Chương 1: Truyền thuyết về những cánh rừng
Năm mười chín tuổi là lúc tôi bắt đầu biết đến truyền thuyết về những cánh rừng. Giờ đây nhìn lại, tôi nhận ra nó đã trở thành một cái gì có vẻ rất huyền bí, giống như thể đã xảy ra trong một giấc mơ. Sự thật thì đã có rất nhiều lần tôi gần như thuyết phục được mình là điều này đã xảy ra trong tưởng tượng của tôi. Tuy vậy, ngay từ lúc còn bé, tôi đã là một người có suy nghĩ rất thực tế, không mất thời gian để mơ mộng nhiều; nhưng vào cái năm 19 tuổi ấy tôi là một cô gái thiếu kinh nghiệm, hầu như không rời khỏi khuôn viên nhà trường và đang ở giai đoạn cuối cùng của thời niên thiếu.
Chuyện này xảy ra vào một chiều cuối tháng Mười tại một cánh rừng ở Thụy Điển không xa biên giới với nước Đức là bao. Tôi đang học năm cuối cùng ở một trong những trường tư cao cấp nhất châu Âu, một ngôi trường mà cô Patty quyết định tôi phải sang học để “hoàn thiện tư chất” như cô nhấn mạnh.
“Hai năm sẽ làm được nhiều chuyện”, cô nói. “Không phải là quá nhiều đối với cháu, mà là với những điều người ta tin tưởng là nhà trường làm được. Nếu các bậc phụ huynh biết rằng một người chúng ta đã qua học ở Schaffenbrucken họ sẽ vui lòng gửi gắm con gái cho chúng ta.”
Cô Patty là Hiệu trưởng một trường tư thục dành cho nữ sinh và đã hoạch định tương lai đâu vào đấy: khi học xong tôi sẽ gia nhập vào công cuộc đầu tư này. Nhưng để đến lúc ấy tôi phải có những phẩm chất tối ưu, phù hợp với nhiệm vụ, cương vị mới và phải có cốt cách cao quí đáng mơ ước của một thiếu nữ thượng lưu khiến cho các bậc cha mẹ không thể cưỡng lại được, chỉ muốn con gái họ chia sẻ ánh hào quang rực rỡ có từ danh tiếng lẫy lừng của Schaffenbrucken.
“Màu mè,” cô Patty nói. “chỉ là một sự hợm hĩnh thuần túy không pha trộn. Nhưng phàn nàn làm gì nếu như nhờ nó mà trường nữ sinh tư thục Patience Grant có được một sự quan tâm đặc biệt có lợi?”
Cô Patty trông giống hệt một cái thùng tônô bởi vì cô vừa lùn vừa tròn xoay. “Tôi khoái ăn uống,” cô thường nói, “vậy thì tại sao tôi lại phải tước của mình thú vui ấy. Tôi tin rằng đó là tiếng gọi của lương tâm đối với mọi người để ai cũng thưởng thức những thứ tốt lành mà Chúa đã ban tặng cho hết thảy mọi người. Đấy, món bò bít-tết và bánh putding sôcôla chẳng phải được tạo ra để ăn hay sao?”
Thức ăn ở trường Patience Grant thì thật tuyệt – tôi tin là nó khác hẳn với những món người ta bày trên bàn ăn ở hầu hết các trường tư thục trên vương quốc Anh.
Cô Patty vẫn chưa lấy chồng “vì một lý do rất đơn giản,” cô thường nói, “chẳng có ai ngỏ lời với tôi cả. Với lại, nếu có thì việc tôi có chấp nhận lời cầu hôn hay không lại là một vấn đề khác. Nhưng bởi vì vấn đề này chưa bao giờ được đặt ra, vậy thì cả tôi lẫn những người khác cần gì phải quan tâm chứ.”
Nhưng với riêng tôi thì cô Patty sẵn lòng thổ lộ. “Cô là như thế từ ngày còn ở mẫu giáo kia. Mãi mãi là một kẻ ngoài rìa trong các buổi dạ hôi. Con biết không, ngày ấy cô leo trèo giỏi lắm, cô quậy hết biết luôn. Nếu có bất cứ đứa con trai nào dám giật tóc cô, nó sẽ phải lủi thật mau để tránh một cuộc chiến. Ngày ấy, Cordelia thân yêu ạ, cô bao giờ cũng là người chiến thắng.” Tôi tin thế và thường nghĩ đàn ông mới ngu ngốc làm sao bởi vì không có ông nào đủ sáng suốt để hỏi cưới cô Patty làm vợ. Cô sẽ là một người vợ trên cả tuyệt vời cũng như cô chính là người mẹ hoàn thiện, hoàn mĩ của tôi.
Cha mẹ đẻ ra tôi là những người truyền giáo ở châu Phi. Họ được coi là những người tận trung với lí tưởng, là những vị thánh; nhưng cũng như quá nhiều những vị thánh khác, họ chỉ chăm chăm đem đến những điều tốt lành cho nhân gian mà không buồn bận tâm đến những vấn đề của đứa con gái nhỏ. Tôi chỉ có những kí ức mơ hồ về họ – bởi vì tôi mới có bảy tuổi đầu lúc tôi được gửi về quê nhà ở Anh – thỉnh thoảng hai người ngắm nhìn tôi, khuôn mặt bừng sáng lòng nhiệt tình cao quý và vẻ thánh thiện, cứ như thể chính cha mẹ cũng không biết rõ tôi là ai. Sau này, tôi tự hỏi không biết trong cuộc sống với toàn những việc làm cao thượng, tốt lành của mình, có bao giờ họ áy náy về những điều đã gây ra cho tôi không.
Tuy vậy – chắc đây là một sự giải thoát kịp thời đối với họ – cuộc sống ở những vùng rừng rậm châu Phi không phải là chỗ dành cho một đứa trẻ. Tôi phải được đưa về quê nhà, đến chỗ người em gái của cha tôi, cô Patience hay cô Patty.
Tôi được đưa về Anh cùng với một người truyền giáo về thăm nhà trong một đợt nghỉ ngắn hạn. Chuyến đi dài dường như chẳng để lại trong tôi một hình ảnh rõ nét nào nhưng cái mà tôi bao giờ cũng nhớ là cái dáng phục phịch của cô Patty đứng đợi tôi ngoài bến tàu. Cái mũ của cô là vật đầu tiên thu hút sự chú ý của tôi: một cái mũ màu sắc sặc sỡ với một chiếc lông chim màu xanh da trời ngất ngưởng trên chỏm. Cô Patty thích mũ cũng gần bằng thích các món ăn khoái khẩu. Đôi khi cô còn đội mũ khi ngồi trong nhà. Và đây cô đứng đấy – đôi mắt phóng to lên sau cặp kính dày cộm, khuôn mặt, như vầng trăng đầy đặn sáng lên nhờ xà bông và nước lạnh, tràn trề sức sống dưới cái mũ lộng lẫy và chiếc lông chim gật gù khi cô ghì tôi vào bộ ngực đồ sộ thơm nức mùi hoa oải hương của mình.
“Ôi, cháu đây rồi. Con gái của Alen... Cháu đã về nhà.”
Ngay vào giây phút đầu tiên, cô đã thuyết phục tôi là tôi có tồn tại trên đời.
Hai năm sau, cha tôi ch.ết vì bệnh lỵ rồi vài tuần sau mẹ cũng nối gót cha vì cũng căn bệnh ấy.
Cô Patty chỉ cho tôi xem một vài đoạn trong Thánh Kinh. “Họ đã trao cuộc đời mình để phụng sự Chúa,” cuốn sách viết như thế.
Tôi sợ rằng tôi cũng chẳng buồn lắm đâu. Tôi đã quên mất những hình ảnh về cha mẹ mà cũng chẳng có lúc nào để nhớ nhung, nghĩ ngợi. Tôi đã hoàn toàn đắm mình trong cuộc sống ở thái ấp Grantley, một dinh thự theo kiểu Elizabeth cổ xưa mà cô Patty đã mua, hai năm trước khi tôi ra đời.
Cô cháu tôi rất tâm đầu ý hợp, cứ trò chuyện với nhau suốt – chỉ hai người thôi. Dường như cô không bao giờ giấu giếm điều gì. Sau này tôi thường tự hỏi tại sao hầu hết mọi người đều có những bí mật lớn nhỏ trong đời. Điều này chẳng đúng với cô Patty chút nào. Lời lẽ cứ tuôn rào rào ra khỏi miệng cô và không gì có thể giữ lại. “Khi cô đi học ấy mà,” cô kể, “cô có nhiều trò vui lắm nhưng lại không có cái bỏ bụng. Người ta chỉ đổ nước lã vào nồi hầm. Thế mà người ta gọi đó là món xúp của ngày Thứ Hai. Thế cũng còn chưa tệ lắm. Món ấy còn loãng hơn vào ngày Thứ Ba, rồi chỉ còn là bọt vào ngày Thứ Tư, đến nỗi cô thường tự hỏi nó còn kéo được đến bao giờ trước khi nó thuần túy chỉ còn là H O. Bánh mì thì bao giờ cũng có mùi mốc. Cô nghĩ trường nội trú đã làm cho cô trở thành một kẻ phàm ăn bởi vì cô đã thề với lòng mình khi nào tốt nghiệp, cô sẽ chỉ có ăn, ăn và ăn. Cô tự nhủ, nếu mình mở trường tư thì nó sẽ phải khác hẳn. Rồi khi tiền tới tay, cô tự hỏi, “Tại sao lại không thử một phen?” Ông già Lucas chẳng nói “Đó là một trò đánh bạc” là gì. Ông ta là luật sư của cô. “Thế thì sao nào?” Cô cự lại, “Tôi khoái bài bạc lắm.” Ông ta càng chống lại chuyện này bao nhiêu cô lại càng tha thiết bấy nhiêu. Cô thích có những thách đố như vậy. Cứ bảo với cô là “đừng làm đi,” cô sẽ tìm cách làm cho bằng được. Thế rồi cô tìm thấy thái ấp cổ xưa này.. rất rẻ với một số thứ cần phải sửa sang lại. Một chỗ thật thích hợp để mở trường. Cô đặt tên cho nó là thái ấp Grantley. Con thấy đấy, cái tên Grantley hơi có chút màu mè, khoe mẽ phải không? Cô Grant ở Grantley. Phải, con có thể nghĩ cô ấy đã sống ở đây hàng thế kỉ, đúng chưa? Mà con sẽ không hỏi, chỉ nghĩ trong bụng thôi đây là một nơi lí tưởng cho các tiểu thư nhà nòi. Cô đã có kế hoạch xây dựng trường Grantley trở thành một ngôi trường bậc nhất Anh quốc, cũng giống như Schaffenbrucken ở Thụy Điển.”
Đó là lần đầu tiên tôi nghe cái tên Schaffenbrucken.
Cô giải thích thêm cho tôi rõ. “Tất cả đều đã được suy tính thấu đáo. Schaffenbrucken rất kén học sinh thế nên không dễ gì mà được nhận vào học. “Chúng tôi sợ rằng không còn chỗ cho tiểu thư Amelia, thưa bà Smith. Xin bà hãy thử một lần nữa vào khóa sau. Ai biết được, có thể bà gặp may. Bây giờ chúng tôi đầy ắp học sinh và có cả một danh sách chờ đợi.” Một danh sách chờ đợi! Đó là cụm từ màu nhiệm nhất trong vốn từ của một bà hiệu trưởng. Đó là cái mà tất cả chúng ta đều hi vọng đạt được... Người ta phải tranh nhau gửi con gái mình vào trường học của chúng ta, không giống những trường hợp khác con phải cố gắng dụ dỗ họ làm thế.”
“Schaffenbrucken rất đắt,” cô Patty nói tiếp trong một lần trò chuyện khác, “nhưng cô nghĩ nó đáng giá tới từng đồng peny bỏ ra. Con có thể học tiếng Pháp và tiếng Đức từ những người nói thứ tiếng đó như nó phải và chỉ được nói như thế, bởi vì đó là tiếng mẹ đẻ của họ, con có thể khiêu vũ, xoay tròn và đi lại quanh phòng với một cuốn sách đặt trên đầu. Ồ phải, con đang nghĩ: Con có thể học những điều đó ở hàng ngàn trường học khác. Đúng thế, nhưng con sẽ không bao giờ có được cái nước sơn ấy nếu con không có được cái tiếng là học sinh của Schaffenbrucken.”
Câu chuyện của cô tôi bao giờ cũng bị ngắt quãng bởi tiếng cười.
“Schaffenbrucken chỉ làm được chút chút cho con thôi, Cordelia thân yêu ạ. Sau đó con sẽ trở về đây và khi chúng ta thông báo về thành tích của con, các bà mẹ cứ gọi là tranh nhau gửi con gái họ đến chỗ chúng ta. “Miss Cordelia có một phong thái thật đặc biệt. Cô ấy học ở trường Schaffenbrucken đấy, các ông bà có biết không?” Ồ, con yêu của ta, chúng ta sẽ bảo họ rằng chúng ta có cả một danh sách các cô tiểu thư chờ đợi sự dìu dắt của Miss Cordelia Grant từ Schaffenbrucken để ra mắt xã hội thượng lưu.”
Điều này bao giờ cũng đi đến một sự nhất trí là tôi, một khi đã “hoàn thành” việc học hành, sẽ phụ tá cô Patty trong một ngôi trường của cô.
“Một ngày nào đó,” cô khẳng định, “nó sẽ là của con, Cordelia yêu dấu ạ.”
Tôi biết cô muốn nói đến khi cô ch.ết mà tôi thì không thể hình dung cuộc đời này vắng cô. Chẳng phải cô chính là trung tâm trong cuộc sống của tôi, với khuôn mặt bừng sáng, tiếng cười hồ hởi, những câu chuyện tâm tình bất tận, sự khoái khẩu và những chiếc mũ lộng lẫy sao?
Năm tôi mười bảy tuổi, cô nói đã đến lúc tôi đi thụ giáo ở Schaffenbrucken.
Một lần nữa tôi rong ruổi trên đường dài – lần này với ba quý bà đưa tôi đến Thụy Điển. Ở Balse có một người của trường đợi tôi và tháp tùng tôi đến trường. Chuyến đi thật thú vị và suốt dọc đường tôi cứ nhớ lại cuộc hành trình đằng đẵng từ châu Phi về nhà. Chuyến đi này khác hẳn. Giờ đây, tôi đã khôn lớn hơn; tôi biết nơi tôi đến và tôi không hề trải qua nỗi sợ hãi mơ hồ của các cô gái nhỏ trong một cuộc hành trình đến một nơi xa lạ, không quen biết.
Các quý bà tháp tùng tôi đi ngang qua lãnh thổ châu Âu có nhiệm vụ trông nom tôi và với một sự nhẹ nhõm, tôi tin chắc thế, họ trao tôi cho Miss Mainz, cô giáo dạy môn tiếng Đức ở Schaffenbrucken. Đó là một người đàn bà đứng tuổi, trông nhàn nhạt không có gì đáng chú ý. Cô rất vui khi biết tôi có nói được chút ít tiếng Đức. Cô nói cách phát âm của tôi thật tệ nhưng vẫn còn có cơ hội sửa lại; cô nhất định chỉ dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong suốt chuyến đi.
Cô nói về danh tiếng lẫy lừng của Schaffenbrucken và về việc tôi đã may mắn như thế nào mới lọt được vào danh sách chọn lọc ở đây. Đó là một câu chuyện xưa như trái đất và tôi nghĩ cô Mainz là người tẻ nhạt nhất mà tôi từng gặp. Thậm chí tôi còn so sánh cô với cô Patty để lấy làm ngán ngẩm. Schaffenbrucken chẳng gây được ấn tượng gì đặc sắc. Tuy vậy cảnh vật xung quanh như trong chốn bồng lai. Rời khỏi thị trấn chừng một dặm chúng tôi lọt ngay vào một vùng trùng điệp những cánh rừng thơ mộng và núi non hùng vĩ. Madame de Guérin là một quý bà không còn trẻ, mang hai dòng máu Pháp và Thụy Sĩ. Bà có quyền cao nhất ở đây nhưng rất kín tiếng và tôi chỉ có thể nói là bà có “hiện diện”. Bà đóng một vai trò quan trọng ghê gớm đối với huyền thoại về Schaffenbrucken. Nhưng bà ít có liên hệ với bọn nữ sinh chúng tôi mà giao phó trọng trách ấy cho các cô giáo. Chúng tôi học khiêu vũ, đóng kịch, tiếng Pháp, tiếng Đức và một bộ môn mà người ta gọi là nhận thức xã hội. Ở Schaffenbrucken, chúng tôi chỉ hấp thụ những gì tinh túy nhất, chọn lọc nhất, đáp ứng những nấc thang giá trị cao nhất ngoài xã hội.
Tôi nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới và cảm thấy các cô gái ở đây rất thú vị. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau và lẽ tự nhiên tôi trở nên thân thiện với các cô gái người Anh hơn. Hai nữ sinh ở chung một phòng và bao giờ người ta cũng sắp xếp sao cho những người khác quốc tịch được ở chung với nhau. Năm học đầu tiên tôi ở chung với một cô người Đức, năm thứ hai với một cô người Pháp. Đó là một sự sắp đặt rất khéo bởi vì nó giúp chúng tôi hoàn thiện khả năng ngoại ngữ.
Kỉ luật ở đây cũng không khắt khe lắm. Chúng tôi đâu còn là trẻ con nữa. Các cô gái thường nhập học vào năm mười sáu, mười bảy và ra trường vào năm mười chín, hai mươi tuổi. Chúng tôi không có mặt ở đây để học hỏi những kiến thức cao siêu, mỗi một người phải tự phấn đấu để trở thành một femme comme il faut như Madame de Guérin nhấn mạnh. Khiêu vũ thật điêu luyện và ăn nói duyên dáng quyến rũ còn quan trọng gấp mấy lần kiến thức về văn chương hoặc toán học.
Hầu hết các cô gái ở đây sẽ đi thẳng từ Schaffenbrucken đến buổi ra mắt xã hội thượng lưu lần đầu tiên. Chỉ có một hai người, giống như tôi, có một sự chỉ định khác. Hầu hết các nữ sinh đều hài lòng, coi thời gian ở Schaffenbrucken như một giai đoạn quan trọng trong sự trưởng thành của họ – phù du và càng tận hưởng niềm vui trong trẻo của cuộc đời thiếu nữ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Mặc dù cuộc sống ở các lớp học trôi qua một cách dễ chịu, vẫn có một sự giám sát ngặt nghèo đối với bọn con gái và tôi chắc rằng nếu có bất cứ cô gái nào sắp sửa dấn thân vào một vụ xì-căng-đan nào đó sẽ lập tức bị đuổi về nhà bởi vì ở đây bao giờ cũng có những bậc phụ huynh đầy tham vọng, nóng lòng muốn gửi con gái mình vào chỗ trống đó. Tôi về nhà với cô Patty vào ngày Giáng sinh và kì nghỉ hè, chúng tôi có bao nhiêu ngày vui vẻ đầy ắp tiếng cười khi thảo luận về Schaffenbrucken. “Chúng ta phải làm được điều này,” cô Patty nói. “Cô đảm bảo với cháu là khi cháu tốt nghiệp Schaffenbrucken, chúng ta sẽ có một trường trung học nữ danh giá bậc nhất Anh quốc. Chúng ta sẽ làm Miss Daisy Hetherington tức uất người vì ganh tị.”
Đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe tên Miss Hetherington. Tôi thờ ơ hỏi bà là ai và được biết bà có một ngôi trường ở Devonshire, cũng gần tốt như cô nghĩ và thực ra trường này cũng có được những thành tích nhất định.
Ước gì tôi hỏi nhiều hơn thế. Nhưng lúc ấy tôi đâu có biết điều ấy quan trọng như thế nào.
Tôi đang ở học kì cuối cùng ở Schaffenbrucken. Lúc đó đã cuối tháng Mười – khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm. Có rất nhiều nắng ở vùng này khiến cho mùa hè dường như kéo dài hơn. Có những ngày ấm áp và bất thình lình khi mặt trời vừa khuất sau một đám mây, bạn có thể nhận ra là một năm nữa sắp hết. Rồi chúng tôi túm tụm trong phòng sinh hoạt chung nhóm lửa và trò chuyện. Những người bạn thân nhất của tôi vào lúc ấy là Monique Delorme, ở chung phòng với tôi và một cô gái người Anh tên là Lidya Markham và bạn cùng phòng của cô ấy là Frieda Schmidt. Bốn chúng tôi bao giờ cũng ở bên nhau. Chúng tôi trò chuyện với nhau suốt và cùng nhau đi du ngoạn trong thị trấn. Đôi khi chúng tôi dung dăng dung dẻ đi bộ với nhau, hoặc nếu có một cỗ xe đi vào phố thì chúng tôi sẽ đi theo xe. Chúng tôi đi dạo trong rừng, được phép đi một nhóm sáu người hoặc ít nhất là bốn người. Cũng có một chút tự do nào đó và chúng tôi không cảm thấy bị gò bó.
Lydia nói học ở trường này cũng giống như đứng ở một sân ga chờ một đoàn tàu tới mang bạn đến một nơi bạn có thể làm một người lớn thực sự. Tôi biết bạn ấy muốn nói gì. Đây chỉ là một giai đoạn dừng chân trong cuộc đời – một bệ phóng mai này sẽ đưa chúng tôi đến những chân trời mới.
Chúng tôi kể cho nhau nghe về bản thân. Monique là ái nữ của một nhà quý tộc, sẽ lập tức lấy chồng sau khi ra trường. Frieda là con gái một doanh nghiệp có nhiều mối quan tâm và ông làm giàu bằng nghề đồ gốm. Lydia thuộc về một dòng họ làm chủ nhà băng nhiều đời. Tôi nhỉnh hơn các bạn vài tháng, tôi sẽ rời đây vào kì Giáng sinh và luôn cảm thấy mình là đàn chị.
Chúng tôi chú ý đến Elsa ngay khi cô có mặt ở trường. Đó là một cô gái nhỏ nhắn thật xinh với mái tóc quăn kiều diễm, đôi mắt xanh biếc. Cô ta đầy sức sống và có một cái vẻ láu lỉnh tinh quái. Cô không giống bất cứ một cô hầu phòng nào khác, cô đến làm ở đây qua một thông báo tìm người sau khi có một người giúp việc bỏ trốn với một người đàn ông. Madame de Guérin chắc chỉ nghĩ bà cho Elsa thử việc cho đến cuối học kì.
Tôi chắc rằng nếu bà hiệu trưởng biết rõ Elsa là người thế nào bà sẽ không cho phép cô ở lại dù chỉ đến hết học kì. Cô ta chẳng những không tôn trọng ai hết mà dường như còn không buồn nể sợ danh tiếng của Schaffenbrucken hoặc bất cứ ai khác. Cô ta có một vẻ thân mật suồng sã ngụ ý rằng cô cũng cùng giai cấp với chúng tôi. Một nữ sinh rất ghét thái độ này, bản thân tôi lại cảm thấy cô vui vui, ngộ ngộ, có lẽ đó là lí do tại sao Elsa hay lui tới phòng chúng tôi.
Thi thoảng, cô ta có thể đến, bất chợt, khi bốn chúng tôi đang ngồi với nhau và bằng một cách nào đó xen vào giữa câu chuyện của chúng tôi.
Cô thích nghe chuyện về gia thế của chúng tôi và hỏi rất nhiều thứ. “Ồ, tôi thích sang Anh lắm lắm,” Elsa nói. “Hoặc Pháp, hoặc Đức... Tuyệt làm sao..” Cô gợi chuyện rất khéo làm cho chúng tôi cứ tranh nhau kể về gia đình mình và chả còn giữ được bí mật nào.
Bản thân cô cũng nếm trải những bước thăng trầm trong đời, có lần cô thổ lộ như thế. Cô không phải là một người làm công đâu. “Ồ không! Tôi đã từng nghĩ là bản thân mình cũng có một tương lai tươi sáng. Cha tôi đã từng, phải... không thật sự giàu có, nhưng cũng không mong muốn điều gì hơn. Tôi đã chuẩn bị bước chân vào đời rồi đấy chứ. Không giống như các tiểu thư, tất nhiên, mà bằng một cách thức giản dị nhất. Thế rồi cha tôi mất. Thế là hết!” Cô giang hai tay ra, ngước mắt nhìn lên trần nhà. “Thế là chấm dứt niềm tự hào của Elsa bé nhỏ. Không có tiền có bạc. Elsa chỉ có bản thân mình. Chẳng có gì ngoài việc tìm một chỗ làm. Mà tôi thì có thể làm gì? Trước giờ tôi có được đào tạo để làm gì đâu.” “Không phải với tư cách là một người hầu gái,” Monique nói với thứ logic chặt chẽ của người Pháp. Đến đây tất cả chúng tôi đều cười, kể cả Elsa. Chúng tôi không thể không quý cô gái này và thường khuyến khích cô lại chỗ chúng tôi tán dóc. Cô ấy mới vui vẻ và dễ chịu làm sao, lại biết rất nhiều huyền thoại về những khu rừng Đức, nơi cô nói là đã sống hồi còn nhỏ trước khi cha cô mang cô đến Anh sống một thời gian rồi mới sang Thụy Điển.
“Tôi cứ có ý nghĩ là có những chú lùn tinh ranh sống ở dưới đất.” Elsa nói. “Họ thường làm tôi nổi da gà. Có bao nhiêu câu chuyện thật hay về các chàng hiệp sĩ mang cung tên, cưỡi trên những con tuấn mã đưa các cô thiếu nữ đến Valahalla... hoặc một nơi nào đó.”
“Đó là nơi người ta đến khi đã ch.ết,” tôi nhắc cô. “Phải, đến một chỗ nào đó thật dễ thương, chỉ có tiệc tùng và hội hè thôi.”
Cứ thế, hầu như chiều nào Elsa cũng gia nhập bọn với chúng tôi.
“Madame de Guérin sẽ nói gì khi bà ấy biết điều này?” một lần Lydia hỏi.
“Chắc chắn chúng ta sẽ bị đuổi cả lũ,” Monique đoán.
“Thật may cho những người xếp hàng đợi đến lượt. Bốn chỗ trống cùng một lúc.”
Elsa sẽ ngồi ở một đầu ghế cười góp vui với chúng tôi. “Kể cho tôi nghe về lâu đài của cha cô đi, Monique,” Elsa nài Monique.
Thế là cô tiểu thư quý tộc người Pháp bèn miêu tả vẻ tráng lệ của tòa lâu đài cổ nơi cô sinh ra và bằng cách nào mà cô lại là vị hôn thê của Henri de la Creseuse, người mà điền trang rộng lớn của mình sẽ nhập vào của cha cô sau hôn lễ.
Đến lượt Frieda nói rằng ông bố nghiêm nghị của cô chắc chắn sẽ tìm một nhà đại tư bản mới xứng đáng với ái nữ của ông. Còn Lydia thì nói hai người anh trai của cô rồi cũng trở thành các chủ ngân hàng như ông bố.
“Còn Cordelia thì sao,” Elsa gặn hỏi.
“Cordelia là người may mắn nhất hội,” Lydia thốt lên. “Bạn ấy có người cô dễ thương nhất trần đời, sẽ để cho bạn ấy làm điều mà bạn ấy thích. Sao tôi thích nghe chuyện về cô Patty đến thế. Tôi chắc là cô sẽ không bao giờ cố bắt Cordelia cưới một lão nam tước hay một ông già chỉ bởi vì ông ta có tước vị và tiền bạc. Cordelia sẽ chỉ cưới người mà bạn ấy yêu thôi.”
“Mà lại còn làm giàu bằng chính bàn tay mình nữa chứ. Cordelia sẽ thừa hưởng một thái ấp cổ rộng mênh mông. Tất cả sẽ là của bạn vào một ngày đẹp trời nào đó Cordelia ạ, mà bạn không phải cưới ai để có nó.”
“Mình sẽ chẳng muốn có đất đai gì hết vì nó có nghĩa là cô Patty sẽ ch.ết trước khi mình làm chủ.”
“Nhưng rồi nó sẽ là của cậu mà. Cậu sẽ giàu có và hoàn toàn độc lập.”
Elsa muốn biết về thái ấp Grantley và tôi đem nhiệt tình ra miêu tả sao cho thật ấn tượng. Tôi chắc là mình có phóng đại đôi chút và quả có hơi tô vẽ thêm vẻ đẹp vốn đã đặc biệt của Grantley. Chắc chắn là tôi không miêu tả nét duyên dáng có phần lập dị của cô Patty. Không một ai có quyền đánh giá cô Patty. Tôi chỉ cảm thấy sung sướng là đã có dịp ca ngợi cô Patty và chứng kiến cảnh bạn bè ghen tỵ với tôi, bởi vì họ xuất thân từ những gia đình danh giá hơn, khắt khe hơn và câu nệ hơn.
Một hôm, Elsa nói: “Tôi chắc tất cả các cô sẽ mau chóng lên xe hoa thôi.”
“Thiên đường cấm đoán,” Lydia làu nhàu, “tôi chỉ muốn vui thú trong khi còn chưa muộn.”
“Các cô đã bao giờ đi đến đỉnh núi Pilcher chưa?”
“Tôi mới chỉ nghe nói đến thôi” Frieda đáp.
“Chỉ cách đây có hai dặm” Elsa săn đón.
“Có gì đáng xem không?” Tôi hỏi.
“Ồ có chứ. Nó ở trong một cánh rừng, đó chỉ là một mỏm núi đá rất lạ thôi. Có cả một câu chuyện về nó đấy. Bao giờ tôi cũng khoái các câu chuyện.”
“Chuyện gì vậy?”
“Nếu các cô đến đây vào những khoảng thời gian nhất định nào đó, các cô có thể nhìn thấy người yêu tương lai hoặc chồng của mình.”
Tất cả chúng tôi đều cười vang.
Monique nói: “Tôi chẳng hề mong gặp Henri de la Creseuse vào lúc này. Vẫn còn đủ thời gian cho đến khi tôi đi khỏi đây.”
“Ồ!” Elsa chống chế, “Nhưng có thể số phận sẽ quyết định khác và Henri không phải dành cho cô.”
“Và người đàn ông dành cho tôi sẽ xuất hiện ở chốn này ư? Có phải ở đỉnh Pilcher không?”
“Tôi sẽ kể cho các cô nghe một câu chuyện. Nhiều năm về trước, người ta thường giải những người bị bắt về tội ngoại tình đến vùng núi Pilcher, bắt họ trèo lên đỉnh rồi ném họ xuống vực sâu. Người ta bao giờ cũng đưa những kẻ tội đồ này đến đây vào những đêm trăng tròn. Có quá nhiều người ch.ết đến nỗi máu của họ làm đất đai ở đây thêm màu mỡ, cây mọc lên quanh đỉnh núi và chẳng bao lâu đã làm thành một khu rừng.”
“Và đấy là nơi chúng tôi nên đến ư?”
“Cordelia đang học năm cuối. Cô ấy chẳng có mấy cơ hội, cô ấy nên đến đấy trong khi còn có thể đi được. Đêm mai là đêm rằm và đó cũng là vầng trăng của người thợ săn. Thật là một thời điểm đẹp mọi đường.”
“Vầng trăng của người thợ săn ư?” Monique nhắc lại.
“Đó là tháng tiếp theo tháng gặt hái. Đây là mùa trăng đẹp nhất và cũng là mùa đi săn. Nó đến vào tháng Mười.”
“Bây giờ cũng đang là tháng Mười, và tiết trời vẫn còn ấm áp lắm.” Frieda nói.
“Đêm qua trời bắt đầu trở lạnh rồi,” Lydia nói, rùng mình khi nhớ lại.
“Những tháng ngày mới tươi đẹp làm sao.” Tôi mơ mộng “Chúng mình cần phải giữ lại những ngày này. Thật là kì cục khi nghĩ rằng mình sẽ không có dịp quay lại đây nữa.”
“Cậu nghĩ gì?” Monique gặng hỏi.
“Tớ sẽ nhớ tất cả các cậu.”
“Và cậu sẽ về với người cô tuyệt vời của mình,” Lydia nói, không phải không có chút ghen tị.
“Cô sẽ giàu có,” Elsa nói đế thêm “lại không phụ thuộc vào ai, cô chẳng làm chủ cái trường học ấy và cả một dinh thự cổ tuyệt đẹp nữa sao?”
“Không, không. Còn phải nhiều năm nữa. Tôi chỉ được thừa hưởng khi cô Patty qua đời, mà tôi thì không muốn điều đó xảy ra.”
Elsa gật gù: “Thôi được, nếu cô không muốn đến đó thì để tôi nói chuyện này với những người khác vậy.”
“Mà tại sao chúng ta lại không đi chứ? Ngày mai là ngày rằm rồi, phải không?”
“Chúng ta có thể đi xe ngựa.”
“Bọn mình sẽ nói với mọi người là muốn đi hái mấy bông hoa dại mọc trong rừng.”
“Thế cậu nghĩ là chúng ta được phép sao? Hoa dại là một chủ đề cấm kị trong những cuộc trao đổi ở một phòng khách quý tộc. Với lại mùa này làm gì còn hoa với hoét nữa.”
“Chúng ta có thể nghĩ ra một cái cớ nào đó,” Lydia khăng khăng.
Tuy vậy, chả ai nghĩ ra được cái cớ gì, và chúng tôi càng nôn nóng bao nhiêu thì một chuyến đi như vậy càng xa vời bấy nhiêu.
“Tôi có ý này,” cuối cùng Elsa lên tiếng, “các cô viện lí do đi ra phố mua một đôi găng tay cho cô của Cordelia. Cô Patty rất thích đôi găng mà Cordelia mang và tất nhiên không ở đâu có thể làm được một đôi găng... một cách tinh xảo và hợp lí đến thế... ngoài Thụy Điển. Điều này sẽ được Madame ủng hộ. Thế rồi chiếc xe ngựa không đánh đường ra thành phố mà lại đi vào rừng. Chỉ có hai dặm đường thôi mà. Các cô có thể xin thêm một ít thời gian để uống cafê hoặc ăn một cái bánh gatô, những thứ cũng chỉ ở trên đất Thụy Điển này mới ngon lành đến thế. Tôi chắc như bắp là các cô sẽ được phép, rồi các cô sẽ được vào rừng và ngồi chơi dưới gốc cây sồi của các cặp tình nhân.”
“Đó là một điều dối trá quá lắm!” Tôi kêu lên. “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bà Guérin biết chuyện chị đang làm hỏng chúng tôi. Lúc ấy sợ rằng chính chị phải lang thang giữa những đỉnh núi đầy tuyết phủ đó.”
Elsa chắp hai tay như đang cầu nguyện. “Tôi chỉ cầu mong các cô không phản bội tôi. Đây chỉ là một trò đùa thôi mà. Tôi chỉ muốn thêm vào một chút lãng mạn trong cuộc sống của các cô.”
Tôi cũng bật cười với các bạn. “Được rồi, tại sao chúng ta không thử một phen? Hãy bảo chúng tôi phải làm gì đi Elsa.”
“Mọi người chỉ việc ngồi dưới gốc cây sồi. Các cô không bị té ngã đâu. Nó ở dưới chân núi. Cứ việc ngồi và trò chuyện... một cách tự nhiên, thoải mái. Nếu các cô may mắn người chồng tương lai sẽ hiện ra.”
“Chỉ có một người trong bốn chúng tôi!” Monique kêu lên.
“Có thể nhiều hơn... Ai mà nói trước được. Nhưng nếu chỉ một người xuất hiện thì cũng đủ để chứng minh cho các cô thấy huyền thoại kia là có cơ sở.”
“Nghe thật ngớ ngẩn!” Frieda nói.
“Ít ra thì ta cũng có một chỗ nào đó để chơi đùa,” Monique vun vào.
“Chuyến đi chơi cuối cùng của chúng ta trước khi mùa đông về,” Lydia nói.
“Ai biết được. Có thể mùa đông sẽ về vào ngày mai.”
“Vậy thì lại quá muộn đối với Cordelia rồi,” Lydia nhắc nhở. “Này bạn thân mến, sao cậu không thuyết phục cô Patty cho bạn ở lại thêm một năm nữa.”
“Hai năm là quá đủ để một thiếu nữ có được cung cách hoàn hảo. Mình phải chuẩn bị sẵn sàng để nhập cuộc rồi.”
Chúng tôi cùng cười một chút và quyết định chiều hôm sau chúng tôi sẽ đi đến đỉnh núi Pilcher.
Đó là một buổi chiều trong trẻo. Mặt trời ấm áp như thể đang là mùa xuân và mấy cô gái trẻ chúng tôi lòng lâng lâng, thơ thới khi chiếc xe ngựa rẽ khỏi đường đi vào thị trấn để đưa chúng tôi vào rừng. Không khí trong lành, khô lạnh và tuyết sáng lên lấp lánh trên các mỏm núi xa xa. Tôi có thể ngửi thấy mùi nhựa thông thoang thoảng là một mùi đặc trưng trong các cánh rừng, xung quanh chúng tôi là những cây sồi vạm vỡ với màu xanh muôn thuở, và trong số đó có một cây mà chúng tôi phải tìm đến.
Chúng tôi hỏi bác xà ích về đỉnh núi Pilcher và ông trả lời là chúng tôi không thể nhận ra nó. Rồi ông chỉ cho chúng tôi xem khi đi đến chỗ rẽ. Bây giờ thì chúng tôi có thể nhìn thấy ngọn núi vươn cao từ một thung lũng xanh tươi.
Quang cảnh ở đây thật đẹp. Từ đằng xa, chúng tôi đã nhìn thấy cái khe núi, hai bên sườn cây mọc thành rừng men đến tận các thung lũng xa xa. Cỏ cây có một sắc xanh đặc biệt, thăm thẳm đến ngút mắt.
“Không biết ai trong số chúng ta sẽ gặp người ấy?” Lydia thì thầm.
“Chẳng có người nào như vậy đâu.”
Monique cười: “Không thể là mình bởi vì mình đã đính hôn rồi.”
Cứ thế tiếng cười của chúng tôi vang động cả góc rừng.
“Mình nghĩ Elsa bịa ra một nửa những điều cô ta nói,” tôi nói.
“Các cậu có tin vào câu chuyện xuống dốc của cô ta không?”
“Mình không biết,” tôi nói một cách cân nhắc. “Ở Elsa có một cái gì đó thật khác lạ. Có thể điều đó là sự thật. Mặt khác, cô ta cũng có thể bịa ra cũng nên.”
“Giống như chuyện cái đỉnh núi Pilcher này ấy. Cô ta rồi sẽ cười vào mặt chúng ta khi ta quay trở lại.”
Tiếng vó ngựa nện xuống nền đất ẩm hòa điệu với câu chuyện sôi nổi giữa chúng tôi làm nên một không khí thật thi vị. Tôi sẽ nhớ những điều này lắm đây. Nhưng tất nhiên về với cô Patty cũng là một điều rất tuyệt.
“Đỉnh núi kia rồi,” người xà ích vung cây roi chỉ cho chúng tôi.
Cả bốn cô gái đều sững người nhìn. Từ phía này trông nó thật ấn tượng, giống hệt như một khuôn mặt già nua nhăn nheo... đen đúa, rúm ró và hiểm ác.
“Mình tự hỏi tại sao nó lại có cái tên là Pilcher?” Monique thắc mắc. “Dù sao thì ai là Pilcher mới được chứ?”
“Chúng ta sẽ hỏi Elsa,” tôi đáp. “Cô ta dường như là một cái mỏ thông tin về những chuyện như thế này.
Bây giờ thì chúng tôi đã ở sâu trong rừng. Chiếc xe dừng lại, bác xà ích nói: “Tôi sẽ đứng đợi ở đây. Các quý cô cứ đi theo con đường này. Nó sẽ dẫn thẳng đến ngọn núi đá. Dưới chân nó có một cây sồi đại thụ có tên là Cây sồi dưới chân núi Pilcher.”
“Đó là chỗ chúng cháu muốn đến,” Monique nói.
“Các đây chỉ không đầy nửa dặm.” Ông nhìn đồng hồ. “Tôi sẽ sẵn sàng đánh xe chở các tiểu thư về sau một tiếng rưỡi. Qui định không cho phép các cô về trễ.”
“Cảm ơn bác.” Chúng tôi đồng thanh nói và tiến bước trên con đường mòn gồ ghề đi về phía núi đá.
“Ở đây chắc phải xảy ra một trận động đất dữ dội,” tôi nhận định. “Nhờ thế mà Pilcher hình thành và sau đó thật lâu, cây sồi này mới mọc lên. Hạt giống là do những con chim mang tới, mình chắc thế. Đa số cây sồi ở đây đều thuộc họ thông mà. Chúng không tỏa ra một mùi thơm dễ chịu đó sao?”
Chúng tôi đi đến gần cây sồi mọc bên núi đá. “Nó đây rồi.” Lydia nói, ngồi phịch xuống rồi nằm dài trên bãi cỏ. “Mùi của rừng làm mình buồn ngủ quá.”
“Cái mùi hương sực nức của nó thật quyến rũ,” tôi nói, háo hức hít hít, ngửi ngửi. “Phải, quả là có một cái gì gây ngủ.”
“Bây giờ ta phải làm gì nào?” Frieda nói.
“Thì cứ ngồi xuống... chờ đợi và nhìn ngắm.”
“Mình nghĩ chuyện này thật ngu xuẩn,” Frieda nói. “Dào ơi, cứ coi như một chuyến dã ngoại. Đi đến một chỗ nào đó. Giả vờ là đi mua găng tay cho cô Patty. Mình sẽ mua cho cô một đôi trước khi rời khỏi đây.”
“Thôi đừng nói chuyện bỏ đi đâu hết,” Lydia phụng phịu. “Mình không thích chuyện đó đâu.”
Frieda ngáp ngắn ngáp dài.
“Phải,” tôi nói, “mình cũng không muốn thế tí nào.”
Tôi nằm dài trên cỏ và mấy đứa kia cũng làm theo. Chúng tôi nằm đấy, đầu gối lên hai bàn tay, mắt nhìn qua các cành cây đan chéo trên đầu. “Tớ tự hỏi chuyện gì xảy ra khi người ta ném những xác người xuống đây,” tôi tiếp tục câu chuyện. “Cứ hình dung bị mang lên trên đỉnh, biết rằng mình sẽ bị ném xuống... hoặc có thể bị buộc phải nhảy xuống. Eo ơi! Có lẽ có một số người ngã quay lơ từ trên ấy.”
“Cậu làm mình sởn gai ốc!” Lydia nhăn nhó.
“Tớ cho rằng,” Frieda nhấm nhẳn, “mình nên quay lại chỗ xe đậu và đi vào thị trấn chơi một chuyến.”
“Chà, những cái bánh nhỏ với món kem đủ mầu sao mà ngon lành đến thế!” Monique ao ước.
“Có đủ thời gian không?”
“Không.”
“Im lặng,” tôi ra lệnh. “Hãy chịu khó chờ một chút.”
Tất cả mọi người đều nằm im rồi chàng ta hiện lên sau một lùm cây.
Chàng cao dong dỏng và mới tuấn nhã làm sao. Tôi lập tức để ý đến đôi mắt chàng, biếc xanh và sắc sảo, tinh anh; có một cái gì đó thật khác thường trong đôi mắt ấy; dường như nó vượt qua chúng tôi dõi nhìn vào một cõi xa xăm vô định mà chúng tôi không sao thấy được... hoặc có lẽ đó chỉ là điều sau này tôi tưởng tượng ra. Quần áo chàng sậm màu, hài hòa với vẻ tao nhã của chàng. Một bộ quần áo cắt rất đẹp nhưng không phải theo mốt mới nhất. Áo khoác của chàng có lót một chiếc cổ bằng nhung và đính những chiếc cúc bạc, mũ màu đen cao và sáng bóng.
Tất cả chúng tôi đều nín thở khi chàng bước đến gần – sững sờ, tôi đoán thế và như vậy để tuột mất vẻ duyên dáng, lịch thiệp của các cô gái ở Schaffenbrucken.
“Chào các cô,” chàng nói bằng tiếng Anh, cúi đầu rất thấp, rồi tiếp. “Tôi nghe thấy tiếng cười của các cô và không thể cưỡng được ý muốn lại gần, chào các cô một tiếng.”
Chúng tôi vẫn sững người không thốt ra được tiếng nào còn chàng thì tiếp tục: “Cho tôi biết, có phải các cô là học sinh của trường Schaffenbrucken không?”
Tôi đáp: “Phải.”
“Đi dã ngoại đến núi Pilcher ư?”
“Chúng tôi chỉ ngồi chơi, nghỉ chân trước khi quay về.” Tôi trả lời chàng trong khi mấy cô bạn vẫn ngồi im tựa như lưỡi bị dính vào răng.
“Đây là một chốn thần tiên,” chàng tiếp tục. “Các cô có vui lòng cho phép tôi tham gia vào câu chuyện không?”
“Tất nhiên là rất vui lòng,” bọn tôi đồng thanh đáp, như vậy mấy cô bạn tôi đã qua được giây phút sững sờ.
Chàng ngồi cách chúng tôi một đoạn, duỗi đôi chân dài ra,
“Tiểu thư là người Anh?” chàng nói, nhìn vào mắt tôi.
“Vâng, tôi và cô Markham. Đây là Mademoiselle Delorme và Fraulein Schmidt.”
“À một nhóm học sinh quốc tế,” chàng nhận xét, “Trường của các quý cô là trường dành cho các tiểu thư quý tộc ở khắp châu Âu. Tôi đoán không lầm chứ?”
“Phải, chính thế.”
“Cho tôi biết tại sao các cô lại đi dã ngoại ở núi Pilcher này? Không phải là một cuộc cắm trại mùa hè phải không nào?”
“Chúng tôi thích đi thăm thú,” tôi đáp, “có lẽ tôi chẳng còn dịp nào nữa. Tôi sẽ ra trường vào cuối năm nay.”
Chàng nhướn lông mày kinh ngạc. “À ra thế! Vậy các quý tiểu thư khác thì sao?”
“Chúng tôi sẽ rời đây vài năm sau,” Monique đáp.
“Cô sẽ quay về Pháp?”
“Vâng.”
“Các cô tất cả đều trẻ trung... phơi phới,” chàng trầm ngâm nói. “Thật khoan khoái khi nghe tiếng cười trong như tiếng hạc của các cô. Tôi bị thu hút về phía này. Tôi cảm thấy mình phải gia nhập bọn với các cô, phải chia sẻ với các cô niềm vui sống tự nhiên.”
“Chúng tôi đã không nhận ra là chúng tôi có một sức hút đến như vậy,” tôi đáp lời và cả bọn cùng cười vang.
Chàng nhìn xuống, trầm ngâm: “Thật là một buổi chiều tuyệt đẹp! Có một cái gì thật êm ả, tĩnh lặng nơi đây, các cô có cảm thấy thế không?”
“Có, tôi nghĩ là có,” Lydia đáp.
Chàng ngước nhìn lên trời. “Mùa hè Ấn Độ,” chàng lặng lẽ nói. “Tất cả các cô sẽ đi về những ngôi nhà khác nhau trong lễ Giáng sinh, phải không?”
“Đó là một trong những kì lễ chúng tôi được phép về nhà. Kể cả dịp hè, lễ Phục sinh, và cả những dịp khác nữa...”
“Cuộc hành trình thật dài,” chàng kết thúc hộ tôi. “Và người thân sẽ giang rộng vòng tay chào đón các cô trở về. Sẽ có nhiều bữa tiệc tùng, hội hè dành cho các cô, rồi tất cả sẽ đều lấy chồng và sống vui vẻ hạnh phúc suốt đời. Thì số phận còn có thể làm điều gì khác cho tất cả các tiểu thư trẻ trung, xinh đẹp này?”
“Không phải bao giờ cũng vậy hoặc thường xuyên như thế.” Monique mở miệng nói.
“A ha, chúng ta có một kẻ đa nghi ở đây. Hãy cho tôi biết” - đôi mắt chàng nhìn tôi đăm đắm - “cô có tin vào điều đó không?”
“Tôi nghĩ cuộc sống là những gì mà bạn tự tạo ra,” Tôi nói theo kiểu của cô Patty. “Cái không thể chịu đựng nổi đối với người này lại là dễ chịu đối với người khác. Tất cả tùy thuộc vào cách người ta nhìn nhận mọi chuyện.”
“Chắc chắn người ta đã dạy các cô được nhiều điều.”
“Đó là điều mà cô tôi bao giờ cũng nói.”
“Cô không còn cha me.” Một câu khẳng định hơn là một câu hỏi.
“Không, cha mẹ tôi ch.ết ở châu Phi. Cô tôi là người nuôi dạy tôi.”
“Cô ấy là một người tuyệt diệu,” Monique ca ngợi. “Cô Patty trông coi một trường nữ sinh. Mà cô ấy rất khác bà Guérin hoặc bất cứ ai khác. Cordelia thật may mắn. Bạn ấy sẽ làm việc với cô mình và chia sẻ thành công ở trường học với cô và ngôi trường này sẽ là của bạn ấy. Ông có thể tưởng tượng Cordelia là một cô hiệu trưởng không?”
Chàng mỉm cười nhìn tôi. “Tôi có thể hình dung Cordelia trở thành bất cứ cái gì mà cô ấy muốn. Cô ấy là một phụ nữ có phong cách rất đặc biệt, phải không nào?”
“Nếu ông hỏi tôi thì tôi sẽ trả lời: Bạn ấy là người may mắn nhất trong bốn chúng tôi,” lại là Monique nhanh nhảu đáp.
Chàng lại tiếp tục nhìn tôi với cái nhìn như có ẩn ý. “Phải, tôi nghĩ Cordelia có thể là một người may mắn hết sức.”
“Tại sao ông lại nói “có thể”?” Frieda hỏi.
“Bởi vì điều này còn tùy thuộc vào Cordelia. Cô ấy có cẩn trọng không? Cô ấy do dự hay sẵn sàng chộp lấy bất cứ cơ hội nào đến với mình?”
Bọn con gái nhìn nhau và quay lại nhìn tôi.
“Tôi dám nói là bạn ấy sẽ làm thế đấy.” Monique quả quyết.
“Thời gian sẽ trả lời,” chàng nói đầy ẩn ý.
Ở chàng toát ra một cái gì thật lạ lùng, gần như một người nệ cổ. Có thể đó là vì chàng nói tiếng Anh, một thứ tiếng rõ ràng không phải tiếng mẹ đẻ của chàng, dù chàng nói rất trôi chảy. Tôi tự hỏi không biết nó có pha giọng Đức không.
“Chúng ta bao giờ cũng phải chờ đợi để có thể biết tất cả,” Frieda nói, có phần nóng nảy. “Vậy cô mơ ước điều gì, thưa tiểu thư? Để biết một chút gì đó về tương lai?”
“Sẽ là một cái gì vui phải biết.” Monique hào hứng nói: “Có một người thầy bói trong thành phố. Bà Guérin đã ra lệnh cấm... nhưng tôi tin có vài người vẫn lén đi xem bói...”
“Chắc phải là cái gì hấp dẫn lắm,” chàng nói theo.
“Ông muốn nói... để nhìn vào tương lai ư?” Lại là Monique và chàng cúi người về phía trước, cầm tay cô. Monique thốt lên ngỡ ngàng: “Ồ, ông có thể nói về tương lai ư?”
“Nói về tương lai! Ai có thể nói trước về những điều còn chưa xảy ra? Mặc dầu đôi khi cũng có những điều báo trước...”
Tất cả chúng tôi cùng trầm ngâm một lúc. Tôi cảm thấy tim mình đập như điên như dại. Có một cái gì thật kì vĩ trong chuyện này.
“Thưa tiểu thư,” chàng nói, nhìn vào mặt Monique, “cô sẽ cười suốt cuộc đời này. Cô sẽ trở về tòa lâu đài của dòng họ.” Chàng bỏ tay cô gái xuống và khép mi mắt lại. “Tòa lâu đài nằm ở trung tâm của đất nước. Có các vườn nho bao quanh, những cái tháp cao đến chạm cả bầu trời. Cha tiểu thư là người quyết định các giá trị trong dòng họ. Ông là một người kiêu hãnh. Tiểu thư sẽ cưới người mà ông lựa chọn, phải không?”
Monique có vẻ bối rối, sững sờ.
“Tôi cho rằng tôi sẽ lấy Henri... tôi cũng mến anh ấy lắm.”
“Và cha tiểu thư sẽ không cho phép mọi chuyện xảy ra khác đi. Còn cô, tiểu thư, cô có ngoan ngoãn như bạn mình không?” Chàng nhìn Frieda, hỏi. “Cũng khó nói lắm,” cô nàng người Đức trả lời vẻ dửng dưng. “Đôi khi tôi muốn làm điều gì đó khiến tôi vui lòng nhưng khi về đến nhà... mọi việc lại khác đi.”
Chàng cười với cô: “Tiểu thư không thích lừa dối mình và đó là điều đáng quý nhất trong đời. Tiểu thư bao giờ cũng biết mình đang đi đến đâu và tại sao – mặc dù đó không phải lúc nào cũng là con đường tiểu thư muốn chọn.”
Nói đoạn chàng quay sang Lydia, “Còn tiểu thư, điều gì sẽ đợi cô phía trước?”
“Chỉ có Chúa mới biết được. Cha tôi sẽ quan tâm đến các anh trai của tôi hơn. Họ lớn tuổi hơn tôi và bao giờ cũng nghĩ con trai quan trọng hơn con gái.”
“Cô sẽ có một cuộc đời thật tốt đẹp.”
Lydia cười: “Đó là điều mà ông nói về tương lai của tất cả chúng tôi.”
“Những gì ở phía trước là do các cô tạo ra,” chàng điềm tĩnh. “Tôi chỉ biết một điều chắc chắn... À mà điều tôi nói có thể... chỉ là... dự cảm.”
“Đến lượt Cordelia,” Monique tuyên bố.
“Đến lượt Cordelia ư?” chàng hỏi lại.
“Ông còn chưa nói gì về bạn ấy... về điều gì sẽ xảy ra.”
“Tôi đã nói rồi mà,” chàng đáp vẻ nhẫn nại, “rằng mọi cái đều tùy thuộc vào cô ấy.”
“Nhưng ông còn chưa nói gì với bạn ấy mà.”
“Không, Cordelia sẽ biết... vào những thời điểm thích hợp.”
Có một khoảng im lặng sâu lắng. Tôi chợt nhận ra không khí im phăng phắc trong rừng trùm lên tất cả cảnh vật là hình dáng cổ quái của núi đá, một thứ mà trong trí tưởng tượng của con người dễ dàng biến thành những bóng ma đầy đe dọa.
Lại là Monique lên tiếng đầu tiên: “Có một cái gì đó thật ngớ ngẩn trong chuyện này.” Tôi có thể nhận rõ cô rùng mình khi nói thế.
Bất thình lình có một tiếng động phá tan bầu không khí lặng như tờ. Đó là tiếng gọi xa xôi của người xà ích. Giọng ông dường như vang dội vào núi đá và vọng lên trong suốt cánh rừng.
“Đáng lí chúng ta phải quay về xe được mười phút rồi,” Frieda nói. “Chúng ta phải nhanh chân lên.”
Tất cả chúng tôi đều bật dây.
“Tạm biệt,” chúng tôi nói với người lạ.
Rồi cả bọn bắt đầu quay ra xe. Vài giây sau tôi ngoái đầu nhìn lại. Chàng đã biến mất.
Chúng tôi về trễ nhưng không bị khiển trách và cũng chẳng ai hỏi về đôi găng tay mà người ta hi vọng chúng tôi mua về.
Elsa bước vào phòng chúng tôi sau bữa tối, trước giờ cầu nguyện nửa tiếng, một nghi thức vẫn diễn ra trước khi đi ngủ.
“Này, các cô có thấy cái gì không vậy?” Elsa hỏi, đôi mắt sáng lên vì tò mò.
“Có... một chuyện đã xảy ra,” Frieda thừa nhận.
“Một cái gì...?”
“Phải, một người đàn ông,” Monique nói thêm.
“Mình càng nghĩ về người này bao nhiêu,” Lydia thừa nhận, “mình càng thấy anh ta lạ lùng bấy nhiêu.”
“Kể đi, làm ơn kể đi mà.” Elsa nài nỉ.
“Phải, chúng tôi đang ngồi ở đấy...”
“Nằm dưới gốc cây.” Frieda, người thích chính xác đến từng chi tiết, sửa lại.
“Nằm dài trên bãi cỏ,” Lydia tiếp tục một cách nóng nảy, “thì anh ta đột ngột hiện ra.”
“Cô muốn nói hiện ra?”
“Chị có thể hiểu như thế.”
“Trông anh ta thế nào?”
“Đẹp trai. Khác thường thế nào ấy...”
“Kể tiếp đi! Làm ơn mà!”
Tất cả chúng tôi đều im lặng, cố nhớ một cách chính xác hình ảnh chàng trai.
“Điều gì gây ấn tượng mạnh nhất đối với các cô?”
“Phải, có một cái gì thật lạ lùng khi các bạn nghĩ về điều đó phải không,” Monique hỏi. “Có vẻ như mọi người lấy làm lạ dường như anh ta biết một cái gì đó về chúng ta, phải không? Anh ta mô tả lâu đài của mình với vườn nho và tháp canh.” Frieda lẩm bẩm: “Có nhiều tòa lâu đài ở Pháp có vườn nho và hầu hết đều có tháp canh.”
“Phải,” Monique tự lự. “Tuy vậy... vẫn...”
“Tớ nghĩ anh ta quan tâm đến Cordelia nhất.” Lydia tuyên bố.
“Tại sao cậu lại nghĩ thế. Anh ta chẳng nói gì về mình cả.”
“Cứ theo cái cách mà anh ấy nhìn cậu.”
“Các cô chẳng nói tôi biết cái gì cả.” Elsa than vãn. “Tôi đã đưa các cô đến đấy, đừng quên điều đó. Tôi có quyền được biết chứ!”
“Để tôi cho chị biết chuyện gì đã xảy ra,” Frieda nói. “Chúng tôi đủ ngu ngốc đến mức dẫn xác vào rừng thay vì ra thị trấn xơi bánh quế với kem... Và bởi vì quá ngớ ngẩn, chúng tôi cố làm cho một chuyện gì đó xảy ra. Chợt người đàn ông ấy hiện ra nói anh ta thích nghe tiếng chúng tôi nói cười rồi nán lại tán chuyện với chúng tôi một lúc.”
“Frieda đã nói rõ mọi chuyện rồi đấy,” Lydia nói. “Nhưng tôi không thể không nghĩ là mọi chuyện không chỉ có thế.”
“Tôi thì cho rằng anh ta sẽ là vị hôn phu của một trong các cô,” Elsa nói. “Chuyện này nhất định dẫn đến chỗ đó.”
“Nếu chị tin như vậy sao chị không đến đó mà gặp người ấy của mình?” Tôi gặng hỏi.
“Sao tôi có thể bỏ ra ngoài được? Tôi bị canh gác cẩn thận. Họ sẽ nghi ngờ tôi không làm tròn phận sự.”
“Tất cả sẽ đâu vào đấy,” Frieda kết luận, “những nghi ngờ này sẽ được giải quyết.”
Elsa cùng cười với cả bọn.
Ít nhất cô ta cũng chia vui với cuộc đi chơi của chúng tôi.
Suốt trong tháng Mười một, chúng tôi chỉ bàn chuyện về thăm nhà. Với tôi, lần chuẩn bị này có trộn thêm nỗi buồn tiếc nuối. Tôi sẽ phải chia tay với tất cả bạn bè, nhưng mặt khác tôi cũng háo hức được về nhà. Cả bọn đã thề với nhau là sẽ giữ liên lạc. Lydia sống ở London nhưng gia đình cô có một nhà nghỉ ở Essex, nơi cô thường đến vào kì nghỉ vì thế chúng tôi cũng không xa nhau lắm.
Vài ngày sau chuyện xảy ra ở trong rừng, chúng tôi thường thảo luận rất nhiều về cái mà chúng tôi gọi là cuộc phiêu lưu ở núi Pilcher. Chúng tôi nhanh chóng biến nó thành một kỉ niệm ngớ ngẩn và khoác cho người lạ mặt tất cả những gì kì ảo nhất. Rằng đôi mắt chàng sáng lấp lánh một thứ ánh sáng huyền bí khó tả, Monique khẳng định. Cô phóng đại những điều chàng nói với cô và bắt đầu tin rằng anh đã miêu tả tòa lâu đài của gia đình cô một cách chi tiết và y như thật. Lydia nói rằng chàng làm cô run rẩy, ớn lạnh và cô tin anh không phải là người.
“Thật ngớ ngẩn,” Frieda cự lại, “anh ta chỉ đi dạo trong rừng và cảm thấy muốn tán dóc với mấy cô gái đang nô đùa thôi.”
Tôi không chắc về điều này, và mặc dù tôi nhận ra tất cả chuyện này chỉ là một câu chuyện vui tô điểm cho cuộc sống thì nó vẫn gây cho tôi một ấn tượng rất mạnh mẽ.
Khóa học kết thúc vào tuần lễ đầu tiên của tháng Mười hai. Mặc dù tất cả học sinh đều phải đi một chặng đường dài, bà Guérin bao giờ cũng muốn chúng tôi lên đường trước khi tuyết rơi nhiều làm cho đường sá trở nên khó đi lại.
Có tất cả bảy nữ sinh người Anh sẽ đi cùng một lộ trình. Miss Maiz sẽ tháp tùng chúng tôi ra tàu hỏa và trên quãng đường đến Calais sẽ có một nhân viên du lịch dẫn chúng tôi lên tàu vượt biển. Gia đình sẽ đợi chúng tôi ở Dover.
Tôi đã đi qua những đoạn đường như vậy nhiều lần, nhưng đầy là lần cuối vì thế mà nó khác với những lần trước. Có cả một khoang dành riêng cho học sinh và chỉ có những cô gái trẻ mới vào học mới trầm trồ trước cảnh non xanh nước biếc hữu tình và nhất định ngồi bên cửa sổ khi đoàn tàu đi qua biên giới nước Thụy Sĩ tuyệt đẹp. Những cô gái lớn hơn thì chín chắn và điềm đạm hơn – Lydia và tôi ở trong số này.
Cuộc hành trình tưởng chừng như dài vô tận, chúng tôi trò chuyện, đọc sách báo, chơi trò chơi và ngủ gà ngủ gật.
Lúc ấy hầu hết mọi người đã ngủ và tôi đang lơ đãng nhìn quanh quất thì chợt thoáng thấy một người đàn ông. Người này lướt qua lối đi, nhìn vào khoang của chúng tôi khi đi ngang qua. Tôi há hốc mồm kinh ngạc. Anh ta hình như liếc nhìn tôi nhưng lại không tỏ vẻ đã nhận ra tôi, cái bóng thoáng qua chỉ trong vòng vài ba giây.
Tôi quay sang Lydia lúc này đang ngồi cạnh tôi, ngủ gà ngủ gật. Tôi vội bật dậy, chạy ra ngoài lối đi. Chẳng thấy tăm hơi người đàn ông đâu hết.
Tôi quay lại chỗ ngồi, gọi Lydia dậy.
“Mình... mình đã thấy anh ta.” Tôi lắp bắp nói.
“Thấy cái gì?”
“Người đàn ông... Người đàn ông trong rừng.”
“Cậu đang nằm mơ đấy à?”
“Không. Mình đang thức mà. Anh ta lướt đi như một tia chớp.”
“Tại sao cậu không gọi anh ta lại.”
“Anh ta đi nhanh quá. Mình có đi theo nhưng không kịp, anh ta đã biến mất.”
“Cậu chỉ nằm mơ thấy người ta thôi,” Lydia nói và nhắm mắt lại.
Tôi vẫn còn run rẩy. Chẳng lẽ đó lại là một bóng ma?
Tất cả trôi qua quá nhanh. Chàng đã ở đây... và chàng đã đi mất. Chàng lướt đi như một vệt sáng. Đó chính là chàng hay tôi chỉ mơ mộng về chàng?
Có lẽ là Lydia đã đúng.
Tôi cố ý tìm chàng trong suốt chuyến đi đến Calais nhưng chàng không có ở đây.
Chuyến tàu đến trễ vì các đụn tuyết trên đường ray và chúng tôi đến Calais trễ mất tám tiếng. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ đi phà đêm và sẽ cập bến vào lúc hai giờ sáng. Lydia không được khỏe, cô bị cảm lạnh và rất mệt. Cô tìm được một chỗ dưới boong tàu, ở đây cô có thể cuốn một tấm mền và nằm nghỉ.
Tôi lại muốn hít thở không khí trong lành, thế là tôi nói với Lydia là tôi sẽ lên boong. Tôi được người ta phát cho một tấm đắp và tìm được một cái ghế trống. Quả là có hơi lạnh, nhưng co ro dưới tấm đắp tôi thầm nghĩ, Lydia sẽ khôn ngoan hơn nếu lên trên này với tôi hơn là nằm trong không khí tù túng của các khoang tàu chật chội.
Vầng trăng lưỡi liềm và hàng triệu vì sao lấp lánh trên nền trời đêm trong sáng. Tôi có thể nghe thấy tiếng nói lao xao của cánh thủy thủ đứng cách tôi không xa, tôi thích nhịp điệu dập dềnh của con tàu – êm ái và bồng bềnh, tuy vậy trời không có gió và tôi không nghĩ là sẽ có một sự cố trục trặc nào.
Tôi mơ màng nghĩ về tương lai. Nó sẽ tràn đầy niềm vui với cô Patty. Tôi có thể mường tượng những buổi tối êm đềm cùng cô bên ngọn lửa hồng trong lúc cô thưởng thức món sữa sôcôla nóng và nhấm nháp cái bánh hạnh nhân mà cô đặc biệt thích. Chúng tôi sẽ cười trước tất cả mọi sự kiện trong ngày. Bao giờ cũng có một cái gì đó để cười vui. Ồ, tôi mới nóng lòng muốn về với cô Patty làm sao.
Tôi nhắm mắt. Có lẽ tôi thiu thiu ngủ. Chuyến đi dài và mệt mỏi, nhất là sau nhiều giờ ngồi trên tàu hỏa. Tôi không thể ngủ say vì tôi biết mình phải quay về chỗ Lydia trước khi tàu cập bến.
Tôi nhận ra có một cử động sột soạt nào đó bên cạnh, bèn mở choàng mắt. Một cái ghế đã được chuyển đến một cách lặng lẽ và bây giờ có ai đó ngồi sát bên cạnh tôi.
“Cô không phiền nếu tôi ngồi cạnh cô chứ?”
Tim tôi giật thót lên và đập như điên như dại. Cũng cái giọng nói ấy. Cũng cái vẻ có mặt đấy mà lại không thuộc về thế giới này. Đó là người đàn ông trong rừng. Tôi sửng sốt đến mức không thốt ra được một tiếng nào.
Chàng nói: “Tôi sẽ im như thóc nếu tiểu thư muốn ngủ.”
“Ồ không... không. Có thật là... không?”
“Chúng ta đã gặp nhau rồi,” chàng nói.
“Ông... ông có mặt trên chuyến tàu lửa?”
“Phải, tôi có mặt ở đó.”
“Tôi thấy ông đi ngang qua cửa sổ.”
“Phải.”
“Vậy ông cũng đến nước Anh?”
Đó là một câu hỏi ngớ ngẩn. Thì chàng ta còn đi đâu nữa một khi đã có mặt trên con tàu vượt qua eo biển này?
“Phải. Tôi tin sẽ được gặp lại tiểu thư khi tôi ở trên con tàu này.”
“Ồ phải. Thật vui được gặp ông. Ông phải đến thăm chúng tôi mới được. Chúng tôi ở thái ấp Grantley, thị trấn Canterton, tỉnh Sussex, cách Lewes không bao xa. Lại rất dễ tìm.”
“Tôi sẽ ghi nhớ điều đó, rồi tiểu thư sẽ còn gặp lại tôi.”
“Ông về thăm nhà à?”
“Vâng.”
Tôi có ý đợi nhưng không thấy chàng nói nhà ở đâu. Có một cái gì đó thật xa vắng toát ra từ con người chàng khiến tôi không dám hỏi điều đó.
“Chắc cô đang nóng lòng gặp lại người cô thân yêu.”
“Vâng, rất nóng ruột.”
“Bà chắc là một người rất ân cần và hay nuông chiều cô.”
“Nuông chiều ư? Phải, tôi cũng cho là thế. Cô là người nhiệt tình, hay giúp đỡ người khác và đáng yêu hết sức. Tôi không nghĩ cô ấy có lúc nào cảm thấy khó chịu về bất cứ ai. Cô thông thái và chỉ nói những điều dễ nghe, vui vẻ, phải, cô tôi không bao giờ xúc phạm người khác... cho dù người ấy xúc phạm cô hay người thân của cô, vâng, cô chỉ đáp lại bằng một thái độ nhẹ nhàng, hiểu biết. Ồ, cô của tôi là một người tuyệt vời nhất.”
“Lòng yêu kính của cô đối với người thật rõ ràng.”
“Cô là mẹ tôi khi tôi cần đến mẹ.”
“Thật là một người hiếm có.”
Im lặng một chút rồi người thanh niên nói: “Hãy kể cho tôi nghe về bản thân cô.”
“Nhưng ông có nói gì về mình đâu,” tôi cự lại.
“Chuyện đó rồi sẽ tới. Bây giờ là lúc dành cho tiểu thư.”
Lời nói vang lên như một mệnh lệnh và tôi thấy mình đang ôn lại thời thơ ấu, nhớ lại cả những chi tiết cho đến lúc ấy tôi cứ tưởng là đã quên. Tôi nhớ những sự kiện đã xảy ra ở châu Phi, những giờ khắc ngồi ở giáo đường với những người truyền giáo dường như dài vô tận, những bài thánh ca, những bài cầu nguyện, lúc nào cũng cầu nguyện, những đứa trẻ sơ sinh người da đen nằm lăn lóc trên đất, những chuỗi hạt đủ màu sắc đeo trên cổ và ngang thắt lưng, những loại côn trùng kì lạ trông giống cái que mà lại nham hiểm như loài rắn có thể trườn êm ru trong cỏ và đây là loại bạn cần hết sức cảnh giác.
Nhưng chủ yếu tôi kể chuyện về cô Patty, về ngôi nhà thân yêu, về trường học và việc tôi nóng lòng muốn trở thành một phần của nó như thế nào.
“Tiểu thư có đầy đủ các phẩm chất cần thiết.”
“Phải, cô Patty cũng nghĩ thế. Tôi đã học xong một số môn và tất nhiên tôi đến học ở Schaffenbrucken chỉ để hoàn thiện, như là cô Patty nhấn mạnh.”
“Đó là một trường danh giá và rất đắt tiền. Cô Patty chắc là giàu lắm mới có khả năng gửi cháu gái đến trường này học.”
“Tôi nghĩ cô coi đấy là một cơ hội đầu tư tốt đẹp.”
“Hãy kể cho tôi nghe về thái ấp của cô đi.”
Thế là tôi hào hứng miêu tả từng chi tiết, đi từ căn phòng này đến phòng khác cùng khuôn viên bao quanh. Tất cả rộng đến hơn hai mươi hecta. “Chúng tôi có một cái hồ nhỏ và chuồng ngựa cùng sân đua, rồi ông sẽ thấy.”
“Nghe có vẻ rất tiện nghi.”
“Ồ, nó ở trong một tình trạng rất tốt. Cô Patty bao giờ cũng cố gắng để nâng cấp cơ sở hạ tầng.”
“Tôi mến cô Patty của cô lắm.”
“Không ai có thể không yêu quý cô ấy.”
“Tiểu thư Cordelia một mực trung thành, yêu quý người cô.”
Chàng ngả người vào lưng ghế và nhắm mắt lại. Tôi nghĩ đó là một biểu hiện cho biết chàng không muốn nói chuyện nữa. Vì thế tôi cũng làm theo.
Con tàu vẫn lướt sóng êm ả, tôi cũng khá mệt và bấy giờ đã là lúc nửa đêm, hình như tôi cũng ở vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Bất thình lình tôi bật dậy bởi tiếng động xôn xao của những hoạt động chung quanh tôi. Con tàu đang đi dần vào bờ.
Tôi quay về phía người bạn đồng hành. Chẳng có ai. Cả cái ghế và tấm đắp của chàng cũng biến mất. Tôi đứng dậy, nháo nhác nhìn quanh. Không có nhiều người trên boong và chắc chắn là không hề thấy bóng dáng chàng đâu.
Tôi đi xuống khoang tàu tìm Lydia.
Cô Patty đã có mặt ở bến cảng đợi tôi, trông cô còn tròn trĩnh hơn trước nữa và trên đầu là một cái mũ trứ danh – nghễu nghện một dải ruybăng màu xanh và một cái nơ cũng to như bản thân cô vậy.
Tôi ôm hôn cô thắm thiết và tìm được cơ hội để giới thiệu Lydia với cô, người không thể chờ lâu hơn để nói: “Cô ấy giống y như cậu miêu tả.”
“Ê, kể chuyện về cô ở trường hả?” Cô Patty vờ giận dỗi.
“Tất cả những điều bạn ấy nói về cô đều rất đáng quý,” Lydia nói. “Bạn ấy làm cho tất cả bọn cháu đều muốn ghi danh học ở trường cô.”
Tôi được giới thiệu với người ra đón Lydia. Tôi đoán bà ta cũng là một người giúp việc, rồi tôi lại quay ngay về phía cô Patty đã đích thân đến đây chỉ để được gặp tôi.
Bây giờ thì hai cô cháu tôi đã yên vị trên xe lửa, trò chuyện suốt dọc đường. Thú thật, tôi cũng có để ý tìm người lạ mặt những không hề thấy tăm hơi chàng. Ở đây có quá nhiều người và có một cái gì đó thật huyền diệu trong việc tôi gặp gỡ chàng. Tôi tự hỏi không biết chàng đi đâu.
Ở nhà ga Canterton, chỉ lớn hơn một trạm dừng một chút, có một cỗ xe đã chờ sẵn và chúng tôi bay về nhà chỉ trong một chớp mắt. Bao giờ tôi cũng thấy bồi hồi xúc động khi nhìn thấy ngôi nhà thân yêu sau một thời gian xa cách. Những bức tường gạch đỏ, những ô cửa sổ mắt cáo... có nét duyên dáng nhiều hơn là vẻ đồ sộ nguy nga, nhưng nhờ vậy mà nó có vẻ thân quen, ấm áp hơn.
“Chốn cũ yêu thương!” Tôi thì thầm.
“Con cảm thấy như vậy thật ư?”
“Vâng, đúng thế ạ. Con vẫn nhớ lần đầu tiên con nhìn thấy nó... ngay lúc ấy con đã biết rằng rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy bởi vì con đã có cô.”
“Chúa phù hộ cho con! Hãy tin ta đi, gạch ngói và vôi vữa không làm thành tổ ấm. Con chỉ có một tổ ấm khi con có những người làm thành gia đình của con.”
“Như là cô đã làm cho con, cô Patty thân yêu. Các bạn con thích nghe kể về cô lắm.. Những chiếc bánh hạnh nhân, những chiếc mũ tuyệt đẹp và tất tật mọi thứ. Họ bao giờ cũng gọi cô là cô Patty cứ như thể cô cũng là cô ruột của họ vậy. Họ làm con muốn chen vào nói: “Ê này, đấy là cô của mình chứ bộ.”
Thật là tuyệt vời khi lại được đặt chân lên bậc tam cấp, ngửi thấy mùi sáp ong và nhựa thông bao giờ cũng phảng phất nơi đây quyện với mùi thức ăn tỏa ra từ bên kia khu nhà.
“Về nhà vào giờ này thật thú. Chỉ mới quá trưa một chút. Con có mệt không?”
“Dạ không mệt lắm. Con chỉ thấy hào hứng vì lại có mặt ở nhà.”
“Con sẽ cảm thấy mệt mỏi đấy. Tốt nhất là con hãy dành cả buổi chiều để nghỉ ngơi. Sau đó cô muốn nói chuyện với con.”
“Vâng ạ. Đây là một dịp đặc biệt. Con vừa mới từ biệt Schaffenbrucken.”
“Cô thật sung sướng là con đã về nhà, Cordelia ạ. Bao giờ đó cũng là một niềm vui không gì so sánh được.”
“Nó sẽ mang lại nhiều điều nữa.”
Cô Patty đằng hắng rồi nói, “Con sẽ nhớ bạn bè lắm đấy, phải không, cả núi non và tất cả mọi thứ?”
“Con nhớ cô nhiều nhất, cô Patty ạ.”
“Thôi mà,” cô Patty nói nhưng cô có vẻ xúc động lắm lắm.
Nếu tôi không bận tâm suy nghĩ về người đàn ông mà tôi gọi là Người Kì Lạ, hẳn tôi đã nhận ra có một sự thay đổi ở cô Patty. Điều này rất khó thấy, nhưng mà tôi đã hiểu cô Patty rất rõ. Tôi thoáng có ý nghĩ phải chăng cô có vẻ trầm tư, không toát ra niềm vui tràn trề như thường lệ.
Dù vậy, tôi cũng nhận ra được một dấu hiệu nào đó từ Violet Barker – người quản gia của cô Patty, đồng thời cũng là nơi tâm sự, là người bạn tận trung đã ở với cô kể từ khi tôi đến đây, hơn 10 năm về trước. Bà Violet người gày gò và góc cạnh – hoàn toàn trái ngược với cô Patty. Họ bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo. Violet không làm việc gì liên quan đến chuyện dạy dỗ học sinh nhưng bà quản lí mọi việc trong nhà bằng một bàn tay khéo léo tuyệt vời và đó là một phần quan trọng trong điền trang này.
Bà nhìn tôi với một vẻ lạ lẫm đến nỗi tôi nảy ra ý nghĩ cô Patty có quá hào hứng nói về ánh hào quang của Schaffenbrucken đến nỗi bà Violet lại thấy cần phải đánh trống lảng.
Rồi đột nhiên bà nói một cách bất ngờ: “Còn cái mái nhà. Cần phải sửa sang lại vào hai năm tới. Mà còn chưa hết. Bức tường phía Tây cũng cần phải sơn sửa lại. Lâu nay mùa đông vẫn bị thấm nước. Đó là những điều đang làm cô Patty lo lắng. Bà ấy có nói gì với cháu không?”
“Chưa ạ. Cháu cũng chỉ vừa về đến nhà mà.”
Violet gật đầu và mím chặt đôi môi lại. Tôi cố đoán xem đã có chuyện gì không ổn.
Sau bữa tối vào khoảng tám giờ rưỡi lúc chỉ còn hai cô cháu tôi và bà Violet, thì cô Patty nói: “Cordelia, cô đã bán điền trang Grantley rồi.”
Tôi ngớ người, thoạt đầu còn không tin vào điều tôi vừa nghe được.
“Cô Patty! Cô vừa nói gì vậy?”
“Đáng lý cô phải cho cháu biết trước. Hãy quen với việc này. Ba năm vừa qua mọi việc không được suôn sẻ lắm.”
“Ôi, cô Patty!”
“Cháu thân yêu, đừng tỏ ra bi đát quá như vậy. Cô tin rằng rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy, một cách tốt nhất. Cô rất tiếc là cô đã làm cho cháu thất vọng. Nhưng mọi việc đều vượt ra ngoài tầm tay, phải không? Chúng ta đã bàn đi bàn lại chuyện này chán rồi và biết rằng không còn một cơ hội nào khác. Cháu đã thấy mái nhà và bức tường phía Tây rồi đấy. Cần phải có rất nhiều tiền để sửa sang, tu bổ lại. Vậy mà chúng ta đã phải trải qua những thời kì rất khó khăn. Cô cũng có một số khoản bị thất thoát.”
Tôi cũng nghĩ thế. Tôi biết có ít nhất ba học sinh không bao giờ trả tiền học phí. “Những cô học trò giỏi giang,” cô Patty thường nói, “chính là tấm bằng danh dự đối với nhà trường.” Thời buổi khó khăn ấy vậy mà món xúp ở Grantley không chỉ có nước lã. Tôi thường tự hỏi, làm sao cô Patty có thể lo liệu được mọi chuyện mà không có đủ nguồn tiền cần thiết. Tuy vậy, cô không bao giờ đề cập đến vấn đề ấy với tôi nên tôi cho rằng mọi chuyện đều suôn sẻ.
“Vậy chúng ta sẽ làm gì bây giờ?”
Cô Patty bật cười khanh khách. “Cô cháu ta sẽ gạt sang một bên tất cả những rắc rối để vui hưởng cuộc đời. Phải thế không, Violet?”
“Bà bạn đã nói thế rồi.”
“Phải,” Cô Patty thủng thẳng nói. “Vấn đề là ở chỗ, con thân yêu của ta, đã đến lúc ta cần nghỉ ngơi, đứng ngoài cuộc. Đáng lẽ ta phải nghỉ ngơi từ mấy năm trước rồi mới phải, nhưng vì...” Cô nhìn tôi và tôi nói nốt cái ý của cô. “Vì con. Cô đã cố gắng giữ tất cả những cái này cho con. Cô nghĩ nó sẽ là tương lai của con. Cô nghĩ rồi cô sẽ về hưu và chỉ làm cố vấn khi người ta còn cần đến hoặc một cái gì như thế. Đó là một ý tưởng hậu Schaffenbrucken.”
“Như vậy, cô gửi con đi học ở cái trường đắt kinh khủng đó sau khi cô đã gặp những khó khăn về tài chính ư?”
“Cô hi vọng vào tương lai. Khó khăn thực sự vẫn còn ở xa. Cần phải có một kinh phí khổng lồ để sửa chữa. Vậy mà mọi việc vẫn khập khiễng không đồng bộ. Có thể là không chính xác nhưng đúng là khó có thể có một sự thay đổi. Vì thế khi có cơ hội... cô đã bán quách cái điền trang này đi.”
“Có còn trường học không?”
“Không. Một nhà triệu phú đã muốn sửa sang chốn này thành một thái ấp quý tộc.”
“Cô Patty ơi, vậy chúng ta sẽ ra sao?”
“Tất cả đều được dàn xếp đâu vào đấy rồi. Một cách thỏa đáng nhất. Chúng ta có một ngôi nhà xinh xắn ở Moldenbury... gần Nottingham. Đó là một vùng quê rất đẹp ngay ở trung tâm đất nước. Tất nhiên không thể to đẹp như Grantley vì vậy cô chỉ có thể mang Mary Ann đi theo. Cô hi vọng toàn bộ người làm có thể ở lại phục vụ người chủ mới của Grantley. Các bậc phụ huynh đã nhận được thông báo. Chúng ta sẽ đóng cửa vào cuối khóa học mùa xuân. Tất cả đã được dàn xếp rồi.”
“Còn nhà chúng ta – nó ở đâu? Moldenbury là ở đâu?”
“Chúng ta còn đang thương lượng. Nhưng nó sẽ được sang tên cho chúng ta trong thời hạn ngắn nhất. Mọi thứ đều đã được sắp đặt cho một cuộc sống thực sự của cô cháu mình. Chúng ta có đủ để sống một cuộc sống đơn giản, có lẽ thế, nhưng cũng đủ đáp ứng nhu cầu của cô cháu ta, rồi hai người sẽ hòa nhập vào cuộc sống ở nơi thôn quê, tham gia tất cả những hoạt động mà trước đây chúng ta chưa có điều kiện tham gia. Chúng ta sẽ có một sự thay đổi có hậu, như cô bao giờ cũng nhắc nhở Violet.”
Tôi liếc nhìn Violet. Bà không có vẻ gì lạc quan như cô tôi, nhưng dù sao thì lạc quan cũng không phải là một đặc tính của Violet.
“Cô Patty yêu quý, lẽ ra cô không nên cho cháu vào học ở chỗ ấy. Chắc là cô phải tốn rất nhiều tiền.”
“Với việc để tay lên bắp cày, cô đã không đập vỡ nồi để đuổi chuột, nếu đã là việc đáng làm thì phải tiến hành đâu ra đấy. Cô không thể nghĩ ra nhiều câu châm ngôn hơn nhưng cô chắc là chúng cũng ủng hộ cô. Cô đã làm một việc đúng đắn cho cháu, Cordelia ạ. Những năm tháng ở Schaffenbrucken sẽ không bao giờ bị lãng phí. Để cô nói rõ với cháu điều này. Cô sẽ cho cháu xem những cuốn sách và mọi cái diễn ra như thế nào. Cô cũng sẽ trò chuyện với con về ngôi nhà mới của chúng ta. Chúng ta sẽ đi xem vào một ngày gần đây trước khi khóa học mới bắt đầu. Rồi con sẽ yêu thích nó cho mà xem. Đó là một vùng quê nhỏ, nên thơ nhất, cô đã làm quen với vị mục sư ở đây, một quý ông rất trang nhã lịch thiệp có một người vợ rất dễ thương thể hiện bao nhiệt tình chào đón chúng ta. Cô nghĩ cô cháu mình sẽ tận hưởng cuộc sống điền viên vui thú.”
“Và rất khác xưa,” Violet chêm vào với khuôn mặt ủ dột.
“Một sự thay đổi bao giờ cũng rất lí thú,” cô Patty hào hứng nói. “Cô nghĩ chúng ta đã sống theo một lề thói quá lâu rồi. Một cuộc sống mới, Cordelia ạ. Đó là một thách thức. Chúng ta sẽ làm những việc nho nhỏ tốt lành cho quê hương mới của chúng ta... tiệc tùng, hội chợ từ thiện, các buổi hội họp và tình nghĩa xóm giềng. Cô có thể thấy trước rằng chúng ta sẽ có một quãng thời gian thật vui thú.”
Cô Patty tin vào điều đó. Đó là nét tuyệt vời nhất ở cô. Bao giờ cô cũng nhìn mọi việc dưới một thứ ánh sáng tươi vui, lạc quan giống như một thách thức vui vẻ và bao giờ cô cũng có khả năng thuyết phục tôi nhìn mọi việc như cô, chỉ có điều cô không làm được điều tương tự với Violet. Nhưng rồi cả cô và tôi đều nói rằng Violet lại khoái đón nhận những khó khăn.
Tôi lên giường đi ngủ mà vẫn không dứt được những suy nghĩ miên man. Có hàng trăm câu hỏi được đặt ra. Tương lai có phần nào mông lung vô định quá.
Ngày hôm sau tôi biết thêm một vài chuyện từ cô Patty. Nhà trường, như cô nói, đã cố gắng hoạt động thêm một thời gian. Có lẽ tiền học phí cô đề ra chưa đủ để trang trải các khoản chi phí; cô đã bỏ ra quá nhiều tiền cho việc ăn uống và củi đuốc, đó là chưa kể các trang bị khác cô đều mua những món đắt tiền. “Cô không muốn biến ngôi trường này thành trường Dothegirls Hall như ông Dickens miêu tả trong các cuốn truyện tuyệt vời của ông. Cô không muốn điều đó chút nào. Cô muốn trường của mình... phải đúng như cô mong ước, mà nếu như không được như thế thì chẳng thà không có trường lớp gì còn hơn. Thế đấy, mọi chuyện đã diễn ra như thế. Cô không thể nói là cô hối tiếc về chuyện đó. Cô muốn giao phó nó cho con nhưng không có lí nào lại trao cho con một vật thừa kế có nguy cơ phá sản. Không, cần phải chấm dứt các thiệt hại, mất mát, cô tự nhủ. Và đó là việc cô đang làm. Trong ngôi nhà mới của chúng ta, cô cháu mình sẽ được nghỉ ngơi một thời gian, sau đó sẽ hoạch định điều gì sẽ làm trong tương lai.”
Cô đã làm cho mọi thứ vang lên như một cuộc phiêu lưu mới mẻ đầy hứng khởi ở đó chúng tôi sẽ lên một chuyến tàu bắt đầu một cuộc hành trình hấp dẫn và tôi cũng được cô truyền cho cái nhiệt tình ấy.
Vào buổi chiều, trong khi các lớp học đang có giờ, tôi ra ngoài đi dạo một vòng. Tôi ra khỏi nhà lúc hai giờ chiều và dự định quay về trước khi trời tối, chỉ vào sau bốn giờ chiều một chút. Trường học sẽ nghỉ trong vài tuần tới và chỉ tồn tại thêm một học kì nữa. Sẽ rất bận rộn với những chuyến đi, các cô giáo được phân công đi theo học sinh, tháp tùng chúng trong các chuyến tàu như mọi chuyện vẫn xảy ra ở Schaffenbrucken. Tôi cho rằng nhiều giáo viên chắc rất nóng ruột, tự hỏi không biết bến đậu sắp tới của họ ở đâu và chắc chắn là họ không tìm đâu ra một người hiệu trưởng dễ chịu và chu đáo như cô Patty.
Tôi cảm thấy bầu không khí u buồn bao trùm lên ngôi nhà. Cả giáo viên và học sinh đều thích bầu không khí ấm áp, đầy tình người ở điền trang Grantley.
Không có cô Patty bên cạnh để luôn nhấn mạnh rồi mọi việc sẽ tốt đẹp, tôi cảm thấy hoàn toàn ngã lòng. Tôi cố hình dung tương lai của mình sẽ ra sao. Tôi không thể sống cả đời ở chốn thôn quê cho dù có cô Patty ở bên cạnh. Bằng một cách nào đó, tôi không nghĩ là cô Patty tin tưởng vào những điều cô nói. Tôi đã bắt gặp ánh mắt thăm dò của cô khi nhìn tôi, có cái gì đó chưa bộc lộ như thể cô giấu một cái gì đó trong tay áo và cô sẽ tạo một ngạc nhiên cho người nhận.
Bao giờ tôi cũng thấy hào hứng phấn khởi trong cuộc đi dạo đầu tiên sau khi trở về Grantley. Tôi thường đi bộ ra thị trấn nhỏ của Canterton, ngắm nghía các gian hàng hoặc dừng lại trò chuyện với một vài người quen. Điều đó bao giờ cũng là một niềm vui nho nhỏ. Nhưng hôm nay thì khác. Tôi không cảm thấy cái thôi thúc ngày xưa muốn bắt chuyện với bất cứ ai. Tôi tự hỏi không biết người ta đã biết được những gì về việc chuyển nhà của cô Patty. Và tôi không muốn nói về những sự kiện mà cho đến giờ tôi còn biết rất ít.
Tôi đi qua các khu vườn và nhận thấy trên cành vẫn còn những trái ô rô chín mọng vào mùa Giáng sinh. Các thiếu nữ đáng lí phải hái ô rô từ tuần trước để chuẩn bị cho ngày lễ Giáng sinh. Người ta đã trang hoàng cho cây thông Noel ở Nhà Chung và sắp đặt những món quà dành cho mọi người dưới gốc cây. Rồi sẽ có một buổi hòa nhạc, những bài ca mừng Giáng sinh ở nhà thờ. Năm ngoái... Mà thôi, đó chỉ là một cụm từ đáng buồn.
Mặt trời nhợt nhạt mùa đông bất chợt ló ra giữa những đám mây. Không khí lạnh giá nhưng vẫn là cái rét ngọt của tiết lập đông.
Không có nhiều người đi dạo ở bên ngoài vào tiết này. Từ lúc rời khỏi điền trang Grantley, tôi chẳng gặp một ai cả. Tôi liếc nhìn về phía khu rừng và tự hỏi không hiểu các thiếu nữ tìm đâu ra nhiều cây tầm gửi cho năm nay đến thế. Họ thường phải lùng sục mới có, điều đó làm cho nó trở nên quý giá, dùng nó để trang hoàng cho những chỗ các cô có thể nấp kín và nhận được một nụ hôn – nếu có bất cứ chàng thanh niên nào có ý muốn làm điều đó.
Tôi do dự một lúc khi bước chân đến trước cửa rừng. Tôi quyết định sẽ đi men theo bìa rừng và đi quanh thị trấn chứ không vào sâu trong rừng. Chợt tôi nghe có tiếng bước chân sau lưng và cảm thấy một làn sóng ấm áp trào dâng trong lòng, tự nhủ rằng tôi biết người đó là ai trước khi quay đầu nhìn lại.
“Tại sao?” Tôi kêu lên. “Ông... lại ở đây?”
“Vâng.” Chàng nói, môi nở nụ cười. “Cô cho tôi biết cô sống ở Canterton, thế nên tôi nghĩ, tôi có thể ghé qua đây một chút.”
“Thế... thế ông ở đây à?”
“Một khoảng thời gian ngắn thôi.”
“Trên đường ông...?”
“Đi đến một nơi nào đó. Tôi đã nghĩ tôi có thể đến thăm cô trong lúc cô ở đây, nhưng trước khi làm thế, tôi hi vọng được gặp cô để hỏi xem liệu tôi ghé thăm cô thì có phải phép không. Tôi đã đi ngang qua điền trang. Thật là một chốn thần tiên.”
“Lẽ ra ông nên vào nhà.”
“Đầu tiên tôi cần phải biết bà cô quý hóa của cô có vui lòng tiếp đón tôi không?”
“Tất nhiên là người sẽ rất vui sướng khi được gặp ông.”
“Sau cùng, chúng ta còn chưa biết nhau rõ mà.”
“Tôi và ông đã gặp nhau bốn lần nếu tính cả lần tôi thấy ông trên tầu hỏa.”
“Phải.” Chàng từ tốn trả lời. “Tôi cảm thấy chúng ta như những người bạn cũ. Chuyến về thăm nhà của cô chắc rất vui, tôi đoán thế.”
“Cô Patty là người trên cả tuyệt vời.”
“Cô ấy rõ ràng là rất yêu thương cô.”
“Vâng.”
“Vậy chắc là một buổi gặp mặt vui vẻ nhất rồi.”
Tôi chỉ ngập ngừng trong một giây.
“Không phải ư?” Chàng gặng hỏi.
Tôi im lặng vài giây, chàng nhìn tôi đầy quan tâm. Rồi chàng nói: “Hay là chúng ta vào rừng đi dạo một lát. Tôi nghĩ mùa này là thời điểm đẹp nhất trong năm. Những thân cây khẳng khiu trơ trụi lá trông thật đẹp, cô có nghĩ thế không? Hãy nhìn cái cây có những cành chĩa lên trời kia.”
“Vâng, tôi bao giờ cũng nghĩ thế. Cây cối mùa đông thậm chí còn đẹp hơn mùa hè. Cứ như thế này ông khó có thể gọi là rừng. Nó giống những cây gỗ hơn... nếu chụm lại chắc không trải dài đến một phần tư dặm.”
“Tuy vậy, hãy đi dạo qua những thân cây xinh đẹp này và cô có thể cho tôi biết tại sao cuộc hội ngộ lại không được như mong muốn.”
Tôi vẫn do dự và chàng nhìn tôi với một chút trách móc nhẹ nhàng. “Cô có thể tin tưởng ở tôi, tôi biết cách giữ bí mật. Nào nói đi, có điều gì làm cho cô lo lắng như vậy?”
“Điều này ngoài sức tưởng tượng của tôi mà cô Patty lại không lộ cho tôi biết gì hết.”
“Lộ cái gì?”
“Rằng mọi chuyện không diễn ra như... lẽ ra nó phải thế. Cô ấy... cô ấy đã bán điền trang này đi rồi.”
“Bán một dinh thự tráng lệ như thế! Công việc đang phát triển cơ mà?”
“Rõ ràng là nó không phát đạt. Tôi cũng ch.ết điếng cả người. Tôi cho rằng nó đã được cầm cố. Không có lí nào tôi lại không biết chút nào cả. Cô Patty không bao giờ để cho tôi biết chúng tôi đang xuống dốc.”
Dường như có một luồng gió lạnh ghê người bất thình lình thổi qua rừng cây.
Chàng dừng bước, đứng nhìn tôi, dịu dàng. “Cô bé tội nghiệp của tôi!”
“Cũng không đến nỗi quá tệ. Chúng tôi sẽ không ch.ết đói đâu. Cô Patty nghĩ tất cả mọi chuyện đều có mặt tốt của nó. Nhưng rồi mọi việc xảy ra thật là...”
“Nói cho tôi nghe hết đi, nếu cô muốn.”
“Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại nói cho ông nghe chuyện này... trừ khi ông thực sự quan tâm. Ông bất ngờ hiện ra, đầu tiên là ở trong rừng, sau đó ở trên tàu thủy và bây giờ... Hành tung của ông thật bí ẩn, ông biết không?”
Chàng cất tiếng cười. “Chính điều đó làm cho cô dễ tâm sự với tôi hơn.”
“Phải, tôi cũng cho là thế. Tôi đã tránh đi vào trong phố bởi vì tôi không muốn nói chuyện với những người biết rõ chúng tôi bao năm qua.”
“Vậy thì cứ thổ lộ với tôi đi.”
Thế là tôi cho chàng biết cô Patty bán điền trang Grantley bởi vì để giữ nó cô phải bỏ ra rất nhiều tiền và chúng tôi sẽ mua một ngôi nhà nhỏ ở một miền quê yên ả.
“Vậy cô sẽ làm gì?”
“Tôi cũng không biết nữa... Chúng tôi sẽ có một nếp nhà nhỏ ở đâu đó thuộc vùng Midlands. Tôi còn chưa nghe nhiều về nó nữa. Cô Patty làm cho nó có vẻ... không quá tệ, nhưng tôi có thể thấy qua Violet, người bạn quý hóa của cô đã sống với chúng tôi bấy lâu nay – rằng cũng có vấn đề phải lo lắng.”
“Tôi có thể hình dung được chuyện này. Quả là một cú sốc kinh khủng đối với cô. Hãy nhận ở tôi lòng cảm thông sâu sắc. Cô có vẻ thật vui tươi cùng với bạn bè ở trong rừng, và tôi ngờ rằng họ có phần ganh tỵ với cô.”
Chúng tôi đi ngang qua một vạt cỏ xác xơ. Mặt trời ảm đạm đầu đông, lóe lên yếu ớt qua những cành cây trụi lá. Mùi đất ẩm và lá mục thoảng trong không gian và tôi không khỏi có cảm nhận là có một cái gì đó đã xảy ra bởi vì chàng đang ở bên tôi.
“Chúng ta đã nghe nhiều về tôi rồi. Bây giờ xin ông hãy kể về mình.”
“Cô sẽ chẳng thấy có điều gì thú vị đâu.”
“Không, tôi sẽ thấy mà. Ông có một cách... xuất hiện. Rất đặc biệt, thật đấy. Cái cách mà ông đến với chúng tôi, ở trong rừng...”
“Tôi đang đi dạo mà.”
“Có vẻ thật khác thường cái việc ông đã ở đấy, sau đó ở trên chuyến tàu lửa, rồi trên tàu thủy... và bây giờ thì ở đây...”
“Tôi có mặt ở đây là bởi vì thị trấn này nằm trên đường đi và tôi nghĩ rằng cũng nên ghé qua thăm cô.”
“Trên đường ông đi đâu?”
“Về nhà tôi.”
“Nếu vậy ông sống ở Anh.”
“Tôi có chỗ trú chân ở Thụy Điển. Phải, cô cũng có thể nói tôi có nhà ở Anh.”
“Và bây giờ ông đang trên đường đến đấy. Tại sao nhỉ, tôi thậm chí còn chưa biết tên ông.”
“Chưa bao giờ được nhắc đến ư?”
“Chưa. Ở trong rừng...”
“Tôi chỉ là người khách ghé ngang thôi, đúng không? Không phải là chỗ thích hợp để trao đổi danh thiếp.”
“Còn ở trên boong tàu... ông có điều kiện.”
“Tôi nghĩ lúc ấy cô đang buồn ngủ.”
“Hãy chấm dứt màn bí mật. Tên ông là gì?”
Chàng có vẻ ngần ngại và tôi biết chàng không muốn nói cho tôi hay. Chắc chắn là điều này có nguyên do. Chàng như một câu đố vậy.
Rồi bất thình lình chàng nói: “Tên tôi là Edward Compton.”
“Ồ... Vậy ông là người Anh. Tôi không biết ông là người vùng nào. Nhà ông ở đâu?”
“Ở điền trang Compton.”
“Thế nó có ở xa đây không?”
“Khá xa. Ở Suffolk. Trong một ngôi làng nhỏ mà cô sẽ không bao giờ nghe tiếng.”
“Làng gì?”
“Croston.”
“Ồ. Tôi chưa bao giờ nghe thấy thật. Thế nó có xa Bury St.Edmunds không?”
“À, đó là thị trấn gần nhất.”
“Và bây giờ ông trên đường đến đấy.”
“Phải, sau khi tôi rời khỏi đây.”
“Vậy ông sẽ dừng chân ở Canterton một thời gian chứ?”
“Tôi nghĩ là tôi sẽ...”
“Trong bao lâu?”
Chàng nhìn tôi một cách chăm chú và nói: “Điều này còn tùy thuộc...”
Tôi cảm thấy đôi má nóng bừng lên. Tùy thuộc vào tôi, chàng có ý muốn nói thế. Các cô bạn nói rằng tôi là người được chàng quan tâm nhất. Và tôi cũng có cái linh cảm ấy kể từ lần gặp gỡ đầu tiên.
“Ông nên nghỉ nơi quán trọ Ba Cọng Lông Chim. Nó hơi nhỏ nhưng được tiếng rất tiện nghi, thoải mái. Tôi hi vọng ông sẽ tìm ra nó.”
“Tôi cảm thấy rất dễ chịu.”
“Ông nên đến gặp cô Patty.”
“Đó là một vinh hạnh cho tôi.”
“Bây giờ tôi phải quay về nhà. Trời tối sập xuống ngay bây giờ đấy.”
“Tôi sẽ tiễn cô về nhà.”
Chúng tôi rời khu rừng đi ra con đường chính. Tòa nhà đã ở ngay trước mặt. Nom nó thật nguy nga trong ánh chiều chạng vạng.
“Tôi có thể thấy ông rất ngưỡng mộ ngôi nhà.”
“Thật đáng buồn, cô lại phải rời xa nó.”
“Tôi còn chưa quen được với ý nghĩ này, nhưng như cô Patty nói, gạch ngói, vôi vữa không làm nên một tổ ấm. Chúng tôi sẽ không thể hạnh phúc nếu cứ phải lo lắng đâu ra tiền để giữ nó. Cô tôi nói tòa nhà phải sớm trùng tu lại nếu không nó sẽ đổ ập xuống đầu chúng tôi.”
“Thật đáng buồn biết bao!”
Tôi dừng lại nhoẻn miệng cười với chàng.
“Tôi phải chia tay ông ở đây thôi, trừ khi ông có nhã ý quá bộ vào nhà tôi chơi...”
“Không... không. Tôi nghĩ không phải vào lúc này. Có thể là lần sau.”
“Vậy ngày mai nhé. Ông có thể ghé qua uống trà. Bốn giờ chiều. Cô Patty có một tiệc trà như thường lệ. Cô cũng làm các bữa chiêu đãi. Mời ông đến trước bốn giờ.”
“Cám ơn”
Nói rồi chàng cầm tay tôi đưa lên môi hôn và cúi chào.
Tôi chạy vào trong nhà mà không ngoái đầu nhìn lại, cứ như bay trong một trạng thái lâng lâng ngọt ngào. Có một cái gì đó thật quyễn rũ về chàng. Cuối cùng tôi đã biết tên chàng Edward Compton ở điền trang Compton. Tôi tưởng tượng về nó…Tường gạch đỏ, cũng tráng lệ như tòa nhà của chúng tôi. Chẳng lạ gì khi chàng quan tâm đến Grantley đến thế và thật sự bị sốc khi chúng tôi buộc phải bán đi. Chàng hiểu việc phải rời xa ngôi nhà xinh đẹp thân thương mà mình đã coi như tổ ấm sẽ đau khổ đến nhường nào.
Ngày mai tôi sẽ gặp lại chàng. Tôi sẽ viết thư cho các bạn kể cho họ nghe về cuộc gặp gỡ thú vị này. Lúc còn ở trên tàu thủy tôi không có đủ thời gian kể cho Lydia nghe về cuộc tái ngộ của chúng tôi. Tôi ngỡ rằng cô cũng chả có tâm trí nào để ý đến chuyện đó. Chúng tôi bận rộn chuẩn bị hành lý xuống tàu và chào hỏi người thân ra đón.
Có lẽ đã đến lúc cho cô ấy biết nhiều hơn. Tôi đã hoàn toàn bị con người xa lạ bí ẩn kia mê hoặc mất rồi.
Về nhà tôi thấy cô Patty ở trong tâm trạng vui vẻ kích động.
“Cô vừa nhận được lời khẳng định từ Miss Daisy Hetherington, nhận lời mời đến thăm chúng ta. Chị ấy sẽ ghé qua đây vào cuối tuần, trên đường đến thăm anh trai vào dịp Giáng sinh. Chị ấy sẽ ở đây vài ngày.”
Tôi đã nghe cô Patty nhắc đến cái tên Daisy Hetherington nhiều lần và bao giờ cũng với một giọng nể phục. Miss Daisy là hiệu trưởng một trong những trường danh tiếng nhất nước Anh. Cô Patty không thể không nói về người đàn bà này.
“Cô Patty ơi”. Tôi cố chen vào câu chuyện của cô. “Có một điều hết sức kỳ lạ đã xảy ra. Có một người thanh niên con đã gặp ở Schaffenbrucken và chàng lại đang có mặt ở đây. Con mời chàng đến dùng trà vào chiều mai. Thế có được không ạ?”
“Tất nhiên là được rồi con yêu. Một chàng thanh niên ư?” Rõ ràng là trong đầu cô lúc ấy chỉ có Miss Daisy Hetherington. “Thật là tuyệt vời.” Cô tiếp tục nói vẻ lơ đãng. “Cô đã bảo người làm chuẩn bị một căn phòng thật đẹp cho Daisy. Cô nghĩ đó phải là căn phòng đẹp nhất ở đây.”
“Chắc chắn nó phải nhìn ra một khung cảnh đẹp. Nhưng mà tất cả các phòng ở đây đều thế mà.”
“Chị ấy sẽ muốn biết về việc chuyển nhà của chúng ta. Chị ấy bao giờ cũng muốn biết tất cả mọi chuyện đang diễn ra trong thế giới học đường. Có lẽ đó là lý do tại sao Daisy thành công.”
“Cô thân yêu, cô nói với một chút nghen tị, điều đó không giống cô chút nào.”
“Không phải đâu, Cordelia. Cô sẽ không đổi lấy địa vị của Daisy ở trường Colby Abbey đâu. Không, cô hài lòng với chính mình. Vui lòng bỏ cuộc. Đã đến lúc rồi. Nếu có gì thì chỉ là một chút nuối tiếc cho con mà thôi. Thú thật là cô chỉ muốn giao lại cho con một công việc tốt đẹp và có triển vọng thôi.”
Đôi mắt của cô dường như long lanh vì những giọt nước mắt. “Cordelia, con sẽ không bao giờ biết trước điều gì đang đợi con ở mỗi ngã rẽ. Cô nghĩ cuộc sống của chúng ta ở một ngôi nhà thôn dã sẽ có phần quá lặng lẽ đối với con, sau khi con đã học ở Schaffenbrucken và có tất cả những phẩm chất quý giá nhất. Con sẽ gặp Miss Daisy Hetherington ở Trường nữ sinh Colby Abbey - người đạt đến một danh hiệu cao quý nhất mà chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới. Colby cũng nổi tiếng như Schaffenbrucken hay ít ra thì cũng gần bằng. Cô chỉ băn khoăn…”
“Cô Patty, cô mời bà ấy ở lại đây, hay bà ấy tự ý muốn đến?”
“Ồ, cô biết Daisy không thích ở nhà trọ đâu. Cô chỉ nói nhà ta ở rất tiện đường đi, chị ấy có thể ở lại đây một vài đêm. Cô có một vài món mà Daisy có thể sử dụng. Ở đây có một số bàn làm việc, bàn học sinh và sách vở ấy mà. Chị ấy thích lắm và cũng muốn gặp con nữa. Cô đã nói về con cho Daisy nghe.”
Tôi biết cô tôi lắm mà. Tôi có thể thấy ánh sáng tinh nghịch đang nhảy nhót trong mắt cô khi cô âm mưu một chuyện gì.
“Cô có đề nghị bà ấy dành cho con một chỗ trong trường bà ấy không?”
“Ồ, không hẳn là một yêu cầu. Và trong bất cứ trường hợp nào thì nó cũng tùy thuộc vào ý muốn của bản thân con. Đó là một điều con cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng, Cordelia ạ. Con có thích cuộc sống nhà quê không? Cô muốn nói một cuộc sống mà mọi cái đều xoay quanh hoạt động của nhà thờ. Điều này chỉ phù hợp với những con chim già nua như cô Violte và cô, còn với một cô gái trẻ đã được học hành tử tế thì phải cần phải có chỗ để thực hành những gì con gặt hái được… Phải, cô chỉ nói thế thôi, nhưng con cần phải tự quyết định… Nếu Daisy thích con… Cô biết chị ấy sẽ thích những phẩm chất của con. Daisy là một người tốt… có hơi nghiêm nghị một chút… hơi lạnh lùng và rất, rất có phẩm cách. Trong thực tế chị ấy đối lập với người cô già của con, phải, chị ấy là một nhà kinh doanh sắc sảo, chị ấy biết mình đang làm gì. Con có thể tự quan sát được mà. Nếu Daisy nhận con, thì một thời gian sau thì con sẽ có một địa vị vững vàng ở đấy. Cô đang nghĩ đến một sự hợp tác. Tiền bạc ư? Cô chẳng thiếu thốn gì cả, cô sẽ cảm thấy thỏa mãn với cái cô đang có và số tiền có được từ Granley. Đó là một cái giá hời. Colby sẽ nghỉ lễ Giáng sinh trước chúng ta một tuần… vì thế cô mời Daisy ở lại đây. Đó chẳng phải là một ý tồi, chị ấy phải đi đâu đó trong khi bọn học sinh nghỉ lễ chứ. Như vậy, chị ấy sẽ không có có điều kiện chỉ trích phương pháp dạy học của chúng ta, một điều mà cô chắc chị ấy sẽ làm. Con sẽ ngưỡng mộ Daisy cho mà xem. Chị ấy có nhiều phẩm chất mà cô thiếu.”
“Chắc chắn là con sẽ không ngưỡng mộ bà ấy vì điều đó.”
“Ồ, con sẽ làm thế mà. Cô không phải kiểu người điều hành thành công một trường học, Cordelia ạ. Hãy nhìn thẳng vào sự thật. Không có một đứa học trò nhỏ nào sợ cô cả.”
“Chúng yêu quý cô hết mực.”
“Đây là cái thời mà sự kính sợ tỏ ra quan trọng hơn. Cô có thể thấy rõ những sai lầm của mình… khi nhìn lại. Cô cho là chẳng có gì khôn ngoan cả. Nhưng ít nhất thì cô cũng thừa nhận chúng và như thế cũng thể hiện một sự khôn ngoan nhất định rồi. Kế hoạch của cô là thế, Cordelia ạ. Con hãy lựa chọn…Nếu Daisy có thể hợp tác với chúng ta. Và cô tin là mọi việc sẽ diễn ra như thế. Nếu Daisy dành một vị trí nào đó trong trường cho con và nếu năm, sáu năm con làm việc không chê vào đâu được mà Daisy lại không còn trẻ trung gì, còn cô của con lại có một ít vốn… thì, con hiểu ta muốn nói gì chứ? Đó là lý do tại sao cuộc viếng thăm của Daisy lại quan trọng đến thế. Con của ta đây, mới mẻ, tinh khôi từ cái lò Schaffenbrucken. Tình cờ cô biết được rằng trường cô ấy lại không có một người nào có đầy đủ các phẩm chất đặc biệt để làm con át chủ bài. Nếu Daisy thích con – cô không thấy có lý do nào khiến cô ấy có thể có cảm nghĩ khác – thì đó là một cơ hội. Cordelia thân yêu, cô muốn con suy nghĩ thật kỹ về điều này. Đây là một điều chấp nhận được đối với cô và nếu mọi chuyện diễn ra theo kế hoạch của cô thì tất cả sẽ là một ơn trên ban xuống.”
“Cô Patty, cô là một người âm mưu cổ lỗ quá đi. Giả sử bà ấy thích con và đồng ý nhận con… có nghĩa là con không được ở bên cô nữa.”
“Cordelia tình yêu của cô, nếp nhà nhỏ của cô bao giờ cũng đợi con. Kỳ nghỉ hè sẽ là những ngày tuyệt với đầy ắp niềm vui với cả hai cô cháu ta. Người bạn già sẽ đánh bóng những đồ trang trí bằng đồng thau – bà ấy có những đồ dùng để thờ cúng bằng đồng thau – còn ta sẽ vui như đứa trẻ trước kỳ nghỉ hè. Cứ hình dung niềm hân hoan phấn khởi trong nhà. Cordelia sắp về! Bằng giờ này năm sau cô sẽ chứng kiến tất cả những điều này. Cả nhà ta sẽ hòa giọng hát những bài Giáng sinh vui vẻ. Vị mục sư ở đây là một người rất dễ chịu. Thực vậy, đây là một vùng quê êm ả, thân thiện.”
“Ôi, cô Patty, con chỉ trông mong được sống bên cô. Với lại suốt ba năm qua con đâu có dịp ở bên cô nhiều.”
“Con sẽ gặp cô nhiều hơn khi con ở Devon. Không chỉ vào ngày lễ hoặc nghỉ hè. Có một nhà ga cách nhà chỉ có ba dặm và chúng ta sẽ có một chiếc xe trượt nhỏ do chó kéo. Nếu con dạy học ở một trường như Colby, nơi những gia đình danh giá gửi gắm con gái của họ con sẽ có nhiều cơ hội… Con hiểu ta muốn nói gì chứ. Hình như có một hoặc hai nhà quý tộc ở đó, để cô nói cho con nghe Daisy có mấy cô học trò là con gái của một nam tước và một công tước kỳ quặc.”
Chúng tôi cùng vui cười sung sướng, đúng thế, mọi việc bao giờ cũng tỏ ra nhẹ nhàng với cô Patty. Cô có một khả năng khác thường, cô biến bất cứ một hoàn cảnh khó khăn nào thành ra vui thú hay ít nhất cũng chấp nhận được.
Khi còn lại một mình các suy nghĩ của tôi cứ rối bời lên. Tôi muốn hành nghề dạy học; thực ra tôi còn cảm thấy mình có một khả năng đặc biệt trong nghề này; chẳng phải là tôi đã được nuôi dưỡng trong một bầu không khí để chờ đợi điều đó sao? Nhưng tình thế này quá phức tạp với một quyết định tức thì: từ biệt Grantley thân yêu; viễn cảnh sông trong một ngôi nhà mới với cô Patty và bà Violet; rồi lại đứng trước một lựa chọn quyết định sự nghiệp cả đời mình với hi vọng cuối cùng nó sẽ trở thành mái trường của mình! Tuy vậy, có một điều đang choáng một chỗ lớn trong suy nghĩ của tôi đó là Edward Compton, người đã tạo ra một thói quen xuất hiện một cách đầy bí ẩn trong cuộc đời tôi và cuối cùng tôi cũng có thể nghĩ về chàng như một người bình thường. Trước đó, chàng chỉ là một ảo ảnh, chẳng hề có tên tuổi và tôi không thể gán chàng cho một ngôi nhà hay địa danh cụ thể nào. Bây giờ thì tôi biết. Chàng là Edward Compton ở điền trang Compton và chiều mai chàng sẽ đến dùng trà với chúng tôi. Cùng ngồi trò truyện với cô Patty và bà Violet, chàng sẽ là một thực thể đang hiện hữu, và tôi muốn chứng kiến điều đó.
Chàng làm tôi chú ý, chàng kích thích tôi. Khuôn mặt ấn tượng với những đường nét tuyệt đẹp như một tác phẩm điêu khắc được thực hiện dưới một đôi tay tài hoa, có một vẻ quyến rũ như thuộc vào một thời đại khác, nhưng điều này cũng giảm dần trong lần gặp cuối cùng trong rừng. Khi chàng nói tên chàng - với một chút ngập ngừng làm như chàng hết sức miễn cưỡng – chàng đã trở thành một người bằng xương bằng thịt trong mắt tôi. Cớ sao chàng lại có vẻ miễn cưỡng như vậy nhỉ? Phải chăng với sự xuất hiện trong rừng và sau đó trên boong tàu chàng đã tạo ra một màu sắc huyền bí và chàng muốn lưu giữ cái không khí huyền hoặc ấy mãi.
Tôi bật cười. Tôi trông mong gặp lại chàng còn tha thiết hơn là tôi có thể thú thật với cô Patty. Chàng chế ngự những suy nghĩ của tôi bất chấp cả viễn cảnh Miss Hetherington đến chơi và có thể có quyết định ảnh hưởng đến tương lai của tôi.
Sự thất vọng của tôi vào ngày hôm sau còn cay đắng hơn bất cứ chuyện gì khác. Khi Edward Compton không xuất hiện, tôi nhận ra tôi đã để cho xúc cảm của mình quá tự do trong chuyện này.
Cô Patty và bà Violet đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách. Tôi hy vọng chàng sẽ đến trước bốn giờ một chút bởi bữa tiệc trà sẽ được phục vụ vào lúc bốn giờ. Khi đồng hồ chỉ bốn giờ rưỡi mà chàng vẫn không xuất hiện thì cô Patty nói chúng tôi sẽ dùng trà mà không có chàng. Và mọi người đã làm thế.
Tôi vẫn để tai lắng nghe mọi động tĩnh báo hiệu chàng đến và lơ đãng trả lời những câu hỏi của cô Patty và Violet, hai người vẫn tiếp tục chủ đề về chuyến viếng thăm của Daisy Hetherington.
“Có lẽ” – cô Patty đoán, “Cậu ấy rời khỏi đây bất thình lình.”
“Nhưng hắn ta phải để lại một lời nhắn chứ.” Cô Violet phản đối.
“Có thể cậu ấy đã làm thế nhưng nó đến nhầm địa chỉ.”
“Ai có thể là người không biết điền trang Grantley?”
“Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra.” Cô Patty lý sự. “Cậu ấy có thể gặp một tai nạn nào đó trên đường tới đến đây.”
“Sao chúng ta không nghe nói gì hết?” Tôi hỏi.
“Không nhất thiết.” Cô Patty đáp.
“Có thể hắn ta đã thay đổi ý định.” Violet gợi ý.
“Chính anh ta đã gợi ý đến chơi đấy chứ.” Tôi đáp. “Mà chỉ mới hôm qua thôi.”
“Đàn ông ấy mà.” Violet lên tiếng từ sau một bộ mặt lạnh nhạt dễ sợ, “Họ có thể hành động rất tức cười. Họ có thể làm bất cứ điều gì. Mọi người sẽ không bao giờ lường trước được đâu.”
“Ở đây có một cách giải thích.” Cô Patty vừa thủng thẳng nói vừa phết mứt dâu lên chiếc bánh trứng đường và sau đó hoàn toàn đắm mình trong việc thưởng thức hương vị ngọt ngào của nó. “Để tôi nói cho các vị nghe.” Cô bắt đầu sau khi hoàn thành nghi thức ăn món khoái khẩu, “Chúng ta sẽ phái Jim đến nhà trọ Ba Cọng Lông Chim. Hẳn họ phải biết nếu có chuyện bất trắc xảy ra.”
Jim là người trông coi xe cộ và chuồng ngựa của chúng tôi.
“Bà bạn có nghĩ là làm như thế chúng ta tỏ ra quá nhiệt tình không?” Violet hỏi.
“Bạn thân mến, thì chúng ta quan tâm thật mà.”
“Phải, nhưng hắn ta là đàn ông…”
“ Đàn ông thì cũng có những rủi ro như đàn bà chứ. Mà này Violet, tôi thấy có chuyện gì hơi buồn cười, anh ta không đến trong khi lại nói là muốn đến chơi.”
Họ trao đổi một chút về Edward Compton, thế là tôi giải thích bọn con gái chúng tôi gặp chàng lần đầu tiên trong hoàn cảnh nào và sau đó bằng một sự trùng hợp lạ lùng chàng có mặt trên con thuyền vượt qua eo biển. Rồi lại tình cờ có mặt ở đây.
“Tôi đoán có lẽ anh ta bất ngờ đi khỏi đây.” Cô Patty nói. “Anh ấy có thể để lại một lá thư ở nhà trọ nhưng mọi người biết đấy… họ lại quên không mang đến đây. Bà còn nhớ không Vi, có một vị phụ huynh của chúng ta muốn nghỉ lại một đêm và chúng ta đã đăng ký nhà trọ hẳn hoi nhưng bà White lạ quên không thông báo. Chúng ta chẳng để bà ấy ở lại trường còn gì.”
“Tôi vẫn còn nhớ chứ, bà ấy khoái đến nỗi ở thêm một ngày, một đêm nữa và còn muốn trở lại đây nữa chứ.”
“Vì thế cháu thấy đấy.” Cô Patty nói rồi quay lại đề tài ưa thích về chuyến viếng thăm của Daisy Hetherington. Một giờ sau, Jim từ quán Ba Cọng Lông Chim trở về. Chẳng có ngài Compton nào ở đấy cả. Lúc này nhà trọ chỉ có hai quý bà đã lớn tuổi.
Mọi chuyện sao mà lạ lùng đến thế. Chàng chẳng bảo tôi là có ở nhà trọ này là gì…hay là tôi chỉ tưởng tượng ra?
Tôi chẳng biết nên nghĩ thế nào nữa. Khi chàng nói cho tôi biết tên chàng, tôi đã bắt đầu có cảm giác không còn gì huyền bí nữa. Bây giờ mọi chuyện lại trở nên huyễn hoặc nữa rồi.
Có một cái gì kỳ cục về người lạ mặt trong rừng.
Không có một lời nhắn nhủ nào của Edward Compton, tôi lên giường đi ngủ, thất vọng và lòng đầy nghi hoặc, bởi vì sau cùng chẳng phải chính anh ta muốn đến nhà tôi chơi là gì? Tôi cho là có một chuyện gì không chờ đợi đã xảy ra.
Tôi trải qua một đêm ngủ chập chờn với một giấc mơ quái dị trong đó hình ảnh của chàng trộn lẫn với Daisy Hetherington. Phải, đó là một giấc mơ hãi hùng gần như một cơn ác mộng. Tôi thấy mình ở trường Colby, một lâu đài kiểu Gothic u ám đầy đe dọa, đang đi tìm Edward Compton. Khi tôi tìm ra thì chàng lại là một con quỷ nửa đàn ông, nửa đàn bà, vừa là chàng, vừa là Daisy, còn tôi thì cố gắng trốn thoát.
Tôi ngồi bật dậy trên giường, không thể thở nổi, tôi nghĩ mình đã la hét trong giấc mơ.
Tôi lại nằm xuống, cố trấn tĩnh. Bao nhiêu đã chuyện xảy ra trong một thời gian ngắn ngủi, thử hỏi làm sao tôi không có giấc mơ dễ sợ như vậy được. Còn về Edward, nếu anh ta quyết định không đến thăm chúng tôi và cũng không có phép lịch sự tối thiểu báo cho chúng tôi biết, thì kệ xác anh ta. Nhưng tôi từ chối, không tin điều đó. Điều quyến rũ về chàng là cái không khí huyền bí bao quanh một trang hiệp sĩ thời cổ.
Một chuyện hết sức bí ẩn. Chắc chắn tôi phải tìm ra lời đáp một ngày gần đây. Có lẽ lá thư đang trên đường đến chỗ tôi.
Khi tôi xuống dưới nhà thì bữa điểm tâm đã kết thúc và bọn con gái đã ríu rít đi về lớp học. Các bài học bao giờ cũng qua loa đại khái vào thời gian chuẩn bị lễ Giáng sinh trong khi không khí Noel đã tràn ngập nơi nơi.
Buổi sáng hôm ấy tôi đi bộ vào thị trấn. Bà Stoker, chủ một quầy hàng bán quần áo vải len, đang ở ngoài kiểm tr.a những miếng lót ly tách và khăn trải bàn treo trên các cành cây ô rô rải rác đó đây, được trang hoàng rất đẹp để thu hút khách mua hàng cho ngày Noel. Bà đon đả chào đón tôi và nói bà thất vọng biết bao khi chúng tôi dọn khỏi đây. “Chỗ này sẽ không còn như cũ nếu thiếu ngôi trường”, bà nói. “Chuyện xảy ra cũng lâu lắm rồi cháu biết không, khi chúng tôi nghe chuyện có một ngôi trường mới mở… bao năm rồi… có một vài người trong chúng tôi cũng chẳng thích gì đâu. Nhưng rồi cô Grant… mới đáng yêu làm sao và tất cả bọn con gái nữa. Cháu sẽ cảm thấy vui vẻ trong lòng khi nhìn chúng đi lại ngoài phố. Tôi có thể nói là mọi việc sẽ không như cũ nữa đâu.”
“Chúng cháu sẽ nhớ tất cả mọi người.” Tôi đáp
“Thế gian vô thường, tôi có thể nói như thế. Chẳng có gì đứng yên không đổi.”
“Không có nhiều du khách đến đây vào mùa này phải không ạ?” Tôi gợi chuyện.
“Không, ai mà mò đến đây vào mùa này chứ.”
“Bà sẽ nhận ra một người lạ ngay phải không?
Tôi nhìn bà, phấp phỏng hy vọng. Bà Stoker được tiếng là người cái gì cũng biết ở thị trấn này.
“Mấy cô nhà Brewer lại ở đằng nhà trọ Ba Cọng Lông Chim lần nữa. Họ cũng đến đây vào năm ngoái. Họ thích rẽ qua thăm mấy người em họ trong khi đi du lịch vào dịp lễ Giáng sing hàng năm. Họ biết mình có thể tin tưởng nhà trọ này. Họ rất sung sướng khi ở đây. Cũng chả có mấy khách khứa vào mùa đông mà. Tom Carew nói với tôi rằng họ làm ăn khấm khá vào mùa xuân, mùa hè và mùa thu chứ còn mùa đông thì nhà trọ vắng như chùa Bà Đanh.”
“Vậy chỉ có chị em nhà Brewer là khách trọ lúc này sao?”
“Phải, mà cũng thật là may là còn có họ đấy.”
Đấy là lời khẳng định đến hai lần. Nếu có bất cứ ai ở lại đây hẳn bà Stoker đã biết.
Tuy vậy, sau khi trốn thoát khỏi bà, tôi bèn đi thẳng đến đến quán trọ Ba Cọng Lông Chim và thầm ước nhà Carew đông khách vào mùa này. Họ vui vẻ chào đón tôi và ép tôi uống bằng được một ly rượu táo.
“Chúng tôi ch.ết sững cả người khi nghe cô Grant bán Grantley.” Bà Carews nhanh nhảu. “Một cú sốc thật sự, phải vậy không Tom?”
Ông chồng bè đáp: “Vâng đúng thế, tất cả mọi người đều sửng sốt.”
“Tình thế bắt buộc thôi.” Tôi đáp và họ thở dài não nuột.
Tôi hỏi công việc làm ăn của họ ra sao.
“Chán mớ đời” Tom đáp: “Chúng tôi chỉ có hai người khách… Chị em nhà Brewer. Năm ngoái họ cũng đến đây.”
“Vâng, tôi cũng có nghe bà Stoker nói. Chỉ có hai người thôi sao?”
“Vâng, chỉ có hai mống duy nhất.”
Tôi không còn có thể tin chắc hơn được nữa.
“Jim ở chỗ cô dường như có ý rằng có thể chúng tôi có một người khách là bạn cô...”
“Chúng tôi nghĩ là có thể người ấy sẽ đến. Đó là ngài Compton.”
“Có lẽ ông ấy sẽ đến trễ một chút. Chúng tôi sẽ dành cho ông ấy một căn phòng đẹp nhất.
Tôi ra khỏi nhà trọ mà lòng còn phiền muộn hơn trước nữa. Tôi đi lang thang qua các phố phường, đoạn nhớ ra còn một nhà trọ nữa đó là Đầu của Nay. Khó có thể gọi đó là một nhà trọ, chỉ là một phòng trọ nhỏ bé khiêm tốn, nhưng quả họ có một hoặc hai phòng trọ và lâu lâu cũng có khách.
Tôi đi vào quán trọ Đầu của Nay và gặp Joe Brackket, một người tôi cũng biết sơ sơ. Ông chào tôi và lại bắt đầu bằng câu là ông rất buồn là chúng tôi lại ra đi. Tôi đi thẳng vào vấn đề, hỏi ông xem ngài Compon có nghỉ lại chỗ ông không.
Joe lắc đầu. “ Không ở đây. Có thể ở đằng Ba Cọng Lông Chim.”
“Không, ông ta cũng không ở đó.”
“Vậy cô có chắc là ông ấy ở lại đây không? Tôi không nghĩ ông ta ở đâu khác trừ phi là ở đằng nhà bà Shovell. Bà ấy có một phòng trọ, chỉ có giường và bữa sáng thôi. Nhưng bà ấy đã đóng cửa từ tuần trước…”
Tôi chào ông chủ rồi quay về nhà. Có lẽ có một lá thư đang chờ tôi chăng?
Chẳng có thư từ gì hết.
Buổi chiều, tôi giúp mấy cô học trò trang hoàng căn phòng chung và chiều tối hôm ấy Miss Daisy đến.
Bà gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Đó là một phụ nữ kiệm lời, gầy guộc và cao dễ sợ. Bà phải cao một mét chín mươi chưa kể giầy. Bản thân tôi cũng đã cao nhưng đứng bên cạnh bà, tôi gần như là một người lùn. Đôi mắt bà trong trẻo có cái sắc xanh biếc của băng tuyết, mái tóc bạch kim và ăn mặc rất tao nhã lịch sự. Khuôn mặt xanh xao với những đường nét đẹp một cách cổ điển làm cho người đối diện có cảm tưởng là nó được tạc ra từ đá hoa cương. Có một cái gì đó rất cứng cỏi toát ra từ toàn thân bà nhưng đó cũng chính là vẻ cao quý rất mực. Bà đúng là một cô hiệu trưởng mẫu mực mà tôi nhận ra ngay tức khắc, bởi vì bà tạo cho người tiếp chuyện một tình cảm nể sợ và kính trọng tuyệt đối. Bà sẽ yêu cầu những điều tốt nhất và người ta vui lòng trao cho bà bởi vì người ta biết rằng bà sẽ không chấp nhận bất cứ cái gì loại hai. Bà cũng trao cho người khác những gì hoàn hảo và yêu cầu những điều tương tự.
Chỉ có cái tên là không phù hợp với con người bà. Tên bà là tên một loài hoa nhỏ bé khiêm tốn, nép mình trong đám cỏ. Lý ra bà phải có một cái tên hiển hách, vương giả như Elizabeth, Alexandra, Eleanor hoặc Victoria.
Không ai ít có điểm chung với Daisy như cô Patty, người dường như còn phục phịch hơn, dễ dãi hơn và đáng yêu hơn bao giờ hết khi có mặt người khách cao quý này.
Cô Patty phái một người hầu gái đến phòng tôi cho biết Miss Daisy Hetherington đã đến, họ đang ngồi trong phòng khách trước giờ ăn tối. Tôi có muốn gặp mặt người khách hay không?
Tôi vẫn còn nhớ là tôi đã mặc một chiếc váy nhung xanh, có một mảnh đăng ten trắng ở cổ. Tôi vấn mái tóc dày, suông màu hạt dẻ cao trên đỉnh đầu với hy vọng làm cho tôi cao hơn và quý phái hơn. Tôi cảm thấy xuất hiện trước mặt Miss Hetherington, tôi cần phô bày tất cả lòng tự tin mà tôi có được. Tôi nhìn vào bóng mình trong gương. Một gương mặt còn lâu mới được coi là đẹp. Đôi mắt màu nâu nhạt hơi cách xa nhau, cái miệng hơi rộng, trán hơi cao để được coi là xinh đẹp. Còn cái mũi, như Monique thường nói có vẻ “tò mò”, có nghĩa là chóp mũi hơi vểnh lên làm cho khuôn mặt có vẻ tươi vui hơn nếu không nó sẽ có một vẻ quan trọng quá. Tôi đã phải băn khoăn tại sao Edward Compton lại có vẻ để ý đến tôi trong khi Monique vô cùng kiều diễm còn Lydia thì rất khêu gợi. Frieda có vẻ hơi nghiêm nghị một chút nhưng tính thẳng thắn bộc trực của cô lại có nét duyên riêng. Tôi toát ra vẻ thanh tân của vẻ đôi mươi nhưng chắc chắn không phải là người quyến rũ nhất trong hội. Việc Edward chọn tôi có vẻ kỳ cục thế nào ấy. Trừ khi, tất nhiên, những cuộc gặp gỡ của chúng tôi là do ngẫu nhiên. Lần đầu tiên trong rừng và ở trên tàu thủy thì có thể là tình cờ, nhưng chàng đã đến tận Canterton và rõ ràng là chỉ để gặp tôi. Nhưng tại sao chàng đã hẹn đến uống trà rồi lại không đến?
Chỉ có một cách giải thích. Chúng tôi gặp nhau trong rừng rồi chàng quên bẵng tất cả mọi chi tiết về cuộc gặp gỡ ấy cho đến khi trông thấy tôi trên boong tàu. Chàng đi qua đây và dừng lại ở Canterton. Rồi chàng lại nhớ ra là tôi sống ở đây. Chúng tôi tình cờ gặp nhau và có lẽ tôi đã ép buộc chàng chấp nhận lời mời, bởi vì nếu từ chối sẽ tỏ ra bất lịch sự. Trong ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn nên chàng đã lặng lẽ ra đi.
Tôi không được nghĩ ngợi về người này nữa. Điều quan trọng là phải gây được ấn tượng tốt đối với Miss Daisy Hetherington.
Tôi đi xuống nhà.
Cô Patty tràn trề sung sướng. Cô nhảy lên, tiến về phía tôi, quàng đôi tay mập mạp quanh người tôi. “Đây là Cordelia, bạn Daisy ạ. Cháu gái tôi, Cordelia Grant. Còn đây là Miss Daisy Hetherington, hiệu trưởng một trường học danh tiếng nhất đất nước.”
Miss Daisy nắm bàn tay tôi bằng cả hai tay, thật ngạc nhiên, tay bà ấm áp, mượt mà. Vậy mà tôi cứ nghĩ chắc nó phải lạnh… như đá hoa cương.
“Cháu rất sung sướng được gặp cô.”
“Thật vui khi được làm quen với cháu. Cô cháu đã nói rất nhiều chuyện về cháu.”
“Lại đây, ngồi xuống nào.” Cô Patty hân hoan nói. “Bữa tối sẽ được phục vụ trong vòng mười phút nữa. không phải là niềm vui thật sự khi Miss Hetherington dùng cơm với chúng ta sao?”
Cô mỉm cười với tôi, hình như còn nháy mắt nữa. Niềm vui là một từ có thể không phù hợp trong mối liên hệ với Miss Hetherington – trừ một điều, với cô Patty cả cuộc đời này đều có thể khớp với từ này.
Tôi ngồi xuống, hoàn toàn ý thức được đôi mắt xanh sắc sảo đang chiếu vào tôi và tôi cảm thấy vẻ ngoài của mình được chú ý đến từng chi tiết, rằng mọi thứ đều được cân nhắc nặng nhẹ và được dùng để ủng hộ hay chống lại tôi.
“Như chị đã biết, Cordelia vừa từ trường Schaffenbrucken trở về nhà.” Cô Patty ướm lời.
“Vâng, tôi biết.”
“Cháu nó ở đấy hai năm. Có một số người ở lâu hơn.”
“Hai hoặc ba năm là một quãng thời gian thông thường.” Miss Daisy phán. “Chắc phải là quãng thời gian bổ ích, đáng nhớ nhất.”
Tôi chỉ biết vâng dạ.
“Cháu nên kể cho Miss Hetherington về Schaffenbrucken.”
Cô ngồi trong chiếc ghế quen thuộc của mình, tươi cười và gật gù. Niềm tự hào của cô về tôi có phần nào hơi ngượng ngập và tôi cảm thấy mình phải làm hết sức mình để xứng đáng với điều đó.
Thế là tôi bắt đầu kể về Schaffenbrucken - cung cách hằng ngày, các lớp học, các hoạt động xã hội… bất cứ cái gì tôi có thể nhớ về nhà trường cho đến khi Violet ho khan một cách rụt rè và thông báo bữa tối đã sẵn sàng.
Trong lúc dùng món cá, Daisy đề cập đến chủ đề mà cô vẫn tránh từ trước tới giờ.
“Bà bạn Patience yêu quý ạ, tôi hy vọng chị đã có một quyết định không ngoan khi chị quyết định nghỉ hưu.”
“Không còn nghi ngờ gì nữa.” Cô Patty nói một cách hào hứng. “Cả luật sư và nhà băng đều cho đúng… mà họ thì hiếm khi nào sai.”
“Vậy mọi chuyện tệ đến thế ư?”
“Tốt đến thế chứ.” Cô Patty chỉnh lại. “Cũng có lúc, một người đàn bà cảm thấy cần phải rút lui. Với tôi thời điểm ấy đã đến. Chúng tôi cần một cuộc sống yên bình. Tất cả chúng tôi và đó là cái điều chúng tôi sẽ có được. Violet đã làm việc vất vả quá lâu rồi. Bà ấy sẽ nuôi ong, phải vậy không Violet?”
“Tôi bao giờ cũng thích nuôi ong.” Violet nói, “kể cả khi cậu em họ của tôi Jeremy bị ong đốt cho đến ch.ết vì cậu ấy đã chạm vào con ong chúa.”
Cô Patty bật ra một tràng cười giòn tan. “Bà ấy rất ghét cậu em họ Jeremy.”
“Không phải như vậy, Patty. Mặc dù cậu ta bị như vậy là đáng lắm, Jeremy bao giờ cũng chọc vào tổ ong. Mẹ tôi vẫn thường nói “hãy để cho loài ong yên ổn, nó sẽ mang lại cho con sự bình yên.””
“Nuôi ong cũng là một sở thích khá thú vị đấy chứ.” Miss Daisy góp chuyện. “Nhưng nếu chị muốn thu lợi…”
“Điều mà chúng tôi mong muốn là một ít mật ngọt của nó. Ăn thật tuyệt.”
Tôi biết cô Patty, cô chủ tâm hướng câu chuyện đến chỗ nhẹ nhàng, thoải mái; cô hầu như rất nóng ruột lo rằng Daisy sẽ không đoán ra mục đích nghiêm túc của cô.
“Tất cả chúng tôi đều hướng đến một cuộc sống giản dị.” Cô tiếp tục: “Violet, Cordelia và tôi.”
Daisy chiếu cặp mắt lên người tôi. Tôi có thể cảm thấy nó đang dò mạch trong đầu tôi. “Cô có nghĩ như thế có phần nào hạn chế bản thân không cô Grant? Ở tuổi cô, sau những thành tích học tập, sau một thời gian ở Schaffenbrucken…có phải là một sự lãng phí?”
“Schaffenbrucken không bao giờ lãng phí”, cô Patty hăng hái nói. “Nó sẽ ở lại với Cordelia suốt đời. Tôi bao giờ cũng tiếc là tôi đã không học ở đây phải không Daisy?”
“Tôi coi đó là việc hoàn thành học vấn một cách lý tưởng.” Daisy nói. “Rằng… còn có những ngôi trường giống như thế.”
“Ví dụ như trường nữ sinh nội trú Colby Ebbey.” Cô Patty nói không phải là không có chút láu lỉnh. “Trường đã đạt được một thành tích to lớn! Nhưng trong thâm tâm chúng ta biết không có gì… đơn giản là không có gì… có thể so sánh với Schaffenbruken.”
“Đó là tất cả lý do cô cháu gái của bà bạn không phải trải qua một thời gian buồn chán ở trong nước.”
“Chính Cordelia đã lựa chon điều nó sẽ làm đấy chứ. Cháu được nuôi dưỡng để làm nghề dạy học phải không Cordelia?”
Tôi đáp lại là đúng thế.
Daisy quay qua tôi. “Cô đã có sẵn thiên hướng, tôi có thể nói thế.”
“Cháu thích cái ý nghĩ được dìu dắt những người bạn trẻ. Cháu bao giờ cúng nghĩ đó là một điều tốt lành.”
“Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi.” Daisy nói. “Tôi cũng muốn xem qua một vòng trong lúc đang ở đây, Pat ạ.”
“Tất nhiên. Bây giờ là tuần cuối cùng mà. Sau đó là kỳ nghỉ lễ. Không có nhiều hoạt động ngoại khóa trong kỳ Giáng sinh vui vẻ, và đây sẽ là mùa Giáng sinh cuối cùng…”
“Học trò của chị sẽ làm gì khi chị đóng… cửa vào cuối học kỳ tới?”
“Tôi dám nói là một số phụ huynh sẽ hướng đến Colby Abbey nếu tôi cho họ biết chị là bạn của tôi. Họ thích các mối liên hệ. Nhiều người tỏ ra quan tâm đến chuyện Cordelia học ở Schaffenbrucken. Họ nghĩ, tất nhiên con bé sẽ đến dạy ở đây.”
“Phải, phải.” Daisy nói, thậm chí không giấu sự suy đoán trong ánh mắt.
Tôi đang được định giá và thật lạ lùng, tôi lại thấy thích điều đó. Ở một phương diện nào đó tôi bị Miss Daisy Hetherington thu hút. Bà thách đố tôi. Bà chính là mẫu người phụ nữ mà tôi ngưỡng mộ. Bà sẽ là người yêu cầu cao đấy; tôi không thể hình dung có bao giờ bà bị chi phối bởi tình cảm ủy mị, nhưng bà vốn là như thế và biết đánh giá một việc làm tốt - thực ra, tôi không thể mường tượng bà có thể chịu đựng được điều gì khác.
Tôi nghĩ đến chuỗi ngày dài chốn thôn quê… chẳng làm một cái gì nhất định; nghe Violet nói về việc nuôi ong, tham gia những bữa tiệc lớn nhỏ trong làng, trông coi một quầy hàng trong hội chợ từ thiện, tán thưởng những câu nói đùa của cô Patty… và còn gì nữa nào? Cứ như thế cho đến ngày tôi đi lấy chồng. Mà lấy ai mới được chứ? Con trai ông mục sư, nếu ông có một cậu con trai như thế. Nhưng các ông mục sư dường như lại chỉ có con gái. Hay con trai ông bác sỹ? Không, bất kể sự thật là tôi có một ngôi nhà với cô Patty, tôi cần một cái gì hơn là một mái nhà. Cô Patty sẽ là người đầu tiên hiểu điều đó. Chúng tôi không muốn làm hỏng tình cảm cô cháu quý giá bằng sự nhàm chán. Cô nghĩ tôi phải ra đời và đã làm rõ với tôi rằng cô nhìn thấy Daisy Hetherington là cơ hội cho tôi làm điều đó.
Daisy kể về trường học của bà và trong lúc trò chuyện dường như bà đánh mất cái vẻ sắc gọn của những nhát khắc trên đá hoa cương, có một màu hồng phớt nhẹ trên đôi má bà, đôi mắt xanh biếc của bà nom dịu lại, rõ ràng trung tâm điểm trong cuộc đời bà là trường học.
“Chúng tôi có một cơ sở hạ tầng độc nhất vô nhị. Trường học là một phần của một tu viện cổ. Nó tạo cho chúng tôi một không khí rất đặc biệt. Tôi nghĩ địa điểm là một điều quan trọng. Các bậc phụ huynh cũng có ấn tượng thật sự khi họ đến trường lần đầu tiên.”
“Tôi nghĩ tôi đã hoảng hồn vào lần ấy.” Cô Patty nói. “Violet đã có những cơn ác mộng trong căn phòng mà chị sắp đặt cho bà ấy.”
“Đó là do món bơ mà tôi ăn trong bữa tối.” Violet giải thích. “Chính bơ đã làm cho tôi ra thế.”
“Người ta có thể tưởng tượng ra bất cứ cái gì ở bất cứ đâu.” Daisy nói, khép lại đề tài này. Bà quay sang tôi: “Như tôi đã nói, một địa điểm có sức hấp dẫn lắm. Nhiều khu trong tu viện đã bị phá hủy trong thời kỳ Giải thể nhưng phần chính thì vẫn còn nguyên vẹn… khu vực nhà ăn và nhà nguyện. Vào thế kỷ 16, khu đất mà chúng tôi đang ở đã được trả lại cho dòng họ Verringer, vốn là chủ nhân của tu viện và hầu hết đất đai trong vùng. Họ rất giàu có và là chủ đất rất có thế lực. Họ gửi hai đứa con gái ở trường chúng tôi… vừa tiện cho họ vừa có lợi cho nhà trường. Tôi không nghĩ Jason Verringer sẽ bán đất cho bất cứ ai. Phải, đó là một địa điểm giá trị nhất.”
“Nghe có vẻ thú vị quá.” Tôi nói. “Cháu đoán có những tàn tích của tu viện cổ bao quanh trường cô.”
“Phải, người ta đến tham quan, viết bài về nó và làm cho mọi người chú ý đến trường học. Tôi muốn mua luôn cả cơ ngơi đó nhưng Jason Verringger không đồng ý bán. Lẽ tự nhiên thôi. Đất đai quanh tu viện là của dòng họ này từ khi vua Henry Đệ Bát ban cho họ khi tu viện bị phá hủy một phần.”
“Tôi rất sung sướng là mình có thể làm chủ Grantley”, cô Patty nói.
“Chị may mắn biết bao” Miss Daisy quặc lại giọng cộc lốc. “Nhờ chị mà nhà trường bị lụn bại như vậy.”
“Ồ, tôi đâu có nói thất bại. Chỉ là chúng tôi quyết định thôi không tiếp tục nữa.”
“Tôi biết… theo lời khuyên của luật sư và chủ nhà băng. Thật không ngoan, tôi biết. Nhưng đáng buồn. Tuy vậy, có lẽ đối với chị cuộc sống ẩn dật ở làng quê có những nét hấp dẫn riêng.”
“Tôi cho là nó sẽ như thế.” Cô Patty nói: “Tất cả chúng ta đều nghĩ thế phải không Cordelia…Violet? Vi thân yêu, bạn đang mơ mộng. Bạn có thể nghe thấy ong kêu vù vù bên rặng cây trắc bá, tôi biết mà. Tôi có thể thấy bạn lấy một miếng vi trùm lên tổ ong để ngăn chúng không đốt lung tung, bạn đi ra, kể cho lũ ong nghe tất cả những chuyện ngồi lê đôi mách trong vùng… dù nó là chuyện may mắn hay tệ hại. Lũ ong đâu thích thế. Chúng vù vù bay mất trong cơn phẫn nộ và có thể chúng điên đến nỗi châm cho bạn một mũi. Bạn có biết là chúng để lại những mũi đốt trong da thịt khi châm nọc đốt và điều này đã giết chúng. Một bài học cho tất cả chúng ta. Đừng bao giờ trao tặng cái gì trong lúc đang giận dữ.”
Daisy quay sang tôi: “Tôi chắc là sau những năm tháng học tập và sau thành quả ở Schaffenbrucken, cháu cảm thấy muốn sử dụng năng lực và kiến thức của mình.”
“Vâng, có thể cháu cũng có thể cảm thấy như vậy.”
Sau đó bà nói chuyện trực tiếp với tôi về Colby, con số giáo viên bà đang phụ trách, các môn học và việc bà tập trung dạy bảo học sinh lớn như thế nào. “Phần lớn học sinh của tôi ra trường vào năm mười bẩy tuổi. Một số em đến các trường Schaffenbrucken hoặc một trường nào đó ở Châu u. Tại sao người ta lại nghĩ phải ra nước ngoài mới học được nghệ thuật giao tế trong xã hội nhỉ? Chắc chắn là chúng ta đang sống ở một nước tiên tiến nhất thế giới về phương diện này. Tôi muốn làm cho mọi người nhận thức được điều này và tôi đã nghĩ đến việc bổ sung thêm một số chương trình đào tạo với các cô nữ sinh lớn… mười tám hay mười chín tuổi… Dạy các em khiêu vũ, nghệ thuật giao tiếp và tranh luận.”
“Vâng, chúng cháu đã học những môn đó ở Schaffenbrucken.”
Daisy gật gù: “Chúng tôi có một vũ sư và một nhạc sư. Một số nữ sinh có giọng hát thật tuyệt vời. Cô Dupont dạy tiếng Pháp và cô Kutcher dạy tiếng Đức đều là những người rất giỏi. Chúng tôi bao giờ cúng lựa chọn người bản ngữ.”
Tôi hào hứng nghe câu chuyện về trường lớp. Miss Daisy khơi lên trong lòng tôi niềm khao khát được đến thăm ngay trường Abbey.
Có vẻ như thiếu trung thành với cô Patty khi muốn thoát ly gia đình, nhưng tôi thật sự tin rằng tôi không muốn ở đây suốt đời và về thăm nhà vào kỳ nghỉ là một cái gì thật tuyệt vời. Tôi hầu như có thể nghe thấy tiếng kêu rù rù của đàn ong trong các rặng cây còn cô Patty với cái mũ trứ danh đang ngồi dưới một bóng cây to bên một cái bàn trải khăn trắng chất đầy bánh kem, bánh trứng đường và mứt dâu. Niềm vui… mái ấm gia đình… cuộc sống tiện nghi tất cả đều tuyệt vời nhưng tôi không thể không nghĩ đến trường học trong tu viện cổ với những tàn tích đầy sức ám ảnh xung quanh, lâu đài và dinh cơ của dòng họ Verringer hùng mạnh ở cách đây ba dặm.
Tôi vẫn triền miên suy nghĩ về điều đó khi tôi quay về phòng và chưa đầy năm phút sau, cô Patty đã bước vào. Cô ném phịch thân hình phốp pháp xuống ghế bành với một vẻ nhẹ nhõm và sung sướng không giấu đi đâu được.
“Cô nghĩ là Daisy đã bị dính rồi. Chắc chắn chị ấy sẽ ngỏ lời nhận con. Chị ấy bao giờ cũng quyết định rất nhanh. Một người đàn bà biết đánh giá các giá trị. Cô có thể thấy Schaffenbrucken đang phát huy tác dụng.”
“Con cũng thật sự có hứng thú.”
“Cô biết mà, Daisy sẽ đề nghị con làm việc với chị ấy. Cô nghĩ con nên chấp nhận. Nếu con không thích và nếu Daisy cố trấn áp con thì con có thể nghỉ việc ngay lập tức. Nhưng chị ấy không thế đâu. Cứ làm việc thật tốt, rồi chị ấy sẽ chăm nom con chu đáo. Cô biết Daisy rất rõ mà. Nhưng như cô đã nói, nếu có bất cứ điều gì không ổn, Vi và cô bao giờ cũng dang rộng vòng tay đón con quay về. Con biết rõ điều đó mà.”
“Cô bao giờ cũng làm cho mọi việc trở nên dễ dàng đối với con.” Tôi nói mà nghe giọng ngào ngạt.
“Con sẽ không bao giờ quên cái ngày đứng ở ngoài cảng trông thấy cô đứng chờ với chiếc mũ có cọng lông chim màu xanh biếc.”
Cô Patty lau mắt. Đó là những giọt lệ xúc cảm và cũng là giọt lệ mừng vui nữa. “Ồ cái mũ, cô vẫn còn để ở đâu đó. Cô cho rằng cọng lông chim có thể đã xơ xác hết rồi. Cô sẽ cắm những cọng lông chim mới. Tại sao lại không chứ?”
“Cô Patty ơi, nếu Miss Daisy đề nghị con làm việc và con nhận lời… thì điều đó không phải vì con không muốn sống bên cô đâu.”
“Tất nhiên là không rồi. Con có cuộc đời của con và sẽ là không phải nếu buộc một thiếu nữ ưu tú phải chôn cuộc đời mình với những người già nua. Với lại cô cũng có những mối quan tâm riêng. Cuộc đời con chỉ mới bắt đầu thôi mà. Đúng là con phải dấn thân vào cuộc đời rộng lớn và như cô đã nói, chơi ván bài của con thật đúng cách và một ngày kia… ai mà biết được? Daisy không phải là chủ nhân của mảnh đất ấy. Chắc là chỉ thuê thôi. Daisy phải có được chủ quyền từ dòng họ Verringer và chị ấy bao giờ cũng nói về chuyện này. Chắc chị ấy cũng cảm thấy thoải mái. Cô muốn con đi với Daisy. Cô kính trọng Daisy lắm. Điều đáng kể là việc này có thể mở ra một tiền đồ tươi sáng hoặc ít nhất thì nó cũng tạo cho con một kinh nghiệm quý báu.”
Cô cháu tôi ôm nhau thắm thiết. Cô nhón chân nhìn ra ngoài một cách đầy hứng khởi, hạnh phúc, tôi cũng lên giường đi ngủ và có một đêm ngủ thật ngon sau khi có một đêm đầy xáo trộn với giấc mơ hãi hùng kia.
Ngày hôm sau, tôi có một buổi thảo luận dài với Miss Daisy Hetherington và vấn đề được đặt ra là nếu tôi quan tâm đến việc gia nhập vào đội ngũ giáo viên của cô vào đầu khóa học mùa xuân, cô sẽ vui lòng chấp nhận. Tôi sẽ chịu trách nhiệm tổ chức các môn học tương tự như ở trường Schaffenbrucken cùng với việc dạy học trò nghệ thuật giao tiếp và tranh luận. Có những buổi học thật thú vị trong đó tôi dạy học trò cách đi đứng và nói tiếng Anh chuẩn mực.
Nghe có vẻ là một dự án hấp dẫn và trong khi bà khêu gợi trí tò mò với những miêu tả tỉ mỉ về nhà trường vốn là một phần của tu viện, tôi đã nóng ruột muốn nhận lời lắm rồi.
Tuy vậy, tôi rất thương yêu cô Patty và cứ nghĩ đến chuyện cô giục giã tôi đi làm chỉ vì nghĩ đến tương lai của tôi mà quên đi niềm vui của bản thân, thì tôi lại cảm thấy do dự.
“Tôi muốn có câu trả lời ngay sau Giáng sinh.” Miss Daisy nói và mọi việc dừng lại ở chỗ đó.
Cô Patty tràn trề sung sướng. “Thế thì tốt quá.” Cô nói. “Đừng quá nóng lòng. Phải, Daisy sẽ rời khỏi đây ngay sau buổi biểu diễn thánh ca. Chị ấy ở lại chỉ vì niềm vui sướng được nói cho chúng ta biết đội ca ở trường chị ấy biểu diễn hơn hẳn ở đây như thế nào.”
Đúng thế, Miss Daisy chào tạm biệt với lời cảm ơn lịch thiệp lòng hiếu khách của chúng tôi và yêu cầu tôi phải trả lời bà trước ngày mùng một tháng Giêng. Sau đó cũng đến lúc học sinh về nhà nghỉ lễ. Chúng tôi có một cuộc chia tay buồn bã, nhiều học sinh cảm thấy nuối tiếc vì đây sẽ là kì nghỉ Giáng sinh cuối cùng ở điền trang Grantley.
Giáng sinh tưng bừng náo nức như bao giờ nó cũng thế. Có con ngỗng truyền thống, bánh Putding Noel và những người hàng xóm nhập bọn với chúng tôi trong suốt hai ngày lễ. Một nghệ sĩ Violin trong vùng đến và chúng tôi khiêu vũ ở sảnh lớn. Ai cũng biết đây là cuộc vui cuối cùng và chắc chắn trong niềm vui có pha chút luyến tiếc ngậm ngùi.
Tôi vui mừng thấy mọi chuyện rồi cũng qua, đã đến lúc tôi phải có một quyết định mà có lẽ tôi đã lựa chọn rồi. Tôi viết cho Miss Daisy, chấp thuận lời mời của bà, thông báo cho bà biết tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể bắt đầu giảng dạy vào học kỳ mùa xuân.
Thế là chỉ còn việc gói ghém đồ đạc và thăm nhà mới. Một ngôi nhà rất đẹp – còn có vẻ duyên dáng riêng nữa là khác nhưng tất nhiên không thể đem ra so sánh với Grantley.
Tôi không nghe được chút tin tức gì về Edward Compton. Vừa ngạc nhiên vừa phiền muộn bởi vì tôi hy vọng có một lời giải thích. Mọi chuyện quá kỳ lạ. Đôi khi tôi có xu hướng nghĩ là mình chỉ tưởng tượng ra tất cả những điều này. Khi suy xét lại mọi việc tôi nhận ra trừ lần gặp gỡ đầu tiên với ba cô bạn, tôi chỉ gặp chàng có một mình – trên tàu hỏa, tàu thủy và trong rừng. Có những lúc tôi đã thuyết phục mình tin rằng tôi đã tưởng tượng ra những cuộc gặp gỡ này. Sau cùng có một cái gì đó về chàng thật khác biệt với những người khác.
Rồi tôi nhận ra rằng tôi biết rất ít về đàn ông. Nhiều cô gái đã có ít nhiều kinh nghiệm hơn tôi từ lâu rồi. Chắc là vì tôi giam mình trong khuôn viên học đường lâu quá rồi. Chưa có chàng thanh niên nào xuất hiện trên đường đời. Monique đã gặp Henri người mà cô biết là cô sẽ làm đám cưới ngay sau khi học xong. Frieda chắc cũng như tôi, không có dịp gặp gỡ nhiều người đàn ông. Lydia có hai anh trai và họ thường dẫn bạn bè về nhà. Cô đã nói chuyện với họ trong những kỳ nghỉ hè. Còn tôi chỉ sống trong thế giới của những người phụ nữ độc thân. Ở đây, tất nhiên cũng có vị phó mục sư trong giáo phận. Ông mới ngoài hai mươi và rất nhút nhát, cũng có con trai của ông bác sỹ đang học ở Cambridge. Chẳng có ai tỏ ra lẵng mạn một chút nào. Trong khi đó Edward Compton tạo ra một bầu không khí thật thơ mộng. Chàng đã khơi nên những quan tâm mới mẻ trong đời. Có lẽ bởi vì chàng đã chứng tỏ một cách hiển nhiên là chàng thích tôi và quan tâm đến tôi. Ai ở địa vị tôi cũng sẽ cảm động khi được chọn lọc từ những cô gái hấp dẫn khác. Phải rồi, nhưng tôi đã thất vọng một cách cay đắng. Nó được bắt đầu với lãng mạn để rồi kết thúc một cách lãng nhách.
Có lẽ đó là một trong những lý do tại sao tôi dang tay đón nhận cuộc phiêu lưu. Tôi cần có một thách thức mới, bắt đầu ở vùng đất mới.
Khi cô Patty khoe với tôi ngôi nhà mới ở Moldenbury, tôi đã thể hiện một nhiệt tình nóng bỏng hơn là tôi cảm thấy chỉ để làm cô Patty vui lòng. Chúng tôi đã phát hiện ra nó có một khu vườn thật lớn và quyết định nơi cô Patty sẽ cất một ngôi nhà mùa hè còn Violet sẽ nuôi ong, chỗ nào sẽ là phòng riêng của tôi và nó sẽ được bài trí như thế nào.
Trên đường về nhà chúng tôi phải dừng lại ở London để đón tàu về Canterton và trong lúc đứng ngoài ga tôi đọc một thông báo có ghi rõ giờ tàu chạy đến Bury St. Edmunds.
Có một ý nghĩ nảy ra và lớn dần trong đầu tôi. Tôi biết tôi sẽ làm gì mặc dù tôi còn chưa rõ sẽ hành động như thế nào khi tôi đến đây.
Có lẽ tôi sẽ không đi tìm chàng đâu. Có lẽ tôi chỉ muốn làm rõ với mình là chàng thật sự có tồn tại và tôi không mơ mộng hay hoang tưởng trong chuyện này.
Càng suy nghĩ về điều này bao nhiêu nó lại càng trở nên bí ẩn bấy nhiêu. Chàng không giống bất cứ người nào tôi đã gặp trước đây. Chàng thật đẹp, với những đường nét như được trạm trổ - cũng giống như cô Daisy Hetherington, nhưng tôi không mảy may đặt câu hỏi cô có phải là người thật hay không. Gặp chàng trong rừng với ba người bạn đã chứng minh là chàng có thật, nhưng rồi tôi bắt đầu tưởng tượng nhiều về chàng phải không? Chắc một phần là do câu chuyện của Elsa về những bí ẩn, những huyền thoại về các khu rừng và một lúc nào đó trong suy nghĩ của tôi, chàng đã trở thành một phần của bức màn bí ẩn ấy. Tôi có tưởng tượng ra chàng ở trên tàu hỏa, trên boong tàu thủy và ở Canterton này không? Tôi có tưởng tượng ra toàn bộ câu chuyện này không? Không. Nghe có vẻ ngớ ngẩn quá mức. Tôi không phải kẻ mơ mộng hão huyền. Tôi là một thiếu nữ rất thực tế. Thật đáng ngại khi nghĩ rằng người ta có thể tưởng tượng một điều gì đó thế là người ấy không thuyết phục được rằng chuyện đó đã xảy ra trong thực tế.
Tôi muốn lay tỉnh mình. Đó là lý do tại sao đọc bản thông báo giờ tàu chạy đi Bury St. Edmunds, tôi nghĩ đến một cuộc hành trình tự khám phá. Tôi đã nhắc đến thị trấn này - bởi vì đó là nơi duy nhất tôi biết ở vùng Suffolk - và chàng đã xác nhận nhà chàng ở gần đó.
Croston. Đó là cái tên chàng đã nhắc đến. Thị trấn nhỏ ở gần Bury St. Edmunds. Giả sử tôi đến đó và tìm ra trang trại Compton. Tất nhiên tôi không thể đến gõ cửa nhà người ta. Tôi khó lòng làm một việc như vậy. Nhưng tôi sẽ thuyết phục mình rằng đó là một thanh niên không có tư cách còn tôi chỉ là một thiếu nữ nhạy cảm, không có những ý kiến viển vông rồi tự dằn vặt mình cái gì là thật cái gì là giả.
Rồi cơ hội tự tìm đến.
Đó là giữa học kỳ. Việc thương lượng về mua bán nhà cửa đang ở giai đoạn hoàn tất. Cô Patty sẽ rời Grantley vào đầu tháng Tư. Sau đó tôi sẽ lên đường đến trường Colby Abbey.
Mọi việc đang tiến triển rất nhanh. Cô Patty rất khoái những chuyện này. Chuẩn bị đồ đạc, trang trí, mang món này bỏ món kia; cô Patty thay đổi ý định liên tục và vì thế cứ phải đi tới đi lui suốt. Violet hoàn toàn rối trí, nói rằng không biết bà đang đi bằng đầu hay bằng chân nữa, còn cô Patty thì vẫn tràn trề sức sống.
Cô cần đi Moldenbury để gặp kiến trúc sư và quyết định khi cô ở London để chuyển tàu, cô sẽ ở thêm vài ngày nữa để mua đồ đạc và xem có thể bán các trang thiết bị ở Grantley vơi giá cao hơn không, rồi sau đó cô mới đi Moldenbury. Tôi cũng ở lại với cô.
Ở London, tôi nói với cô rằng tôi muốn ở lại đây trong khi cô đi Moldenbury và sau khi cô trở về hai cô cháu tôi sẽ cùng về Grantley. Tôi cần mua sắm một vài món. Tôi sẽ ở tại nhà trọ Smith, một nhà trọ gia đình nhỏ bé, tiện nghi mà cô Patty vẫn thường nghỉ lại mỗi khi đến London.
Thế là tôi chỉ còn một mình và nếu có bao giờ tôi cần làm một cuộc điều tr.a thì chính là vào lúc này.
Tôi đi từ lúc trời còn tờ mờ sáng, trong lúc con tàu xình xịch chạy đưa tôi đến Bury St. Edmunds, bất giác tôi tự hỏi tôi đang làm cái gì đây. Chuyện gì xảy ra nếu tôi đối mặt với chàng? Tôi sẽ đưa ra cái cớ nào biện minh cho việc đi tìm chàng? Chàng đã đến Carterton, phải không? Phải, nhưng điều này có khác. Chàng đã chứng tỏ rõ ràng như ban ngày là chàng không muốn tiếp tục duy trì quan hệ… hay tình bạn… hay bất cứ một cái gì như thế. Vì thế đi tìm chàng là một việc làm mất tư cách quá thể.
Không. Tôi đâu có ý định đến điền trang Compton nếu tôi tìm ra nó. Tôi sẽ đến một nhà trọ gần đấy điều tr.a một cách kín đáo. Nếu người ở Suffolk cũng khoái kháo chuyện người khác như người ở Sussex tôi có thể tìm ra điều tôi muốn biết, chỉ là, tôi tự trấn an mình, tìm hiểu xem có thật có một người tên là Edward Compton hay không, sau đó tôi có thể tự gạt bỏ cái ý nghĩ gớm ghiếc rằng tôi đang mắc chứng bệnh hoang tưởng.
Đó là một buổi sáng mùa đông trong lành - không khí giá lạnh, một cái lạnh ngọt ngào làm tôi cảm thấy khỏe khoắn, phấn chấn, con tàu càng đến gần tôi càng cảm thấy sảng khoái hơn. Tàu đến bến đúng giờ, trong tâm trạng vui vẻ tôi hỏi đường đến Croston. Từ Bury St. Edmunds đến đấy chỉ mất ba tiếng và nếu nhanh chân tôi có thể băt kịp chuyến tàu sắp khởi hành.
Tôi đã làm như thế rồi tự chúc mừng mình trong khi đoàn tàu chạy qua một vùng quê êm ả, đẹp đẽ nhưng chả có gì đáng nhớ.
Croston chẳng hơn gì một ga xép nhỏ bé, tồi tàn. Tôi trông thấy một người có vẻ là nhân viên nhà ga, bèn đi về phía ông. Một người già lụ khụ, chòm râu ngả màu xám tro và đôi mắt kèm nhèm. Ông nhìn tôi vẻ tò mò, tôi giật mình khi nghĩ rằng rõ ràng ông không gặp nhiều người lạ.
“Thưa cụ, điền trang Compton có ở gần đây không ạ?”
Ông cụ nhìn tôi lạ lùng rồi gật đầu. Thế là tôi cảm thấy phấn chấn hẳn lên.
“Cô muốn gì ở điền trang này?”
“Tôi…à…chỉ muốn đi lối ấy.”
“À, tôi hiểu rồi.” Ông già vừa nói vừa gãi đầu. “Đi theo đường cái. Nó sẽ dẫn cô đến Croston sau đó cứ dọc phố mà đi rồi rẽ phải.”
Mọi việc xem ra khá dễ dàng.
Croston thực chất chỉ là một đường phố với vài cái nhà mái rạ, một hiệu tạp hóa, một nhà thờ và một quán trọ. Tôi rẽ phải và bước đi tiếp.
Đi chưa được bao xa tôi thấy một tấm biển chỉ đường cũ kĩ, một nửa đã bị vỡ nát. Tôi lại gần nhìn thật kỹ: “Điền trang Compton.”
Nhưng đi đường nào? Chắc là phải đi tiếp con đường đất bởi đầu đằng kia là nơi tôi đã đi qua. Tôi tiếp tục đi tiếp rồi đi đến một khúc quẹo thì nhìn thấy một tòa nhà.
Tôi há hốc mồm ra vì kinh ngạc. Không thể là chỗ này. Tuy vậy ở đây lại có một tấm biển…
Tôi tiến lại gần. Chỉ là một đống đổ nát không hơn không kém. Những bức tường đá cháy đen. Tôi đi vào trong, qua chỗ bức tường đổ, nhận ra rằng cỏ dại mọc um tùm cùng với kính vỡ ở nơi trước đây có lẽ là phòng ngủ. Nếu vậy vụ cháy không xảy ra gần đây.
Đây không thể là điền trang Compton. Chắc là nó nằm đâu đấy phía trên.
Tôi vội vã bỏ đám hoang tàn cháy trụi lại phía sau, tìm đường đi ra đường cái. Chẳng có gì trước mặt ngoài những cánh đồng mênh mông hoang vắng trải dài đến tận chân trời. Suốt chiều dài mảnh đất đơn điệu phía trước không có lấy một mái nhà.
Tôi ngồi bệt xuống một bờ cỏ, hoàn toàn rối trí. Tìm cách giải quyết một tình thế bí ẩn, tôi lại càng lạc sâu vào những chuyện kỳ quái hơn.
Chẳng còn việc gì cỏ thể làm được ngoài việc quay về ga xép. Sẽ phải đợi hai tiếng đồng hồ để đón chuyến tàu về Bury St. Edmunds.
Tôi chậm rãi quay về Croston. Chuyến đi của tôi coi như công cốc. Tôi đi về phía nhà thờ. Đó là một ngôi nhà thờ cổ, có lẽ từ thời Normand. Có một vài người ở đấy. Thật ngu ngốc, tôi dấn thân vào bên trong.
Nhà thờ có những ô cửa kính lắp kính màu – một điều thật có ấn tượng nhất là trong một nhà thờ nhỏ như thế này. Tôi tiến về phía chính điện. Chợt mắt tôi bắt gặp một phiến đá trên đó có dòng chữ: “Để tưởng niệm ngài Gervaise Compton, tòng nam tước ở điền trang Compton.” Tôi nhìn quanh và thấy có những bảng tưởng niệm những người khác trong dòng họ Compton. Trong khi tôi đứng ngây người ra thì có tiếng bước chân phía sau lưng. Một người đàn ông bước vào nhà thờ mang theo một chồng gối quỳ.
“Chào buổi sáng.” Ông nói, “đúng hơn là buổi chiều.”
“Chào ông.”
“Thăm quan nhà thờ của chúng tôi?”
“Vâng. Nhà thờ rất đẹp ạ.”
“Chẳng có bao nhiêu người ghé qua đây, dù nó là một trong những nhà thờ cổ nhất nước Anh.”
“Tôi cũng nghĩ thế.”
“Phải chăng quý cô quan tâm đến kiến trúc của nó?”
“Tôi chỉ hiểu biết rất ít về mặt này.”
Ông tỏ vẻ thất vọng ra mặt và tôi đoán ông chỉ muốn giảng tôi nghe một bài về sự khác biệt giữa kiến trúc Normand và Gothic. Chắc đây là một ông bõ nhà thờ hoặc người quản giáo đường hoặc làm một việc gì có liên quan đến nhà thờ.
Tôi gợi chuyện: “Tôi thấy có một tòa nhà cháy ở bên đường. Có phải là điền trang Compton không ạ?”
“Phải đấy, thưa cô. Đó là nhà Compton.”
“Nó bị cháy khi nào?”
“Vào một đêm cách đây cũng hơn hai mươi năm rồi.”
“Hai mươi năm!”
“Một bi kịch khủng khiếp. Ngọn lửa bắt đầu từ khu vực nhà bếp. Tất cả chỉ còn lại một bộ khung. Tôi không hiểu tại sao họ không xây lại hoặc làm một cái gì đó. Những bức tường vẫn còn chắc lắm. Tòa nhà đã đứng vững hàng ngàn năm rồi. Ấy vậy mà… người ta chỉ nói thôi, chả ai làm được gì.”
“Còn gia đình Compton thì sao?”
“Đó là kết cục của họ… Mọi người ch.ết cháy hết. Một bé trai và một bé gái. Bi thảm hết chỗ nói. Bây giờ người ta vẫn còn nói về chuyện ấy. Còn cả ngài Compton và phu nhân nữa chứ. Cũng ch.ết hết. Trên thực tế, cả gia đình này tuyệt diệt. Đó là bi kịch lớn nhất ở đây bởi vì gia đình Compton là chủ vùng đất này. Không có một gia đình lớn nào cho con trai lấy con gái ở đây và chăm nom quyền lợi cho cả vùng.”
Tôi nghe mà sợ ch.ết khiếp. Tôi cứ hỏi đi hỏi lại chính mình: Sao chàng có thể là Edward Compton ở điền trang Compton được? Mọi người chẳng ch.ết hết rồi sao?
“Người ta tìm thấy các thi thể. Họ được chôn ở nghĩa trang nhà thờ này… trong miếng đất dành riêng cho dòng họ Compton. Cha tôi vẫn còn nhớ về đám tang. Ông vẫn kể về nó luôn đấy. “Ngày ảm đạm ở Croston, “ ông gọi như thế đấy. Quý cô quan tâm đến dòng họ này sao?”
“À, tôi thấy ngôi nhà… và đó là một câu chuyện buồn thê thảm.”
“Vâng, họ cũng chính là Croston. Nhìn quanh nhà thờ đi. Cô thấy chỗ nào cũng có dấu vết của họ. Hàng ghế dành cho họ ở trên cùng. Từ bấy đến nay không ai ngồi vào. Tôi sẽ chỉ cho cô mấy ngôi mộ nếu cô muốn biết.”
Tôi theo ông bõ ra ngoài nghĩa trang, không khỏi rùng mình ớn lạnh.
Ông bõ nói: “Bắt đầu có gió lạnh rồi đấy. Ở đây chúng tôi khổ sở vì những cơn gió dữ. Nó còn buốt giá hơn khi thổi đến từ phía Đông.”
Ông tìm đường đi qua các ngôi mộ đá và chúng tôi đến một góc nghĩa trang tách biệt hẳn ra. Khu vực này được chăm sóc chu đáo có vài cây hoa hồng và nguyệt quế tươi tốt. Chắc sẽ rất đẹp vào mùa hè.
Đoạn ông bõ thuyết minh: “Đây là mộ ngài Edward. Cô có thể nhìn thấy năm sinh năm mất. Phải, đã hơn hai mươi năm rồi. Tất cả những người ở đây đều là nạn nhân của vụ cháy. Đây là phu nhân Compton, cậu chủ Edward và tiểu thư Edwina. Những đứa bé đáng thương là thế. Họ chưa bao giờ được sống. Edward mi hai tuổi còn Edwina thì năm tuổi. Vừa đến với cuộc đời đã bị tước đoạt một cách chóng vánh thế. Nó sẽ làm cô tự hỏi…liệu họ có nhìn xuống trần và xem chuyện gì đã xảy ra…”
“Ông thật tử tế đã cho tôi biết mọi chuyện.”
“Đây cũng là niềm vui của tôi. Chúng tôi chẳng được mấy người quan tâm. Nhưng tôi có thể thấy cô…”
“Vâng, cảm ơn ông rất nhiều.”
Tôi muốn ngồi lại một mình, tôi cần phải suy nghĩ. Đây là điều cuối cùng tôi chờ đợi.
Ít ra tôi cũng còn có một điều an ủi. Trong chuyến đi dài trở về, tôi có thời gian suy nghĩ về những điều đã xảy ra, điều tôi đã mục kích và cố tìm hiểu xem nó có ý nghĩa gì. Nhưng khi tôi về đến London tôi chẳng tiến thêm được bước nào trong việc giải bài toán nhiều ẩn số này.
Có thể nào người tôi gặp lại là một hồn ma… một con ma từ trong quá khứ?
Lý thuyết này có thể giải thích được nhiều điều. Tuy vậy tôi từ chối, không chấp nhận nó. Đây là một điều chắc chắn – chẳng hề có một Edward Compton nào hết. Hoặc không còn người ấy trong hơn hai mươi năm qua.
Vậy thì ai là người đàn ông lạ mặt nọ, người đã để lại trong tôi một ấn tượng không thể phai mờ. Ai đã từng nhìn tôi – phải bây giờ tôi có thể thú nhận – với một niềm ngưỡng mộ và một cái gì đó ngụ ý rằng chúng tôi có thể tạo dựng một tình bạn gắn bó thân thiết hơn, một điều mà chàng cũng mong muốn.
Làm sao tôi có thể tưởng tượng ra tất cả những điều này? Chàng đã ở trong rừng. Có phải là trong rừng thường xảy ra một cái gì ma quái như Lydia từng nói – cũng giống như cái từ mà cô Patty dùng để nói về trường Abbey – và những chuyện kỳ lạ hoàn toàn có thể diễn ra?
Tôi phải quên sự kiện này đi. Tôi không thể cho phép nó chiếm lĩnh đầu óc tôi. Đó chỉ là một kinh nghiệm khác thường trong đời. Một điều vẫn xảy ra lúc này hoặc lúc khác. Tôi đã đọc được mà không có lời giải đáp, thế thôi. Tôi chắc rằng mình sẽ đủ khôn ngoan để gạt toàn bộ câu chuyện này ra khỏi đầu óc.
Nhưng mà không thể được. Cứ nhắm mắt lại là tôi lại thấy hình ảnh ngôi mộ đá. Ngài Edward Compton… và chú bé, một Edward khác.
Đó là một bí ẩn… thật đáng sợ.
Ồ phải. Tôi cần cố gắng trục xuất nó ra khỏi đầu