Chương 61: Oakland (6)
Vừa nghe phụ huynh học sinh của trường Viễn Đông đến cửa thông báo, buổi tối A Phúc liền chạy đến nhà hàng Ý gọi Hà Thiên Tước cùng ông đến đồn cảnh sát, muốn kín đáo nhét tiền cho cảnh sát. Đợi tới khi hỏi thăm được thì ra Hoài Chân đã được Ceasar lái xe chở đi, ông mới yên tâm ra về.
Tiệm giặt A Phúc có để đèn cho Hoài Chân, người trong tiệm vẫn chưa ngủ. Vừa thấy cô về thì cùng thở phào nói, về là tốt rồi. A Phúc đi ngủ luôn, còn Vân Hà mượn cớ ra sân sau nấu nước cho cô tắm, trong tiệm chỉ còn lại mỗi cô và La Văn.
La Văn lịch sự hỏi cô, “Vết thương đã đỡ chưa?”
Cô nói bác sĩ đã khám rồi, mọi thứ rất tốt.
La Văn nói hôm nay có mua được thẻ bảo hiểm y tế cũ ở bệnh viện Đông Hoa từ tay một bà cô, cho Vân Hà và Hoài Chân dùng chung với nhau. Thẻ bảo hiểm là của cô con gái mười chín tuổi của bà ta, nhưng con gái bà ta đã về nước xem mặt một năm, nể tình hữu nghị nên bán rẻ cho La Văn một nửa. La Văn nói, người da trắng không phân biệt được con gái người Hoa đâu, nếu cô muốn kiểm tr.a vết thương hay thay thuốc thì có thể cầm lấy mà dùng. Đến lúc đó thoa son đắp phấn, buộc tóc đuôi sam thì đều như nhau cả. Chính quyền thành phố cứ giục học sinh làm thẻ bảo hiểm y tế, hai chị em giấu giếm dùng chung với nhau là có thể tiết kiệm được một số tiền lớn.
Hoài Chân cười đáp vâng, cám ơn dì Quý.
Nói chuyện đầu cơ trục lợi trước mặt tụi nhỏ, La Văn hơi xấu hổ, nói đây là do hai bà cô hôm nay đến cửa dạy cho, con bọn họ cũng đang đi học ở trường công lập. Kể xong chuyện đó, La Văn vừa vặn mượn đề tài cẩn thận hỏi cô, “Đã nghe chuyện của chị gái nhà họ Hoàng chưa?” Thấy cô lắc đầu thì thở dài, “Phép tắc của gia đình Trung Hoa chúng ta khác người ngoài, con gái lớn rồi, ban đêm muộn tới mấy cũng không được ở chung với người da trắng, vì như vậy dễ bị bọn họ dạy xấu. Giống như Hoàng Văn Tâm đó, bị một gã da trắng ăn sạch. Đến khi nhìn lại thì té ra bị lừa, đến con cũng phải bỏ. Bà Hoàng từ xa chạy đến, con gái ở bên kia một mình bị bệnh khó chịu, lại mắc chứng trầm cảm gì gì nữa. Con bé đó vì tiết kiệm tiền mà không làm bảo hiểm y tế, một lần khám ở New York đều bay mất mấy chục đô. Cho người ta được hời còn mình thua thiệt, đến lúc đó biết đi đâu mà khóc, con đừng có học nó đấy!”
Hoài Chân đáp vâng, La Văn khuyên cũng khuyên đủ rồi, bà tắt đèn đi, bảo cô về phòng nghỉ ngơi.
Dù La Văn đang mượn chuyện của Hoàng Văn Tâm để bóng gió nhắc nhở cô, nhưng dù chuyện lớn tới mấy thì vẫn là chuyện của người khác. Quả thật cô mệt lắm rồi, không biết bản thân đi băng qua khoảng sân tối mù như thế nào.
Đi lên lầu đẩy cửa ra ngã nhào xuống giường, cô gần như rơi vào một mùi hương ngọt ngào. Trong mơ màng cô thấy Vân Hà bưng chậu rửa mặt đi đến, thấy cô ngủ vậy thì thở dài, lật người cô lại, trông thấy gương mặt xấu xí thì cười phì. Cười xong mới vắt khô khăn lau mặt cho cô.
Tiếng cười kia xuất hiện trong giấc mơ, chồng lên giọng cười mỉa mai khác trong lòng Hoài Chân. Cô nhớ lại xâu xúc xích cô được tặng ở nhà họ Trần, đã bị cô bỏ quên trong xe của Ceasar mất rồi. Trong mơ, Ceasar xách xâu xúc xích đó cười nhạo không ngừng, sau đó quay đầu ném nó xuống cống nước. Xúc xích trôi dương vượt biển ngồi trong khoang hạng nhất đến lại bị vất đi như vậy, quả đúng là đáng tiếc. Hoài Chân giật mình bật dậy, lật người lại, rồi tiếp tục ngủ bất tỉnh nhân sự.
Nếu có người nói cho Hoài Chân biết, cuối cùng hai cây xúc xích đó xuất hiện trên bàn ăn sáng ở biệt thự Oakland thì nhất định cô sẽ không tin.
Đêm hôm ấy, Ceasar lái thẳng xe đến con thuyền lần trước tới Oakland. Đêm xuân ở San Francisco còn lạnh hơn Berlin giữa trưa trong tháng mười một, anh từ từ nâng cửa kính xe lên. Ngoại ô Oakland chìm trong biển đêm, trong xe kín mít không thấy rõ gì, ngoại trừ vị thịt muối và mùi hương phương Đông kỳ lạ phủi mãi không tan.
Nghe thấy tiếng xe, người hầu nữ Rhodes vội vã chạy đến, lại thấy sắc mặt người ngồi trên ghế lái không tốt lắm. Đương lúc do dự không biết có nên quay về thông báo tin này cho phu nhân không thì Ceasar đã bước xuống xe. Cô ấy hỏi cậu cần giúp gì không? Ceasar nghĩ ngợi rồi vòng lại, cầm thứ đồ trong buồng lái đưa cho cô ấy rồi đẩy cửa đi thẳng lên lầu.
Đây là một ngày thứ sáu rất bình thường, tất cả mọi người đang quây quần bên lò sưởi, cảm thấy rất bất ngờ vì cuối tuần này Ceasar lại xuất hiện.
Rhodes đuổi theo sau hỏi, “Thứ này nấu thế nào ạ?”
Ceasar dừng bước trên bậc thang, “Cô có thể treo chúng lên như tác phẩm nghệ thuật.”
Rhodes tưởng thật bèn quan sát xung quanh, càng làm khó, “Vậy phải treo chúng ở đâu?”
Mọi người ngồi trong phòng khách cười nghiêng ngả.
Queline vừa kết thúc buổi khiêu vũ ở gần trung tâm thành phố cùng mấy người bạn, thoải mái tắm táp xong, bôi bôi trét trét trên mặt cũng gần một giờ. Lúc bước ra phòng ngủ thì bà trông thấy thứ trong tay Rhodes, vẻ mặt thay đổi khó lường.
Bà đột nhiên gọi Ceasar lại, “… Con lấy nó ở đâu vậy?”
“Ở chỗ bạn.”
“Bạn nào?”
Ceasar lùi về sau hai bước, nhìn Queline.
Từ khi Queline được gả vào Muhlenberg, bà vẫn luôn làm tròn bổn phận của một phu nhân nhà giàu trong việc nuôi dạy con cái. Đến nay việc bà bận tâm nhất chính là hôn sự của Catherine. Có lẽ vì quá rảnh – cũng giống như các phu nhân khác, cho nên bà dễ dàng ngửi được dấu vết của việc chồng vượt quá giới hạn, xâu chuỗi những dấu vết này lại thì hiểu ra, mường tượng nên dáng vẻ mơ hồ của ả nhân tình.
Năm mười bảy tuổi bà đính hôn với Harrods, đến năm mười tám tuổi thì hạ sinh Catherine, bây giờ cũng chỉ mới ba mươi lăm tuổi. Ở trước mặt Ceasar, bà chỉ có thể coi là một nửa trưởng bối. Vì nguyên nhân nào đó, người vợ mà Arthur* chọn cho Harrods xuất thân từ gia đình luật sư trung lưu giàu có. Nỗi tự ti trong bà đã kéo dài mười tám năm. Ở trước mặt vãn bối khó đối phó là Ceasar, bà thường xuyên không duy trì được tư thái của nửa trưởng bối. Trong gia đình này, thứ bà có thể nắm được rất ít. Thế nên bà hy vọng mình có thể nắm được vợ tương lai của Ceasar —— hoặc chí ít mà nói là đối tượng dễ chung đụng. Đối với Queline, nàng dâu từ tầng lớp trung lưu sẽ là một lựa chọn tốt, ví dụ như cô con gái Barbara ngây thơ của vị bác sĩ kia, một cô gái dễ đối phó biết mấy.
(*Tên chính xác của ông nội Ceasar là Arthur, các chương trước mình edit nhầm, mong các bạn bỏ qua.)
Bà sắp xếp câu từ hoàn chỉnh, “Đúng vậy, cứ đến mỗi mùa xuân là cha con lại ăn nó. Dì từng thấy rồi, chính là như vậy…”
Ceasar chậm rãi hỏi, “Mỗi mùa xuân?”
Queline đáp, “Đúng thế. Lén lút ăn, vừa ăn vừa uống thứ rượu trắng giá rẻ không tên nào đó. Catherine cũng biết, có lần cha con uống say mà khóc, đúng không?”
Một khi bối rối là Queline lại lỡ lời.
Lần này ngay cả Catherine cũng biết mẹ mình đang nói chuyện gì, cô sầm mặt lớn tiếng nhắc nhở, “Mẹ ——”
Trong tiếng nhắc nhở, Queline lập tức ý thức được chuyện mình mất phong độ trước mặt vãn bối.
Nhân trước khi không cứu vãn được thế cục, bà nhanh chóng dùng lời mời ngăn Ceasar lại, “Gần đây có rất nhiều học sinh Berkeley nghỉ học về Oakland. Daisy cũng có mời bạn đến trang viên chơi, đúng không Daisy? Dì muốn nói, nếu con có bạn thì không ngại mời đến Oakland dự tiệc gia đình…”
Catherine cười to che giấu sự thất thố của mẹ, “Mời đến để nhìn mẹ và mấy bà bạn nhảy điệu trung niên trong nhạc jazz?”
“Dĩ nhiên các con cũng có thể tổ chức tiệc sôi động của riêng các con, có điên tới mấy cũng không sao, vị trưởng bối duy nhất ở đây sẽ không nói với mấy người gia trưởng nghiêm khắc kia đâu…”
Ceasar đã biến mất trên cầu thang trong cuộc trò chuyện của hai người.
Vừa kết thúc kỳ nghỉ xuân, giáo sư Trần người Hoa đã đến San Francisco vào cuối tuần, vì để đề phòng làm bậy nên ông được cảnh sát liên bang dẫn đến đảo Thiên Thần đối chứng khẩu cung. Tiếng Anh của giáo sư Trần rất tốt, nhưng khi trả lời những câu hỏi về con gái thì lại có rất nhiều sơ hở. Trong quá trình tách mẹ của Lưu Linh Trân ra đối chứng, ông thừa nhận mình giấu giếm gia đình có con riêng bên ngoài. Đã nhiều năm ông không làm trong trách nhiệm của người cha, đây là vấn đề gia đình của ông, bây giờ vợ đã qua đời, ông sẽ cố gắng giải thích toàn bộ với người nhà
Nhân viên ở trạm di trú tin vào chuyện hoang đường của ông, hoặc giả là tin vào tiền của ông. Nói tóm lại, cảnh sát liên bang ở tiểu bang Utah sẽ không phải đến cửa phỏng vấn trong vòng một năm, đảm bảo ông sẽ không đưa cô bé này cho tổ chức buôn người. Lúc cùng giáo sư Trần đưa hành lý của con gái ra khỏi nhà giam, Ceasar dùng tiếng Quảng Đông chuyện trò với ông một lúc.
Anh hỏi ông, “Con gái ông biết ‘nổ giấy’ nghĩa là gì à?”
Động tác thu dọn hành lý của giáo sư Trần cứng lại.
Ceasar nói, “Tôi chỉ thuận miệng hỏi thế thôi, ông không cần phải trả lời.”
Mà sự thật không khác mấy như Ceasar dự đoán.
Năm 1942, ông được vợ chồng Lại Mộng Đức ở Mỹ mời tới, sau khi về nước thì đến dạy học ở đại học Tứ Xuyên và quen biết mẹ của Trần Mạn Lệ ở đó. Bà vốn xuất thân từ đại tộc, nhưng gia tộc dần lụn bại, chồng bị bệnh qua đời, mới hai mươi tuổi mà bà đã là góa phụ. May mà còn có người hầu trong nhà mẹ không nỡ bỏ cô nhi quả mẫu, dựa vào gia sản tích góp đổi bán, thỉnh thoảng nhờ người bán ít khăn tay tranh vẽ một mình nuôi dưỡng Mạn Lệ. Giáo sư Trần rất nể bà ấy, nên cũng thường xuyên tiếp tế cho mẹ con hai người. Lâu ngày sinh tình, tuy không ai nói ra tình cảm này nhưng không ngăn được hàng xóm nói này nói nọ. Dần dà, mẹ Trần Mạn Lệ không muốn gặp ông nữa, nói cứ như vậy thì không tốt cho danh tiếng của hai bên. Đúng lúc hợp đồng cũng hết hạn, ông không thể không về Thượng Hải, nhưng lại nhận được thư của mẹ Trần Mạn Lệ. Bà nói con gái lớn rồi, hy vọng có được giáo dục tốt, cứ ăn nhờ ở đậu bà không yên tâm, cầu xin ông nghĩ cách. Lúc đó ông đã sắp lên đường về Mỹ. Ở bến tàu Quảng Đông đi Hương Cảng, tình cờ hỏi thăm được hiệu buôn làm giả giấy tờ ở chỗ kiều bào già, vừa về tới Mỹ bèn đổi chác ở thị trường Mỹ. Giấy khẩu cung có hai bản, một bản trong đó do ông đưa đến trạm di trú, một bản khác ông nhờ người đem về nước cùng với giấy gọi, gửi cho mẹ của Trần Mạn Lệ, bảo Trần Mạn Lệ học thuộc lòng.
Bà cũng không báo cho ông biết bao giờ thì Trần Mạn Lệ sẽ đến San Francisco. Dĩ nhiên ông càng không biết bà không hề tái giá, mà đã qua đời vì lao phổi.
“Mua tài liệu” một tuổi 100 đô, Trần Mạn Lệ 16 tuổi hắn sẽ đi tìm ông lấy 1600 đô, cộng thêm 400 tiền Hồng Kông vé tàu. Những thứ này đều là tin tức Ceasar nghe được khi ở Hương Cảng. Có điều anh không nói chuyện của giáo sư Trần cho Dasai biết.
Người duy nhất có thể báo cho biết chỉ có Hoài Chân.
Nhưng nhiều lần anh đến phố người Hoa lại không có cơ hội gặp cô, hoặc chỉ có thể từ đằng xa liếc thấy bóng cô, sau đó vì đủ nguyên nhân mà không tiến thêm một bước đi lên nói chuyện.
Một lần đi là lúc gần tối, cô không có ở phòng khám, không biết đã đi đâu. Có mấy người phụ nữ da đen da vàng ngồi chờ trên băng ghế trong phòng khám, liên tục cắn hạt dưa nói chuyện say sưa. Vì vậy nên anh không đi vào mà chỉ đứng chờ trước cửa. Mấy người đàn bà kia tưởng anh không nghe hiểu nên thỉnh thoảng quan sát anh, dùng tiếng Quảng xì xào bàn tán nói xấu, “Các chị cũng biết người da trắng không đáng tin rồi đúng không? Cô con gái đầu của nhà họ Hoàng đấy, bị lừa rồi, âm thầm tìm phòng khám phá thai thì bị trầm cảm và ung thư buồng trứng, mẹ Hoàng chạy qua chạy lại chăm sóc, không biết đau đớn và hối hận thế nào, hầy, giờ không kịp nữa rồi. Thanh danh này mà đồn đi thì người Hoa khó mà tìm được bạn trai ở Mỹ nữa. Lần này vẫn chưa thông qua phế bỏ đạo luật, nếu về nước xem mặt thì sợ khó mà trở lại đây lắm.”