Chương 14

Buổi sáng sớm với những bông tuyết bay lất phất, một mình tôi lặng lẽ khóc trong căn phòng. Nếu tôi không gặp lại anh, nỗi đau trong tim đã không bị khuấy động. Tôi bình thản đi qua anh, vét hết lòng kiêu ngạo để đắp lên con đê kiên cố, bảo vệ lấy trái tim đau khổ.


Úc Nhi chưa kịp giới thiệu công việc, thì một tạp chí lớn đã chìa tay về phía tôi, công việc của tôi là làm quảng cáo. Tờ tạp chí này chuyên đáp ứng nhu cầu về thông tin cho những người thích hào nhoáng, thích cái đẹp, tôi rất hào hứng với loại tin tức thời thượng này. Không chỉ vì nó thỏa mãn nguyện vọng được ngắm trai đẹp, gái xinh của tôi, mà nó còn cho tôi mở rộng tầm mắt về các thiết kế dụng cụ gia đình hay văn hóa ẩm thực nữa. Quan trọng nhất vẫn là mỗi tháng tôi nhận được tám nghìn tệ tiền lương, tất nhiên chưa kể đến tiền thưởng, phong bì hoặc tiền hoa hồng khi đi chụp hình quảng cáo.


Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với cuộc sống chân thực của thành phố B, sau đó phát hiện ra, thành phố này vốn luôn có vẻ đẹp của riêng nó. Với nền văn hóa mấy nghìn năm, nó thực sự mang sức cuốn hút đặc biệt.


Cuộc sống càng ngày càng phong phú, đa dạng, tôi mới phát hiện ra bản thân mình trong quá khứ thật ương bướng, cực đoan và chưa trưởng thành. Những trải nghiệm này được trả giá bằng những thăng trầm của ngày hôm qua.


Con người luôn luôn phải trưởng thành, cái giá của sự trưởng thành có thể được trả bằng những thăng trầm, bây giờ tôi hiểu ra điều đó chưa hẳn đã muộn.


Nếu bây giờ tôi gặp được một người có thể ở bên, nhất định tôi sẽ lấy họ, hưởng thụ một cuộc sống bình dị, đi làm về và chăm sóc chồng con, làm những việc mà bao người phụ nữ bình thường trên thế giới vẫn làm.


available on google playdownload on app store


Cuối tuần tôi mời bạn đại học, đồng nghiệp cùng uống trà vào buổi chiều theo phong cách châu u. Ánh nắng, trà và bánh, cùng với phong cảnh tươi đẹp. Tôi uể oải ngồi trên ghế sô pha, không muốn nhúc nhích, cũng không muốn nói chuyện. Lưu Kinh nhắc tôi: “Tử Kỳ, ngồi cẩn thận đấy, hãy giữ lấy phong thái thục nữ”.


Đúng vậy, những cử chỉ thô lỗ đúng là không phù hợp với một quang cảnh như thế này. Tôi ngồi lại cẩn thận, quay nhìn mọi người, ai cũng ngồi ngay ngắn lịch sự, cùng ăn nhẹ và cùng trò chuyện.


Nếu ở Tô Hà, con gái hai mươi tuổi là phải lấy chồng rồi. Cũng đã hai mươi tám, hai mươi chín, vậy mà tôi và sáu cô bạn lưu lại thành phố B này vẫn chưa có ai lập gia đình. Con gái của Tiểu Ngọc nay vừa tròn tuổi, cô ấy gửi qua máy tính cho chúng tôi tấm hình một gia đình ba người vui vẻ, khiến mọi người đều phải thèm thuồng. Vi Tử nói, biết sớm thế này thì đã về quê, người đàn ông thật thà bên dòng Hắc Long Giang chắc chắn sẽ coi cô ấy như ngọc.


Vi Tử nói xong, mọi người đều phá lên cười. Chúng tôi thi nhau kể lại chuyện lần đầu gặp mặt ở ký túc xá. Lúc đó tôi đi vào, hai tay xách hai túi, kiểu dáng rất bình thường. Lưu Kinh thấy tôi bỏ đồ ra liền hỏi: “Quần áo mùa đông dày nhất của cậu đấy à?”. Tôi lôi ra chiếc quần len và nói là để mùa đông mặc, lúc đó Lưu Kinh đã suýt ngất.


Tôi thực sự không hiểu ý của cô ấy là gì. Lưu Kinh nói: “Cậu cẩn thận kẻo bị ch.ết cóng đấy”. Đang lắc đầu muốn đối đáp lại thì Vi Tử kéo một cái túi bằng vải lanh bước vào, đằng sau còn có một cái vali da nữa.


Mọi người đều tới để giúp đỡ. Ai cũng nghĩ rằng cái vali to thế thì để đựng chăn màn. Nhưng Vi Tử ngại ngùng nói, là quần áo bông mẹ cô ấy may cho, một bộ quần áo mà đựng chật cả cái vali. Khi cô ấy lôi ra để chứng minh, ai cũng phải ngạc nhiên, tôi cười nói: “Ở chỗ cậu lấy chăn làm quần áo, thật sự lạnh thế sao?”.


Vi Tử miêu tả, khi lạnh nhất, nếu nhổ nước bọt, nó sẽ phát thành tiếng kêu như vật bị vỡ lúc chạm xuống đất.


Tôi và Vi Tử trở thành một cặp đối nhau Nam – Bắc. Mùa đông đầu tiên ở thành phố B, mỗi một người trong phòng tôi đều mua áo khoác quân sự để dự phòng khi ra ngoài. Tôi dù không thích nhưng cũng không có cách nào khác. Hồi đó các bạn trong phòng yêu tập thể đến phát cuồng. Nói tới chuyện áo khoác quân sự năm ấy lại chợt nhớ tới chuyện cạo trọc đầu tập thể ở phòng nam cùng ký túc xá.


Vừa nói chuyện, mọi người vừa thở dài, ai cũng kêu thời gian trôi nhanh quá, tuổi thanh xuân không trở lại bao giờ. Rồi lại cùng buồn cho nhau, vì đàn ông tốt trên thế giới thật ác nghiệt, đã để lại bảy cô gái như hoa như ngọc cô đơn một mình.


Điền Hoa bỗng nhiên e thẹn cúi đầu, hàng mi hơi run run: “Tết năm nay mình sẽ kết hôn!”.


Lời nói đó vô tình kích thích sự tò mò của mọi người, chúng tôi thay nhau chất vấn cô ấy, Điền Hoa mới chịu khai ra một chút. Là cô ấy yêu qua mạng! Chúng tôi thấy quá ngạc nhiên, từng này tuổi rồi, điều không đáng tin nhất chính là việc yêu qua mạng. “Cậu có hiểu anh ta không?”, “Cậu gặp anh ta chưa?”, “Trên mạng không nói dối đấy chứ?”, “Nhà anh ta ở đâu?”, “Anh ta làm gì? Đã kiểm tr.a thực tế chưa?”.


Thấy chúng tôi sốt sắng như vậy, Điền Hoa chỉ còn cách thật thà báo cáo lại: “Sau khi nói chuyện qua mạng bốn tháng thì bọn mình gặp nhau, rồi yêu nhau, bây giờ đã được hai năm, cũng ổn ổn, mùa xuân này bọn mình sẽ kết hôn”.


Dù thế nào, thì đây cũng là người bạn đầu tiên ở thành phố B kết hôn, sáu người chúng tôi quyết định phải cùng nhau lên ý tưởng, phải tổ chức cho ra trò. Tôi nghĩ Điền Hoa chắc đang hối hận lắm, vì đã giao chồng chưa cưới cho sáu bà cô này giày vò, chả trách cô ấy thở dài như vậy.


Tôi chủ động gánh trọng trách đưa Điền Hoa đi chọn đồ dùng gia đình, chỉ cần trên tạp chí có, và nằm trong khả năng chi tiêu của cô ấy, là tôi đưa đi mua. Trách nhiệm của tôi là mang bộ mặt đã khá quen thuộc tới trả giá với các chủ hàng.


Tính tôi hay nóng vội, nên vài ngày sau đã hẹn Điền Hoa đi xem đồ, cô ấy muốn mua một chiếc đèn kiểu cổ.


Cửa hàng bán đèn thì nhiều, chúng tôi kiên nhẫn đi xem từng hàng một. Điền Hoa tỏ rõ là một người có tính kiên nhẫn khi dạo phố, cô ấy cũng rất khỏe mạnh. Đợt nọ cô ấy đi Hồng Kông ba ngày thì ba ngày liền đều đi dạo, đi đến mòn mất một đôi giày. Đi đến mức mòn được cả giày, nếu không vì chất lượng giày không đảm bảo, thì chỉ có thể do cô ấy đi bộ quá giỏi. Chúng tôi đi từ sáng đến gần tối mà tinh thần cô ấy vẫn như cũ, vẫn giữ nguyên vẻ mặt nếu không mua được món đồ vừa ý thì chưa chịu thôi. Nếu như phía trước không còn cửa hàng đèn hạng nhất nào để xem nữa, có lẽ tôi sẽ phải chặt một cây tre rồi đan một cái đèn lồng tặng cho cô ấy.


Các cửa hàng đèn hầu hết đều bố trí cách biệt với ánh sáng bên ngoài, lại thêm trời gần tối, nên màu sắc trong cửa hàng càng trở nên rực rỡ, ấm áp và mờ ảo.


Vân Dịch là như vậy, sau hai tháng biến mất, anh lại xuất hiện ở nơi có ánh đèn màu. Khi tôi nhìn thấy anh, chúng tôi cách nhau một bức mành thủy tinh. Dưới đèn, những viên thủy tinh phản chiếu tạo lên thứ ánh sáng chói lọi rực rỡ.


Anh cùng với một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp đi xem đèn, mắt tôi tinh đến mức có thể nhìn thấy rõ gò má, khóe miệng và cả những nếp nhăn trên khuôn mặt anh.


Vân Dịch đang chỉ vào một cái đèn và nói với nhân viên phục vụ điều gì đó, rồi lại quay sang nói với cô gái kia, khuôn mặt anh hiện rõ sự dịu dàng, còn cô ấy thì tỏ vẻ rất vui sướng.
Tôi muốn gọi anh, nhưng cổ họng lại không phát ra được âm thanh.


Điền Hoa đập vào người tôi, rồi chỉ về phía ấy: “Đó không phải là Triển Vân Dịch sao? Tử Kỳ”. Rồi cô ấy dùng tay vén mành thủy tinh khiến nó phát ra những tiếng kêu. Tôi giật mình, vội kéo Điền Hoa trốn ra phía sau. Khánh Hạnh là một cửa hàng rất đặc biệt, bên trong bài trí giống như mê cung, thiết kế nhiều lối rẽ để làm nổi bật vẻ đẹp của những ánh đèn.


Vân Dịch không nhìn thấy tôi, ánh mắt anh không lướt qua chỗ tôi dù chỉ một lần. Tôi kéo Điền Hoa nấp vào một chỗ, chờ đến khi họ bước ra khỏi cửa mới ra.


Điền Hoa im lặng theo sát sau tôi. Phải rất lâu sau, bước chân chúng tôi mới chậm lại. Điền Hoa nói: “Mình nghe bảo các cậu đã chia tay, chia tay rồi thì sợ gì chứ, cứ đường đường chính chính mà chào nhau một câu thì có sao?”.


Tôi gật đầu đồng ý: “Đúng vậy, thực ra lúc đó là phản ứng có điều kiện của mình, cũng hơi thái quá. Bây giờ đi chọn mua đèn tiếp chứ?”.
Điền Hoa thở dài: “Cậu cho mình là kẻ ngốc không hiểu gì à? Để mình đưa cậu về nhà, hôm nay không mua nữa”.


Tôi thấy động lòng trước sự cảm thông của cô ấy. Thật sự mà nói, bây giờ tôi cũng không còn tâm trí đâu đưa cô ấy đi mua đèn nữa.


Mãi cho tới khi về đến nhà, tôi vẫn nghĩ đến dáng vẻ của Vân Dịch. So với trong ảnh, trông anh có vẻ già dặn nhưng lại mệt mỏi hơn. Phải chăng đó là bạn gái mới của anh? Vậy là anh đã tìm được một người có thể mang lại nụ cười dịu dàng cho anh. Tôi muốn khóc, nhưng không khóc được, trong lòng thấy ghen, chứ không phải chỉ là nỗi buồn.


Tôi tưởng tượng nếu như lúc đó gọi anh thì sẽ thế nào. Anh sẽ vui mừng? Lạnh nhạt? Hay sẽ không biểu hiện gì? Không biết anh sẽ phản ứng ra sao. Nếu anh tỏ vẻ bình thản giống như gặp một người quen, chào nhau rồi đưa cô gái kia đi, trái tim tôi chắc sẽ vỡ vụn mất.


Trong tim tôi, lúc nào anh cũng là một Triển Vân Dịch vừa cười vừa bước đến bên tôi như trong tấm ảnh này.
Tôi gọi điện cho Úc Nhi, nhưng Úc Nhi không biết anh đã quay về.
Anh lặng lẽ quay về, lại lặng lẽ rời đi.


Tôi tự an ủi bản thân, tắm gội rồi đi ngủ sớm, ngày mai còn nghiên cứu thiết kế phòng ăn kiểu Ấn Độ, tiện thể ăn món cơm cà ri.
Nếu anh ấy đã lựa chọn lại, thì tôi cũng có thể cứ sống cuộc sống đơn giản của mình.
Cứ giày vò chỉ càng làm mình đau thêm mà thôi.


Tôi sợ nhất là phải trải qua hai dịp lễ ở thành phố B, đó là lễ Tình nhân và tết âm lịch. Ngày lễ Tình nhân, mấy bà cô chưa lập gia đình kia đều có hẹn. Tôi biết mỗi người đều có không gian riêng của mình khi ở thành phố rộng lớn thế này. Chưa lấy chồng không có nghĩa là không có người yêu, chỉ là không nói ra mà thôi. Văn phòng chỉ có vài thanh niên không có nơi nào để đi là ở lại cống hiến sức lao động cho tạp chí.


Thực ra dịp lễ Tình nhân lúc nào cũng bận rộn, cho đến khi tạp chí ra ấn phẩm mới cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi mở đọc số báo đặc biệt dành cho lễ Tình nhân và nói: “Có đủ loại đề cử nên trải qua lễ Tình nhân như thế nào, theo các bạn, phương án nào tốt nhất?”.


Không ai quan tâm đến câu hỏi đó. Cái miệng của tôi thật chẳng ra sao, chuyện mình lo chưa xong lại đi hỏi han chuyện người khác, đã thế còn khoa trương như vậy, có người để ý đến câu nói vừa rồi của tôi mới là lạ.


Cuối cùng Đại Lý cũng lên tiếng: “Tối nay không có tiết mục gì, hay là mọi người cùng đi chơi đi? Vừa đủ hai nam, hai nữ”.


Vừa hay đúng ý mọi người, nên tất cả đều nhất trí. Địa điểm chúng tôi chọn là quán ăn mà kỳ tạp chí trước của chúng tôi đã giới thiệu cho bạn đọc. Thực ra việc đặt chỗ trong ngày lễ Tình nhân hơi khó khăn, nhưng vì chúng tôi đã từng làm quảng cáo cho họ, nên cũng đặt được một bàn.


Vừa ngồi xuống, Đại Lý và A Thành đã chúi đầu vào nhau thì thầm, sau đó bông đùa nói với tôi và cô bé đồng nghiệp tên là Phi Nhi: “Chị xem mọi người có nên đổi chỗ cho nhau không? Hai người đàn ông ngồi một bên đối diện với hai người phụ nữ, ngày lễ Tình nhân mà ngồi thế thì nhìn buồn cười quá”.


Tôi và Phi Nhi quay ra nhìn xung quanh, bàn bốn người cùng ngồi như chúng tôi hầu như không có, đa số là các cặp đôi ngồi đối diện với nhau đầy tình tứ. Cũng có người ngồi một mình, nhưng nhìn dáng vẻ thì chắc chắn là đang chờ bạn đến.
A Thành tiếp lời: “Thế ai ngồi đối diện với ai?”.


Tôi và Phi Nhi bàn bạc, sau đó cô ấy nói: “Chúng ta sẽ chơi trò chẵn, lẻ”. Bốn chúng tôi cùng nhau ra tay, quyết định cặp nam nữ sẽ là bạn đồng hành đêm nay. Tôi và A Thành ngồi sang một bên. Sau khi đã sắp xếp chỗ ngồi và nhìn lại, chúng tôi đều cảm thấy buồn cười.


Phi Nhi nói: “Đại Lý, tối nay anh cố gắng mà làm tròn bổn phận của một người bạn trai đấy nhé!”.
Đại Lý cười: “Từ bây giờ cho đến khi đưa em về, anh nhất định sẽ không rời nửa bước, em muốn ăn gì cứ nói, anh sẽ phục vụ đến nơi đến chốn”.


A Thành cũng cười nói với tôi: “Bây giờ tôi là bạn trai của cô, nên tùy cô đánh, mắng hay phạt. Tử Kỳ, dù cô muốn tôi hái sao trên trời cũng không thành vấn đề”, nói xong lại nhìn Đại Lý nháy mắt cười.
Phi Nhi chớp luôn cơ hội: “Anh xem A Thành kìa, anh ấy nói ngọt hơn cả anh đấy!”.


Đại Lý run rẩy: “Đại tiểu thư, đừng so sánh thế được không? Chúng ta không nên mâu thuẫn nội bộ, không nên trúng kế của kẻ địch, anh đây chắc chắn là thành thật hơn”.


Đại Lý và Phi Nhi cùng cười đùa, nhìn họ giống hệt một đôi tình nhân thực sự. A Thành quay sang tôi cười bảo chúng tôi cũng không được thua bọn họ.


Ăn cơm xong, không khí vui vẻ vẫn bao trùm quanh chúng tôi, đặc biệt là khi hai người kia tặng cho tôi và Phi Nhi mỗi người một bông hoa hồng cành dài, ngày lễ Tình nhân thế này đúng như có nhân tình thật vậy.


Cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy một quán rượu, lễ Tình nhân có khác, quán nào cũng chật người. Chúng tôi phải khó khăn lắm mới tìm được chỗ ngồi, gọi một chai vodka rồi bắt đầu chúc rượu nhau. Tôi và A Thành một phe, Phi Nhi và Đại Lý một phe.


Tôi chưa bao giờ uống rượu với bọn họ, không ngờ tửu lượng của ai cũng rất khá. Âm thanh trong quán cộng với tiếng cười nói của mọi người khiến không khí vô cùng ồn ào náo nhiệt. Nếu cứ vui vẻ như thế trải qua lễ Tình nhân này, tôi thực sự sẽ rất mãn nguyện.


Trong đám đông, hình như tôi thấy Vân Dịch đang ngồi một mình dựa vào quầy bar, trông rất cô đơn. Vậy mà khi tôi rẽ đám đông đi tới, thì người trước mặt lại hoàn toàn xa lạ.


Hơi rượu bốc lên kích thích tinh thần, tôi bắt đầu lắc người theo điệu nhạc. Không quên được cũng kệ, giờ tôi không cần phải gượng ép điều gì cả.
Phi Nhi và mấy người trong bọn cũng nhảy theo. Trong không khí náo nhiệt và cởi mở đó, mà trái tim tôi vẫn có chỗ thấy nhói đau.


Tôi nghĩ mình đã say rồi. Cả bốn chúng tôi cùng say, xiêu vẹo đi trên con đường vắng lặng không người. Tôi gào lên: “Nếu có ai đó cầu hôn, tôi sẵn sàng lấy người ấy ngay lập tức!”.
Phi Nhi vồ lấy tôi: “Ôi, Tử Kỳ, lấy em được không?”.


Tôi thở dài: “Cô còn say hơn cả tôi rồi”. Nói xong tôi mới phát hiện, cho dù bước chân loạng choạng, đầu nóng bừng nhưng tôi vẫn là người tỉnh nhất trong cả đám.


Về đến nhà, tôi lấy bình ra cắm bông hoa hồng mà A Thành tặng. Uống rượu cho tới khi ngà ngà là hay nhất, lúc đó có cảm giác phiêu diêu, bồng bềnh. Tiếc là tôi không có thói quen uống rượu một mình, nếu không ngày nào cũng phải tự cụng ly mới được. Cảm giác hơi say này thật tuyệt, thật hay!


Tôi cảm giác cái tổ của mình hôm nay thật sạch sẽ, thật ấm áp. Từ ngày tới đây tôi chưa từng chuyển nhà, bởi ở chỗ này, tôi có thể cảm nhận được hơi thở của Vân Dịch. Anh đã cau mày giúp tôi dọn dẹp quần áo, rồi rửa và thái thức ăn. Anh đã làm gì nhỉ? Nhớ lại bàn thức ăn với những món ăn nguội hôm đó, mà tôi không nhịn được cười.


Tắm xong, tôi lên giường, trời hơi lạnh. Tiện tay, tôi cầm lấy tấm ảnh của mình và Vân Dịch đặt lên gối, tôi muốn nói chuyện với anh.
Tôi nói, “Vân Dịch, em thấy cô đơn. Cô đơn quá!”. Thế là anh lại mỉm cười bước về phía tôi.


Tôi nói, sự ồn ào trong quán rượu, sự náo nhiệt đó càng làm tăng thêm nỗi cô đơn trong lòng. Anh vẫn cười và bước về phía tôi.
Tôi ngủ, mơ thấy anh cười bước về phía mình, bên anh không hề có người con gái nào.
Lễ Tình nhân qua đi, tết âm lịch cũng tới.


Phi Nhi và Đại Lý hình như đang ngày càng xích lại. Chúng tôi cũng trở nên thân thiết hơn, cười đùa với nhau nhiều hơn. Tôi thấy A Thành mua một túi vịt quay, quê anh ta ở Giai Mộc Tư, anh ta mua về cho người nhà ăn Tết chăng? Tôi tiện hỏi: “Anh mua về cho bố mẹ "chúng mình" ăn Tết à?”.


Người phương Nam chúng tôi thường không phân biệt rõ “chúng mình” và “chúng tôi”, cho rằng đều giống nhau. Với người phương Bắc, thì câu nói: “Bố mẹ chúng mình” có nghĩa là bố mẹ của cả tôi và anh. Nhưng khi lỡ miệng rồi tôi mới phát hiện ra mình nói nhầm.


A Thành cười trả lời: “Đúng vậy, mua cho bố mẹ "chúng mình" mà”.
Tôi nghĩ chắc chắn lúc đó mặt tôi đang đỏ lên, nhưng vẫn trừng mắt lên nạt: “Định trêu tôi hả?”.
A Thành không chịu bỏ qua cơ hội này, tiếp tục múa mép: “Hay là, khi nào "em" đưa "anh" về thăm bố mẹ "chúng mình" nhé?”.


Tôi bực quá, không thèm để ý đến anh ta nữa, Đại Lý và Phi Nhi đứng cạnh cười ha hả sung sướng, Đại Lý đùa: “Vừa mới qua ngày lễ Tình nhân mà đã định rước nàng về dinh rồi sao? Hai người nhanh quá đấy. Phi Nhi, anh cũng muốn gặp bố mẹ "chúng mình"“.


Phi Nhi cũng hưởng ứng rất nhanh: “Vâng, muốn gặp bố mẹ "chúng mình", thì cũng phải xách theo túi vịt quay nhé”.
Tôi thực sự dở khóc dở cười.


Quyên Tử gọi điện hỏi xem tôi có về không, tôi bảo đường xa nên không về. Cô ấy nói, ra Tết sẽ gửi thịt lợn muối của Tô Hà cho tôi. Nghe thấy thế, tôi đã muốn về rồi, nhưng lại sợ đau buồn khi thấy ngôi nhà cũ, nên đành từ bỏ.


Trước Tết, tôi đi siêu thị mua toàn đồ ăn, định sẽ ăn Tết luôn ở nhà. Vật giá tăng đến chóng mặt, mười tệ nửa cân rau xà lách, tôi xách túi lớn, túi bé ra khỏi siêu thị mà lòng thấy hối hận. Ra vẫy taxi thì hầu như không có xe trống, cứ thế này có khi vài tháng sau tôi mua tạm cái xe cũ cho xong. Có những hôm đi làm quảng cáo phải ngồi xe buýt, thật đúng là quá lãng phí thời gian. Chỉ có những lúc như thế này, tôi mới thèm muốn được tự lái xe làm sao.


Xách một đống đồ lỉnh kỉnh, tôi đang cố gắng bước lên xe buýt, thì bỗng một chiếc xe đỗ ngay bên cạnh. Nghe như tiếng Vân Dịch, tôi quay đầu lại, đúng là anh thật.
Tôi lạnh người khi thấy bên cạnh anh vẫn là cô gái mình nhìn thấy khi chọn mua đèn hôm trước. Anh gọi tôi: “Lên xe đi, anh đưa em về”.


Tôi chẳng biết phải làm sao, xe phía sau thì cứ bấm còi inh ỏi đòi nhường đường, giờ những gì tôi thấy chỉ là anh đang nói, và cô gái đang nhìn tôi với ánh mắt tò mò.


Lúc đó tôi cảm thấy cực kỳ lúng túng. Trên người là chiếc áo nhung dày, tay thì khệ nệ xách đồ. Vì quá nhiều đồ và nặng, nên chúng bắt đầu có hiện tượng rơi ra ngoài. Đầu tóc mấy ngày chưa gội, giờ dính bết vào nhau, đôi giày đang đi dính đầy bùn đất.


Còn cô gái bên cạnh anh thì vừa trẻ vừa đẹp, đôi mắt to tròn, trong sáng. Những cô gái Vân Dịch thích thường có đôi mắt trong sáng như vậy. Đôi mắt của tôi đã mất đi vẻ thuần khiết đó từ lâu. Cứ mải nghĩ ngợi như vậy, rồi tôi bỗng thấy đôi tay mình nhẹ bẫng, thì ra Vân Dịch đã tiến tới và xách đồ lên xe, anh nói vẻ hơi bực mình: “Em còn không mau, những người lái xe kia sẽ nhảy ra cho một trận đấy”.


Tôi sực tỉnh, đúng là các xe phía sau đang bấm còi inh ỏi và la mắng ầm ĩ. Tôi vội mở cửa sau lên xe. Trên đường đi, chúng tôi không ai nói với ai câu nào, tôi chỉ thi thoảng lén nhìn anh.


Không biết bao lâu rồi tôi chưa gặp anh nhỉ? Tôi mơ hồ nghĩ lại, lần gặp trước, khi đi mua đèn, có lẽ cách đây cũng phải hai tháng. Những lần vô tình gặp nhau thế này trên đường không biết có được bao nhiêu lần? Bốn tháng này anh đều ở thành phố B sao? Hoàn toàn không giống với cảnh gặp lại như trong tưởng tượng của tôi. Không khí trên xe thật ngột ngạt, chúng tôi giống như người qua đường đi nhờ xe của nhau vậy. Mùa thu năm ngoái, anh vẫn còn đưa tôi đi chơi núi Thái Sơn, tình cảm mặn nồng, vậy mà chỉ loanh quanh có mấy tháng, tất cả đã thay đổi. Tôi cảm thấy rất hoang mang.


Bỗng nhiên anh hỏi: “Tử Kỳ, sao mua nhiều đồ như vậy? Không biết đi thêm ít lần nữa sao?”.
“Người mua đồ dùng cho năm mới rất đông, nên chỉ cần chen nhau một lần cũng đủ thấy khổ rồi.” Sao giọng tôi lại bình tĩnh được như thế chứ? Chẳng có chút khác thường nào sao?


Vân Dịch không nói thêm gì. Cô gái bên cạnh anh bắt đầu mở miệng nói liên thanh. Giọng cô ấy rất nhẹ nhàng, nghe ra không phải là người ở đây. Cô ấy hỏi rất nhiều, và Vân Dịch cũng nhẹ nhàng trả lời.


Tôi quay ra ngoài ngắm nhìn hàng cây ven đường cùng những người đạp xe trên phố đang lùi dần về phía xa, không muốn nghe họ đối thoại nữa. Tôi và Vân Dịch chỉ cách nhau chỗ ngồi trước và sau, vậy mà sao cảm giác như cách nhau cả một thế giới.


Trong xe có tiếng nhạc, là bài hát mà tôi rất thích: Sống như hoa mùa hạ. Tôi lắng nghe giọng hát khàn khàn của Phác Thụ: “Em là tia sáng bừng lên trong chốc lát, là ngọn lửa lướt qua chân trời. Vì anh em không màng tới điều gì, em sắp tắt lụi và không thể quay trở lại. Em ở đây! Ở đây! Thoáng qua như cánh chim, đẹp tuyệt như hoa mùa hạ...”.


Bỗng nhiên Vân Dịch lên tiếng hỏi tôi: “Tử Kỳ, điện thoại của em à?”.
Tôi giật mình, vội vàng tìm điện thoại trong túi, vừa ấn phím nghe thì tiếng A Thành đã vang lên. Tôi hơi ngại liếc nhìn phía trước, qua kính chiếu hậu thấy hình như Vân Dịch đang cười. “Chuyện gì thế? Anh về đến nhà chưa?”


Tôi hỏi A Thành. Anh ta đi trước hai ngày, nên bây giờ chắc cũng về tới nhà rồi.
A Thành cười vui vẻ nói: “Tử Kỳ, bố mẹ "chúng mình" hình như nhớ cô, nên đang hỏi bao giờ cô về thăm họ đấy”.


Tôi đỏ mặt: “Cái anh này, lại thế rồi”, rồi nghĩ đến trò đùa hôm đó, cũng bật cười: “Khi nào lên thì mang quà theo nhé”.
“Chắc chắn rồi, những gì ngon bố mẹ làm sẽ mang lên hết cho các cô. Cô ăn Tết một mình thật đấy à? Đáng thương quá...”


A Thành vẫn liến thoắng, còn tôi cũng không muốn tắt điện thoại, dù sao thì nó cũng làm tôi đỡ ngượng ngùng khi ngồi trên xe. Nhưng lại không biết nói với A Thành cái gì nữa, nên đành cứ cầm điện thoại nghe anh ta nói hết chuyện này sang chuyện khác, cho đến khi thấy xe rẽ vào khu nhà ở tôi mới tắt máy.


Xách đồ xuống xe, tôi lịch sự nói lời cảm ơn Vân Dịch và chào tạm biệt cô gái. Cho đến khi không nhìn thấy họ nữa, tôi mới cắn môi bước vào nhà.
Tôi sợ quay đầu lại, không dám quay lại. Chuyến đi nhờ xe làm tôi càng trở nên thảm hại hơn.


Đến tối, tôi nhìn vào tấm ảnh, mắng Vân Dịch: “Người ta nói vui cái mới không quên thứ cũ, sao anh không làm được như thế?”. Tôi cầm bức ảnh vuốt ve nụ cười của anh, rồi khẽ nói: “Anh thực sự sẽ không còn vừa cười vừa bước đến bên em nữa sao?”.


Tôi tìm một cái hộp, cất tất cả những bức ảnh của anh vào đó, chỉ để lại trên bàn bức ảnh với nụ cười hiền từ củạ mẹ. Tôi làm nũng bà: “Con chỉ có một mình rồi, bây giờ thực sự chỉ có một mình rồi!”.
Mẹ tôi cười nói sẽ luôn bên tôi, nên tôi yên tâm đi ngủ.


Thế rồi tôi bỗng choàng tỉnh, bên ngoài trời mờ sáng, một màu xanh mơ màng. Bây giờ mới có bốn giờ, tôi khoác vội cái áo choàng và bước đến bên cửa sổ, ngoài kia đã được phủ kín một lớp tuyết, và tuyết trắng vẫn đang rơi, lặng lẽ.
Tôi nhìn, và lặng lẽ khóc.


Buổi sáng sớm với những bông tuyết bay lất phất, một mình tôi lặng lẽ khóc trong căn phòng.
Nếu tôi không gặp lại anh, nỗi đau trong tim đã không bị khuấy động. Tôi bình thản đi qua anh, vét hết lòng kiêu ngạo để đắp lên con đê kiên cố, bảo vệ lấy trái tim đau khổ.


Từ hôm tình cờ gặp lại và đưa tôi về nhà cho đến khi hết Tết. Vân Dịch không xuất hiện thêm lần nào nữa.


Qua Tết, mọi người lần lượt đi làm. Quả nhiên A Thành mang rất nhiều đặc sản ở quê nhà lên chia cho mọi người, cũng mang đến cho tôi một phần, rồi nói: “Tử Kỳ, bố mẹ "chúng mình" đặc biệt làm cho cô đấy”.
Trong phòng làm việc vang lên những tiếng cười lớn.


A Thành tiếp tục: “Còn bố mẹ "chúng mình" khỏe không?”.
Tôi thật thà trả lời: “Bố mẹ tôi mất rồi”. Cả văn phòng bỗng trở nên im lặng.
A Thành ngượng ngùng sờ sờ mũi: “Vậy à, Tử Kỳ”.
Nhìn dáng vẻ của anh ta, tôi không nhịn được cười nói: “Được rồi, tôi không giận đâu”.


Thấy tôi cười, A Thành mới thở phào, đang định nói gì thì Tổng biên tập bước vào đưa cho chúng tôi mấy tấm thiệp mời và nói: “Tuần sau có buổi dạ hội, là bộ phận Thiết kế tổ chức, các cô cậu không có việc gì thì tham gia nhé, nhớ là phải trang điểm ăn vận cho đẹp vào đấy”.


Cái se buốt của tháng Ba, với những cơn gió thổi mạnh mang theo cả cát làm cho thành phố luôn chìm trong mù mịt, mờ ảo. Khi ra khỏi cửa, bạn không thể không mang theo một chiếc kính, khăn choàng và áo khoác dài, mặc kệ có xấu thế nào cũng phải mặc cho đến khi bước vào tòa soạn mới cởi bỏ chúng ra mà thở phào được.


Không biết bọn Phi Nhi đang bàn bạc chuyện gì, khi tôi đi đến, thấy họ hỏi: “Tử Kỳ, buổi dạ hội tối nay chị đi không?”.
Tôi thực sự đã quên béng mất. Những loại thiệp mời thế này, tòa soạn thường nhận được rất nhiều, nhưng không bắt buộc lần nào cũng phải đi.


Phi Nhi nhắc tôi: “Năm nay lại lưu hành phong cách trang trí nội thất mới, nghe nói tối nay rất nhiều công ty hàng đầu đến tham gia. Nếu có thể hòa nhập được, thì cơ hội kiếm tiền cũng không ít đâu”.


Phi Nhi nói đúng, buổi dạ hội với quy mô lớn đầu xuân, hơn nữa lại là nhà đầu tư của tạp chí chúng tôi, quen biết thêm nhiều công ty nội thất cao cấp cũng là một việc tốt. Nghe nói còn có cả mấy nhà thiết kế danh tiếng tham dự. Tôi vẫn cho rằng thiết kế quảng cáo và thiết kế nội thất, khoản tiền kiếm được tương đương nhau. Nhưng không ngờ vài ngày trước, tôi chỉ giúp các chuyên gia bán bản thiết kế nội thất phòng bếp mà đã kiếm được cả tháng lương. Nên tôi nghĩ công việc này rất có tiền đồ. Làm dần dần không khéo việc tôi nói với Úc Nhi là sẽ mua xe và nhà trong hai năm nữa có khi lại thành hiện thực.


Nhắc đến tiền, tôi nghĩ ngay đến việc mình lái một chiếc xe con cũ, vui vẻ hoàn thành vai trò một người vợ. Bây giờ mua một chiếc xe cũ không thành vấn đề, nhưng còn là người vợ, ái chà, tôi không đủ tư cách nữa rồi.


Có nhà ở, coi như tôi có gia đình ở thành phố B. Trong các việc ăn ở đi lại ở đây, thì việc ở được xem là hàng đầu. Điền Hoa mua nhà cũ ở huyện Thông với giá hơn ba trăm nghìn, căn nhà như vậy cũng là rẻ. Mới đầu chỗ đó đúng là khá xa xôi, nhưng bây giờ tàu điện ngầm đã thông nên giá nhà của cô ấy đã lên đến sáu trăm nghìn. Căn phòng của Úc Nhi khi mua là hơn năm trăm nghìn với sáu mươi mét vuông, bây giờ cũng đã tăng lên thêm hơn một trăm nghìn nữa.


Nhu cầu của tôi cũng không cao lắm, chỉ cần ba mươi mét vuông là đủ. Nghĩ mới thấy, việc ổn định chỗ ở với người từ xa đến thật không dễ dàng chút nào. Nhưng nhà ở quê cũng đã tặng cho Quyên Tử, như vậy coi như tôi không còn nhà rồi. Con ốc mới là con vật yêu nhà nhất, đi đến đâu cũng mang nhà theo trên lưng. Nếu căn nhà ở quê Tô Hà mà dịch chuyển được lên đây... Ôi, không biết đáng bao nhiêu tiền nhỉ?


Đang tưởng tượng tới viễn cảnh tốt đẹp thì Phi Nhi huơ tay trước mặt tôi nhắc: “Lấy lại tinh thần nào! Chị có đi không?”.


Đi chứ, sao lại không đi được! Phải đi trang điểm ngay thôi, Tổng giám đốc trước của tôi đã từng nói, một cô gái xấu mà nỗ lực nhiều sẽ có được nhiều hơn một cô gái xinh đẹp.


Bảy giờ tối, một đoàn năm người của tòa soạn chúng tôi cùng nhau vui vẻ đi tới bữa tiệc. Vừa vào đến hội trường, mọi người đã lập tức tản ra đi tìm mục tiêu của mình. Không giống như ngày lễ Tình nhân, là phải có một trai một gái làm thành đôi. Lần này, mấy người con gái chúng tôi kết hợp thành một tổ.


Tôi và Phi Nhi cùng lấy một ly rượu và hòa vào đám người, thấy người quen thì chào hỏi, thấy người lạ thì hễ có cơ hội là bắt chuyện. Bắt chuyện là một nghệ thuật, trong chuyện này thì Phi Nhi là tay lão luyện, tôi chỉ cần theo như cô ấy là được.


Tổng kết kinh nghiệm của Phi Nhi có mấy điểm sau: một là bắc cầu dắt dây, tận dụng sự quen thân để giới thiệu làm quen với người khác; hai là chiếm vị trí chủ đạo, nhiệt tình đưa đối phương vào mối quan hệ như đã quen biết từ trước; ba là dùng chính cách của đối phương để đối phó, điều này yêu cầu tôi phải cách xa cô ấy. Thế là cô ấy một mình cầm ly rượu đứng đó, chỉ một lát sau đã có người chủ động xuất hiện làm quen.


Sau một hồi theo cô ấy len lỏi giữa rừng hoa tạo ấn tượng, chúng tôi tìm một chỗ để nghỉ ngơi. Tôi hỏi Phi Nhi: “Phải đưa hết danh thiếp mới về à?”.
Phi Nhi nói: “Tất nhiên rồi, phải có trách nhiệm với công việc chứ?”, nói rồi, ánh mắt của cô ấy chợt sáng bừng lên.


Tôi nhìn theo ánh mắt đó, sao lại là anh ấy? Liệu có phải nghiệp vụ của Vân Thiên đã mở rộng hơn rồi không? Phi Nhi ngồi bên nói về Vân Dịch: “Triển Vân Dịch, ba mươi hai tuổi, chưa kết hôn, Thạc sĩ, Tổng giám đốc Tập đoàn Vân Thiên”.


Nghe xong mà tôi giật mình, tiếp đó lại nghe cô ấy thở dài: “Người ta cũng chỉ hơn mình có vài tuổi, thế mà nửa đời sau đã thấy an nhàn rồi, cuộc đời thật không công bằng!”.
Tôi hỏi Phi Nhi: “Cô quen anh ấy à?”.


Phi Nhi lắc đầu: “Nghe mọi người trong tạp chí nói thế”. Mắt cô ấy sáng dần lên: “Từ trước tới giờ không biết Vân Thiên còn có ngành này, bây giờ đi làm quen vậy”. Nói xong Phi Nhi đi về phía Vân Dịch.


Tôi không đi cùng mà đứng ở một góc xa, nhìn anh qua đám người. Anh mặc một bộ vest màu tro, rất đẹp. Trước kia tôi luôn trêu anh là cái mắc áo, tôi lấy đỉnh đầu mình để đo chiều cao của anh, anh cao hơn tôi đúng một cái đầu. Tôi thường tính sự chênh lệch rồi nghiêm túc nói với anh, mặt anh dài mười tám centimet, tôi đưa tay ra tính cẩn thận cho anh xem, một khuôn mặt quá dài! Lúc đó hai tay anh cù vào người tôi cười nói: “Dám nói mặt anh dài hả?”


Miên man với những dòng ký ức, môi tôi nở nụ cười lúc nào không hay, bỗng nhiên bên cạnh có tiếng hỏi: “Nhìn thấy gì mà cười như vậy?”.


A Thành đang đứng cạnh tôi cười. Phi Nhi đã thành công trong việc tiếp xúc với Vân Dịch, cô quay lại ra hiệu cho chúng tôi. A Thành vui vẻ: “Phi Nhi tạo quan hệ còn tốt hơn cả việc làm quảng cáo, không biết tại sao cô ấy vẫn chưa có bạn trai nhỉ?”.


“Anh sai rồi, anh không thấy ánh mắt của Đại Lý đang nhìn Phi Nhi à?” Tôi hất hàm chỉ về phía Đại Lý.


“Thật không ngờ ngày lễ Tình nhân lại tạo ra một mối lương duyên như vậy”, A Thành thở dài. Đang nói chuyện thì Phi Nhi và Vân Dịch đi về phía chúng tôi, tôi nên đi hay ở lại đây? Nhưng rốt cuộc thì cũng không có lý do gì để rời đi cả, đành phải bình tĩnh ở lại chờ họ đến.


Phi Nhi giới thiệu tôi và A Thành với Vân Dịch. Vân Dịch mỉm cười: “Lại gặp người quen, cũng là duyên phận, phải không Tử Kỳ?”.
Tôi cười không nói gì.
Phi Nhi vui mừng nói: “Thì ra hai người quen nhau à?”.
Vân Dịch giải thích với cô ấy: “Trước kia Tử Kỳ từng cộng tác với Vân Thiên”.


Thì ra đã trở thành mối quan hệ công việc rồi.
Được lắm.
Vân Dịch tiếp lời: “Chúng tôi vừa thành lập công ty thiết kế, cũng mới bắt đầu thôi, đang muốn tạo mối quan hệ với tạp chí các cô. Tử Kỳ, tuần sau cô và đồng nghiệp đến công ty tôi bàn chuyện được không?”.


Phi Nhi tỏ ra vui sướng, đứng bên cạnh Vân Dịch và nháy mắt với tôi.


Kinh doanh phải không? Là kiếm tiền phải không? Tôi không nghĩ rằng sẽ có một ngày kiếm tiền của Vân Dịch. Không thấy tôi lên tiếng, Phi Nhi vội tiếp lời: “Đúng là một cơ hội tốt, chị vui quá hay sao mà không nói nên lời vậy?”. Nói xong cô ấy lại cười: “Tối nay được lộc quá”.


Không biết tôi luyện cho mình vẻ bình thản đến mức nào rồi nhỉ? Nhìn thấy Vân Dịch mà tim tôi cũng không đập nhanh hơn, đó là vì tình yêu đã gần hết? Hay tình yêu lúc này chỉ còn là những ký ức?


Phi Nhi không phản đối việc chúng tôi rời khỏi buổi tiệc sớm, bởi hôm nay đã thu hoạch được khá nhiều, cũng không cần thiết phải làm mình mệt hơn. Đại Lý vậy là có cơ hội đưa Phi Nhi về.


Tôi nhìn thấy nụ cười e thẹn của cô bé, hai người này chắc chắn đã thành một đôi rồi, chỉ còn chờ ngày đẹp đẽ chính thức thông báo với mọi người mà thôi.


A Thành đòi đưa tôi về, ngồi lên xe của anh ta, tôi càng thêm mong có thể tự lái chiếc xe của mình: “A Thành, có thể giúp tôi tìm một chiếc xe cũ được không?”.
A Thành cười nói: “Cuối cùng cũng muốn lái xe rồi à? Cô không sợ nữa sao?”.


Tôi nói: “Người ta nói lái được xe chủ yếu là quen tay, dần dần sẽ lái tốt thôi”.
Anh ta vui vẻ: “Đúng vậy, không có xe thì chán lắm, bây giờ tôi dạy cô lái xe nhé?”.


Sau đó anh ta lái vào một khu chung cư mới, đường đi rất lý tưởng, người qua lại không đông, buổi tối lại càng vắng. Tôi chuyển sang ngồi sau vô lăng, lo lắng đến nỗi hai bàn tay toát hết mồ hôi, khởi động mấy lần mà xe vẫn không nổ máy.
A Thành cười an ủi: “Đừng lo, cô cứ nhấn ga mạnh hơn một chút”.


Từ khi tôi lấy bằng cho đến nay, hình như chưa lái xe bao giờ, bởi tôi luôn sợ. Nhờ sự nhẫn nại của A Thành mà tôi quen dần. Tôi lái rất chậm, A Thành cũng không giục tôi cố lên, cố lên giống như thầy dạy trước kia.


Lái được một tiếng, A Thành động viên tôi: “Cô lái xe rất ổn, sẽ càng ngày càng tốt thôi”.
Tôi đánh xe dừng lại bên đường, lôi thuốc lá ra hỏi, “Anh hút không?”.
A Thành không hề hỏi tôi sao lại hút thuốc, mà chỉ cầm một điếu và châm lửa.


Tôi dặn anh ta: “Đừng nói ra ngoài nhé, làm ảnh hưởng đến hình ảnh”.
Anh ta cười.


Đôi lúc tôi cảm thấy A Thành rất giống Đại Hải, rất ra dáng đàn anh. Đại Hải kém tôi hai tuổi, còn A Thành bằng tuổi tôi, nhưng anh ta thận trọng hơn Đại Hải. Anh ta nói với tôi: “Tử Kỳ, cô và Triển Vân Dịch quen nhau lâu lắm rồi phải không? Không chỉ là mối quan hệ công việc đúng không?”. Đồng nghiệp với nhau rất ít khi hỏi về chuyện đời tư của đối phương, trừ phi đó là mối quan hệ cực kỳ thân thiết.


Tôi không trả lời, mà hỏi lại: “Gia đình anh đã giục anh chuyện lập gia đình chưa?”.
A Thành cười gượng: “Tết về nhà mọi người vui vẻ quây quần bên nhau, chẳng ai giục gì cả, họ không vội thì tôi vội gì. Tuy thế, ở đây mà có bạn gái cũng tốt hơn là ở một mình”.


Chúng tôi im lặng không nói gì. Với những người ngoại tỉnh mà nói, có nhà ở thành phố B và có người ở nhà chờ bạn, thì cuộc sống hoàn toàn khác nhau.
Nhìn khói thuốc bay ra khỏi cửa, tôi cười bảo: “Có bánh mỳ, hẳn sẽ có sữa, anh sẽ tìm thấy người phù hợp thôi”.


A Thành lại bắt đầu: “Hay là hai chúng ta thành một đôi? Đúng như ước nguyện của bố mẹ ‘chúng mình’!”


Tôi trả lời một cách tự ti: “Đàn ông hai mươi chín tuổi là cái tuổi đẹp nhất, đàn bà hai mươi chín tuổi có khác gì bã đậu phụ, tôi không muốn lúc ra ngoài sẽ làm anh mất mặt”.


A Thành cười lớn: “Như vậy không tốt sao? Thực ra tôi là người rất chắc chắn, có thể cho cô cảm giác an toàn. Đến lúc đó sẽ chỉ có cô treo trên cái cây thô kệch xiêu vẹo là tôi thôi”.
Tôi trừng mắt: “Dù sao tôi cũng phải tìm một cây tử đàn, như vậy mới có hương vị”.


“Cây tử đàn lắm cành nên nhiều người muốn leo, rất phiền phức, cô quăng dây thừng để trèo, cũng chưa chắc đã lên nổi”, A Thành nói với vẻ coi thường.


“Anh nói sai rồi, tôi không nói là sẽ trèo lên, tôi sẽ chặt nó và làm một cái quan tài, sau đó nằm vào, như vậy trăm năm sau cũng không hỏng được, lại không sợ ai đến cướp đi”, tôi đối đáp.


A Thành phá lên cười, tiếng cười vang vọng trong đêm, khoảnh khắc đó tôi biết rằng mình sẽ có thêm một người bạn thân thiết.


Anh ta không biết rằng, cây tử đàn của tôi mọc trên một ngọn núi cao, tôi chỉ có thể đứng dưới chân núi ngắm nhìn. Có lẽ, tôi nên tìm một cái cây thích hợp để treo cổ ch.ết cho xong, nhưng tôi mong sẽ được ch.ết một cách cam tâm tình nguyện.






Truyện liên quan