Chương 55
-"Không, không đời nào nha! Tui đâu phải cái dạng thấy trai huyện giàu là bám theo như con Phụng đâu, tui lấy cậu thì tui phải theo cậu chớ."
Mợ đáp không chút đắn đo, cậu phì cười bẹo eo mợ, thủ thỉ ý cậu là trốn cùng nhau. Ôi, nào có phải mợ chưa từng nghĩ tới? Nhưng trốn sao được mà trốn! Mợ biết chắc bu Phúc không chịu đi theo đâu, chả nhẽ để bu ở nhà một mình, bất hiếu lắm. Còn bu Trinh nữa, mợ lo sướng cái thân mợ, mợ đi rồi để dân làng họ chì chiết bu mợ ch.ết à, rồi họ tẩy chay cái gánh bún, bu với cu Trí biết sống ra sao?
-"Hay cậu bắt chước chồng con Tuyền ý, xuống phố huyện làm ăn, một mình cậu thui. Tui ở lại tui quán xuyến nhà cửa cho, dăm bữa nửa tháng cậu lại về thăm tui một lần."
-"Không thích, xuống đó khổ lắm."
-"Ai biểu cậu là khổ? Ở phố huyện tấp nập nhộn nhịp người ta trả cao lắm, rồi làm thuê cho họ thì được ở trong nhà gỗ mà, công việc cũng nhàn hơn là hàng ngày phải lên núi."
Mợ phân tích một thôi một hồi, cậu gạt hết, cậu có cái lý riêng của cậu.
-"Nhưng mà nhớ mợ. Nhớ mợ là khổ rồi!"
Cả người mợ chợt bần thần, thương cậu ở cái chốn này lam lũ vất vả thành ra cũng suýt thì quên, nếu cậu đi thật có mà ruột gan mợ chả buồn thối ra, có mà tối tối lại khóc rưng rức ấy. Mợ đưa tay xoa nhẹ gò má cậu, cậu to cao là thế, nhưng những lúc cậu chủ động rúc đầu trong lòng mợ như này, mợ thấy cậu nhỏ xíu, đáng yêu ghê lắm.
Ai bôi bác cậu, mợ ghét. Ai thương hại mợ, mợ mặc kệ, họ đâu có sống cuộc đời của mợ đâu, đâu biết ở bên cậu, mợ đã hạnh phúc đến nhường nào? Sáng sớm bu Phúc í ới gọi mợ dậy rang cơm, cậu cũng hì hụi xuống bếp cùng mợ. Chồng nhà người khác có mà nằm ngáy khò khò tới trưa, chồng mợ được cái bám mợ, hôm hai mươi bảy thằng Toàn rước vợ hai, mợ bảo cậu ở nhà tới giờ sang ăn cỗ là được rồi, nhưng cậu cứ đi theo mợ từ canh ba cơ.
Ráo suốt từ tháng giêng mà giờ mới rước được đó. Tại ban đầu bà Thanh ông Trần nhất quyết không đồng ý, vợ chồng Trang Toàn năn nỉ ỉ ôi mãi, ngay cả con Phụng cũng phải chiều chiều vác mặt sang đấm bóp cho mẹ chồng tương lai gần nửa năm trời ông bà mới chịu ưng thuận.
Ông Trần ở ngoài sân bắc rạp với cậu hai, cu Trí và mấy thanh niên trai tráng trong thôn, bà Thanh, bu Trinh, mợ Trâm, Trang với các dì các thím lo nấu cỗ dưới bếp. Cái Trang nói cười sang sảng cả buổi, mợ Trâm tưởng nó vui lắm, mợ cũng nhẹ nhõm, nào có ngờ lúc bu Thanh kêu nó mang ít đồ lên cho thằng Toàn ăn lót dạ, mợ thấy nó cứ đứng thẫn thờ ở bậc hiên mãi không vào.
Thầy thằng Thóc bữa nay bảnh trai gớm, thay hết bộ này tới bộ khác mà mãi vẫn chưa ưng. Bu thằng Thóc nom chồng hồi lâu, mắt mũi nó đỏ hoe, nó kêu con trai ôm đĩa thịt gà vào cho cha, còn nó chạy một mạch ra bụi rơm sau nhà oà khóc. Nó muốn giấu nên mợ đành lẳng lặng nom nó từ xa, mợ coi như mợ không biết, nhưng từng tiếng nấc của nó như muốt xót sát vào lòng mợ.
Bữa đó, pháo đốt ầm ĩ, cỗ bàn linh đình, quan viên hai họ rôm rả chúc mừng cô dâu chú rể, chỉ riêng mợ, là không mừng nổi. Rước vợ lẽ mà còn hoành tráng hơn vợ cả. Mợ ức thay em gái, con Phụng là cái quái gì mà dám sai con Trang lấy riêng nước mắm cho nó chấm? Có vài miếng ớt cũng không ăn được hả? Điệu vừa thôi, không ăn được thì tự đi mà múc, làm bộ làm tịch phát ghét. Bu thằng Thóc nữa, giả bộ cũng có kém ai đâu? Tụi bay về một nhà với nhau là quá hợp!
Mợ thì chịu, tính mợ bực cái gì mợ không giấu nổi đâu, mợ sợ ảnh hưởng không khí nên rẽ qua ghé tai con em gái kêu tau có việc phải về trước. Cái Trang thoáng buồn, nhưng nó vẫn gói bịch xôi gà phần chị gái rồi dặn tối rảnh thì ghé qua. Cậu hai đang ngồi mâm trên tiếp rượu mấy ông, thấy mợ hai bỏ bữa liền xin phép đuổi theo, cậu bị làng trên xóm dưới nói xấu ghê lắm, kêu loại đàn ông bám váy mợ như cậu, đúng là hạng vứt đi.
Bu Trinh nghe hết, chả thấy xấu hổ gì sất, thương là thương con Trang thôi, còn con Trâm, tốt số quá đi mà! Cho dù nó có khóc, có bị ấm ức, thì vẫn có cậu hai, cậu sẽ bao bọc nó.
-"Nếu đời này cậu không rước bà hai, tui sẽ đẻ cho cậu mười thằng cu tí luôn."
Mợ sụt sịt mặc cả, cậu đưa tay vòng qua eo mợ, nhấc bổng mợ xách lên núi. Đường đi đã gồ ghề thì chớ, lúc lúc cậu lại đong đưa trêu chọc hại mợ chóng mặt muốn xỉu, mợ đập lưng cậu rầm rầm, to mồm chửi đổng thế gian bất công, vì đâu đàn ông được rước nhiều vợ? Cậu lặng thinh cho mợ xả giận, mợ xả xong nguôi nguôi bắt đầu nhì nhèo.
-"Tui không thích bị xách như xách lợn thế này đâu. Cõng tui được không?"
-"Không."
-"Sao không? Cậu hai hết thương tui rồi à? Tại tui nhiều lời quá à?"
-"Ừ."
Mặt mợ nghệt hẳn đi, tủi thân đòi trườn xuống. Giá kể mợ biết võ như mợ Chi thì còn có hi vọng, đằng này, tay cậu chắc lắm, mợ đẩy mãi không được, ngược lại còn bị cậu nhấc lên cao hơn, rồi đột nhiên cậu thơm vào má mợ mấy cái liên tiếp. Tim mợ mềm nhũn, vừa cương quyết là thế mà giờ đã thôi không giãy giụa nữa rồi, chính kiến ngay lập tức bị lung lay.
-"Ừ thôi, xách cũng được, thỉnh thoảng cứ thơm tui là được."
-"Ghét mợ ghê!"
-"Ghét mà thơm mà ôm hả? Ghét cái kiểu gì lạ thế? Ghét thật thì thử ném tui xuống cái hồ kia đi nào? Có dám không? Không dám mà còn vênh!"
Trên đời mợ mặt dày thứ hai chắc chẳng ai mặt dày thứ nhất, đã làm nũng cậu thì thôi rồi, chim chóc đang hót líu lo trên cây chắc cũng phải im bặt chào thua. Không vì gặp ông lão bị thương giữa đường chắc mợ còn mè nheo tới tối.
-"Ông không phải là người thôn này hả?"
Mợ thắc mắc, ông kêu đúng rồi, ông là người phương xa tới, nghe đồn thôn này có thuốc quý nên tới kiếm về chữa bệnh cho vợ. Cái cây thuốc ông miêu tả nó mọc ở trên vách đá cao lắm, thảo nào ông bị ngã. Cậu hai thương ông già tuổi cao sức yếu nên bảo mợ nhá ít lá đắp cho ông, còn cậu tự mình trèo lên hái giúp.
Ông trả công cậu nén bạc, nhưng nhìn ông áo quần tả tơi cũng chẳng giàu có gì nên cậu mợ thôi không lấy. Cậu cõng ông xuống núi, mợ đi bên cạnh, ông với mợ nói chuyện rôm rả, nói đông nói tây thế nào mà lại nói trúng chủ đề thi Hương năm nay. Mợ hai bị chọc đúng mạch, bao nhiêu uất ức phun ra như suối. Ông nghe mợ kiên nhẫn lắm, đợi mợ trình bày hết ông mới vuốt râu cười khà khà.
-"Tôi biết có một cách để năm sau cậu nhà mợ vẫn được thi Hội, nhưng từ giờ tới lúc đó mợ phải xa cậu, chắc cũng ngót một năm. Và nếu giả như cậu đỗ thi Hội, thi tiếp lên thi Đình thì cỡ hai năm, mợ chịu không?"