Quyển 2 - Chương 5: Theo tiếng đàn
Từ lầu trên bỗng dồn dập vẳng xuống một khúc tỳ bà, âm thanh rất đỗi trong trẻo êm tai, nhưng nhịp điệu có phần gấp gáp, tựa như tiếng mưa rào mùa hạ, cũng tựa như nhịp tim của Ngũ Lang lúc này.
Tiếng đàn dần dần chậm lại. Trận mưa đang thưa dần, nhịp tim của Ngũ Lang cũng dần dần giãn ra. Đột nhiên, nhịp tim bỗng như ngừng bặt.
Mưa đã tạnh, nhưng gió lại đến. Thình lình cuốn đến một trận cuồng phong màu bạc, bao trùm toàn bộ căn phòng…
Đến tận vừa nãy, Quan Ngũ Lang mới phát giác ra ông Lục không hề bám theo phía sau. Anh ta lập tức xoay người, đưa tay đẩy mạnh vào hai cánh cửa. Khi đó mới phát hiện ra rằng, cánh cửa trông như khép hờ, nhưng kỳ thực đã bị đóng chặt. Anh ta dốc hết sức bình sinh mà đẩy, nhưng vẫn không thể xê dịch được cơ quát để mở cánh cửa ra.
Ngũ Lang không tiếp tục phí sức nữa, mà tung mình nhảy vội ba bước, đã chạy sang gian nhà chính. Trong bất cứ tình huống nào, điều đầu tiên mà anh ta nghĩ đến vẫn chính là sự an nguy của Lỗ Thiên Liễu.
Sảnh chính trông không có gì khác so với những tiền sảnh bình thường. Tức là cũng chỉ có dăm ba thứ đồ đạc như ghế thái sư, kỷ trà, án thờ, chỉ khác ở cấu trúc của bản thân gian sảnh. Trong sảnh có thêm bốn cây cột, chia đều hai bên. Có lẽ do căn lầu này được dùng làm nơi diễn kịch, mà sân khấu được đặt ở lầu trên, trong khi biểu diễn sẽ có người đến xem, tầng lầu làm bằng gỗ phải gánh chịu trọng lượng khá lớn, nên cần thêm cột để gia cố cho chắc chắn hơn.
Trong sảnh chính, ngoài những vật dụng thông thường, còn có thêm một người đang đứng sừng sững. Người đó, không phải là Lỗ Thiên Liễu.
Người đó mặc một tấm trường bào màu đen, một tấm trường bào sạch tinh và bó chẽn, tựa như cuốn chặt lấy thân hình. Thế đứng cứng đơ đơ, thoạt nhìn cứ ngỡ như trong sảnh mới mọc thêm cây cột.
Trong bất kỳ tình huống hung hiểm nào, Quan Ngũ Lang cũng chưa bao giờ biết sợ sệt, đây chính là ưu điểm của người trẻ tuổi. Nhưng giờ đây, không thấy Lỗ Thiên Liễu đâu, anh ta bắt đầu lo lắng, tâm trí bấn loạn, đây cũng chính là nhược điểm của người trẻ tuổi.
Tiếng tỳ bà gấp gáp khiến lòng dạ Quan Ngũ Lang nóng như lửa đốt. Anh ta định bất chấp tất cả xông bừa lên, nhưng rồi lại đứng khựng lại, tay đưa phác đao lên thủ thế, chuẩn bị ra đòn chém chếch sang trái trong Khuyên nhi đao. Vì tiếng tỳ bà bấy giờ cũng đã dấy lên sát khí của gã áo đen. Theo nhịp đàn, gã cũng bày ra một tư thế hết sức quái dị, giống như đang múa. Nhưng trong mắt Ngũ Lang, trông gã chẳng khác gì một thanh kiếm hơi vẹo vọ, giống như thanh kiếm Ngô Câu(*) trong truyện kiếm hiệp đao khách xưa kia.
(*) Câu tức là móc câu, một loại binh khí hình giống kiếm nhưng uốn cong, xưa kia người đất Ngô thường sử dụng.
Tiếng đàn tỳ bà thưa dần, nhưng sát khí của thanh “Ngô Câu” màu đen kia càng lúc càng lộ rõ. Tiếng đàn sắp dứt, “Ngô Câu” liền hiện hào quang.
Khuyên nhi đao của Ngũ Lang còn gọi là dao pháp Toàn phong sát, không hề có chiêu thức tránh né lui nhường. Vì vậy anh ta buộc phải giành lấy tiên cơ, nếu không, cho dù có một đao trúng đích, cũng là hai bên cùng thí mạng.
Thanh đao đột ngột quét lên một luồng gió xoáy lấp loáng hào quang trắng bạc. Cơ thể Ngũ Lang cũng đã xoay tròn, vòng này tiếp nối vòng khác, càng xoay càng nhanh, đao phong càng lúc càng gấp, kình lực cũng càng lúc càng ghê gớm. Cả Ngũ Lang và thanh đao đã hình thành một cớn lốc xoáy dữ dội đầy uy hϊế͙p͙.
“Ngô Câu” mặc dù sắc bén, nhưng dù sao cũng chỉ là một thanh kiếm cong queo. Thanh kiếm mảnh mai làm sao có thể đỡ nổi sức mạnh cuồng bạo mà cây phác đao đang cuốn tới. Vì vậy, gã đành phải lùi bước, lùi bước, rồi lại lùi bước… Đúng vậy, gã chỉ còn nước lùi về phía sau, mà không thể tránh sang bên cạnh, vì làn gió xoáy tạo ra từ đao quang đã trùm kín cả sảnh đường. Những mảnh bàn ghế vụn nát bay tung tóe.
Bộ pháp giật lùi của “Ngô Câu” rất khớp với nhịp đàn, chẳng khác gì đang nhảy múa, mặc dù trông quái dị nhưng rất đúng âm luật. Đột nhiên, gã đứng khựng lại bất động, lẽ nào gã không định tiếp tục tránh né? Không phải vậy, mà vì cơn lốc đao quang dữ dội kia đã không thể chém được đến gã nữa.
Ngũ Lang đã quá sơ suất. Ở những nơi như thế này, võ công chỉ là thứ yếu, thứ nguy hiểm thực sự chính là bố cục, là khảm diện, là nút lẫy. “Ngô Câu” không tiếp tục lùi nữa, là vì nút đã khởi động, và gã chắc mẩm mười mươi rằng Ngũ Lang sẽ bị trúng rút.
Khảm diện “Lưới trời bắt sẻ” có nút đầu tiên là một tấm lưới dây mây bờm ngựa. Đây không phải là nút ch.ết, mà chỉ là một nút cố định. Nút này có bố cục bốn chân một đầu, tấm lưới được gác trên bốn cây cột ở hai bên sảnh đường, kéo về bốn góc tạo thành thế “chân hổ”, còn nút bật lẫy được gọi là “đầu phượng”.
“Ngô Câu” đã sắp đụng phải bức tường phía sau. Gã không thể chống đỡ nổi trận đao phong áp đảo, nên buộc phải lùi lại. Gã muốn kéo lẫy bật nút, cũng buộc phải lùi lại.
Gã đã dừng lại, bởi vì chân trái đã giẫm được lên “đầu phượng”, đó là một viên gạch xanh được bố trí như một cần bập bênh. Viên gạch vừa bị giẫm xuống, “đầu phượng” lập tức bật lên, “chân hổ” thình lình tung ra.
Cơ quát vô cùng nhạnh bén, lẫy bật rất nhanh, tấm lưới dây mây bờm ngựa tựa như một đám mây đen chụp thẳng xuống đầu Ngũ Lang.
Ngũ Lang vẫn đang tiếp tục xoay tròn cùng thanh đao, chưa kịp phản ứng đã bị tấm lưới chụp gọn. Điệu múa của gã áo đen cũng đã thu thế, thanh Ngô Câu uốn cong chợt biến thành một thanh Long Tuyền(*) thẳng tắp đâm thẳng lên không. Cơn lốc đao phong chỉ còn cách gã chừng nửa tấc.
(*) Long Tuyền là tên gọi của một thanh kiếm nổi tiếng trong truyền thuyết thời cổ đại.
Gã áo đen nở một nụ cười đắc ý, nhưng khóe miệng còn chưa kịp nhếch lên, nụ cười đã lập tức biến dạng thành một nỗi kinh ngạc.
“Bốn chân kéo bờm ngựa, quạ sẻ khó thoát thân”, cho dù là cao thủ võ nghệ tuyệt luân, một khi sa vào trong lưới, thoát thân còn không xong, chứ đừng nói tới tiếp tục giao chiến.
Quan Ngũ Lang không phải là cao thủ. Anh ta, chỉ là một gã thợ chuyên xây nhà dựng cột. Bởi vậy, khi bước chân vào sảnh đường, những thứ khác có thể chưa nhìn rõ, nhưng trong sảnh có mấy cột mấy giá, cùng vị trí cự ly, chênh lệch độ cao giữa chúng, vừa liếc qua đã biết được ngay. Phương pháp ước lượng bằng mắt chính là một trong những kỹ xảo cơ bản của công phu Lập trụ. Khi tấm lưới vừa chụp xuống, anh ta biết rất rõ mình đang đứng ở vị trí nào. Đao pháp Toàn phong sát vốn dựa vào động tác xoay tròn để tăng cường uy lực, mỗi khi đao xoay thêm một vòng, lực sát thương lại tăng thêm một bậc.
Bởi vậy, đến lúc này, toàn bộ lực đạo mà anh ta tích lũy được đã đủ để anh ta xoay thêm một vòng nữa sau khi toàn thân đã bị trói chặt trong lưới. Trong cú xoay cuối cùng này, Ngũ Lang điểm nhẹ mũi chân xuống đất, khiến cơ thể ơi bật cao, mũi đao xuyên qua mắt lưới cũng tiến về phía trước thêm được một tấc. Một tấc này trừ đi khoảng cách nửa tấc với “Ngô Câu” khi nãy, vẫn còn dư ra nửa tấc. Và nửa tấc dư ra đó đã chạy ngang qua mặt “Ngô Câu”.
“Ngô Câu” đổ xuống, viên đá xanh dưới chân gã đã bị buông ra, “đầu phượng” liền rơi xuống. “Đầu phượng” rơi xuống, chuyện gì sẽ xảy ra? Sẽ là một cú mổ trí mạng. Đây là khảm diện Lưới trời bắt sẻ, con sẻ đã rơi vào bẫy, làm sao có cơ hội sống?
Trần nhà rung lên bần bật, nút lẫy thứ hai của khảm diện đã xuất hiện trên đầu Ngũ Lang. Đó là chín mươi chín cây chi mâu mỏ phượng được lên dây cót rất căng.