”
“Không sao đâu mà.” Tôi cười cười với cô ta.
“Thật hả?” Cô ta nhìn tôi không tin.
Tôi gật đầu.


Cô ta vươn tay thân thiết vỗ vỗ lồng ngực của tôi. Tôi không kịp né, những đụng chạm thân mật với người khác, tôi luôn rất không thích ứng được.


Hôm ấy trong ký túc xá, tôi nghe Ngô Đan và một nữ sinh khác bàn tán về chuyện của cô ta, mới biết thì ra cô ta là cháu của hiệu trưởng. Bọn họ nói thành tích của cô ta không tốt chút nào, vào được Thiên Trung toàn nhờ ơn của ông cậu. Cho nên, bao gồm cả cái trò mà cô ta làm ăn trong trường, nếu như đổi thành một nữ sinh khác, giáo viên đã sớm cấm tiệt. Trong khi trên thực tế, chính bởi vì cô ta là Nhan Dự Dự, rất nhiều lần có nữ sinh lớp khác tới “nói chuyện làm ăn” với cô ta, điều mà thầy Sướng làm chỉ là nhắm một mắt mở một mắt.


“Nhưng mà cô ta quá quắt lắm rồi!” Ngô Đan giọng the thé, “Cậu có biết không, đến cả thứ đó mà cô ta cũng bán nữa cơ?!”
“Cái gì chứ?” Có một nữ sinh tò mò vặn hỏi, “Bán gì bán gì thế?”
Đám nữ sinh cười rộ lên một cách mờ ám.


Tôi bỗng cảm thấy tôi rất thông cảm với cô ta, thông cảm với cô ta như thế là vì, trong đám nữ sinh buôn những chuyện này về cô ta, có những nữ sinh lần trước đã cùng với cô ta đánh giá thế này thế nọ về tôi.


Chơi sai bạn bè là một đều vô cùng đáng buồn. Mà những nữ sinh ngày thường hao phí bao nhiêu tinh lực để đi buôn chuyện về người khác, thế mà còn thừa sức để đậu được vào những lớp trọng điểm, bản thân cũng là một điều không thể tưởng tượng nổi.


Hôm sau trong giờ chơi, đến lượt tôi và Nhan Dự Dự trực nhật. Trời rất nóng nực, mọi người đều dậy rất sớm, lớp ôn bài buổi sáng toàn người là người, nhưng Nhan Dự Dự lại bất ngờ vắng mặt.
Một mình tôi quét tước nguyên một lớp học và đổ rác.


Rửa tay xong vừa bước vào lại trong lớp thì trông thấy bên cạnh chỗ ngồi của tôi, Nhan Dự Dự đã có mặt. Chỉ có điều cả người cô ta đang nằm úp mặt xuống bàn, vùi mặt vào tay áo, bờ vai rung lên, giống như đang khóc.


Tôi bước đến bên cạnh Nhan Dự Dự, khẽ khàng ngồi xuống, hỏi cô ta: “Cậu không sao chứ?”
Cô ta bỗng nhiên nhào vào trong lòng tôi khóc oà lên.


Tôi hơi có chút bị động ôm lấy cô ta. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc một cách thân mật thế này với một nữ sinh. Cơ thể của cô ta mềm mại ngả vào tôi, có một mùi hương tựa như tôi đã từng nhận biết, mùi hương đó đã tan biến cuộc đời của tôi quá lâu rồi, lại bất chợi xuất hiện một cách đáng sợ như vậy, như có như không, tôi sợ ngửi thấy, lại khát vọng nó, tóm lại, nó đánh gục tôi, khiến cho tôi không nhúc nhích được.


Rất lâu về sau này tôi mới biết, thì ra nước hoa cô ta dùng là giống y như của mẹ tôi, nước hoa đó có một cái tên rất dọa người, gọi lạ “Thuốc Độc.” (Poison, Dior)


Cám ơn trời phật, tiếng khóc của cô ta cuối cùng cũng từ từ nhỏ dần, tôi nhẹ nhàng đẩy cô ta ra, nói với cô ta: “Đừng khóc nữa, sắp tới giờ Anh Văn rồi.”


Cô ta chợt đứng lên, cầm sách Anh Văn đập thật mạnh, bốp xuống bàn một cái, trước mặt tất cả bạn học trong lớp hét lên một câu: “Đứa nào nói lung tung đứa đó thối lưỡi, ra khỏi cửa bị xe tông ch.ết, cả nhà bị người ta chém ch.ết!”


Hét xong câu nói ác độc đó, cô ta vượt qua ghế của tôi, chạy thẳng ra khỏi lớp.
Không biết cô ta đi đâu, tôi phát hiện tôi vẫn hơi lo lắng cho cô ta.


Hôm đó, mãi đến lúc giờ Anh Văn đã học xong quá nửa Nhan Dự Dự mới quay trở về lớp. Trông bộ dạng cô ta có vẻ đã bình tĩnh hơn nhiều, giọng khản đặc, cúi đầu nói “May I come in?”


Giáo viên Anh Văn nhíu mày, đánh giá nguyên con người của cô ta một phen, rồi mới nói một cách không tình nguyện: “Yes.”


Cô ta trở về chỗ ngồi, nhét nửa bao giấy lau mũi vào lại trong ngăn bàn, đặt ở trên chiếc túi đựng CD màu bạc (Trong đó cất giấu toàn bộ những mặt hàng thời trang không biết cô ta lấy đâu ra), sau đó, cô ta lấy cuốn tập Anh Văn ra vùi đầu copy chữ từ trên bảng đen xuống.


Tôi hy vọng hết thảy đã trôi qua rồi, nhưng mà chiếc cầu vồng trước cơn giông bão chỉ duy trì được có mười mấy phút đồng hồ. Chuông tan tiết học vừa vang lên, vị hiệu trưởng mà bình thường chỉ lộ diện trong giờ chào cờ thế mà lại xuất hiện trước cửa lớp. Bóng lưng của ông ta tôi vừa nhìn đã nhận ra ngay —- trong lồng kính của trường có bức hình thầy hiệu trưởng tháp tùng phái đoàn thanh tr.a tới thị sát, phóng rất to lên, treo ở vị trí bắt mắt nhất, ông ta đứng ở ngoài cùng phía bên trái.


Ông ta ngoắc tay gọi Nhan Dự Dự ra. Vẻ mặt rất nghiêm túc, khiến cho những người đi ngang qua đều đua nhau liếc nhìn.
Tôi trông thấy ông ta nói gì đó với Nhan Dự Dự ngoài cửa sổ, Nhan Dự Dự lắc đầu nguầy nguậy.


Tôi không biết xuất phát từ tâm lý như thế nào, ma xui quỷ khiến sao, tôi thò tay rút chiếc túi đựng căng đầy hàng hoá từ trong ngăn bàn của cô ta, lẳng lặng bỏ vào trong ngăn bàn của mình.


Không lâu sau, Nhan Dự Dự sắc mặt trắng bệch quả nhiên dắt ông cậu của mình vào trong lớp. Tôi mặt tỉnh bơ mở tập Anh Văn để trên bàn, nghiêm túc coi.


Hiệu trưởng tự mình bước đến bên cạnh chỗ ngồi nhỏ hẹp của Nhan Dự Dự, lấy cặp của cô ta ra lục một hồi. Nguyên một lớp học im phăng phắc coi màn “kịch” này, ngay cả giáo viên dạy Anh Văn cũng đứng yên chăm chú bên cửa lớp, chưa chịu rời đi.


Ai cũng đều biết, “hàng hoá” của Nhan Dự Dự xưa nay luôn nằm trong hộc bàn của cô ta. Cho nên hết thảy mọi người dường như đều “hứng thú chờ đợi” xem màn sẽ xảy ra tiếp theo.


Sắc mặt của Nhan Dự Dự càng lúc càng trắng nhợt, tôi lo cô ta sắp sửa ngất tới nơi. Bản thân cô ta nắm chặt lấy một góc bàn học, người hơi lung lay mấy cái rồi mới đứng vững được.
Ngay khoảnh khắc thầy hiệu trưởng mở ngăn bàn ra, bàn tay đang bám góc bàn của Nhan Dự Dự nắm lại thành quyền.


Nhưng điều mọi người đều kinh ngạc là, trong ngăn bàn trừ cặp sách của Nhan Dự Dự, vài cuốn sách manga và một mớ sách tham khảo, cái gì cũng không có.


Một khắc đó, cả lớp đều nhìn ngăn bàn bị mở toang của Nhan Dự Dự, kinh ngạc há hốc mồm, đương nhiên bao gồm cả bản thân cô ta. Đầu mày nhíu chặt của thầy hiệu trưởng thế mới từ từ nới ra, ông nhẹ nhàng đóng nắp ngăn bàn lại, xoay người nhìn một Nhan Dự Dự với vẻ mặt rất không tự nhiên, không nói gì mà bỏ đi ra khỏi lớp.


Sau khi thầy hiệu trưởng rời lớp không lâu, chuông vào học lại vang lên. Mọi người đều y như không có chuyện gì xảy ra, tiếp tục lo học, chỉ có Nhan Dự Dự rối rít lo lắng tìm kiếm túi đồ của mình. Cô ta lấy chiếc cặp hàng hiệu của mình với vô số những túi có khoá kéo mở hết ra, vừa thò vừa moi móc, rất sốt ruột.


Tôi khẽ chạm vào vào cánh tay của cô ta, viết bốn chữ lên vở của mình: “Ở chỗ của tớ.”
Cô ta vỡ lẽ, cười trộm.


“Sau này cẩn thận một chút.” Trong giờ ăn trưa, tranh thủ lúc không ai chú ý, tôi trả đồ lại cho cô ta. Ánh mắt của cô ta chứa một loại cảm xúc vừa cảm kích vừa mờ mịt vừa ái ngại nhìn tôi, nhận lấy đồ của mình.


Tiết học đầu tiên của buổi chiều hôm đó là Chính Trị, Nhan Dự Dự cúi gằm đầu cặm cụi bận rộn nguyên một tiết học, mãi đến khi tan lớp, mới đẩy qua một tấm giấy ghi chú (post it note).
Cảm ơn cậu. Sau này nếu như có gì cần tớ giúp đỡ, xin cứ nói nhé ~


Bên cạnh hai câu nghiêm túc được cô ta viết ra này, cô ta vẽ một cô bé mặc đồ quân đội, đứng trong tư thế nghiêm, làm một thế chào kính cẩn.


Cô bé đó có một mái tóc ngắn, trên má có hai đoá mây hồng. Có thể nhìn ra, cô ấy đã bỏ ra rất nhiều tâm ý. Nhất định là vì muốn biểu đạt lòng cảm kích của cô ấy, nên mới khổ công tận sức như vậy. Điều này trái lại làm tôi đâm ngại.


Tôi quyết định tha thứ cho cô ấy. Hơn nữa, trước giờ tôi chưa từng có ý định đi ghét cô ấy.
Tôi nhìn cô ấy nói: “Tớ còn thật tình đang muốn nhờ cậu một việc đây.”


Cô ấy gật đầu như gà mổ thóc, nói: “Được. Nói!” Sau đó cánh tay của cô ấy vòng qua, thân mật ngoắc lấy cánh tay tôi. Tôi thật tình rất không quen, cuối cùng tìm lý do đẩy cô ấy ra.


Cô ấy hoàn toàn không lấy làm phiền lòng, mà mắt thì nhìn lên trần lớp, dùng giọng điệu như của người xướng ngôn viên nói một câu: “Mã Trác, cậu thật tuyệt.”
——————






Truyện liên quan