Quyển 3 - Chương 50: Vùng núi

Đi Harvard có gì hay ho, bạn từng xuống nông thôn chưa?


Bọn Liễu Dung ngồi xe lửa 20 mấy tiếng, sau đó ngủ tạm một đêm trong khách sạn gần ga xe lửa. Ngày đầu tiên ăn cơm quên nói người ta đừng bỏ ớt, món ăn vừa dọn lên, mỗi người gắp một đũa, sau đó ngoại trừ vài người đặc biệt biết ăn cay và vài người đặc biệt hơn – sĩ diện, những người khác đều lẳng lặng lựa chọn cách ăn cơm khổ sở - cơm chan nước cam.


Hôm sau, trời còn tờ mờ sáng, mọi người ngáp ngắn ngáp dài bị đội trưởng gọi dậy, ngồi xe buýt đi đường núi suốt 8 tiếng mới tới trấn nhỏ mà họ đã liên hệ trước đó.


Trước khi lên xe, mọi người đều uống thuốc chống say xe, Liễu Dung vừa lên xe là ngủ, sau hơn 1 tiếng cái cổ tê rần mới tỉnh lại. Cô tò mò mở mắt nhìn ra cửa sổ xe, lè lưỡi__xe đang đi trên lưng chừng núi, bên dưới là vách núi mà không có một con lươn bảo vệ nào cả, đường không bằng phẳng, vô cùng xóc nảy, quanh co khúc khuỷu, túi hành lý trên xe thường xuyên bị trôi đi, kích thích hơn chơi tàu lượn trong công viên trò chơi nhiều.


Trong xe, trừ tài xế, đa số mọi người đều ngủ, Liễu Dung nghe một nam sinh phía sau nhỏ giọng nói:
- Mẹ ơi, bác tài mà run tay một cái là con chỉ có thể kiếp sau báo hiếu cho cha mẹ quá.
Một người khác:


- Đừng nói bậy bạ, ông đây sống chưa tới 20 năm, chưa đáp đền Tổ quốc, chưa thể xuống dưới được.
Vị “huynh đài không thể báo hiếu”:
- Phải, mình vẫn chưa được gái đuổi theo xe đưa tiễn, đời chưa viên mãn, không thể hi sinh như vậy.


available on google playdownload on app store


Liễu Dung quay đầu qua khe hở giữa hai ghế định nhìn họ, hai nam sinh phía sau thấy cô quay đầu, “huynh đài đáp đền Tổ quốc” lập tức giơ một tay lên, chính nghĩa hùng hồn nói:
- Sợ ch.ết thì không làm Đảng cộng sản!
“Huynh đài không thể báo hiếu” hỏi:
- Đảng cần cậu à?


“Huynh đài đáp đền Tổ quốc” xìu xuống:
- Mình... mình là thành phần tích cực...
Nhóm nhỏ 3 người bật cười.
Sau đó trong đám xui xẻo này không biết là ai ám, giữa đường xe ngừng lại___đằng trước bị núi lở.


Họ vừa khéo kẹt ở một thôn rất nhỏ, xe dừng, lập tức có vài thôn dân tới chào hàng bánh chưng và trứng luộc, các hành khách ngồi xe ê chân đều xuống hoạt động, 20 phút sau giao thông vẫn chưa có dấu hiệu xử lý xong, Lý Kỳ chọt chọt Liễu Dung:
- Mình muốn đi vệ sinh.


Một cô gái phía trước nghe thấy, quay đầu lại:
- Mình cũng muốn đi.
Liễu Dung mờ mịt nhìn quanh:
- Nhà vệ sinh ở đâu?
Lý Kỳ nói:
- Đến nhà dân mượn dùng.
Liễu Dung:
- Hả?


Cô gái ngồi phía trước bọn cô tên Cố Tương, là gái nhà nông mắt ngọc mày ngài, quê ở tỉnh này, hiện đảm nhiệm chức phiên dịch trong đội. Cố Tương nói:
- Không sao, nói một tiếng chắc được, họ ở gần đường, mình đoán cũng có nhiều người ghé xin mượn dùng.


Liễu Dung và Lý Kỳ quyết định theo cô ấy. Ba cô gái chào đội trưởng rồi xuống xe, Cố Tương dẫn bọn cô đến bắt chuyện với một chú đang làm việc ở ven đường, thành công mượn được nhà vệ sinh__đúng là một nhà vệ sinh khiến người ta cả đời khó quên__gà trông cửa, heo vây xem, vào rồi phát hiện bên trong thì phía dưới là hố phân, phía trên dùng từng miếng gỗ ghép lại, trong không gian nho nhỏ ấy, không chỗ nào là không tiện, nhưng cũng không chỗ nào là tiện.


Liễu Dung:
-...
Lý Kỳ:
-...
Cố Tương:
-...
Các cô mạo hiểm giải quyết vấn đề quốc kế dân sinh, lòng còn sợ hãi nói lời cám ơn với chú rồi rời đi, cú call đoạt mệnh liên hoàn của đội trưởng liền tới:


- Các cậu đi đâu thế? Mau về mau về mau về, đi được rồi, bác tài nói không thể đậu xe ở đây, phải lên đằng trước... bao nhiêu nhỉ? Mấy trăm mét á mình cũng không biết nữa, dù sao các cậu mau về là được.
Lý Kỳ để điện thoại xuống, nhắn lại lời đội trưởng, sau đó nói:


- Các cậu chờ chút, mình buộc chặt dây giày đã, nếu không không chạy được.
Liễu Dung và Cố Tương:
-...
Ba cô gái chạy đuổi theo xe khoảng 800 mét mới hổn hà hổn hển đuổi kịp, vừa lên liền có người vỗ tay ồn ào, Liễu Dung nghe vị “huynh đài không thể báo hiếu” che mặt lệ rơi lã chã nói:


- Đời này viên mãn rồi, viên mãn rồi, cuối cùng cũng có gái chạy theo xe mình rồi, còn là ba cô lận!


Mãi đến buổi chiều, họ mới đến nơi cần đến – trường trung học thị trấn Hòa Bình. Xe buýt thả đội tình nguyện mang theo hành lý túi lớn túi nhỏ, thần sắc mệt mỏi xuống, rồi khói tung cuồn cuộn, lạnh lùng rời đi.


Hiệu trưởng nhà trường đích thân ra đón họ, Liễu Dung nhìn cổng sắt lớn của trường và bồn hoa cạnh bảng tuyên truyền, hơi sững sờ, cô cảm thấy trường này tốt hơn cô tưởng nhiều, thoạt nhìn là một trường trung học làng quê bình thường, không có vẻ nghèo khó.


Đi thêm vào trong là phòng ngủ và phòng học của trường, phòng học trông không tốt như bên ngoài, có một “phòng học đa phương tiện” hình như xây để đối phó thanh tra, trên bàn trên đất đều bám một lớp bụi, vài cậu bé chạy qua thu dọn.


Phòng học không biết được thiết kế thế nào mà lấy sáng rất kém, đi đâu cũng thấy tối thui, cửa sổ nhiều nơi rách hỏng, bàn học loang lổ gồ ghề như bề mặt mặt trăng. Trong phòng không có ghế đơn, trẻ con đi học phải hai người ngồi chung một băng ghế dài.


Hiệu trưởng tìm cho họ một văn phòng, hình như là phòng họp của trường, có một bàn tròn lớn, trên nóc có quạt trần, xem như là nơi có điều kiện tốt nhất.
Họ đặt tạm hành lý ở văn phòng rồi cùng đi làm quen hoàn cảnh nhà trường.


Chỗ ăn cơm của họ gọi là “nhà ăn” kỳ thực giống nhà của bác nấu bếp hơn, rất nhỏ, phía sau có một cái bếp để nấu cơm cho học sinh, đi từ phòng học và văn phòng đến “nhà ăn” phải băng qua một cái hố to, trong hố cột một con bò, vài con gà và mèo con thả nuôi, chúng đều không sợ người.


Bên cạnh hố có một con suối nhỏ thông nước, nghe đồn là có thể uống trực tiếp, nhà bếp nấu cơm rửa rau đều dùng nó, mùa hè trẻ con có thể xuống đó tắm rửa.


“Nhà ăn” không cho học sinh vào, chỉ cho giáo viên sử dụng, hiệu trưởng đặc biệt nhấn mạnh với mọi người là đừng vì thương học sinh mà mang cá biệt vài đứa vào. Lý Kỳ không kiềm được hỏi:
- Hiệu trưởng Trương, vậy học sinh ăn gì ạ?
Hiệu trưởng Trương nói:


- Các học sinh tự đem cơm nhà mình tới, bỏ vào trong cà-mèn, nhà trường tổ chức hấp cơm thống nhất.
Lý Kỳ há mồm:
- Vậy đồ ăn thì sao ạ?
Hiệu trưởng Trương nhìn cô ấy:


- Đồ ăn cũng tự đem theo, chúng tôi năm ngày cho học sinh về nhà một chuyến lấy đồ dùng sinh hoạt, thông thường học sinh sẽ đem dưa muối đến, gia đình điều kiện tốt sẽ mang thịt khô. Cá nhân thầy không tán thành chúng quá chú trọng phương diện ăn uống, nhà trường là nơi cho học sinh học tri thức chứ không phải nơi ham muốn hưởng thụ.


Lý Kỳ im lặng, không biết hóa ra ăn đồ ăn nóng là ham muốn hưởng thụ.


Họ được sắp xếp vào phòng ngủ của học sinh, mỗi phòng có tám giường đôi, rất nhiều giường không có ván giường, hiệu trưởng Trương ra lệnh một tiếng, mấy cậu bé liền chạy ra ngoài giúp họ chuyển ván giường tới, mấy nam sinh trong đội tình nguyện cảm thấy ngại, lập tức nói:


- Để tự tụi em làm cho ạ, ván giường to thế sao có thể để bọn trẻ làm chứ?
Hiệu trưởng Trương khoát tay:
- Không sao, chúng làm được, ván giường thôi mà, đều là gỗ cả, nặng bao nhiêu chứ? Mọi người đến chỗ chúng tôi chắc chắn cảm thấy rất gian khổ, các học sinh cũng rất biết ơn.


5 phút sau, bọn Liễu Dung liền biết, “ván giường” đó thật sự không lớn, con gái cũng có thể nhấc bằng một tay, vì nó không phải một tấm gỗ hoàn chỉnh mà là một tấm ván nhỏ với chiều rộng khoảng 20 cm, xách qua rồi ghép từng tấm từng tấm lại trên giường...
Hiệu trưởng Trương nói:


- Tụi em tự xem rồi chia nhau nhé, thầy thấy tụi em nam nữ cũng xêm xêm nhau khoảng 7 8 người, mỗi bên một phòng đủ chứ hả?
Tám người một phòng___vậy... chẳng phải là... ngủ... trên... sàn... sao?


Chứ ván giường giường trên... liệu có rơi xuống giường dưới do người nằm trở mình không? Hoặc... liệu có rơi cả người nằm xuống luôn không?
Liễu Dung lập tức tưởng tượng ra cả đống án mạng do trở mình gây ra, đội trưởng đưa mắt nhìn, thấy sắc mặt ai nấy đều lúng túng thì nói:


- Hiệu trưởng Trương, có thể cho tụi em thêm vài phòng không ạ?
Lần này hiệu trưởng Trương cũng lộ vẻ khó xử, có điều ông do dự một chút rồi vẫn đồng ý:
- Chìa khóa giao cho các em hết đấy, tự các em xem đi.


Cuối cùng 3 4 người lấy một phòng, dùng giường trên để đồ, xem như rộng rãi chút__trong phòng toàn là bụi đất, vì cửa sổ rơi mất nửa tấm kính, đóng không được, một cái bàn gỗ tồi tàn không vững, đèn điện đều bị hỏng, hôm sau hiệu trưởng Trương mới cho người tới thay bóng dùng được cho họ, chăn thì bốc mùi nấm mốc. Liễu Dung, Lý Kỳ và Cố Tương chung phòng, đều không hẹn mà cùng trải chăn làm nệm, dù sao mùa hè cũng có thể tạm bợ được, nếu buổi tối lạnh quá thì lấy đồ trong hành lý ra đắp lên người.


Ngày đầu tiên đi xe mệt mỏi đến trường, mọi người mở cuộc họp qua loa, xác định công việc sắp xếp cho hôm sau rồi mạnh ai nấy ngủ.


Chỗ rửa ráy ở ngoài phòng, có một bể nhỏ và vòi nước, nghe nói là nước ngầm thuần tự nhiên, chỉ là ở đáy bể bị rò rỉ hay sao đó mà có một mảng lớn hòa với bùn, thỉnh thoảng sẽ có ếch, dế, bọ ngựa và vài côn trùng không biết tên chạy qua.


Lúc đánh răng đứng bên ngoài bùn với không tới vòi nước, Liễu Dung dứt khoát lội qua bùn bẩn, ngồi xổm bên bể, tốt xấu gì cũng rửa mặt được, lòng chợt cảm thấy rất phí thời gian, hơi tự tạo nghiệt.
Trở lại phòng ngủ, ba người đều im lặng một lát, qua hồi lâu, Lý Kỳ mới nói:


- Mẹ mình nói mình ăn no rửng mỡ, nghỉ hè không về nhà mà chạy đi xa xôi chịu tội.
Liễu Dung nhỏ giọng:
- Bây giờ hối hận có kịp không?
Cố Tương thở dài:
- Ngủ ngủ hết đi, tự làm tự chịu.
Im lặng một lát, Liễu Dung chợt trở mình ngồi dậy:
- Không đúng, còn chưa đốt nhang muỗi!


Ba người lại lục nhang muỗi ra, đội trưởng chuẩn bị cho họ loại không dùng điện, phải đốt, hai vòng nhang muỗi tròn ghép vào nhau, trời tối om Cố Tương không thấy đường, cúi đầu mày mò thật lâu liền vang lên một tiếng giòn tan, cô ấy nói:
- Xong, không tính tốt cách làm, gãy rồi.


Hai cái nhang muỗi bị các cô hi sinh một cái, khó khăn lắm mới giải phóng được một cái, cuối cùng họ thiếp đi trong mùi hương nồng nặc.






Truyện liên quan