Chương 16: Tích tắc
Khi áng mây bay ngang che đi vầng trăng tròn cũng là lúc cái ôm chấm dứt.
Nhi quay mặt đi, chạy thẳng một mạch vào trong nhà và lên phòng của An Yên. Phải quay mặt đi trước khi Tú thấy được gương mặt lấm lem của mình. Phải quay mặt đi trước khi cảm xúc giành lối, bỏ lại lý trí.
An Yên đã ngủ. Giờ đây, Nhi chỉ biết lại nằm cạnh An Yên và ôm con bé vào lòng. Nhi ôm An Yên để nguôi ngoai được cảm giác nhớ Tú. Không hiểu vì sao nhưng An Yên cứ như là sợi dây liên kết cả hai lại với nhau. Cứ nhìn An Yên, Nhi lại nghĩ đến Tú.
Kết thúc rồi. Nhi đã quyết định như thế. Xem như có duyên vì đã gặp được nhau nhưng lại không có phận. Nhi không thể tiến đến mối quan hệ này. Nhi biết mẹ sẽ không đồng ý, phần đông xã hội sẽ không đồng ý. Ngay bây giờ, cả mình còn chối bỏ nó.
Người ta vẫn thường hay ngân nga những câu hát, truyền nhau những câu nói về cuộc sống, rằng cuộc đời này là của riêng ta. Những lời khuyên đưa ra rằng ta hãy sống cho chính mình, mặc kệ cho người khác nói gì.
Nhưng nói nghe dễ, thực hành mới khó.
Có thể đối với những người trẻ vừa vào đời, họ sẽ sống cho bản thân, giành thời gian của tuổi trẻ để làm những điều mình muốn và yêu hết mình; nhưng rồi đa số sẽ có một lúc nhận ra được rằng muốn sống vô tư không dễ dàng như họ tưởng. Càng lớn thì trách nhiệm càng nhiều. Trách nhiệm đến từ mọi phía. Từ gia đình, từ xã hội, từ chính bản thân mình. Đến lúc đó đa số đều phải bước chậm lại và suy nghĩ. Có một số người may mắn, được cuộc sống ưu ái, họ không cần phải đưa ra những sự lựa chọn bất đắc dĩ. Còn số còn lại, họ phải vượt qua nhiều thử thách mới có thể an lòng sống cuộc sống mình mong muốn. Có điều là, lúc ấy có lẽ đã không còn nhiều thời gian để sống cho mình nữa.
Trách nhiệm. Hai từ thật nặng nề.
Lúc nãy, khi Tú nói lời yêu, tim Nhi như muốn vỡ nát.
Nghe ba chữ đó từ Tú mà đau lòng lắm. Nhi chưa hề nghĩ đến nó sẽ đau như vậy.
Người nghe đã đau, người nói chắc còn đau hơn.
Nhi tự hỏi, nếu như cả hai gặp nhau vào những tháng năm còn cắp sách đến trường thì quyết định của Nhi sẽ như thế nào?
Có lẽ Nhi sẽ thích sự mạo hiểm này. Có lẽ Nhi sẽ bất chấp tất cả mà yêu.
Những lời khi nãy Nhi nói với Tú, rằng mình không như Tú, rằng mình chỉ xem Tú là bạn cũng chỉ là một cách trốn chạy.
Kể cả việc thử hẹn hò với Đăng như bây giờ cũng vậy.
Nhưng Nhi thà không bắt đầu còn hơn sau này cả hai phải chia tay trong đau khổ. Nhiều rào cản trước mắt thế kia thì làm sao có tương lai?
Nước mắt đang chảy xuống làm ướt gối. Nhi phải ngủ thôi, chỉ có lúc ngủ mới có thể quên được.
Kiểu người cứng đầu như Nhi là kiểu người tự tạo nên bão giông cho mình, rồi đến khi trời mưa kéo đến thì lại phó mặc mà khóc.
***
Sáng hôm sau thức dậy, Nhi cảm giác được hai mắt đã sưng vì đêm qua đã khóc nhiều. Quay sang tìm An Yên, Nhi phát hiện con bé đã không còn nằm cạnh mình nữa. Con bé đã đi đâu rồi.
Nhi bước ra khỏi phòng tìm An Yên. Nhẹ bước xuống cầu thang, Nhi thấy con bé đang ngồi yên lặng ăn sáng. Đồ đồng phục đi học đã được thay, tóc cũng được buộc lên tuy có phần bù xù.
An Yên vẫn chưa thấy Nhi. Nhi quay lại lên lầu rồi vào nhà tắm rửa mặt, vệ sinh cá nhân. Đôi mắt của Nhi quả thật đã hơi sưng. Nhi thở dài, như thế này thì làm sao mà đi làm. Hai chị sẽ hỏi, khách hàng chắc cũng sẽ hỏi.
Nói là ăn thức ăn bị dị ứng thì người ta có tin không?
Nhi bước xuống lầu một lần nữa. Lần này bất ngờ hơn, Nhi thấy An Yên đang đứng trên một cái ghế để rửa chén. Nhìn quanh tìm mẹ, Nhi thấy mẹ đang ở phòng khách vừa quét nhà vừa theo dõi An Yên. Sao hôm nay con bé tự làm mọi thứ vậy?
Mẹ nhìn thấy Nhi đi xuống liền ra hiệu cho Nhi đừng gây ra tiếng động. Nhi đến bên mẹ, định hỏi mẹ chuyện gì thì mẹ đã nói, “Sáng nay An Yên dậy sớm lắm. Khi con bé xuống nhà là đã mặc đồng phục và chải tóc. Mẹ cứ tưởng hôm nay con cho em dậy sớm, ai ngờ là em tự làm tất cả. Mẹ nói để bà lấy ngũ cốc cho An Yên ăn sáng nhưng con bé muốn tự mình làm. Bây giờ ăn xong còn tự đẩy ghế lại rửa.”
Nhi dõi theo con bé, không hiểu có việc gì.
“Sao mắt con sưng thế?” Mẹ phát hiện. “Hôm qua có chuyện gì à?”
“Không ạ...con bị dị ứng thôi.” Nhi đi vào nhà bếp và đến bên An Yên. Con bé vừa rửa xong và úp cái tô cùng với cái ly lên giá.
“An Yên à,“ Nhi gọi, “Sao hôm nay An Yên dậy sớm vậy? Còn tự làm mọi thứ?”
Con bé ngoảnh đầu lại, mỉm cười với Nhi. “An Yên có ngoan không mẹ?”
“An Yên ngoan lắm.”
“An Yên xin lỗi mẹ, An Yên không hư giống hôm qua nữa đâu.”
Câu nói này của con bé làm Nhi cảm thấy xót xa và có phần hổ thẹn. Thì ra con bé tự làm mọi thứ chỉ vì lời nói của Nhi đêm hôm qua.
“Hôm qua là mẹ sai rồi. Không phải lỗi của An Yên. An Yên luôn ngoan và giỏi lắm.”
“Mẹ có giận An Yên không mẹ?”
“Làm sao mà giận An Yên được.” Nhi hôn lên má con bé.
“Mẹ cũng đừng có giận Tú nha mẹ.”
“Ừ, mẹ không giận Tú.” Mẹ giận chính mẹ thôi.
Nghe Nhi nói như vậy, con bé vui hơn hẳn. Trẻ con đúng là thiên thần. Có nhiều chuyện người lớn luôn suy nghĩ nhiều, luôn tự đào cái hố thật sâu rồi tự hỏi tại sao càng lúc càng tối; trong khi với trẻ con, chúng thường đi theo ánh sáng chứ không mò vào những chỗ tăm tối.
Có An Yên trong đời, Nhi cũng học được nhiều bài học cho cuộc sống.
***
Tú nhìn lên tờ lịch trên tường. Còn năm ngày nữa là đến sinh nhật An Yên.
Lúc An Yên nói với Tú về ngày sinh nhật của mình, Tú còn có dự định sẽ đến chúc mừng và làm gì đó cho An Yên. Giờ đây thì Tú không biết mình có được đến dự hay không nếu như Nhi tổ chức sinh nhật cho con bé, tuy rằng Nhi nói Tú vẫn có thể gặp An Yên
“Bác sĩ Tú ơi, có khách mang cún đến chích ngừa.” Linh gọi vào phòng làm việc của Tú.
Tú gật đầu rồi bước ra ngoài. Vừa ra, Tú thấy ngay một chú chó con lông trắng tinh trông như cục bông gòn đang được một cô gái bế trên tay. Cô gái này có một mái tóc ngắn ngang vai màu xanh dương rất ấn tượng. Đây có lẽ là Khuê, người mà đã lấy hẹn với Tú vào ngày hôm qua.
“Chào bạn, nghe danh đã lâu mà bây giờ mới được dịp gặp.” Người con gái đó nói. Khi thấy nét mặt khó hiểu của Tú, người con gái đó giải thích, “Nghe bạn bè nói bạn là một bác sĩ tận tâm với công việc, họ tin tưởng bạn nên giới thiệu bạn với mình.”
“Khuê phải không? Cảm ơn bạn.” Tú cười. “Bạn yên tâm là mình thương tụi nhỏ.”
“Con trai Khoai Mì của mình hai hôm nay bỏ ăn, lừ đừ nằm một chỗ, đi phân thì ra máu, mình sợ bé bị carre quá.”
“Triệu chứng thì giống đó Khuê. Để mình mang bé vào phòng xét nghiệm. Nhà bạn còn bé nào khác không? Nếu bé bị carre thì bạn phải mang hết các bé còn lại đến xét nghiệm luôn vì virus này lây cho các bé khác nhất là chưa được tiêm phòng.”
“Không, mình chỉ có Khoai Mì thôi.”
“Vậy yên tâm hơn. Bạn ngồi ngoài này chờ nhé.” Tú nói với người khách và mang bé chó vào phòng đặc biệt. Tú lấy mẫu phân pha với chất pha loãng, nhỏ vài giọt mẫu vào thiết bị xét nghiệm. Bé chó vẫn nằm im, trông khá mệt mỏi.
Khoảng gần 10 phút sau, Tú đọc kết quả xét nghiệm. Kết quả của bé dương tính với bệnh carre, một bệnh truyền nhiễm với tỷ lệ lây lan và ch.ết rất cao đặc biệt ở loài chó. Bé cần được cách ly và điều trị ngay lập tức.
Tú ra ngoài và báo tin xấu với khách hàng. Bỗng cô gái đó bật khóc. Trong bao nhiêu năm hành nghề, Tú vẫn chưa làm quen được với những tình huống như thế này. Bệnh này đa số khó qua khỏi, nhất là ở chó con vì sức đề kháng yếu, chưa được tiêm ngừa đầy đủ.
“Bạn giúp con trai mình với.” Khuê cầu cứu. “Làm gì cũng được miễn con trai mình được khoẻ.”
“Mình sẽ cố gắng. Khuê để bé lại bệnh viện để theo dõi và điều trị nhé. Nhưng mình phải nói trước, Khuê cũng cần phải chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.”
Người khách ngậm ngùi gật đầu. Trước khi ra về, cô gái đi vào phòng hôn tạm biệt bé chó của mình. “Khoai Mì mau hết bệnh, mẹ sẽ vào thăm con mỗi ngày.”
Mặc dù rất mệt, bé cũng ráng vẫy đuôi mừng.
Tú cũng phải quay đi vì sợ lại xúc động.
Vậy đó, những người bạn của chúng ta luôn dành hết tất cả tình cảm cho ta ở mọi hoàn cảnh, kể cả những lúc bệnh tật.
Tú biết mình đã đi đúng đường, chọn đúng nghề.
Phải chi về khoản tình cảm cũng có thể dứt khoát đến thế.
Sau khi Khuê ra về được một thời gian thì ba chở mẹ đến để thăm Tú. Mỗi lúc ba đến, ba đều dẫn tụi nhỏ đi dạo bộ. Mẹ thì thường thích vào bếp để dọn dẹp rồi nấu thức ăn cho tụi nhỏ. Hôm nay mẹ mang thịt gà đến nấu rồi xé nhỏ ra. Bé đốm con từ ngày về bệnh viện thì rất hoạt bát và háu ăn. Nay thấy mẹ Tú, nó cứ đi theo sau cứ như biết mẹ là người nấu ăn hôm nay. Mẹ nhìn thấy cũng mến.
“Mới vào hả con? Lần trước mẹ qua không thấy.” Mẹ hỏi, xoa đầu nó.
“Dạ, con rước về từ Tây Ninh. Có chó mẹ nữa nhưng vì vết thương chưa lành nên còn nằm trong chuồng.”
Mẹ bế đốm con lên như đang bế em bé. Nó cũng nằm im cho mẹ đung đưa trên tay. “Con coi nè, thấy cưng ghê. Phải chi trên tay mẹ là đứa cháu ngoại.”
Đến rồi.
“Mẹ có quá trời cháu ngoại ở bệnh viện rồi nè.” Tú lại bóp vai cho mẹ. “Mẹ ẵm mệt nghỉ luôn.”
“Thích nói giỡn quá ha.” Mẹ lườm. “Hôm kia dì hai của con vừa gọi hỏi mẹ khi nào bé Tú lấy chồng. Mẹ phải bảo là người yêu nó còn chưa có thì làm sao lấy chồng hả chị. Nói xong mà buồn lắm.”
“Dì hai còn gọi con là bé mà mẹ, con còn nhỏ lắm.” Tú cười để mẹ cảm thấy thoải mái hơn.
“Các anh chị họ của con ở tuổi này ai cũng hạnh phúc hết rồi. Mẹ chỉ lo cho con thôi. Con không có anh chị em, lại không sống gần gia đình. Thấy con bạn bè cũng ít nữa. Ngày nào cũng cứ lo đi làm rồi tối về lại thui thủi một mình, mẹ thương.”
Tú cũng tự biết cuộc sống của mình nhàm chán, nhưng vài tháng gần đây đã đỡ hơn rất nhiều nhờ có Nhi và An Yên. Hai người như ánh nắng len lỏi vào cuộc đời của Tú.
Như biết Tú đang nghĩ về Nhi với An Yên, mẹ hỏi, “À Tú, cái con bé con đó sao rồi? Lần trước con bé nịnh mẹ lắm. Nói là bà ơi bà nấu ăn ngon quá nghe mà mát lòng.”
An Yên mà, ai tiếp xúc với con bé đều cảm thấy yêu quý.
Tú đột nhiên hỏi mẹ. “Có cháu như An Yên mẹ có thích không?”
“Còn phải hỏi. Mẹ sẽ đem khoe khắp làng khắp xóm luôn ấy chứ.”
Dù là mẹ không hiểu theo ý của Tú nói, nhưng Tú cũng lấy lời nói đó làm động lực. Đêm qua về nhà, Tú đã suy nghĩ rất nhiều. Tú đã nói được nỗi lòng mình với Nhi thì càng không nên bỏ cuộc khi chỉ mới bắt đầu. Tú biết Tú đã cảm nhận được điều gì đó từ Nhi đêm hôm ấy. Không phải vì bị sốt mà Nhi mới hành động như thế. Những giọt nước mắt cùng với cái ôm giữa hai người đã nói với Tú rằng cơ hội của Tú không hẳn đã xuống con số 0, mà có thể đã tăng hơn trước.
Nhi đã từng nói nếu như chỉ có một phần trăm thì không nên bỏ cuộc, vậy thì bây giờ tại sao lại phải bỏ cuộc khi trái tim đang nói với Tú rằng cơ hội đã lớn hơn trước?
Sau đêm hôm qua Tú đã nhận ra một điều, rồi sẽ đến giây phút chúng ta bắt buộc phải đưa ra quyết định cho dù ta có sẵn sàng hay chưa. Thời gian trôi qua không đợi một ai. Đôi lúc chần chừ thì sẽ chạy theo không kịp. Tú đã lỡ xuất phát trễ một lần, vậy thì lần này Tú không đợi nữa. Tiếng còi đã thổi thì Tú sẽ xuất phát ngay.
Có điều là Tú không biết làm sao để Nhi chịu gặp mình.
***
An Yên đi học về liền chạy lên phòng lấy hộp bút màu của mình xuống dưới nhà ngồi vẽ tranh. Cả tuần nay chủ đề được học ở trường mầm non là gia đình nên cô giáo cho bài tập về nhà là vẽ gia đình của em.
An Yên vẽ mẹ trước. Mẹ mặc một cái đầm màu đỏ, tóc mẹ dài ngang lưng. Cạnh mẹ là bà. Bà mặc bộ đồ bộ con bé thường thấy mỗi ngày. An Yên thì mặc cái đầm hoa hướng dương mà Tú đã mua, đứng nắm tay mẹ. An Yên còn vẽ thêm một người nữa đứng cạnh mình.
Và dĩ nhiên người đó là Tú.
Gia đình của An Yên là như thế.
Lúc này Nhi đang đứng ướp cá để chiên cho bữa tối, bà ngoại lại xem An Yên đang vẽ gì. Thấy trong bức ảnh có thêm một người, bà cũng tò mò.
“An Yên vẽ thầy Đăng cạnh An Yên sao?” Bà hỏi con bé. An Yên ngẩng đầu lên, ngây thơ lắc đầu.
“Không ạ, đây là Tú.” Con bé quay xuống vẽ thêm một con chó cạnh Tú. “Tú là bác sĩ thú y nên An Yên vẽ thêm một em chó nữa ạ.”
“Bức tranh này có nghĩa gì vậy An Yên?”
“An Yên vẽ gia đình ạ.”
Mẹ Nhi nheo mắt, nhìn bức tranh An Yên vẽ thêm một hồi lâu rồi bỏ đi, để con bé tiếp tục. Đi vào nhà bếp, mẹ Nhi xắn tay áo lên rồi giúp Nhi rửa mấy con cá còn lại để ướp.
“Hôm nay Đăng bận hả con?” Mẹ hỏi.
“Hôm nay con muốn ở nhà với An Yên nên không hẹn gặp. Dù gì ngày mai cũng là ngày học đàn của con bé, cũng sẽ gặp.”
“Gặp nhau thường để trau dồi tình cảm. Ngày xưa mẹ và bố con ngày nào cũng tìm thời gian để gặp nhau.”
“Rồi cuối cùng bố cũng rời đi thôi mẹ ạ. Không phải cứ gặp thường thì tình cảm sẽ thắm thiết.”
Mẹ dừng không nói nữa và Nhi biết Nhi đã lỡ lời.
“Con xin lỗi. Con không cố ý nói như vậy.”
“Bố thương hai đứa lắm.” Mẹ nói nhẹ. “Chỉ là sau khi ông bà nội con mất cùng lúc, bố con luôn tìm đến bia rượu để giải sầu.”
Nhưng không có nghĩa là bỏ vợ con mà đi. Nhi muốn nói với mẹ nhưng không dám vì sợ mẹ thêm buồn. Từ lúc bố đi đến giờ cũng đã mười mấy năm rồi. Nhi không biết bây giờ bố ở đâu, và có lẽ bố cũng đã có gia đình mới. Mẹ thì luôn chờ bố từ lúc ấy, nhưng Nhi nghĩ giờ đây mẹ cũng đã không còn tha thiết nữa. Trong ba mẹ con, có chị là người giận bố nhất. Chị không muốn nhắc về bố cũng như là muốn thấy mẹ đau buồn vì bố.
Bữa tối đó Nhi cảm nhận được mẹ có chút buồn. Dù sao đi chăng nữa, bố cũng là người mẹ từng chung sống. Yêu thì không biết còn hay không, nhưng những tháng năm bên nhau dẫu sao cũng có nhiều kỷ niệm. Một người con gái từng này tuổi như Nhi, chưa dám đi vào mối quan hệ nào cũng một phần do chuyện của bố mẹ. Rồi sau khi biết được Hạ, và có An Yên, Nhi lại càng không màng đến chuyện yêu đương. Có lẽ Nhi thành lập công ty Sợi Chỉ Đỏ cũng vì muốn thấy được những câu chuyện tình yêu đẹp, để mình có thể xây dựng lại niềm tin trong tình yêu qua những người xa lạ.
Lúc Nhi vào lau phòng cho An Yên, con bé khoe bức tranh gia đình với Nhi. Vừa nhìn vào hình vẽ Nhi liền biết người thứ tư trong tranh là ai. Còn ai vào đây ngoài Tú chứ.
“An Yên vẽ gia đình đó mẹ.” Con bé nói. “Có bà, có mẹ, có bố, có An Yên.”
Không phải con bé vẽ Tú sao?
“Đây là Tú phải không An Yên?” Nhi chỉ vào người đứng cạnh An Yên.
“Dạ là Tú đấy ạ.”
“Thế ai là bố trong đây?”
“Tú là bố của An Yên.” Con bé nói chắc nịch.
Nhi bị ngạc nhiên với lời nói đó của con bé. “An Yên có hiểu bố là như thế nào không? Tú không phải là bố của con và cũng không thể làm bố của con.”
“Tú nói với An Yên bố cũng như mẹ ạ. An Yên đã có mẹ rồi nên An Yên muốn có bố.”
Nhi chống cái cây lau nhà vào tường rồi lại bế An Yên ngồi vào lòng mình. “Bố là...là một người như thầy Đăng đó An Yên. Không phải như Tú. Con có hiểu không?”
An Yên nhìn xuống bức tranh của mình, chau mày rồi nói với Nhi. “Không được, thầy Đăng không làm bố của An Yên được. An Yên đã vẽ Tú rồi.”
“Tại sao An Yên lại nghĩ Tú là bố của An Yên vậy? Thường thì người ta chỉ dùng từ này để cho nam giới thôi con à.”
“Vì An Yên muốn có bố thương, mà Tú thương An Yên lắm ạ.”
“Nếu như...một người giống thầy Đăng làm bố của con, thì con chịu không?” Nhi thử hỏi con bé.
“Vậy mẹ có chịu không mẹ?” An Yên hỏi ngược lại Nhi.
Nhi không trả lời được cho con bé.
“An Yên muốn Tú thôi. Tú làm bố của An Yên không sao đâu mẹ ạ. Cả nhà mình thương nhau là được.”
Trời đất, thật là bà cụ non mà.
Nghe con bé nói làm Nhi có chút xiêu lòng.
Chẳng mấy khi con bé thích một người đến vậy. Và con bé nói đúng, vì cái từ bố cũng chỉ là một cái tên gọi. Người sinh ra mình tuy là bố của mình nhưng cũng không hẳn là “bố“. Gọi ai là bố hay mẹ thì cũng phải tuỳ trường hợp. Hai cái tên gọi thân thương và lớn lao đó nên dành cho những ai xứng đáng.
Nghe An Yên gọi Tú là bố thì thật ra cũng đáng yêu, cũng mang đến cảm giác ấm lòng cho Nhi. Trẻ con đúng là trong sáng và luôn có những ý nghĩ ngây thơ nhất. Thật tiếc khi lớn lên chúng ta đã phải đánh đổi sự ngây thơ đó với đời.
“An Yên à, mẹ dặn nè, trước mặt bà con đừng gọi Tú là bố hay nói Tú là bố nhé. Bà sẽ không vui đâu.”
“Sao An Yên có bố mà bà không vui hả mẹ?” Con bé hỏi.
“Mẹ không cấm con gọi Tú là bố. Con gọi Tú là gì cũng được vì đó là ý muốn của con. Nhưng vì đối với người lớn, từ đó dùng lung tung sẽ gây ra hiểu lầm. Bà sẽ không hiểu vì sao con lại gọi Tú là bố đâu.”
“An Yên sẽ giải thích cho bà nghe.”
“Không được đâu An Yên. Nghe lời mẹ, bà nghe thì sẽ không vui đâu.”
Con bé thở một hơi dài như đang nghĩ sao mà người lớn lại rắc rối quá.
Nhi suy nghĩ đến sinh nhật của An Yên sắp tới. Những năm trước do An Yên còn nhỏ nên Nhi và mẹ chỉ chở con bé đi chơi một vòng rồi về nhà thổi nến. Năm nay, An Yên muốn mời các bạn đến dự, và chắc chắn con bé muốn Tú phải có mặt. Nhi không thể nào không mời Tú.
Đúng là An Yên luôn kéo Tú và Nhi lại gần nhau trong khi Nhi thì cố gắng chạy trốn.
Con bé đi cất bức tranh vào ba lô để ngày mai còn nộp cho cô giáo. Nhi cũng tiếp tục lau dọn, vừa lau mà vừa nghe con bé ngân nga câu hát “Bố là tất cả, bố ơi bố ơi...”
***
Vào trưa chủ nhật, Tú nhận được một tin nhắn từ Nhi. Đó là tin nhắn về sinh nhật của An Yên.
Ngày mai, thứ hai, lúc 6 giờ 30 chiều em sẽ làm tiệc sinh nhật cho An Yên. Tú muốn đến thì cứ tự nhiên.
Nhi chỉ nhắn như thế.
Tú sẽ đến. Tú nhắn trả lời. Sinh nhật An Yên thì Tú nhất định phải đi.
Cả buổi trưa Tú cứ suy nghĩ về quà cho An Yên. Không biết tặng gì thì con bé sẽ thích. Quần áo thì không có gì đặc biệt, đồ chơi thì chắc sẽ được tặng nhiều. Nghĩ đi nghĩ lại mãi cuối cùng cũng quyết định được sẽ tặng gì cho An Yên.
Con thỏ xám của An Yên chắc sẽ cần thêm một người bạn. Do con thỏ đó được Nhi làm tặng An Yên nên Tú cũng muốn tự tay làm tặng con bé một con thú bông khác. Tú lên mạng tìm hiểu, thấy người ta cũng có chỉ cách làm sao để may một con thú bông. Đợi đến khi bệnh viện vắng khách, Tú giao cho Linh rồi chạy ra chợ để mua một số đồ cần thiết như vải, bông gòn và kim chỉ.
Tú sẽ làm cho An Yên một con gấu màu nâu.
Từ đó đến giờ Tú chưa tự tay may vá một cái gì, vì không có thời gian hay có đủ kiên nhẫn. Lần này Tú không biết con gấu bông này sẽ mất bao nhiêu thời gian để làm. Chỉ còn có hai ngày nữa. Dĩ nhiên Tú có thể ra ngoài mua cho tiện, nhưng Tú vẫn muốn tự tay mình làm nó hơn vì như vậy Tú có thể gửi gắm yêu thương vào đó.
Dạo này Tú về nhà trễ hơn thường ngày vì tình hình của Khoai Mì, bé chó của vị khách có tóc màu xanh cũng không khá hơn là bao. Bé còn quá nhỏ nên Tú cũng không biết có qua khỏi hay không. Khuê, vị khách đó, ngày nào đi làm về cũng ghé bệnh viện thăm bé đến lúc Tú đóng cửa. Khi Khuê ra về, Tú cũng phải nán lại đến tối khuya mới rời bệnh viện rồi lên nhà tắm rửa và đi ngủ. Thế nên mấy ngày qua trôi qua rất nhanh với Tú.
Hôm nay, khi Khuê ghé qua có mua xôi cho tất cả mọi người ở bệnh viện để mời. Khuê đứng nhìn Khoai Mì từ ngoài qua tấm cửa kính, lâu lâu Tú thấy có đưa tay lên quẹt nước mắt.
“Khuê nên...chuẩn bị tâm lý.” Tú đến bên cạnh, đưa cho Khuê bịch khăn giấy Tú mang trong túi áo khoác.
“Khoai Mì về ở với mình chưa được một tháng nữa. Định là khi đủ lớn mới đưa đi chích ngừa nhưng ai ngờ con lại bị bệnh trước khi mình đưa đi. Là lỗi của mình.”
“Đây là chuyện không ai muốn xảy ra nên Khuê đừng tự trách mình.” Tú khuyên.
“Bạn hay thật đó Tú.” Khuê nói. “Hồi đó mình cũng đã từng nghĩ theo ngành thú y, nhưng rồi tưởng tượng đến những lúc mình phải đối mặt với cái ch.ết của các con thì mình không làm được.”
“Mình cũng đã từng nghĩ là đã chọn sai nghề, nhưng nhờ một người mà bây giờ mình đã nghĩ theo hướng tích cực hơn rồi. Cô ấy đã nói với mình rằng tuy mình không thể cứu hết tất cả, nhưng chỉ cần cứu được một bé thì cũng đã thay đổi được thế giới của nó. Mình nhận ra rằng mình không phải siêu nhân. Nếu mình đã làm hết khả năng của mình thì mình sẽ không thẹn với lòng.”
“Mình khâm phục bạn và tất cả các bác sĩ khác.” Khuê nói, rồi quay mặt rời đi. Khuê nói lời chào tạm biệt với Tú và ra về ngay lúc đó. Có lẽ nếu đứng nhìn Khoai Mì thêm một chút nữa thôi thì sẽ không chịu được.
Đêm đó, Tú ở lại bệnh viện để tiện trông Khoai Mì. Tú lên mạng xem cách người ta dạy làm gấu bông để làm. Tú cắt vải, rồi may theo chỉ dẫn. Do may bằng tay nên tốn khá nhiều thời gian. Tú lại không quen với việc may vá nên có hơi vụng về, các đường chỉ đi không đều. An Yên chắc sẽ không chú ý đến, nhưng nếu Nhi nhìn chắc sẽ cười Tú mất.
Chẳng biết tại sao lại chọn con gấu. Có thể vì nó dễ làm nhất trong các chỉ dẫn. Cũng có thể Tú cảm thấy nó trông hợp với con thỏ xám của An Yên.
Tú đẩy cây kim qua miếng vải và không may đâm trúng ngón tay. Tú giựt ra theo phản xạ tự nhiên rồi lắc tay cho đỡ đau. Tú chỉ giỏi may vá vết thương, may vá những thứ khác thì rõ ràng là không có giỏi.
Cặm cụi chăm chú làm trong hơn 3 tiếng đồng hồ, Tú cũng đã làm xong cái đầu của con gấu. Tú đi ra xem Khoai Mì như thế nào rồi quay vào tiếp tục. Bây giờ là hơn 11 giờ. Tú đoán chắc cũng phải 2 tiếng nữa mới xong. Tú phải có kiên nhẫn.
Và rồi sự kiên nhẫn đó cũng đã được đền đáp. Thành quả là một con gấu bông màu nâu tuy không đẹp cho lắm nhưng có lòng.
Thấy đã làm xong quà cho An Yên, Tú yên tâm lên chiếc giường trong phòng làm việc để ngủ. Ngày mai Tú lại được gặp hai người con gái mà từ lúc nào đã trở nên quan trọng với Tú.
Tú nhắm mắt, với nhiều mộng ước cho ngày mai.
***
Thứ hai ngày 10 tháng 5.
Đồng hồ tích tắc quay vòng. Đã là 6 giờ chiều. Còn 30 phút nữa là tiệc sinh nhật An Yên bắt đầu.
Khoai Mì đang thoi thóp. Có lẽ bé không còn lâu nữa.
Tú gọi cho Khuê, báo tin để Khuê có thể chạy đến kịp. Khoảng 6 giờ 15 phút, Khuê chạy đến nơi. Khoai Mì bây giờ đang thở gấp, chỉ nằm một chỗ.
Khuê vào ôm Khoai Mì, biết sẽ không còn bao lâu nữa. 6 giờ 20 phút. Tú nghĩ mình sẽ phải đến trễ một chút.
6 giờ 35 phút, Khoai Mì mở mắt, ɭϊếʍƈ tay Khuê.
6 giờ 37 phút, bé trút hơi thở cuối cùng.
Khuê ôm Khoai Mì khóc ngất, Linh không cầm được nước mắt nên chạy ra ngoài. Chỉ còn Tú cứng rắn đứng đó. Trong những lúc này khách hàng rất cần bác sĩ là người bình tĩnh.
Tú đi lại, vỗ vai Khuê. “Khuê xem như bé đã hết đau đớn rồi.”
Khuê lắc đầu, đặt Khoai Mì xuống bàn. “Lỗi tại mình hết.”
“Bé cũng không muốn Khuê đau buồn như thế này đâu. Bé có thể cảm nhận được Khuê thương bé thế nào mà.”
Rồi Khuê xoay qua, ôm chầm lấy Tú. Lúc này, Khuê càng khóc dữ dội hơn. Tú không biết làm gì ngoài cho Khuê mượn bờ vai và vỗ lưng an ủi.
6 giờ 45 phút.
Buổi tiệc chắc đã bắt đầu.
Khuê ôm Tú trong một thời gian khá lâu mới có thể bình tĩnh trở lại. Tú đỡ Khuê lại ngồi ghế, rồi vào nhà bếp pha cho Khuê một ly trà nóng. Khi mang trà vào phòng, Tú thấy Khuê ngồi thẫn thờ nhìn người bạn vừa mất của mình. Tú đưa ly trà cho Khuê và tìm một cái khăn đắp qua Khoai Mì. Khuê không nên nhìn nữa.
“Mình phải làm gì với thi thể của bé đây?” Khuê hỏi, đôi mắt đã đỏ vì khóc.
“Khuê có thể tự mang chôn bé, hoặc là hoả táng bé. Hoả táng thường là cách khách hàng của mình hay chọn.”
7 giờ.
“Nhà mình không có đất để chôn Khoai Mì, nên chắc là sẽ chọn hoả táng. Giờ này có chỗ nào làm việc không?”
“Khuê đợt chút, Tú vào văn phòng tìm những tấm danh thiếp.” Tú nói rồi vào mở hộc bàn tìm, vì Tú nhớ rằng có một nơi làm việc đến tận tối. Cầm mớ danh thiếp lên xem từng cái, Tú cũng tìm được địa chỉ đó.
“Có chỗ này mở cửa đến 8 giờ.” Tú đưa cho Khuê xem.
“Mình đi liền được không Tú? Tú có đi với Khuê được không? Lần đầu tiên phải làm việc này, mình không rõ phải làm gì.” Khuê nói trong buồn bã.
Đồng hồ chỉ 7 giờ 8 phút.
Đã trễ hơn nửa tiếng, nhưng Tú có trách nhiệm với khách hàng.
“Cũng được. Vậy để Tú cho Khuê mượn cái chuồng để bỏ bé vào. Mình đi mau không họ đóng cửa.”
Cho Khoai Mì vào chuồng, Tú đi cùng Khuê đến nơi hoả táng. Tú chạy xe máy cho tiện dẫn đường Khuê chạy theo sau. Đến nơi, họ cũng đã gần nghỉ nên không còn khách hàng nào khác. Lúc đưa Khoai Mì cho người ta, Khuê như muốn gục ngã.
Tú lại phải cho mượn bờ vai thêm một lần nữa.
Sau khi hoả táng, người ta mang ra cho Khuê một cái bao trong đó có đựng cốt. Khuê quyết định mang cốt của Khoai Mì ra bờ sông thả để con được thanh thản. Tú đi theo bởi Tú không cảm thấy an tâm nếu Khuê đi một mình.
8 giờ 10 phút.
Khuê thả từng nắm cốt xuống sông. Hai mắt Khuê sưng lên vì khóc. Có nhiều cuộc chia tay không hề dễ dàng, nhất là khi chia tay và biết sẽ mãi không thể gặp lại.
Khuê nói lời cảm ơn Tú vì đã ở với Khuê đến lúc này. Hai người nói lời chào tạm biệt và Khuê lên xe chạy đi.
Tích tắc, tích tắc...
Tú cũng chạy thật nhanh về bệnh viện để lấy con gấu mình đã làm cho An Yên. Tú đã gói nó vào một cái bao đẹp và chuẩn bị kĩ càng.
Về đến bệnh viện là 8 giờ 50 phút, Tú đã trễ hơn 2 tiếng. Tú cầm điện thoại gọi cho Nhi để báo rằng mình đang đến nhưng không ai bắt máy.
Không biết An Yên có giận Tú không. Hôm nay chuyện của Khoai Mì xảy ra đột xuất quá. Chuyện này nảy sinh ra chuyện kia, cuối cùng đã phải trễ hẹn với An Yên.
Đã vậy trời còn lấm tấm rơi hạt vào lúc này.
Tú không có thời gian chạy tìm mua áo mưa, thế nên Tú mặc kệ và cứ chạy. Khi trời đổ hạt nặng hơn thì Tú phải cho bịch quà có con gấu bông vào trong áo của mình, che mưa cho nó.
Tú có thể ướt, nhưng con gấu bông thì không thể.
Món quà của An Yên thì không được ướt.
***
An Yên cứ ngóng ra ngoài cửa đợi một người.
Hôm nay là sinh nhật của An Yên. Con bé chính thức lên năm.
Vào mỗi lần sinh nhật của An Yên, Nhi đều cùng con bé đốt một hũ nến để tưởng nhớ về Hạ. Con bé biết vào ngày này năm năm trước mẹ Hạ đã phải đau đến thế nào để mang con bé vào đời.
Cứ mỗi dịp sinh nhật, An Yên đều nói bên ánh nến rằng, “Cảm ơn mẹ Hạ đã cho An Yên đến với mẹ Nhi.”
Bạn bè của An Yên tại trường đã đến đủ. Con bé chỉ mời một số bạn hay chơi chung trong lớp. Minh Châu đến, rất tò mò về Tú. An Yên đã có nói rằng sẽ cho Minh Châu thấy bố của mình.
Vậy mà giờ này chưa thấy Tú.
Khi Minh Châu thấy Đăng đến, Minh Châu đã tưởng đó là Tú.
“Phải bố của cậu không?” Minh Châu hỏi.
An Yên lắc đầu. “Không phải. Bố của tớ là con gái, còn thầy là con trai.”
Minh Châu chau mày ngẫm nghĩ rồi kết luận, “Bố của cậu đặc biệt thế.”
An Yên đồng ý với Minh Châu. Tú là một người đặc biệt và Tú đối với An Yên cũng rất đặc biệt.
Nhưng sao người đặc biệt đến giờ vẫn chưa xuất hiện.
Nhi nhìn thấy An Yên cứ nhìn ra cửa. Nhi biết con bé đang trông Tú đến.
Đã trễ rồi, mọi người cũng đã vào tiệc, vậy sao vẫn chưa thấy Tú?
Nhi lấy một cái đĩa để chừa lại một phần thức ăn cho Tú để Tú có đến trễ thì còn đồ ăn để dùng. Đăng chiều nay cũng rất sốt sắng, giúp Nhi nấu nướng và làm trò vui cho mấy đứa nhỏ. An Yên nhờ vậy mà có phần nào vui hơn. Mẹ đứng nhìn rất hài lòng.
Nhi chắc chắn, mẹ đã suy nghĩ đến viễn cảnh xa xôi.
Khi An Yên và bạn ăn tiệc xong, Nhi đã hối An Yên thổi nến và cắt bánh để các bạn được ăn, nhưng con bé chần chừ, đưa mắt nhìn ra cổng.
Trời mưa rồi, Tú vẫn chưa đến. Chắc là sẽ không đến.
“An Yên đợi Tú được không mẹ?” Con bé hỏi nhỏ.
“Các bạn sắp phải về rồi, con phải cắt bây giờ để mời các bạn.” Nhi vuốt đầu con bé. “Mẹ sẽ để một lát bánh cho Tú.”
Nghe mẹ nói như vậy, An Yên mới chịu đi thổi bánh. Nhi cắm năm cây nến vào chiếc bánh dâu. Con bé liền nhắm mắt lại và chấp tay cầu nguyện khi nến được thắp lên. Năm ngoái khi được hỏi, An Yên đã cầu nguyện cho sinh nhật năm tuổi đến thật mau.
Không biết năm nay con bé cầu nguyện cho điều gì.
Màn thổi nến được góp sức bởi các bạn của An Yên. Nhi mang bánh đi cắt, vì bánh to nên đủ cho mỗi người một miếng. Nhi cẩn thận để một lát qua đĩa để chừa phần cho Tú và để nó vào góc cùng với phần ăn Nhi đã chuẩn bị lúc nãy.
An Yên đi ra ngoài cổng nhìn. Trời mưa một chút và giờ đã tạnh. Con bé có chút thất vọng vì hôm nay không thấy Tú. Minh Châu cứ hỏi nên An Yên càng cảm thấy buồn hơn khi không có bố để khoe. An Yên đã chờ đến ngày hôm nay suốt mấy hôm rồi cơ mà. Hôm nay còn mặc chiếc đầm hoa hướng dương Tú tặng.
Đăng đến cạnh An Yên và cúi xuống hỏi.
“Sao An Yên buồn thế? Sinh nhật phải vui lên chứ.” Nói rồi Đăng lấy tay thọt lét để làm con bé cười. An Yên chạy trốn, Đăng đùa giỡn đuổi theo. Các bạn của An Yên thấy vui nên chạy lại cùng chơi. Đăng một mình giỡn với cả nhóm con nít. Nhờ Đăng làm trò mà An Yên đã cười. Từ lúc bữa tiệc bắt đầu đến giờ An Yên mới cười lớn.
Trong giây phút nho nhỏ đó, An Yên không còn buồn vì Tú nữa.
***
Tú vừa đến nơi đã thấy. An Yên đùa giỡn rất vui bên cạnh Đăng.
Nếu phải dùng một từ để diễn tả tâm trạng của Tú lúc này, thì có lẽ là chạnh lòng.
Rồi cảm xúc tiếp theo là ganh tỵ.
Tú lại trễ một bước nữa rồi, và lần này cũng phải tự trách mình. Sinh nhật An Yên quan trọng như vậy mà cũng đến trễ.
Thấy Đăng và An Yên đang đùa vui như vậy, Tú cảm thấy mình thật vô dụng. Bây giờ, có bước vào thì cũng dư thừa mà thôi. Dù sao cũng đã trễ, thôi thì cứ xem như chưa có mặt.
Tú định quay lưng ra về, nhưng lại nhớ gói quà mình đang cầm trên tay. Đã bỏ nhiều công sức vào con gấu này, không dự sinh nhật thì ít ra cũng phải tặng quà.
Tú nhìn vào trong nhà, không thấy Nhi đâu, chỉ thấy bây giờ Đăng vừa bế An Yên lên và quẹt một vệt kem lên mặt con bé. Tú có thể nghe được tiếng cười khúc khích.
Kẹp nhỏ bịch quà lại, Tú đặt nó vào trong sân len qua lỗ hổng của cổng nhà. Tú đưa mắt nhìn vào trong lần cuối, An Yên đang vẫn rất vui. Hôm nay, An Yên không cần Tú.
Chấp nhận, Tú lên xe chạy về trước khi có ai phát hiện ra món quà được đặt trong sân.
Món quà với câu chúc được Tú cột vào con gấu nâu.
Gửi tặng An Yên của Tú,
Tú chúc con mọi điều tốt đẹp nhất.
Cảm ơn con đã mang đến nhiều niềm hạnh phúc ngọt ngào cho Tú trong những ngày qua.
Cảm ơn con, bầu trời nhỏ.
Vì ở trong bầu trời của con, Tú đã tìm được mặt trời của mình.
-Hết chap.16-