Chương 44
Cảnh Yến nheo mắt, liên tục vuốt chân mày.
"Nhưng mà Nguyên Nguyên, nàng phải biết là không phải lúc nào bổn vương cũng có cơ hội nắm giữ cả binh quyền và thực quyền."
"Thiếp biết, vương gia, thiếp hiểu." Ta nắm chặt tay ngài, nói: "Phải mạo hiểm thôi, vương gia, đây là cơ hội ngàn năm có một!"
Ngài nhìn ta, thở dài, bàn tay ngài vuốt ve khuôn mặt ta, nói: "Nguyên Nguyên, bổn vương cứ nghĩ nàng sẽ khuyên ta đừng tạo phản."
"Đừng ngốc thế, vương gia! Nguyên Nguyên biết, ngài chờ đợi thời cơ này đã bao năm nay." Ta ôm chặt ngài: "Vương gia, ngài đừng lo cho thiếp, đừng để hắn ức hϊế͙p͙ ngài!"
Ngài khẽ chạm lên vết thương trên trán ta, hốc mắt đo đỏ: "Nguyên Nguyên, bổn vương từng nói bổn vương rước nàng nhất định phải thật hoành tráng. Bổn vương rước nàng nghi gia, sính lễ phải là giang sơn ngàn dặm, của hồi môn phải là phượng nghi thiên hạ mới được."
"Cảnh Yến, thiếp không cần. Thiếp cần sự tự do." Lúc ấy ta đang yên lặng dựa vào lòng ngài, nhỏ nhẻ: "Cảnh Yến, những năm nay ngài và thiếp có lúc kịch giả nhưng cũng có tình thật. Đến nay đã cùng nhau thưởng hoa đăng, đã cùng nhau ngắm pháo hoa, thiếp thấy như vậy là đủ rồi."
"Thiếp không muốn phải tiếp tục cuộc đời đấu đá chốn hậu cung. Thiếp đã tranh đấu nửa đời người rồi. Thiếp không muốn chung chồng với người đàn bà nào khác, thiếp đã nhẫn nhịn nửa đời người rồi. Cảnh Yến, thiếp cùng chàng vượt qua thời điểm khó khăn nhất, nếu như có thể sống tiếp, có thể vượt qua ngàn vòng vây, chàng hứa với thiếp, sau này, chặng đường của chàng sẽ thuận buồm xuôi gió, chặng đường của thiếp sẽ an lành tự do."
Tay ngài run lên, đoạn, ngài nói: "Thôi vậy. Sao mà ta không biết nàng muốn gì chứ. Ta không nên ích kỉ, giả vờ không biết. Nguyên Nguyên, ta sẽ không ép nàng."
Ta ngẩng lên hôn ngài: "Không sao đâu vương gia. Trận chiến này hãy còn dài, chúng ta còn bên nhau nhiều năm nữa."
Rốt cuộc hoàng đế muốn ta giết ai? Cuối cùng vẫn là nhờ Cảnh Yến gợi mở ta mới hiểu ra.
Ngài nói: "Nguyên Nguyên, nàng có biết câu tiếp theo câu "Hoa khai kham chiết trực tu chiết" [ ] là gì không?"
Ta gật đầu: "Mạc đãi vô hoa không chiết chi."
Ánh mắt ngài dõi trên khuôn mặt ta: "Nguyên Nguyên, đợi đến khi hoa tàn thì đã muộn."
[ ] Hai câu thơ trong bài “Kim lũ y”- 金縷衣
"Hoa khai kham chiết trực tu chiết
Mạc đãi vô hoa không chiết chi."
Dịch nghĩa:
"Hoa nở đáng bẻ thì bẻ ngay,
Đừng chờ hoa rụng bẻ cành không."
Tạm dịch:
"Gặp khi hoa nở bẻ ngay cành
Đến khi hoa hết bẻ cành mà chi."
Mạc đãi vô hoa không chiết chi. Người hoàng đế muốn ta giết hóa ra chính là Mạc Vãn Thược.
Hắn muốn ta giết cháu ngoại của hắn, chỉ vì...Mạc hầu sẽ tạo phản, vì hoàng đế muốn y tạo phản!
Một khi đã ngồi lên vị trí ấy, con người bị quyền lực che mờ mắt, quên hết máu mủ tình thâm, quên hết lời thề son sắt, quên hết tình cảm chân thành, quên hết tất cả.
Mà ta lại phải tự tay đưa người mình yêu lên vị trí ấy, cùng chàng giẫm lên con đường đẫm máu, cùng chàng băng qua cây cầu xây bằng hài cốt.
Nhưng ta không đành lòng trơ mắt nhìn Cảnh Yến trở thành như vậy, trở thành kẻ như hoàng đế, lạnh lùng, nham hiểm, độc ác. Ta không muốn tình cảm quý giá này bị guồng xoáy mưu quyền xe nát, để rồi hóa thành vệt máu khô.
Ta không muốn ta và ngài dần trở nên chán ghét nhau, cuộc sống chỉ còn lại sự giày vò đến thất vọng đến tuyệt vọng và sinh hận.
Dẫu sao, trong cuộc đời khốn khổ, tréo ngoe của hai ta, tình yêu nhỏ bé ấy chính là điều đẹp đẽ nhất.
Ba tháng sau, trời đã sang đông, chiến sự phương Bắc hầu như đã yên ổn. Nhưng khắp hoàng thành lại bắt đầu xảy ra bạo loạn. Binh bị thiếu thốn, bách tính âm thầm đồn thổi, hoàng đế mắc bạo bệnh, không còn sống được bao lâu, triều đình sẽ sớm sụp đổ.
Thoáng chốc lòng người hoang mang, muôn dân bất an, giống như quân cờ đen bị vây khốn trên bàn cờ khi trước.
Cảnh Yến và ta đều biết, hoàng đế đã bắt đầu bày bố thế cờ rồi.
Một tháng nữa trôi qua, còn hai ngày nữa là đến năm mới. Chiến tranh phía Bắc đã lắng xuống, Nghiêm Phong và Mạc hầu khải hoàn hồi kinh. Nhưng trên đường về, Mạc hầu đánh mất lí trí, tự tách quân quay sang đánh quân Nghiêm Phong.
Mạc hầu tạo phản rồi.
Hoàng đế hạ chỉ, Cửu vương gia dẫn 3 ngàn binh lính, tróc nã phản tặc Mạc Vân Cao.
Mỗi ngày trở về từ hoàng cung, ta đều lặng lẽ chuẩn bị tâm lí tiễn trượng phu ra trận. Nhưng ta không ngờ, ngày ấy lại đúng vào mùng 1 Tết.
Hoàng đế không muốn bọn ta êm ấm, hắn nhất định phải xé toác hai trái tim cùng một nhịp ra. Hắn muốn nhìn cảnh máu túa ra.
Cảnh Yến mặc áo giáp, tay cầm binh khí ngồi ngay ngắn trên lưng ngựa. Dây tua trên mũ binh đỏ chói, còn rực chói hơn cả những dây tua rua đỏ thả từ yên ngựa hồi cưới Vãn Thược.
Ta đứng trên cổng thành nhìn ngài. Lần này tiễn ngài, ta chọn mặc chiếc áo choàng mà chàng thích, màu hồng phấn, bởi vì ta không thích nên bình thường rất ít khi mặc.
Áo choàng màu sắc tươi sáng, ta vẫn cố ra sức vẫy tay vì muốn ánh mắt ngài sẽ dừng lại nơi ta lâu hơn chút nữa. Còn ánh mắt ta dõi theo những tua rua đỏ phất phơ trong gió đến tận khi bóng dáng chàng hòa lẫn tuyết trắng, không thể phân định nổi.
Giai Thuần nói, chủ tử, em ở đây với người thêm một lúc nhé.
Ta phất tay nói, không cần, chúng ta về thôi, khi nãy ở trong phòng đã nói lời tạm biệt rồi.
Vãn Thược cũng đến. Nàng không dám lên cổng thành, chỉ dám trốn ở một góc. Nàng sợ nếu nhìn thấy nàng, Tiểu Cảnh ca ca của nàng sẽ không vui.
Mấy năm nay, nàng khóc đến mờ hai mắt. Bây giờ trong cung cũng không ai quan tâm nàng nữa. Nha đầu bồi giá của nàng thì đã bị nàng vứt bỏ lâu rồi. Đám người ở trong phủ vừa sợ vừa ghét nàng.
Khi ta đi qua thấy nàng vẫn ngồi bệt dưới đất nhìn vào điểm xa xăm vô định, nước mắt thi nhau tuôn xuống, trên người chỉ mặc tấm áo mỏng. Ta biết nàng không còn nhiều thời gian nữa, bèn bảo Giai Thuần đưa áo choàng bông của ta cho nàng. Nàng nhìn ta, rồi vứt cái áo đi.
Bỗng nhiên ta nhớ lại năm đó nàng cầu xin Cảnh Yến đừng ghét nàng, Cảnh Yến đã nói một câu, cũng là câu cuối cùng ngài nói nàng.
Cảnh Yến nói, Thược Nhi, rốt cuộc đến bao giờ ngươi mới biết mình sai ở đâu?
Không đâu, cả đời này nàng cũng sẽ không biết.