Chương 12
Reacher đi thang máy lên tầng trên cùng của tòa cao ốc kính đen và tìm thấy một cầu thang bảo trì dẫn lên sân thượng. Ông chui ra qua một căn buồng bé tí bằng kim loại hình tam giác bên cạnh bồn nước và thiết bị vận hành thang máy. Sân thượng bằng giấy dầu màu xám rải đá dăm. Nó là tầng thứ mười lăm, chiều cao không đáng kể nếu so với các thành phố khác. Nhưng nó cho cảm giác như thể đây là điểm cao nhất Indiana. Ông có thể thấy con sông ở phía Nam. Về phía Nam và phía Tây, ông có thể thấy nơi đường xa lộ tách ra. Ông bước đến góc Tây Bắc, gió tạt vào mặt ông, thổi cho chiếc áo dán sát vào thân thể ông, và chiếc quần dán sát vào đôi chân. Ngay bên dưới ông, nhánh rẽ của xa lộ uốn cong phía sau thư viện và tòa nhà cao tầng rồi chạy về hướng Đông. Xa hơn nữa là đường xa lộ chạy về hướng Bắc khoảng hai dặm rồi tới một giao lộ bốn vòng xuyến trong đám sương mù. Một nhánh đường thẳng và dài tách khỏi giao lộ và chạy thẳng về hướng ông. Ông ghi nhớ vị trí của nó trong đầu, vì đó là con đường mà ông cần.
Ông đi thang máy xuống khách sảnh rồi bắt đầu đi bộ. Dưới đường không khí ấm áp và yên lặng. Ông đi về hướng Bắc rồi Tây, có nghĩa là ông còn cách quán bar thể thao một khối nhà. Con đường mà ông cần hiện ra ở một góc hẹp phía Nam quán bar và dẫn ông qua hướng khác. Nó thẳng và rộng. Bốn làn đường. Ở phía gần khu thương mại nhất, nó có những cơ sở kinh doanh nhỏ xuống cấp. Một tiệm bán súng có giăng lưới mắt cáo dày trên các cửa sổ. Một tiệm cắt tóc có tấm bảng: Mọi kiểu, chỉ 7 đô la. Một khu phòng trọ kiểu xưa trên một khoảng đất ngày xưa chắc ở ngay rìa thành phố. Rồi đến một con đường xấu băng ngang và phía bên kia con đường, những lô đất trở nên lớn rộng hơn và các tòa nhà cũng mới hơn. Khu vực thương mại mới toanh. Không còn nhà chưa cho thuê, không có gì cần giật sập. Xưa là vùng đất trinh nguyên, giờ thì đã lấp kín rồi.
Ông tiếp tục đi và sau một dặm thì đi qua một tiệm bán thức ăn nhanh cho lái xe. Rồi đến một cửa hàng bán lốp xe. Bốn lốp 99 đô la! Rồi đến một tiệm thay dầu nhớt xe và một đại lý các xe loại nhỏ của Hàn Quốc. Bảo đảm tốt nhất nước Mỹ! Ông nhìn lên phía trước mặt, vì đoán rằng mình đang đến gần rồi.
Cô là gái gọi à?
Đừng hòng. Em làm ở chỗ cửa hàng bán phụ tùng xe.
Không phải là một cửa hàng bán phụ tùng xe. Mà là chỗ cửa hàng bán phụ tùng xe. Có lẽ chỉ có một hàng duy nhất, hay ít ra cũng là cửa hàng chính trong vùng. Cửa hàng lớn nhất. Trong bất cứ thành phố nào, đó cũng là cửa hàng nằm ngay trên cùng một con đường có các tiệm bán lốp xe và đại lý xe và tiệm thay dầu nhớt. Và trong bất cứ thành phố nào, đó cũng là con đường lớn và mới, nằm gần giao lộ bốn vòng xuyến. Không thành phố nào giống nhau cả, nhưng chúng vẫn giống hệt nhau.
Ông mất mười phút để đi ngang qua bãi bán xe Ford có khoảng một nghìn chiếc xe tải hạng nhẹ mới tinh nằm thẳng hàng kề bên nhau, bánh trước gác lên những thang dốc. Phía sau chúng là một con khỉ đột bơm hơi khổng lồ được cột xuống bằng những dây cáp để neo hình nộm. Những sợi cáp được cột các lá cờ đuôi nheo gắn kim tuyến trang trí. Đằng sau những chiếc xe mới là những chiếc xe cũ. Hàng mang đến đổi bù tiền, Reacher nghĩ, đang chờ chủ mới. Đằng sau lô đất đã có chủ là một con đường cách hỏa.
Và rồi đến một cửa hàng bán phụ tùng xe.
Nó là một cửa hàng đại lý ủy quyền, dài và thấp, sạch sẽ gọn gàng. Trên lô đất có rải nhựa đường mới, những thông báo hàng hạ giá dán trên các cửa sổ. Đồ lọc nhớt giá rẻ, hóa chất chống đông giá rẻ, bộ phận phanh được bảo hành, ắc quy xe tải tuổi thọ cao. Trong bãi, xe đậu kín một phần tư. Có những chiếc xe Honda móp méo có ống khói to và bóng đèn trước màu xanh và lốp xe cao su trên bánh bằng crôm. Có những chiếc xe tải nhẹ nghiêng sang một bên vì gãy lò xo. Có những chiếc xe tã đã chạy quá mức hai trăm rưởi nghìn dặm. Hai chiếc xe nằm cô độc bên nhau ở cuối bãi. Reacher đoán rằng chúng là xe của nhân viên cửa hàng. Họ không được phép đậu xe ở những chỗ quan trọng nằm ở mặt tiền và trung tâm, nhưng họ muốn xe của mình nằm trong tầm mắt nhìn được qua cửa sổ. Một chiếc là chiếc Chevy bốn máy, còn chiếc kia là một chiếc Toyota thể thao nhỏ. Chiếc Chevy có hình những ả đàn bà nằm ngửa bằng crôm trên tấm chắn bùn, vì thế chiếc Toyota còn lại là xe của cô tóc đỏ. Đó là kết luận của Reacher.
Ông bước vào cửa hàng. Máy điều hòa được để rất lạnh và không khí nồng mùi hóa chất. Có chừng nửa tá khách hàng đang xem hàng loanh quanh. Ở mặt trước tiệm bày những kệ chất đầy đồ vật bằng kính và crôm. Mấy thứ trang sức, Reacher nghĩ vậy. Phía sau là những kệ chứa hàng đựng trong các hộp bìa cứng màu đỏ. Đĩa côn, má phanh, ống bộ tản nhiệt, những thứ đại loại như thế, ông nghĩ. Đồ phụ tùng. Ông chưa bao giờ thay phụ tùng xe. Trong quân đội có người làm việc đó cho ông, và từ khi rời quân đội ông chưa từng có xe riêng.
Ở giữa những món hào nhoáng và những món chán ngắt là một khu phục vụ do bốn cái bàn gắn lại với nhau. Có máy tính tiền, máy vi tính và những cuốn sách chỉ dẫn dày cộp. Một tên thanh niên cao khòng đứng sau một trong những chiếc máy vi tính, gã chừng độ trên hai mươi. Không phải một trong đám Reacher đã gặp. Không thuộc số năm tên trong quán bar thể thao. Chỉ là một tên thanh niên bình thường. Gã trông có vẻ là sếp ở đây. Gã đánh chiếc quần yếm màu đỏ. Đồng phục, Reacher nghĩ, nửa thực tiễn, nửa gợi nhắc tới thứ trang phục dành cho một kỹ thuật viên chính trên đường đua Indy 500. Như là một biểu tượng. Như một hứa hẹn ngầm về sự phục vụ nhanh chóng và hiệu quả về mọi vấn đề máy móc xe cộ. Reacher nghĩ gã là tay quản lý. Không phải là chủ cửa hàng. Nếu không đã chẳng lái chiếc Chevy bốn máy. Tên gã được thêu trên ngực trái: Gary. Nhìn gần, gã trông cộc cằn và không sốt sắng.
Reacher nói, “Tôi cần gặp Sandy, cô nhỏ tóc đỏ.”
Gary đáp, “Giờ nó đang làm việc bên trong.”
“Tôi đi vào trong gặp hay cậu sẽ gọi cô ấy cho tôi?”
“Chuyện gì vậy?”
“Chuyện riêng.”
“Nó tới đây để làm việc.”
“Đây là vấn đề pháp lý.”
“Ông không phải là cớm.”
“Tôi làm việc cho một luật sư.”
“Tôi cần xem giấy tờ tùy thân của ông.”
“Cậu không cần đâu, Gary. Cậu cần đi gọi Sandykìa.”
“Tôi không đi được. Hôm nay tôi thiếu người.”
“Cậu có thể gọi điện cho cô ấy. Hay nhắn tin.”
Gã Gary chỉ đứng yên. Không làm gì cả. Reacher nhún vai, đi băng qua quầy và tiến thẳng đến cánh cửa phía sau có đề chữ Không phận sự miễn vào. Nó có thể là một phòng làm việc hay một phòng ăn, ông đoán vậy. Không phải là nhà kho. Với một cửa hàng như thế này, hàng hóa được chất thẳng lên các kệ. Không có nhà kho ẩn. Reacher biết các cửa hàng bán lẻ hiện đại hoạt động ra sao. Ông đọc hết những tờ báo người ta để lại trên xe buýt và trong các quán ăn.
Nó là một phòng làm việc, khá nhỏ, có lẽ mỗi chiều mười thước, một cái bàn to, bằng ván ép màu trắng choán gần hết phòng, dính đầy những dấu tay dầu mỡ. Sandy đang ngồi sau bàn, cũng vận quần yếm đỏ. Đồ của cô trông khá hơn bộ đồ của Gary. Một sợi dây nịt thắt chặt ngang eo cô. Dây kéo để hở khoảng hai chục phân. Tên cô được thêu bên ngực trái, trông bắt mắt hơn tên của Gary nhiều. Reacher nghĩ nếu ông làm chủ cửa hàng này, ông sẽ để Sandy đứng quầy và đổi chỗ cho Gary ngồi trong phòng sau, chuyện đó khỏi bàn.
Ông nói, “Chúng ta lại gặp nhau.”
Sandy không đáp. Chỉ ngước nhìn ông. Cô ta đang tính toán các hóa đơn. Có một chồng hóa đơn để bên tay trái cô, và một chồng khác bên tay phải. Tay cô cầm một tờ, nó khựng lại nửa chừng trên đường từ chồng này qua chồng kia. Cô trông nhỏ nhắn hơn là Reacher nhớ được, ít lời hơn, bớt hưng phấn hơn, buồn tẻ hơn. Xẹp lép.
Ông nói, “Chúng ta cần nói chuyện, đúng không nhỉ?”
Cô đáp, “Tôi xin lỗi về chuyện đã xảy ra.”
“Đừng xin lỗi. Tôi không giận đâu. Tôi chỉ muốn biết đầu đuôi chuyện như thế nào thôi.”
“Tôi không biết gì cả.”
“Cô biết đấy, Sandy à. Cô có mặt ở đó mà.”
Cô ta không nói gì. Chỉ đặt tờ hóa đơn lên chồng ở bên tay phải rồi dùng các ngón tay vuốt nó lại ngay ngắn.
Reacher hỏi, “Ai đã dàn xếp vụ này?”
“Tôi không biết.”
“Cô phải biết người nói với cô về nó.”
Cô đáp, “Jeb.”
“Jeb?”
Cô nói, “Jeb Oliver. Anh ta làm việc ở đây. Đôi khi chúng tôi đi chơi với nhau.”
“Hôm nay hắn có ở đây không?”
“Không, anh ta không đến.”
Reacher gật đầu. Anh chàng Gary đã nói: Hôm nay tôi thiếu người.
“Tối qua cô có gặp lại hắn không? Sau chuyện đó?”
“Không, tôi chỉ chuồn đi thôi.”
“Hắn ở đâu?”
“Tôi không biết. Ở đâu đó với mẹ của anh ta. Tôi không thân với anh ta đến thế.”
“Hắn nói với cô thế nào?”
“Anh ấy nói tôi có thể giúp anh ấy một chuyện gì đó anh ta buộc phải làm.”
“Chuyện đó vui đến thế à?”
“Tối thứ Hai ở thành phố này thì chuyện gì cũng vui hết. Đi nói chuyện với cái đầu gối cũng vui lắm.”
“Hắn trả cho cô bao nhiêu?”
Sandy không trả lời.
Reacher nói, “Một trò như thế, không ai làm không công cả.”
Cô đáp, “Một trăm đô la.”
“Còn bốn tên kia thì thế nào?”
“Cũng vậy.”
“Bọn nó là ai vậy?”
“Chiến hữu của anh ta.”
“Ai là người nghĩ ra kế hoạch? Cái vụ anh em với nhau?”
“Đó là ý của Jeb. Lẽ ra ông phải vồ lấy tôi. Nhưng ông đã không làm thế.”
“Cô ứng biến giỏi lắm.”
Cô ta hơi mỉm cười, như thể vụ này là một thành công nho nhỏ bất ngờ trong đời sống vốn rất ít biến cố.
Reacher hỏi, “Làm sao bọn cô biết tôi ở đâu mà tìm?”
“Chúng tôi ngồi xe của Jeb, chạy lòng vòng. Kiểu như túc trực sẵn. Rồi thì anh ta nhận lệnh qua di động.”
“Ai gọi cho hắn?”
“Tôi không biết.”
“Chiến hữu của hắn có biết không?”
“Tôi nghĩ là không. Jeb thích biết những chuyện mà không có ai khác biết.”
“Cô cho tôi mượn chiếc xe nhé?”
“Xe của tôi?”
“Tôi cần đi tìm Jeb.”
“Tôi không biết anh ta sống ở đâu?”
“Cái đó để tôi lo. Nhưng tôi cần phương tiện.”
“Tôi không biết.”
Reacher nói, “Tôi đủ tuổi lái xe mà. Tôi đủ tuổi làm nhiều chuyện lắm. Và một số chuyện tôi rất cừ đấy.”
Cô lại thoáng mỉm cười, vì ông đang lặp lại lời cô đã nói trong đêm trước. Cô nhìn lảng đi, rồi quay lại nhìn ông, bẽn lẽn, nhưng tò mò.
Cô hỏi, “Tôi có khá không? Ông biết đấy, tối hôm qua, màn kịch ấy?”
Ông đáp, “Cô rất tuyệt. Tôi đã bận tâm chuyện khác rồi, nếu không chắc tôi đã bỏ rơi trận đấu trong nháy mắt.”
“Ông cần dùng xe tôi trong bao lâu?”
“Thành phố này lớn cỡ nào?”
“Không lớn lắm.”
“Vậy thì không lâu đâu.”
“Vụ này có lớn không?”
“Cô kiếm được một trăm đô. Bốn gã kia cũng vậy. Thế là đã có năm trăm đô. Tôi đoán Jeb có giữ lại năm trăm cho phần mình. Vậy là có ai đó đã bỏ ra một nghìn đô để cho tôi vào nhà thương. Một món cũng lớn đấy chứ. Ít ra là với tôi.”
“Bây giờ tôi ước mình đã không dính vào vụ này.”
“Cũng ổn rồi mà.”
“Tôi có bị rắc rối không?”
Reacher đáp, “Có lẽ có. Nhưng cũng có lẽ không. Chúng ta có thể thỏa thuận. Cô có thể cho tôi mượn chiếc xe và tôi có thể quên hết mọi chuyện về cô.”
“Hứa đấy nhé.”
Reacher đáp, “Không hậu quả, không trừng phạt.”
Cô ta cúi xuống nhặt chiếc ví dưới sàn lên. Lục tìm và lấy ra xâu chìa khóa.
Cô nói, “Chiếc Toyota.”
Reacher nói, “Tôi biết. Ở cuối dãy kế chiếc Chevy của Gary.”
“Làm sao ông biết điều đó?”
Ông đáp, “Trực giác.”
Ông lấy xâu chìa khóa rồi bước ra, đóng cửa lại và quay lại quầy tính tiền. Gary đang nhập sổ cho một gã vừa mua món gì đó không rõ. Reacher đứng vào hàng chờ. Đến được quầy tính tiền sau khoảng hai phút.
Ông nói, “Tôi cần địa chỉ của Jeb Oliver.”
Gary hỏi, “Tại sao?”
“Chuyện pháp luật.”
“Tôi muốn xem giấy tờ tùy thân của ông.”
“Có một âm mưu tội phạm đang xảy ra trong cửa hàng của cậu. Nếu tôi là cậu thì biết càng ít về chuyện đó càng tốt.”
“Tôi muốn xem một thứ gì đó.”
“Xem nội thất xe cứu thương được hẳn? Cậu sẽ được xem thứ đó lập tức Gary à, trừ phi đưa tôi địa chỉ của Jeb Oliver.”
Gã thanh niên im lặng giây lát. Liếc qua vai Reacher, nhìn dòng người đang xếp hàng sau lưng ông. Có vẻ như quyết định không muốn rơi vào cuộc chiến gã tự biết không thắng nổi trong khi có cả đám người đang nhìn. Vì thế, gã kéo ngăn tủ lấy ra một tập hồ sơ và ghi lại địa chỉ lên một mảnh giấy xé ra từ một tập ghi chép có lôgô một công ty sản xuất bộ phận lọc dầu.
Gã nói, “Từ đây chạy về phía Bắc chừng năm dặm.”
Reacher nói, “Cám ơn,“ và nhận lấy mảnh giấy.
Chiếc Toyota của cô nàng tóc đỏ nổ máy ngay khi ông vừa vặn khóa. Reacher cứ để máy nổ và đẩy chiếc ghế ra sau, chỉnh kính chiếu hậu.
Cài dây an toàn và để mảnh giấy dán vào bảng đồng hồ chỉ dẫn trước mặt. Làm thế ông không nhìn thấy đồng hồ đo tốc độ, nhưng ông không quan tâm đến bất kỳ thông tin gì nó có thể cung cấp. Ông chỉ quan tâm mỗi một điều là còn bao nhiêu xăng ở trong bình, và có vẻ như thừa xăng cho năm dặm đi và năm dặm về.
Địa chỉ của Jeb Oliver chỉ là một số nhà trên một tuyến thư nông thôn. Dễ tìm hơn là một con đường có tên, như là đường Cây Du hay đại lộ Cây Thích. Theo kinh nghiệm của Reacher, ở một số thành phố số đường được đặt theo tên cây còn nhiều hơn cả số cây nữa.
Ông lái ra khỏi bãi đậu xe và đi về hướng Bắc đến giao lộ. Có cả rừng bảng hiệu chỉ dẫn như thường lệ. Ông thấy số hiệu tuyến mình đang cần tìm. Nó sẽ là một khúc quanh gắt, về phía phải rồi qua trái. Hướng Đông, rồi qua hướng Bắc. Chiếc xe nhỏ chạy rất ổn. Nó hơi cao so với bề ngang, điều này làm nó hơi chông chênh khi gặp những khúc cua. Nhưng nó không lật. Có một bộ máy nhỏ làm việc rất chuyên cần. Bên trong xe nồng mùi nước hoa.
Đoạn rẽ từ Đông sang Tây của khúc quanh có vẻ là một con đường xuyên hạt chính. Nhưng sau lối rẽ về phía Bắc thì mặt đường hẹp lại và lề đường trở nên gập ghềnh. Hai bên đường là đất trồng trọt. Một vụ đông gì đó được trồng thành những khoảng tròn khổng lồ. Những vòi tưới cây xoay từ từ. Những góc xa, nơi những vòi tưới không tưới đến thì không trồng gì và còn đầy sỏi đá. So những khoảng tròn trồng được với mỗi luống vuông thì diện tích bỏ phí là nhiều hơn hai mươi mốt phần trăm, nhưng Reacher đoán rằng đó có thể là cách xử lý hiệu quả ở những nơi mà đất thì có quá nhiều mà dụng cụ tiêu tưới thì không nhiều như vậy.
Ông lái thêm bốn dặm đi xuyên qua những khoảnh ruộng và chạy ngang nửa chục những nhánh đường đất ở đầu có đặt thùng thư. Những thùng thư được sơn số và những con đường đất dẫn về phía Tây và phía Đông đến những nông trại nhỏ nằm tít bên trong, có khi cách đường chính tới hai trăm thước. Ông đọc những con số và giảm tốc độ trước khi đến nhà Oliver. Nó cũng có một thùng thư như những ngôi nhà khác, đặt trên một cột trụ làm bằng hai khối bê tông hình số 8 chồng lên nhau. Con số được sơn màu trắng lên một tấm ván hình chữ nhật đã bạc màu nắng mưa, được cột vào khối bê tông. Con đường đất rất hẹp với hai rãnh bùn ôm lấy sống đường phủ cỏ gồ lên ở giữa. Có những dấu bánh xe rất rõ trong bùn. Những dấu mới nguyên, rộng, đầy đe dọa, của một chiếc xe tải lớn. Không phải loại lốp xe mua ở chỗ 99 đô la cho bốn chiếc.
Reacher rẽ chiếc Toyota vào và chạy xuôi xuống con đường đất. Ở cuối đường, ông thấy một nông trại bằng ván ghép với một nhà kho phía sau và một chiếc xe tải nhỏ màu đỏ, sạch sẽ đậu kế bên. Đầu xe tải quay ra ngoài và nó có cái lưới hút khí cho bộ tản nhiệt bằng crôm đồ sộ. Reacher đoán rằng đó là một chiếc Dodge Ram. Ông đậu xe lại trước chiếc xe tải và xuống xe. Ngôi nhà và cái nhà kho đã có khoảng trăm năm, còn chiếc xe tải thì chỉ chừng một tháng. Nó có động cơ Hemi rất to, và một buồng lái rộng, bốn cầu bánh, và những bánh xe rất lớn. Chắc hẳn nó có giá trị hơn cái nhà được bảo trì thật tệ kia, chỉ thêm một mùa đông nữa chắc sẽ biết thế nào là nguy cấp. Cái nhà kho cũng không khá gì hơn. Nhưng nó có những móc sắt mới trên các cánh cửa với một chiếc khóa xe đạp hình chữ U xỏ qua.
Không có tiếng động nào cả ngoài tiếng rít xa xa của làn nước được phun ra từ những vòi tưới xoay từ từ trên các khoảnh ruộng. Không một hoạt động nào hết. Không có xe cộ trên đường. Không có tiếng chó sủa. Không gian vắng lặng và nồng mùi phân bón và đất. Reacher bước đến cửa trước và đập hai lần bằng lòng bàn tay. Không hồi đáp. Ông thử đập lần nữa. Không hồi đáp. Ông đi vòng ra sau nhà và thấy một người đàn bà đang ngồi trên một chiếc ghế đu bên hiên. Bà ta gầy và nhăn nheo, mặc một chiếc váy hoa bạc màu, tay cầm một cái chai đựng một thứ nước gì đó màu vàng. Bà có lẽ khoảng năm mươi, nhưng trông bà có thể coi là bảy mươi, hay chỉ bốn mươi nếu chịu tắm táp và ngủ một giấc ngon. Bà co một chân ngồi khoanh lại và dùng chân kia đẩy chiếc ghế lắc nhè nhẹ. Bà không mang giày.
Bà ta hỏi, “Ông muốn gì?”
Reacher đáp, “Jeb.”
“Không có ở đây.”
“Cũng không có mặt ở chỗ làm.”
“Tôi biết rồi.”
“Vậy hắn đâu rồi?”
“Làm sao tôi biết được?”
“Bà là mẹ của hắn à?”
“Phải. Ông nghĩ là tôi giấu nó ở đây à? Cứ việc đi tìm đi.”
Reacher không nói gì. Người đàn bà nhìn ông và chân đẩy cái ghế đung đưa, đung đưa. Cái chai nằm yên trên đùi bà ta.
Bà nói, “Tôi bảo thật đấy. Lục soát cái nhà khốn kiếp này đi.”
“Tôi tin lời bà rồi.”
“Tại sao tin?”
“Vì nếu bà mời tôi soát nhà thì có nghĩa là hắn không có ở trong đó.”
“Như tôi đã nói rồi. Jeb không có ở đây.”
“Còn cái nhà kho kia thì sao?”
“Kho được khóa từ bên ngoài. Chỉ có một chìa thôi và nó cầm.”
Reacher không nói gì.
Bà ta nói tiếp, “Nó đi mất rồi. Biến mất rồi.”
“Biến mất?”
“Chỉ tạm thời thôi, hy vọng thế.”
“Đó có phải là xe của hắn không?”
Người đàn bà gật đầu. Nhắp một ngụm nhỏ từ cái chai.
Reacher nói, “Vậy hắn đi bộ à?”
“Có người đến đón. Một người bạn.”
“Khi nào?”
“Khuya qua.”
“Đi đâu vậy?”
“Tôi không biết.”
“Bà đoán thử xem.”
Người đàn bà nhún vai, đẩy ghế, nhắp rượu.
Bà nói, “Đi xa lắm, chắc vậy. Nó có bạn bè khắp nơi. California, có lẽ vậy. Hay Arizona. Hay Texas. HayMexico.”
Reacher hỏi, “Chuyến đi có được định trước không?”
Người đàn bà lau cái cổ chai vào gấu váy rồi giơ chai rượu ra cho ông. Ông lắc đầu. Ngồi xuống bậc cấp của hiên nhà. Lớp gỗ cũ nghiến cọt kẹt một tiếng dưới sức nặng của ông. Chiếc ghế tiếp tục đong đưa. Không gian gần như im ắng. Gần như thôi, chứ không hoàn toàn. Có một tiếng động nhỏ vang lên từ chiếc ghế mỗi khi xong một vòng đu, và một tiếng rắc nhỏ từ ván sàn khi nó bắt đầu quay trở lại. Reacher có thể ngửi thấy mùi mốc meo từ những tấm đệm, và mùi rượu mạnh từ cái chai.
Người đàn bà nói, “Lật tẩy luôn cho rồi, mặc xác anh là ai. Tối qua Jeb đi khập khiễng về nhà, mũi thì bị gãy. Và tôi nghĩ rằng anh là người đập gãy mũi nó.”
“Tại sao?”
“Còn ai khác đến tìm nó đây? Tôi đoán nó đã làm một chuyện gì đó nhưng không thành.”
Reacher không nói gì.
Người đàn bà nói tiếp, “Nên nó bỏ trốn. Thằng ch.ết nhát.”
“Tối qua hắn có gọi cho ai không? Hay có ai đó gọi cho hắn?”
“Làm sao tôi biết được? Nó gọi cả nghìn cú mỗi ngày, nó nhận cả nghìn cú mỗi ngày. Cái điện thoại di động là vật quý báu nhất trong đời nó. Chỉ sau mỗi chiếc xe thôi.”
“Bà có thấy người đến đón hắn không?”
“Một người nào đó ngồi trong xe. Hắn chờ trên đường chính. Không đi xuống đường mòn. Tôi không thấy được gì nhiều. Trời tối quá. Đèn trắng đằng trước, đèn đỏ đằng sau, xe nào chả vậy.”
Reacher gật đầu. Ông đã thấy chỉ có một kiểu lốp xe in trên bùn, của chiếc xe tải lớn. Chiếc xe đã chờ trên đường chắc hẳn là một chiếc xe con, quá thấp nên không thể chạy xuống con đường đất của nông trại.
“Hắn có nói là sẽ đi trong bao lâu không?”
Người đàn bà chỉ lắc đầu.
“Hắn có sợ hãi điều gì không?”
“Nó kiểu như xìu hẳn xuống. Xẹp lép.”
Xẹp lép. Như em tóc đỏ trong cửa hàng phụ tùng xe hơi vậy.
Reacher nói, “Được rồi. Cám ơn bà.”
“Anh đi à?”
Reacher đáp, “Vâng.” Ông quay trở lại lối cũ, nghe tiếng chiếc ghế di chuyển, nghe tiếng rít của vòi tưới. Ông lùi chiếc Toyota ra đến con đường, bẻ lái chạy về hướng Nam.
Ông đậu chiếc Toyota kế chiếc Chevy rồi đi vào cửa hàng. Gary vẫn đứng sau máy tính tiền. Reacher mặc kệ gã và đi thẳng đến cánh cửa Không phận sự miễn vào. Cô nàng tóc đỏ vẫn ngồi sau bàn.
Cô ta gần như đã làm xong mớ hóa đơn. Chồng bên tay phải cô vun cao, và chồng bên tay trái chỉ còn có một tờ thôi. Cô không làm gì với nó hết. Cô đang ngồi dựa ra sau lưng ghế, không muốn làm cho xong, không muốn trở lại với mọi người. Hay với Gary.
Reacher đặt chùm chìa khóa xe lên bàn.
Ông nói, “Cám ơn đã cho tôi mượn xe.”
Cô ta hỏi, “Ông có tìm thấy anh ta không?”
“Hắn chuồn rồi.”
Cô không nói gì.
“Trông cô mệt mỏi quá.”
Cô không nói gì.
“Có vẻ như cô hết hơi rồi vậy. Hết lanh lợi. Hết hào hứng.”
“Thì sao?”
“Tối qua cô hăng hái lắm.”
“Tôi đang làm việc.”
“Tối qua cô cũng làm việc cơ mà. Cô được trả công còn gì nữa.”
“Ông đã nói sẽ quên hết mọi chuyện mà.”
“Tôi quên hết rồi. Vui sống nhé, Sandy.”
Cô nhìn ông một thoáng.
Cô nói, “Chúc ông cũng vậy, Jimmy Reese.”
Ông quay ra, đóng cửa lại rồi bước ra ngoài. Cuốc bộ về hướng Nam, trở lại thị trấn.
Có bốn người trong văn phòng của Helen Rodin khi ông đến đó. Helen và ba người lạ. Một người trong đám họ mặc một bộ đồ đắt tiền. Ông ta ngồi ở ghế của Helen, sau chiếc bàn. Cô đang đứng nói cạnh ông ta, đầu cô cúi xuống. Không khí như một cuộc họp khẩn. Hai người lạ kia đang đứng gần cửa sổ, như thể họ đang chờ, như thể họ sắp đến phiên. Một người đàn ông, một người phụ nữ. Người đàn bà có mái tóc đen dài và mang kính. Người đàn ông không mang kính mà cũng không có tóc. Cả hai ăn vận bình thường. Cả hai có mang bảng tên thật lớn trên ve áo. Người đàn bà tên Mary Mason, theo sau là một lô chữ cái hẳn là chức vị trong y khoa. Người đàn ông tên Warren Niebuhr với những chữ y như thế. Họ là các bác sĩ, Reacher đoán vậy, chắc là bác sĩ tâm thần. Những cái bảng tên làm họ trông giống như vừa bị lôi ra khỏi một phòng hội nghị. Nhưng họ không có vẻ gì là buồn phiền về chuyện đó.
Helen ngước lên nhìn.
Cô nói, “Thưa quý vị, đây là ông Jack Reacher. Điều tr.a viên của tôi bỏ việc và ông Reacher đồng ý thế chân ông ta.”
Reacher nghĩ, Giờ tôi mới hay đấy. Nhưng ông không nói gì. Rồi Helen chỉ tay vào người ngồi trên ghế của mình, hãnh diện nói.
“Đây là Alan Danuta. Ông là một luật sư chuyên lo về những vấn đề của cựu chiến binh. Đến từ Washington. Có lẽ là người giỏi nhất ở đó.”
Reacher nói với ông ta, “Ông đến đây nhanh nhỉ.”
Ông ta đáp, “Tôi phải làm thế thôi. Hôm nay là ngày quyết định đối với ông Barr.”
Helen nói, “Chúng ta sẽ cùng đến bệnh viện. Các bác sĩ cho biết anh ta đã sẵn sàng. Tôi cứ hy vọng rằng ông Alan sẽ cho ý kiến qua điện thoại hay e-mail, nhưng ông đã bay đến ngay.”
Danuta nói, “Như thế tiện hơn cho tôi.”
Helen nói, “Không, tôi gặp may. Rồi còn may hơn nữa, vì có một cuộc hội thảo về tâm thần ở Bloomington trong suốt tuần. Bác sĩ Mason và bác sĩ Niebuhr lái xe đến ngay.”
Bác sĩ Mason nói, “Tôi chuyên về tình trạng mất trí nhớ.”
Bác sĩ Niebuhr nói, “Tôi thì chuyên về tình trạng cưỡng bức. Những vấn đề về sự lệ thuộc trong tâm trí của tội phạm, và vân vân.”
Helen nói, “Vậy đây là đội hình của chúng ta.”
Reacher hỏi, “Em gái anh ta thế nào rồi?”
“Cô ấy đã ở đó rồi.”
“Chúng ta cần thảo luận.”
“Nói riêng với tôi?”
“Chỉ một lát thôi.”
Cô ra dấu xin phép với mọi người và dẫn Reacher ra phòng ngoài.
Cô hỏi, “Ông có tin gì mới không?”