Quyển 3 - Chương 26: Ba bông lúa

Muốn giấu lẫy kéo, lưu chỗ khuyết trên bức tường nhẵn nhụi, phải có quy tắc nhất định. Khảm tử gia đã tổng kết quy tắc này trong sáu chữ: “bình án, ao hoàn, lưu tào”. Bởi vì trên các bề mặt bằng phẳng thường sẽ có các bộ phận khác trượt qua hoặc dùng để đóng kín.


“Binh án” tức là trên bề mặt sẽ thiết kế một khối có khả năng di động làm chỗ khuyết, khối này có thể ép xuống hoặc rút lên. Do nó có thể di động, nên xung quanh khối này sẽ có khe rãnh hoặc đường vân, tạo thành một hình vẽ không thật rõ ràng.


“Ao hoàn” tức là một tay nắm ngầm ẩn. Nếu tay nghề kém, liếc mắt nhìn qua cũng phát hiện ra; nếu tay nghề giỏi, sẽ liền thành một khối với bề mặt, so với “bình án” còn khó phát hiện hơn nữa.


“Lưu tào” tức là rãnh chảy, dễ nhận ra nhất, song lại khó giải nhất, vì chủng loại đa dạng, ví dụ như nước chảy, cát chảy, đá chảy, thuỷ ngân chảy, chỉ cần sai sót một ly, thì khảm nửa sống nửa ch.ết sẽ lập tức biến thành khảm tuyệt sát.


Quỷ Nhãn Tam và Nhậm Hoả Cuồng đều hiểu rõ điều này, họ phối hợp rất ăn ý, vừa chạm tay vào tường, lập tức chia nhau lần tìm ở hai bên trái phải.
Bức tường vẫn tiếp tục ép tới, áp lực đã lớn tới mức dường như không khí cũng bắt đầu rung chuyển.


Lỗ Nhất Khí lúc này đã thần trí mê man, nước tiểu bật ra ướt sũng cả đũng quần. Cậu đã buông xuôi số phận, chỉ mong được ch.ết ngay để thoát khỏi nỗi giày vò khủng khiếp.


available on google playdownload on app store


Thuỷ Băng Hoa cũng đã ngã sấp trên đất, các ngón tay rũ rượi gác hờ lên cánh tay Lỗ Nhất Khí, toàn thân co giật từng hồi. Lão mù cũng thôi không còn kéo Lỗ Nhất Khí nữa, chỉ gắng gượng tì cây gậy lên mặt đất chống đỡ không để mình đổ xuống.


Động tác của Quỷ Nhãn Tam và Nhậm Hoả Cuồng trở nên vô cùng trì độn, mỗi một cử động đều phải dùng sức gấp mấy lần bình thường, lại thêm tai ù như sấm, mắt toé sao vàng, hít thở khó khăn, ý thức mờ mịt.


Vách đá trơn bóng nhẵn nhụi, bởi vậy chỉ cần có chút vết gợn loáng thoáng đã sờ thấy ngay, huống hồ lại là một hố lõm rất rõ ràng. Trong hố lõm có một cái khoen kéo bằng đá. Quỷ Nhãn Tam móc tay vào khoen song không kéo nó ra, chỉ bám vào nó để giữ cho bản thân đứng vững, sau đó chật vật lắm mới có thể dùng bàn tay còn lại móc ra hộp diêm. Que diêm run rẩy trên tay cuối cùng đã được đánh lên, rồi bật ra, vừa lộn nhào vừa bay đi koảng năm, sáu bước về phía Nhậm Hoả Cuồng.


Dẫu rằng quanh họ sương mù mờ mịt, dẫu rằng lửa diêm chỉ leo lét, dẫu rằng ánh sáng chỉ tồn tại trong khoảnh khắc, song Nhậm Hoả Cuồng đã nhìn thấy. Bởi vậy, không đợi Quỷ Nhãn Tam bật ra que diêm thứ hai, ông ta đã loạng choạng lao đến trước mặt Quỷ Nhãn Tam.


Trạng thái của ông thợ rèn tốt hơn Quỷ Nhãn Tam một chút, cũng vì ông ta đã quen với chuyện quanh năm làm việc bên bếp lò rừng rực lửa. Nhậm Hoả Cuồng cũng nắm chặt lấy khoen đá, song không dốc sức kéo ra phía ngoài như Quỷ Nhãn Tam, mà lần lượt kéo ngang sang phải trái trên dưới.


Khi bị kéo sang phải, khoen đá kêu “cạch” một tiếng, dường như đã khớp vào rãnh, song Quỷ Nhãn Tam và Nhậm Hoả Cuồng đều không nghe thấy, vì bên tai họ chỉ lùng bùng tiếng máu chảy ràn rạt trong huyết quản. Song họ đều cảm thấy những chấn động mạnh mẽ khi khoen đá khớp rãnh, bèn hè nhau kéo chiếc khoen ra phía ngoài ba tấc.


Một khối đá hình tròn diện tích chừng sáu thước vuông đột ngột bung ra dưới áp lực dữ dội từ bên trong, đẩy Quỷ Nhãn Tam và Nhậm Hoả Cuồng lúc này đã gần như mất hết tri giác ngã nhào vào một thế giới tối tăm khác.


Cửa đá bật mở giống như một cái miệng há hoác, gầm thét hung tợn, nhanh chóng nuốt chửng đám Lỗ Nhất Khí cùng sói hoang, sương mù, đá vỡ, bụi bặm vào bên trong.


Khi tỉnh lại, Lỗ Nhất Khí thấy toàn thân ướt sũng, tựa như bị ngâm trong nước. Đúng vậy, trong khảm diện vừa rồi, mồ hôi đã vã ra ướt đẫm lớp quần áo bên trong, đặc biệt là ở đũng quần, không chỉ có mồ hôi, mà còn lẫn cả nước tiểu.


Xung quanh lặng ngắt như tờ, không một tiếng động. Hình như có chút ánh sáng lờ mờ phát ra tại một vị trí nào đó trên cơ thể cậu.
Lỗ Nhất Khí không dám cử động, vì có một bàn tay lạnh ngắt như băng đang vắt ngang trên cổ.


Đây là nơi nào? Cậu còn sống hay dã ch.ết? Những người khác đâu cả rồi? Giờ đây, Lỗ Nhất Khí đã thấm thìa thế nào là rùng rợn. Cậu cảm thấy giờ đây tốt nhất nên nằm im lặng, để tránh làm kinh động tới thứ vẫn chưa biết là cái gì kia.


Một lúc lâu sau, bàn tay lạnh buốt kia đã ấm lên một chút, các ngón tay giật khẽ một cái, đồng thời bên cạnh cậu vang lên một tiếng rên mơ hồ. Một hơi thở âm ấm phả vào vành tai nhạy cảm của cậu, khiến cậu khắp người sởn da gà, bụng dưới căng cứng.


Bên cạnh cậu có một thứ gì đang động đậy, bàn tay cũng di chuyển từ cổ tới trước ngực cậu. Một bóng đen từ từ nhổm dậy, chầm chậm vươn đến trước mặt cậu…


Lỗ Nhất Khí chưa bao giờ kích động như lúc này. Đó chính là khuôn mặt xinh đẹp của Thủy Băng Hoa, dẫu rằng lúc này lem nhem bùn đất, đầy vết xây xước, tóc tai rối bù như tổ quạ. Nhờ ánh sáng từ viên đá huỳnh quang Ba Tư, lỗ Nhất Khi phát hiện ra không chỉ mặt mũi tả tơi, mà quần áo trên người cũng xộc xệch lỏng lẻo, rất nhiều chỗ đáng lẽ phải được che đậy đã phơi ra cả.


Cảnh tượng này khiến Lỗ Nhất Khí cảm thấy luống cuống, bèn vội vàng đẩy Thuỷ Băng Hoa ra. Thuỷ Băng Hoa cúi đầu không nói gì, ngồi lặng lẽ trên đất với một tư thế mềm mại tuyệt đẹp.


Lỗ Nhất Khí không nhìn cô ta nữa, mà giơ cao viên đá huỳnh quang Ba Tư trong tay lên. Cậu muốn biết đây là nơi nào, quanh họ có còn ai nữa hay không. Song cậu không nhìn thấy gì, cũng không tìm thấy một ai khác. Tuy có Thuỷ Băng Hoa bên cạnh, song nỗi cô đơn vẫn bất chợt bao trùm lấy cậu. Không có Quỷ Nhãn Tam, cũng giống như mất đi tất cả sự chở che; không có lão mù, cũng giống như mất đi tất cả mọi chỗ dựa. Họ đang ờ đâu? Còn sống hay đã ch.ết? Vì sao ở đây chỉ có cậu và Thuỷ Băng Hoa?


Vây kín xung quanh họ là tường, những vách tường rất cao. Cũng có đường đi, song rất hẹp. Căn cứ vào hai điểm này, Lỗ Nhất Khí phán đoán rằng cậu và Thuỷ Băng Hoa đang ở trong một góc nào đó của một kiến trúc đồ sộ.


– Kỳ lạ thật, tại sao lại tới nơi này? Những người khác đâu cả rồi? – Lỗ Nhất Khí băn khoăn tự hỏi. Nhưng cậu không nghĩ rằng ở đây lại có người trả lời được câu hỏi này.


– Cái hộp đá kín mít vừa rồi đột ngột mở ra một lỗ khiến chúng ta đều bị hút ra ngoài, có lẽ là luồng khí đã đẩy chúng ta tới đây. Cũng không biết đã hôn mê bao lâu. Có lẽ mọi người đã bị thổi tan tác khắp nơi rồi! – Thuỷ Băng Hoa vừa nói vừa chậm chạp chỉnh đốn lại áo xống. Nghe cô ta nói, chứng tỏ chí ít khi cửa thổi gió bật ra, cô ta vẫn chưa hoàn toàn mê man.


Lỗ Nhất Khí đứng dậy để mở rộng phạm vi chiếu sáng của viên đá. Dưới ánh sáng lờ mờ, cậu đã thấy nơi mình đang đứng chỉ rộng cỡ một gian bếp, có hình vòng tròn bất quy tắc.


Vách tường không xây bằng gạch đá, vừa chạm tay vào cậu đã nhận ra, vì cảm giác không cứng và lạnh như gạch đá. Lỗ Nhất Khí nắm bàn tay lại, đấm vào tường hai cái, âm thanh phát ra có vẻ vang hơn gạch đá. Độ cứng của bức tường có lẽ thấp hơn gạch đá song cao hơn gỗ.


Lỗ Nhất Khí giơ cao viên đá, dò dẫm sờ soạng một vòng. Cậu đã bất ngờ tìm thấy khẩu súng trường trên nền đất. Cầm súng trong tay, cậu cảm thấy vững dạ hơn đến bảy phần.


Lỗ Nhất Khí đưa viên đá soi vào trong lối đi, rồi bước một chân vào bên trong. Phán đoán của cậu về cơ bản là chính xác, góc này chính là một con đường, cậu và Thuỷ Băng Hoa đều đã theo con đường này mà lọt vào trong. Khi vào đã không sao, đi ra có lẽ cũng không có vấn đề gì.


– Đợi tôi với! – Thuỷ Băng Hoa gọi với theo. Trong bóng đêm, ánh mắt của cô ta chiếu ra những tia ai oán.
Không phải Lỗ Nhất Khí đã bỏ quên cô ta, mà chỉ muốn thử vào thăm dò trước, nếu an toàn sẽ đưa cô ta đi cùng.
Thuỷ Băng Hoa đứng dậy, tiến đến sau lưng Lỗ Nhất Khí, nói khẽ:


– Cẩn thận! Quan sát kỹ rồi hãy vượt chạc (bước đi)!


Thuỷ Băng Hoa dùng tiếng lóng của những người sống trong rừng sâu, song Lỗ Nhất Khí vẫn hiểu. Từ khi đến vùng Quan Ngoại, ngày nào cậu chẳng nghe thứ tiếng này. Thuỷ Băng Hoa là bà chủ của trại đàn bà, tiếp đủ các hạng khách từ nam chí bắc, các kiểu ám ngữ trên trời dưới biển hẳn cũng nghe không ít, biết mấy tiếng lóng này cũng là chuyên đương nhiên.


Lỗ Nhất Khí tiếp tục tiến lên phía trước. Trong con đường uốn lượn quanh co không hề có một thứ gì, đến một mảy sương mù cũng không thấy. Kỳ lạ hơn nữa là chưa đi được mấy bước, cậu lại gặp một khoang tròn, rất giống với cái khoang mà cậu vừa rơi vào.


Đứng ở lối vào của khoang này, có thể nhìn thấy thấp thoáng ở phía đối diện chéo góc cách đó vài bước cũng có một lối vào nữa.


Lỗ Nhất Khí quay đầu lại nhìn, Thuỷ Băng Hoa vẫn bám sát phía sau cậu, điều này khiến cậu cảm thấy hơi ngượng nghịu, chỉ mong cô ta đừng ngửi thấy mùi khai trên người mình.


Cậu lại bước lên vài bước, thì thấy lối đi bên đó cũng nối liền với một không gian hình tròn bất quy tắc nữa, bèn quyết định bước tiếp. Đi qua đoạn đó, lại có lối đi, lối đi cũng nối với một không gian hình tròn, nhưng khác ở chỗ mé bên kia của không gian này còn có một lối đi nữa, cũng lại nối liền với một không gian hình tròn khác.


Lỗ Nhất Khí lùi trở về ngã rẽ phía trước, men theo con đường khi nãy tiếp tục tiến lên, và cậu còn gặp càng nhiều hơn những khoang hình tròn nối liền với nhau.


Một toà kiến trúc sẽ không thể chỉ có lối đi. Những khoảng không gian nhỏ hẹp với hình tròn bất quy tắc kia có lẽ là phòng ở, tuy cách tạo hình chẳng ra sao, song xét về cách thức tổ hợp lại rất được chú trọng, có phòng đơn, có phòng đôi, cũng có chỗ nhiều phòng nối liền. Trong đó có quy tắc nhất định, những lối đi nối liền với những căn phòng có số lượng như nhau, giống như những phiến lá đối nhau ở hai bên trên chạc cây.


Lỗ Nhất Khí dừng lại, cậu cảm thấy cần phải làm rõ chuyện này trước đã rồi mới đi tiếp. Cách thức xây dựng và hình thái kiến trúc nơi đây quá đỗi kỳ lạ, hoàn toàn không giống chỗ ở của con người. Vừa rồi Thuỷ Băng Hoa có nói “vượt chạc”, không biết có huyền cơ gì ẩn giấu trong đó không? Con đường này chẳng phải rất giống với nguyên tắc bố trí của chạc cây hay sao? Trong suốt chặng đường, cô ta chưa từng thốt ra một tiếng lóng hay ám ngữ nào, sao vừa rồi đột nhiên lại nói như vậy? Không biết đó chỉ là tiếng lóng, hay là cô ta đã nhận ra khảm diện trước mắt?


– Không biết khảm diện này phải đi như thế nào! Hay là chúng ta nghỉ chân một lát đợi những người kia đến tìm? – Nói xong, Lỗ Nhất Khí không tìm chỗ nghỉ chân mà lại liếc sang Thuỷ Băng Hoa.
Trong ánh mắt của Thuỷ Băng Hoa thoáng qua một nét cười, song cô ta lập tức bặm môi lại, nói một cách miễn cưỡng:


– Biết được quy luật bên trong thì không phải là khảm diện. Nếu không nhận ra được quy luật, đó chính là khảm diện.
– Ồ? – Lỗ Nhất Khí kêu lên một tiếng khiến Thuỷ Băng Hoa bất giác thảng thốt trong lòng.


– Tôi sẽ nhắc cậu một đoạn: “Chân lả lướt, mặc áo thêu, mừng may mắn, thu hoạch nhiều…”


– “Cầu gió hoà, cúng ba lúa, cầu mọi năm, như năm qua!” – Lỗ Nhất Khí lập tức tiếp lời đọc theo, đấy là một đoạn trong phần “Bố cát” của “Ban kinh”. Cậu đã thuộc lòng, và cũng hiểu rõ ý nghĩa của chúng.


Ngay từ trước khi được đưa tới núi Thiên Giám, Lỗ Nhất Khí đã hiểu bài vè này nói về cái gì. Hồi đó cha cậu, ông Lỗ Thịnh Nghĩa, sau khi khắc xong một bức tranh gỗ cát tường, đã chỉ vào các đồ hình bên trên rồi thích cho cậu nghe. Khi ấy cậu mới năm tuổi.


Tranh gỗ cát tường còn được gọi là tấm gỗ may mắn, là một tấm gỗ trang trí có khắc những đồ hình ngụ ý cầu mong may mắn, đuổi uế trấn tà, thường được lắp dưới mái hiên, mi cửa, giường ngủ, cửa bếp. Trong thời cổ đại, dân chúng không được phép sử dụng các hình ảnh rồng, phượng, hổ, voi, vì phạm vào cấm kỵ của hoàng gia; cũng không được chạm khắc thần tiên, Bồ tát, bởi vì giường, bếp đa phần ở trong nhà, mái hiên cũng có khi ở trong nhà, dưới mái, nên khi nam nữ quan hệ trong nhà sẽ là bất kính đốì với Bồ tát, thần tiên. Do vậy dân chúng thường chỉ sử dụng hình vẽ người, đa phần là trẻ nhỏ, nam giới, ngụ ý “dùng dương đuổi tà”. Song để đảm bảo mỹ quan, tạo hình của trẻ nhỏ hay nam giới thường có nét mặt nhu hoà, tư thái uyển chuyển, thủ pháp khắc hoạ thường cố ý thiên về xu thế mềm mại nữ tính, nên mới có câu “chân lả lướt, mặc áo thêu”.


Tranh gỗ cát tường dân gian đa phần là miêu tả cảnh lao động, thu hoạch, đọc sách, vui chơi, đôi khi cũng mô tả các điển cố, ngụ ngôn, như Phong hầu ký*, Thám tiên sơn**, cao sĩ trong rừng,…


* Tên một tích truyện dân gian, vốn kể về người tú tài nghèo khổ bất đắc chí tên là Vương Cát An, là người chân thật, nhân hậu, luôn giúp đỡ người nghèo. Một ngày nọ, anh ta được một ông lăo tặng cho một cây bút quản ngọc, trở nên vô cùng tự tin, văn chương tài giỏi, đỗ liền tam nguyên, cuối cùng được ban tước phong hầu, chọn làm phò mã. Câu chuyện có rất nhiều phiên bản, có bản cho rằng ông lão là sao Văn Khúc giáng trần, có bản nói rằng ông lão là hoàng đế vi hành.


** Tên một tích truyện dân gian, kể chuyện một thanh niên tên là Hứa Thiên Bảo vì muốn chữa bệnh cho mẹ già đã một mình lên núi tiên, trên đường đi phải vượt qua vô số gian nan thử thách, cuối cùng đã khiến cho thần nữ trên núi tiên xúc động, tặng cho anh ta cỏ tiên và chậu tụ bảo, lại theo anh ta xuống trần gian kết tóc xe duyên vợ chồng.


Tuy thủ pháp điêu khắc tranh gỗ cát tường của Lỗ gia rất mực cao siêu, song trong “Ban kinh” lại chỉ dùng một bức “Mừng bội thu” để giải thích về toàn bộ đao pháp khắc gỗ. Trong bức “Mừng bội thu”, nổi bật nhất là hình tượng hai nhân vật, một người ôm bông lúa tượng trưng cho ngũ cốc bội thu, còn một người ôm một thứ trông giống như chiếc rương, trong dân gian gọi là rương trăm báu.


Trong “Bách cát đồ giải thuyết” *** đời Thanh có giải thích rằng, khi con người bắt đầu biết làm nông nghiệp, họ cúng tế thần gió đầu tiên. Bởi lẽ thuở xa xưa, loài người chỉ biết thu lượm mà không gieo trồng. Năm nay thu hoạch xong, tới năm sau trên mặt đất lại mọc lên rất nhiều cây mới, họ cho rằng nhờ có gió mới được như vậy, do đó đã gọi thu hoạch dồi dào là “phong thu” (thu hoạch nhờ gió), về sau người ta mới dần dần đổi chữ “phong” là gió thành chữ “phong” có nghĩa là dồi dào. Sự sùng bái sai lầm này vẫn còn tồn tại tới hiện nay, người nông dân muốn có vụ mùa bội thu, trước tiên vẫn cầu gió thuận, sau mới đến mưa hoà. Mà trong truyền thuyết dân gian, bảo bối dùng để tạo gió của thần gió chính là một chiếc rương, bởi vậy chiếc rương trăm báu trong tranh gỗ cát tường thực chất chính là ông bễ, vật tượng trưng sớm nhất cho thần gió.


*** Do dân chúng Chiết Giang tự in vào đầu đời Thanh, chủ yếu là hướng dẫn về cách chế tạo dồ gia dụng, ngày nay vẫn còn lại khá nhiều, phần lớn đó là những nghệ nhân tài giỏi và chuyên gia điêu khắc gỗ lưu giữ, song song phần lớn nội dung đã không còn là nguyên bản đời Thanh, mà do con người sao chép đời sau thêm vào.


Đây là kiểu nhà liền**** hình bông lúa. – Lỗ Nhất Khí tựa như choàng tỉnh khỏi giấc mơ, cậu hết sức kinh ngạc trước kiểu kiến trúc này, lại càng ngạc nhiên vì Thuỷ Băng Hoa lại thông thạo kỹ pháp của Lỗ gia đến vậy – Có lẽ đây chính là khảm diện do tổ tiên Lỗ gia thiết kế để bảo vệ bảo cấu. Khảm diện rất giống với bức hoạ “Mừng bội thu” trong “Ban kinh”. Nơi “kéo mở, đẩy đóng, khí ra” vừa rồi chính là ống bễ, còn ở đây là ba bông lúa. Nhìn vào hình dạng của những căn phòng này quả thực rất giống hình bông lúa. Có lẽ cũng chỉ có kiểu kết cấu tổ ong với phòng tròn nối phòng tròn, phòng tròn lồng phòng tròn như thế này mới có thể dần dần tiêu tán được sức gió khủng khiếp thổi ra từ cái ống bễ khổng lồ như vừa nãy! – Trong khi nói, Lỗ Nhất Khí phát hiện ra ánh mắt của Thuỷ Băng Hoa cứ mơ màng nhìn dán vào cậu từ đầu tới cuối.


**** Nhà liền, tức liên cư, là một hình thức nhà ở thời cổ đại, dùng đường đi để nối liền rất nhiều căn nhà nhỏ với nhau, tạo thành một chỉnh thể khép kín với bên ngoài, cư trú trong chỉnh thể này đều là người cùng một thị tộc. Nó tựa như là một thành luỹ độc lập.


– Ba bông lúa. Bông lúa trên kính trời, dân coi ăn là trời, cầu được đủ ăn. Bông lúa giữa kính thần, thần phù hộ thân tâm, cầu được an khang; bông lúa dưới kính đất, cúi đầu đào bảo kim, cầu được giàu sang. Cúi đầu đào bảo kim… ở đây giấu Kim bảo, có lẽ đi về phía bông lúa thứ ba sẽ là lối đi chính xác! – Đưa ra được kết luận này, Lỗ Nhất Khí vô cùng mừng rỡ.


– Vậy thì đi thôi! – Thuỷ Băng Hoa tỏ vẻ rất thuận tùng, giống như một đứa trẻ không hề có chủ kiến.


– Vừa rồi là hạt lúa đơn độc đầu tiên, sau đó là các hạt lúa xếp thành hai hàng, từng cặp so le nhau. Chúng ta cứ theo đó mà đi, tìm ra cọng lá phía cuối bông lúa rồi tính tiếp. Chưa biết chừng mọi người đang đợi chúng ta ở đó cũng nên! – Lúc này, mạch tư duy của Lỗ Nhất Khí vô cùng tỉnh táo, hình ảnh bông lúa khắc trên tranh gỗ cát tường hiển hiện rõ nét trong trí não cậu. Thủ pháp điêu khắc ở đây có phần khoa trương tả ý. Một bông lúa thường chỉ có một phiến lá đỡ, hạt cũng không nhiều, song rất dày và chắc mẩy, được sắp xếp theo trật tự nhất định, thứ nhất là đảm bảo mỹ quan, thứ hai là không thể xuất hiện chỗ khuyết và hạt rụng. Vì như vậy sẽ thành bông lúa phá, đọc là “phá huệ”, đồng âm với “phá toái”, nên tranh gỗ cát tường sẽ trở thành ám chú.


– Dạ vâng!


Kể từ khi gặp Thuỷ Băng Hoa, đây là lần đầu tiên Lỗ Nhất Khí nghe thấy cô ta trả lời mình với thái độ phục tùng tuyệt đối đến vậy. Giọng miền Đông Bắc ngọt ngào mềm nuột, vừa nghe đã biết là cô ta học theo một ả đàn bà rất giỏi nghề trói chặt đàn ông trên giường lò ấm sực, vì trong giọng nói toả ra vẻ ấm nồng của bếp lửa, khiến Lỗ Nhất Khí trong lòng nôn nao, tim đập rộn lên như trống.


– Ồ, phải rồi, nếu khảm diện ở đây đúng là như vậy, thì con đường hẹp dẫn từ bên ngoài tới đây không phải là theo nguyên lý phòng the “tam phong tam hồi” như chị dã nói, mà là hoa văn “sóng ba hồi” bên dưới bức tranh gỗ cát tường, ám chỉ nước đến kênh thành, việc tự thành công. – Lúc này, những văn tự, hình vẽ tản mạn từng được ghi lại trong trí não Lỗ Nhất Khí cũng chẳng khác nào nước đến kênh thành, tự nhiên thông suốt


– À, té ra từ nãy tới giờ cậu vẫn nghiền ngẫm về “tam phong tam hồi” ư? – Thuỷ Băng Hoa nửa đùa nửa thật. Song cô ta lại không biết được phản ứng của Lỗ Nhất Khí ra sao, vì cô ta vừa lên tiếng, cậu đã quay người đi về phía trước.


Đi ra khỏi dãy nhà liền hình bông lúa, Lỗ Nhất Khí bỗng thốt lên đầy cảm khái:
– Đây quả thực là do các vị tổ tiên để lại! Nếu không dựa theo nguyên lý của bức “Mừng bội thu”, thực khó mà thoát ra được!
Nghe Lỗ Nhất Khí nói vậy, Thuỷ Băng Hoa cũng thốt lên:


– Cũng thật đáng sợ! Suýt chút nữa đã bỏ mạng ở trong cái ống bễ do tổ tiên nhà cậu để lại rồi!


Đi theo lối đi ra khỏi bông lúa, họ lại gặp một căn phòng dài và hẹp, có lẽ chính là vị trí của lá đỡ. Theo phương pháp khắc hoạ thông thường trong tranh gỗ của Lỗ gia, trong ba bông lúa, chỉ có bông thứ hai có lá đỡ ở bên trái, lại ôm quanh bông lúa. Còn hai bông lúa còn lại, phiến lá đều ở bên phải và chúc xuống phía dưới.


Nhìn vào vị trí tương đối giữa gian phòng này và bông lúa, cùng hình dạng của gian phòng lá lúa trước mặt, Lỗ Nhất Khí đã phán đoán được rằng, bông lúa cậu vừa ra khỏi chính là bông lúa thứ hai, bông lúa kính thần. Bởi vậy, giờ đây có lẽ nên đi dọc theo cuống bông lúa sang bên trái, ở đó chắc hẳn sẽ có bông lúa thứ ba, bông lúa kính đất.


– Đi về phía này! – Lỗ Nhất Khí quay đầu lại gọi Thủy Băng Hoa.
– Dạ vâng!






Truyện liên quan