Chương 35: Vương Duy Khải 10 tuổi
Ngoại truyện: Vương Duy Khải 10 tuổi
Mỹ Anh ư? Phải nói rằng tôi đã yêu thầm cậu ấy từ rất lâu rồi. Mặc dù khi đó tôi vẫn còn là một đứa trẻ nhưng với tôi Mỹ Anh là một người rất đặc biệt.
Khi chúng tôi đang học cấp 1, tôi ngồi phía sau bàn của cậu ấy. Tôi không nói gì nhiều bởi tôi có tính cách trầm lặng. Đương nhiên Mỹ Anh là một cô gái vui vẻ hoạt bát, có được rất nhiều người yêu quý trong đó có cả tôi, tuy được mọi người yêu quý nhưng cậu ấy cũng là một người nghĩ gì nói đấy vô cùng vô tư mà không suy nghĩ rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Điều này cũng khiến tôi không khỏi bận tâm.
Vì để có thể làm quen với cậu ấy, mỗi ngày tôi đều hẹn chú lái xe đợi ở một vị trí cố định để tôi có thể đi về với cậu ấy. Cậu ấy là một con người vui vẻ nên mỗi khi ở bên cạnh cậu ấy tôi có một cảm giác vô cùng thoải mái. Cái cảm giác thoải mái này không phải lúc nào tôi cũng có thể tìm thấy được.
Và dần dần chúng tôi cứ thế hàng ngày đều đi về bên nhau. Rồi trở nên thân thiết một cách kì lạ từ lúc nào không hay biết.
Có một lần ở trong lớp, tôi bỗng thấy có một cậu bé vô cùng đáng yêu. Đôi mắt to tròn hết sức dễ thương đi đến bên cạnh Mỹ Anh với một tâm trạng hết sức nặng nề. Hôm đó, tôi cũng không để ý nhiều lắm bởi tôi còn cả một đống bài tập nhưng chỉ một lúc sau thôi tôi đã nghe thấy lời qua tiếng lại giữa hai người đó và Mỹ Anh đã vô tình nói ra một câu nói: “Cậu im đi. Đồ con hoang.” Tôi không nghĩ là cậu ấy cố ý nhưng khi đó tôi đã thấy câu nói đó hình như vô tình đã làm choáng váng cậu bé ấy, đôi mắt cậu ấy sưng đỏ, quay trở lại chỗ cũ và cậu bé ấy đã ngồi một cách yên lặng.
Lúc trên đường đi học về Mỹ Anh đã tâm sự rất nhiều đối với tôi và cậu ấy đã bật khóc rồi lắc lắc cái đầu: “Mình thực sự đã lỡ lời.” Tôi cũng hơi khó xử và trách cậu ấy ngốc nghếch trong lòng. Nhưng đến ngày hôm sau, tôi thấy cậu ấy dường như đã trở lại bình thường và tôi không hiểu là do cậu ấy vô tâm quá mức hay cậu ấy muốn trốn tránh? Nhưng cậu ấy đã không hề xin lỗi cũng như bảo vệ đứa bé đó. Cũng từ đó tôi thường thấy cậu bé ấy bị bạn bè trong lớp chế giễu và trêu chọc nhưng tôi đã nghĩ rằng: việc của cậu bé ấy không liên quan tới tôi. Và điều đó là sai lầm để đến một ngày nào đó tôi đã phải trả giá cho những hành động ấy của mình. Rồi một thời gian sau này. Cậu bé ấy đã không còn tới trường nữa cho đến một hôm cô giáo chủ nhiệm thông báo cậu bé đã qua đời thì lúc đấy tôi mới hoảng hốt giật mình và tôi để ý Mỹ Anh lúc đó cũng sững người lại. Đôi bàn tay của cậu ấy hoảng hốt đan chặt lại vào nhau. Khi đó, tôi rất muốn tiến lên nắm tay cậu ấy và nói đừng có sợ hãi. Nhưng sao tôi không thể. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi đã không đi về cùng với nhau. Và rất nhiều ngày sau đó cũng vậy.
Cho đến một hôm, cậu ấy chờ tôi trước cửa lớp và nói với tôi rằng: “Chúng ta về chung nhé!” . Tôi bỗng vui vẻ đồng ý.
Ai ngờ được rằng hôm ấy là ngày chúng tôi bị bắt cóc. Khi đang bước đi trên đường thì chúng tôi bỗng bị một người đàn ông lạ mặt tẩm thuốc mê và đưa đến một chiếc nhà kho cũ kĩ ở ngoại thành. Lúc tôi mở mắt ra thì Mỹ Anh vẫn còn hôn mê. Tôi hoảng hốt lay cậu ấy dậy. Cậu ấy liền tỉnh lại trong trạng thái lơ mơ khiến tôi không khỏi mừng rỡ. Tôi cố gắng thoát khỏi dây trói và tìm cách mở dây trói cho cậu ấy. Nhưng khi tôi vừa mới cởi dây trói cho cả hai đứa xong thì tôi bỗng thấy tiếng leng keng của cây gậy sắt. Từng hồi từng hồi vang lên. Rồi giọng nói của một người đàn ông cất lên: “Cuối cùng hai bọn mày cũng thoát ra được.” Lúc bây giờ tôi không khỏi sợ hãi. Nhưng tôi vừa kịp cất tiếng thì tôi bỗng bị chiếc gậy đánh vào đầu và bất tỉnh. Nhưng trong cơn mơ màng, đôi mắt lờ mờ và đục ngầu của tôi bỗng nhìn thấy Mỹ Anh đến bên cạnh tôi và hỏi han rằng: tôi không sao chứ? Tôi cố gắng muốn trả lời thì cậu ấy liền bị kéo đi bất ngờ. Tâm trí tôi liền hốt hoảng. Tôi đã cố gắng rất nhiều để đứng dậy. Tôi mấy có cái gì đó ấm ấm đang chảy từ trên đầu tôi xuống. Nhưng tôi không quan tâm. Tôi phải cứu Mỹ Anh đó là phản ứng đầu tiên của tôi. Tôi đã cố đứng dậy và tiến đến nơi ông ta đưa Mỹ Anh đi.
Thế rồi bất chợt tôi bỗng nghe thấy tiếng hét lên đầy ghê rợn của Mỹ Anh khiến tôi hơi hoảng hồn. Tôi liền đi qua nơi đấy và tôi thấy cậu ấy đang nằm bất tỉnh dưới đất. Và tôi không hiểu đã có chuyện gì đã xảy ra cho đến nhiều năm về sau tôi mới phát hiện.
Khi đó tôi đảo mắt thấy trên chiếc bàn gỗ tên bắt cóc vô tình để quên chiếc điện thoại. Tôi liền nhanh chóng gọi điện cầu cứu khi tôi vừa mới hoàn thành cuộc gọi thì tôi bất chợt thấy phía gáy nhói đau và tôi ngất đi.
Khi tôi tỉnh lại đã phát hiện mình đang nằm trong bệnh viện với mùi thuốc khử trùng nồng nặc. Ba tôi cho vệ sĩ bảo vệ nghiêm ngặt cho tôi nhưng ông ấy thì vẫn ở công ty tiếp tục làm việc và chỉ cử lại chú thư kí bên cạnh tôi để truyền đạt lời nói của ông ấy cho tôi.
Lúc đầu, tôi có hơi thất vọng vì cách hành xử của ông ấy nhưng khi tôi suy nghĩ kĩ lại thì tôi cũng thấy ấm áp hơn vì ít nhất ông đã để lại người ông thân cận nhất của mình ở bên cạnh tôi.
Nhưng sau đó tôi bỗng hoảng hồn lại hỏi thư kí của ba tôi rằng Mỹ Anh vẫn ổn chứ? Thì ông ta chỉ đáp lại bằng một nụ cười trên khuôn mặt lạnh băng của mình rằng: “Cậu chủ đừng lo lắng quá! Cô Mỹ Anh vẫn ổn.” Nhưng khi nhìn thấy sắc mặt lạnh như tiền của ông ta tôi liền có một cảm giác không tốt. Tôi liền hốt hoảng chạy xuống giường, rồi chạy ra một cách nhanh chóng, thoát khỏi vòng vây của đám người vệ sĩ.
Sau khi hỏi cô y tá phòng bệnh của Mỹ Anh, thì tôi liền chạy ngay đến cửa đầy lo lắng. Tôi tự nhủ với lòng mình cậu ấy sẽ ổn thôi. Đừng quá lo, nhưng khi tôi vừa mở cửa ra thì tôi bỗng chợt thấy Mỹ Anh trong bộ đồ bệnh nhân đang hoảng loạn núp vào một mép tường vừa vò đầu vừa khóc . Khi nhìn thấy tình cảnh đấy, trái tim tôi liền đau đớn không nguôi. Tôi tự trách mình đã khiến cho Mỹ Anh ra nông nỗi như thế này. Bản thân là một người bạn tôi đã quá hèn nhát.Nhưng khi tôi vừa định tiến lên thì tôi bỗng thấy anh trai của Mỹ Anh đang đến bên nói những lời nói vô cùng dịu dàng an ủi cậu ấy rồi lần đầu tiên trong cuộc đời tôi bỗng hiểu cái cảm giác thế nào là bất lực trước một người một việc. Nhưng dường như tâm hồn cậu ấy chỉ đỡ hơn phần nào bởi những ngày tiếp theo mọi thứ vẫn tiếp tục như vậy.
Tối hôm đó, tôi đã nhờ thư kí của cha tôi mời những vị bác sĩ tâm lí đến chữa trị cho Mỹ Anh thì người thư kí ấy không nói gì chỉ lẳng lặng đồng ý. Thế nhưng, khoảng một tuần sau, tôi liền nghe thấy kết quả không như ý muốn. Họ quyết định họp bàn lại với nhau và sử dụng phương pháp thôi miên để giúp Mỹ Anh quên đi mảnh kí ức kinh khủng đó. Tôi đồng ý. Nhưng tôi cũng đau khổ không kém bởi nếu như vậy, Mỹ Anh sẽ không còn nhớ đến tôi nữa và cũng như những bộ phim truyền hình khác, nữ chính sẽ hỏi nam chính rằng: “Anh là ai?” Rồi phủ nhận rằng: “Xin lỗi! Tôi không quen anh!” Chỉ nghĩ đến thôi mà lòng tôi cũng đã đau khổ rất nhiều.
Ngày cậu ấy tiến hành xong liệu pháp thôi miên, cậu ấy liền khôi phục lại vẻ mặt hồn nhiên như trước nhưng cậu ấy đã không còn nhớ tôi là ai. Cậu ấy đã không còn nhớ lại rằng tôi đã từng là một người bạn rất thân của cậu ấy.
Và từ sau hôm đó, chúng tôi trở lại với cuộc sống thường nhật. Cậu ấy vẫn tiếp tục học trong ngôi trường ấy với những người bạn của mình còn tôi… Tôi phải ra nước ngoài sinh sống một thời gian để ba tôi giải quyết những đám người có thế ảnh hưởng đến tôi. Ông không muốn bận tâm nhiều về tôi bởi với ông, tự chống đỡ trên đôi vai của mình mới là quan trọng. Và tôi đã phải vượt qua tất cả khi tôi chỉ là một đứa trẻ 10 tuổi.